Bây giờ thì Mô-lô Y-cla-vi (tên thật là Ma Luê) không còn lạ lẫm với mọi người nữa kể từ khi ông được “trả lại tên” cho phần lời của ca khúc “Cô gái vót chông” – một bài hát nổi tiếng từ thời chống Mỹ và đến tận bây giờ sức sống của nó vẫn còn nguyên vẹn. Song, từ năm 1995 trở về trước, có mấy ai, kể cả những người cùng buôn làng biết được rằng ông từng làm thơ và là tác giả phần lời của ca khúc vượt thời gian nói trên (?)

Đúng vậy, trước đấy chẳng ai biết đến Ma Luê, càng không ai nghĩ ông có thể làm thơ và đã từng đạt giải thưởng của báo Văn nghệ. Năm 1995, trong một chuyến công tác tại huyện Sông Hinh - Phú Yên, tình cờ tôi được mấy cán bộ huyện kể cho nghe ở buôn Thinh của họ có Ma Luê làm thơ rất hay và bài “Cô gái vót chông” đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp dùng để phổ nhạc.

Thông tin ấy khiến tôi ngỡ ngàng và sốt sắng đi tìm Ma Luê. Song, bản thân Ma Luê lại rất bình thản. Nhìn khuôn mặt cởi mở và nụ cười hồn hậu của ông, tôi tin điều ông nói rằng: “Người Êđê không cần khoa trương. Người Êđê chỉ cần sống thật với cái bụng mình”. Hỏi ông vì sao viết được “Cô gái vót chông” hay thế? Ông hóm hỉnh: “Tại trong máu mình có trường ca Đam San, Xinh Nhã. Nói chơi vậy thôi chứ thật ra mình là người điếc không sợ súng nên mới liều lĩnh xông vào sự nghiệp văn chương. Đã dấn thân rồi thì phải cố mà viết được một cái gì đấy. Mình cũng chẳng nghĩ đến chuyện giải thưởng hay nổi tiếng mà chỉ cần làm xong đọc thấy ưng cái bụng là được”.

Cùng sinh ra bên dòng sông Ba nhưng Nhà văn Y Điêng được học hành tử tế còn Ma Luê thất học từ nhỏ. Mới năm, sáu tuổi ông đã mồ côi cha mẹ, người thân cũng chẳng có ai để nhờ cậy. Cuộc sống vất vả, lầm than đã sớm đưa ông đến với Cách mạng. Năm 1946 Ma Luê vào bộ đội. Trong kháng chiến chống Pháp ông lăn lộn khắp chiến trường Tây Nguyên cùng bà con đánh giặc giữ buôn làng. Những khốc liệt của cuộc chiến tranh, Ma Luê đều nếm trải. Và rồi ông trưởng thành dần trong kháng chiến…

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tạm biệt Tây Nguyên, tạm biệt buôn làng, Ma Luê lên đường ra Bắc tập kết. Ông được Nhà nước cho đi học chữ, rồi học Cao đẳng Sư phạm và học xuất bản. Năm 1962, mặc dù trong tay có đủ bằng cấp, được bố trí vào những công việc khá tốt nhưng ông vẫn gặp lãnh đạo xin trở về Tây Nguyên đánh Mỹ. Cấp trên không đồng ý, phân công Ma Luê về Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. “Thôi thì công việc nào cũng là nhiệm vụ”, Ma Luê tự nhủ như vậy và bắt đầu tập viết báo, làm thơ. Cũng trong thời gian này, “Cô gái vót chông” đã ra đời. Là sáng tác đầu tay nhưng bài thơ đã đem đến cho Ma Luê giải khuyến khích của báo Văn nghệ.

Giải thưởng trên đã khích lệ Ma Luê viết đều hơn, khoẻ hơn. Các báo Việt Nam độc lập, Văn nghệ…đã đăng rất nhiều bài thơ của ông như: “Em của núi rừng”, “H’Ni”, “Em chờ”, “Tiếng hát Đam San”…Thơ Ma Luê bài nào cũng thấm đẫm hơi thở của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Song, trong tất cả các sáng tác của mình, Ma Luê tâm đắc với“Cô gái vót chông” hơn cả bởi ông đã gửi được vào đó nỗi nhớ quê hương, buôn làng và lòng căm thù lũ giặc cọp beo. Sau khi nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc “Cô gái vót chông”, Ma Luê càng tự hào hơn, vui hơn vì đi đâu cũng nghe người ta hát. Người ta hát bên chiến hào, hát dưới làn đạn quân thù, hát trong các đêm biểu diễn văn nghệ…Tiếng hát ấy đã cuốn hút cả chính Ma Luê nên cuối năm 1965, mặc dù đang ở độ sáng tác sung sức nhất nhưng ông vẫn kiên quyết gác bút, khoác ba lô trở về Tây Nguyên đánh Mỹ với mong muốn: “Mai đây giặc chạy rồi. Tre rừng ta làm nhà, làm chòi cao”.

Mọi chuyện đã diễn ra đúng như Ma Luê mong ước. Khi giặc chạy rồi, đất nước đã thanh bình, với công lao và những đóng góp của mình, Ma Luê có quyền chọn một chỗ ở đàng hoàng tại nơi phồn hoa đô thị. Nhưng không, ông lại trở về với Tây Nguyên sống cuộc đời đạm bạc, như con chim tìm về với tổ, như con nai, con hoẵng tìm về với núi rừng…

Cùng cô gái vót chông năm nào, Ma Luê đã làm chòi cao ở buôn Thinh. Tre, nứa dùng để vót chông đánh Mỹ ngày xưa giờ đây lại trở nên thân thuộc, tinh tế qua các nhạc cụ do ông tự làm. Trong tâm trạng bồi hồi xúc động khi nhớ về một thời, Ma Luê đã đánh cho tôi nghe một giai điệu của người Êđê bằng đinh gông. Kết thúc bản nhạc, ông cười hiền: “Đời mình thế là mãn nguyện rồi. Gần như tất cả ước nguyện mình gửi gắm trong “Cô gái vót chông” đều đã được thực hiện. Chỉ tiếc một điều là…dân Tây Nguyên không được đón Awa Hồ vô uống rượu cần”.

Tôi nhìn thấy trong đôi mắt đã nhăn nheo của Ma Luê có ngấn nước. Đợi cơn xúc động qua đi, tôi hỏi ông:
- Ma Luê còn làm thơ không?
- Vẫn đều đều. Nhưng lâu ngày sống với cái nương, cái rẫy đã quen với cái rựa, cái rìu hơn cái bút nên mình không dám gửi thơ đăng báo nữa. Bây giờ viết hồi ký có lẽ hay hơn…

Là người hay hoài niệm, luôn đau đáu với quá khứ nên mỗi khi có ai nhắc đến chuyện làm thơ, nhắc đến bài “Cô gái vót chông” là kỷ niệm trong Ma Luê sống dậy, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Hễ rảnh rỗi, Ma Luê và bà con trong buôn làng vừa đánh đinh gông, đinh nam vừa múa hát bài “Cô gái vót chông” để nhớ lại một thời đã qua…

Buôn Thinh của Ma Luê vẫn còn đấy những chàng trai, cô gái ở trên non, vẫn các “Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon”. Song, lời hát năm xưa chỉ còn là kỷ niệm. Cọp beo, giặc Mỹ chạy rồi, Sông Hinh quê ông đã đổi thay. Bao chàng trai, cô gái sông Ba miệng vẫn hát không nghỉ, tay vẫn thoăn thoắt trong nhịp sống mới, nhịp sống xây dựng buôn làng ấm no, giàu mạnh. Ma Luê không giấu nổi niềm vui trước sự đổi thay này vì trong đó có một phần đóng góp của ông.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại