(Kính tặng GS. Dương Mạnh Thường, vị thày đã hướng dẫn chúng tôi những bước đầu bước vào hành trình văn học dân gian)Ca dao là câu hát phổ thông trong dân gian. Ca có nghĩa là giọng ngân dài; dao là hát không cần nhạc đệm. Ca dao là loại văn chương bình dân được truyền khẩu, thêm bớt lưu truyền trong dân gian theo thời gian, nên hoàn toàn không biết tác giả là ai. Nội dung bài hát mô tả tình cảm nam nữ, tính tình, phong tục tập quán, sinh hoạt địa phương, thấm đậm màu sắc và tình yêu quê hương. Do đó ca dao còn được gọi là phong dao như cuốn
Tục ngữ phong dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Một đặc điểm nữa là ca dao không có đầu đề, nên ngươi ta hay lấy câu đầu bài hát làm đề bài. Bài “Đêm Qua Ra Đứng Bờ Ao” chúng ta chọn phân tích hôm nay, cũng không ra ngoài thông lệ ấy:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch Sai Mai
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Mối sầu Tinh Đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ...
Trước khi tìm hiểu tâm tình của người thiếu nữ (?) như đề bài đã dẫn, chúng ta cần xác định một vài chi tiết làm nền tảng cho việc phân tích.
Nhìn vào kết cấu của bài hát theo thể thơ lục bát, chúng ta thấy có sự tách bạch về hình thức thật rõ rệt, mang văn phong của hai tác gỉa ở vào hai giai tầng xã hội khác nhau: Một đằng ngôn ngữ thuộc giới bình dân mộc mạc nhưng trữ tình. Mặt khác, trong bốn câu sau, là lối văn đài các của con nhà quyền quý có học. Chỉ với bốn câu đã chứa đựng đến ba điển tích của giới văn chương bác học đương thời, như Ngân Hà, Tinh Đẩu, Tào Khê...
Dù có sự khác biệt về văn phong, nhưng nội dung của hai phần lại có sự kết hợp nhuần nhuyễn, làm bài ca trở nên phong phú về thanh điệu và sâu đậm về tình cảm. Hơn nữa dù gì sự thêm bớt vốn là đặc tính của ca dao để được mọi giới đồng bào chấp nhận và truyền tụng.
Điểm thứ hai trong câu tám, có phiên bản viết:
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn
Phần khảo dị “Chuôi sao Tinh Đẩu” đi với “ba năm tròn” không có nghĩa. Tinh Đẩu đây chính là sao Bắc Đẩu hay Đẩu Tinh đã có từ ngàn xưa, dù nội dung có ý nghĩa gì chăng nữa cũng không thể giới hạn thời gian ở “ba năm tròn” với một thiên thể còn rất mơ hồ với sự hiểu biết của con người Việt thuở ấy.
Điểm thứ ba được coi như trọng tâm của bài phân tích hôm nay, đó là nội dung tâm tình của người thiếu nữ được giả định trong đề bài, hay của người nam như một số tác giả quá dễ dãi trong tư duy, mặc dù nội dung tác giả bài ca dao không hề minh định phái tính?
Căn cứ vào phong cách ăn nói, tâm lý, phong tục tập quán ảnh hưởng đến phong thái của mỗi giới nam hay nữ trong xã hội Việt cổ thời, người ta có thể khẳng định bài ca dao trên là tâm tình của người thiếu nữ Việt.
Có ba chi tiết có thể biện minh cho luận cứ này: Tâm tình của người thiếu nữ Việt thường được dấu kín, không dám bộc lộ với ai nên ban đêm mới “ra đứng bờ ao” để tâm hồn giao hoà bộc lộ với đất trời. Một phương cách mà nam giới ít khi nào thể hiện. Chi tiết thứ hai “Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai”. Giăng tơ ra mà chờ đợi không phải là bản năng của phái nam. Người nam luôn năng động và chủ động đi tìm đối tượng yêu đương, ít khi nào ngồi chờ sung rụng như phái nữ, dù là có “giăng tơ”. “Chờ mối ai” chính là quan niệm thụ động của phái nữ thường được ghi nhận qua: “Thân em như giọt mưa rào, giọt rơi xuống giếng, giọt vào vườn hoa.”
