Tánh khí Bùi Giáng như chúng ta từng biết, đó là con người của niềm hoan lạc phát tiết đến vô cùng, ngay cả tên của mình ông cũng đem ra đùa giỡn một cách rất hồn nhiên. Khi cuốn Hoàng tử bé được in, ông có tặng tôi một cuốn, ký tên Bàng Giúi kèm theo hai câu lục bát sở trường: “Chép tờ Kim Hải Thạch Bi/Hồn ca Vũ Địa lối về Long Quân”.
Ông ăn mặc lôi thôi lếch thếch, bầy hầy hết chỗ nói. Một lần, vào năm 1964 hay 1965 gì đó, tôi thấy ông “bỏ áo vô thùng” với giày vớ hẳn hoi, đến toà soạn tạp chí Bách Khoa do ông Lê Ngộ Châu làm chủ biên và quản lý, ở 160 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM). Tôi còn nhớ mang máng là ông nói chuyện rất lịch sự với ông Nguyễn Minh Tuynh, chủ biên tạp chí Mai. Hồi ấy tôi nhìn ba ông như những tượng đài. Nhưng có lẽ đó là lần ăn mặc đàng hoàng duy nhất trong đời Bùi Giáng.
Người ta thường bảo “an cư” mới “lạc nghiệp”, nhưng điều này hoàn toàn trái quy luật đối với Bùi Giáng. Vì cả đời ông, tôi nghĩ vậy, có lẽ chưa có một ngày an cư. Với Bùi Giáng thì cái câu “Quân tử thực vô cầu bảo, cư vô cầu an” mới là chân lý. Nhiều người cho rằng Bùi Giáng điên, và đã có lần người ta đưa ông tới nhà thương điên Biên Hoà. Tuy vậy, theo tôi thì ông bất cần đời thì có chứ không hề điên loạn. Thần kinh của ông là thứ thần kinh “ngoại cỡ”, rất dễ bị kích hoạt trước xung động của đời sống bốn xung quanh. Tất nhiên ông đã ra khỏi nhà thương điên và ghi lại sự kiện đó bằng thơ: “Biên Hoà bệnh viện ghi tên/Đoạn trường sổ ấy còn nên ghi gì?”.
Nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của mình, đã từng ao ước có được một ngày sống “hết mình” như Bùi Giáng. Sống hồn nhiên hết mình được như Bùi tiên sinh thì thật thú vị biết bao nhiêu, nhưng trong chúng ta mấy ai có thể hồn nhiên hết mình như vậy được!
Tôi xin kể chuyện này, không biết chị Kim Cương biết không. Có một buổi sớm, Bùi Giáng, trong trang phục “thập cẩm”, quảy đủ thứ chai, lọ, bao bì mà người ta vứt ra đường, đến gõ cửa ngôi nhà mới của kỳ nữ Kim Cương ở quận Phú Nhuận.
Xui cho ông, kỳ nữ vắng nhà. Gia nhân thấy diện mạo dị nhân, sợ quá chỉ hé cửa, không mở hẳn. Bùi tiên sinh của chúng ta đòi vô nhà ngồi đợi chủ nhân. Tưởng ông già đi ăn xin, người nhà của kỳ nữ chạy xuống bếp xúc một lon gạo mang lên cho ông. Bùi Giáng vui vẻ nhận lon gạo đổ vào túi, cười khềnh khệch rồi trợn mắt khen lấy khen để: “Hạt châu, hạt châu!”. Vừa nói, Bùi tiên sinh vừa bước theo cách của các nhà sư khất thực, rồi thò tay vào túi lấy gạo ra rải dọc đường, từ Hoàng Diệu ra Trương Quốc Dung, rồi Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Ông vừa hân hoan rải gạo vừa giải thích với những người qua đường tò mò nhìn ông rằng làm như vậy cho “chim muông biết lối quay về tổ ấm”.
Chúng ta đã biết con người “điên điên khùng khùng” đó không chỉ đạt đến cõi mênh mang của thi ca, uyên thâm trong học thuật mà còn là một bậc thầy thượng thừa của nghệ thuật chữ nghĩa. Cố đại đức Thích Thanh Tuệ, người khai sinh ra Nhà xuất bản An Tiêm, đã mê Bùi Giáng đến mức coi Bùi Giáng như một “thương hiệu” riêng của nhà xuất bản mình. Trong rất nhiều sách của ông được An Tiêm xuất bản, có 2 cuốn tôi đặc biệt thích thú. Đó là 2 bản dịch tiểu thuyết của Saint Exupéry.
Le Petit Prince, ông dịch là
Hoàng tử bé, còn
Terre des Homes, ông dịch là
Cõi người ta. Dịch hai cái tựa như thế quả là thần sầu.
Tôi còn nhớ một bài tứ tuyệt trong
Thanh Hiên thi tập, nguyên tác là:
Thiên địa phiêu chu phù tợ diệp
Văn chương tàn tức nhược như ty
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ
Đông phong thành hạ bất thăng tình
Bùi Giáng đã dịch bài tứ tuyệt đó ra lục bát như sau:
Thuyền con chiếc lá giữa trời
Thơ văn tiếng thở như lời tơ than
Trông vời hồng rụng ngổn ngang
Tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia
“Chuyển ngữ” được như Bùi tiên sinh, theo ngu ý, nước ta không có được bao lăm người!
Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng