194.42
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Phú
Thời kỳ: Tấn
9 bài trả lời: 7 bản dịch, 2 thảo luận
12 người thích
Từ khoá: từ quan (2)

Đăng bởi Vanachi vào 06/07/2005 20:19, đã sửa 4 lần, lần cuối bởi Admin vào 22/10/2018 07:11

歸去來辭

歸去來兮,田園將蕪,胡不歸!
既自以心為形役,奚惆悵而獨悲?
悟已往之不諫,知來者可追。
實迷途其未遠,覺今是而昨非。
舟遙遙以輕颺,風飄飄而吹衣。
問征夫以前路,恨晨光之熹微。

乃瞻衡宇,載欣載奔。
僮僕歡迎,稚子候門。
三徑就荒,松菊猶存。
攜幼入室,有酒盈樽。
引壺觴以自酌,眄庭柯以怡顏。
倚南窗以寄傲,審容膝之易安。
園日涉以成趣,門雖設而常關。
策扶老以流憩,時矯首而遊觀。
雲無心以出岫,鳥倦飛而知還。
景翳翳以將入,撫孤松而盤桓。

歸去來兮,請息交以絕遊。
世與我而相違,復駕言兮焉求?
悅親戚之情話,樂琴書以消憂。
農人告余以春及,將有事於西疇。
或命巾車,或棹孤舟。
既窈窕以尋壑,亦崎嶇而經丘。
木欣欣以向榮,泉涓涓而始流。
羨萬物之得時,感吾生之行休。

已矣乎!
寓形宇內復幾時,曷不委心任去留?
胡為遑遑,欲何之?
富貴非吾願,帝鄉不可期。
懷良辰以孤往,或植杖而耘耔。
登東皋以舒嘯,臨清流而賦詩。
聊乘化以歸盡,樂夫天命復奚疑!

 

Quy khứ lai từ

Quy khứ lai hề, điền viên tương vu, hồ bất quy!
Ký tự dĩ tâm vi hình dịch, hề trù trướng nhi độc bi?
Ngộ dĩ vãng chi bất gián, tri lai giả khả truy.
Thực mê đồ kỳ vị viễn, giác kim thị nhi tạc phi.
Chu dao dao dĩ khinh dương, phong phiêu phiêu nhi xuy y.
Vấn chinh phu dĩ tiền lộ, hận thần quang chi hy vi.

Nãi chiêm hành vũ, tái hân tái bôn.
Đồng bộc hoan nghinh, trĩ tử hậu môn.
Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn.
Huề ấu nhập thất, hữu tửu doanh tôn.
Dẫn hồ trường dĩ tự chước, miện đình kha dĩ di nhan.
Ỷ nam song dĩ ký ngạo, thẩm dung tất chi dị an.
Viên nhật thiệp dĩ thành thú, môn tuy thiết nhi thường quan.
Sách phù lão dĩ lưu khế, thời kiểu thủ nhi du quan.
Vân vô tâm dĩ xuất tụ, điểu quyện phi nhi tri hoàn.
Cảnh ế ế dĩ tương nhập, phủ cô tùng nhi bàn hoàn.

Quy khứ lai hề, thỉnh tức giao dĩ tuyệt du.
Thế dữ ngã nhi tương vi, phục giá ngôn hề yên cầu?
Duyệt thân thích chi tình thoại, lạc cầm thư dĩ tiêu ưu.
Nông nhân cáo dư dĩ xuân cập, tương hữu sự ư tây trù.
Hoặc mệnh cân xa, hoặc trạo cô chu.
Ký yểu điệu dĩ tầm hác, diệc khi khu nhi kinh khâu.
Mộc hân hân dĩ hướng vinh, tuyền quyên quyên nhi thuỷ lưu.
Tiện vạn vật chi đắc thời, cảm ngô sinh chi hành hưu.

Dĩ hĩ hồ!
Ngụ hình vũ nội phục kỷ thời, hạt bất uỷ tâm nhiệm khứ lưu?
Hồ vi hoàng hoàng, dục hà chi?
Phú quý phi ngô nguyện, đế hương bất khả kỳ.
Hoài lương thần dĩ cô vãng, hoặc thực trượng nhi vân tỷ.
Đăng đông cao dĩ thư khiếu, lâm thanh lưu nhi phú thi.
Liêu thừa hoá dĩ quy tận, lạc phù thiên mệnh phục hề nghi?

