Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Phú
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/07/2020 16:24

(Phương thành danh thắng)
Lấy vần: Đông Hồ một mảnh trăng thu.


Vần đông

Tình hoài phong nhã;
Khí cốt hào hùng.

Túi lưng trăng gió;
Bạn tát non sông.

Lặng ngắm thế đồ man mác;
Ngảnh nhìn trần hải mênh mông.

Chẳng lao thì cũng hư, nên đã nhiều phen lăn lóc;
Chẳng nhàn thì cũng lục, phải cho có lúc thong dong.

Cuộc nhàn hẳn đành nhiều thú;
Nghề chơi âu cũng lắm công.

Của đất đó, thú vô biên, non xanh nước biếc;
Của trời đó, kho vô tận, gió mát trăng trong.

Cảnh chọn cảnh mà chơi, cảnh trời cảnh sẵn;
Thú chọn thú mà hưởng, thú trời thú chung.

Năm Nhâm Tuất qua rằm tháng bảy, thủa nọ ông Đông Pha cùng các bạn mang hồ rượu ra chơi trăng bến Xích;
Năm Mậu Thìn giữa rằm tháng tám, hôm nay tôi Trác Chi cùng các bạn chở thuyền thơ ra chơi trăng hồ Đông.

Chính là lúc:
Sực nức huệ lan, khi văn chương đang đậm;
Đề huề giao tất, duyên bút nghiễn đang nồng.

Vần hồ

Kìa chẳng nghe:
Có thơ “hành lạc”;
Có chuyện “dạ du”.

Có “Thiên Thai ký”;
Có “Đào Nguyên đồ”.

Lại chẳng nghe:
Có kẻ học đạo, tiêu dao lên vườn Quỳnh Lĩnh;
Có người chơi tiên, lênh đênh qua cửa Thần Phù.

Đó là những cuộc chơi siêu dật;
Lại còn những cuộc chơi phong lưu.

Hoặc là “tuỳ ba đái kỹ”;
Hoặc là “hồ thượng phiếm chu”.

Hoặc là còn nấn ná trong áng trần ai mà gởi tình cùng hoa thảo;
Hoặc là đã mỏi mê trên đường danh lợi mà góp bạn với giang hồ.

Chừng cũng nghĩ:
“Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc;
Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”.

Huống Đông Hồ nọ:
Nước trời một vũng;
Trăng gió bốn mùa.

Hồ ở trong thành văn vật, thành là thành Trúc;
Hồ ở dưới núi linh tú, núi là núi Tô.

Đâu đó đều trăng gió cũ;
Chung quanh vẫn nước non nhà.

Ta há chẳng nên chơi lắm vậy;
Ta há chẳng nên chơi lắm ru?

Vần một

Kịp khi ấy:
Trăng sáng một trời;
Sóng êm muôn đợt.

Khách rượu mươi người;
Thuyền thơ hai chiếc.

Giây buông mái nhẹ, thi tình vô hạn bàng hoàng;
Nước rộng mây xa, hứng tứ vô cùng hoan hước.

Năm dài trăm tuổi, ngày vui khôn dễ có nhiều;
Tháng chẵn mười hai, buổi thích biết đâu chẳng một.

Miệng ca tay múa, “nhân sinh đắc ý tu tận hoan”;
Chén cất bầu lưng, “mạc sử kim tôn không đối nguyệt”.

Liên ngâm dở cuộc, chắp nối vần thơ;
Nhàn nhã lựa dây, bổng chìm ngón trúc.

Mây bay gió thổi, từng không tiếng hát vang lừng;
Dòng chảy thuyền xuôi, ngấn nước cung đàn thánh thót:

Thơ chưa bàn hay dở, có thơ cứ ép nhau ngâm;
Rượu chẳng luận thánh hiền, có rượu cứ khuyên nhau rót.

Vần mảnh

Mặt khách say ngà;
Chiều trời quang tạnh.

Mây liễm bốn phương;
Trăng cao một mảnh.

Khách có kẻ:
Ngửa đầu đối nguyệt mà ra vẻ bồi hồi;
Cúi mặt nhìn sông mà ra chiều thanh lãnh.

Bỗng:
Đỡ chén rượu nghiêng nghiêng;
Cất tiếng ca lanh lảnh.

Tỏ lời thán tích cho cựu thì;
Ra ý cảm hoài vì vãn cảnh.

Như thoả như vui;
Như sầu như chạnh.

Hỏi khách:
Vì đâu mà vui;
Cớ sao mà chạnh?

Khách rằng: Xưa nay phàm lịch sử của danh lam thắng cảnh:
Hoặc có cái lịch sử của tay cung kiếm anh hùng;
Hoặc có cái lịch sử của khách yên hà ngâm vịnh.

Đến như là Đông Hồ cảnh ấy:
Vừa là tấm bia chiến vẻ vang;
Vừa là chốn đàn tao thanh tĩnh.

Người chủ nhân ông cảnh ấy:
Vừa là tay hào khí quan hoài;
Vừa là khách phong lưu tình tính.

Bút gươm dưới nguyệt sâm si;
Huyết mặc trên dòng so sánh.

Nay mắt ta trông ra:
Nếu là phong quang nơi thi xã thì chi xiết thanh u;
Bằng là cảnh tượng chốn chiến tràng thì vô cùng hiu quạnh.

Nếu là bóng nguyệt của người hàn mặc, thì bóng đẹp mà trong;
Bằng là vẻ trăng của khách cung đao, thì vẻ trăng buồn mà lạnh.

Khiến khách tôi, không biết:
Nên thoả hay nên sầu;
Nên vui hay nên chạnh.

Vần trăng

Này thử nhớ lại;
Mà biết đó rằng:

Một các “Chiêu anh”;
Một thành “Trúc bằng”.

Đem huyết hãn mà vun bồi cho non nước;
Lấy bút nghiên mà tô điểm cho gió trăng.

Người chủ nhân ông cảnh ấy:
Lẽ ta không biết đó vậy;
Lẽ ta không biết đó chăng?

Tức là khách:
Khứ Bắc tâm thương mà hàn hiệt vân trung chi hồng hộc;
Đầu nam chí đại mà tiêu dao hải thượng chi côn bằng.

Tấm thân lang miếu giữa giang hồ, khâm hoài cao khoáng;
Tấc dạ cô thần mà dật khách, phong cốt lăng tằng.

Chừ:
Muốn nhận ra cái dấu vết tiền triều thì vắng vẻ nước non một sắc;
Muốn nhìn lại cái hình dung cố quốc thì mịt mù mây khói mấy tầng.

Ngọn gió thu phong kia, cổ nhân đã từng dạn mặt;
Làn nước thu thuỷ nọ, cổ nhân đã từng dúng chân.

Cổ nhân không được biết kim nguyệt;
Kim nguyệt dã từng soi cổ nhân.

Tranh bích tạc treo chung màn kim cổ;
Bóng hoàng hôn chớp nhoáng cuộc trầm thăng.

Khiến:
Nghĩ những chuyện tang thương mà than nước;
Trông những cơ hưng phế mà khóc trăng.

Thì khách tôi:
Giữ sao được lòng thắc mắc;
Cầm sao được mối bâng khuâng.

Vần thu

Trước vẫn biết khách:
Đa tư đa lự;
Đa cảm đa ưu.

Không cười mà khóc;
Không vui mà sầu.

Bèn mới đặt chén cầm tay mà sẽ bảo:
Thế sự nhược đại mộng;
Nhân sinh như phù du.

Cổ kim là chung trong vòng tiêu trưởng;
Vũ trụ là cùng một kiếp doanh hư.

Vầng trăng kia đối với người ngâm vịnh mà khoe màu, trăng từ bao thủa;
Làn nước nọ đối với cuộc tồn vong mà chau mắt, nước đã bao lâu.

Nhưng:
Tạo hoá tuy vô cực vô cùng, vẫn là vô tri giác;
Nhân sinh tuy tối vi tối tiểu, vẫn là hữu tâm tư.

Một con tâm ấy có thể quán thông suốt nghìn thuở;
Một tấm tình ấy có thể bao quát cả năm châu.

Biết càn khôn là rộng;
Biết vũ trụ là to.

Còn trời đất nọ:
Muôn năm mãi mãi;
Một khối trơ trơ.

Gió cứ dìu dặt;
Mây cứ phất phơ.

Thì đối với vũ trụ cỡ gì:
Mà sầu mua thảm chác;
Mà thương hão khóc vờ.

Huống chi, khách qua chơi Đông Hồ này:
Trước ta đã biết bao nhiêu người, ta không thể hỏi;
Sau ta còn biết bao nhiêu kẻ, ta không thể chờ.

Ngày nay ta khóc cho người đời trước;
Sau này ai khóc cho ta bây giờ?

Chi bằng những lúc:
Thắng cảnh lương tiêu phải buổi;
Thưởng tâm lạc sự đang vừa.

Nghiêng bầu hướng với giang san mà say rượu;
Mài mực đối với phong nguyệt mà chuốc thơ.

Một khối văn ấy, nghìn năm hãy còn phiêu dương dưới vùng tinh nhật;
Một vết mực ấy, muôn thủa hãy còn bàng bạc trong cõi giang hồ.

Đó mới là cái vận sự hào hoa, dữ kỳ lục thuỷ thanh san tràng thọ;
Đó mới là cái công trình tao nhã, dữ kỳ thanh phong minh nguyệt tràng lưu.

Chẳng hơn ngồi mà thương mà khóc, mà cảm mà sầu suông đó dư!

Lời xong:
Sau trước gõ mạn thuyền mà cổ võ;
Chủ tân cất chén rượu mà hoan hô.

Cùng đồng thanh hát rằng:
Nước sâu sâu hề non cao cao,
Thuyền gió trăng hề chở nặng chèo.
Nhược thuỷ, Bồng Lai hề không lọ hỏi;
Chẳng tiên lúc này hề tiên lúc nào?
Đã tu thì tu hề cho trót;
Đã chơi thì chơi hề cho hào.
Mặt biên triều lên hề bát ngát;
Ngàn cây sương toả hề mịt mù.
Màu khói hề thấp thoáng liễu;
Hơi mây hề san sát lau.
Gà bên sông hề văng vẳng gáy;
Cuốc trên bến hề khắc khoải gào.
Trông qua bóng núi hề đã ngang mặt;
Ngẩng lên vầng trăng hề đã xế dần.
Hứng chưa tàn hề đêm đã hết;
Thuyền quày lại hề gửi mấy câu:
Chỉ nước chỉ non hề căn dặn;
Gọi trăng gọi gió hề hẹn hò.
Non Tô một dải hề cao dựng;
Hồ Đông một vũng hề nông sờ,
Này nước, này non, ghi lấy cuộc hôm nay hề cuộc hành lạc;
Hỡi trăng, hỡi gió, nhớ lấy đêm hôm nay hề đêm thưởng thu!


Bài phú này đăng lần đầu trên Nam Phong tạp chí số 145, sau đó tác giả có sửa lại vài chỗ và đăng lại trên số 158. Ở đây theo bản đăng lần đầu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]