Nhà thơ Thu Bồn (1935-2003) tên khai sinh là Hà Đức Trọng sinh tại Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam.
Năm 1965, trường ca
Bài ca chim Chơ Rao từ miền Nam gửi ra được in toàn bộ trên báo
Văn nghệ, giới thiệu Thu Bồn với độc giả miền Bắc. Trường ca được đón nhận như một thành tựu thơ ca của miền Nam.
Gần 40 năm đã trôi qua, Thu Bồn đã mở rộng sức hút sang nhiều thể loại. Ông có thơ ngắn, tiểu thuyết, nhưng trường ca vẫn là sở trường của ông. Trong đó
Bài ca chim Chơ Rao vẫn được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông. Đây là khúc ca lãng mạn ca ngợi lòng yêu tự do, ý chí bất khuất. Cốt truyện đậm màu sắc lãng mạn nhưng tính cách các nhân vật chân thật, hợp lôgich. Thu Bồn sử dụng tiếng hát như một biểu tượng của sức mạnh chân lý. Tiếng hát giúp ông mở rộng không gian trường ca: Từ không khí âm u của mấy dãy xà lim chết chóc ở Tây Nguyên, tiếng hát gợi hình ảnh quê hương miền xuôi, miền ngược. Ngòi bút Thu Bồn vốn phóng khoáng và gợi cảm được dịp tung hoành trong các khung cảnh hoành tráng, hành động, hùng vĩ, kỳ ảo. Hùng và Rin bị giặc thiêu sống trước đồng bào, trước rừng núi Tây Nguyên, Thu Bồn dựng một khung cảnh bi tráng:
Ùn ùn ngọn lửa cao như núi
Chúng chờ nghe những tiếng rên la
Nhưng lạ lùng thay hai ngọn lửa
Bỗng trầm hùng vang vọng khúc ca
Và một chi tiết sáng tạo như trong bi kịch Hy Lạp cổ xưa: Khi hai sợi dây trói đã cháy, hai người con Kinh Thượng ấy:
Hai ngọn lửa đuốc rùng rùng tiến lại
Hai vòng tay lửa gắn vào nhau
Thu Bồn có sức bút mạnh mẽ. Ông viết nhanh, viết nhiều, chất lượng khá đều. Ông hay trở lại với đề tài Tây Nguyên, vùng đất đánh thức trí tưởng tượng của ông từ tuổi bé thơ, khi bỏ cả ngày xuống chợ Thanh Quýt để xem người Thượng cưỡi voi về mua bán. Trong kháng chiến chống Pháp, ông sống với đồng bào Tây Nguyên, xúc động trước bao tấm gương hy sinh cao cả của đồng bào. Ông sử dụng nhuần nhuyễn các chất liệu Tây Nguyên, hơn thế ông kỳ ảo hoá, tạo thêm sức mê đắm hoang dại và thần kỳ. Những cuộc săn thú săn người trong Ba Dan khát kỳ lạ và lôi cuốn. Đất nước Campuchia hiền hoà tương phản gay gắt với hành động diệt chủng man rợ, quái đản của bọn Pôn Pốt. Chỗ xung đột gay gắt là chỗ Thu Bồn thường cất lên những cảm xúc mạnh mẽ, xây dựng các hình tượng có tầm vóc. Ông lựa chi tiết đặc tả rất có thần. Thủ đô Phnôm Pênh trong nạn diệt chủng:
Những con chuột ăn gót chân người sống
Những con mèo hoang bị chuột tha đi
Nét hùng vĩ của cảnh và người Tây Nguyên được hình tượng hoá:
Quê hương lạnh đắp chăn bằng lửa
Con đại bàng nhắm mắt ngủ trong mây
Cảnh chủ làng săn đuổi đôi trai gái (Ba Dan khát): dòng sông quặn lại/ Mặt trời đau mờ mịt dưới lòng sâu. Cảnh bà mẹ Chàm có đứa con bị giết đi tìm giết mẹ tên giết người. Những hành động bất ngờ của những tính cách mạnh mẽ giàu chất lãng mạn và giàu chất thơ mang tính nhân dân.
Ở những bài thơ ngắn, Thu Bồn cũng viết bằng hơi trường ca. Không được kể chuyện thì ông dùng tình và tứ để biểu hiện. Trong những năm chiến tranh, Thu Bồn muốn mang thơ góp vào công tác tuyên truyền cổ võ chiến đấu, mỗi sự tích ông đều biến thành một đề tài. Cảm xúc và cả ý tưởng đều không theo kịp.
Thu Bồn giờ đây đã vào tuổi bảy mươi. Những năm gần đây, thơ ông hướng về khám phá nội tâm, đúng hơn là chiêm nghiệm lại tháng ngày ông đã sống. Ông nhớ một miền quê thơ ấu, cái làng Phú Thạch, thị xã Tuy Hoà, những lam lũ vất vả một thời xưa. Ông nhớ Hà Nội, Nơi không xa cách được mà mình xa cách rồi. Ông nhớ mùa đông xứ Bắc áo bông rộng thênh thang những năm tập kết. Ông nhớ Những con người đi qua đời tôi chẳng bao giờ gặp lại. Ông phát hiện những lẽ đời sâu nặng trong những việc thường ngày. Đôi lúc thoáng qua cảm giác chua chát trước biến động của cuộc sống hôm nay. Ông chia sẻ và cảm thông sâu sắc với người nông dân sương nắng tự bao đời mà hôm nay vẫn còn sương nắng Ngày úp mặt xuống cánh đồng/ Đêm úp mặt lên hai cánh tay. Ông cảm nghe cuộc đời trôi nhanh, hoài bão ước mơ còn đầy ắp mà năm tháng cạn dần tới đáy. Thơ ông thâm trầm hơn nhưng vẫn đầy phóng khoáng.
14-11-2001
Vũ Quần Phương