 

Dịch nghĩa

Về đi thôi! Ruộng vườn sắp trở thành hoang vu, cớ sao chưa về?
Đã để tâm hồn cho thể xác sai khiến thì sao còn ảo não, buồn khổ một mình mà làm chi?
Ta đã hiểu rõ rồi, những việc đã qua không thể sửa chữa được, nhưng những việc sau này còn có thể đổi thay,
Bởi vì ta chưa đi sâu vào con đường lầm lạc, ta thấy rõ ngày hôm nay ta đúng mà ngày hôm qua là sai.
Thuyền nhè nhẹ lướt đi, gió mát thổi bay tà áo.
Hỏi thăm khách qua đường, con đường phía trước, giận thay, ánh mặt trời buổi mai lờ mờ không rõ.

Nhìn thấy nhà, lòng vui sướng quá, ta rảo bước đi nhanh.
Đầy tớ chạy ra đón ta, con thơ chờ ta ở cổng.
Cỏ hoang phủ lấp đường đi trong vườn, nhưng cây tùng cây cúc vẫn như xưa.
Dắt con vào nhà, có sẵn rượu đầy vò.
Ta cầm bình rượu tự rót cho ta, trông cành lá tươi tốt trước sân mà lòng vui vô hạn.
Ngồi dựa vào cửa sổ phía nam, mà ký thác tâm tình phóng khoáng, mới biết nơi nhỏ hẹp này đủ để duỗi chân, cũng đủ sống an nhàn.
Ngày ngày đi bách bộ trong vườn, thích thú biết bao, tuy có cửa ngõ, nhưng lúc nào ta cũng đóng kín.
Ta chống gậy đi mãi, lâu lâu lại ngửng lên nhìn về phía xa.
Đám mây tự nhiên bay ra khỏi núi, chim bay mỏi cánh thì nhớ bay về.
Mặt trời sắp khuất sau rặng núi, nhưng ta vẫn đứng mân mê cây tùng lẻ loi, thơ thẩn đấy mãi.

Về đi thôi! Từ đây không giao du với ai nữa,
Ta với đời không còn liên quan gì với nhau nữa. Giao du để làm gì?
Ta vui sướng lắng nghe những lời tình tứ của người thân, ta vui với đèn sách để giải mối ưu phiền trong lòng ta.
Nhà nông cho ta biết ngày xuân đã đến, phải cày cấy đám ruộng phía tây.
Có lúc ta ngồi trên chiếc xe che mui, có lúc ta chèo, con thuyền nhỏ.
Ta cho thuyền đi vào sâu tìm nguồn suối, hay là đánh xe lên các đống gò.
Cỏ cây xanh tốt, suối chảy không ngừng.
Ta càng thèm muốn thấy vạn vật gặp thời, và càng cảm thương cho việc xuất xứ của ta.

Nhưng thôi!
Tấm thân gửi trên cõi đời này, hỏi còn được mấy lúc.
Sao không để mặc cho nó trôi đi, còn hoảng hốt muốn đi đâu nữa?
Giàu sang vốn không phải sở nguyện của ta, mà cảnh tiên thì ta không có cách gì đi tới.
Nay gặp thời tiết đẹp, một mình ta dạo chơi, hoặc cầm gậy bới cỏ hoang.
Tới bờ ruộng hoang ta ngâm nga, lội dòng suối, ta làm thơ, mặc vạn vật biến hoá cho đến lúc tận cùng.
Vui đạo trời, biết mệnh người, còn có điều gì nghi hoặc nữa.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Trọng San

Về đi thôi hề, ruộng vườn sắp hoang vu, sao không về?
Đã tự đem lòng cho hình sai khiến, sao còn một mình buồn bã, đau thương?
Hiểu dĩ vãng không can nổi, biết tương lai có thể theo.
Chưa thực đi xa trên đường mê, thấy hôm nay phải còn hôm qua trái.

Thuyền phơi phới nhẹ đưa, gió hiu hiu thổi áo.
Hỏi khách chinh phu về con đường phía trước, giận ánh sáng ban mai còn mờ nhạt.
Rồi trông thấy nhà, vui tươi rong ruổi.
Tiểu đồng ra chào mừng, trẻ nhỏ đợi ngoài cổng.
Ra lối nhỏ đến vườn hoang, tùng cúc vẫn còn đây.
Dắt con vào nhà, có rượu đầy ly.
Cầm nậm bối tự chuốc, ngắm cây sân, mặt vui.
Dựa cửa sổ nam, lòng phóng khoáng, thấy nơi chật hẹp dễ an nhàn.
Ngày ngày dạo qua vườn rồi thành thú, cửa tuy có đặt nhưng thường đóng.
Chống cây gậy thơ thẩn nghỉ ngơi, thường ngẩng đầu trông ra phía xa.
Mây vô tâm bay ra hang núi, chim bay mỏi biết quay trở về.
Cảnh mờ mờ sắp vào trong bóng đêm, vỗ cây tùng lẻ loi lòng bồi hồi.

Về đi thôi hề, hãy đoạn tuyệt giao du.
Đời đã cùng ta lìa bỏ nhau, còn dùng lời suông hề cầu chi nữa?
Ưa lời nói chứa chan tình cảm của người thân thích, vui với cây đàn, cuốn sách để khuây lo.
Nhà nông bảo ta mùa xuân đến, sắp có việc làm tại cánh đồng tây.
Hoặc đi chiếc xe giăng màn, hoặc chèo con thuyền lẻ loi.
Đã len lỏi tìm khe suối, lại gập ghềnh đi qua gò.
Cây hớn hở hướng đến màu tươi, suối êm đềm bắt đầu trôi chảy.
Ngợi khen cho muôn vật đặc thời, cảm khái đời ta xưa làm nay nghỉ.

Thôi hết rồi!
Gửi hình trong vũ trụ được bao lâu, sao không thả lòng mặc ý ở đi?
Tại sao còn thắc mắc, muốn đi đâu?
Giàu sang chẳng phải điều ta nguyện, chốn đế hương không thể ước ao.
Nghĩ buổi sáng đẹp trời một mình dạo chơi, hay dùng gậy làm cỏ vun mạ.
Lên bãi đông, ngâm nga thư sướng, đến dòng suối trong làm bài thơ.
Hãy thuận theo sự biến hoá của âm dương mà về chốn tận cùng, vui mệnh trời, còn nghi ngờ chi?

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
64.67
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Bạch Thuỷ @www.mocgiatrang.com

Vườn xưa bỏ phế đã lâu,
Người còn mê tỉnh nơi đâu chưa về?
Bấy lâu làm một chú hề,
Mặc cho ngoại cảnh kéo lê thăng trầm,
Hôm nay đã tỏ sai lầm,
Không mau quay lại, kiếp tầm tiếc chi?
Gió lay ru mộng xuân thì,
Thuyền tâm lướt sóng đến-đi nhẹ nhàng,
Chinh phu mơ giấc sa tràng,
Ban mai chưa tới mộng vàng đã tan,
Nhà ta thấp thoáng một gian,
Trẻ vui đón chủ dặm ngàn về thăm,
Cúc tùng vẫn toả bóng râm,
Vườn hoang ngày cũ bao năm điêu tàn,
Mảng vui nâng chén rượu tràn,
Nẻo bon chen trước ngỡ ngàng tránh xa,
Sớm hôm theo thú yên hà,
Cài then say cảnh trăng hoà bóng mây,
Rõ ràng chân-giả là đây,
Núi xa mỏi cánh chim bay trở về,
Trời đêm quạnh vắng tứ bề,
Thâm giao đâu nhỉ, não nề thân đơn!
Xoay lưng nhặt nửa cung đờn
Đạo-đời không chấp thiệt hơn sá gì?
Trước vì danh lợi nên si,
Mê lời ngon ngọt tâm đi quên về,
Giờ thì thi phú giải khuây,
Xuân sang ra cánh đồng tây gieo mầm,
Suối trong một dãi êm đềm,
Cảnh xuân tươi tốt gợi niềm thế nhân,
Vấn lòng: “Vũ trụ gửi thân,
Vinh hoa mấy thuở mà bâng khuâng tìm?”
Không cho bể ái nhận chìm,
Quay vào tự tánh màn đêm xoá dần,
Gậy tre vun mạ chuyên cần,
Thuận theo tạo hoá mới rằng không sai!
Âm-dương đạo chẳng phân hai,
Về thôi, đi mãi khổ hoài đeo mang!
Về mau thua-được chớ bàn!
Về mau vui thú cảnh nhàn ai ơi!
Về mau đừng mãi rong chơi!!!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
85.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch nghĩa

