Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Bính » Lỡ bước sang ngang (1940)
Đăng bởi Vanachi vào 24/06/2005 19:06, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 08/12/2020 23:12
Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương.
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi: vạn dậm đường.
Nhà ấy hình như có mặt trời,
Có rừng có suối có hoa tươi;
Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm?
Không, có gì đâu! Có một người.
Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:
- Có nên qua đấy, nữa hay không?
Không nên qua đấy, nên qua đấy?
Không, nhớ làm sao! qua, mất công.
Có một chiều kia anh chàng si
Đến đầu phố ấy bỗng ngừng đi:
- Hai bên hàng phố hình như họ...
Đi mãi đi hoài có nghĩa chi?
Đem bao hy vọng lúc ra đi,
Chuốc lấy buồn thương lúc trở về.
Lòng mỗi lần đi lần bão táp,
Mỗi lần là một cuộc phân ly.
Chàng đau đớn lắm, môi cắn môi,
Răng cắn vào răng, lời nghẹn lời:
- Hờ hững làm sao! Mê đắm quá!
Trời ơi! Cứu vớt lấy tôi, trời!
Chao ơi! Yêu có ông trời cản!
Yêu có ông trời khoá được chân.
Chàng lại đi về qua phố ấy,
Mấy mươi lần nữa và vân vân.
Chàng đi mãi, đi đi mãi,
Đến một chiều kia, đến một chiều
Phố ấy đỏ bừng lên: xác pháo,
Yêu là như thế! Thế là yêu!
*
Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng đã dứt một tơ vương,
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác.
- Có một người đi giữa đám tang.