Mẹ Đại Yển Hà là bảo mẫu của tôi.
Mẹ mang tên làng nơi chôn rau cắt rốn,
Lúc nhỏ người nuôi, khi lớn thành dâu
Mẹ Hà nuôi tôi tự thuở ban đầu.

Tôi là con địa chủ;
Con của mẹ Hà, lớn lên nhờ dòng sữa.
Mẹ nuôi tôi lấy tiền nuôi gia đình nghèo khổ.
Còn tôi, đã được chăm bằng bầu sữa vú nuôi.
Bảo mẫu của con, mẹ Đại Yển Hà ơi!

Mẹ Hà ơi! Hôm nay nhìn tuyết con bồi hồi nhớ mẹ:
Cỏ trên mồ tuyết giá lạnh đè lên,
Cửa đóng then cài, cỏ chết khô trên ngói mái hiên,
Mấy trượng vuông mảnh đất vườn cầm cố
Chiếc ghế đá rêu mọc xanh trước cửa,
Nhìn tuyết bồi hồi, con nhớ lắm mẹ ơi.
Bàn tay thô ôm ấp, vuốt ve người;
Sau khi mẹ nhóm bếp xong lửa cháy,
Sau khi mẹ phủi bụi than trên váy,
Sau khi mẹ mừng vừa nấu chín nồi cơm,
Sau khi mẹ đặt lên bàn đen màu đen sánh bát tương,
Sau khi mẹ vá áo quần mấy đứa con, gai núi đồi cào cấu,
Sau khi mẹ băng xong tay đứa nghịch dao chảy máu,
Sau khi bắt rận đầy trên áo chồng, con,
Bàn tay thô dày lại ôm ấp, vuốt ve con.

Tôi là con địa chủ,
Sau khi tôi bú kiệt hết sữa vú Hà
Bố mẹ đẻ lại đem tôi về nhà,
Ôi, Đại Yển Hà, sao vú nuôi lại khóc?

Trong nhà bố mẹ mình, tôi như thành khách!
Tay tôi sờ đồ đạc khắc sơn son,
Tôi sờ hoa văn màu vàng ánh chiếc giường,
Tôi nhìn ngây hoành phi, không hiểu Thiên luân thuật lạc.
Tôi sờ sợi lanh, cúc khảm trai áo mới vừa thay,
Lạ lẫm nhìn em gái mẹ bồng bế trong tay,
Tôi ngồi ghế sơn dầu có than sưởi ấm,
Tôi ăn cơm gạo 3 lần giã trắng,
Nhưng cứ ngượng ngùng, lóng ngóng không yên!
Vì tôi mới về, nhà bố mẹ chưa quen.

Mẹ Đại Yển Hà, chỉ vì kiếm sống,
Sau khi vắt kiệt dòng sữa bán nuôi tôi;
Bàn tay bế tôi lại bắt đầu làm thuê tần tảo;
Mẹ mỉm cười, giặt cho chúng tôi quần áo,
Mẹ mỉm cười, ra ao làng băng giá rửa rau,
Mẹ mỉm cười, cà rốt lạnh thái mau,
Mẹ mỉm cười, cho lợn ăn hạt mạch,
Mẹ mỉm cười, quạt lửa lò hầm thịt,
Mẹ mỉm cười, gùi đeo đến bãi hoang,
Phơi phóng lúa mì cùng những hạt đậu tương,
Mẹ Đại Yển Hà, chỉ vì kiếm sống,
Sau khi vắt kiệt dòng sữa bán nuôi tôi;
Bàn tay bế bồng lại làm lụng không ngơi.

Con yêu mẹ nhiều, nhiều lắm mẹ Hà ơi;
Vì con, mẹ làm bánh nếp đường ngày tết đến,
Vì con, mẹ lặng lẽ về nhà mình cuối xóm,
Vì con đã đến gần và gọi “mẹ” thân thương,
Con có tranh xanh đỏ Vân Trường,
Mẹ treo lên tường, ngay gần bếp lửa,
Con vẫn nói với láng giềng, khen mẹ ngon dòng sữa;
Mẹ từng giấu giấc mơ chưa thổ lộ cùng ai:
Trong giấc mơ, mẹ ăn cỗ cưới con nuôi,
Ngồi phòng cưới đèn hoa tráng lệ,
Con dâu xinh tươi âu yếm lời gọi “mẹ”.


Mẹ Hà ơi! Con nuôi yêu mẹ nhiều, nhiều lắm,
Mẹ Hà ơi! Chưa tỉnh cơn mơ mẹ đã xa rồi,
Khi mẹ qua đời, bên cạnh vắng con nuôi.
Chồng mẹ hay đánh mắng mẹ bao ngày, cũng khóc thương mẹ chết,
5 đứa con cùng khóc gào thảm thiết.
Khi mẹ qua đời, còn thều thào gọi tên đứa con nuôi,
Mẹ Hà ơi! Mẹ không còn nữa,
Khi mẹ qua đời, bên cạnh vắng con nuôi.

Mẹ Hà ơi! Mẹ rưng rưng giọt lệ qua đời!
Mang theo bốn mươi mấy năm khổ nhục,
Mang theo tủi buồn vô biên đời nô lệ,
Cùng với quan tài giá 4 đồng và mấy bó rơm,
Cùng mấy thước vuông đất đào hố đem chôn,
Cùng tro than nắm tiền âm phủ đốt,
Mẹ Hà ơi! Mẹ ra đi trong rưng rưng nước mắt.

Mẹ ra đi rồi, còn bao điều không biết:
Chồng mẹ luôn rượu say, bây giờ đã chết,
Con trưởng đã làm thổ phỉ nào hay,
Con thứ hai chết trong khói đạn pháo bay,
Con thứ ba, thứ tư, thứ năm lam lũ…
Còn tôi, viết lời nguyền cho thế giới bất công.
Phiêu dạt bao ngày, tôi trở về quê cũ.
Trên sườn non và trên cánh đồng,
Anh em gặp lại nhau, thân thiết hơn sau sáu bảy năm ròng!
Đó là vì mẹ, ơi mẹ Hà đang yên giấc
Mẹ không hề hay biết!

Mẹ Hà ơi! Hôm nay con nuôi đang trong tù ngục,
Viết bài thơ tưởng nhớ mẹ của con,
Dâng lên linh hồn sắc tím dưới lớp đất vàng,
Dâng lên bàn tay mẹ từng ôm ấp,
Dâng lên làn môi từng hôn con ấm áp,
Dâng lên nét dịu dàng mặt mẹ sạm đen,
Dâng lên cặp nhũ hoa với dòng sữa nuôi con,
Dâng lên tất cả vú nuôi cùng những bầy con trên trần thế,
giống như mẹ Đại Yến Hà của con,
Đã yêu con nuôi không khác gì con đẻ,

Mẹ Hà ơi, con đã lớn lên nhờ sữa thơm của mẹ,
Con kính, con yêu mẹ biết nhường nào!

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]