15.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt
Thời kỳ: Vãn Đường
6 bài trả lời: 5 bản dịch, 1 thảo luận

Đăng bởi hongha83 vào 08/12/2013 14:39, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi hongha83 vào 08/12/2013 14:40

念昔遊其三

李白題詩水西寺,
古木回巖樓閣風。
半醒半醉遊三日,
紅白花開山雨中。

 

Niệm tích du kỳ 3

Lý Bạch đề thi Thuỷ Tây tự,
Cổ mộc hồi nham lâu các phong.
Bán tỉnh bán tuý du tam nhật,
Hồng bạch hoa khai sơn vũ trung.

 

Dịch nghĩa

Đây là chùa Thuỷ Tây, nơi Lý Bạch đã đề thơ,
Cây cổ thụ xen giữa những tảng đá lớn, lầu gác gió thổi mát.
Ta ở đây chơi ba ngày, nửa say nửa tỉnh.
Hoa nở màu hồng, trắng trong mưa rừng.


Thuỷ Tây tự: chùa đời Đường, nguyên là Sùng Khánh tự đời Nam Tề đổi tên, nay ở huyện Kính, tỉnh An Huy. Nơi đây có suối Kính, núi rừng u nhã.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đọc Niệm tích du

Tác giả: Aleksander Genis


念 昔 遊
李 白 題 詩 水 西 寺
古 木 回 巖 樓 閣 風  
半 醒 半 醉 遊 三 日
紅 白 花 開 山 雨 中
杜 牧

Niệm tích du

Lý Bạch đề thi thuỷ tây tự
Cổ mộc hồi nham lâu các phong
Bán tinh bán tuý du tam nhật
Hồng bạch hoa khai sơn vũ trung
Đỗ Mục

***************************

Đây là bài thơ "Nghĩ về những cuộc lãng du ngày trước" của Đỗ Mục viết năm 830. Mặc dù cùng ở vào thời Đường, một thời đại rực rỡ của thơ ca Trung Quốc, nhưng Đỗ Mục sống sau một thế kỷ so với Lý Bạch vĩ đại, người được ông nói đến trong bài thơ này.

1 Lý Bạch - viết - thơ - nước - phía tây - miếu
2 cổ xưa - hàng cây - vây quanh - những đỉnh núi - những ngôi nhà cao - những hành lang có mái che - gió
3 nửa - tỉnh - nửa - say - lang thang - ba - ngày
4 đỏ - trắng - những bông hoa - nở - những ngọn núi - mưa - giữa


Trong thơ Trung Quốc tác giả viết các chữ tượng hình thành hàng song song: mỗi chữ dòng đầu tương ứng với mỗi chữ dòng sau. Điều đó có nghĩa bài thơ phải được đọc lập tức theo cả chiều ngang và chiều dọc. Để các từ đặt cạnh nhau hợp thành bài thơ, ta phải lập các liên từ nối dòng trên với dòng dưới:

Lý Bạch [như] cái cây già. Ông viết những bài thơ vây quanh miếu [như] cây cối vây quanh đỉnh núi. Những câu thơ về mặt tây Thủy miếu [thấm như] gió lọt qua những hành lang có mái che. Ta nửa tỉnh nửa say, [như] những bông hoa đỏ và trắng, lang thang ba ngày cho đến khi thấy núi mở ra giữa cơn mưa.

Nhà thơ tạo nên trong tâm trí độc giả một khung cảnh, đặt các trang trí vây quanh rồi lánh sang một bên. Thơ Trung Quốc như truyện trinh thám: độc giả được cung cấp các tang chứng để từ đó xây nên giả thiết (thực ra, ở đây không thể có câu trả lời đúng, bởi vì các cách đọc không loại trừ nhau).

Có thể tháo gỡ câu đố-công án này từ bất kỳ chỗ nào, chẳng hạn từ các bông hoa. Hoa trắng và hoa đỏ đại diện cho tất cả các màu trong thế giới. Khi nhắc đến các loại hoa khác nhau, nhà thơ nhấn mạnh sự đồng nhất của chúng: hoa vẫn là hoa, dù màu sắc chúng thế nào. Bản chất của bông hoa, tinh chất của nó là nằm ở màu sắc. Vì thế trong hội họa đơn sắc của Trung Quốc chỉ các bông hoa là được vẽ bằng bút màu. Khi đi tìm hình tượng đối ứng với bông hoa, ta tìm thấy tác giả đang nửa tỉnh nửa say. Say và tỉnh là hai tinh chất của tinh thần con người, như "đỏ" và "trắng" là hai "linh hồn" của một bông hoa. Bổ sung cho nhau, hai cặp này hoàn toàn mô tả cảnh trí của cả tâm hồn và phong cảnh. Nó được tạo thành từ các màu sắc và con người trong những trạng thái đối lập nhau nhưng đều cần thiết như nhau. Bằng cách nói bóng gió như vậy, tác giả đưa ra định nghĩa của mình về nhà thơ: nhà thơ là người hút kiệt tâm hồn.

Chúng ta biết rằng tác giả đã lang thang ba ngày cho đến khi thấy núi mở ra trong cơn mưa. Sự thú nhận bất ngờ này buộc phải suy ngẫm. Bởi núi muôn đời vẫn đứng nguyên tại chỗ của mình và nhà thơ thì không lạ gì chúng. Nhưng cơn mưa đã ngăn ông thấy được chúng và tin rằng không cần phải kiểm tra lại. Nhà thơ thấy cái vĩnh viễn có đó - trước ta đã thế, sau ta cũng sẽ thế và thay cho ta vẫn thế. Núi đứng tại chỗ của mình, nhưng ta thì không. Mưa có thể rơi hay không, nhưng núi không vì thế mà thay đổi - chỉ có ta thay đổi, ta là đại lượng biến thiên duy nhất trong phong cảnh.

