Bản dịch của Ngô Trần Trung Nghĩa

Hình bộ Thị lang Lưu Bá Sô đã mất là bậc trưởng bối bên nhà vợ của Hựu Tân. Ông học rộng biết nhiều, rất có danh tiếng về phong độ và kiến thức. (Ông từng nói) Có bảy loại nước khá thích hợp để pha trà: nước Nam Linh của sông Dương Tử là hạng nhất, nước suối chùa Huệ Sơn ở Vô Tích là hạng nhì, nước suối chùa Hổ Khưu ở Tô Châu là hạng ba, nước chùa Quan Âm ở huyện Đan Dương là hạng tư, nước chùa Đại Minh ở Dương Châu là hạng năm, nước sông Ngô Tùng là hạng sáu, nước Hoài Thuỷ là hạng bảy thấp nhất. Bảy loại nước này ta từng rót đầy bình để trong thuyền, tự tay múc và so sánh, quả nhiên đúng như những gì Lưu công nói. Khách có kẻ hiểu rõ vùng Lưỡng Chiết, bảo ta xem xét chưa tường tận, ta bèn ghi nhớ lấy. Đến lúc làm Thứ sử Vĩnh Gia, ta qua sông Đồng Lư, tới Nghiêm Tử lại, thấy khe trong vắt, nước mát vô cùng, bọn gia nhân lấy trà hạng thường ra pha, trà đã cũ lại đen, nhưng đều thơm phức. Lại dùng nước ấy để pha loại trà quý, hương thơm chẳng thể tả bằng lời. So với nước Nam Linh của sông Dương Tử thì hơn xa. Khi tới Vĩnh Gia, lấy nước thác Tiên Nham pha trà, cũng chẳng kém gì Nam Linh. Thế mới biết lời khách nói thật đúng thay! Đúc kết đạo lý, đánh giá sự vật, người nay quả không bằng được người xưa, nhưng cũng có chỗ người xưa chưa biết mà người nay lại biết đấy.

Năm Nguyên Hoà thứ chín, mùa xuân, ta mới thành danh, hẹn gặp một người đồng niên ở chùa Tiến Phúc. Ta với Lý Đức Thuỳ tới trước, nghỉ ngơi trong Huyền Giám thất bên mái Tây. Đúng lúc có tăng nhân đất Sở đến, trong túi mang theo mấy quyển sách. Ta tiện tay cầm một quyển lên xem, thấy chữ viết chi chít, đều là ghi chép tạp nhạp, bài cuối quyển đề tựa Chử trà ký. Nói rằng Lý Quý Khanh làm Thứ sử Hồ Châu thời Đại Tông, tới Duy Dương, gặp xử sĩ Lục Hồng Tiệm. Lý từng nghe danh Lục, vừa gặp mà như đã quen biết từ lâu, vui sướng vô cùng. Nhân đó cùng nhau đi đến quận, nghỉ trọ trong trạm dịch Dương Tử. Lúc chuẩn bị dùng cơm, Lý nói: “Lục quân tinh thông về trà, vang danh thiên hạ. Huống chi nước Nam Linh của Dương Tử lại cực kỳ tuyệt diệu. Nay gặp được cả hai, đúng là ngàn năm có một, còn gì mà nuối tiếc?” Bèn sai quân sĩ cẩn trọng và đáng tin, cầm bình chèo thuyền, xuôi xuống tận Nam Linh. Lục chuẩn bị trà cụ và chờ đợi. Thoáng chốc nước đã được mang về, Lục lấy môi múc nước lên và nói: “Sông vẫn là sông, chẳng phải Nam Linh. Dường như là nước ven bờ.” Sứ giả nói: “Tôi chèo thuyền vào sâu trong Nam Linh, có hơn trăm người thấy, nào dám dối gạt?” Lục không nói gì. Liền lật úp mấy chậu nước kia, được một nửa, Lục vội dừng tay, lại cầm môi múc nước lên và nói: “Từ đây là nước Nam Linh vậy.” Sứ giả giật mình kinh hãi, nhận tội thưa: “Tôi từ Nam Linh mang nước về đến bờ, thuyền đong đưa nên nước chảy mất đi một nửa. Tôi sợ nước ít, bèn vốc nước bên bờ sông thêm vào. Xử sĩ xem xét như thần, tôi nào dám che giấu?” Lý và khách khứa, tuỳ tùng mấy mươi người đều vô cùng kinh ngạc. Lý nhân đó hỏi Lục: “Nếu đã như vậy thì nước ở những nơi ngài đi qua, hơn kém nhau thế nào, có thể bình phẩm chính xác được hay không?”

Lục nói: “Nước đất Sở hàng đầu, nước đất Tấn kém nhất.” Lý bèn sai lấy bút, theo thứ tự lời Lục nói mà chép ra: “Nước thuỷ liêm Khang Vương cốc ở Lư Sơn là hạng nhất; nước suối chùa Huệ Sơn ở huyện Vô Tích là hạng nhì; nước dưới vách Lan Khê ở Kỳ Châu là hạng ba; dưới núi Phiến Tử ở Giáp Châu có đá nhấp nhô, nước chảy ra vẫn còn trong và lạnh, đá như hình rùa, tục gọi là Hà Mô khẩu, nước ở đó hạng tư; nước suối chùa Hổ Khưu ở Tô Châu là hạng năm; nước trong đầm ở dưới cầu Hạ Phương chùa Chiêu Hiền tại Lư Châu là hạng sáu; nước Nam Linh của sông Dương Tử là hạng bảy; nước thác Tây Đông ở Tây Sơn, Hồng Châu là hạng tám; nước đầu nguồn Hoài Thuỷ ở huyện Bách Nham, Đường Châu là hạng chín; nước trên đỉnh núi Long Trì ở Lư Châu là hạng mười; nước chùa Quan Âm ở huyện Đan Dương là hạng mười một; nước chùa Đại Minh ở Dương Châu là hạng mười hai; nước giữa dòng thượng du Kim Châu thuộc Hán Giang là hạng mười ba; nước Hương Khê dưới động Ngọc Hư ở Quy Châu là hạng mười bốn; nước Lạc Hà ở phía Tây Vũ Quan, Thương Châu là hạng mười lăm; nước sông Ngô Tùng là hạng mười sáu; nước thác cao ngàn trượng trên ngọn Tây Nam núi Thiên Thai là hạng mười bảy; nước Viên Tuyền ở Sâm Châu là hạng mười tám; nước bến Nghiêm Lăng ở Đồng Lư là hạng mười chín; nước tuyết là hạng hai mươi. Hai mươi loại nước này, ta đã từng thử qua, bất kể trà tinh hay thô, ngoài ra thì ta không biết nữa. Trà mà được pha ở nơi chúng sinh trưởng thì chẳng có loại nào mà không ngon, bởi thuỷ thổ thích hợp. Rời khỏi nơi ấy, công dụng của nước bị giảm đi một nửa, song với cách pha tài tình và trà cụ sạch sẽ thì có thể bổ khuyết hoàn toàn vậy.” Lý bày biện các sọt tre, hễ gặp được người biết đàm đạo về trà thì cho xem.

Hựu Tân làm Thứ sử Cửu Giang, có khách tên Lý Bàng và môn sinh Lưu Lỗ Phong kể chuyện họ gặp người bàn về trà, ta chợt nhớ năm xưa từng lấy được quyển sách ở tăng phòng, nhân đó lục tìm hết các tráp, thấy sách vẫn còn đó. Người xưa bảo: “Bình kia rót nước đầy, Tri Thằng khác chi đây?” Lời ấy bất tất phải bàn cãi, muôn đời vẫn đúng vậy, không nghi ngờ gì nữa. Phải biết đạo lý trong thiên hạ chưa thể luận đến nơi. Người xưa học vấn tinh thâm, song vẫn có chỗ chưa hiểu thấu, bậc quân tử hiếu học chẳng khi nào biếng nhác, há có thể hài lòng với những gì sẵn có thôi ư? Mấy lời này cũng mang chút ý khuyên răn, nên ta chép luôn vào đây.