Chi tiết thứ ba và cũng là điểm then chốt của luận cứ này. Người con gái xưa ít khi nào ra khỏi nhà lâu ngày, trừ khi xuất gia lấy chồng. Vậy làm sao đôi tình nhân lại có sự chia lìa xa cách tới những “ba năm tròn”, hoạ chăng là người nam đi “lính thú” (tương tự như quân dịch) với “Ba năm trấn thủ lưu đồn...” và nàng là ý trung nhân của chàng?
Ba yếu tố trên khiến ta có thể đi đến kết luận: Tâm tình bộc lộ trong bài ca dao trên phải là của người thiếu nữ Việt cổ thời.
Sau khi đã xác định một số chi tiết gỉa định, tiếp theo đây chúng ta đi sâu vào nội dung của khúc hát:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Bối cảnh mà tác giả bài ca dao xây dựng cho phép chúng ta tưởng tượng: Đây là tâm tình của người thiếu nữ đang yêu, đang gắn bó với một “ý trung nhân đã thề non hẹn biển,” nhưng nay không hiện diện để cùng nàng luyến ái yêu đương.
Bờ ao là khoảng không gian yên tĩnh của một gia đình trung lưu ngoài Bắc, có thể được bao phủ bởi cây khế, vườn cau hay bờ tre nước. Nơi đây chắc hẳn có nuôi cá, thả bèo và tất nhiên phải có cầu ao, một địa điểm sinh hoạt và thông tin của mỗi gia đình như tắm rửa giặt giũ, vo gạo, rửa bát; cũng có thể là nơi trao đổi tin tức với xóm giềng về con gà mất cắp, hay thằng cháu lên sởi khóc nhè... Cầu ao là dạng diễn đàn thông tin cỡ nhỏ khác với ao làng, nhưng cũng đủ giải toả sự cô lập của đơn vị gia đình sau luỹ tre xanh khi hữu sự. Người miền Bắc với ao cá cầu ao cũng giống người miền Trung, Nam với giếng nước cần vọt. Sự khác biệt bởi người Bắc còn mê tín dị đoan, đào giếng sợ động “long mạch,” gây mất an nguy cho sự thịnh vượng của gia đình.
Người con gái đã chọn “bờ ao” mà không chọn “cầu ao” bởi sự kín đáo của câu chuyện lòng không biết ngỏ cùng ai; bởi sự quan hệ luyến ái giữ gái trai thời xưa không được xã hội khuyến khích nếu không muốn nói lá cấm đoán. Nàng đã kín đáo trao gởi tâm hồn cho trăng gió, cho mặt nước ngàn sao, một ngoại cảnh phù hợp với tâm tình lãng mạn trong quay quắt nhớ thương của người thiếu nữ đang độ trăng tròn. Nhưng than ôi! Tất cả đều ngoảnh mặt lại với nàng: Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ...
Thiên nhiên không đáp ứng chia xẻ được gì với tâm sự hắt hiu của lòng nàng, vì chính tim nàng đang có sự không vui.
Tâm trạng này ta cũng tìm thấy nơi nàng Kiều của Nguyễn Du khi bị rơi vào chốn lầu xanh. Trong cái cảnh “gió trúc mưa mai,” “mưa Sở, mây Tần” mà Kiều chỉ thấy lạnh lẽo đơn côi:
Vui thì vui gượng kẻo là
Ao tri âm ấy mặn mà với ai
Từ đó cụ Nguyễn đã rút ra một định luật tâm lý:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Không bằng lòng với sự ruồng rẫy của thiên nhiên, người thiếu nữ trẻ không chịu đầu hàng, nàng xoay qua tìm sự cảm thông của nhện:
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Hoàn cảnh của nhện có cùng hoàn cảnh với nàng: cùng chờ đợi một niềm hy vọng trong hạnh phúc đoàn tụ. Nhện giăng tơ cũng như nàng gởi mối tơ lòng cho người bạn tình ngoài ngàn dặm và chờ ngày tương hợp. Nàng bắt tâm sự với nhện nhưng nhện vẫn vô cảm, im lìm...
Một sự kiện chúng ta ghi nhận ở đây là vấn đề thời gian tâm lý. Nàng thiếu nữ khởi đầu tâm sự từ “Đêm qua”. Tức cảnh đêm tối trời sao lấp lánh, không có ánh trăng soi rọi, cớ sao nàng có thể nhìn được “con nhện giăng tơ”? Muốn hiểu được điều này chúng ta phải đi sâu vào thời gian tâm lý.
