134.15
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
21 bài thơ
2 bình luận
5 người thích
Tạo ngày 08/11/2005 00:34 bởi Vanachi, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 12/05/2008 07:53 bởi Cammy
Cung Trầm Tưởng (1932 - 9/10/2022) sinh tại Hà Nội, vào Sài Gòn năm lên 17 tuổi. Ông du học tại Pháp và Hoa Kỳ, tốt nghiệp bằng kỹ sư. Ông cũng là trung tá không quân trong Quân lực Việt Nam cộng hoà, sau định cư tại Hoa Kỳ đến khi mát.

Tác phẩm:
- Tình ca (NXB Công đàn, Sài Gòn, 1959)
- Lục bát Cung Trầm Tưởng (NXB Con đuông, Sài Gòn, 1970)
- Lời viết hai tay (NXB Imn, Bonn, 1994)
- Bài ca níu quan tài (tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001)

 

 

 

Ảnh đại diện

Nói chuyện với nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Tác giả: Thuỵ Khuê


Bù em góp núi chung đồi,
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
...
Thơ Cung Trầm Tưởng. Phạm Duy phổ nhạc. Thái Thanh diễn tả mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu. Câu thơ dội lên như một gắn bó cổ âm với hiện tại, như một biệt sắc Cung Trầm Tưởng. Ðó là Cung Trầm Tưởng những năm 55-60.
Cung Trầm Tưởng còn đúc kết niềm đau lưu vãng của người tù cải tạo. Tình yêu, hiện sinh, tù ngục trở thành những thực tại trong thơ Cung Trầm Tưởng và nhà thơ, trong dịp ghé Paris đã dành cho thính giả RFI hai buổi nói chuyện về hành trình thơ và đời của ông.


Trong phần đầu, Cung Trầm Tưởng nói về thời kỳ Tình ca Paris trong hành trình sáng tạo của mình.

Thụy Khuê: Thưa anh Cung Trầm Tưởng, trở lại Paris sau gần nửa thế kỷ xa cách, anh thấy thế nào? Có bỡ ngỡ không?

Cung Trầm Tưởng: Trước khi đến Paris cách đây khoảng 47, 48 năm, tôi đã được hấp thụ nền văn hóa Pháp bởi vì tôi xuất thân từ một trường trung học Pháp; cho nên khi trở lại Paris, tôi cũng bỡ ngỡ nhưng không bỡ ngỡ như những người không biết gì về quá trình văn hóa Pháp. Nhưng đồng thời tôi là người Việt Nam, cho nên tôi vẫn nhìn Paris từ chỗ đứng của một người Việt Nam. Tôi không thấy mâu thuẫn giữa hai điều đó. Lẽ dĩ nhiên thời trẻ, bồng bột, tôi chỉ nhìn -Paris- phảng phất qua bối cảnh một tình quê hương -tôi không dám nói là tình yêu nước- từ xuất phát điểm đó, tôi có thể nói là tôi yêu Paris vô vàn. Yêu Paris nào? Cảnh vật? Ðồng ý. Nhưng còn yêu Paris qua con người. Lúc ấy tôi mới trưởng thành, đầy sự sống, tôi chỉ nhìn thấy tình yêu đôi lứa. Ðó là xuất xứ thầm kín nhất, bí mật nhất của những Chưa bao giờ buồn thế, Mùa Thu Paris...

TK: Những "Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (tức là Tiễn Em), "Mùa Thu Paris", "Kiếp Sau" và "Khoác Kín" (tức là Chiều Ðông) là những bài thơ của anh mà anh Phạm Duy đã phổ nhạc. Những tác phẩm này phần nào đã ghi dấu một thời kỳ, thời kỳ mà những nhà thơ như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng... từ Pháp, đem theo tư tưởng Tây phương về như món quà tặng cho lớp trẻ. Và những tư tưởng này đã gây dấu ấn sâu đậm trong đời họ?

CTT: Lúc làm những bài đó, tôi rất hồn nhiên, nhưng sau mất đi rồi, đặc biệt là ở trong tù, khi tôi gặp những anh bạn, tuổi tác vào bậc đàn em tôi, xuất thân từ Ðại Học Văn Khoa -Sàigòn- bảo rằng: "Anh đã du nhập vào Việt Nam một kích thước về Tây phương khác hẳn với Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường.... Chính chúng em đã yêu văn hóa Pháp chỉ vì những bài thơ Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (mà anh Phạm Duy đã phổ nhạc thành bài Tiễn Em). Nếu Thụy Khuê bảo rằng nó đánh dấu một giai đoạn hay một thời đại, thì có lẽ cũng đúng thôi. Lúc đó Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn,... chúng tôi làm rất hồn nhiên. Vậy nếu có gì tốt đẹp, và có gì không tốt đẹp, làm hư cả một thời đại trong giai đoạn cực kỳ hung man của đất nước Việt Nam thì tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

TK: Thưa anh, những sáng tác đầu tiên của anh đã nẩy sinh trong những hoàn cảnh nào?

CTT: Tôi là người Bắc vào Sàigòn. Tôi cũng đã có một khái niệm mơ hồ nào đó về nước Pháp và đặc biệt là văn hóa Pháp. Sang Paris tôi không ngỡ ngàng lắm. Nhưng càng sang Paris tôi thấy rằng tôi không thể là người Pháp nổi. Tôi là người Việt Nam. Dù đã được hấp thụ nền giáo dục, văn hóa Pháp từ lúc nhỏ. Ðiều đó, đối với tôi là một tiếng gọi vô cùng da diết: Tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn.

Khi sang Paris, tôi gặp một thiếu nữ Pháp, gọi là cùng cung bậc tình cảm với mình. Ðó là một chuyện có thể gọi là phối hợp, phối ngẫu rất hồn nhiên. Có thế thôi. Nhưng tôi phải diễn tả bằng tiếng Việt.

Ðấy là những xuất xứ của những bài thơ đầu đời -nếu có thể được- của sự nghiệp thi ca của tôi. Và tôi không ngờ rằng nó có những hệ lụy với cả một thời đại.

TK: Thời kỳ 50-60 là thời kỳ của Hiện Sinh. Và ảnh hưởng của Tượng Trưng, Siêu Thực vẫn còn. Trong lúc anh làm thơ, anh cứ làm tự nhiên thôi hay là có sự tìm hiểu về những lý thuyết mới của thi ca hoặc tìm hiểu những con đường mới của tư tưởng lúc bấy giờ?

CTT: Có chứ. Tôi đã đọc những thơ của René Char, Paul Eluard,... cái hồi quang của Mallarmé. Tôi rất sợ. Ðiều hớp hồn tôi nhất là Eluard! Tôi đọc Whitman, tất cả.... Lúc học lycée tôi đã nghiến ngấu những thứ như Sartre, Camus,... Chủ nghĩa Hiện Sinh của thời hậu chiến Âu Châu ngấm vào tôi. Tôi hoàn toàn bị hớp hồn bởi chủ nghĩa Hiện Sinh. Lúc đó tôi chỉ phát hiện được Sartre, nhất là L'être et le néant. Sau này tôi đọc Heidegger. Có thể nói là tôi đã xuất phát từ chủ nghĩa Hiện Sinh. Ðấy là mặt lý luận. Nhưng khi vào thơ, tôi phải hóa sinh nó, phải luyện kim nó, luyện đan nó. Lúc đó tôi không hiểu, nhưng có thể là tôi đã mang vào thơ ảnh hưởng của tư trào Pháp quốc và Âu Châu thời đó. Tôi mang vào thơ qua nẻo tình yêu đôi lứa. Tôi nghĩ, trong đó cũng có ảnh hưởng gốc gác của tôi một chút. Tôi không theo đạo, nhưng tôi tin vào một sức mạnh siêu hình. Ví dụ có người hỏi tôi là không em buốt giá từ tâm tức là từ tim? Nhưng sau tôi nghĩ từ tâm có thể là một thuật ngữ Phật giáo đúng hơn chứ Thụy Khuê? Có chủ nghĩa Hiện Sinh bởi lúc đó mình sống với thời đại. Lúc đó, Tây học về mà tôi nói tôi không bị ảnh hưởng của Sartre, Camus thì không đúng.

Tôi đã từng đi xem Huis Clos. Có cả những cô tóc vàng sợi nhỏ. Chúng tôi không hư cấu 100%. Thơ của tôi không xuất phát từ le non-être mà từ l'anti-être, hay gọi theo thuật ngữ thới đó, le néant là mặt nào đó của l'être. Tôi hoàn toàn hệ lụy với những điều đó.

TK: Giữa Sartre và Camus anh gần ai hơn?

CTT: Sartre và Camus? Tôi nói thật, lúc đó tôi là ông cụ non. Tôi thích Sartre vô cùng. Mà thích nhất là L'être et le néant chứ không phải La nausée. Tôi đọc đến những cái cuối cùng của cuối cùng, tận cùng của tận cùng. Dù tôi học Bac Math nhưng tôi rất thích philo. Ðọc L'être et le néant, tôi thấy ghê gớm quá. Tôi thấy ông này có nhiều xảo thuật quá. Tôi biết chứ nhưng mình không lý luận được. Cách hành văn của ông ấy ghê gớm quá, tôi sợ quá.

Lúc đó tôi phát hiện ra là style của Sartre bị ảnh hưởng văn phong của Marx. Nhưng vấn đề là mình phải nhuyễn hóa để thành thơ Việt Nam. Tôi đã từng làm thơ Pháp, tôi xé hết.

TK: Trở lại thời kỳ anh về nước, anh và các bạn anh đã có những đóng góp trong việc làm mới lại thi ca Việt Nam. Bây giờ, nhìn lại thời kỳ ấy, anh thấy những gì anh đã làm được, và những gì anh chưa làm được?

CTT: Bây giờ xét lại tôi cũng có một đóng góp khiêm tốn, tích cực về việc làm mới thơ Việt Nam như Thụy Khuê vừa nói. Ðối với tôi, thơ là căn bản của ngôn ngữ, cũng như căn bản của cuộc sống là hơi thở, oxy, khí trời. Tôi còn nhớ trong một buổi thảo luận tại tòa soạn Sáng Tạo khoảng năm 1960, anh Thanh Tâm Tuyền hỏi tôi sao bây giờ ông vẫn còn làm thơ lục bát. Tôi không muốn lý luận, tôi bảo rằng: Tôi thấy thơ lục bát vẫn chưa hoàn tất, tôi muốn tiếp tục con đường ấy. Bây giờ nghĩ lại, sau những lục bát của Nguyễn Du, Huy Cận, Bùi Giáng v.v... tôi cũng có một đóng góp thật khiêm tốn. Và chưa xong. Chưa xong. Nhưng ô hỡi, thi ca còn mắc nợ lịch sử. Tôi có bổn phận phải trả món nợ lịch sử đó. Vì thế năm 75, tôi quyết định ở lại! Tôi muốn ở lại. Ðó là một quyết định với tất cả những hệ lụy của nó. Tôi nghĩ rằng nếu không có những năm tạm gọi là gian truân, thống khổ... thì ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng chưa tới độ mà hôm nay tương đối tôi đã có thể thỏa hiệp với mình, mình đã đạt tới một mốc điểm nào đó. Tôi sợ rằng nếu không có sự hội nhập, dấn thân nhầy nhụa vào lịch sử để thăng hoa lên thì có thể nói rằng tôi đã tới ngõ cụt của thi ca. Tôi vẫn thắc mắc ở một điểm: Thi ca là gì? Ðối với tôi, Thi ca là một ngữ sự. Không giải quyết được ngữ sự đó thì xé tất cả đi.

*
* *


Trong bài Tựa tập thơ Lời Viết Hai Tay, Ainsi parlait le poète, Cung Trầm Tưởng viết:

"Ðời tù là phi lý của phi lý. Ðể đương đầu với nghịch cảnh sàm sỡ, trớ trêu dị hợm, để không bị kéo xuống tầm tất yếu, ngã vào hư vô, để không tự tử, người thơ tù phải học làm con vật siêu hình, đào tìm ý nghĩa sâu thẳm nhất, cơ bản nhất, cụ thể nhất của sự việc trần gian.

Thơ là một đam mê, một lao về, một rượt đuổi khôn nguôi những cánh chim hồng khó bắt, những câu hỏi xanh lớn hơn bất cứ trả lời nào."

Những lời trên đây có thể xem như một tuyên ngôn của Cung Trầm Tưởng về thơ và tù. Sau đây Cung Trầm Tưởng nói chuyện về cái phi lý của phi lý đã gầy dựng nên thơ.

TK: Sau 75, tự ý anh quyết định ở lại. Ở lại và bị đi tù mười năm. Bây giờ nhìn lại, anh thấy người ta "cho" anh đi tù vì anh là phi công hay vì anh là nhà thơ?

CTT: Cả hai cái đó cụm lại. Phi công chỉ là mặt nổi của vấn đề. Cái mà người cai tù của chúng tôi khó chịu nhất, họ ghét nhất, dị ứng nhất là văn học nghệ thuật. Cái họ gọi là phản động của phản động.
Thì hai cái đó cộng lại và tôi có được mười năm tù. Tôi nói chữ có, bởi vì có lẽ phải vậy thì mới chín muồi.

TK: Nhưng thơ anh, phần lớn là thơ tình, thì có gì mà phải hệ lụy, mà phải nặng tội?

CTT: Ðúng. Nhưng chỉ lúc đầu thôi. Thật ra lúc Thụy Khuê đọc Mùa Thu Paris Chưa Bao Giờ Buồn Thế, kể cả Khoác Kín... đã có một cố gắng mò mẫm tới một chân trời, một ngôn ngữ khác. Tôi jeter một cái base là lề lối sống hiện sinh, mình tự chọn cho mình một lối sống trong một bối cảnh tuyệt đối tự do. Như Sartre nói, nếu tôi không lầm, Con người bắt buộc phải tự do. Và tôi mang hệ lụy đó. Ở trong tù, lời đó vẫn còn giá trị. Vì thế trong bài Ainsi parlait le poète của tôi, viết cho lần tái bản Lời Viết Hai Tay, tôi muốn, qua đó, đục phá những cánh cửa để nhìn vào những phương trời như là kính vạn hoa. Kính vạn hoa ở đây là vấn đề ngôn ngữ. Ðối với tôi, ngôn ngữ là máu mủ của tôi. Hơn thế nữa, đó là phương tiện để giải thoát. Hơn thế nữa, đó là phương tiện mà nếu không có nó, tôi đã phải tự tử.

TK: Trong mười năm tù, anh sáng tác trong những điều kiện như thế nào? Cả về vật chất lẫn tinh thần? Vì có lần, anh cho biết, lúc đó anh gầy lắm, còn có 30kg?

CTT: Ðầu tiên về vật chất thì tôi thấy rằng tôi không có bút, không có giấy. Bởi vì tôi không được quyền. Nếu tôi ăn cắp thì nguy hiểm lắm. Trong hoàn cảnh, có thể nói là nghịch cảnh, như vậy, tôi phải sáng tác bằng cái đầu. Lúc ấy tôi có nói rằng: "Làm thơ như chơi cờ tưởng." Tôi chơi cờ với tôi. Tôi chơi cờ với nàng thơ. Nhưng sức tôi có hạn. Cho nên một hôm có anh bạn bảo tôi rằng:

- "Ông phải sống để làm thơ cho chúng tôi."

Tôi trả lời:

- "Tôi có thể đảm nhận trách nhiệm ấy. Tôi phải làm thơ. Nhưng còn sống thì tôi biết thế nào? Ðời tù như ngọn đèn yếu ớt, leo lắt trước cơn bão thổi. Tôi cố làm thơ cho các ông. Nhưng tôi chỉ xin các ông một điều: Sức tôi có hạn, trí nhớ tôi có hạn. Ai nhớ cho tôi?"

"Ông cứ làm thơ, chúng tôi sẽ có một bộ trí nhớ tập thể."

Vì vậy trong Lời Viết Hai Tay, 50% là nhờ bộ nhớ tập thể đó. Tôi vô vàn cám ơn.

TK: Thưa anh, như vậy, các bạn nhớ hộ, rồi sau đó, mọi sự tiếp diễn ra sao?

CTT: Sau đó mình phải viết trên giấy trong một hoàn cảnh éo le là sau mười năm tù, tôi bị tám năm quản chế. Lúc nào trước cửa nhà tôi cũng có một ông công an, giả vờ làm thợ sửa xe đạp, phu xích lô. Nhưng không hiểu tại sao, lúc đó tôi mê thơ hơn là tôi sợ. Tôi viết, sau đó có người mang tôi đến chỗ khác, người ta nhớ hộ. Chính trong lúc đó tôi viết thêm hai tác phẩm cuối cùng. Bộ ba đó tôi gọi là Tâm Sử Thi. Tôi viết lịch sử bằng tâm thức qua nẻo của thơ. Tôi phải làm bằng lục bát vì không những đó là sở trường của tôi mà lại dễ nhớ. Và tôi đưa cho một anh bạn, nguyên là tình báo quân đội. Và anh ấy có một "bộ nhớ" tuyệt vời hơn cả bộ nhớ của computer/ordinateur. Anh thuộc làu. Anh đã đem ra ngoài.

TK: Thưa anh, bài Nguyệt Thực mang những hình ảnh đẹp và có dấu ấn của đời tù, anh đã làm trong bối cảnh như thế nào?

CTT: Ở một dẫy núi đá vôi, lạnh lắm của vùng Hòa Bình, có một cánh đồng chiêm. Ban đêm anh em đói quá, không biết làm gì. Ở cánh đồng chiêm cách đó mấy trăm mét, họ đang tát nước. Mình nghe. Mấy anh bạn bảo:

"Ông Cung Trầm Tưởng, ông có thấy cái này không? Ông làm hộ một bài thơ."

Thì tự nhiên mình thấy có nhiệm vụ. Lúc đó mình chỉ đọc một vài câu thôi, sau đó phải hoàn chỉnh lại. Ðó là cảnh một đêm tù đói lắm, một số anh bạn lại bị phù thủng. Vậy mình phải hư cấu để sống! Mình nói: Ðói quá mà lại không có thực phẩm, ta ăn trăng! Ðây là bài Nguyệt Thực:

Tiếng ai tát nước đồng đêm
Vơi vơi nước cạn, thêm thêm sóng lòng
Ánh trăng quện nước gầu sòng
Trời loang loãng cháo dưới dòng sao Tâm
...
Lúc đó chỉ nhìn thấy cái gì sền sệt: Cháo. Nhìn trăng chỉ thấy cháo. Phản xạ!
...
Gầu ai cứ tát nước vơi
Men trăng đầy hũ, ta mời ta tôi
Ngày xưa uống rượu hương hồi
Ngày nay loãng máu, ta bồi dưỡng trăng.

TK: Thưa anh, có phải kinh nghiệm tù đầy đã làm anh thay đổi quan niệm thơ của anh? Từ thời kỳ đầu, thơ có đối tượng là tình yêu, và bây giờ, thơ phải dính liền với lịch sử, thơ anh dấn thân hơn?

CTT: Tất nhiên thôi. Ở lại, tôi phát giác ra thêm một kích thước gọi là lịch sử. Nhưng ô hỡi, thơ đâu phải chỉ là lịch sử. Cho nên kể cả ngay trong Lời Viết Hai Tay đã có những cố gắng mò mẫm để đi ra khỏi cái mà tôi gọi là "ngục tù lịch sử". Lịch sử là gì? Lịch sử là cái gì thật là ngu xuẩn, con người tạo ra để nhốt giam chính mình! Nhưng tôi cũng khá hiểu được là: "Cái này không được", phải tìm ra cái khác. Vì thế cho nên tôi có viết rằng: cơ bản, thơ vượt lịch sử.

Thơ mà không vượt lịch sử thì chưa phải là thơ. Phải nhầy nhụa trong lịch sử! Nếu nhân loại, hay đặc biệt dân tộc Việt Nam phải đau khổ thì người thi sĩ phải đau khổ cùng với dân tộc. Ở tù! Nhà tù ấy là nhà tù của lịch sử chứ không phải của chế độ. Nhưng lịch sử đâu có phải là cứu cánh của nghệ thuật. Ðây tôi chỉ nói về nghệ thuật thôi, tất nhiên còn nhiều vấn đề khác nữa. Lịch sử nhiều khi nó là cái bêtise. Rất buồn là con người tạo ra lịch sử để rồi bị giam tù bởi lịch sử. Tôi đủ thông minh để vượt qua. Tôi không có niềm tin về siêu hình tôn giáo, tôi phải dùng con đường nghệ thuật mà trong đó tôi thấy, là thơ.

Thơ là phương tiện để tôi tự giải thoát tôi. Lúc đó tôi đã ý thức được nhờ kích thước lịch sử của triết học. Tôi không sợ Sartre bằng Heidegger. Về cái historicité, Sartre chỉ nói một câu theo kiểu mẫu văn hoa của Pháp là: L'homme est un animal historique. Nhưng Heidegger nói về cái temporité. Tôi thấy thơ bắt buộc phải như vậy.

Nhưng cuối đời, Heideger không tìm ra ngôn ngữ. Tôi thử dùng ngôn ngữ thơ để nói cái tính cách vượt qua lịch sử. Có thế thôi. Bởi rằng thực ra, lịch sử là gì? Lịch sử là trạm quá cảnh đóng con dấu máu đỏ của tang thương trên quyển hộ chiếu của thi lữ khách. Xong rồi lại lên đường.

TK: Vì thế mà ra nước ngoài anh vẫn tiếp tục làm thơ, tức là tiếp tục dấn thân theo một nghĩa khác?

CTT: Vẫn có với tôi một tiếng gọi: Tôi phải tiếp tục lên đường. Và muốn như vậy, tôi phải tìm về ngọn nguồn của ngọn nguồn. Là Paris. Tôi phải trở lại. Tôi đã tự nói với tôi ngay từ năm 1976, khi tôi vào tù, rằng tôi sẽ trở lại. Và đến hôm nay, 1999, tức là 33 năm sau, tôi đã đạt được ý nguyện đó. Và nếu xét từ bối cảnh đáy địa ngục đó, hôm nay ngồi đây nói chuyện với Thụy Khuê. Ðó là một phép lạ.

TK: Rút cục môi trường ngục tù đã đem lại những gì cho thơ anh?

CTT: Thơ tù đối với tôi là một quá độ cần thiết phải có, không có cái đó thì không tiếp tục nổi. Bởi sau cuộc rong chơi của tình yêu lứa đôi, chủ nghĩa hiện sinh... mình thấy đó vẫn chỉ là những cuộc rong chơi. Nhưng nếu dân tộc bị rớm máu, người thi sĩ phải bị đổ máu.
Tôi cám ơn vô cùng lịch sử đã giăng cho tôi cái bẫy là tôi phải mười năm ở tù, để thơ tôi có những kích thước khác, có hệ lụy và có trách nhiệm

TK: Kinh nghiệm của anh đã khó khăn, anh có nghĩ rằng những ngày sắp tới, người làm văn, làm thơ có thể vượt qua được những khó khăn hiện nay không?

CTT: Khó khăn hơn nhiều! Tôi nghĩ rằng muốn đạt tới địa đàng phải đi tới từng thứ chín của địa ngục rồi làm cái xẹt xuyên ánh tinh cầu. Ngộ. Ngộ trong nghịch cảnh của lịch sử. Của thời gian.
Bên này nó ru ngủ ta bằng đủ thứ, dễ dãi quá. Thừa mứa quá. Tôi không dám nói là tôi thù ghét, nhưng tôi cảm thấy rằng con người tôi dị ứng với cái đó. Thành ra, thơ trong tù, khi tôi nói về vấn đề muốn trở lại cái nôi thứ hai của tôi là nếp sống, lối suy nghĩ của Tây phương, là tôi muốn nhìn qua khung cảnh Paris. Dù rằng tôi đã đi học cả Mỹ nữa. Tôi vẫn si mê Paris.
Nhưng tôi đến Paris không phải vì cô đầm Michèle. Tôi đến Paris qua nẻo đường của diaspora vietnamien à Paris một thuở nào, và vẫn muốn tiếp tục con đường đó.

TK: Thưa anh, câu chuyện đã dài, xin anh một lời kết trong ý nghĩa thơ Cung Trầm Tưởng.

CTT: Thơ phải có quan hệ máu mủ, quan hệ ruột thịt với lịch sử. Nhưng xong rồi, mình phải lên đường. Siêu hình xuất phát từ thân phận. Thân phận phủ đầy sử tính, đúng không? Ô hỡi, sử tính là gì? Là khốn khổ. Là nhầy nhụa. Là đau thương. Và lịch sử hiện đại tù đầy. Phải qua nẻo đó thì may ra thơ mới thoát được. Không phải là thơ anh với em, lứa đôi.

Người thi sĩ phải đảm nhận cái đau khổ của dân tộc mình. Qua ngôn ngữ. Tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ của đau khổ. Thành ra tôi có làm bốn câu thơ -Tôi luôn luôn rất dại. Tôi luôn luôn bị lừa. Nhưng phải bị lừa thì mới biết được là bị lừa- Cuối cùng là bốn câu thơ lục bát:

Mai sau thịt thắm da mềm
Cái yêu khác trước cái nhìn khác xưa
Cái tin vô cớ xin chừa
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau


Tôi phải tích cực chứ. Tôi muốn có một câu kết, không phải đi đến chỗ nowhere. Tất cả những sự tạm gọi là hy sinh là để hái gặt được một mùa: Mùa gặt mười năm. Tất cả là một récolte, mùa gặt mà người ta đọc. Mà đọc là gì? Theo tiếng latin, grec là đi cấy một mùa màng mà cái thằng poète nó trồng hộ anh.

TK: Xin cám ơn anh Cung Trầm Tưởng.

Paris, tháng 10/1999

****

Mời các bạn đọc thêm:



Cổ dao trong thơ Cung Trầm Tưởng


Thuỵ Khuê

Cung Trầm Tưởng gắn bó với giai đoạn đầu của thời chia đôi đất nước, qua thi tập Tình Ca, mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ nhạc năm bài, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Ðây, Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Ðông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở cung cao của sáng tạo.
Trong bốn bản nhạc thơ ấy, có "Kiếp sau" ít nổi tiếng hơn cả, nhưng lại là bài hay nhất. Bởi thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh kết hưởng thành một thể toàn bích, gói trọn thiên thu trong khoảnh khắc. Nhạc Phạm Duy và giọng hát Thái Thanh, thính giả đã biết, duy có chất Thơ trong bài Kiếp Sau, riêng nó, đã đạt tới đỉnh nghệ cao thuật nhưng ít ai đề cập.

Bài thơ rất ngắn, sau này Cung Trầm Tưởng có viết lại hai version khác, nhưng có lẽ vẫn không vượt được bản đầu in năm 1959 ở Sàigòn:

Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường,
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
Non sông bóng mẹ sầu u,
mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

Thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau...


Bài thơ làm năm 1956. Ðã hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.

Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.

Trước hết là chữ bù. Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Trong chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Trong chữ bù chỉ thấy cho, chỉ "lấp đầy". Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người "Tây con" như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em "tóc vàng sợi nhỏ" mà lại viết Bù em thật tuyệt.

Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú -nói như Mallarmé- khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.

Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân "cũng rồi" ngồi chung chiếu với quý tộc "thiêu nương".

Rồi lại "Thôi em xanh mắt bồ câu"

Ca dao đâu viết thế . Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v... Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.

Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.

Tất cả những "cũng rồi", "mà xưa", "nghe dường" gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, tạo sự lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?

Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:

Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như "đơm hoa kết mộng", "sông Thương trắc trở" được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:

Bù em một thoáng trời gần
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chungđồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương

Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần..., buông chữ: bù em, thôi em..., đảo chữ: mòn trông..., hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu... đều có tính cách phá tan cấu trúc nội dung, cấu trúc âm thanh của lục bát ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, thành một nhạc âm cổ điển và hiện đại, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc:

Ngày đi, chiều tới không nghiêm,
khoan thai gió cởi phong niêm rũ buồn
Bờ nghiêng nắng giốc đường thuôn,
thiết tha tiếng cũ nghe luồn không trung.

(Về Ðây)

Trong bài Bémol, Buồn lại đập theo một nhịp khác, như một nốt nhạc bị giam cầm:

Chiều buồn lạc thanh âm
Hoang sơ vào khuya tối
Linh hồn tôi dương cầm

Bài Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt huyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:

Chiều đông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
với mây trên nhợt ánh tà;
với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.

Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 55-60, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời thơ mới. Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn của buổi hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Cô đơn của một gã Roquentin trực diện với "bản lai chân diện mục" của mình trong chiếc gương soi mói, soát lục. Cô đơn của gã tử tù Meurseult, xa lạ với loài người:

Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người
(Tương Phản)


Và chắc hẳn Wagner ở dưới suối vàng cũng đã có phần nào đóng góp trong cách biến tấu nhịpđiệu thể xác và linh hồn của lục bát, nơi Cung Trầm Tưởng.

*

Những năm cải tạo đã thay đổi quan niệm sáng tác của Cung Trầm Tưởng, nhà thơ trữ tình chuyển sang nhà thơ dấn thân: Ông viết về cái tâm thức mới ấy bằng những hàng:

"Người thơ xưa nói lên tâm thức bộ lạc. Người thơ tù "cải tạo" bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo. Cái tâm thức sâu thẳm, lên men từ khổ đau, thúc trướng bởi bản năng tập quần, xúc tác ra một nhân gian thuần nhất, nền cộng hòa của những người anh em đồng cảnh, những người tù cùng khổ." (Ainsi parlait le poète)

Từ một quan niệm thơ như thế, lục bát Cung Trầm Tưởng, bài Nguyện Cầu Mùa Thu, làm ở Hoàng Liên Sơn, thu 77, có những câu:

Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua
Môi cằn, má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
Ðêm nằm ruột rỗng vai run
Ðầu kề tiếng suối, chân đùn bóng đêm

Cung Trầm Tưởng, ở thơ tù, trở thành một nhà thơ hiện thực, rất hiện thực. Nhưng không phải lúc nào cũng hiện thực. Những mộng, những mơ, những trữ tình khó thoát khỏi bản năng. Cung Trầm Tưởng của thơ tù, có mộng, có mơ, nhưng lại là những cơn ác mộng mà vẫn có cái ngất ngư, cao đạo của tâm hồn:

Sớm đi đội gió đỉnhđầu
Tưởng như hồn chết giữa vầu nứa khô
Ðường lên giang nứa nhấp nhô
Ngả nghiêng mây núi, lệch xô đất trời


(Ðường lên dang nứa)

Mười năm lao cải chỉ là mười năm luyện thép cho thơ. Thơ ông đanh hơn. Như thể muốn thổi bễ thời gian, luyện quánh nỗi đau trong tiếng hò địa phủ:


Mồ dẹt thời gian xe hủ lô
Sương tang sô xóa bặt sông hồ
Niềmđau sờ thấy hồn vong tộc
Nham nháp trời và sần đất thô



Con đường mười năm đã vùi chôn tất cả những ngây thơ, những tin yêu, những nhẹ dạ xưa, và đưa thi ca vào một lộ trình gai góc, lộ trình heo hắt, lộ trình tang trắng mà thơ là sự cô đọng những tang thương, khấp liệm trong lòng người tù cải tạo:

Và đi cho tới cùng đường
Của heo hút xứ khôn lường khổ đau
Thoắt đi tó cđã phai màu
Như nghìn tang trắng quấn đầu vi lô
Chiều tê sương sập nấm mồ
Vùi chôn chú bé hồ đồ năm xưa.

Paris, tháng 10/1999

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Cổ dao Cung Trầm Tưởng

Tác giả: Thuỵ Khuê


Cung Trầm Tưởng gắn bó với giai đoạn đầu của thời chia đôi đất nước, qua thi tập Tình Ca, mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ nhạc năm bài, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Ðây, Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Ðông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở cung cao sáng tạo.

Trong năm bản nhạc thơ ấy, có Kiếp Sau ít nổi tiếng hơn cả, nhưng lại là bài hay nhất. Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và tiếng hát Thái Thanh kết hưởng thành một thể toàn bích, gói trọn thiên thu trong khoảnh khắc. Nhạc Phạm Duy và giọng hát Thái Thanh, không lạ gì với thính giả, duy có chất Thơ trong bài Kiếp Sau, riêng nó đã đạt tới đỉnh nghệ thuật nhưng ít ai đề cập.

Bài thơ rất ngắn, sau này Cung Trầm Tưởng có viết lại hai version khác, nhưng có lẽ vẫn không vượt được bản đầu in năm 1959 ở Sài gòn:

   Bù em một thoáng trời gần,
   đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
   Bù em góp núi chung đồi
   thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
   Bù em xuôi có ngàn thơ,
   vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
   Quên thôi, bông sẽ phai hường,
   mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
   Non sông bóng mẹ sầu u,
   mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
   Thôi em xanh mắt bồ câu,
   vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau...

Kiếp Sau làm năm 1956. Hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.

Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.

Trước hết là chữ bù. Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Chữ bù chỉ thấy cho, chỉ "lấp đầy". Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người "Tây con" như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em "tóc vàng sợi nhỏ" mà lại viết Bù em thật tuyệt.

Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.

   Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân "cũng rồi" ngồi chung chiếu với quý tộc "thiêu nương". Rồi lại:

   Thôi em xanh mắt bồ câu

Ca dao đâu viết thế. Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v... Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.

   Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.

Tất cả những "cũng rồi", "mà xưa", "nghe dường" gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, làm lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?

Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:

   Non sông bóng mẹ sầu u
   Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như "đơm hoa kết mộng", "sông Thương trắc trở" được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:

   Bù em một thoáng trời gần,
   đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
   Bù em góp núi chung đồi
   thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
   Bù em xuôi có ngàn thơ,
   vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương

Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần..., buông chữ: bù em, thôi em..., đảo chữ: mòn trông..., hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu... đều có tính cách phá tán âm thanh lục bát, phá tan nội dung ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, một khúc điệu mới, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc:

   Ngày đi, chiều tới không nghiêm,
   khoan thai gió cởi phong niêm rũ buồn
   Bờ nghiêng nắng giốc đường thuôn,
   thiết tha tiếng cũ nghe luồn không trung.
                                             (Về Ðây)

Trong bài Bémol, Buồn lại rơi theo nhịp khác, như nốt nhạc bị giam cầm:

   Chiều buồn lạc thanh âm
   Hoang sơ vào khuya tối
   Linh hồn tôi dương cầm

Bài Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín  cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:

    Chiều đông tuyết lũng âm u
   bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
    Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
   ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
    Phường xa nhịp sắt bon bon,
   tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
    Sân ga mái giọt âm thầm:
   Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
    Mình tôi với tuyết non cao;
   với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
    với mây trên nhợt ánh tà;
   với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
    Tôi về bước bước đăm chiêu,
   tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.

Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 55-60, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời thơ mới. Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Cô đơn của một Roquentin trực diện với "bản lai chân diện mục" của mình trước gương soi mói, soát lục. Cô đơn của gã tử tù Meurseult, xa lạ với loài người:

    Hoang liêu về chết tha ma
   Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người
                                            (Tương Phản)

Và chắc hẳn Wagner dưới suối vàng cũng đã có phần nào trách nhiệm trong cách biến tấu nhịp điệu thể xác và linh hồn lục bát Cung Trầm Tưởng.

*
Cung Trầm Tưởng những năm cải tạo đã thay đổi quan niệm sáng tác, trữ tình chuyển sang dấn thân:

"Người thơ xưa nói lên tâm thức bộ lạc. Người thơ tù "cải tạo" bây giờ, một nạn nhân kiêm chứng nhân, nói lên tâm thức cộng đồng của những người tù cải tạo. Cái tâm thức sâu thẳm, lên men từ khổ đau, thúc trướng bởi bản năng tập quần, xúc tác ra một nhân gian thuần nhất, nền cộng hòa của những người anh em đồng cảnh, những người tù cùng khổ." (Ainsi parlait le poète)

Từ một quan niệm thơ như thế, lục bát Cung Trầm Tưởng, bài Nguyện Cầu Mùa Thu, làm ở Hoàng Liên Sơn, thu 77, có những câu:

    Áo tù thẫm máu đôi vai
   Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
    Ngó tay bỗng thấy già nua
   Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua
    Môi cằn, má hóp thịt da
   Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn
    Ðêm nằm ruột rỗng vai run
   Ðầu kề tiếng suối, chân đùn bóng đêm

Cung Trầm Tưởng thơ tù trở thành hiện thực. Rất hiện thực, nhưng không phải lúc nào cũng hiện thực. Những mộng, mơ, những trữ tình bị kìm hãm trong lao lý nhưng khó thoát khỏi bản năng. Cung Trầm Tưởng thơ tù, có mộng, có mơ, nhưng lại là những cơn ác mộng mà vẫn có cái ngất ngư, cao đạo của tâm hồn:

    Sớm đi đội gió đỉnh đầu
   Tưởng như hồn chết giữa vầu nứa khô
    Ðường lên dang nứa nhấp nhô
   Ngả nghiêng mây núi, lệch xô đất trời
                                 (Ðường lên dang nứa)

Mười năm lao cải luyện thép cho thơ. Thơ ông đanh hơn. Như thể muốn thổi bễ thời gian, luyện quánh nỗi đau trong tiếng hò địa phủ:

    Mồ dẹt thời gian xe hủ lô
   Sương tang sô xóa bặt sông hồ
    Niềm đau sờ thấy hồn vong tộc
   Nham nháp trời và sần đất thô

Con đường mười năm đã vùi chôn những ngây thơ, những tin yêu, những nhẹ dạ xưa, và đưa thi ca vào một lộ trình gai góc, lộ trình heo hắt, lộ trình tang trắng mà thơ là sự cô đọng những tang thương, khấp liệm trong lòng người tù cải tạo:

    Và đi cho tới cùng đường
   Của heo hút xứ khôn lường khổ đau
    Thoắt đi tóc đã phai màu
   Như nghìn tang trắng quấn đầu vi lô
    Chiều tê sương sập nấm mồ
   Vùi chôn chú bé hồ đồ năm xưa.

Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
15.00