Một số bài dịch khác cùng dịch giả
Đăng bởi
Vanachi vào 07/08/2008 05:40
Niên hiệu Hy Ninh năm thứ mười, mùa thu ở Bành Thành nước lớn, dâng lên tới nửa cánh cửa căn nhà lá của ông Trương, biệt hiệu là Vân Long sơn nhân. Mùa xuân năm sau, nước rút, ông dời nhà phía đông nhà cũ, tại chân núi phía đông. Lên cao mà nhìn, thấy có cảnh lạ, bèn xây đình ở trên. Núi Bành Thành, sườn đỉnh bốn bề bao lại, kín đáo như cái vòng lớn, chỉ khuyết một mặt phía tây, mà cái đình của sơn nhân lấp ngay chỗ khuyết đó. Cuối xuân sang hạ, cỏ cây xanh tận chân trời, mà tới thu đông, ngàn dặm tuyết trăng một sắc. Trong lúc gió mưa, hoặc tối hoặc sáng cúi ngửa nhìn xa, biến hoá trăm vẻ.
Sơn nhân có hai con hạc rất thuần mà bay giỏi. Sáng thì hướng chỗ khuyết của núi phía tây mà thả hạc, hạc tung bay tự do, hoặc đậu nơi chân núi, hoặc lượn trên mây cao; tối thì hướng về phía đông mà về. Vì vậy gọi đình đó là đình Phóng Hạc.
Thái thú là Tô Thức thường cùng với khách khứa liêu thuộc và các người giúp việc, lại thăm sơn nhân, uống rượu ở đình mà vui với cảnh. Chuốc rượu sơn nhân mà bảo: “Ông biết cái vui ẩn cư không? Tuy vua chúa trên ngôi cũng không đổi được cái vui đó. Kinh Dịch viết: “Hạc kêu trong sân, hạc con hoạ theo.” Kinh Thi nói: “Hạc kêu ở đầm sâu, tiếng vọng tới trời cao.” Loài đó thanh cao nhành phóng, siêu nhiên thoát trần, cho nên Kinh Dịch vá Kinh Thi đều ví nó với bậc hiền nhân quân tử và kẻ sĩ ẩn dật. Đùa cợt ngắm nó thì có lẽ hữu ít mà vô hại; vậy mà Vệ Ý Công thích hạc đến mất nước. Ông Chu Công viết thiên Tửu Cáo, ông Vệ Vũ Công viết thiên Ức giới, cho rằng làm hoang toàng, mê hoặc, bại loạn thì không gì bằng rượu; vậy bọn Lưu Linh, Nguyễn Tịch lại nhờ rượu bảo toán thiên chân, lưu danh hậu thế. Than ôi! Vua chúa trên ngôi, thì dù thanh cao nhàn phóng như hạc kia, cũng không được thích vì thích nó thì mất nước; mà bọn ẩn sĩ ở sơn lâm, thì dù hoang toàng, mê hoặc, bại loạn như rượu kia cũng không làm hại mình được, huống chi là hạc. Do đó mà xét thì vui cũng có ba bảy đường, không nhất loại coi như nhau được.”
Sơn nhân vui vẻ cười rằng: “Vậy ư?” Rồi làm một bài “Thả hạc” và “Phóng hạc” mà ca rằng:
Hạc bay đi (hề), tới chỗ khuyết ở núi tây,
Lượn trên mà nhìn xuống (hề) lựa chỗ thích ý.
Vội khép cánh, như muốn đậu (hề),
Bỗng thấy gì, lại đập cánh bay cao.
Suốt ngày một mình ở chốn hang, ngòi (hề),
Mổ riêu xanh mà giẫm lên đá trắng.
Hạc về đi (hề) ở phía bắc núi đông,
Ở dưới có người (hề), mũ vàng, dép cỏ, bận áo mỏng mà gảy đờn.
Cầy lấy ruộng mà ăn (hề) có dư thì nuôi hạc,
Về đi, về đi (hề), núi tây chẳng nên ở lâu.
Viết ngày mồng tám tháng mười một năm Nguyên Phong nguyên niên.