Khi nàng xác định thời điểm quá khứ “hôm qua ra đứng bờ ao” ta phải hiểu là “hôm nay” là thời gian hiện tại nàng đang nhìn “con nhện giăng tơ.” Nhưng hai thực trạng tâm lý là một thực tế sinh động không giới hạn ở thời điểm quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Cá lặn, sao mờ và con nhện giăng tơ có thể ở thời gian và không gian vật lý khác nhau, nhưng trong tâm thức sinh động của nàng những thời điểm ấy luôn quyện lẫn vào nhau như bóng với hình. Thời gian tâm lý không được đo bằng những khoảng khắc của tiếng tích tắc đồng hồ mà đo bằng sự cảm ứng của nội tâm, nó có thể rất ngắn, rất dài hay chỉ là một khái niêm mơ hồ không phân biệt trước sau, tất cả tuỳ thuộc tâm trạng vui buồn của mỗi người trong cuộc. Do đó cổ nhân mới có câu “nhất nhật bất kiến như tam thu hề,” một ngày hai người yêu nhau không gặp mặt như thể ba năm! Hay “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Đấy chính là tâm trạng của người thiếu nữ trong bài ca dao, nàng dường như không phân biệt được thời gia không gian vật lý, chỉ cảm nhận sư giao đông của con tim chứa hình ảnh yêu dấu thoắt ẩn, thoắt hiện của người tình xa cách.
Buồn trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ
Có thể sao Mai cảm thông va chia xẻ được với tâm sự của nàng chăng? Vì sao Mai, sao Hôm là hai vì sao sáng nhất vào buổi sáng sớm và chiều tối bỗng mờ đi trước cái nhìn đồng cảm nhớ thương da diết của nàng?
Để hiểu thấu tâm trạng của nàng thiếu nữ hướng về vì sao Mai, ta phải am hiểu cặn kẽ thực tế và ý nghĩa văn vẻ của vì sao quen thuộc này đối với dân gian.
Sao Hôm, Sao Mai chính là sao Kim gọi theo từ Hán-Việt. Sao Kim hay Kim tinh (金星), còn có tên là sao Thái Bạch (太白) hay Thái Bạch Kim tinh (太白金星) (từ thường được dùng khi xem tướng mệnh). Nó tự quay quanh mình với chu kỳ 224,7 ngày. Nếu xếp sau mặt trăng về độ sáng, sao Mai là thiên thể tự nhiên sáng nhất trong bầu trời tối, với cấp sao biểu kiến bằng −4.6, đủ sáng để tạo bóng trên mặt nước. Bởi vì Sao Mai là hành tinh phía trong tính từ Trái Đất, nó không bao giờ xuất hiện trên bầu trời quá xa Mặt Trời: góc đạt cực đại bằng 47,8°. Sao Mai đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh. Do vậy mà nó còn được gọi là sao Hôm, khi hành tinh này mọc lên lúc hoàng hôn; và sao Mai, khi hành tinh này mọc lên lúc rạng đông.
Tương tự như thế, Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, người đứng đầu ngành khảo cứu của Đài Thiên văn Paris của Pháp, trong công trình tham khảo lấy tên “Lang thang trên giải Ngân hà,” ông đã mở đầu cuốn sách tưởng như rất khô khan này bằng những vần thơ trữ tình lai láng trong tác phẩm
Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn qua bản dịch tương truyền là của bà Đoàn Thị Điểm:
Sửa xiêm dạo bước tiền đường,
Nhìn xem trông vẻ Thiên chương thẫn thờ.
Áng Ngân hà khi mờ khi tỏ,
Độ Khuê triền khi có khi không.
Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi Đông lại Đoài.
Nếu chúng ta đặc biệt để ý đến hai câu cuối, sẽ nhận ra “Chuôi sao Bắc Đẩu” đây cũng lại là sao Hôm, sao Mai xuất hiện trong bài ca dao của nàng thiếu nữ mang dáng dấp “vị-chinh-phụ” gần gũi với người chinh phụ của nữ sỹ họ Đoàn.
