Chưa có đánh giá nào
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Kinh thi
Thời kỳ: Chu
3 bài trả lời: 3 bản dịch

Một số bài cùng tác giả

Đăng bởi Vanachi vào 05/10/2005 22:26, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 16/05/2006 03:05

七月 8

二之日鑿冰沖沖,
三之日納于凌陰,
四之日其蚤,
獻羔祭韭。
九月肅霜,
十月滌場。
朋酒斯饗,
曰殺羔羊。
躋彼公堂,
稱彼兕觥:
「萬壽無疆」。

 

Thất nguyệt 8

Nhị chi nhật tạc băng trùng trùng.
Tam chi nhật nạp vu lánh ung (âm).
Tứ chi nhật kỳ tao.
Hiến cao tế kiểu (cửu).
Cự nguyệt túc sương.
Thập nguyệt địch trường.
Bằng tửu tư hương (hưởng).
Viết sát cao dương.
Tê bỉ công đường.
Xưng bỉ tự quang.
Vạn thọ vô cương.

 

Dịch nghĩa

Những ngày trong tháng chạp thì lo đục nước đá mà lấy.
Những ngày trong tháng giêng thì lo đem giấu chứa vào hầm trữ nước đá.
Những ngày trong tháng 2, trong buổi chầu sớm
Vua dâng dê con và rau cửu lên cúng tế.
Tháng 9 thì sương lạnh tái tê.
Tháng 10 thì quét sạch nông trường.
Bày hai chén rượu ra để cùng nhau uống.
Nói với nhau: nên giết con dê con.
Rồi đem lên công đường kia của vua.
Và dâng chén rượu tự sừng tự lên
Chúc vua sống được muôn tuổi không giới hạn.


Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc phú.

tạc băng: đục nước đá ở trên núi mà lấy. trùng trùng, ý đục nước đá. Theo sách Chu lễ, tháng giêng và tháng chạp thì ra lịnh cho đi chặt nước đá, là đấy vậy. nạp, giấu cất. Giấu cất nước đá vào trong nhà chứa để dự phòng mùa nóng bức. lánh âm, nhà chứa nước đá. Đất nước Bân lạnh nhiều, gió đông tháng giêng chưa thổi tan nước đá, cho nên nước đá còn có thể giấu trữ lại. tảo, buổi chầu sáng sớm. cửu, tên rau cửu. Dâng dê con và rau cửu mà cúng tế rồi sau mới mở nhà chứa nước đá ra. Theo thiên Nguyệt lịnh ở Kinh Lễ, tháng trọng xuân (tháng 2) dâng cúng dê con và lấy nước đá ra. Trước hết phải đem nước đá ấy dâng cúng ở miếu đường là đấy vậy.

Tô thị nói: Đời xưa giấu trữ nước đá và lấy nước đá ra để tiết chế khí dương đang hồi mạnh mẽ. Ôi! Khí dương ở trong trời đất, tỷ như lửa đốt cháy vạn chất, cho nên thường thường phải giải trừ bớt. Tháng chạp, khí dương ấp ủ tiềm tàng còn giam giấu chưa bộc phát ra, đang mạnh mẽ nhen nhúm ở dưới đất, thì lấy nước đá giấu trữ ở dưới đất để chế ngự khí dương ấy. Đến tháng 2 (thuộc quẻ Đại tráng) có 4 hào dương, những loài côn trùng trú ẩn trong đất đều tỉnh dậy, khi khí dương bắt đầu thi hành, thì cũng bắt đầu lấy nước đá ra dâng cúng ở miếu đường. Đến tháng 4 (thuộc quẻ Kiền), khí dương đạt đến mức cùng tột (6 hào đều dương), khí âm sắp tiêu mất hết, thì lấy nước đá ra dùng rất nhiều. Những quan hưởng lộc triều đình được chia phần thịt sau cuộc cúng tế, những vị quan về hưu vì già hay vì bệnh, những xác chết sau khi được tắm rửa rồi đều được chia phần nước đá mà dùng. Cho nên mùa đông không có khí nóng trái mùa, mùa hạ không có khí lạnh trái lẽ, mùa xuân không có gió lạnh, mùa thu không có mưa tai hại, sấm vang nhưng không chấn động, không thiên tai về sương hay mưa đá, khí độc không có phát sinh, nhân dân không bị ngặt nghèo và chết yểu.

Hồ thị nói: Giấu chứa nước đá hay lấy nước đá ra dùng cũng chỉ là một việc giúp sức vào công cuộc điều hoà của bực thánh nhân mà thôi, không chuyên dựa vào đấy để bình trị thiên hạ.

túc sương, khí lạnh tái tê mà sương rơi xuống. địch trường, việc làm ruộng đã xong thì quét sạch nông trường. bằng, hai chén rượu. Lễ uống rượu với nhau ở trong làng thì bày hai cái chén và hồ rượu trong phòng, là đấy. lê, thăng lên, bước lên. công trường, triều đường của vua. xưng, dâng lên. cương, bờ cõi.

Trương tử nói: Ở chương nầy thấy dân chúng trung thành, thương mến vua hết sức, đã khuyên nhau xua vào công việc giấu trữ nước đá, lại răn nhau mau làm xong công việc làm ruộng, rồi giết dê dâng lên vua và dâng chén rượu chúc vua tuổi thọ.

Thiên Thất nguyệt có 8 chương, mỗi chương 11 câu.

Theo Chu lễ, chức quan được chương, buổi sáng trọng xuân (tháng 2) đánh trống đất, thổi sáo, hát thơ quốc phong nước Bân để đón khí nóng; buổi đêm trọng thu (tháng cũng làm như thế để đón khí lạnh, tức là nói về bài thơ Thất nguyệt này.

Vương thị nói: Ngưỡng lên quan sát sự biến đổi của tinh tú, mặt trời và sương lộ, cúi xuống xem xét sự biến hoá của côn trùng và cây cỏ mà biết thời tiết của trời đất để giao phó công việc cho dân. Đàn bà con gái phục sự ở trong, đàn ông con trai phục sự ở ngoài. Bề trên chân thật thương yêu kẻ dưới, kẻ dưới lấy lòng trung thành làm lợi cho bề trên. Cha đáng phận cha, con đáng phận con, chồng đáng phận chồng, vợ đáng phận vợ. Phụng dưỡng người già cả, thương yêu trẻ con, sống với sức lực của mình làm mà giúp đỡ kẻ yếu đuối. Cúng tế thì đúng lúc, ăn uống vui chơi thì hợp thời, đấy là ý nghĩa của bài thơ Thất nguyệt nầy.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Tháng chạp đục lấy nhiều nước đá.
Tháng giêng đem giấu cả hầm sâu,
Tháng hai trong buổi sớm chầu,
Tế dâng dê nhỏ và rau cửu nầy.
Tháng chín thì sương đầy lạnh buốt.
Tháng mười sang quét tước nông trang.
Bày hai chén rượu tương hoan.
"Dê con âm thịt" luận bàn bảo nhau.
Công đường kia dâng mau lễ ấy.
Chén tự này rượu hãy dâng luôn.
Chúc vua vạn thọ vô cương.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Thọ (I)

Tháng hai nước đá ta phăng,
Đem về băng thất trong tuần tháng ba.
Tháng tư ban sớm mở ra,
Sau khi đã lễ cừu và hẹ thơm.
Tháng chín vừa lạnh vừa sương,
Tháng mười quét dọn sạch trơn sân nhà.
Rượu ngon ta lễ hai vò,
Chiên cừu ta dọn cỗ cho chững chàng.
Rồi ta đi tới cung đường,
Sừng tê nâng chén, thọ khương chúc người.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Những ngày tháng chạp lấy băng,
Tháng giêng đem trữ vào căn hầm đầy.
Tháng hai trong buổi chầu mai,
Vua dâng rau cửu dê bày tế lên.
Tái tê tháng chín lạnh bền,
Tháng mười quét tước ở trên nông trường.
Bày hai chén rượu bên nương.
Bàn nhau: nên giết dê vườn dân vua.
Công đường đem tới dâng qua,
Và dâng chén rượu chúc vua sống hoài.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời