Bản dịch của Phạm Trọng Chánh

Lụt lớn qua Hoàng Hà,
Tìm bến đổi đường qua.
Nhân qua huyện Hà Nội,
Vô tình đọc bia xưa.
Đinh Lan và Quách Cự,
Đều dân Hà Nội ta.
Người chôn con nuôi mẹ,
Người khắc tượng mẹ cha.
“Hai người tiếng con hiếu,
Rõ ràng ghi trong bia.”
Đinh Lan chẳng bàn qua,
Chuyện Quách Cự nghĩ xa:
Ngũ luân nào phải một,
Mẹ, con cùng người ta.
Hai đường chẳng bảo toàn,
Một miệng chẳng túng hơn.
Cự chỉ biết có hiếu,
Giết con là giết mình.
Sao Cự lòng tàn nhẫn,
Biết hiếu chẳng biết nhân.
Nếu vàng không bắt được,
Thật tàn hại đạo luân.
Thật ngu và tàn bạo,
Giả dối hay thật nào?
Xem chuyện Đặng Bá Đạo,
(Bỏ con và giữ cháu)
Việc khác lỗi như nhau.
Xử sự đi quá mức,
Không phải điều thánh nhân.
Lòng có nhân có hiếu,
Suy nghĩ xót thương lòng.
Trong “Nhị thập tứ hiếu”,
Thuấn, Mẫn sao ngang hàng?
Đúng vậy Chu phu tử,
Thâm ý có gì khuyên?
Sách “Tiểu học” khen hiếu,
Quách Cự chẳng có tên.
“Xuân thu” trách hiền giả,
Đức xứng mới vẹn toàn.
Thờ cha mẹ thế nào?
Mọi người có thể theo.
Nếu chỉ khen đức tốt,
Cự, Lan khác gì nhau!
Cảm hoá kẻ ngang ngạnh,
Cảm thông cả quỷ thần.
Đạo lý tuy chẳng đủ,
Đời sau khó ví bằng.
Ta đi qua đất này,
Ngựa về nước qua đây,
Nhìn làng người con hiếu,
Lô nhô mộ phần ai?
Đầy đường cây khô dại,
Thôn vắng chiều mây bay.
Than thở nhớ hiền giả,
Muốn hỏi chẳng gặp ai.
Ta vốn chẳng hiểu được,
Dám nghị luận bốc đồng.
Nghĩ nhớ chương “Minh phát”,
Lệ sa ướt cả khăn.