I
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng..."

Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
"Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng..."

Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân

II
Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn

III
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bình luận về bài thơ Con cò

Con cò là hình ảnh quen thuộc với làng quê Việt Nam tự bao đời. Chính vì thế mà từ lúc nào không biết, hình ảnh cò đã đi vào ca dao, dân ca Việt Nam một cách bình thường nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc biểu trưng cho hình tượng người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó. Và cũng có khi hình ảnh cò được mượn để ví cho thân phận người phụ nữ thấp bé trước xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Cảm nhận từ tình mẹ thiêng liêng, cảm nhận vẻ đẹp sâu sắc của hình ảnh cò, tác giả Chế Lan Viên đã mượn chất liệu là những bài ca dao, dân ca Việt Nam để dệt nên bài thơ Con cò ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và nỗi nhọc nhằn nuôi con khôn lớn của người phụ nữ, người mẹ. Bài thơ đã nhanh chóng được mọi người biết đến và trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về tình mẹ.

Khổ thơ đầu được viết một cách nhẹ nhàng, êm, ái:

Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ ru
Có cánh cò đang bay
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng...”
Ngủ yên! ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.
Đúng là đứa trẻ còn quá bé bỏng để hiểu được thế nào là con cò, con vạc, thế nhưng ngay từ giấc ngủ đầu nôi, người mẹ đã nhẹ nhàng đem cánh cò đến với con bằng lời ru dịu dàng, nồng ấm. Điệp từ “con cò” được nhắc đi, nhắc lại ở câu bốn đến câu tám của khổ thơ đầu như một điệp khúc ngân nga, nhịp nhàng. Người đọc cảm nhận được trong thơ có nhạc. Nhạc điệu là lời ru của mẹ đối với con, là lời kể, tả của mẹ về hình ảnh cò trong dân gian cho con nghe. Hình ảnh “con cò bay la,..... bay lả”, từ “cổng phủ” cho đến “Đồng Đăng” miêu tả hình ảnh cò thung dung bay lượn một cách tự do trên khắp mọi nẻo quê hương, trở thành biểu tượng gắn bó với làng quê Việt Nam. Hình ảnh cò “xa tổ”, cò “ăn đêm”, sợ gặp “cành mềm”, sợ bị “xáo măng” gợi hình ảnh cò lẻ loi một mình đi kiếm mồi trong đêm tăm tối có muôn vàn cạm bẫy đang chực chờ phía trước. Phải chăng, tác giả muốn nhắc đến thân phận yếu đuối của người phụ nữ và nỗi vất vả gian truân trong cuộc mưu sinh để nuôi con âm thầm, khi bên ngoài xã hội còn nhiều cạm bẫy đang chực chờ. Mặc dù người mẹ biết con mình còn quá bé bỏng trước cuộc đời. Nhưng mẹ muốn hát cho con nghe để con hình thành tình yêu thương đối với những gì thuộc về quê hương, đất nước, hiểu được tình thương bao la mà mẹ dành cho con. Bên cạnh đó, mẹ muốn con hãy yên tâm trước cuộc đời, vì đã có mẹ chở che trong câu: “sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”. Đọc đến đây, ta cảm động trước tình mẹ bao la, sâu sắc, vỗ về, chở che ta từ khi còn tấm bé. Để rồi, khi ta từng bước trưởng thành, vẫn có mẹ bên cạnh sẻ chias
Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên! Lớn lên! Lớn lên!
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn.
Khổ thơ thứ hai có thể chia làm ba giai đoạn, tựu chung lại vẫn là ý nghĩa của hình ảnh cò gắn bó mật thiết và trở nên người bạn đồng hành đối với cuộc đời con trẻ từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành.

