35.00
Thể thơ: Thể loại khác (thơ)
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận
1 người thích

Một số bài cùng tác giả

Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 26/04/2008 04:13, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 26/04/2008 09:49

1
Năm trước bạn tới thăm
Trăng Thu cùng ta trò chuyện
Nay chỉ tôi và trăng!

2
Lá non đầu cành
Gió nhẹ cũng run rẩy
Nói gì cùng trời xanh?

3
Gió xuân qua rừng
Phong lan gửi hương nhẹ thoảng
Lọc từ gió sương

4
Cỏ nhuộm nắng thu
Bê con nghiêng đầu ngơ ngẩn
Giữa cỏ và trăng

5
Khoe sắc ban mai
Hồng đẹp, nhưng ai biết
Dưới hoa, gai sắc cài!

6
Cây anh đào non tơ
Và gốc thông già trăm tuổi
Cùng soi bóng bên hồ

7
Tôi vớt trăng non
Làm thuyền sang với ai bên ấy
Đang chờ tôi mỏi mòn!

8
Sông mải miết trôi
Chỉ mơ chân trời rộng
Vô tình chẳng đợi tôi!

9
Xa nhau ngày đầu thu
Thu lại về. Thư người không tới
Sao tôi vẫn chờ!

10
Tay nâng hoa tặng người
Người xa bao năm tháng
Hương còn vương bàn tay

11
Nắng ửng lá phong
Làm ngọn lửa sáng
Sưởi người xa quê

12
Nhà ta ở lầu ba
Chậu cảnh nhỏ sao bướm tìm được
Kết thêm một cành hoa

13
Chìm dưới đất dày
Rễ âm thầm năm tháng
Cho hoa nói lời cây

14
Bóng và người là một
Người khuất, bóng chìm vào đất
Hồn còn xanh cỏ cây!

15
Một làn hương xa
Thành vòng tay êm ái
Kết nối duyên thơ

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Tâm sự của nhà thơ Nguyễn Bao về thơ HaiKu

Nguyễn Bao
Năm sinh 1932
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Trước khi về hưu công tác ở Nhà xuất bản Văn học.
Địa chỉ : Phòng 301, nhà B3, ngõ 27, Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại : 04.8235140

( Bài gửi cho cấu lạc bộ thơ HaiKu)
Hà Nội 11/10/2007
Trước hết, tôi hoan nghênh sáng kiến thành lập CLB thơ Haiku. Tôi nghĩ đó là một sinh hoạt văn học rất bổ ích, lý thú, mở rộng chân trời thơ ca và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của những người yêu thơ nói chung. Nó phù hợp và kích thích thêm sự sáng tạo, giúp người yêu thơ được thưởng thức thêm một ngọn gió mới, một hương vị mới tinh khiết, nhẹ nhàng mà sâu lắng, gợi mở những tưởng tượng xa rộng mà vẫn gần gũi.
Bản chất Thiền của haiku vốn đã rất gần với thơ : gợi mở, lắng đọng như giọt sương trong trên lá sen. Sự tinh khiết hướng người ta về sự cao cả, về cái Đẹp và lòng nhân ái. Riêng tôi, khi đọc loại thơ này, tôi thấy được thanh lọc tâm hồn trong trẻo hơn, sống nhẹ nhàng hơn. Đó là một cách dưỡng sinh, vệ sinh tâm lý rất có hiệu quả . Tôi chắc các bạn trong CLB này cũng đã gặp nhau vì thấu hiểu những gì thơ haiku đã mang lại cho mình trong cuộc sống hôm nay.
Tuy ở xa, không có điểu kiện tiếp xúc với các bạn nhưng tôi vẫn muốn mình là một thành viên của CLB, được thường xuyên học tập, trao đổi, thưởng thức những trái ngọt, hương thơm của những mùa hoa, trái mà vườn thơ haiku của chúng ta mang lại.
Sau đây tôi xin chép lại ít bài tôi đã viết và cũng đã chọn gửi dự thi một số nhỏ mà tôi đã viết trong đợt này.
Mong các bạn góp ý, nâng cao để tôi rút kinh nghiệm và tạo điều kiện để tôi có những bài thơ haiku cô đọng hơn, sâu sắc hơn nhưng lại gợi mở và dễ đi vào lòng người.
Một lần nữa xin hoan nghênh sáng kiến của các bạn và mong được liên lạc thường xuyên với CLB của chúng ta.
Thân quý
Nguyễn Bao

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Nhà thơ Nguyễn Bao - Tự giới thiệu về thơ HaKu của mình

Đánh giá chung : Thơ của NT. Nguyễn Bao đọc lên khiến người đọc hình dung ngay dáng ngồi của một người đang chiêm nghiệm lại cuộc đời. Thông qua thơ haiku, người ngồi ấy đang tìm về cõi thiền, một nơi yên bình thanh thản. Dù người đang cô đơn khi không gặp bạn, đang hồi tưởng :

Năm trước bạn tới thăm
Trăng Thu cùng ta trò chuyện
Mặc dù :
Nay chỉ tôi và trăng !
nhưng người vẫn cảm thấy hạnh phúc, an ủi khi còn vầng trăng sáng như trăng thu năm nào. Chất bi cảm trong bài thơ hiện lên trên câu chữ, bài thơ không hẳn đưa ta vào thế giới u huyền, trầm mặc của đạo Thiền mà có lẽ đưa ta vào chốn tịch liêu của niềm mong nhớ cố nhân.
Nguyễn Bao tìm được những tứ thơ rất hay. Chẳng hạn :
Tôi vớt trăng non
làm thuyền sang với ai bên ấy
đang chờ tôi mỏi mòn !
Vành trăng non trở thành phương tiện chở tâm hồn nhà thơ sang bến bờ của niềm mong đợi, nơi mà có người “đang chờ tôi mỏi mòn”.
Hay bài :
Chìm dưới đất dày
rễ âm thầm năm tháng
cho hoa nói lời cây
Đọc bài thơ ta dễ liên tưởng đến nhiều hình ảnh cảm động : là hình ảnh người mẹ tần tảo nuôi con, là hình ảnh của tình yêu cao thượng “ …Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”, hay hình ảnh của một nhân vật văn học, hình ảnh Giăng vangiăng với tư cách một người cha : Người an nghỉ nơi đây – Thân phận lắm đắng cay – Vẫn cam sống bấy chầy – Thiên thần một sớm bay – Người chết đơn giản lắm – Như đêm nối tiếp ngày …
Ý kiến đóng góp :
Hầu hết hay không muốn nói là tất cả những bài thơ mà NT. Nguyễn Bao sáng tác đều rất hay, tứ thơ không hẳn là mới lạ nhưng đầy ấn tượng, dễ đi vào lòng độc giả. Tuy nhiên vẫn còn một đôi chổ chưa ổn :
+ Về hình thức, có nhiều câu thơ dài do vậy tính cô đọng vô tình bị hạn chế. Làm thơ haiku nhất thiết phải tránh sự dài dòng.
+ Về từ ngữ : trong thơ haiku, có một số từ ngữ được xem là “tử ngữ” như : tính từ, đại từ chỉ định, những từ có tính dẫn giải (chỉ, nhưng, thế mà…).
Chính vì thế nếu tác giả bỏ bớt đi những từ thừa, chỉnh sửa lại đôi chỗ thì chắc rằng những bài thơ ấy hẳn sẽ hay hơn rất nhiều, tính hàm súc được nâng cao.
Ví dụ :
Trong bài :
Gió xuân qua rừng
Phong lan gửi hương nhẹ thoảng
Lọc từ gió sương
Ta có thể bỏ bớt đi những từ như “gửi, nhẹ” mà không mất đi ý của bài thơ. Ta thử đọc lại :
Gió xuân qua rừng
phong lan hương thoảng
lọc từ gió sương
Hay bài :
Chìm dưới đất dày
rễ âm thầm năm tháng
cho hoa nói lời cây
Ta có thể bỏ bớt từ “chìm” bởi lẽ rễ cây thường nằm ẩn dưới mặt đất nên ta không nhất thiết phải dùng thêm từ “chìm”.
Ta cũng có thể lược bỏ bớt những từ khiến cho ý thơ bị lộ. Chẳng hạn :
Sông mải miết trôi
chỉ mơ chân trời rộng
vô tình chẳng đợi tôi !
Có thể sửa thành :
Sông trôi
chân trời rộng
không còn ai đợi tôi !

đặc biệt trong bài :
Cỏ nhuộm nắng thu
bê con nghiêng đầu
giữa cỏ và trăng
nếu ta bỏ từ “ngơ ngẩn”, câu thơ sẽ có thể mở rộng chiều liên tưởng. Dáng vẻ của chú bê con lúc đó có thể là đang lạc lõng giữa không gian rộng lớn, có thể là dáng vẻ ngây thơ hay đang ngẩn ngơ trước một khung cảnh đẹp “cỏ và trăng”.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời