Đăng bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên vào 29/03/2010 15:12
Đã sửa 4 lần, lần cuối bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên vào 30/03/2010 16:12
Ngô Chi Lan còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ, tự là Quỳnh Hương, tên tục là Ngô Thị Hĩm; là một nữ sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam.
Bà (không rõ năm sinh, năm mất),người làng Phù Lỗ (tục gọi làng Sọ), huyện Kim Hoa (sau đổi là Kim Anh), trấn Kinh Bắc (nay là huyện Sóc Sơn, thuộc ngoại thành Hà Nội).
Tương truyền, Ngô Chi lan là cháu gái thứ phi Ngô Thị Ngọc Dao, người vợ thứ năm của vua Lê Thái Tông. Khi người cô này được tuyển vào cung, lúc ấy Ngô Chi Lan tuổi hãy còn nhỏ nhưng cũng được đi theo hầu.
Đến khi Ngọc Dao mang thai (sau sinh ra thái tử Lê Tư Thành, tức vua Lê Thánh Tông), trong nội cung xảy ra lắm chuyện lục đục, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ phải đưa Ngọc Dao đi trốn, thì Ngô Chi Lan cũng được vợ chồng này đem về cho ở trong nhà, nhận làm con nuôi, cải thành họ Nguyễn và đổi tên là Hạ Huệ.
Năm 1442, bị vu tội giết vua, cha mẹ nuôi phải nhận án tử hình. Ngô Chi Lan liền cải dạng, đổi lại tên thật, trốn đi ở nhiều nơi, cho đến khi thái tử Lê Tư Thành nối ngôi vua bà mới dám trở về.
Bà nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, giỏi thi ca, thông hiểu âm nhạc và viết chữ đẹp. Chính vì vậy, mà bà đã được vua Lê Thánh Tông ban hiệu là Kim Hoa nữ học sĩ, là Phù Gia nữ học sĩ; cho dự nhiều cuộc xướng hoạ thơ văn, và cho bà đảm đương việc dạy lễ nghi và văn chương cho các cung nhân.
Chồng của bà là Phù Thúc Hoành (?-?), người làng Phù Xá, tuy không đỗ đạt, nhưng nhờ tài văn chương, ông được cử làm giáo thụ chuyên giảng Kinh Dịch ở trường Quốc Tử Giám, sau chuyển sang Viện Hàn lâm, thụ chức Đông các Đại học sĩ. Hiện ông còn hai bài thơ chữ Hán được chép trong Trích diễm thi tập của danh sĩ Hoàng Đức Lương.
Buổi ấy, vợ chồng bà kết giao với nhiều bạn thơ ở chốn kinh kỳ và thường tổ chức những buổi gặp gỡ bình luận văn chương.
Nữ sĩ Ngô Chi Lan mất năm nào không rõ. Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề “Kim Hoa nữ học sĩ”. Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình nữ sĩ.
Ngô Chi Lan chỉ có một tập thơ duy nhất là Mai trang tập (Tập thơ vườn mai). Ở thời Hoàng Đức Lương, Mai trang tập hãy còn lưu hành, sau đã thất truyền cho đến nay (2010).
Hiện thơ bà chỉ còn lại trên dưới mười bài in rải rác trong các sách Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn tiểu lục và Trích diễm thi tập. Tạm liệt kê ra như sau:
-Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán.
-Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Nôm (dịch Nôm 4 đoạn đầu của 4 bài thơ chữ Hán trên, tuy nhiên không biết do tác giả tự dịch hay do người đời sau).
-Vịnh núi Vệ Linh (tức núi Sóc): viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
-Thái liên khúc: gồm 2 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán.
-Thơ vịnh truyện Tô Vũ: viết bằng chữ Nôm, chưa có thông tin chi tiết.
-Thơ điếu Lê Thánh Tông: viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được chép trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa trong Truyền kỳ mạn lục.
Xét chung, thơ của Ngô Chi Lan mang bản sắc riêng, không khuôn sáo, gò ép, đẹp cả ý và lời, thường kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cảnh vật với những chi tiết chân thực của đời sống và có cái nhìn nhân ái trước cuộc đời và con người. Nửa sau thế kỉ 15, Ngô Chi Lan là một tài thơ được người đương thời đánh giá cao. Có thể coi bà là nhà thơ nữ đầu tiên có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam.
Thiên truyền kỳ Kim Hoa thi thoại (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa) trong Truyền kì mạn lục, tác giả Nguyễn Dữ đã dựng lên câu chuyện thơ giữa Ngô Chi Lan và nhà thơ Thái Thuận (1440-?, phó nguyên suý Tao đàn Nhị thập bát Tú), để qua đó giới thiệu mấy vần thơ hay của Ngô Chi Lan, luận về văn chương và các tác giả nổi tiếng đương thời, như Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Nguyễn Trãi... Chuyện tuy hư ấu hoang đường, song nó chứng tỏ vị trí của Ngô Chi Lan trong văn học và lòng thành kính của hậu thế đối với bà.
Cũng theo câu chuyện trên thì “năm ngoài 40 tuổi nàng (tức Ngô Chi Lan) mất, táng ở cánh bãi Tây Nguyên”.
GS. Trịnh Vân Thanh (tr. 787) ghi Ngô Chi Lan mất năm 41 tuổi, còn Ngô Văn Học (nguồn dẫn ở cuối bài) ghi bà mất khi tuổi ngoài 50. Theo sử liệu, vua Lê Thánh Tông mất ở tuổi 55. Cho nên nếu bà sinh trước vị vua này và bài thơ “Điếu vua Lê Thánh Tông” cũng đúng là của bà (tức bà mất sau vua Lê), thì thông tin của Ngô Văn Học là phù hợp hơn cả.