Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Chính Hữu » Đầu súng trăng treo (1972)
Đăng bởi Viễn khách vào 17/04/2007 12:05, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi hongha83 vào 26/11/2010 05:34
Mười năm đi mải miết
Mang quê mình xanh biếc trên lưng.
Khi ta hành quân đã khuất,
Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng
Tha thiết
Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta
Gian khổ đêm ngày chiến dịch,
Vẫn nghe rì rào thôn xóm ta qua
Nghe núi nghe sông trong cành lá hát.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 16/03/2015 17:46
Bài thơ được trích ở trang 19 trong tập Đầu súng trăng treo, tái bản lần 3, 1984, NXB Văn học: 10.200 bản. Con số ít nhiều đã nói lên vị trí của thơ thời đó. Còn lý do vì sao lại là một câu chuyện dài.
Thơ Chính Hữu thường mộc mạc, giản dị, nằm trong quán tính trượt ra từ thơ chống Pháp: thơ đánh giặc, hành quân, chuyển động. Ngay từ tên các bài thơ trong tập đã phần nào nói lên điều đó: Đồng chí, Tháng năm ra trận, Giá từng thước đất, Thư nhà, Lá nguỵ trang, Nhật ký biên giới, Đường ra mặt trận, Trận địa Hà Nội, Ngọn đèn đứng gác... Chính Hữu viết ít nhưng ông nổi tiếng không chỉ ở những bài thơ hay mà còn ở những bài được phổ nhạc, trong trẻo, náo nức: “Những buổi vui sao cả nước lên đường / Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục...” cùng với “Ngọn đèn đứng gác / Cho thắng lợi, nối theo nhau / Đang hành quân đi lên phía trước” giờ đây còn vang âm.
Lá nguỵ trang là một bài thơ hay.
Bài thơ có hai đoạn. Không gian từ trải dài “mải miết” của đoạn một sang bề rộng “trăm miền” của đoạn hai theo bước “hành quân”. Bài thơ xen kẽ, luân phiên đều đặn thanh bằng/ trắc ở vần chân. Nhịp thơ chỉn chu, cẩn thận.
Bắt đầu bằng: “Mười năm đi mải miết/ Mang quê mình xanh biếc trên lưng” trong thế chuyển động “đi”, “mang” đồng thời với “trích ngang lý lịch” về thời gian công tác liên tục. (Trong bài Đồng chí - 1948 cũng của ông, yếu tố “trích ngang” còn rõ rệt hơn về hoàn cảnh: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” đồng cảnh, đồng điệu với một loạt nhân vật thơ khác cùng thời, trong đó có: “Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ...” của Hồng Nguyên. Về sau nhiều người nghiên cứu gọi các nhân vật thơ đó là những “người nông dân mặc áo lính”.
Thơ, bao giờ cũng là bản lý lịch trung thực nhất của tâm hồn.
“Mười năm đi mải miết / Mang quê mình xanh biếc trên lưng”. Màu “xanh biếc” là gam chủ đạo: ẩn dụ cho tuổi trẻ, hy vọng, ước mơ. Các biến thể, phái sinh của nó sẽ lần lượt xuất hiện trong bài qua: “lá nguỵ trang”, “cây”, “lá”, cùng với âm thanh “rì rào”, và “cành lá” ở cuối bài càng khẳng định cho gam màu và ẩn dụ vừa nói.
“Mang quê mình xanh biếc trên lưng”. “Xanh biếc” gánh cân bằng hai vế: “quê mình” và “trên lưng”. Có thể hiểu: “quê mình xanh biếc” và cả “xanh biếc trên lưng”. “Lá nguỵ trang” là “gốc” của “xanh biếc”, nhưng dù không thấy “gốc” mà vẫn thấy màu: màu trong ký ức, tâm tưởng về quê hương. Ta thường gặp “quê mình”, “quê ta” trong thơ Chính Hữu.
“Khi ta hành quân đã khuất / Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng”.
