Thuyền rồng không dựa, dựa thuyền chài,
Khắng vó vì chưng trót một hai.
Tiết nghĩa mảnh chiên, trời ấm lạnh,
Cương thường giọt lệ, nước đầy vơi.
Chứng minh đã có mười phương Phật,
Sống thác cùng nhau một giống Hời.
Sử sách nghìn năm ghi chép đó,
Thương ai mà lại thẹn cho ai.


Năm Giáp Thìn (1044), vua Thái Tông nhà Lý kéo quân vào đánh nước Chiêm Thành, phá kinh đô Phật Thệ, giết quốc vương Sạ Đẩu và bắt vương phi Mị Ê đem về nước. Đến sông Lý Nhân, Thái Tông đòi Mị Ê sang hầu bên thuyền ngự. Mị Ê giữ tiết, không chịu sang, lấy chiên quấn khắp mình rồi lăn đùng xuống nước mà tự tử. Hiện nay ở phủ Lý Nhân tỉnh Nam Định vẫn còn đền thờ.

Bài thơ vốn được đăng trên Đông Dương tạp chí kèm thêm lời bình của tác giả:
Vì chưng:
Giữ dạ kiên trinh;
Nhớ lời gắn bó.
Người thì phải theo nhau một giống;
Gái không lẽ thờ đến hai chồng?

Thế thì đành:
Lấy chiên mà quấn mảnh thân tiết nghĩa;
Dẫu khi ấm khi lạnh cũng phó mặc cho trời.
Lấy máu và hoà giọt lệ cương thường;
Dẫu hoặc đầy hoặc vơi, cũng để trôi với nước!
Ai có biết, dẫu ai không có biết, chứng minh đã có Phật mười phương;
Sống cùng nhau, thì thác phải cùng nhau, chung thuỷ cho tròn Hời một giống.

Than ôi!
Trinh tiết là đức riêng của gái;
Khen chê là lẽ phải của đời.
Thương cho vàng đá dạ người;
Thẹn cho những kẻ ép nài mưa mây.
Nghìn năm sử sách còn đây!


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]