Truyện Kiều là một trong những tác phẩm kinh điển nhất trong văn học Việt Nam, gồm 3254 câu thơ được viết theo thể lục bát mang đậm âm hưởng của ca dao truyền thống. Nội dung dựa theo tác phẩm văn xuôi lãng mạn Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 của Thanh Tâm tài nhân 青心才人 người đời Thanh, Trung Quốc, song vẫn phản ánh sâu sắc tinh thần dân tộc với những giá trị truyền thống của người Việt Nam.

Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm. Văn bản cuối cùng của Truyện Kiều có lẽ cũng đã được tìm thấy và về mặt lịch sử mà nói tác phẩm này chưa bao giờ được in ra ngoại trừ những phiên bản khắc gỗ. Những học giả gần đây đã hé lộ những phiên bản Nôm khác nhau của Truyện Kiều, trong đó tiêu biểu là:

- Bản Liễu Văn đường năm 1866: Được phát hiện và sưu tầm năm 2004 tại gia đình…

 

 

 

Trang trong tổng số 2 trang (12 bình luận)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tổng vịnh Truyện Kiều của Thập thanh thị

Có người hỏi ta rằng: Thuý Kiều có người thực không? Ta đáp lại rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có truyện Thuý Kiều? Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hoá không ai dò được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nắng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào cứ giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượm đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ, ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thuý Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.

Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả; cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đối chất ở phủ đường, lúc đã đâm đầu xuống Tiền đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa uỷ mỹ, vừa đốn toả, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, uỷ mỹ, đốn toả, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì Thuý Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy.

Khổng Tử nói rằng: “Tiểu tử sao không học Kinh thi, Kinh thi có thể xem xét được biến cố, có thể hưng khởi được lòng người, có thể biết lẽ ở đời, có thể hả hê được những nông nỗi uất ức ở trong lòng”. Mạnh Tử có nói rằng: “Ai khéo đọc Kinh thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời, không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ nhân mà hiểu được, thế là được”. Ai đọc truyện Kiều mà hiểu được những lời nói ấy, thì cái người mà ta gọi là Thuý Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp được vậy.


Tháng hai năm Mậu Tí, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Cẩm Đàm trang thứ.
Phong tuyết chủ nhân Thập thanh thị

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
53.80
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Độc thoại nội tâm - hình thức giao tiếp đặc biệt trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.(1)

I. DẪN NHẬP:

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Trong giao tiếp, con người giao tiếp với nhau thì có giao tiếp một chiều và giao tiếp hai chiều. Trong giao tiếp một chiều chỉ có một bên nói còn bên kia tiếp nhận, không phát biểu. hình thức này thường gặp ở nhữnh mệnh lệnh, lời khấn và ngày nay trong diễn văn và lời của phát ngôn viên truyền thanh, truyền hình. Trong hoạt động giao tiếp thường diễn ra các hình thức hội thoại như: song thoại, tam thoại, đa thoại.... còn có hình thức hội thoại đặc biệt mà chúng tôi đề cập đến trong tiểu luận này là vấn đề giao tiếp bằng hình thức độc thoại, mà là độc thoại nội tâm. Có thể nói một cách khái quát rằng, độc thoại là chỉ có một nhân vật phát biểu còn các nhân vật khác chỉ nghe nhưng không phát biểu, không có lời đáp lại; còn chuíng tôi nói ở đây là độc thoại nội tâm, tức là lời tự nhủ, tự mình nói với mình của các nhân vật. Nếu đối thoại là hình thức giao tiếp sử dụng hình thức nói năng giữa người này với người khác thì độc thoại là dạng giao tiếp đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với chính mình. Mà qua lời độc thoại đó người tiếp nhận ngôn bản (người đọc) có thể hiểu được tâm trạng nhân vật dù đó chỉ là kiểu ý nghĩ – tư duy bằng ngôn ngữ thầm.

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tác giả đã tập trung ngòi bút của mình váo nhân vật chính là Thuý Kiều phục vụ cho việc biểu hiện tình cảm nhân đạo cao cả của ông đối với nàng Kiều. Ngoài nhân vật chính, ông lại xây dựng được hàng loạt nhân vật có cá tính và đã trở thành nhân vật điển hình trong văn học: Kim Trọng,Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh.... Ngay cả những nhân vật tưởng như rất phụ chỉ được nêu ra trong một số câu thơ, Nguyễn Du cũng để lại cho người đọc những hình ảnh khó quên qua những màn, những cuộc hội thoại trong tác phẩm. Chúng ta có thể tìm trong tác phẩm của Nguyễn Du rất nhiều hình thức hội thoại: đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại, đối thoại giữa người âm và người dương, đối thoại trực diện và đối thoại gián tiếp... Nhưng, có một hình thức đối thoại đẳc biệt là độc thoại nội tâm. Có thể nói độc thoại nội tâm là một hình thức đặc biệt trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, là vấn đề phong phú,hấp dẫn cho chúng ta đi tìm hiểu. Bằng sự thu nhặt những mớ kiến thức tản mạn của các giáo sư đầu ngành làm thành tư liệu riêng của mình mà làm thành tập tiểu luận nhỏ nhoi, tự nghĩ cũng hổ thẹn với bỉ nhân!. Mong rằng tập tiểu luận sẽ là một tài liệu nho nhỏ cho bạn đọc tham khảo và rất mong sự đóng góp, nhận xét của bạn đọc để tập tiểu luận được thêm hoàn chỉnh.

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
14.00
Ảnh đại diện

Độc thoại nội tâm - hình thức giao tiếp đặc biệt trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.(2)

II. NỘI DUNG:

1. Đi tìm nghĩa ngữ “độc thoại nội tâm”:

Độc thoại nội tâm là gì?

Trước hết, trong nghệ thuật tự sự, ngoài lời gián tiếp của người kể còn có lời trực tiếp của nhân vật. theo lí thuyết phong cách học hiện đại, lời trực tiếp của nhân vật được thuật lại dưới bốn dạng thức sau:
a. Dạng có dẫn ngữ trực tiếp:
Nó giật mình rồi nói với mình:” Mình sai rồi”
b. Dạng có dẫn ngữ gián tiếp:
Nó giật mình rồi nói với chính mình là nó đã sai rồi
c. Dạng gián tiếp tự do:
Nó giật mình, nó thấy sai rồi.
d. Dạng trực tiếp tự do:
Nó giật mình. Nó sai rồi.

Dạng thứ tư là dạng tiền đề để xuất hiện độc thoại nội tâm. Bởi vì điều kiện thứ nhất để xuất hiện độc thoại nội tâm là nhân vật tự do nói lời của mình một cách trực tiếp, nguyên vẹn, thoát khỏi mọi ràng buộc của lời gián tiếp của người kể, không có chỉ dẫn, dẫn dắt. Đồng thời độc thoại nội tâm cũng cần đặt trong ngữ cảnh của lời nói gián tiếp, nếu không thì nó khác chi lời trần thuật theo ngôi thứ nhất?. Điều kiện thứ hai là nó khác với lời độc thoại. độc thoại là lời nói một mình, trước và sau không có lời nào của ai khác nhưng người thứ ba đó đang nghe, nghe mà không trả lời như trong kịch và trong phim. Còn độc thoại nội tâm là lời độc thoại dùng vào việc miêu tả quá trình ý nghĩ trong nội tâm, và là lời nói thầm kín, viết ra để đọc chứ không nhằm nói ra thành tiếng như trong kịch mà người đọc qua đó có thể tiếp xúc được, hiểu được tâm trạng của nhân vật độc thoại nội tâm. Như vậy, lời trực tiếp tự do là hình thức đầu tiên của độc thoại nội tâm.

Thứ hai, dòng ý thức cũng là một hình thức của độc thoại nội tâm, nhưng là độc thoại nội tâm với một sự tự do liên tưởng, không có mục tiêu đặc biệt nào; nó xuất hiện theo dòng ý thức, tâm trạng của nhân vật.

Thứ ba, lời nửa trực tiếp cũng là hình thức của độc thoại nội tâm. Đó là bao gồm lời nói không chỉ phát ra lời của nhân vật, lời nửa trực tiếp, nơi mà tác giả nhân danh mình, nhưng lại nắm bắt từ ngữ và ngữ điệu của nhân vật, và lời độc thoại nội tâm, trong đó tiếng nói của nhân vật dường như được tách ra làm hai tiếng nói tranh cãi nhau; và hàng loạt lời suy luận chặt chẽ, hoặc lời mang những ý nghĩ mù mờ hỗn loạn. Tất cả những hình thức đó giúp cho nhà tiểu thuyết tái hiện một cách chân thực, không giản đơn sơ lược toàn bộ thế giới tâm hồn, trí tuệ của nhân vật ngày càng trở nên phức tạp và thường là mâu thuẫn. Như vậy, lời nửa trực tiếp có thể hiểu là lời của người kể chuyện mà cũng có thể hiểu là lời của nhân vật. Nói cách khác nó có hai tính chất: tính trực tiếp về nội dung, nó chứa thực ý và kiểu giọng của nhân vật; và được tác giả phát ngôn, viết như văn gián tiếp. Với cách hiểu như thế, thiết nghĩ có thể nói rẳng, lời nửa trực tiếp có hình thức truyền đạt là gián tiếp, không có lời chỉ dẫn, dẫn ngữ, không đặt sau hai chấm và trong ngoặc kép như một dẫn ngữ; hình thức lời thuật nhưng nội dung và ngữ điệu hoàn toàn là của nhân vật. Nói cách khác, chủ thể của lời nói là người kể, mà chủ thể ý thức của lời nói là nhân vật.