Đoạn đầu từ:
Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Là mối tương quan mật thiết giữa cò với con trẻ trong suốt thời thơ ấu. Cò “đứng ở quanh nôi”, rồi cò “vào trong tổ”; còn có ngủ thì cò mới ngủ. Hình ảnh cò tới đây không còn là hình ảnh con cò giản dị nữa, mà đã ẩn dụ cho hình tượng người mẹ chăm sóc, vỗ về, ấp iu cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi con lớn hơn một chút thì tình yêu mẹ dành cho con như thế nào? Đoạn thứ hai:
Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
là hình ảnh đồng hành của người mẹ với con mình trong thời niên thiếu. Buổi ban đầu chập chững bước vào cuộc đời, đứa trẻ cần lắm đôi tay dìu dắt của mẹ. Thế nhưng, người mẹ sẽ không dìu dắt con mãi mãi, mà theo năm tháng, mẹ tập cho con tự bước đi trên đôi chân chính mình. Có thể thấy: ban đầu, thì cò dắt con đi học. Nhưng dần dà, cánh trắng cò chỉ bay theo gót chân con. Khi con đến giai đoạn niên thiếu, tình thương của mẹ dành cho con đã có cách thể hiện khác. Mẹ không còn nâng niu con nữa, mà chỉ đồng hành bên con, dõi theo mỗi bước chân con. Mẹ muốn con tự đi trong cuộc đời bằng đôi chân của chính mình. Vì chỉ có thế, bước chân con mới vững chãi, không sợ bị vấp ngã. Ta cảm nhận được tình mẹ vừa sâu sắc, lại vừa phong phú, cách thể hiện đa dạng. Một lần nữa, ta hiểu thêm về mẹ, chợt nhận hối hận ra ta cũng đã có lúc hiểu lầm về mẹ. Đoạn thứ ba nói lên hình ảnh cò-hình ảnh mẹ đã đi vào tiềm thức, hoá nên tâm hồn phong phú cho con người khi trưởng thành:
Lớn lên! Lớn lên! Lớn lên!
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn.
Cho dù lúc trưởng thành con có làm bất cứ nghề nghiệp gì, thì hình ảnh mẹ luôn là nguồn cảm xúc dạt dào, là chất xúc tác giúp con thành công hơn trên bước đường công danh sự nghiệp. Hình ảnh thân thương của mẹ trở nên ý nghĩa lớn lao với cuộc đời mỗi người.

Khổ thơ thứ ba thật giản dị mà lại gây nên xúc động với người đọc bởi lời mẹ chân tình, tha thiết:
Dù được gần con
Dù ở xa con
Lên rừng, xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn, vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn yêu con.
Phải chăng đây cũng chính là lời tự sự của tất cả những người mẹ có con cái đã trưởng thành, có khung trời và lối đi riêng? Cho dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ vẫn dang rộng vòng tay yêu thương, vẫn là bến bờ, là điểm tựa cho con bởi:” con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Thế nên “đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Có biết bao nhiêu thứ tình cảm trên đời, nhưng có tình nào bao la, sâu sắc và vô tận như tình mẹ dành cho ta.

Bài thơ được mở đầu bằng những câu hát ru và kết lại cũng bằng lời ru à ơi:
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi! Ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi.
Lời ru đến lúc này sao thắm đượm quá đỗi tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ.

Lại một lần nữa các cụm từ: “ngủ đi”, “cánh cò, cánh vạc”, “nôi” được nhắc lại nhằm gợi về kỉ niệm tuổi thơ, nhắc nhớ về giấc ngủ đầu nôi cũng là dấu ấn thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người.

Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ này với một sự chiêm nghiệm sâu sắc về tình mẹ con. Ông đã thể hiện niềm yêu kính đối với hình tượng người mẹ bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trau chuốt.

Tình mẹ, chắc có lẽ trong tâm thức mỗi con người đều cảm nhận được. Thế nhưng, với bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, ta như được trãi nghiệm và hiểu thêm một cách sâu sắc về ý nghĩa của tình mẹ trong cuộc đời của mỗi con người.

644.72
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

cảm nhận hình ảnh con cò

"Con cò"là một hình ảnh tượng trưng cho người nông dân,người phụ nữ siêng năng,cần cù nhưng lam lũ,khó nhoc.Con cò trong bài thơ là hình ảnh người mẹ yêu con.Người mẹ ấy vất vả ngày đêm mà không quản ngại khó khăn,vẫn luôn bên con,đi hết đời con để chắp cánh cho con bay vào đời.

383.89
Trả lời
Ảnh đại diện

BÌnh luận

đây là bài nói về tình mẹ con hay nhất mình từng đọc =))

423.64
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò

Chế Lan Viên là nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới. Ông là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam thế kỉ XX. Bài thơ Con cò là bài thơ đặc sắc của Chế Lan Viên được trích trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão. Từ hình tượng con cò, nhà thơ đã khái quát sâu sắc về hình ảnh người mẹ trong cuộc đời mỗi con người. Con cò còn là hình ảnh người nông dân, cần cù, vất vả, là hình ảnh người phụ nữ chịu thượng, chịu khó, giàu đức hi sinh.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh con cò chịu thương chịu khó và cũng là lời tâm tình của mẹ:

Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay.
Sau những lời tâm sự của mẹ là những câu hát ru chan chứa ân tình:
Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng...
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ! con chơi rồi lại ngủ.
Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng...
Hình tượng con cò trong khổ thơ đầu là hình ảnh người mẹ lam lũ, suốt đời lo lắng cho con. Ấy thế nhưng mẹ vẫn dành cho con những lời hát ngọt ngào.

