Tiêu đề của bài thơ là Tặng, vậy, Hồ Dzếnh tặng ai? Cho mình hay cho người? Nếu cho người, ắt Hồ Dzếnh đã đề tên người mình muốn tặng; còn ở đây, đối tượng trữ tình sáng tạo đã ẩn đi, chỉ trơ lại mỗi chữ “tặng”, đơn độc, vô phương, vô vọng như chính tâm trạng của Hồ Dzếnh trong bài thơ. Như vậy, có thể hiểu Hồ Dzếnh đã viết bài thơ này để tặng cho mình, cho mối “duyên ý” (1) của mình.

Đêm qua ta gục đầu lên sách
Mộng thấy hồn đau thổn thức buồn
Ta chợt nhớ ra ngày viễn cách
Là ngày em sẽ xa ta luôn.
Khi màn đêm buông xuống: là lúc mọi xúc cảm con người trở nên lắng đọng, một thời điểm dành riêng để con người tự vấn lòng mình, trăn trở với bao nỗi niềm, bao nghĩ suy. Và vào chính ngay thời lúc ấy, nhà thơ đã miên man nghĩ đến một “ngày viễn cách” sắp xảy tới.

Duy Sơn, một nhà thơ hiện đại, đã từng bộc bạch:
Khi trầm tư trước trang giấy trắng
Là cảm xúc anh sâu lắng chín dần
Như người thợ trộn từng mẻ vữa
Xây những công trình bằng các vần thơ
Thế nên, khi “gục đầu lên sách”, miên man “mộng thấy hồn đau thổn thức buồn”, Hồ Dzếnh đã “quỳ lên chồng giấy chưa thành sách” mà kêu lên: “Em gái ôi!...” Bao nhung nhớ, nghẹn ngào, bao cảm xúc quay quắt về “em” dâng trào, bật lên thành tiếng gọi thê thiết ấy!

Chẳng biết từ bao giờ mùa thu đi vào thơ ca với một hình ảnh ước lệ cho nỗi buồn, sự hiu hắt, tàn tạ. Xuân Diệu, một nhà thơ rối rít, cuồng si tình yêu, cuộc sống đã phải có lúc dừng bước chân hối hả của mình nơi vườn thu ảo não:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Thu mang buồn gieo rắc nơi nơi, từ vườn thu đến bến đò (2), từ mặt hồ đến chiếc lá (3). Vạn vật đậm buồn thu, thu phủ buồn lên vạn vật. Chủ thể và khách thể, một tạo buồn, một hứng chịu nỗi buồn, gắn kết với nhau, càng làm cho sự sầu u càng tột bậc. Một trong những khách thể của sầu thu ấy là: “mây thu”. Ở đây, “mây thu” chẳng những trĩu sầu mà còn rơi vào trạng thái cô độc, “lạc loài cuối trời”, càng thê thiết, càng tội nghiệp biết bao nhiêu! Như mây thu trơ trọi cuối trời xa, “tình thu” càng khắc khoải với nỗi “khôn chết”, “khôn nguôi”, đau đớn biết dường nào! Tựa như vết cố thương thỉnh thoảng lại nhức nhối, ảo tưởng về mối tình viễn cách lại nhói lên đôi khi; mà vết thương cũng có lúc lành, còn kỷ niệm thì làm sao chối bỏ? làm sao chôn chết? Không quên được, không phai được, cứ phải quặn đau với mối tình chôn kín, “khôn chết”, khôn nguôi” chính là sự đoạ đày cao nhất của con tim.

Bao đau thương ùa đến ngập tràn trong tâm tưởng, khiến cho nhà thơ:
Ngực nghe đau nhói buổi chia ly
Ta khóc đời ta chẳng nghĩa gì
Cái cuộc đời “chẳng nghĩa gì” mà Hồ Dzếch khóc ấy chỉ là:
Một thoáng hương bay, vài dải nắng
Đã tàn chầm chậm kiếp thơ đi
“Hoa”, “nắng” là những sự vật rất đỗi mộc mạc trong đời thường. Cuộc đời của Hồ Dzếnh là tập hợp những sự vật bình dị ấy. Như thế, tưởng đã sơ sài, xoàng xĩnh lắm rồi, mà còn “một thoáng”, “vài dải” thưa thót ít ỏi, lại còn “đã tàn” héo úa, phôi pha khiến cho cuộc đời Hồ Dzếnh đã yên ắng, câm lặng lại hiu hắt, chán chường “chầm chậm kiếp thơ đi”.

