15.00
4 bài trả lời: 3 bản dịch, 1 bình luận
1 người thích

Một số bài cùng tác giả

Đăng bởi thanhbinh82_tp vào 26/05/2007 15:41, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi hongha83 vào 16/03/2011 22:03

Пролог

Нека ме шибат и брулят неверните бури,
нека ми съскат отровните, лепкави грижи,
нека месата ми късат безумните фурии,
хищни чакали кръвта ми пролята да лижат…

Ти само, огън, горящ в моя дух, не загасвай,
ти само, извор, клокочещ в сърцето, не спирай,
ти само, обич, която мистично опасваш
моя живот — до последния миг не умирай!

Що са онези, които сега слепешката
моите дни на света преброени скъсяват? —
Бъдните дни, с неоменната своя разплата,
тяхната пръст ще затъпчат в безмълвна забрава.

Ти, огън мой, ще гориш и след мен в духовете,
ти, извор живе клокочиш в сърцата без грях,
ти, моя обич, в очите младежки ще светиш,
с техните устни ще пееш — и аз ще съм в тях!

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Lữ Huy Nguyên

Khi em hờn tủi, ốm đau
Xin anh đừng đến...lưu sầu sang anh
Một mình chịu khổ cũng đành!
Thú kia giấu vết thương mình hang sâu
Một mình liếm lám niềm đau
Một mình gồng sức phía sau gian phòng
Lệ ngưng chảy thấm vào lòng
Bao nhiêu máu độc lại hồng qua tim
Gieo thành ngôn ngữ lặng im
Nơi xa anh có nghe em tự tình?
Đã quen đau khổ một mình
Sầu em trĩu xuống vai anh làm gì
Trán đừng nhăn nếp nghĩ suy
Thôi đừng tóc rũ hàng mi muộn phiền
Một mình chịu khổ dã quen
Nhưng khi vui sướng lại thèm có anh
Rót vui từ trái tim mình
Sang tim anh để vẹn tình lứa đôi
Tràn đầy giếng mắt em vui
Mắt anh phản chiếu với lời hát em
Từ đôi môi mỏng dịu hiền
Câu ca đậu xuống êm đềm môi anh

Dẫu em có nghi ngờ ! Ngôi sao là ánh lửa ! Mặt trời di chuyển chỗ ! Chân lý là dối lừa ! Nhưng em chớ nghi ngờ ! Tình yêu Anh em nhé
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Vũ Tú Nam

Khi em khổ
Em buồn hay ốm
Anh đừng ở bên em
Cuộc đời, năm tháng đã dạy em
Và em đã quen
Chịu khổ một mình.
Như con thú bị thương
Náu trong hang kín
Một mình liếm vết đau,
Em tự giam sau bốn bức tường
Và em nhóm hồng tất cả các lò
Của sức sống bản thân em.

Khi đó
Các chất độc ngấm vào máu em
Tiếng rên rỉ rỉ rền
Mà môi em ngăn lại
Những giọt lệ mắt em không để chảy
Đều lọc thấu tim em
Hoà những giọt trong
Gieo thành những lời chưa từng nói
Em nói cùng anh.

Anh hãy lắng tai, rồi sẽ nghe thấy cả
Dù anh ở đâu

Khi em khổ
Em buồn hay ốm
Anh đừng ở bên em
Em không muốn trên vai anh
Trút gánh.

Em không muốn bóng tôi phủ mình em
Làm gợn trán anh
Em không muốn nụ cười héo hắt của em
Làm tắt
Niềm vui rạng rỡ dưới mi anh
Em không muốn thấy anh cũng gục
Dưới thành em
Em không muốn

Em đã quen
Chịu khổ một mình
Nhưng thật khó cho em phải gánh
- không có anh - cái đẹp, niềm vui.
Những lúc đó, hãy ở bên em, anh nhé
Để em có thể rót niềm vui
Từ tim em sang tim anh
Tràn đầy giếng mắt em
Phản chiếu trong cái nhìn của anh trong trẻo;
và để cho câu hát cất lên từ môi em
Đậu xuống môi anh.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng
Mây lót ổ chim gù bên kinh kệ
Hoa xứ Phật dặt dìu hương nhập thế
Người giữa đời thổn thức muốn thành sư.
Hữu Thỉnh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đỗ Tư Nghĩa

Đừng ở gần em khi em khổ đau
khi em buồn, em bệnh.

Những năm tháng – đời đã dạy cho em
Và em đã quen
cưu mang nỗi khổ một mình.

Như con thú bị thương
thu mình trong hang
để liếm láp vết thương – cô độc
Em cũng vậy
tự giam thân trong những bức tường
làm tắt ngấm
mọi bếp lửa đời ấm áp.

Rồi,
Chất độc gặm mòn máu tuỷ em
tiếng rên rỉ môi em kềm giữ lại
những lệ sầu mắt không để tuôn rơi
đúc lại trong tim em
thành những giọt trong veo
những điều câm nín
Gửi về anh
những tiếng không lời.

Hãy lắng tai
và anh sẽ nghe
dù anh ở nơi đâu chăng nữa.

Đừng ở gần em khi em khổ đau
khi em buồn, em bệnh.
Em không muốn
trút lên anh
gánh nặng của đời em.
Em không muốn
cái bóng đen đổ xuống đời em
cũng phủ xuống vầng trán anh.
Em không muốn nụ cưới héo hắt của em
làm héo hắt nụ cười anh
vẫn rực sáng dưới đôi mi yêu dấu.
Em không muốn
những thành luỹ của riêng em
cũng đè nát cả đời anh.
Em không hề muốn thế.

Em đã quen chịu đựng nỗi khổ một mình
Nhưng em khó lòng chịu đựng
niềm vui và cái đẹp
khi giữa đời.
thiếu vắng anh yêu.

Vào những khoảnh khắc kia
Anh hãy ở cùng em
để em rót niềm vui trong tim em
sang trái tim anh
Để em được thấy
cái đẹp đổ đầy hai giếng mắt em
phản chiếu nơi mắt anh
Và khúc ca từ môi em bay lên
sẽ tìm môi anh
đậu xuống dịu dàng.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình luận bài thơ “Đối khúc” (Elisaveta Bagriana)

Giới mày râu thường phàn nàn rằng: phụ nữ lắm lúc thật là khó hiểu, khi mình quan tâm tới họ thì họ tránh né, khi không quan tâm thì họ lại tỏ ra không vừa ý. Thật chẳng biết đâu mà lường! Vậy phải làm thế nào đây? Có lẽ bài thơ Đối khúc của E. Bagriana sẽ phần nào giúp phái mạnh hiểu được tâm tư, tình cảm của chị em phụ nữ.

Xét về cấu trúc, bài thơ được chia làm hai phần tương ứng với hai nửa tâm trạng của người con gái: khi đau buồn, cô cố gắng chịu đựng một mình; còn khi vui, cô lại muốn san sẻ niềm vui với người yêu. Hai tâm trạng ấy thoạt liên tưỏng chừng như trái ngược nhau, đối lập nhau nhưng thực chất chúng là hai nửa bổ sung cho nhau, hoà vào nhau trong trái tim cô gái. Mở đầu bài thơ, cô đã lên tiếng với một giọng thiết tha, gần như là van lơn:

Khi em hờn tủi, ốm đau
Xin anh đừng đến... luỵ sầu sang anh
Một mình chịu khổ, cũng đành!
Thường thường, đối với phụ nữ, những khi buồn bã, đau ốm, họ không muốn người yêu của mình phải nhìn thấy mình trong bộ dạng sầu não, tiều tuỵ. Nhưng hơn thế là họ không muốn người yêu cũng phải sầu não, phiền muộn thay mình. Bởi vậy, họ thường ép lòng, nín nhịn, chịu đựng một mình. Ở đây nhà thơ Bagriana đã cụ thể hoá sức chịu đựng của cô gái thông qua hình ảnh so sánh “Thú kia giấu vết thương mình hang sâu”. Nếu như loài thú kia khi bị thương thường đơn độc tìm tới một cái hang thật sâu, ẩn mình ở đó, liếm láp vết thương cho đến khi nào khỏi mới thôi, thì cô gái trong bài thơ cũng vậy.