Tóm lại, ba tiền đề để xuất hiện độc thoại nội tâm là lời nói trực tiếp tự do, dòng ý thức và lời nửa trực tiếp của nhân vật. Từ cách hiểu độc thoại nội tâm như thế, ta có thể đi tìm trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du những hình thức độc thoại nội tâm đó.

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Độc thoại nội tâm - hình thức giao tiếp đặc biệt trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.(3)

2. Độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

2.1. Lời trực tiếp tự do trong Truyện Kiều:

Chúng ta hãy đọc đoạn Vương Quan kể chuyện Đạm Tiên như sau:

Vương Quan mới dẫn gần xa
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
Nổi danh tài sắc một thì
Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh
Phận hồng nhan quá mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
Có người khách ở viễn phương
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.
Buồng không lặng ngắt như tờ
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh
Khóc than khôn xiết sự tình
Khéo vô duyên bấy là mình với ta!
Đã khong duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau
Sắm sanh nếp tử xe châu
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa…

Đây là lời kể trực tiếp của nhân vật Vương Quan, nhưng đặc biệt là trong đó, đã xuất hiện lời độc thoại nội tâm của người khách viễn phương:

Khéo vô duyên bấy là mình với ta
Đã không duyên trước chăng mà
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.

Lời này không có chỉ dẫn dẫn ngữ, lại là lời trực tiếp của người khách nói ý nghĩ, ý nguyện của mìnhđể lẫn trong lời của Vương Quan. Câu “ Khóc than khôn xiết sự tình” chỉ là lời tự sự, ý vị chỉ dẫn hầu như bị mờ hoàn toàn. Chữ “mình” với “ta” là cách xưng hô thân mật riêng của người khách và người chết. Các chữ”Đã không duyên trước…Thì chi…duyên sau” là dấu hiệu của lời khấn. tuy có vẻ là lời nói với người chết, nhưng thật ra là nhân vật nói với mình, nói một mình. Đây hoàn toàn là lời độc thoại nội tâm tiêu biểu, nó nói lên khả năng xuất hiện độc thoại nội tâm trong dòng lời kể theo ngôi thứ nhất, một cái”tôi” nhân vật xuất hiện trong ngữ cảnh của dòng tự sự theo ngôi thứ nhất.

Đoạn Kim Kiều gặp gỡ có những câu:

Kim từ quán khách lân la
Tuần trăng thấm thoát nay đã thêm hai
Cách tường khoảng buổi êm trời
Dưới đào dường có bóng người thướt tha
Buông cầm, xốc áo, vội ra
Hương còn thơm nức người đà vắng tanh
Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa
Giơ tay với lấy về nhà
Này trong khuê các đâu mà đến đây?
Gẫm đâu người ấy báu này
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm
Liền tay ngắm nghía biếng nằm…

Trong đoạn thơ trên thì câu: “ Dưới đào dường có bóng chiều thướt tha” và “ Hương còn thơm nức người đà vắng tanh” hay “ Này trong khuê các đâu mà đến đây?/ Gẫm âu vật ấy, báo này / Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm” là lời độc thoại nội tâm của nhân vật Kim Trọng. Có thể viết trứơc những câu đó mấy chữ:” Kim Trọng nghĩ bụng” thì sẽ rõ ràng. Nhưng thông qua đoạn trích, ta có thể hiểu những câu ấy là suy nghĩ thầm của Kim Trọng. Đó là lời trực tiếp tự do trong đoạn trích, trước và sau kông có lời nào khác, nó dùng để miêu tả quá trình ý nghĩ trong nội tâm, đó là lời thầm kín.

Hay trong đoạn kể Kiều bị bắt cóc, Thúc ông tưởng Kiều đã chết cháy:

Ngay tình ai biết mưu gian
Hẳn nàng thôi, lại còn bàn rằng ai!
Thúc ông sùi sụt ngắn dài…

Đoạn kể Kiều bị bắt về nhà Hoạn Bà:

Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất, lau đài nào đây?
Bàng hoàng giở tình, giở say…

Hai câu giữa trong hai đoạn trích này đều là lời trực tiếp tự do với ngữ diệu nói, ý thức người nói khác hẳn với lời trần thuật, làm cho lời trần thuật chủ thể hoá. Lời nói của nhân vật không cần lời dẫn mà trực tiếp tự do, tự do trong thể hiện suy nghĩ của mình.

Không chỉ lời trần thuật của tác giả biến thành lời trực tiếp tự do của nhân vật trở thành trần thuật chủ thể hoá, mà đối thoại của nhân vật cũng được dộc thoại hoá. Ví dụ như đoạn Kim Trọng được tin chú mất, phải về hộ tang, bèn sang chỗ Thuý Kiều tự tình:

Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,
Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi.
Sự đâu chua kịp đôi hồi,
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ.
Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Ngoài nghìn dặm, chóc ba đông…
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.
Gìn vàng, giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Hai dòng đầu là thuật sự việc xảy ra và phản ứng của Kim Trọng. Hai dòng tiếp theo là tóm lược nội dung những lời Kim Trọng thông báo tình cảnh của mình cho Kiều nghe. Đây là hình thức rất mới, bởi như ta biết, vào trường hợp tương tự, các truyện Trung Hoa để cho nhân vật nhắc lại nguyên si các lời đã nói; còn ở đây Nguyễn Du thật lại lời của nhân vật một cách gián tiếp. Ở đây lời trực tiếp tự do của nhân vật trón dấu hiệu dẫn lời, từ lời tóm tắt của người kể chuyển sang đối thoại mà như là độc thoại. Sáu dòng tiếp theo là lời nói như lời than thở độc thoại, chỉ tới hai dòng cuối mới hướng vào Thuý Kiều như một lờ cầu xin. Do vậy ta như không phải nghe đối thoại mà nghe lời thổ lộ trực tiếp tự do nội tâm của nhân vật.

Một ví dụ khác, đoạn Hoạn Thư nói với Bạc Bà:

Roi câu vừa gióng dặm trường,1
Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh.2
Thưa nhà huyên hết sự tình, 3
Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen. 4
Nghĩ rằng ngứa rẻ hờn ghen,5
Xáu cháng mà có ai khen chi mình.6
Vậy nên ngoảnh mặt làm thinh,7
Mưu cao vốn đã rắp ranh nững ngày.8
Lâm Tri đường bộ tháng chầy,9
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.10
Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,11
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.12
Làm ho cho mệt cho mê,13
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!.14
Trước cho bỏ ghét những người,15
Sau cho để một trò cười về sau.16
Phu nhân khen chước rất mầu,17
Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay.18

Câu 1,2 là tác giả thuật việc. Câu 3,4 là tóm tắt câu chuyện uất ức của Hoạn Thư. Câu 5,6,7 là lòi trực tiếp của Hoạn Thư đối với mẹ, nhưng nghe như là độc thoại. Câu 8 là lời thuật của người thuật xen vào. Câu 9 đến câu 16 ở đoạn này tiếp tục lời thoại. Câu 13, 14, 15, 16 lại là lời vừa nói với mẹ, vừa giống như độc thoại, buộc chân nàng về tì làm sao? Hoạn Thư khng6 nói rõ, mà tự sự cũng không cho biết hết. Câu 17 và nửa đầu câu 18 là lời thuật của tác giả, nửa câu 18 là lời của Hoạn Bà. Có thể nói độc thoại hoá làm co tâm tình, dục vọng của nhân vật nổi lên lồ lộ.

Nguyễn Du không quan tâm nhiều đến lí lẽ củasự việc, mà quan tâm đến nỗi lòng của nhân vật. Đoạn Từ Hải chịu hàng người đọc đều thấy không thông, không hiểu vì sao Từ nghe lời khuyên của Kiều đề cao ơn vua mà lại thấy “ mặn mà”. Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân chú ý kể chuyện sứ giả thuyết hàng, Từ nổi giận, Kiều khuyên giải làm cho Từ đuối lý. Tiếp đến Từ Hải nêu việc hàng có 3 điều lợi 5 điều hại, lợi bất cập hại, khng6 hàng. Kiều phân tích lại cho Từ thấy có 3 điều tiện và 5 điều lợi, làm cho Từ nghe mà nhân hàng. Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Nguyễn Du đã tạo ra một Từ Hải khác, và để cho Từ Hải thổ lộ một đoạn độc thoại nội tâm cực hay, đầy khí phách, vượt xa những dấu hiệu vừa nêu trong truyện Trung Hoa của Thanh Tâm Tài Nhân:

Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu biển Sở, sông Ngô tung hoành!
Bó tay về với triều đình,
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồng, ra cúi, công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thuỳ,
Sức này, đã dễ làm gì được nhau?
Chọc trời, quấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên dầu có ai?

Lời đọc thoại nội tâm rõ ràng đã bộc lộ tâm tình nhân vật trọn vẹn, đầy đủ hơn là lời đối đáp của Từ trong cơn giận do cuộc khuyên hàng gợi lên như trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tiếp đến Kiều cũng có một tâm sự riêng bộc lộ trong 12 câu đôc thoại:

Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,
Đã nhiều luân lạc lại nhiều gian truân.
Bằng nay chịu tiếng vương thần,
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì.
Công, tư vẹn cả đôi bề,
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Chẳng hơn chiếc bánh giữa dòng,
E dè bảo tố, hãi hùng phong ba.

Sau màng độc thoại nội tâm, mới đến Kiều khuyên chỉ trong 10 câu lục bát mà Từ đã hàng. Như vậy, lời khuyên của Kiều và sự nghe lời của Từ là chiếu lệ, đều thể hiện sự bế tắc trong tư tưởng. Nguyễn du chủ yếu là thể hiện được nội tâm nhân vật qua lời độc thoại trực tiếp tự do. Kể rõ 3 điều tiện, 5 điều lợi… như Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là logic hình thức, không có ý nghĩa gì. Đã không có ý nghĩa thì dài dòng làm chi! Sao bằng Nguyễn Du ta!.

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
34.00
Ảnh đại diện

Độc thoại nội tâm - hình thức giao tiếp đặc biệt trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.(4)

2.2 Dòng ý thức trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

Ta xem đoạn dưới đây miêu tả những điều Thuý Kiều trông thấy, vừa trông vừa suy nghĩ, nhận xét, xúc động:

Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi
Hai em phương tưởng hoà hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!

Đó là dòng ý thức. Đoạn văn không phải là lời nói của người trần thuật, tác giả đã trao nó cho ý thức của nhân vật Thuý Kiều, sau đó tác giả mới kể:

Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng tủi tủi, xiết bao sự tình!

Dòng ý thức bao gồm cả những hình thức đối thoại thầm trong tâm tưởng. Ví dụ đoạn kể những suy nghĩ của Kiều trước quyết định bán mình, Kiều thầm nghĩ:

Quyết mình nàng mới hạ tình
Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha!

thì câu bát ở đây là câu nói thầm trong tưởng tượng của Kiều đối với Kim Trọng. Ở đây, người được nói đến ở xa nhưng người nói lại coi như là đang đứng trước mặt hoặc đang nghe mình nói. Đó còn là trường hợp khi Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân, đang đối thoại với Thuý Vân ở đoạn đầu dần dần nàng chuyển sang độc thoại, nàng như muốn nói cùng Kim Trọng:

Bây giờ trâm gãy, gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lại tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi nhỡ nhàng
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Hay đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích:


Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,1
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung. 2
Bốn bề bát ngát xa trông, 3
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. 4
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, 5
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. 6
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, 7
Tinh sương luống những rày trông mai chờ. 8
Bên trời góc biển bơ vơ, 9
Tấm son rột rửa bao giờ cho phai. 10
Xót người tựa cửa hôm mai, 11
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ. 12
Sân lai cách mấy nắng mưa, 13
Có khi gốc tử đã vừa người ôm? 14
Buồn trông cửa bể chiều hôm, 15
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? 16
Buồn trông ngọn ngọn nước mới sa, 17
Hoa trôi man mác biết là về đâu?. 18

Như vậy, toàn bộ đoạn thơ trên đều là độc thoại nội tâm của Thuý Kiều, dựa trên một dòng ý thức, tâm trạng buồn. Câu 5, 6 là lời Thuý Kiều tự than thở với mình. Câu 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 là lời Thuý Kiều đối thoại với người yêu và gia đình nhưng dưới hình thức độc thoại nội tâm, hướng đến người thứ hai nhưng người thứ hai không có mặt, qua đó hiểu được tâm trạng và nỗi lòng đau đớn của nàng. Câu 16, 18 là Kiều hỏi bâng quơ không có lời giải đáp, như tự hỏi với mình.
Hay là đoạn dưới đây là thể hiện dòng ý thức trong tâm trạng cực kỳ đau đớn của Kiều. Kiều độc thoại nội tâm nhưng mà muốn cho người thứ hai hiểu được nỗi lòng của nàng. Đó là gia đình và người yêu nơi xa xôi cách trở. Qua lời độc thoại nội tâm đó người đọc có thể cảm thông và chia xẻ với nàng:

Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
….
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà
Dặm nghìn nước thẳm non xa
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hoè đôi chút thơ ngây
Trân cam, ai kẻ đở thay việc mình?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liểu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay?
….

Kiều như đang đối thoại với cha mẹ, hai em và người yêu. Tưởng như họ đang đứng trước mặt. Nhưng họ đều vắng đều xa cách nên lời đối thoại đã trở thành lời độc thoại nội tâm biến đổi theo dòng ý thức của Kiều. Ở đây, ta thấy loại ngôn ngữ xoá nhoà khoảng không khi nhân vật thể hiện nỗi đau đớn thương xót đến tột cùng đối với người xa cách.

Cũng trong dòng ý thức của độc thoại nội tâm, đây là đoạn đôc thoại dài tới 22 câu của Mã Giám Sinh khi hắn do dự, tính toán xem có nên vào phòng Thuý Kiều để thực hiện âm mưu mà cũng là ước mong đen tối của hắn hay không:
Mừng thầm: cờ đã đến tay,
Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng.
Đã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này, hẳn nghìn vàng, chẳng ngoa

Kết thúc lượt ý nghĩ thứ nhất, ta tưởng như hắn có thực hiện mưu đồ, nhưng chưa, còn vấn đề vốn liếng:

Về đây nước trước bẻ hoa
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.
Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
Cũng là vừa vốn, còn sau thì lời.

Vấn đề tiền bạc tạm thời giải quyết mà hắn vẫn chưa quyết định:

Miếng ngon kề đến tận nơi
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham.
Đào tiên đã bén tay phàm
Thì vin cành quýt cho cam sự đời

Hắn nghĩ đến mà sung sướng nhưng vẫn đi thêm bước nữa:

Dưới trần mấy mặt làng chơi
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa
Nước vẻ lựu, màu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn duyên.
Mập mờ đáu lận con đen,
Bao nhiêu cũng mất nhiêu tiền, mất chi?


Bây giờ đã yên chi với việc lãi lời, hắn lại nghĩ đến mụ Tú Bà mà sợ, nhưng đành chấp nhận:

Mụ già hoặc có điều gì,
Liều ông mất một buổi quỳ mà thôi

Chịu “mất một buổi quỳ” là ý nghĩ của Mã Giám Sinh mà Nguyễn Du đưa vào truyện không có trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ấy thế mà hắn vẫn chưa quyết định, và đây là lý do cuối cùng, sao mà đầy tính thuyết phục và đầy hấp dẫn, làm Mã Giám Sinh mê người dẫn đến việc hắn hành động tức khắc:

Vả đây đường sá xa xôi
Mà ta bất động nữa người sinh nghi.

Sau phút thành thân với Mã Giám Sinh, Thuý Kiều đã suy nghĩ đắn đo:

Giọt riêng tầm tả tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình.
Huống chi là giống hôi tanh,
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng.
Thôi còn chi nữa mà mong
Đời người thôi thế là xong một đời!

Đó là lượt ý nghĩ thứ nhất để sau đó nàng cầm dao định tự tử nhưng rồi lại đến lượt ý nghĩ thứ hai tiếp theo:

Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
Một mình thì chớ, hai tình thì sao?
Sau dầu sinh sự thê nào,
Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân.
Nỗi mình âu cũng giãn dần
Kíp chầy, thôi cũng một lần mà thôi.

Sau khi bị Hồ Tôn Hiến đẩy vào bước đường cùng, bị gán cho viên thổ quan, trên sông Tiền Đường, Thuý Kiều một mình trước cảnh trời nước bao la, nàng đã nhanh chóng lướt qua lại nỗi đau khổ mà mà nàng trãi bằng những câu độc thoại:

Đành thân cát dập sóng vùi,
Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh.
Chân trời mặt biển lênh đênh,
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào?
Duyên đâu ai dứt tơ đào
Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay?
Thân sao thân đến thế này
Còn ngày nào, cũng dư ngày ấy thôi!
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương.

Những ý nghĩ đớn đau, dằn vặt vò xé tâm can nàng, khiến trong độc thoại, nàng tưởng như nói với Đạm Tiên, nàng như lên tiếng gọi thầm “ người bạn gái” năm xưa là người kỉ nữ đã khuất mà đối với nàng, Đạm Tiên đâu chỉ là một bóng ma, Đạm Tiên là hình ảnh tương lai của cuộc sống và nay sẽ trở thành hiện thực trong kết cục cuộc đời nàng:

Nhớ lời thần mộng rõ ràng,
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây.
Đạm Tiên nàng nhé, có hay?
Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta!

Ở đây không những ta thấy đối thoại trong độc thoại mà còn thây người trần tục nói với người cõi âm ngay trong lúc tỉnh. Sau khi để lại thiên tuyệt bút, nàng một lần nữa lại nghĩ đến người cõi âm là người chồng anh hùng ( Từ Hải) vừa bị sát hại như kiểu độc thoại trong môt vở kịch trước khi gieo mình xuống sông Tiền Đường:

Rằng: Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chống mà lại lấy chống,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!

Đấy là kiểu độc thoại liên tiếp của Thuý Kiều. Nguyễn Du không chỉ xây dựng ngôn ngữ độc thoại trong đối thoại trong trường hợp cho nhân vật tự nhủ qua những suy nghĩ của mình như trước đây đa nêu ( trong đoạn Kiều trao duyên cho Thuý Vân), mà ở đây có cả ngôn ngữ đối thoại trong độc thoại. Ngôn ngữ đối thoại trong độc thoại ở đậy, không những đã phản ảnh sự phong phú trong tâm hồn nhân vật mà còn trở thành chiếc cầu nối liền hai cõi âm dương. Thật là trường hợp giao tiếp đặc biệt.

Ta lại còn phải kể thêm trường hợp độc thoại của Thúc Sinh khi chàng muôn thú thật với Hoạn Thư về cuộc tình trót lỡ của mình với Thuý Kiều:

Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.

Nhưng rồi chàng cứ đắn đo, chần chừ su tính mãi:

Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng sắp lân la giãi bày.

Mà Hoạn Thư thì cứ im như không, làm cho chàng đâm hoảng:

Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.

Và tiếp theo là hai câu độc thoại của Thúc Sinh đã có thể được sử dụng như một câu tục ngữ:

Nghĩ: đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà minh lại xưng.

Dẫn đến hậu quả thật tai hại là chàng không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Thuý Kiều đã mất bao công phu dàn xếp.

Trong Truyện Kiều, ngôn ngữ độc thoại đã giúp tác giả trình bày được toàn bộ chiều sâu, bề dày trong tính cách nhân vật. Ta hãy đọc lại bốn câu độc thoại liên tiếp trước và sau Hoạn Thư hành hạ Thuý Kiều. Khi Thuý Kiều lần đầu ra mắt Thúc Sinh tại nhà Hoạn Thư, ta được đọc:

Bước ra một bước một dừng,
Trông xa, nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
- Phải rằng nắng quáng, đèn loà,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Bây giờ tình mới tỏ tình,
Thôi thôi, đã mắc vào vành chẳng sai…

Nàng quá sợ hải vì rơi vào tay người vợ cả ghê gớm:

Chước đâu có chước lạ đời,
Người đâu mà có người tinh ma!
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi!

Nàng chỉ còn biết nhận xét Hoạn Thư bằng hai câu đã trở thành quen thuộc:

Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Để rồi nàng tự hỏi:

Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao, bây giờ?

Trong khi đó, Thúc Sinh cũng tự hỏi:

Sinh đà phách lạc hồn xiêu,
Thương ôi, chẳng phải nàng Kiều ở đây?
Nhân làm sao đến thế này,
Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!

Ớ trên là hai lần độc thoại liên tiếp, một của Thuý Kiều và một của Thúc Sinh trước khi Thuý Kiều hầu rượu và gảy đàn phục vụ vợ chồng Hoạn Thư. Sau khi hành hạ Thuý Kiều thì đây la lời tự vấn trong lòng đầy thoả mãn trong lòng của nàng tiểu thư họ Hoạn:

Lòng riêng khấp khởi mừng thầm:
-Vui này đã bỏ đau ngầm xưa nay!

Để cho Thuý Kiều một mình đau đớn với màn độc thoại nội tâm:

Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
Bây giờ mói rõ tăm hơi,
Máu ghen, đâu có lạ đời nhà ghen!
Chước đâu rẽ thuý,chia uyên,
Ai ra đường ấy, ai nhình được ai?
Bây giờ một vực một trời,
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi.
Nhẹ như bấc, nặng như chì,
Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên?
Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
Bể sâu, sóng cả có tuyền được vay?

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
15.00
Ảnh đại diện

Độc thoại nội tâm - hình thức giao tiếp đặc biệt trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.(5)

2.3. Lời nửa trực tiếp trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

Truyện Kiều cũng có những câu làm nghĩ tới lời nửa trực tiếp. Ví dụ như:

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.

Câu bát có hình thức trần thuật của tác giả, nhưng cái ý thức “Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn” là của nhân vật. Hoặc như câu:

Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai!

Câu bát là lời nửa trực tiếp, nói cái ý “ta còn cao giá” của nhân vật trong lời trần thuật của người kể.

Lời nửa trực tiếp không chỉ là lời bộc bạch ý nghĩ của nhân vật mà nó còn là lời của tác giả muốn thể hiện trong tác phẩm. Như vậy, lời nửa trực tiếp có thể hiểu đó là lời của người kể chuyện, cũng có thể hiểu đó là lời của nhân vật. Lời thuật là của tác giả nhưng nội dung và ngữ điệu là của nhân vật. Hay nói đúng hơn, chủ thể lời nói là người kể, mà chủ thể ý thức của lời nói là nhân vật. Mà qua đó, mượn lời nhân vật, tác giả nhằm bộc lộ quan niện, tưởng của mình.

Có thể thấy, giọng điệu của Truyện Kiều đã được nhận ra từ lâu như một “tiếng kêu thương” (Hoài Thanh), “tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu). Nhưng đó là nhận xét chủ yếu trên phương diện tư tưởng, gắn liền với “cảm hứng nhân đạo và cảm hứng hiện thực”, còn giong điệu cảm thương như một hiện tượng nghệ thuật thường có trong tác phẩm. Đó là tiếng kêu thương đau đớn, da diết, thống thiết để bộc lộ tâm tư của tác giả nhan nhản khắp nơi dưới nhiều hình thức trong tác phẩm. Tiêu biểu là qua lời của nhân vật. Ta hãy xét lời nửa trực tiếp trong trường hợp đó.

Đoạn Kiều thương xót Đạm Tiên mà ta nghe như là tiếng lòng của tác giả được biểu hiện trong đó:

Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Phủ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha;
Sống, làm vợ khắp người ta,
Hại thay! Thác xuống làm ma không chồng!
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tích lục, tham hồng là ai?

Hai câu đầu là lời dẫn của tác giả để những câu còn lại trong đoạn là lời độc thoại nội tâm của Kiều thương xót cho Đạm Tiên. Nhưng qua lời độc thoại của nhân vật, ta dường như thấy trong đó là lời của tác giả muốn nói với ta về nỗi lòng thương xót của mình đối với những người hồng nhan tài hoa bạc mệnh.

Hay trong đoạn Kiều than thở:

Buồn riêng, riêng những sụt sùi,
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân:
“ Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần, cũng phong trần như ai!
Tẻ, vui cũng một kiếp người
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!
Kiếp xưa đã vụn đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!
Dẫu sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!”

Hai câu đầu là lời dẫn của người kể để những câu còn lại trong đoạn là lời độc thoại nội tâm của Kiều thương cho thân phận của mình. Qua đó ta nghe như văng vẳng tiếng lòng của tác giả như chia sẻ cùng nhân vật, cùng tâm sự với nhân vật của mình: “ Dẫu sao bình đã vỡ rồi / Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!”. Đó là một lời cảm thông mà cũng là một tiếng nói đau lòng từ một trái tim “ rỉ máu” của Nguyễn Du thương xót cho nhân vật mình. Đó chảng phải Nguyễn Du đang giao tiếp, đang tâm sự cùng nhân vật mình đó sao?

Chúng ta có thể thấy trong Truyện Kiều rất nhiều hình thức như vậy:

Khéo là mặt dạn mày dày,
Kiếp người đã đến thế này thì thôi!
Thương thay thân phận lạc loài,
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?

Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Xót người trong hội đoạn trường dòi cơn.
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho: cho hại, cho tàn, cho cân!
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sĩ nhục một lần mới thôi!

Hay trong đoạn Kiều đàn cho Kim Trọng nghe. Mượn lời Kim nhận xét tiếng đàn của Thuý Kiều, tác giả như cũng thể hiện tâm sự của mình:

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mài,
Rằng: “hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Lựa chi những khúc tiêu tao,
Cực lòng mình, cũng nao nao lòng người!”

Ta như thấy Nguyễn như đang cùng ngồi đấy theo dõi từng tiếng đàn của Kiều, và qua lời nói của Kim, ta như nhận thấy đó là lời của tác giả nhận xét về nhân vật mình.

Còn trong đoạn sau này:

Tiếc thay một đoá trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về!
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.
Đêm xuân một giấc mơ màng,
Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ!
Nỗi riêng tầm tả tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình:
Tuồng chi là giống hôi tanh,
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng!
Thôi còn chi nữa mà mong,
Đời người đên thế là xong một đời!

Bốn câu cuối ta dường như thấy đó vừa là lời của Thuý Kiều, vừa là lời của Nguyễn Du. Hình ảnh Mã Giám Sinh không còn ra gì nửa, khác chi “ một giống côn trùng hôi tanh”, và ngòi bút của Nguyễn Du như đang hướng tới Mã Giám Sinh, lột trần tất cả bản tính của hắn như để tỏ một mối cảm thông, thương xót cho nhân vật mình.

Có thể nói, bằng cách sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp trong độc thoại nội tâm của nhân vật, tác giả như muốn hoà mình vào đó để tự nhiên bày tỏ quan niệm, suy nghĩ, cách đánh giá của mình một cách khách quan. Nội dung và ngữ điệu hoàn toàn là của nhân vật, nhưng chủ thể lời nói là của người kể. đó chẳng phải là một nghệ thuật độc đáo trong việc thể hiện quan niệm của tác giả trong tác phẩm đó sao?

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
14.00
Ảnh đại diện

Độc thoại nội tâm - hình thức giao tiếp đặc biệt trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.(6)

III. KẾT LUẬN:

Một trong những nghệ thuật đặc sắc được Nguyễn Du thể hiện trong “Truyện Kiều” là hình thức hoạt động giao tiếp ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện. Trong đó, độc thoại nội tâm là hình thức hoạt động đặc biệt của ngôn ngữ. Độc thoại nội tâm làm cho diện mạo tinh thần của các nhân vật trở nên nổi bật, sắc nét và diện mạo, cảm quan của tác giả được thể hiện sinh động, độc đáo và sâu sắc. Đây cũng là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã từng xác nhân. Trong “ Truyện Kiều” đã xuất hiện lời độc thoại nội tâm với các dặc trưng của nó là lời trực tiếp tự do, dòng ý thức và lời nửa trực tiếp trong tâm trạng nhân vật. Bằng những hình thức thể hiện như thế, chúng ta có thể đi sâu vào phân tích những hình tượng cụ thể trong tác phẩm trong một đề tài cao hơn, sâu hơn. Với thời diện của một tiểu luận nhỏ, chúng tôi chỉ đi vào phân tích một số chi tiết tiêu biểu cũng mong sẽ làm sáng tỏ vấn đề đặt ra. Có thể nói, hình thức thể hiện độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” đã đổi mới hoàn toàn phong cách tự sự trong “Truyện Kiều”, một bước đột phá truyền thống tự sự Trung Quốc-Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du đã tiếp xúc, tạo ra một điểm mới trong biểu hiện nội tâm nhân vật – khởi đầu cho truyền thống mới cho tự sự Việt Nam.Đó chẳng phải Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, làm phong phú thêm “ tính chất đặc sắc” của tiếng Việt ta đó sao?

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
11.00
Ảnh đại diện

Tại sao Nguyễn Du lại để cho Thuý Kiều tha thứ cho Hoạn Thư

Là người Việt Nam, dù không biết chữ đi nữa, gần 200 năm nay, không ai không biết tiếng Truyện Kiều của Nguyễn Du? Và đã đọc Kiều, đã mê đắm mấy nghìn câu lục bát tuyệt vời ông, ai ai cũng biết Nguyễn Du dựa trên cốt truyện của cuốn truyện “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc mà viết ra. Giống như việc đại thi hào Shakespeare từng dựa theo cốt truyện của câu chuyện cổ Đan Mạch để viết nên kiệt tác Hamlet. Các kiệt tác “Tam quốc chí”, “Thuỷ Hử” đều được La Quán Trung và Thi Nại Am viết lại từ các pho truyện dân gian. Tuy vậy, chúng ta cũng phải nhớ Thanh Tâm Tài Nhân, vì không có cuốn truyện của ông, dù là một tác phẩm bình thường ít ai biết của nền văn học Trung Hoa, thì sao nay ta có trên tay hồn lục bát tuyệt vời Việt Nam này? Truyện xoay quanh nhân vật Vương Thuý Kiều bắt đầu từ cuốn: “Chép lại đầu đuôi chuyện dẹp trừ Từ Hải” của Mao Khôn đời Minh. Chu Tích đời Minh tiểu thuyết hoá câu chuyện Vương Thuý Kiều từ cốt truyện của Mao Khôn. Từ cốt truyện của Mao Khôn và Chu Tích, Dư Hoài đời Minh viết “Vương Thuý Kiều truyện”. Từ các sách trên, Hồ Khoáng lại tiểu thuyết hoá thêm về câu chuyện Thuý Kiều. Nghĩa là cốt truyện Vương Thuý Kiều được sáng tác theo kiểu “tập thể” cắn đuôi cá, mới dẫn đến cuốn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Cứ theo một vài từ điển của Trung Quốc gần đây nói rất phiến diện rằng Nguyễn Du chỉ là dịch giả, dịch truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ra thơ Việt sao có tác phẩm Kim Vân Kiều truyện dược?

Truyện Kiều không chỉ là tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc mà nó còn cho chúng ta thấy cách đối nhân xử thế trong gia đình, xã hội...

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Thuý Kiều là người tài sắc vẹn toàn. Mà những người như vậy thì thường gặp những tai ương trong cuộc sống không ít.

Khi gia đình gặp tai biến Kiều đã phải bán mình chuộc cha, phải vào nơi chốn lầu xanh để mua vui cho thiên hạ:
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần

Không chỉ có thế bản thân Kiều còn làm vợ của ba người đàn ông: Thúc Sinh, Từ Hải và Kim Trọng.

Lúc vui mừng cũng là lúc Thuý Kiều nghĩ đến những ngày “hàn vi”, nàng kể hết mọi chuyện cho Từ Hải và muốn có sự “ân đền oán trả”. Những Bạc Bà, Bạc Hạnh, Sở Khanh,... đều bị chịu gia hình, còn những vị sư đã giúp đỡ Kiều trong cơn hoạn nạn đều được thưởng. Riêng Hoạn Thư nhờ khéo nói:
Rằng tôi chút phận đàn bà.
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình nên được tha. Sau đó Kiều có gặp sư Giác Duyên, được bà báo rằng 5 năm nữa hai người sẽ gặp nhau vì Kiều còn phải trải qua nhiều lận đận nữa.

Khi Kiều gặp Thúc Sinh, Thúc Sinh đã hết lòng thương yêu và chăm sóc cho Kiều, nhưng khi biết chuyện, cha mẹ Thúc Sinh nổi giận đòi trả Kiều trở về chốn cũ, nhưng khi biết Thuý Kiều tài sắc vẹn toàn, có tài làm thơ, bố của Thúc Sinh đã phải thốt lên:
Thương vì hạnh trọng vì tài
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba

Kiều đã ở cùng Thúc Sinh suốt một năm ròng và vẫn luôn khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư, họ vẫn chưa có con chung sau nhiều năm sống cùng nhau. Sau chuyến đi thăm và quay trở lại gặp Kiều, Thúc Sinh không ngờ rằng Hoạn Thư đã sai gia nhân đi tắt đường biển để bắt Thuý Kiều về tra hỏi. Thuý Kiều bị tưới thuốc mê bắt mang đi, còn mọi người trong nhà lúc đó cứ ngỡ cô bị chết cháy sau trận hoả hoạn.

Một thời gian sau, Thúc Sinh trở về nhà. Hoạn Thư bắt Thuý Kiều ra lạy ông chủ Thúc Sinh – chồng mình. Đây là tình huống bất ngờ và nghiệt ngã nhất đối với Thúc Sinh và Thuý Kiều. Họ không thể nhận nhau trước mặt Hoạn Thư.

Ta hãy hình dung hoàn cảnh và tâm trạng Thuý Kiều lúc vợ chồng Hoạn Thư vui vầy bắt Thuý Kiều đứng hầu:
“Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi,
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quỳ tận mắt, bắt mời tận tay,
Sinh càng như dại như ngây,
Gịot dài giọt ngắn chén đầy chén vơi

Kiều trở thành thị tì nhà Hoạn Thư với cái tên là Hoa Nô. Lúc Thúc Sinh về nhà, nhìn thấy Thuý Kiều bị bắt ra chào mình, “phách lạc hồn xiêu”, chàng nhận ra rằng mình mắc lừa của vợ cả. Hoạn Thư đã bắt Kiều phải hầu hạ, đánh đàn cho bữa tiệc của hai vợ chồng. Đánh đàn mà tâm trạng của Kiều đau đớn:
Bốn giây như khóc như than
Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng
Cũng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Khi vợ chồng Hoạn Thư vào ngủ thì Thuý Kiều phải đứng canh:
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

Thế rồi, do thấy Kiều khóc nhiều, Hoạn Thư bảo Thúc Sinh tra khảo vì lý do gì. Thuý Kiều viết tờ khai nói rằng vì cha bị oan khiên, phải bán mình và bị lừa vào lầu xanh, sau đó có người chuộc ra làm vợ, rồi chồng đi vắng, nàng bị bắt đưa vào cửa nhà quan... rất tủi nhục, bây giờ chỉ mong được vào chùa tu cho thoát nợ trần.

Thực ra, Hoạn Thư đánh Kiều rất nhiều, Nguyễn Du miêu tả về “đòn ghen” của Hoạn Thư là “nhẹ như bấc, nặng như chì”. Hoạn Thư đã ứng xử theo thường tình hiện hữu của dân gian, là “chút dạ đàn bà, ghen tưông thì cũng người ta thường tình!”, “Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai”. Hoạn Thư khéo léo phá vỡ dây tơ giữa Kiều và Thúc Sinh, làm Kiều ra đi một cách tự nguyện.

Sau một thời gian lưu lạc qua nhiều đau thương, Thuý Kiều trở thành phu nhân của chủ tướng Từ Hải. Khi bị Kiều dựa vào uy thế Từ Hải bắt về trị tội, tuy lo sợ nhưng Hoạn Thư đã biểu lộ một thái độ chững chạc và can đảm.

Đền ân báo oán là việc đầu tiên Thuý Kiều chọn l ựa và Hoạn Thư đã được chính Thuý Kiều chọn làm án điểm, xét duyệt trước với sự căm thù sâu nặng giữa hai người đàn bà “lấy chồng chung”. Vì vậy, Thuý Kiều đã duyệt mức án nặng nhất, việc xét xử chỉ là lấy lệ. Cái chết cầm chắc đang chờ Hoạn Thư.
Vợ chàng quỉ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miện chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa!...
Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?
Đàn bà dễ có mấy tay?
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm, càng oan traí nhiều!

Trước hết, ta nói về thái độ của Hoạn Thư. Rõ ràng Hoạn Thư không có chút gì biểu hiện ngoan cố mà còn tỏ ra rất sợ sệt: “Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu”. Chính đây là thái độ gây cảm tình và thương xót đối với mọi người. Nhưng Hoạn Thư hơn những người thường tình ở chỗ rất bình tĩnh - sự bình tĩnh đạt đến trình độ Hoạn Thư: “Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca”. Hoạn Thư đã sợ đến “hồn lạc phách xiêu” mà vẫn làm được cái chuyện “liệu điều kêu ca” thì thật là “Đàn bà dễ có mấy tay. Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”.
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca,
Rằng tôi chút dạ đàn bà,
Ghen tuông là thói người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Lý lẽ của Hoạn Thư cao thủ đến mức làm cho Thuý Kiều thấy xử Hoạn Thư là xử chính mình:
Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình..”

Nói vậy là Hoạn Thư đã nói với Thuý Kiều: “Thấy chưa? Tôi cũng đàn bà như nàng làm sao tôi không ghen được. Máu tôi cũng đỏ cơ mà. Chồng nàng là Từ hải ngồi đó, nàng cho ai mượn thử xem sao”? Vì Thuý Kiều là con người biết nghĩa xa “thấy người nằm đó biết sau thế nào” nên lời biện hộ trên là vô cùng giá trị.

Không những thế Hoạn Thư kể công với Thuý Kiều:
Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Nàng còn nhớ không? Khi nàng lấy trộm Phật tiền trên bàn thờ mang theo làm lộ phí đi đường, tôi không đuổi theo là vì tôi không có ý muốn hại nàng, tôi chỉ muốn giữ chồng cho riêng tôi, chứ tôi nào muốn hại nàng! Tôi cũng đã có công giúp nàng! Đến đây thì Thuý Kiều đã không còn bắt bẻ vào đâu được nữa. Hoạn Thư đã chứng minh một cách sắc bén là mình không cố ý phạm tội mà có tội thì chỉ là do trời đất sinh ra. Nhưng cao thủ thêm một bậc là Hoạn Thư vẫn nhận rằng mình có tội và xin Thuý Kiều tha thứ:
Trót đà gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Với thái độ “hồn lạc phách xiêu”, lo sợ nhưng bình tĩnh lạ lùng, lý lẽ sắc bén chứng minh rõ ràng là chỉ phạm “tội tổ tông” tức là không có tội, nhưng lại nhận tội và xin tha thứ; đã đẩy Thuý Kiều vào tình huống phải tha:
Khen cho thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mức nói năng phải lời,
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng là người nhỏ nhen,
Đã lòng tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trước tiền tha ngay.

Trước đây Thuý Kiều đã khen Hoạn Thư: “Đàn bà thế ấy, thấy âu một người...Ấy mới gan, ấy mới tài”.Và phong cho Hoạn Thư là “nhà ghen” (máu ghen đâu có lạ lời nhà ghen) thì nay lại khen “khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời”. Thuý Kiều là người “thông minh vốn sẵn tính trời” và “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai” mà không thể buộc tội Hoạn Thư thì rõ ràng không phải Thuý Kiều kém cỏi hay nhẹ lòng. Mà chính vì những lời lẽ ấy của Hoạn Thư cũng chính là những gì mà một người đàn bà cần có để giữ chồng mình.

Chỉ trong tám câu biện hộ, Hoạn Thư đã nói đầy đủ những điều cần bào chữa. Phải chăng Nguyễn Du đã để cho Hoạn Thư bày tỏ tình cảnh của mình trước Thuý Kiều: “Tôi là đàn bà nên khó lòng tránh khỏi chuyện ghen tuông. Tuy lúc nào cũng quý nàng nhưng tôi không thể làm khác được vì sự hiện diện của nànglàm mất hạnh phúc vợ chồng tôi. Người khác ở địa vị tôi hẳn cũng làm như vậy. Khi gặp nàng tình tự với chồng tôi ở Quan Âm Các, tôi đã làm ngơ không gây khó dễ. Khi nàng cầm nhầm chuông vàng khánh ngọc của tôi mà trèo tường ra đi không một lời từ giã, tôi cũng bỏ qua, không sai người đi bắt về. Tôi không thù hận gì cả. Phải chi tôi gặp gỡ nàng trong một hoàn cảnh khác thì đâu xẩy ra những việc đáng tiếc này. Nếu sự ghen tuông của tôi là việc chông gai đối với nàng thì tôi xin nhận tội. Mong nàng mở lòng mà khoan dung cho”.

Có thể chúng ta thấy Thuý Kiều có sự sai lầm – một sự sai lầm do sự biện hộ của Hoạn Thư mà ra. Xưa nay, người ta thường trị tội nặng những kẻ chủ mưu, kẻ cầm đầu còn xử nhẹ hoặc tha thứ cho kẻ thừa hành, kẻ giúp sức, kẻ a dua. Thế mà Thuý Kiều lại tha cho Hoạn Thư là kẻ cầm đầu, chủ mưu còn bọn Ưng, Khuyển là kẻ thừa hành, giúp sức lại bị xử tử. Chính sự sai lầm của của con người tài sắc Thuý Kiều hay Nguyễn Du càng làm nổi bật tài biện hộ của Hoạn Thư? Hoạn Thư thật xứng với “vốn dòng họ Hoạn danh gia”. Hoạn Thư đã được Thuý Kiều phong là “ghen gia”.

Hoạn Thư được tha, còn mẹ Hoạn Thư – phu nhân quan Lại Bộ thì không thấy nói đến. Chỉ thấy bọn “lục đục thường tình” đầu rơi máu chảy. Phải chăng Nguyễn Du không dám cho Thuý Kiều đụng đến gia đình ông lớn? Vì đây vốn là một dòng gia tộc lớn và bản chất của phong kiến còn đeo bám mãi trong xã hội không chịu “buông tha”?

Hoạn Thư là người đáng được chúng ta dành cho sự bái phục, quý mến, vị nể, và phần nào cảm thông. Bái phục qua cách ăn nói chững chạc và mưu mô, thủ đoạn của nàng, dù rằng chúng ta không chấp nhận. Quý mến bởi thái độ thẳng thắn, chỉ muốn ngăn cản mối tình của chồng với Kiều chứ không tìm cách hại mạng Kiều. Vị nể qua sự can đảm và bình tĩnh của nàng khi bị Kiều luận tội. Phần nào cảm thông vì hành động khắc nghiệt đối với Kiều cốt chỉ để giữ êm ấm đạo vợ chồng của nàng và Thúc, một điều mà tất cả chúng ta cùng mong mỏi. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đồng ý với thái độ ghen tuông quá đáng và cung cách hành hạ Kiều của nàng. Nhưng, cũng dĩ nhiên, Hoạn Thư không phải là một phụ nữ bình thường như những phụ nữ khác.

Tuy có những hành vi thâm hiểm như vậy nhưng trong thâm tâm, Hoạn Thư vẫn biết trọng tài Kiều và thương cho số kiếp truân chuyên của Kiều. Khi nghe Kiều đàn, Hoạn Thư đã:
Tiểu thư xem cũng thương tài
Khổn uy nhường cũng bớt vài bốn phân.

Lúc đọc tờ cung chiêu xin quy y của Kiều, Hoạn Thư xúc động vì tài văn chương của Kiều nên bảo Thúc Sinh:
Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
Ví chăng có số giầu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Bể trần chìm nổi thuyền quyên
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời.

Khi bắt gặp Thúc Sinh đang tình tự với Kiều ở Quan Âm Các, Hoạn Thư điềm tĩnh như không hề trông thấy mà còn ngợi khen nét chữ chép kinh của Kiều:
Khen rằng bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Đình nào thua
Tiếc thay lưu lạc giang hồ
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.

Hoạn Thư phải là người tâm hồn có phần độ lượng chứ không hoàn toàn tàn nhẫn và độc ác như nhiều người hằng tưởng. Chính vì những điểm này mà sau này đã được Thuý Kiều tha thứ? Hay chính vì Kiều có một tấm lòng bao dung, nhân ái?

So với nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân thì Nguyễn Du đã bỏ đi nhiều sự kiện, nhiều hành động so nguyên bản gốc. Ví dụ như đoạn Thuý Kiều báo ân báo oán, trong bản “Kim Vân Kiều truyện” viết như sau: "...Phu nhân lại truyền cho tả hữu đem Kế thị (mẹ Hoạn Thư ra nọc đánh 30 roi). Quân lính đương sắp ra tay, thì Hoạn Thư ôm chầm lấy mẹ xin chịu đòn thay, và mụ quản gia cũng vội quỳ xuống thưa rằng: “Tội trạng của bà chủ tôi quả thực không thể tha thứ, vậy kẻ tớ già này xin tình nguyện thay chết cho chủ mẫu. Phu nhân rằng: “Thôi thì ta cũng nể lời mụ quản, tha chết cho thị để mụ nhận lãnh đem đi”. Mụ quản tạ ơn rồi đỡ Kế thị ra ngoài trại. Nhưng Kế thị năm ấy ngoài 60 tuổi, lại là một vị nhất phẩm phu nhân, chưa từng gặp cảnh khổ nhục bao giờ mà nay bị bắt từ huyện Vô Tích giải đến, khổ sở biết bao, lại thấy ba quân giết người như rạ, trong khi tuổi nhiều, sức kiệt, mụ đã khiếp đảm chết ngay tức thì. Mụ quản gia đành ngồi một bên để trông nom thi thể. Vương phu nhân thấy mụ quản gia đem Kế thị đi rồi, bèn truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo cổ lên đánh một 100 trượng. Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần, chỉ để cho một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một tay để lôi giăng ra, hai tên thì cầm roi ngựa đứng trước và sau. Một tên đứng từ trên đánh xuống, một tên đứng từ dưới đánh lên, đánh như con đỉa bỏ trong thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn giãy giụa kêu trời. Toàn thân Hoạn Thư chẳng còn miếng da nào lành lặn! Sau khi báo cáo đủ trăm roi, phu nhân truyền lệnh lôi ra trao cho Thúc Sinh nhận lãnh...”

Nguyễn Du để Thuý Kiều tha thứ cho Hoạn Thư không phải vì tình riêng, mà chính vì Thuý Kièu là một con người tài sắc vẹn toàn. Nếu Thuý Kiều trả thù Hoạn Thư như trong Kim Vân Kiều Truyện thì đấy không phải là Nguyễn Du.

Phải chăng Nguyễn Du để cho Thuý Kiều làm như vậy còn có một ẩn ý sâu xa hơn: Đó là một đất nước bị hàng ngàn năm đô hộ, chịu xâm lăng của bọn thực dân, lòng dân ai oán nhưng những người dân ấy lại có một tấm lòng bao dung rộng lớn. Họ có một tấm lòng nhân hậu, thật tàh, chất phát...Họ không lấy oán trả oán, không để những gì của ngày hôm trước ảnh hưởng đến cuộc sống ngày hôm nay.


Lý Thu Hải Thảo
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.
15.00
Ảnh đại diện

Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào?

Ban đầu người ta tin rằng Truyện Kiều được viết vào khoảng 1813 đến 1820 vì hiểu chữ “hành thế” trong câu: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thuý Kiều truyện hành thế” ở Đại Nam chính biên liệt truyện là sáng tác.

Thực ra “hành thế” chỉ có nghĩa là lưu truyền trong đời, tức là được mọi người biết đến. Vả lại, “tận tín thư, bất như vô thư”, không nên quá tin vào sách, GS Đào Duy Anh viết “sách Liệt truyện, tuy là quốc sử, cũng không đủ cho ta tin” (xin xem sách của Đào Duy Anh: Khảo luận về Truyện Thuý Kiều, 1958). Bởi vì ở đó tên các sách Thuý Kiều truyện và Bắc hành thi tập chỉ là tên gọi tục; chính xác thì hai áng văn này phải được gọi là Đoạn trường tân thanh và Bắc hành tạp lục.

Rất nhiều bằng cứ cho thấy Truyện Kiều được viết trước đó rất lâu.
Chúng tôi sẽ dẫn những bằng cứ này ngược dòng thời gian lùi sâu vào quá khứ.

Học giả Hoàng Xuân Hãn có nhắc đến Phạm Quý Thích là người đầu tiên đề thơ về Kiều trên đường vào Kinh. Ông Vũ Thế Khôi cho biết bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường…” thật ra có tên là Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm có trong tập Lập Trai Tiên sinh di thi tục tập, ký hiệu A 2140.

Mới đây, Hà Thị Tuệ Thành, tiếp tục công việc của ông Vũ Thế Khôi, tìm thấy bài này trong Lập trai Phạm Tiên sinh thi tập, kí hiệu A-400 và qua đó xác định được Phạm Quý Thích viết bài thơ này vào năm 1811 (xin xem bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm, Huế, 31/5 đến 2/6/2006). Truyện Kiều phải được viết trước đó.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã cho biết: Nguyễn Lượng bị chết vào khoảng 1807. Vì có sự phê bình của ông ấy nên biết rằng Truyện Kiều được viết vào đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long (xin xem tạp chí Văn học, số 3-1997). PGS Ngô Đức Thọ thấy Đại Nam nhất thống chí viết Nguyễn Lượng bị chết năm 1807 đúng như Học giả Hoàng Xuân Hãn nói.

Liên quan đến Nguyễn Lượng, gần đây Phan Thanh Sơn và Hà Thị Tuệ Thành nhận thấy trong lời bình bằng chữ Hán của ông có bốn chữ “bách chủng hoan ngu”. Chắc chắn ông không dám viết chữ CHỦNG vào thời Nguyễn vì vào năm 1803 Gia long đã có lệnh cấm dùng chữ CHỦNG, khi viết phải thay bằng chữ THỰC (xin xem tạp chí Văn hoá Nghệ An số 71, 25/2/2006).
Trương Chính nhận xét rằng trong Truyện Kiều có những câu “nghịch ngôn” như:

“Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?”

“Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”

(xin xem tạp chí Văn học số 6 (12/1963)

Những câu này chỉ có thể được sáng tác trước thời Nguyễn.
Ông Nguyễn Khắc Bảo nhận thấy bản Liễu Văn Đường 1871 còn sót các chữ đáng lẽ phải kiêng dưới thời Nguyễn. “Câu 853: Tuồng chi là giống hôi tanh. Câu 1310: Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.

Câu 2750: Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày. Trong đó những chữ Chủng là tên vua Gia Long hồi nhỏ, và chữ Lan là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia từ phi” (xin xem tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6 (56) 2000).

Đến nay, hầu như ai cũng thừa nhận: Truyện Kiều được hoàn thành trước tiên; sau đó Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên, và cuối cùng Nguyễn Huy Hổ theo văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký. Tác phẩm sau cùng hoàn thành vào năm 1809.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh rằng Hoa tiên, tác phẩm thứ hai được nhuận sắc trong khoảng mười năm cuối thế kỷ 18. Trong Hoa tiên có bài thơ chữ Hán trong đó có chữ CHỦNG, tên của Gia Long (xin xem báo Văn nghệ, số 22).

Đây chính là một lý do để ta tin rằng Truyện Kiều, tác phẩm thứ nhất phải được viết trước việc nhuận sắc Hoa tiên vài năm.

Trước đây, nhiều người cho rằng nhờ chuyến đi sứ Nguyễn Du mới được tiếp xúc với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sau đó viết Truyện Kiều. Điều này không đúng. Có nhiều giả thuyết về thời điểm Kim Vân Kiều truyện vào nước ta: học giả Hoàng Xuân Hãn đoán rằng có thể do Nguyễn Nễ (có tên là Đề và là anh ruột Nguyễn Du) hoặc Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du) cùng đi sứ thời Tây Sơn, khoảng 1792-1793 mang về.

PGS Thạch Giang lại cho rằng, có thể trong chuyến đi sứ năm 1763, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã mang Hoa tiên và Kim Vân Kiều truyện từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện. Nhờ đó Nguyễn Huy Hổ có điều kiện đọc Hoa tiên, Nguyễn Du do lui tới Phúc Giang thư viện học tập, nấu sử sôi kinh sớm được đọc Kim Vân Kiều truyện để sáng tác Truyện Kiều.

Song, điều này thì chắc chắn: ở truyện “Liên Hồ quận quân” trong cuốn “Lan Trì kiến văn lục”, viết vào khoảng 1793-1794 của Vũ Trinh, có câu: “Thuý Kiều gieo mình sông lớn”. Trước năm 1794 Vũ Trinh đã biết đến Kim Vân Kiều truyện. Chắc chắn, Nguyễn Du đã được tiếp cận với Kim Vân Kiều truyện không muộn hơn Vũ Trinh (theo Nguyễn Hoàng Sơn, báo Văn nghệ, số 35+36, 2/9/2004)...

Những chứng cứ trên cho phép ta hình dung:

Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều. Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên vào mười năm cuối thế kỷ 18. Nguyễn Huy Hổ theo văn Kiều và văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký, hoàn thành vào năm 1809. Như thế Truyện Kiều xong trước việc nhuận sắc Hoa tiên nên phải được viết vào những năm cuối đời Lê đầu đời Tây Sơn, trùng với kết luận của GS Nguyễn Tài Cẩn rút ra được từ việc phát hiện chữ huý thời Lê - Trịnh trong một số bản Kiều Nôm.


Lê Thanh Lân
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Bức tranh khoả thân trong Truyện Kiều

Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Năm 1967, khi đang còn là một sinh viên, tôi đã từng chép vào sổ tay lời bình về bốn câu thơ này của Xuân Diệu. Theo Xuân Diệu thì đây chính là bức tranh khoả thân duy nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ thiếu nữ ngủ ngày nhưng thiếu nữ vẫn còn mặc yếm. Và dẫu “yếm đào trễ xuống dưới nương long” thì vẫn còn mảnh yếm che, chưa thể gọi là khoả thân được. “Giải nhất độc nhất trao cho Nguyễn Du. Giữa cái chế độ phong kiến Á Đông đè xuống tinh thần thể xác con người lại giả dối che đậy lên hàng tạ quần áo thì Nguyễn Du đã giải thoát cho mọi người được chiêm ngưỡng, thán phục cái toà thiên nhiên tuyệt mĩ của tạo vật là thân thể lành đẹp của con người...”. Sau này, Chế Lan Viên cũng lấy bức tranh khoả thân của Nguyễn Du để bênh vực, bảo vệ cho Hàn Mặc Tử khi đề cập đến câu “Ô kia, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”. Theo nhà thơ: “Chả lẽ Nguyễn Du được phép còn Hàn Mặc Tử thì bị cấm?” Gần đây, tôi tình cờ đọc được cuốn sách của sư Thích Nhất Hạnh phân tích Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán. Dưới cái nhìn thiền quán Truyện Kiều hoá ra cũng lắm vấn đề. Về bốn câu thơ trên của Nguyễn Du sư Thích Nhất Hạnh khen: “Nhà nho Nguyễn Du đã tả một thiếu phụ tắm khoả thân, Nhà nho này cũng ghê gớm lắm, đâu phải chơi”. Nhưng sư Nhất Hạnh lại thấy tức cười vì “Cụ nhà nho biết cô này thuộc hạng buôn hương, bán phấn mà lại tả “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”. Với một cô gái làm nghề mãi dâm thì thi sĩ không thể dùng những chữ này được”. Sư Thích Nhất Hạnh còn phát hiện: “Hơn nữa, tôi chắc chắn là cô ta có một cái sẹo ở bụng mà cụ không nói tới. Cô đã tự tử gần chết thì cái sẹo phải rất lớn. Nếu cô đâm vào cổ thì cái sẹo nằm ngay ở cổ. Thưa cụ, tại sao cụ lại quên mất cái vụ đó đi mà không tả?’

Tôi sẽ hỏi cụ như vậy. ‘Có phải cụ giấu giếm một sự thật hay không? Vết thương trong tâm cụ nói quá nhiều mà cụ lại không nói đến vết thương nơi thân thể. Vết thương do tự tử và nhưng vết thương do những khách làng chơi đưa tới”. Quả là một phát hiện bất ngờ! Dẫu chưa một lần may mắn được hầu chuyện văn chương với sư nhưng tôi rất kính nể sự thông tuệ của sư. Khen bức tranh khoả thân của Nguyễn Du chứng tỏ sư “cũng ghê gớm lắm đâu phải chơi”! Tuy vậy, dưới cái nhìn Thiền quán sư không đồng tình với cách dùng từ, dùng hình ảnh của Nguyễn Du. Theo sư, những người làm nghề mãi dâm như Kiều thì không thể tả “trong ngọc trắng ngà” được. Phải chăng Nguyễn Du không tả nàng Kiều đang tắm dưới cái nhìn Thiền quán như sư mà bằng cặp mắt đa cảm của một thi sĩ lãng mạn? Khi dùng hình ảnh trong ngọc trắng ngà để tả thân thể nàng Kiều nhà thơ có hai cơ sở. Thứ nhất, Kiều vốn là một tuyệt thế giai nhân “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Những cô gái đẹp như Kiều, khi vào lầu xanh được các mụ Tú Bà hết sức trau chuốt. Bởi có những người đẹp trong tay thì lầu xanh của các mụ thêm đông khách. Lầu xanh càng đông khách thì các mụ càng nặng hầu bao. Kể từ khi Kiều xuất hiện, lầu xanh mụ Tú Bà “biết bao bướm lả, ong lơi...”. Vì thế mụ không tiếc tiền để người đẹp tô son, điểm phấn. Cứ xem cái cách Kiều tắm thì biết “thang lan rũ bức trướng hồng tẫm hoa”- đun nóng bằng nước hoa lan để tắm cho thân thể thoảng mùi thơm. Tắm táp như vậy mới hấp dẫn khách. Được chăm sóc tắm táp như vậy thì thân thể của Kiều dù có “ong qua bướm lại vẫn cứ “trong ngọc trắng ngà”. Thứ hai, ở đây Nguyễn Du đâu chỉ ca ngợi vẻ đẹp thân thể. Ngọc ngà là những thứ hết sức quý giá. Hình ảnh “trong ngọc trắng ngà”còn nói đươc vẻ đẹp tâm hồn của Kiều. Nguyễn Du nhận thấy một cách rõ ràng vẻ đẹp không chỉ ở thân thể mà ở tâm hồn của nàng cho dù Kiều đang là một gái lầu xanh. Sau này nhà thơ đã mượn lời Kim Trọng để thanh minh cho Kiều: “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay”. Không có thứ bụi nào - kể cả thứ bụi ở lầu xanh có thểï làm đục thân thể hay tâm hồn của Kiều. Hơn ai hết, Nguyễn Du hiểu Kiều là một gái mãi dâm bất đắc dĩ. Nàng phải bán mình để chuộc cha. Nàng bị mụ Tú Bà dùng mưu thâm, chước độc để giăng bẫy. Khi bị đánh đến mức “uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa”. Kiều buộc lòng phải hứa trước mụ:“Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Để Kiều thốt lên những câu đau đớn như vậy cõi lòng nhà thơ chắc cũng đang tan nát. Khi ở lầu xanh, nàng có cách sống nội tâm khác với những cô gái cùng rơi vào hoàn cảnh như nàng: “Mặc người mây Sở, mưa Tần/ Riêng mình nào biết có xuân là gì”. Bởi vậy, cuộc sống lầu xanh với bao “bướm lả, ong lơi”vẫn không vẩn đục được tâm hồn lẫn thể xác của Kiều. Vậy thì tả Kiều đang tắm “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”chẳng có gì là không ổn cả. Trái lại, Kiều xứng đáng được ca ngợi, được tôn vinh như thế. Ca ngợi thân thể ngọc ngà của Kiều là Nguyễn Du ca ngợi sắc đẹp tuyệt mĩ mà tạo hoá đã ban tặng cho người phụ nữ. Riêng cái vụ không tả vết sẹo, theo tôi nhà thơ cũng có cơ sở. Nguyễn Du vốn rất kỹ trong từng chi tiết. Chính nhà thơ đã phải thốt lên một cách đau đớn khi Kiều rút dao tự tử: “Thương ôi tài sắc bậc này/ Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần”. Và chắc chắn vết dao đó sẽ thành sẹo. Nguyễn Du chắc chắn không quên cái vụ đó. Nhưng đứng trước toà thiên nhiên “trong ngọc trắng ngà”như vậy làm sao còn thấy vết sẹo thương tâm kia nữa! Mà người đang ngắm Kiều tắm là Thúc Sinh - anh chàng “một tỉnh, mười mê”. Đã mê rồi thì vết sẹo kia của Kiều đối với chàng Thúc cũng hoá thành ngà ngọc. Đâu chỉ Thúc Sinh, chính Nguyễn Du cũng ngây ngất trước toà thiên tuyệt mĩ ấy. Vì nhà thơ cũng thuộc nòi đa tình, đa cảm “phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Độc Tiểu Thanh ký).

Riêng tôi, tôi cứ băn khoăn mãi về từ “dày dày”trong câu “dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”. “Sẵn đúc một toà thiên nhiên”là cách nói độc nhất vô nhị. Ví thân thể người phụ nữ như một toà thiên nhiên thì tha hồ mà tưởng tượng. Từ láy “dày dày”làm cho toà thiên nhiên đó càng thêm nổi bật: có hình, có khối, có tầng, có lớp... rất ấn tượng, rất hấp dẫn. Nhưng vẻ đẹp của Kiều vốn là vẻ đẹp của người con gái Á Đông mềm mại, thanh thoát. Từ láy “dày dày”đặt trước cái toà thiên nhiên tuyệt mĩ đó theo tôi có phần hơi thô. Tôi thử tìm vài từ để thay thế nhưng từ nào cũng thấy không tương xứng với cái toà thiên nhiên tuyết mĩ ấy. Thế mới hiểu nghề thơ phú lao tâm khổ tứ biết chừng nào!

Một nhà nho, một ông quan sống trong triều đại phong kiến đầy những lễ giáo khắt khe trói buộc thể xác, tâm hồn con người mà dám phác hoạ bức chân dung phụ nữ khoả thân tuyệt mĩ như vậy, Nguyễn Du quả đúng như lời sư Thích Nhất Hạnh thán phục “nhà nho này cũng ghê gớm lắm, đâu phải chơi”. Thế kỷ XX đã qua, bước sang thế kỷ XXI liệu có ai vượt được Nguyễn Du khi đặt bút phác hoạ chân dung người phụ nữ khoả thân như Nguyễn Du từng phác hoạ?


Mai Văn Hoan (Trường Quốc Học - Huế)
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (12 bình luận)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối