Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hồ Đắc Duy » Đại Việt sử thi » Quyển 16
Đăng bởi hảo liễu vào 17/03/2015 22:31
Nguyễn Phúc Thuần nối ngôi nghiệp chúa
Trương Phúc Loan lấn cả quyền hành
Trong triều có Nguyễn Cư Trinh
Cũng không ngăn được tình hình rối ren
Trương Phúc Loan lấy quyền quốc phó (1765)
Xem triều đình chẳng có một ai
Chuyên quyền lại giết người ngay
Tóm thâu công việc trong ngoài vào tay
Ở Đàng Ngoài Trịnh Doanh bố cáo (1754)
Cấm người Âu truyền đạo Gia Tô (1746)
Cấm người Trung Quốc bấy giờ
Lim, trắc gỗ quý không cho đem về
Ở hai miền dân quê ly tán
Bởi mất mùa, lụt hạn triền miên
Gian manh làm giả bạc tiền
Khiến cho mất giá dân thêm đói nghèo
Biển Hà Tiên có nhiều hải sản
Lắm ghe thuyền lai vãng mưu sinh
Ngư dân ngoại quốc cố tình
Đánh bắt tôm cá nước mình mang đi
Việc trấn thủ lắm khi quá yếu (1758)
Muốn tuần tra lại thiếu chiến thuyền
Cuối năm bảy mốt vua Xiêm (1771)
Cất quân đánh chiếm Hà Tiên mấy ngày
Mạc Thiên Tứ sai người dụ địch
Tống Phước Hiệp đột kích sau lưng
Dồn quân giặc cướp tới cùng
Vượt qua biên giới tấn công mới về
Vua Xiêm bèn gửi ngay sứ giả
Sang cầu hoà vì đã bội giao
Hứa rằng nay trở về sau
Có gì xích mích cùng nhau nghị bàn
Vùng Hội An thuyền buôn tấp nập
Tàu nước Anh, Pháp, Nhật, Java
Thuế quan thâu vốn được là
Ba mươi ngàn lẻ tiền đà nhập kho
Tiền thu vô Phúc Loan chiếm đoạt
Thuế mười phần chỉ được một hai
Chuyên quyền Loan lại tác oai
Nhân dân đói khổ không ai không thù
Đồng bỏ hoang, ruộng khô cỏ cháy
Có nhiều làng chẳng thấy luỹ tre
Nhân dân đói khổ não nề
Nhiễu nhương trộm cướp lắm bề tang thương
Trước bối cảnh thê lương đổ nát
Đất Tây Sơn Nguyễn Nhạc hưng binh
Nêu cao danh nghĩa của mình
Loạn thần phải diệt, dành quyền về dân
Vào tháng tám nghĩa quân chiếm cứ (1773)
Ở Quy Nhơn, tuần phủ Đắc Tuyên
Vội vàng tháo chạy xuống thuyền
Dong buồm trốn thẳng ra miền Hoá Châu
Binh Tây Sơn thọc sâu vào chiếm (1773)
Đánh mạnh vào cứ điểm Bình Khang
Rồi cho áp sát phía Nam
Lấy vùng Bình Thuận như tằm ăn dâu
Quân chúa Nguyễn hai đầu bị ép (1774)
Bị cắt đường khó tiếp tế nhau
Lại thêm lính tráng ốm đau
Phúc Thuần ra lệnh rút vào Trấn Biên (1775)
Thấy Đàng Trong khắp miền nội chiến
Chúa Trịnh Sâm hạ lệnh động binh (1774)
Hành quân chúa tự thân chinh
Giương cờ Nam tiến nắm quyền chỉ huy
Hoàng Ngũ Phúc sai đi tiền trạm
Vượt sông Gianh vây hãm Phú Xuân
Vợ con gia quyến Phúc Thuần
Dắt dìu bồng bế tránh quân Đàng Ngoài
Thành Phú Xuân lọt tay chúa Trịnh
Nguyễn Phúc Thuần chạy lánh vào Nam
Để con trấn ở Quảng Nam
Bị Tây Sơn đuổi bắt làm con tin
Phe Tây Sơn dưới quyền Nguyễn Nhạc (1775)
Cùng Lập Đình ngầm ước với nhau
Cẩm Sơn buộc Trịnh đối đầu
Giao tranh mấy trận tiến vào Phú Xuân
Đổi sách lược với quân Lê - Trịnh
Tạm nghị hoà để tránh giao tranh
Tây Sơn đoán trước tình hình
Đương đầu Trịnh - Nguyễn khó giành phần hơn (1775)
Trịnh phong Nhạc: Tây Sơn hiệu trưởng
Trấn giữ vùng đất Quảng trở vô
Lữ - Huệ, Nhạc lại giao cho (1775)
Coi quân giữ đất kể từ Phú Yên
Nguyễn Khoa Kiên bị Huệ bắt sống
Sự kiện này rúng động ba quân
Đại binh chúa Nguyễn lần lần
Nếm mùi thất bại rút dần vào Nam
Ở Quảng Nam xảy ra dịch bệnh (1775)
Phía Trịnh quân binh lính chết nhiều
Ngũ Phúc không dám đánh liều
Rút lui ra khỏi chân đèo Hải Vân
Tôn Thất Xuân mộ quân chiếm lại (1775)
Vùng đất mà Trịnh phải buông tay
Quân Xuân giữ được mấy ngày
Bị binh Nguyễn Nhạc đuổi ngay khỏi thành
Năm Bính thân (1776) Tây Sơn thừa thắng
Chiếm Long Hồ, đánh thẳng Trấn Biên
Lấy Sài Gòn, rồi lại đem
Quân vào Gia Định trăm thuyền trịch thu
Quân Tây Sơn dưới cờ Nguyễn Lữ
Vỗ yên dân, cắt cử nha quan
Thu gom khí giới kho tàng
Kiểm kê tài sản sai mang đem về
Triều đình Lê - Trịnh dần suy yếu
Gặp thiên tai lại thiếu tài nguyên
Mặc cho Nguyễn Nhạc lấn quyền
Tóm thâu lãnh thổ nguyên miền Đàng Trong