Các bạn hẳn đã biết rằng Trái Đất tự quay quanh trục Bắc-Nam theo chiều Tây sang Đông một vòng là 24 giờ, vì thế khi nhìn lên trời, ta thấy có vẻ như là bầu trời quay ngược lại từ Đông sang Tây một vòng cũng là 24 giờ (đây là ta chỉ nói cho những người ở Bắc bán cầu – còn ở Nam bán cầu, người ta thấy bầu trời quay ngược lại). Chuyển động biểu kiến đó của bầu trời gọi là nhật động (diurnal motion), vì thế vào lúc chập tối nếu ta thấy chuôi sao Bắc Đẩu (hay sao Hôm) nằm ở phía Đông, thì sau đó vào lúc gần sáng ta sẽ thấy nó (sao Mai) đã “quay” sang phía Tây rồi!
Ông bà ta còn lầm lẫn sao Hôm, sao Mai là sao Sâm và sao Thương (2). Do đó khi Kiều được Từ Hải cho ơn trả nghĩa đền, khi gọi đến tình lang là Thúc Sinh đã được Kiều của Nguyễn Du dùng đến ý niệm cách trở của sao Sâm, Thương để viện dẫn sự cảm thông:
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?
Hai sao không thể nào gặp nhau bởi vì thực chất nó chỉ là một! Đó là hai tên gọi khác nhau của một “ngôi sao” (thực chất đó là một hành tinh gọi là Kim tinh - Venus). Trình độ Thiên văn học của người xưa còn hạn chế nên họ mới lầm tưởng đó là hai ngôi sao tượng trưng cho sự vĩnh viễn chia phôi!
Người thiếu nữ trong ca dao ở vào thời điểm xa xưa ấy cũng không vượt ra ngoài được trình độ giới hạn của khoa thiên văn học đương thời. Do đó nàng phần nào nhận được sự cảm thông an ủi trong cách phản hồi “mờ ảo” của sao Mai.
Tuy nhiên, nỗi nhớ nhung hiu quạnh cứ triền miên theo tháng ngày, sao Mai lạnh lẽo không đủ ấp ủ nỗi lòng trinh nữ, nàng lại hướng tâm hồn mỗi đêm về với ngàn sao thuộc dải Ngân Hà:
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Mối sầu Tinh Đẩu đã ba năm tròn
Có thể nói tất cả nỗi lòng u uẩn của người trinh nữ được gói ghém trọn vẹn trong hai câu thơ ngắn ngủi nhưng súc tích này.
Điệp từ “đêm đêm” cho thấy, kể từ dạo ấy khi người tình vắng bóng, nỗi nhớ thương của người thiếu nữ đã được thử thách với thời gian. Đợi cho chuỗi ngày dài không dứt qua đi, nàng ngóng chờ đêm tới để gởi hồn cho dải Ngân Hà. Câu chuyện tình lâm ly bí ẩn của nàng có lẽ phát xuất từ đây? Nàng thấy gì trong dải tinh vân xa vời nhưng gần gũi ấy?
Để khai mở mối tình éo le này, ta cùng bước vào điển tích Ngưu Lang-Chức Nữ và dải Ngân Hà:
Ngân Hà, còn gọi là sông Ngân hay Thiên Hà (galaxy), trong đó có Hệ Mặt Trời. Nó xuất hiện trên bầu trời như một dải sáng trắng kéo dài từ chòm sao Thiên Hậu (Cassiopeia) ở phía bắc, đến chòm sao Thập Tự (South Crux) ở phía nam. Dải Ngân Hà sáng hơn về phía chòm sao Nhân Mã (Sagittarius), tức trung tâm của Ngân Hà. Một dữ kiện thực tế là dải Ngân Hà chia bầu trời thành hai phần xấp xỉ bằng nhau. Điều này chứng tỏ hệ Mặt Trời nằm rất gần với mặt phẳng của thiên hà này.
Theo khảo sát của các nhà thiên văn học qua kính viễn vọng, Ngân Hà là một thiên hà xoán ốc chặn ngang. Theo phân loại của Hubble, đó chính là dạng thiên hà hình đĩa có các nhánh liên kết không chặt chẽ và có phần gần trung tâm lồi hẳn lên, với khối lượng xấp xỉ 1012 khối lượng của Mặt Trời (M☉), gồm khoảng từ 200 tới 400 tỷ ngôi sao. Dải Ngân Hà có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng và khoảng cách từ Mặt Trời đến trung tâm dải Ngân Hà cũng ước chừng khoảng 27.700 năm (ánh sáng)!
Thực ra các tên gọi Ngân Hà, sông Ngân hay Thiên Hà trong tiếng Việt bắt nguồn từ Trung Quốc. Vào những đêm trời quang nhìn lên bầu trời ta có thể thấy một dải màu trắng bạc kéo dài do rất nhiều ngôi sao tạo thành. Nó được người Trung Quốc hình tượng hoá thành hình ảnh một dòng sông chảy trên trời với màu bạc trắng và gọi nó là Ngân Hà: 銀河) hoặc Ngân Hán (銀漢), hay Thiên Hà (天河), Thiên Hán (天漢), Vân Hán (雲漢), Tinh Hà (星河).
Nhưng dưới mắt của người Đông phương chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, hai đầu Sông Ngân còn có câu chuyện tình lâm ly không có hồi kết thúc, đó là mối tình xuyên không gian vượt thời gian: Ngưu Lang (牛郎) và Chức Nữ (織女) hay Ông Ngâu, Bà Ngâu. Câu chuyện cổ tích này có hai phiên bản với nhiều khác biệt, một của Việt Nam và một của Tàu. Truyện có liên quan đến các “Sao Chức Nữ (Vega), “Sao Ngưu Lang” (Altair), dải “Ngân Hà và hiện tượng “Mưa ngâu” diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam.
Với tâm tình của một thiếu nữ thuần Việt trong bài ca dao và ý thức kiêu hùng bất khuất của con cháu vua Hùng, chúng ta tiếp nhận phiên bản Việt dưới đây như di sản hoa văn hoá thoát thai hay tinh lọc từ văn hoá nước ngoài nhưng vẫn mang sắc thái văn hoá Việt tộc.
Phiên bản Việt kể rằng Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của “Ngọc Hoàng Thượng Đế,” vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, khiến trâu tràn vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc canh cửi. Ngọc Hoàng nổi giận bắt cả hai phải ở xa nhau, người đầu sông, kẻ cuối sông Ngân. Sau đó nghĩ lại thương tình, Ngọc Hoàng gia ân cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng Bảy Âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần tạo thành cơn mưa và được người trần đặt tên là Mưa Ngâu.
Thời bấy giờ Sông Ngân trên Thiên đình không có cầu, nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời tiến hành sứ mạng. Vì mạnh ai nấy làm, chẳng ai bảo được ai. Họ cãi nhau ỏm tỏi nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn chưa hoàn thành. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hoá kiếp làm “quạ”, chụm đầu lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Do vậy có từ “bắc cầu ô thước”. Từ đó cứ tới tháng Bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc “Ô kiều”.
Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân lấy làm ghê sợ, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu phải nhổ sạch lông đầu. Vì vậy, cứ tới tháng Bảy thì loài quạ đầu rụng hết lông, cánh đuôi xơ xác.
Tuy nhiên sau một thời gian Ngọc Hoàng vốn tính nhân từ, cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng Ngâu, đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó về sau Ngưu Lang và Chức Nữ được chung sống bên nhau trọn đời.
Có lẽ do tích này mà ở Bình Định thuộc miền Trung Việt Nam có từ “quạ làm xâu”, nói về sự vắng bóng của những con quạ một khoảng thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc, trông rất khôi hài.
Có dị bản khác cho rằng tên gọi Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
Với sự tích nêu trên ta thấy nàng thiếu nữ “đêm đêm tưởng dải Ngân Hà”, hẳn nghĩ đến thân phận hẩm hiu của đời mình: nghịch cảnh ngang trái chia lìa hai kẻ yêu nhau! Lý do không phải vì “mẹ em tham thúng sôi dền, tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng” mà vì nghĩa vụ làm dân một nước thường trực chiến tranh: “Ba nam trấn thủ lưu đồn”, chàng đi lính thú ngăn chặn kẻ cựu thù truyền kiếp phương Bắc.
Có thể nàng cũng ước ao được gặp lại tình lang, dù mỗi năm chỉ một lần như Ngưu Lang Chức Nữ. Nàng mơ về một viễn tượng xum vầy dù chỉ thoáng qua với đầy nước mắt như vợ chồng Ngâu... Là một thôn nữ đang độ xuân thì với đầy ắp những huyễn tưởng yêu đương, dù nàng chưa thực sự là một chinh phụ với phân vân trước tình nhà nợ nước và những trách nhiệm làm con, làm vợ, làm mẹ như người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn, nhưng nàng vẫn có quyền sống trong tưởng tượng và mơ ước của một người thường... vì ước mơ xưa nay vẫn là một phần quan trọng của đời sống con người và của chính đời nàng.
Chúng ta còn nhớ trong cuốn
Người đàn bà ngoại tình (La femme adultère) của triết gia Hiện sinh Albert Camus người Pháp sinh tại Algeria. Ông miêu tả hình ảnh hai vợ chồng người lái buôn (Janine và Marcel) - người Tây phương (Pháp) sinh ra và lớn lên tại Algeria - trong một cuộc hành trình xuyên sa mạc bằng xe ngựa. Giữa sa mạc nắng cháy da người, khô cằn sự sống ở Algeria, người đàn bà tức Janine vốn chịu đựng cuộc hôn nhân không tình yêu với người chồng chỉ biết kinh doanh và coi trọng đồng tiền. Trong cảnh bi đát khô cằn sự sống của sa mạc và người chồng vô cảm ấy, nàng luôn mơ về một đồng cỏ xanh rờn với sông nước và mùa xuân bất tận... Ban đêm nàng bị cuốn hút vào sự đam mê đắm đuối với ánh sáng lung linh kỳ diêu của những vì sao... Đây chính là biểu tượng khát vọng tự do, biểu tượng của cuộc hôn nhân chính trị (polictical marriage) giữa những người Âu di dân đến Algeria (Pieds-Noirs) và người Hồi giáo Arab trước khi Algeria giành được độc lập (1962). Những đam mê của nàng là ước muốn giải thoát khỏi sự cô đơn, một thứ ngoại tình tư tưởng hướng về một viễn ảnh đẹp, trái với thực tại vô lý, bất công của đời sống.
Bỏ ra ngoài những màu sắc chính trị và phân biệt chủng tộc của câu chuyện
Người đàn bà ngoại tình, nếu chỉ nhìn về mặt tâm hồn và bản năng phụ nữ, chúng ta ghi nhận: “người đàn bà ngoại tình” đã có sự đồng điệu với người thiếu nữ Việt trong bài ca dao “Đêm qua ra đứng bờ ao”. Hai người cùng ước mơ một tình yêu tươi mát và lãng mạn; cả hai cùng đam mê ở những vì sao, một phương cách giải phóng tâm hồn, phá vỡ những gò ép của xã hội, một thực tại sơ cứng trái với ước mơ của đời sống để tìm về một mối tình thuỷ chung và tương cảm.
Ngân Hà và Tinh Đẩu là hai tập hợp tinh hệ khác nhau nhưng rất có ý nghĩa đối với người thiếu nữ. Một đằng nó giải phóng óc tưởng tượng và tình yêu đắm đuối của nàng, một đằng khêu gợi sự chia xa phải có với người yêu trong bổn phận và nghĩa vụ của con dân với quê hương đất nước.
Như ta đã biết Tinh Đẩu hay Đẩu tinh chính là sao Bắc Đẩu. Sự đảo ngữ chỉ để tương hợp với luật bằng trắc của thơ lục bát. Tinh Đẩu chính là mảng sao nằm trong chùm Đại Hùng Tinh (Ursa Major) ở hướng Bắc địa cầu. Bắc Đẩu là từ Hán Việt có nghĩa là chùm sao giống hình cái đấu để đong lúa gạo, gồm bảy ngôi chạy dài cong như cái muỗng cơm, nên người Mỹ còn gọi là Big Dipper.
Sao Bắc Đẩu dưới mắt người việt cũng là sao Hôm, sao Mai xuất hiện ở phương Đông, chiều có mặt ở phương Tây (Đoài), biểu tượng của sự cách biệt chia phôi như hai câu cuối đã dẫn trong
Chinh phụ ngâm khúc:
Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi Đông lại Đoài.
Tại sao không phải là mỗi năm như Ngưu Lang, Chức Nữ vào đầu tháng Bảy? Tại sao lại là “ba năm” mang nặng mối sầu ly biệt?