Đại từ nhân xưng “ta” trong thơ Chính Hữu bao giờ cũng là “chúng ta”, cái “ta” đồng đội: “Quê ta lên khói cơm mùa”, “Sáng nay ta về Hà Nội” hay “Đất nước ta ơi” (Sáng hôm nay); “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo dội / Ta mới hiểu thế nào là đồng đội” (Giá từng thước đất); “Ở nước ta / Mỗi cử tri là một người mơ mộng” (Lá phiếu hôm nay); “Thôn xóm ta trồng cây lại tiếp cây” (Cây);... Ngôi thứ nhất trong thơ trữ tình thường mang chức năng biểu cảm; ở đây còn mang thêm ý nghĩa kêu gọi đồng tình hưởng ứng, thúc giục từ tư thế công dân.
Đã có thời Chính Hữu: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa / Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng / Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng / Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm...”, thì “những chàng trai” tuy ở ngôi thứ ba mà vẫn ám ảnh cái “tôi” cá nhân lãng mạn, phảng phất giọng điệu bi phẫn, tráng sĩ; từ ngữ, hình ảnh ước lệ, khuôn sáo, vay mượn. Có lẽ vì thế mà về sau ông không đưa vào tuyển thơ của mình (?)
“Khi ta hành quân đã khuất / Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng”(1) cấu trúc ngữ pháp gợi nhớ “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”(2): ở cả (1) và (2) câu trên là tư thế, câu dưới là âm thanh, ánh sáng vọng đuổi vào tâm thức chủ thể trữ tình. Tuy nhiên, vẫn khác ở tâm thế: ở (1) tươi xanh lá, xao động; còn ở (2) thu xao xác vàng nhiều tĩnh lặng, sang trọng. “Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng” trẻ trung trong không gian mở. Hai âm tiết “tha thiết” thanh trắc được buông ở âm sau, cuối đoạn thơ, nhấn mạnh tầm quan trọng vào âm vị hạt nhân đỉnh “iế” vút cao, khép lại vòng cấu trúc thanh âm với: “mải miết”, “xanh biếc”.
“Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta / Gian khổ đêm ngày chiến dịch”. Không gian mở rộng quy mô đến “trăm miền”. “Cây mọc trăm miền”: trăm miền đều có lá - liên kết lôgic văn bản với “Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng” ở đoạn một trong ký ức của người ra đi lần lượt qua các từ, cụm từ: “mải miết”, “hành quân”, “đêm ngày chiến dịch”, “thôn xóm ta qua”.
“Gian khổ đêm ngày chiến dịch” là trần thuật thật thà, cụ thể; nhưng “Vẫn nghe rì rào thôn xóm ta qua / Nghe núi nghe sông trong cành lá hát” thì đã miêu tả hoá trần thuật. Kể mà thành tả: miêu tả những xao động tâm hồn trong âm thanh “rì rào” sông núi, xóm thôn bình dị từ việc kể những bước đường “ta qua” mà “cành lá” là tụ tiêu trung tâm của những xung động nội tâm.
“Nghe núi nghe sông trong cành lá hát” là câu chứa hai mệnh đề chính, phụ A, B xảy ra đồng thời về mặt thời gian: A nghe B hát, nhưng A “ta” bị ẩn, còn B “núi sông” hiện diện “hát trong cành lá”. Trong câu thơ, vị ngữ “hát” bị đảo xuống cuối, nên mới đọc thoáng qua ta tưởng “cành lá hát”. Nếu thế câu thơ phải được viết: “Nghe núi nghe sông nghe cành lá hát”: câu sẽ trở thành có 3 mệnh đề (một chính hai phụ) - A nghe B, nghe C “cành lá” hát. Nhưng “hát trong cành lá” mới thơ. Điệp từ “nghe” hai lần trong câu thơ nguyên thuỷ tạo nên âm hưởng hào hùng, reo vui cùng với cái nhìn mới vào đối tượng, cảm thức sở hữu của người chiến thắng, làm chủ, vọng lại từ những “Trời xanh đây là của chúng ta / Núi rừng đây là của chúng ta...” hoặc “Đường ta đó, tự do cuồn cuộn / Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi...” trước bài thơ này vài năm. Không khí reo vui, nao nức của thời đại đã làm nên thi pháp chung hào hùng cho thơ một thời. Thanh trắc “hát” ở đây (cũng như “tha thiết” kết đoạn một) như vút cao còn góp thêm vào thi pháp đó một tiếng ngân nao nức trong tâm thế hướng động.
Lá nguỵ trang là một bài thơ hay, “nguỵ trang” những xúc cảm sâu sắc, trong sáng của nhà thơ về quê hương dưới những hiển ngôn bình dị.