Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Bính » Đêm sao sáng (1962)
Đăng bởi tôn tiền tử vào 10/12/2020 13:06
Người đời xưa nghĩ cách
Bắc chiếc cầu đầu tiên.
Hẳn không ngoài ý muốn
Cho đôi bờ nối liền.
Người đời sau bắt chước
Bắc những cầu qua sông.
Hẳn cùng chung ý muốn
Cho tiện đường giao thông.
Tất cả đời sau, trước,
Tất cả người năm châu,
Cầu chỉ một tác dụng,
Một định nghĩa như nhau.
Cầu nghĩa là sum họp,
Trái nghĩa với lìa tan.
Cầu để qua, để lại,
Không để cách, để ngăn.
Sớm, chiều ta xuôi ngược,
Nam, Bắc ta đi về.
Tay cầu ta vịn, nắm,
Lòng cầu ta ngựa, xe.
Cầu gợi niềm ấm áp,
Cầu mang tình yêu thương.
Thân cầu là gạch nối,
Đẹp bài thơ Quê hương.
Có người thấy đàn kiến
Ngoi vũng nước bên thềm.
Đã bắc cầu cọng rạ,
Cho kiến lấy đường lên.
Quạ vốn loài chim dữ,
Cũng thương tình cách ngăn
Đã bắc cầu Ô Thước,
Nối hai bờ sông Ngân.
Chỉ những bọn giặc, cướp,
Những quân uống máu người,
Mới chia sông một nửa,
Mới xẻ cầu làm đôi.
Còn gì trống lạnh hơn,
Cầu chẳng người qua lại?
Còn gì oán giận hơn,
Kẻ rào cầu, rấp lối?
Hỡi các bác thợ đá!
Hỡi anh chị rải đường!
Hỡi bạn rèn, bạn mộc!
Đã dựng cầu Hiền Lương!
Có dè đâu Chợ Huyện
Nay vắng phường Cát Sơn?
Dè đâu có thằng Diệm
Đương cắt đôi quê hương,
Đương ngăn cầu, chặn nước,
Chia Nam, Bắc hai đường?
Bảy nhịp cầu đứng sững,
Mang nặng bao đau thương...
Tháng ngày cầu lặng lẽ
Soi bóng lạnh sông trong.
Thấy mình vẫn liền nhịp,
Thấy nước vẫn liền dòng.
Ngó miền Nam, miền Bắc,
Ngó phương Tây, phương Đông.
Thấy lòng người đỏ rực
Đòi thống nhất non sông.
Lòng cầu không đứt đoạn,
Lòng sông không tách rời.
Sông với cầu còn thế,
Huống chi là lòng người!
Cầu vững cánh tay sắt,
Đứng gác giữa sông dài.
Không cho bọn đao phủ,
Chém Đất nước làm hai.