Những lúc như thế, ai dám bảo phụ nữ là yếu đuối? Không! Có những lúc họ yếu đuối như người ta vẫn hằng nghĩ về họ. Có chăng chỉ là một chút yếu mềm thoảng qua trong lòng (yếu mềm chứ không phải là yếu đuối). Người ta thường nói những lúc cô đơn, yếu mềm, mà cảm thấy sợ hãi thì hay nói thật to, thật nhiều để xoá đi nỗi sợ. Có lẽ bởi vậy mà ta chỉ nhận ra một chút yếu mềm ấy trong lòng cô gái thông qua việc tác giả sử dụng điệp ngữ “một mình” hay “một mình chịu khổ, cũng đành!”, “Đã quen đau khổ một mình”, “Một mình chịu khổ đã quen”. Dường như cô đang muốn khẳng định lại sức chịu đựng của mình đồng thời để trấn an lòng mình. Nhưng nhìn chung, ta vẫn không thể phủ nhận được một sức mạnh phi thường đang ẩn chứa trong lòng cô. Chúng ta cũng đã từng được biết chính sức mạnh ấy đã đem lại cuộc sống tự do và hạnh phúc đến cho My trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Và giờ đây cũng chính là cái sức mạnh tiềm tàng ấy đã giúp cho cô gái của Bagriana vượt qua được mọi đớn đau về thể xác:
Một mình liếm lám niềm đau
Một mình gồng sức phía sau gian phòng
Điều gì đã mang lại cho cô sức mạnh phi thường ấy? Phải chăng là tình yêu? Chỉ có tình yêu chân thành, không vị kỷ mới là sức mạnh giúp cô chiến thắng mọi nỗi đau. Ngược lại, mọi nỗi đớn đau được cô dồn nén lại rồi chuyển hoá thành thứ ngôn ngữ của tình yêu, để bồi đắp cho cây tình yêu thêm xanh tốt:
Bao nhiêu máu độc lại hồng qua tim
Gieo thành ngôn ngữ lặng im
Nơi xa anh có nghe em tự tình?
Nhờ vậy mà mặc dù ở xa, cô vẫn có thể trò chuyện, tâm sự cùng người mình yêu. Nếu biết cô đang ốm đau, buồn tủi, liệu chàng có yên lòng không?... Chắc là chàng sẽ lo nỗi lo của cô! Chàng sẽ đau với nỗi đau của cô! Vậy thì vì cớ gì cô lại gieo vào lòng chàng bối bận tâm ấy?

Biết là khi mình tránh né có thể người yêu sẽ giận dỗi, hoặc lo âu, phiền muộn, cô đã nhẹ nhàng lên tiếng:
Đã quen đau khổ một mình
Sầu em trĩu xuống vai anh làm gì
Trán đừng nhăn nếp nghĩ suy
Thôi đừng tóc rũ hàng mi muộn phiền
Nghe được những lời nói chứa đầy tình cảm này liệu người yêu cô còn có thể phiền muộn được nữa không?

Nếu như nhịp thơ đều, chậm ở đoạn thơ đầu rất phù hợp với tâm trạng buồn bã, trầm lắng thì sang đến đoạn thơ thứ hai nhịp thơ nhanh, không đều lại phù hợp với tâm trạng vui tươi của cô gái. Những khi ốm đau, buồn tủi, cô cố gắng nín nhịn, chịu đựng một mình, ấy vậy mà khi có chuyện gì đó vui vẻ thì cô lại không thể giấu, không thể vui vẻ một mình được. Vậy mới nói phụ nữ quả thật là lạ!
Một mình chịu khổ đã quen
Nhưng khi vui sướng lại thèm có anh
Rót vui từ trái tim mình
Sang tim anh để vẹn tình lứa đôi
Khi đem niềm vui cùng chia sẻ với người yêu, niềm vui trong cô như được nhân lên gấp bội. Tràn ngập trong niềm vui, tràn ngập trong ánh mắt thương yêu của người bạn trai, tâm hồn cô như được chắp thêm đôi cánh để bay lên giữa không gian rộng lớn của niềm hạnh phúc:
Tràn đầy giếng mắt em vui
Mắt anh phản chiếu, với lời hát em
Và rồi lời ca tiếng hát càng góp phần làm cho hạnh phúc của họ được trọn vẹn hơn, dịu êm hơn:
Từ đôi môi mọng dịu mềm
Câu ca đậu xuống êm đềm môi anh
Đọc thơ của Bagriana, ta thấy ở hồn thơ của bà có một chút gì đó tương đồng với hồn thơ của Xuân Quỳnh mặc dù họ là hai người phụ nữ ở hai đất nước khác nhau và đặc biệt là họ sống cách xa nhau cả thế kỷ. Phải chăng đó là những tâm hồn phụ nữ yêu thương nồng nhiệt, lúc nào cũng dành trọn tâm sức để chi chuốt cho cái hạnh phúc bình dị của đời thường?

Tóm lại, tình yêu luôn có quy lụât riêng của nó. Nếu ta chỉ biết lý giải những vấn đề của tình yêu như những vấn đề thông thường khác trong cuộc sống thì quả là rất khó khăn. Nhưng nếu ta biết dùng ngôn ngữ của tình yêu, biết lắng nghe tiếng nói từ chính trái tim yêu thương chân thành thì ta sẽ dễ dàng có được lời giải đáp xác đáng.


(Mai Dịch, tháng 5/2002)
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời