Đăng bởi Lọ Lem Đất Võ vào 15/11/2020 20:04
Những người con Đất Võ làm việc tại Sài Gòn chuẩn bị phát hành cuốn sách Dấu chân Hầm Hô với ước muốn quảng bá địa danh du lịch nổi tiếng này và chào mừng Festival Tây Sơn - Bình Định.
Từ một ước mơ...
Bạn Minh Đan, phóng viên của Tạp chí Đàn ông (VPĐD tại Sài Gòn), đã “nuôi” ước mơ xuất bản cuốn sách viết về Hầm Hô (danh thắng ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) khá lâu. Khi nghe Bình Định chuẩn bị tổ chức Festival, Đan cảm thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để quảng bá du lịch cho Bình Định nói chung và danh thắng Hầm Hô nói riêng. Đan quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Nhân dịp về quê đón Tết Nguyên đán, Đan và gia đình đi vận động những nhà thơ, nhà văn đang sinh sống tại địa phương hay đang cư ngụ miền đất khách, có tấm lòng với Hầm Hô gửi những tác phẩm tâm đắc về tham gia tuyển tập. Khâu tuyển chọn bài của cô bạn trẻ này được thực hiện hơn 4 tháng. Đan tâm sự: “Khi cầm trong tay bản thảo khá chỉn chu, mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì ước mơ sắp thành hiện thực và lo bởi chỉ có mình “độc hành” thì khó thực hiện được cuốn sách”. Tình cờ, khi chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, hai người bạn trẻ cùng quê là Thu Hậu (nhân viên thiết kế) và Quỳnh Như (nhân viên PR) tình nguyện cùng Đan thực hiện cuốn sách. Trong thời gian ngắn, ba bạn trẻ đã sát cánh cùng nhau. Bạn Thu Hậu, phụ trách thiết kế cuốn sách tâm sự: “Vào ngành thiết kế hơn 3 năm, mình thiết kế nhiều cuốn sách nhưng với Dấu chân Hầm Hô thì tốn kém khá nhiều sức lực. Mình muốn tạo ấn tượng, thu hút sự chú ý của người đọc và đặc biệt là tìm bố cục, hình ảnh sao cho truyền tải hết nội dung của mỗi tác giả. Gần hai tháng miệt mài, ba bạn trẻ đã có những đêm không ngủ, chụm đầu bàn bạc để đạt được mục đích, tiêu chí đề ra của tập sách là du lịch qua thơ văn.
Tâm huyết với quê hương
Đây là tập thơ văn viết về Hầm Hô được thể hiện bằng bút pháp lạ, nêu bật được cái kỳ ảo, huyền hoặc “thác nước đổ, gành đá dựng, bờ sông sừng sững, hầm rộng thênh thang” của nước non Bình Định. Tác phẩm tôn vinh nét đẹp và sức quyến rũ của du lịch sinh thái Hầm Hô - như món quà tặng ý nghĩa dành cho tất cả mọi người yêu cái đẹp nguyên sơ của núi rừng, thích khám phá qua du lịch.
Toàn bộ kinh phí xuất bản sách dự kiến trên 40 triệu đồng. Ba bạn trẻ đã đi vận động, tìm kiếm rất nhiều nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn chưa tìm được nguồn. Minh Đan bộc bạch: “Trong tuần này, bọn mình sẽ cố gắng thuyết phục một số công ty, doanh nghiệp mà giám đốc là người Bình Định ở Sài Gòn và Bình Dương. Song, nếu tìm kiếm tài trợ không thành công mình sẽ chịu toàn bộ kinh phí xuất bản cuốn sách. Đó là công sức, tâm huyết của mình và các bạn nên mình không thể bỏ lỡ. Vì vậy, cuốn sách vẫn được xuất bản đúng thời gian dự kiến vào cuối tháng 7 này và dành toàn bộ số tiền bán sách tặng cho học sinh nghèo hiếu học ở Bình Định”.
Dấu chân Hầm Hô dày 140 trang, khổ 12 x 18cm, giá bìa 50.000 đồng, in màu trên giấy couche chất lượng. Tuyển tập bao gồm hơn 20 tác phẩm thơ và tản văn của tác giả Minh Đan. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu thêm nhiều tác phẩm, tác giả viết về Hầm Hô.
Đăng bởi Phan Quốc Vũ vào 15/11/2020 20:35
Tôi ngây ngô như chàng trai ở đất miền Tây Nam Bộ khi có cơ hội đọc biết Hầm Hô trong tác phẩm Dấu chân Hầm Hô (NXB Thanh Niên, 2011), tôn sùng Thượng Đế đã tạo ra vẻ đẹp kì vĩ cho Hầm Hô và cả thế giới này. Một cây bút thay mặt Ngài nói lên công trình sáng tạo kì tuyệt ấy là nữ thi sĩ - nhà báo Minh Đan.
Hầm Hô được mô tả ở thôn Phú Phong, Bình khê; nay thuộc thôn Phú Mĩ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tác giả Minh Đan viết:
Hầm Hô ngủ trong sươngđã biến một nơi vật chất thành một con người dịu mát, lành lạnh; một chiếc áo vô thường và lửa đỏ lòng thi khách.
Hơi toả bay lành lạnh
Chiều khoác áo vô thường
Lửa đỏ lòng thi khách
Trùng trùng con sóng vỗ
Lớp lớp nước leo đèo
Mây là đà chạm đỉnh
Gió khản lời quân reo
Ô hay! Ngày dáo dát
Chim nằm ổ trú đông
Cá ngụp sâu dưới đá
Chờ hội xuân hoá rồng.