Tìm vào kho tàng tục ngữ phong dao, chúng ta ghi nhận: “Ba năm” đây chính là thời gian ba năm nghĩa vụ của người lính thú, “trấn thủ lưu đồn” mà ngày nay chúng ta gọi là quân dịch trong bài ca dao dưới đây:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước suối trong, con cá nó vẫy vùng
Hai câu “Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai” và câu cuối “Nước suối trong con cá nó vẫy vùng” nói lên ý chí yêu tự do và ý thức trách nhiệm trong thân phận làm người của chàng lính thú, của cả một dân tộc kiên cường lớp lớp tiếp tay nhau vùng lên chống ách thống trị ngàn năm của kẻ thù truyền kiếp.
Câu ca dao trên có nghĩa, kể từ ngày xa cách tình lang (mối sầu Tinh Đẩu), đáp lời sông núi đi lính thú đồn trú ngoài biên ải, ngăn chặn quân thù từ vùng rừng núi biên thuỳ (trên ngàn). Đến nay đã trọn ba năm làm xong nghĩa vụ vẫn chưa thấy chàng về, nhưng nàng vẫn một lòng thuỷ chung chờ đợi:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ...
Có người cho rằng Tào Khê là tên một dòng sông ở Đông Nam huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi có ngôi chùa cổ Bảo Lâm, còn gọi là Nam Hoa, từng là đạo tràng lớn của Đại sư Huệ Năng (638-713), vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc. Tào Khê còn là một danh lam thắng cảnh gắn liền với thiền môn.
Tào Khê cũng có thể là tên một con sông trước chảy qua làng Đình Bảng (Bắc Ninh) nay đã cạn; một hiện thực mang tên một dòng sông đã minh chứng cho lòng son sắt của người thôn nữ xứ “địa linh nhân kiệt,” vốn là nơi sinh trưởng của tác giả bài ca dao trữ tình và thuỷ chung kia?
Lòng trung trinh của nàng thôn nữ đầy tình yêu dào dạt, nói lên tính lãng mạn thuỷ chung của người thiếu nữ Việt, đồng thời cũng là điểm tựa nức lòng cho những người trai đất Việt, xứ sở của ngàn năm chinh chiến.
Nói đến đây ta lại nhớ tới hình ảnh của người thôn nữ thời Tây Sơn, mơ về dáng dấp hào hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ cỡi voi đại phá quân Thanh:
Em ao ước được là người thục nữ
Hát véo von trong mộng Bắc Bình Vương...
Niềm hạnh phúc lứa đôi và ước mơ xã hội đã quyện vào dòng sinh mệnh của một dân tộc biết yêu tự do, thà “chết vinh hơn sống nhục”, đã tạo nên ý chí quyết thắng: “Đánh cho chích luân bất phản, đánh cho phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Vinh quang thay và cũng kiêu hãnh thay là dân của một đất nước hào hùng, mọi người dân trẻ già gái trai, sẵn sàng nằm gai nếm mật hy sinh hạnh phúc cá nhân, gia đình để bảo vệ biển đảo và mảnh đất thân yêu với ý chí bất khuất quật cường. Một dân tộc với truyền thống bất khuất kiêu hùng ấy, đã biết yêu quê hương hơn chính hạnh phúc bản thân mình, chắc chắn bất cứ thế lực thù địch nào cũng phải e dè khiếp phục.
Tóm lại đọc xong bài ca dao “Đêm qua ra đứng bờ ao” chúng ta thấy phấn khởi bắt gặp một mẫu người thiếu nữ Việt cổ thời với con tim đầy nhựa sống, dạt dào tình yêu với hy sinh và dâng hiến. Sau bóng dáng yêu kiều thục nữ này, phảng phất hình bóng người lính thú chinh nhân trấn thủ lưu đồn, nắm chắc ngọn giáo giữ gìn giang sơn bờ cõi. Hoàn cảnh chiến tranh thường trực chống kẻ Bắc phương xâm lược, khiến đôi trẻ tạm thời phải chia lìa, nhưng tâm khảm lúc nào cũng gắn bó đợi chờ một ngày đoàn tụ khi đất nước vắng quân quân thù. Nơi đây, tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa đã đắp đổi sắt son, tạo thành dòng sinh mệnh trường tồn của tổ quốc Việt Nam dấu yêu với những con tim cuồn cuộn máu kiêu hùng...
17 tháng 7 năm 2014
Phạm Đức Khôi