Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Lê Văn Vọng
Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 28/07/2007 01:29, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 28/07/2007 08:37
Lại qua nhà, bố không thể ghé thăm con
Đường còn xa, mưa rừng và đói, rét
Biết gian khổ nhưng còn dễ vượt
Hơn cái dốc nhớ con cao ngất trong lòng.
Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Kim Diệu Hương ngày 28/07/2007 08:36
Đọc bài thơ Nhớ con của nhà thơ Lê Văn Vọng ta thấy tấm lòng người cha với con mới da diết làm sao.
Bài thơ này có 4 câu, với cách diễn đạt giản dị như một lời tâm sự mà đã diễn tả được tâm trạng của người cha - người lính khi qua nhà mà vì một lý do gì đấy không được gặp mặt con. Vì người lính đó đi làm nhiệm vụ? Có thể người lính ấy đang hành quân trong đội hình đánh giặc? Họ có thể đang “lật cánh” từ miền Nam ra miền Bắc, hay từ Đông sang Tây? Hay vì một nhiệm vụ nào đấy rất khẩn trương, có thể họ đi vì nhiệm vụ trong đièu kiện tuyệt mật nữa? có thể lắm chứ “ lính mà em”.
Nhà thơ Vương Trọng cũng có bài thơ Nhớ con cũng không kém phần cảm động: “… Nửa năm trời con mới thấy mặt cha/ Cha trở về và cha đi vội lắm/ Đừng trách con ơi, cha là người lính/ Người lính mấy khi được ở gần nhà…” Cái lý do “ Người lính mấy khi được ở gần nhà” kia của người cha - người lính Vương Trọng dù sao cũng đã đạt một phần thoả nguyện vì còn được thăm con; còn người cha - người lính trong thơ Lê Văn Vọng “ Lại qua nhà, không thể ghé thăm con” cái lý do mới khó giải thích- mới nghịch lý làm sao? Chỉ có thể lý giải người cha- người lính ấy vì nhiệm vụ ở phía trước; vì “quân lệnh như sơn” mà phải nén lại nỗi nhớ con, tất nhiên nhớ con đồng nghĩa với nhớ nhà - nhớ vợ nữa , trong hoàn cảnh ấy ai nhớ con mà lại không nhớ vợ? Nói là nhớ con, nhưng
thực chất cũng là nhớ vợ. Ai mà vô tâm, vô tính không nhớ tới người vợ yêu dấu, người đã thay chồng nuôi con và chờ đợi cơ chứ? Nhà thơ đã nhằm cây sung mà “bắn mũi tên thơ” trúng 2 đích: cả cây sung và cây táo. Cái lý do “ Đường còn xa, mưa rừng và đói, rét / biết gian khổ nhưng còn dễ vượt” bởi có cái còn khó vượt hơn đó là vượt qua cái thẳm sâu của lòng mình. Cái thẳm sâu đó được Lê Văn Vọng so sánh như: Cái dốc- nhớ- con -cao ngất- ở- trong lòng.
Thật khó vượt qua, nhưng đây chỉ là “khó” thôi, chứ người cha- người lính trong thơ ấy đã vượt qua cái lẽ thường tình - rất con người kia để làm được một giá trị của CON NGƯỜI viết hoa- đó là gọi to lên ( bằng thơ) và đặt tên cái nhớ không hình thù, không màu sắc, không mùi vị kia bằng hình tượng “ cái dốc nhớ con cao ngất ở trong lòng”.
Đọc bài thơ này, tôi biết một người cha- người lính Lê Văn Vọng giản dị mà sâu sắc- ở đó ta thấy hiển hiện một tấm lòng, một quan niệm, một thái độ sống đáng trân trọng biết bao!
Gửi bởi Kim Diệu Hương ngày 10/04/2013 10:27
Bài bình của Nguyễn Anh Nông về bài thơ này với tiêu đề " Nhớ con" nỗi lòng của người cha bộ đội- in trong tạp chí Văn hoá Quân sự, tháng 4 năm 2013