Lời hát ru của mẹ đã mang đến cho con giấc ngủ yên bình, hạnh phúc. Trong lời hát ru ấy có hình ảnh quê hương, đất nước, có hình ảnh nông thôn và phố phường náo nhiệt. Lời hát ru còn có sự lam lũ, gian nan, nhọc nhằn của mẹ. Thấm đẫm trong lời hát ru là những cảm xúc yêu thương đang dâng trào từ nơi trái tim mẹ. Dù mẹ phải vất vả trăm bề nhưng mẹ vẫn luôn ru con bằng điệu hồn dân tộc. Con luôn được mẹ vỗ về trong những âm điệu ngọt ngào, dịu dàng, sâu lắng. Dù vô thức nhưng con cũng đón nhận được tình cảm của mẹ bằng trực giác của mình. Tình cảm của mẹ đành cho con thật thiêng liêng, cao cả và không bao giờ cạn. Lúc nào mẹ cũng muốn ở bên cạnh con để chăm sóc, giúp đỡ con, che chở cho con:
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ!
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Tấm lòng của mẹ đã làm cho tâm hồn con thêm phong phú. Lời ru của mẹ đi vào tiềm thức tuổi thơ:
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân.
Bên cạnh lời ru hời của mẹ là dòng sữa ngọt ngào mà mẹ chắt chiu để nuôi con khôn lớn:
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.
Mẹ luôn mang đến cho còn những cái con cần, ru để con say giấc ngủ, dòng sữa để nuôi con khôn lớn. Rồi mẹ đồng hành với từng chặng đường trưởng thành của con, mẹ luôn quan tâm lo lắng cho con.

Hình ảnh con cò trong khổ thơ thứ hai và thứ ba là hình ảnh người mẹ gắn bó thân thiết với con, quan trọng đối với con, mẹ theo cùng con đến suốt cuộc đời. Qua lời ru nặng nghĩa, nặng tình, mẹ đã làm nên chiều sâu trong tâm hồn con, giúp con mỗi ngày một hiểu biết. Mẹ đã chắp cho con đôi cánh bay cao, bay xa. Từ lúc lọt lòng cho đến lúc nằm nôi rồi đến tuổi tập đi, tập nói, mẹ luôn tần tảo nuôi con. Mẹ lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.

Mang đến cho con những hương vị hạnh phúc của cuộc đời. Khi con đi học, cổng trường mở ra đối với con là niềm vui đối với mẹ. Con được mẹ quan tâm dạy bảo, mẹ vui khi con học hành tấn tới. Rồi con lớn lên, khi con làm thi sĩ, mẹ cũng là điểm tựa cho con:
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn...
Hình ảnh người mẹ thật quan trọng đối với cuộc đời con. Mẹ quan trọng với con từ thuở con nằm nôi đến lúc trưởng thành. Sự dìu dắt, nâng đỡ của mẹ đã đem đến hạnh phúc cho con. Đúng như nhà thơ Nguyễn Duy có nói:
Ta đi trọn một kiếp người
Cũng không đi hết một lời mẹ ru.
Bài thơ khép lại cung là lời ru chan chứa ân tình của mẹ:
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi! Ngủ đi
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát quanh nôi.
Lời ru ấy được lặp đi, lặp lại qua từng đoạn thơ đã tạo nên một âm hưởng vừa dân gian vừa hiện đại, nó thể hiện một vẻ đẹp của hình ảnh con cò, một vẻ đẹp thống nhất giữa tình cảm và hành động đối với con.

Bài thơ thành công trong cách vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao, nó là điểm tựa của sự liên tưởng phong phú của nhà thơ để sáng tác những hình ảnh thơ độc đáo, biểu cảm giàu triết lí. Mỗi lần đọc bài thơ có ai mà không nhớ tới công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của mẹ. Từ đó, mỗi chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm của mình trước lòng mẹ bao la.

Có thể nói Con cò là một bài thơ hay. Thông qua cánh cò dập dìu trong lời hát ru, Chế Lan Viên muốn nói lên tấm lòng yêu thương và mong ước của người mẹ với đứa con yêu quí của mình và chắc chắn rằng em bé lớn lên trong lời ru ấy sẽ hiền hoà, hiếu thảo, nên người.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
324.72
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Hỏi

Hình tượng con cò trong câu ngủ yên ngủ yên cò ơi chớ sợ cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng tượng trưng cho hình ảnh nào vậy ạ

293.66
Trả lời
Ảnh đại diện

Hỏi

Câu thơ ngủ yên ....tay nâng hình ảnh con cò là tượng trưng cho hình ảnh nào vậy ạ???

303.30
Trả lời
Ảnh đại diện

Hình ảnh ca dao đồng bằng bắc bộ

Là hình ảnh trong bài ca dao hát ru của đồng bằng bắc bộ:
"Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con."

Hồi bé mẹ mình cũng hay hát ru cho mình bài này

313.55
Trả lời