Tự rằng:
Tôi đọc thơ, đến thơ Đỗ Tử Mỹ mà biết được nơi tụ họp của các thể lớn, nhỏ... Xưa kia thời Nghiêu, Thuấn vua tôi cùng nhau nối lời xướng hoạ, sau đó các thi nhân noi theo mà làm. Trải qua Hạ, Ân, Chu hơn ngàn năm, Trọng Ni bèn thu nhặt, kén chọn những bài có quan hệ tới việc giáo hoá, được ba trăm bài. Ngoài ra không còn được nghe nữa. Đến bọn tao nhân lên mà thêm nhiều vẻ bực tức, oán thán, song cũng gần với phong nhã, còn có thể so sánh với nhau được. Từ Tần, Hán trở xuống, chức quan “Nhặt thơ” đã bị bãi bỏ. Những lời xướng ca, đùa cợt, vè quê, hát nhảm cho đến tán, tụng, phúng, phú, người trong thiên hạ tuỳ thời hoặc cũng có làm. Đến Vũ Đế nhà Hán làm thơ vịnh cung Bá Lương, mà bắt đầu có lối “bảy chữ”. Bọn Tô Vũ, Lý Lăng thì giỏi về lối “năm chữ”. Tuy phép câu, luật văn có khác nhau, nhã nhặn, quê kệch cùng lẫn lộn, song lời ít ý xa, nhân việc mà tỏ tình, nếu không có vì một cớ gì, thì văn không có viết bậy. Sau đời Kiến An, bọn văn sĩ trong đời mắc vạ chiến tranh. Cha con họ Tào làm văn ở trên lưng ngựa. Đôi khi múa giáo mà ra thơ... Những bài của họ, về mạnh mẽ, trầm bổng, ai oán, đau thương, còn hay hơn đời cổ. Sang đời Tấn, phong cách cũng hơi còn. Vào khoảng Tề, Lương, việc giáo dục bỏ mất căn bản. Kẻ đi học chuộng nhau về những tính hỗn xược, rông rài, liều lĩnh. Văn chương thì lấy màu mè chải chuốt, phóng khoáng, tỉ mỉ làm hay. Ấy là những văn ngâm vịnh tính tình, đam mê phong cảnh! Ý nghĩa và lực lượng thì chả có gì đáng kể. Sa sút cho đến Lương, Trần, những lời dâm đãng, đẽo gọt, điêu xảo, vụn vặt lại càng ngày càng quá! Đó cũng là cái mà Tống, Tề cũng không thèm đếm xỉa gì đến nữa.

Nhà Đường lên, việc học công rất mở mang. Những vẻ hay ở các đời trước, đều ra đủ cả. Lại về dòng Thẩm, Tống, rèn xét tinh tế, cầu cho tiếng được êm, thể được thuận, gọi nó là “thơ luật”. Từ đó trở đi, thể văn đã biến hoá rất mực. Thế nhưng không ai là không thích thể xưa thì sơ sót lối mới, chăm văn hoa thì bỏ thực thà, học Tề, Lương thì bỏ Nguỵ, Tấn, giỏi nhạc phủ thì kém ngũ ngôn, luật đúng thì cốt cách không còn; khuôn rộng thì mặn nồng không có... Duy đến Tử Mỹ thì thật là trên đến sát phong, nhã; dưới bao trùm Thẩm, Tống; lời cướp cả Tô, Lý, khí nuốt cả Tào, Lưu, át vẻ cao kỳ của Tạ, Nhan, thừa màu xinh đẹp của Từ, Dữu, giữ được thể thế của người đời xưa, mà lại gồm có các sở trường riêng của người đời nay! Ví phỏng Trọng Ni học lấy những ý cốt yếu, thì cái nhiều đó chẳng biết có lấy làm quí hay không? Nếu kể về chỗ làm được cái mà người khác không làm nổi, “không cái gì có thể mà cũng không cái gì là không có thể”, thì từ khi có thi nhân đến giờ, chưa có ai như Tử Mỹ cả!

Thời đó người Sơn Đông là Lý Bạch cũng nổi tiếng là viết văn có tài lạ. Người đồng thời gọi Lý, Đỗ. Tôi xem vẻ mạnh mẽ, phóng túng, bỏ hết bó buộc, mô tả mọi vật, cùng các thơ ca nhạc phủ thì Lý cũng gần ngang tài với Đỗ. Đến như phô bày sau trước, sắp đặt tiếng, vần, dài có khi nghìn chữ, vừa cũng đến mấy trăm; lời lẽ hào điệu, giọng điệu trong sâu; đối chọi chắc nịch, lề luật nghiêm trang, mà trút bỏ được những cái tầm thường, nông cạn, thì Lý còn chưa tới được cái phên dậu của Đỗ, chứ chưa nói gì vào đến trong nhà! Tôi nhiều lúc muốn phân tích văn ông, dồn thể nào vào thể nấy, để làm chuẩn đích cho người đời sau. Chỉ vì bệnh lười nên chưa làm được đó thôi! Nay gặp cháu Tử Mỹ là Tự Nghiệp, bốc mộ Tử Mỹ, đem về an táng ở Yển Sư, đường qua Kinh Sở. Vốn biết tôi hay nói đến văn chương của ông, bèn xin tôi làm bài “chí”. Chối không thể được, tôi nhận chép rõ quan chức, gia thế và ghi lại việc chôn cất cuối cùng.

Hệ rằng:
Xưa Dương Thành hầu họ Đỗ, dưới đó mười đời sinh ra Y Nghệ, làm huyện lệnh Củng. Y Nghệ sinh ra Thẩm Ngôn. Thẩm Ngôn hay thơ, làm đến thiện bộ viên ngoại lang. Thẩm Ngôn sinh ra Nhàn, Nhàn sinh ra Phủ. Nhàn làm huyện lệnh Phụng Thiên. Phủ tự là Tử Mỹ. Trong đời Thiên Bảo dâng bài phú “Tam đại lễ”. Minh Hoàng thấy tài lạ, truyền tể tướng đem văn thử. Văn hay, cho chức Hữu vệ suất phủ trụ tào. Gặp lúc kinh đô loạn, đi chân đến chầu hành tại, bổ chức Tả thập di. Hơn một năm sau, vì nói thẳng, mất chức quan, ra làm Tư công ở Hoa Châu, rồi thăng chức Công tào ở Kinh Triệu. Tiết độ sứ coi Kiếm Nam là Nghiêm Vũ tiến cử làm Viên ngoại lang bộ công, tham mưu việc quân. Chẳng bao lâu lại bỏ quan đi, buông thuyền xuống khoảng Kinh Sở. Rồi chết ở chỗ trọ, chôn tạm Nhạc Dương, hưởng tuổi năm mươi chín. Phu nhân người Hoằng Nông, con gái họ Dương, cha là Di, làm Tư nông thiếu khanh, bốn mươi chín tuổi mà mất. Con trai cả là Tôn Vũ, ốm không kịp làm lễ an táng. Lúc chết dặn con là Tự Nghiệp. Tự Nghiệp nghèo, không lấy gì chi dụng được việc tang. Thu nhặt và đi xin, ngày đêm khó nhọc... Cách sau khi Tử Mỹ mất hơn bốn mươi năm, mới làm trọn được chí của người trước, cũng đáng kể là khó vậy.

Minh rằng:
Đây năm Quí Tỵ đời Nguyên Hoà, đến giờ lành ngày này tháng này, hợp táng Đỗ Tử Mỹ của chúng ta trước dãy núi Thú Dương. Thương ôi, ngàn năm sau này sẽ nói: “Đây là mồ cũ của một ông nhà văn!”