Chính đây là cái mà một trăm năm trước Lý Bạch đã sử dụng. Ông đã thay đổi phong cảnh bằng cách ghép luôn bài thơ mình viết về nó vào chính phong cảnh đó. Chuỗi liên tưởng được kéo dài ra và phong phú thêm lên: thoạt đầu dựng ngôi miếu, nó hòa nhập hữu cơ vào khung cảnh đến mức gió nhận nó là của mình. Tiếp đến là Lý Bạch mô tả ngôi miếu. Theo sau ông là Đỗ Mục, người đang nhớ lại những vần thơ của bậc tiền bối chính tại nơi chúng được viết ra, và như thế là coi chúng ngang với các hiện tượng tự nhiên. Không gian căng chứa thời gian biến tự nhiên thành văn hóa khi làm cho bài thơ thành một sự vật vừa của tự nhiên vừa của văn hóa.

Khi suy nghĩ về nghịch lý này, nhà thơ đã cho va chạm trong một khổ thơ những hiện tượng thoáng qua: gió, hoa và mưa - với những yếu tố bất biến của phong cảnh: núi, cây và miếu. Xếp bài thơ Lý Bạch vào phạm trù nào? Vào cả hai. Chúng bám chắc vào phong cảnh như cây cối, nhưng vụt bay như gió, bởi vì chúng chỉ tồn tại khi được nhớ tới. Sự thật, người ta luôn nhớ tới chúng mỗi khi đến những nơi chốn đó.

Đỗ Mục sống cách Lý Bạch một thế kỷ, nhưng những năm tháng ấy biến mất trong viễn cảnh của tự nhiên. Đối với hoa và gió không có thời gian. Vì thế một trăm năm được so với ba ngày nhà thơ đã trải để hiểu được điều ông kể lại. Giống như phải cần đến bông hoa để gỡ nút bài thơ, phải cần đến nhà thơ để giác ngộ. Nhưng khoảng thời gian đó là ước lệ. Sẽ có những bông hoa khác, và có những nhà thơ khác, thậm chí có một Lý Bạch khác, bởi vì chân lý mở ra với ông (như núi giữa cơn mưa) không thay đổi do chỗ ai nhìn nó.

Vậy là trong bài thơ nhỏ này lần lượt biến mất - hòa tan vào tự nhiên - các phạm trù không gian, thời gian và sự đồng nhất mà ta từng quen. Sự hiện diện của nhà thơ trong phong cảnh không gắn với địa điểm, nó là ước lệ: núi có ở khắp nơi - ta sẽ không thấy có gì đặc biệt chỉ cho ta ở chỗ này: hoa, mưa, núi. Địa điểm là nơi xuất phát chứ không phải đích đến của cả con đường và bài thơ. Thời gian cũng trở nên vô nghĩa: ba ngày như trăm năm. Niên đại bị thiếu vắng trong sự vĩnh hằng của một thế giới thường xuyên sinh ra và chết đi, nó cũng không có đối với những bông hoa nở ra và héo úa. Ngay sự tự đồng nhất của nhà thơ cũng bị xói lở. Lý Bạch và Đỗ Mục không phải là hai tác giả, mà là đồng tác giả cùng phát hiện ra cái không thể không phát hiện - núi.

Như vậy trong bài thơ này của mình Đỗ Mục đã cởi bỏ sự đối lập giữa tác giả và độc giả: Đỗ Mục đọc Lý Bạch, còn chúng ta đọc cả hai ông - sự nhân đôi quyền tác giả xóa bỏ câu hỏi về nó; giữa cái động và cái bất động: những câu thơ như những cái cây vây quanh ngôi miếu; giữa cái nhân tạo và cái tự nhiên: bài thơ là một phần của phong cảnh; giữa lâu dài và ngắn ngủi: cái gì sống lâu hơn - gió hay núi, con người hay cây cối, những câu thơ hay những bông hoa ?


Bài này một đoạn trích trong bài tiểu luận "Vô ngôn (Ezra Pound)" của Aleksander Genis do Ngân Xuyên dịch. Được Đông A đăng trên Việt Kiếm.

Nguồn: http://thivien.maihoatran...hp?p=thamkhao&tkid=22
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu

Lý đề thơ lại Thuỷ Tây chùa
Lầu gác cây già lối đá đưa
Ba bữa ở đây say nửa tỉnh
Hoa hồng trắng nở núi trong mưa


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Lý Bạch đề thơ chùa Thuỷ Tây
Cây cao đá lớn gió mơn lầu
Nửa say nửa tỉnh luôn ba bữa
Mưa núi hoa đơm trắng đỏ màu

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Chùa Thuỷ Tây đề thơ Lý Bạch
Đá chen cây, lầu gác gió lay
Ba ngày nửa tỉnh nửa say
Sắc hoa hồng trắng nở đầy trong mưa

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Lý Bạch đề thơ chùa Thuỷ Tây,
Giữa xen đá lớn với lầu cây.
Nửa say nửa tỉnh chơi ba bữa,
Hoa nở trắng hồng mưa núi mây.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Đông Phong

Lý Bạch đề thơ chùa Thuỷ Tây
Cây xưa quanh núi gió hiên lầu
Nửa say nửa tỉnh ba ngày dạo
Trong núi nở hoa trắng đỏ mưa.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời