Bản dịch của Đào Trinh Nhất

Nhưng mà tôi ngu thật! Chớ chi dân ta đều khôn thì ai bắt mình làm trâu ngựa được, dân ta mà đều biết yêu nòi thương nước thì ai bắt mình làm nô lệ được? Nghĩ lại mình ở trong tay người ta ràng buộc mà toan cất tiếng trả lời, nói bàn về chuyện ái quốc bảo, có khác nào ngồi trước mặt đạo tặc mà bàn cách khu trừ đạo tặc đâu. Ai người kiến thức cũng đã sớm liệu cái mưu ấy của tôi tất phải thất bại rồi. Tuy là lúc bấy giờ tôi ôm kế hoạch như thế mặc lòng, nhưng đối với sự yêu cầu của anh em trong phe cấp khích, không thể nào ngảnh mặt làm lơ cho được. Bởi vậy tôi lại tính phải trở về nước lần thứ nhì nữa.

Lần này về nước có hai mục đích.

Một là đi qua các nơi hiểm yếu ở biên giới hai tỉnh Việt, Quế để xem xét địa hình và kết giao với đám hào kiệt trong vùng, hầu sắp đặt những chỗ mượn đường chuyên chở quân giới mai sau. Một mặt khác lại lên Bắc Giang yết kiến ông Hoàng Hoa Thám, muốn xin ông một miếng đất làm khu đồn điền cho anh em cấp khích có chỗ nương thân, đợi ngày có thể giải quyết vấn đề quân giới.

Than ôi! Quân giới! Quân giới! Nó có phải là vấn đề chốc lát xong được đâu? Đối với vấn đề này, thật không có giây phút nào tôi đã dời phương châm qua chỗ thông thả tính sao cho ổn thoả thì hơn.

Tháng 7 năm Bính Ngọ (1906), tôi lại từ giả Nhật Bản về Quảng Đông, đến Sa Hà ra mắt Mạnh Hiếu Công, vừa gặp người con trưởng của cụ Phan Đình Phùng là Phan quân Bá Ngọc, cũng vừa ở trong nước đến nơi. Phan quân còn nhỏ tuổi mà người thông minh anh tuấn. Lúc tôi còn ở nước nhà đã có dịp gặp gỡ phơi trải ruột gan với Phan quân, nay gặp nhau ở chốn tha hương, tôi vui mừng được gặp một bạn tri kỷ. Tôi ngỏ cho Phan quân biết ý tôi muốn về nước, còn Phan quân thì ngỏ ý định sang Nhật.

Sau khi từ biệt Phan quân rồi tôi vội vàng đi Khâm Châu, tìm kiếm một người trong nghĩa đảng hồi trước, tên là Tiền Đức, để cậy va làm người hướng đạo. Chúng tôi đi men một dọc bờ cõi dưới Từ Châu, qua phủ Thái Bình, đến Long Châu, rồi vượt qua cửa ải Trấn Nam Quan. Trước sau cả thảy 5 tuần lễ, bao nhiêu địa thế hiểm trở, tôi đều xem xét kỹ lưỡng. Tiền Đức cũng có công trong việc này nhiều lắm.

Qua ải Trấn Nam, tới chợ Văn Uyên. Chợ này có đồn lính một viên quan binh tây bốn lon chỉ huy. Hễ ai không có thông hành hộ chiếu của lãnh sự Pháp cấp cho thì không đi qua lọt.

Tôi mua được mộ tờ thông hành của của chú khách buôn, mạo danh là một Hoa thương mà đi. Lúc này trên giấy thông hành chưa có lệ phải dán hình ảnh thành ra tôi được bình an vô sự, lên xe lửa ở Đồng Đăng mà đi Hà Nội. Hồi này là thượng tuần tháng 9. Xe lửa tới ga Gia Lâm thì tôi xuống, đi đường bộ lên Thái Nguyên, tới Chợ Chu vào thăm Lương Tam Kỳ.

Nguyên là lúc tôi đi ngang qua Thái Bình phủ đã có dịp vào ra mắt quan Thống lãnh Trần Thế Hoa, xin ông giới thiệu tôi với lam Tam Kỳ, bởi Lương là bộ hạ cũ của ông. Ông Trần lại sai một viên thuộc hạ dẫn đường cho tôi đi đồn điền của Lương. Lương ở Thái Nguyên, có thế lực khá lớn, cày ruộng nuôi trâu, gần chiếm hết 8/10 của toàn tỉnh. Bộ hạ rất đông, quân giới cũng hơi khá. Chính phủ Pháp phong làm chức Chiếu phủ đại sứ để ràng buộc họ Lương.

Lúc tôi và người của ông Trần đến đây, Lương Tam Kỳ hoan nghênh hết sức. Nhân dịp, tôi thuyết họ Lương phản chính (và giúp sức chúng tôi). Lương nói: Chừng nào đại binh các ngài hạ Đông Kinh thì tôi xin đem hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn ứng theo. Tôi xét ý tứ và cũng là người chỉ ngồi đợi cho công việc ai làm gần xong thì va mới ghé vào, tự va không có khí tượng mạo hiểm tiến thủ gì hết. Chưa đến lúc sấm mưa vang dậy thì va không giúp mình gì đâu. Ở nhà Lương, mấy ngày, tôi từ biệt ra đi, do đường núi rừng lên tỉnh Bắc Giang tới đồn Phồn Xương, yết kiến Hoàng tướng quân Hoa Thám. Trước kia Hoàng đã cùng tôi liên lạc thinh khí rồi, nhưng chỉ là những người đem thư lui tới mà thôi. Đến giờ mới gặp giáp mặt. Lúc này Đặng quân Thái Thân đang có việc ở Hà Nội, được tin tôi, liền lên Phồn Xương gặp tôi.

Rồi đó chúng tôi xin Hoàng tướng quân cắt đất làm đồn, tính cách thu dụng những đảng viên Nghệ Tĩnh, Hoàng tướng quân vui lòng ừ ngay. Liền dẫn chúng tôi đi xem khắp xa gần, để chúng tôi tuỳ ý lựa chọn chỗ nào cũng được. Giữa hồi này ông Đại Đẩu cũng đang ở trên đồn. Tôi căn dặn ông vè nói với anh em trong đảng nên tính cách làm ruộng chờ thời. Không bao lâu có đồn “Tú Nghệ” lập ra. Việc tôi làm chuyến này, là một kết quả nho nhỏ vậy.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]