Thêm vào đó, Hồ Dzếnh đã dụng công nghệ thuật bẻ đôi ý thơ, rải tràn ra hai câu: “một thoáng hương bay, vài dải nắng đã tàn/ chầm chậm kiếp thơ đi”, cùng với vần “i” với âm điệu buồn thương có sức lan toả, có độ âm vang làm cho trạng thái “chầm chậm” của kiếp thơ càng lê thê, kéo dài, thấm sâu vào tâm tưởng người đọc.

Thật ra, sự xa cách ấy chưa xảy ra, mà chỉ là “viễn cách”, “mai mốt”, “sẽ xa ta luôn”, “sẽ kêu thầm”, vậy mà nhà thơ đã da diết, đã trăn trở, đã đau đớn. Dường như Hồ Dzếnh đã nhận ra cái ngày đau buồn ấy đã không xa, là cái kết quả tất yếu của cuộc tình mình. Như vậy, ta thấy được bao tình cảm của Hồ Dzếnh đã dành trọn cho mối tình này bởi lẽ không yêu tha thiết, không thể có những tư tưởng âu lo, khiếp hãi sự mất mát của “một mai”, không yêu tha thiết, sẽ không vật vã nghẹn ngào khi buổi chia ly dần tiến tới.

Sự bồn chồn, âu lo ấy bắt nguồn từ lời hẹn ứơc xa xưa giữa “ta” và “ta”
Từ xưa, ta đã hẹn ta rồi:
Xuân sắc, xa nhìn lưu luyến thôi,
Mà bạn, chỉ nên là bạn mãi
Đừng vương hoa bướm, luỵ cho đời.
Hoá ra, đây chỉ là mối tình đơn phương của Hồ Dzếnh mà thôi! Nhà thơ không muốn làm vẩn đi mối tình thơ trong sáng mà “ta” và “em” đã gìn giữ bao lâu cho nên đã dặn lòng như thế. Câu thơ ắp đầy những hư từ “đã”, “rồi”, “thôi”, “mà” như một tiếng thở dài đành đoạn...

Thế nhưng, làm sao dối được lòng mình, cho nên có đôi khi nhà thơ vẫn ngỡ ngàng với tình cảm của mình:
Vẫn tưởng em là bạn của ta
“Tưởng” là thế, còn sự thật ra sao? Cố tỏ ra vô ý lại thể hiện rõ ý tình của mình muốn che giấu, với nhà thơ, thời gian đã trở nên vô cảm, mặc dù vẫn “vui chân theo rõi đường mong ước” thế nhưng khi sực bừng tỉnh, lại thảng thốt:
Ta giật mình hay: lệ đã nhoà!
Câu thơ tận cùng bằng vần “oa” như tiếng vỡ của bao dửng dưng nơi vỏ bọc, nhạt nhoà cả thực và ảo, nơi lý trí và tình cảm.

Cho đến lời chia phôi cuối bài, mặc cảm dở dang, chia lìa vẫn còn in đậm trong từng câu từng chữ:
Em sẽ đi và ta sẽ đi.
Mai này, ta chết giữa chia li...
- Mây Nam nếu lạc về phương Bắc,
Xin nhớ, đời thơ chẳng nghĩa gì!
Tặng là một khúc hát biệt ly, đầy ắp hoa, nắng, tiếng thở dài nỗi xót xa, cay đắng. Và Tặng cũng chính là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ, cho quan niệm tình yêu của Hồ Dzếnh: “Tình yêu là thứ để tôn thờ chứ không để hưởng thụ (...), không tin rằng mình có thể gìn giữ mãi một tình yêu tuyệt diệu sau khi chiếm hữu được nó” (4):
Tình mất vui lúc vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
cho nên mặc cảm chia phôi luôn in đậm trong thơ ông.


Yến Vi

(1): tên một bài thơ của Hồ Dzếnh
(2): lấy ý từ trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu
(3): lấy ý từ trong bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến
(4): Kiều Văn
tửu tận tình do tại