Về đi thôi! Ruộng vườn sắp trở thành hoang vu, cớ sao chưa về? Đã để tâm hồn cho thể xác sai khiến thì sao còn ảo não, buồn khổ một mình mà làm chi? Ta đã hiểu rõ rồi, những việc đã qua không thể sửa chữa được, nhưng những việc sau này còn có thể đổi thay, bởi vì ta chưa đi sâu vào con đường lầm lạc. Ta thấy rõ ngày hôm nay ta đúng mà ngày hôm qua là sai. Thuyền nhè nhẹ lướt đi, gió mát thổi bay tà áo. Hỏi thăm khách qua đường, con đường phía trước, giận thay, ánh mặt trời buổi mai lờ mờ không rõ.

Nhìn thấy nhà, lòng vui sướng quá, ta rảo bước đi nhanh. Đầy tớ chạy ra đón ta, con thơ chờ ta ở cổng. Cỏ hoang phủ lấp đường đi trong vườn, nhưng cây tùng cây cúc vẫn như xưa. Dắt con vào nhà, có sẵn rượu đầy vò. Ta cầm bình rượu tự rót cho ta. Trông cành lá tươi tốt trước sân mà lòng vui vô hạn. Ngồi dựa vào cửa sổ phía nam, mà ký thác tâm tình phóng khoáng, mới biết nơi nhỏ hẹp này đủ để duỗi chân, cũng đủ sống an nhàn. Ngày ngày đi bách bộ trong vườn, thích thú biết bao. Tuy có cửa ngõ, nhưng lúc nào ta cũng đóng kín, ta chống gậy đi mãi, lâu lâu lại ngửng lên nhìn về phía xa. Đám mây tự nhiên bay ra khỏi núi, chim bay mỏi cánh thì nhớ bay về. Mặt trời sắp khuất sau rặng núi, nhưng ta vẫn đứng mân mê cây tùng lẻ loi, thơ thẩn đấy mãi.

Về đi thôi! Từ đây không giao du với ai nữa, ta với đời không còn liên quan gì với nhau nữa. Giao du để làm gì? Ta vui sướng lắng nghe những lời tình tứ của người thân, ta vui với đèn sách để giải mối ưu phiền trong lòng ta. Nhà nông cho ta biết ngày xuân đã đến, phải cày cấy đám ruộng phía tây. Có lúc ta ngồi trên chiếc xe che mui, có lúc ta chèo, con thuyền nhỏ. Ta cho thuyền đi vào sâu tìm nguồn suối, hay là đánh xe lên các đống gò. Cỏ cây xanh tốt, suối chảy không ngừng. Ta càng thèm muốn thấy vạn vật gặp thời, và càng cảm thương cho việc xuất xứ của ta.

Nhưng thôi! Tấm thân gửi trên cõi đời này, hỏi còn được mấy lúc. Sao không để mặc cho nó trôi đi, còn hoảng hốt muốn đi đâu nữa? Giàu sang vốn không phải sở nguyện của ta, mà cảnh tiên thì ta không có cách gì đi tới. Nay gặp thời tiết đẹp, một mình ta dạo chơi, hoặc cầm gậy bới cỏ hoang. Tới bờ ruộng hoang ta ngâm nga, lội dòng suối, ta làm thơ, mặc vạn vật biến hoá cho đến lúc tận cùng. Vui đạo trời, biết mệnh người, còn có điều gì nghi hoặc nữa.

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Từ Long

Đi về sao chẳng về đi,
Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về?
Đem tâm để hình kia sai khiến
Còn ngậm ngùi than vãn với ai?
Ăn năn thì sự đã rồi,
Từ đây còn lại, biết thôi mới là.
Lối đi lạc chưa xa là mấy,
Nay khôn rồi chẳng dại như xưa.
Con thuyền thuận nẻo gió đưa,
Gió hây hây áo thuyền lơ lửng chèo.
Hỏi hành khách lối nào đi tới,
Bóng mập mờ trời mới rạng đông.
Miền quê nẻo trước xa trông,
Chân hăm hở bước đường mong tới nhà.
Chạy đón chủ năm ba đầy tớ,
Đứng chờ ông mấy đứa trẻ con;
Rậm rì bao xóm con con,
Mấy cây tùng cúc hãy còn như xưa.
Tay dắt trẻ vào nhà mừng rỡ,
Rượu đâu đà sẵn chứa đầy vò;
Thoạt ngồi tay đã nghiêng hồ,
Cười nom sân trước thấp tho mấy cành.
Ngồi rễu cợt một mình trước sổ;
Khéo cũng hay vừa chỗ rung đùi;
Thăm vườn dạo thú hôm mai,
Cửa dù có, vẫn then cài như không.
Chống gậy dạo quanh vườn lại nghỉ,
Ngắm cảnh trời khi ghé trông lên:
Mây đùn mấy đám tự nhiên,
Chim bay mỏi cánh đã quen lối về.
Bóng chiều ngả bốn bề bát ngát,
Quanh gốc tùng tựa mát thảnh thơi.
Từ đây về thực, về rồi,
Thôi xin từ tuyệt với người vãng lai.
Vì ta đã với đời chẳng hiệp,
Cần chi mà giao thiệp với ai!
Chuyện trò thân thích mấy người,
Bạn cùng đèn sách khi vui đỡ buồn.
Người làm ruộng ôn tồn hỏi chuyện,
Tới xuân rồi sắp đến việc ta.
Hoặc truyền sắm sửa câu xa,
Hoặc khi đủng đỉnh thuyền ra coi đồng.
Dưới khe nọ nước vòng uốn éo,
Bên đường kia gò kéo gập ghềnh;
Cỏ cây mơn mởn màu xanh,
Suối tuôn róc rách bên ghềnh chảy ra.
Ngắm muôn vật đương mùa tươi tốt,
Ngán cho ta thôi trót già rồi.
Thôi còn mấy nỗi ở đời,
Khứ lưu sao chẳng phóng hoài tự nhiên,
Cớ chi nghĩ thêm phiền tức dạ,
Đi đâu mà tất tả vội chi?
Giàu sang đã chẳng thiết gì,
Cung tiên chưa dễ hẹn kỳ lên chơi!
Chi bằng lúc chiều trời êm ả,
Việc điền viên vất vả mà vui.
Lên cao hát một tiếng dài,
Xuống dòng nước chảy ngâm vài bốn câu.
Hình thể này mặc dầu tạo hoá,
Tới lúc nào hết cả thì thôi.
Lòng ta phó với mệnh trời,
Đừng ngờ chi nữa cứ vui vẻ hoài!


[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Thêm một ít tư liệu

Theo Dịch Quân Tả, một học giả người Trung Quốc, cho biết khi Đào Tiềm làm quan lệnh Bành Trạch, có quan đốc bưu đến huyện, bọn tiểu lại khuyên ông nên buộc dây đai để tiếp quan đốc bưu, ông than rằng: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà uốn lưng trước bọn hương lý tiểu nhi”. Nói rồi, nội ngày đó ông trả ấn từ quan đi về làng cũ. Trên đường ông hoàn thành bài ‘‘Quy khứ lai’’ để biểu lộ chí của minh. ‘‘Quy khứ lai’’ có nghĩa “Hãy đi về đi!”, giống như câu nhà Phật đã thường nói: “Quy mệnh khứ lai”, “Quy y khứ lai”. Chử “từ” là do người sau thêm vào.

Đào Tiềm sáng tác bài trên khi ông 41 tuổi, tức cũng là năm treo ấn từ quan (tháng 11 năm Ất Tỵ, tức 405 theo Tây lịch, đời vua An Đế nhà Đông Tấn, niên hiệu Nghĩa Hy nguyên). Theo GS. Huỳnh Minh Đức, thì: Bài này có trên Quy khứ lai từ hề, nhưng trong ‘‘Chiêu Minh văn tuyển’’ của thái tử Lương Chiêu Minh (con Lương Vũ Đế & là người đầu tiên sưu tập thơ Đào Tiềm) chữ “hề” bị bỏ đi. Chữ “lai” là một trợ ngữ từ, không có nghĩa.

Ở sáng tác này, Đổ Phủ nhằm bộc lộ tư tưởng của mình và ca tụng cảnh trí, thú vui ở vườn ruộng.
Trước phần thơ, là phần Tự bằng văn xuôi của ông như sau:

Ta nhà nghèo, việc cấy trồng không đủ cung ứng cuộc sống. Con cái đầy nhà, trong hủ thì thiếu gạo, cuộc sống chưa phải giải quyết thế nào. Bà con, bạn bè đến khuyên ta ra làm quan. Không có gì cản trở, ta cũng có ý muốn tìm ít tước lộc, nhưng chưa tìm ra. Vừa lúc có việc quan các nơi, ta phụng mệnh quan ra kinh đô và được các chư hầu yêu mến, thúc phục cũng thương ta nghèo nên tiến cử ta làm quan lệnh. Bây giờ giặc giã chưa yên, trong lòng ta vẫn cứ sợ phải đi xa; huyện Bành Trạch cách nhà độ hơn trăm dặm, số thu công điền cũng đủ cho cuộc sống. Vì thế ta xin được đến làm quan ở đấy. Không lâu sau, ta lại có ý nhớ nhà, muốn về nhà.
Tại sao thế? Bản tính tự nhiên của ta là như thế, nên không thể miễn cưỡng, giả vờ được. Sự đói lạnh tuy là quan trọng thực đấy, nhưng làm ngược lại bản tính mình còn đau khổ nhiều hơn. Trước giờ ta từng theo làm việc với người khác cũng chỉ vì miếng ăn mà phải chịu cảnh tôi mọi. Thế rồi ta cảm thấy thất vọng, bị khích động tủi thẹn cho chí bình sinh. Ta vẫn định làm quan chừng hơn một năm rồi hãy len lén thu xếp áo quần mà về quê. Nhưng chỉ được ít lâu, nghe tin em gái ta là Trình thị (heo họ chồng) mất ở Võ Xương; vì tình ruột thịt, khiến ta phải mau mau chạy tang (Đào Tiềm nói vậy, nhưng các sách đều ghi ông từ quan chỉ vì không thể xu nịnh, luồn cúi). và tự động xin từ chức. Từ trọng thu (tháng 8) đến mùa đông, ta làm quan được hơn 80 ngày. Theo việc, thuận lòng, ta viết bài “Quy khứ lai hề”.
Tháng 11 năm Ất Tỵ (405) (chép nguyên bản dịch in trong Hán Văn I, GS. Huỳnh Minh Đức biên soạn, tr. 242-243)

Trích thêm nhận xét của các nhà nghiên cứu:

-Học giả Nguyễn Hiến Lê viết:
Từ Phú ở đời Lục triều đều dùng thể biền ngẫu, lời hoa mỹ, song thiếu tự nhiên và khó hiểu. Đáng dịch nhất có 2 bài: ‘‘Quy khứ lai từ’’ của Đào Tiềm và ‘‘Bắc sơn di văn’’ của Khổng Khuê. Bài trên giọng khoáng đạt, theo thể biền ngẫu mà vẫn tự nhiên; bài dưới rực rỡ như hoa mà mỉa mai một cách thú vị.

-Lâm Ngữ Đường, một nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc, nhận xét:
Không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào cả trừ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quí nhất. Đời ông vô tư, tự do, khiêm tốn, giản phác...Ông có thiên tài cảm được và tả được một lối sống điều hoà, thiên tài đó tới cái mức hoàn toàn tự nhiên, bình dị mà từ xưa chưa ai đạt được. Bài phú “Qui khứ lai từ”, viết vào tháng 11 năm 405, khi ông quyết định từ chức tri huyện, biểu hiện được tình cảm và thiên tài của ông... Có người cho rằng ông chủ trương “lánh đời”, nhưng không phải vậy. Ông lánh chính trị chứ không lánh đời. Ông vui vẻ trở về cảnh điền viên giữa gia đình. Như vậy kết cục là một sự hoà hợp với thiên nhiên, với đời sống, chứ đâu phải là một sự phản kháng.

Văn học Trung quốc tập I đánh giá:
Trước đây, nhiều người lấy bài Qui khứ lai từ và bài Đào hoa nguyên ký, rồi nói Đào Tiềm là một “ẩn sĩ phiêu diêu ngoại vật”...nhưng theo Lỗ Tấn thì ông có nhiều bài thơ tích cực nữa, như những bài Vịnh Nhị Sơ, Vịnh Tam lương, Thuật Tửu...đều dính dáng đến sự đổi thay của triều đại thời đó.‘’
Tất nhiên, tư tưởng ẩn cư vẫn có ở Đào Tiềm, nhưng có điều tư tưởng này rất khác tư tưởng ẩn cư của người đương thời, chẵng hạn như Kê Khang (223-263). Ông ca tụng đời sống lao động lành mạnh, giản dị. Không phải ông thi vị hoá công việc đồng áng, mà chỉ muốn nói lên cái mơ ước một xã hội thuần phác, yên vui, ai nấy đều được lao động và hưởng được thành quả của mình.
Tuy trở về với thiên nhiên, nhưng ông không đơn thuần ngâm trăng vịnh gió, bởi tâm tình ông bao trùm luôn cảnh thiên nhiên và cảnh thiên nhiên phản ảnh lại những gì ông ấp ủ trong lòng. Lấy bài nào cũng minh hoạ được ý ấy.
Do vậy, thơ ‘‘điền viên’’ của ông rất khác với thơ của những nhà thơ đồng thời hay sau ông, vì họ thường chỉ chú trọng màu sắc, âm thanh trong cảnh thiên nhiên...bằng những lời đẹp đẽ, gọt đẽo mà ít có nội dung xã hội...‘’ (Lược theo ‘‘Văn học Trung quốc tập I’’. GS. Nguyễn Khắc Phi và GS. Trương Chính biên soạn)

Bùi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.

Sách tham khảo:
- Văn học sử Trung Quốc tập I của Dịch Quân Tả.Nxb Trẻ, 1992, tr. 227.
- Hán Văn I của Huỳnh Minh Đức. Nxb Minh Trí, Sài Gòn, 1973, tr. 242.
- Đại cương Văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê,. Nxb trẻ, 1997, tr. 193.
- Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, Nguyễn Hiến Lê dịch. Nxb Văn hoá, 1993, tr. 93, 94 và 96.
-Văn học Trung quốc tập I. GS. Nguyễn Khắc Phi và GS. Trương Chính cùng biên soạn. Sách dùng cho bậc ĐHSP. Nxb Giáo dục, 1987, tr. 104-107.

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Châu Hải Đường

Người ơi thôi hãy về thôi,
Ruộng vườn sắp lụi hoang rồi về đi.
Tâm này đem luỵ thân kia,
Sao còn buồn bã sầu chi một mình?
Việc xưa biết chẳng can thành,
Việc sau sắp lại đuổi mình đến nơi.
Đường mê thực chửa xa xôi,
Nhận ra nay đúng, xưa thời là sai.
Con thuyền nhẹ gió lung lay,
Hiu hiu gió thổi áo bay phật phờ.
Hỏi người đi đoạn đường xa,
Hận vì nỗi ánh mai đà còn thưa.
Mừng trông mái thấp chạy ùa,
Tiểu đồng vui đón, con chờ cửa bên.
Ngõ hoang tùng cúc còn nguyên,
Dắt con vào cửa, rượu liền đầy chung.
Nâng bầu tự chuốc rưng rưng,
Trông cây sân, mặt vui mừng xiết bao.
Tựa song nam, thoả ngạo cao,
Xem trong chật hẹp dạt dào an vui.
Thú riêng ngày lội vườn chơi,
Cửa tuy có đó, thường thời chặt then.
Nghỉ ngơi tựa gậy bên ghềnh,
Nghển đầu dạo bước ngắm quanh bốn bề.
Lòng không dời núi mây đi,
Chim bay mỏi cánh lại về chốn xưa.
Chiều hôm cảnh vật dần mờ
Bồi hồi ôm gốc tùng già đơn côi.
Người ơi thôi hãy về thôi,
Đừng giao du nữa với đời mà chi.
Người đời đã bỏ ta đi,
Những lời tâm huyết mong gì nữa đây?
Tâm tình thân thích vui vầy,
Khuây đàn sách để sầu này nhẹ vơi.
Nông phu bảo, sắp xuân rồi,
Việc đồng tây lại tới nơi bây giờ.
Khi thuyền lẻ, khi xe bò
Tìm khe luồn lách, qua gò nhấp nhô.
Xanh tươi cây cũng nhởn nhơ,
Rì rào tiếng suối nãy giờ vừa tuôn.
Nỗi ta làm, nghỉ cảm buồn,
Đắc thời muôn vật thèm thuồng được như.
Gửi hình trời đất vô hư,
Mặc cho đi ở sao chưa thả lòng?
Mong chi thấp thỏm chờ trông,
Chẳng thèm phú quý, chẳng hòng đế hương!
Mong ngày đẹp lại lên đường,
Hoặc thời chống gậy lên nương cấy trồng.
Ngâm nga thư thái bờ đông.
Lại qua bên suối viết dòng thơ quê.
Thuận theo lẽ đạo mà về,
Vui theo thiên mệnh chớ hề ngờ nghi!

45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Phụng

Về đi sao chẳng về đi
Ruộng hoang đồng cỏ đợi chi chưa về
Hình này bó buộc thân kia
Biết ai than thở vợi chia nỗi sầu
Việc qua chuộc lại được nào
Từ nay riêng chuyện mai sau lo lường
Lạc chưa xa dẫu lầm đường
Khôn nay nghĩ lại thẹn thùng dại xưa
Con đò thuận gió nhẹ đưa
Áo bay lờ lững chèo khua lững lờ
Hỏi thăm đường lối bạn đò
Giận trời chậm sáng mới mờ rạng đông
Mái quê thanh bạch xa trông
Bước chân rảo bước sớm mong đến nhà
Tiểu đồng đón chủ chạy ra
Lũ con bên cổng mừng cha đã về
Hoang vu ba luống não nề
Cúc tùng mới đó bộn bề khác xưa
Bước vào tay giắt con thơ
Rượu vò cơm bữa đơn sơ sẵn sàng
Chuốc mình nghiêng chén uống tràn
Ngắm hàng cây cảnh hân hoan mỉm cười
Song nam ngồi dựa thảnh thơi
Duỗi chân đủ chỗ duyên trời khéo may
Thăm vườn thành thú ngày ngày
Cổng ngoài lấp kín then cài kín bưng
Dạo quanh gậy chống bước ngừng
Chân trời xa thẳm mịt mùng vời trông
Đầu non mây toả bềnh bồng
Lối về đà mỏi cánh hồng nản bay
Bóng chiều bát ngát miệt tây
Gốc tùng đứng dựa phút rầy thảnh thơi
Chuyến này về thực về rồi
Lời chào nhắn gửi cùng người tới lui
Mùi đời chẳng hợp ngán mùi
Lẽ nào gắng gượng kịp lùi hoá hay
Xóm làng thân thuộc xum vầy
Vui cùng đèn sách tháng ngày rảnh thân
Bạn điền báo dịp đầu xuân
Luống tây coi lúa đồng lần phiên ta
Xe mui vượt quãng đường xa
Băng sông cậy lá thuyền hoa thăm đồng
Trong veo khe uốn khúc vòng
Bên đường gò chất đống chồng vây quanh
Mênh mông cỏ mượt cây xanh
Suối tuôn róc rách dập dềnh nước trôi
Đương mùa vạn vật xanh tươi
Riêng ta đà chút già rồi ngán thay
Đường đời đà tới khúc này
Còn bao năm tháng nữa đây mà chờ
Ở về sao mãi lững lờ
Còn chi suy nghĩ vẩn vơ nhọc lòng
Lợi danh chẳng đợi chẳng mong
Cung tiên xa thẳm cũng không có màng
Ước mong được buổi rảnh rang
Nghỉ tay vun xới chiều vàng dạo chơi
Lên cao thở mạnh một hơi
Bên khe thi tứ đầy vơi dạt dào
Hình hài phó mặc trời cao
Thuận theo con tạo vui nào vui hơn

tửu tận tình do tại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Vân Long

Về đi thôi! Hãy về đi!
Ruộng vườn hoang cũ vướng chi chưa về
Đem tâm gửi hình kia sai khiến
Cớ sao còn bịn rịn làm chi
Trước tuy sống chửa hay gì
Tương lai còn đó đường đi còn dài
Đường mê cũng chưa sai mấy nỗi
Lấy hôm nay sửa đổi ngày qua
Thuyền con nhẹ lướt xa xa
Gió hưu hưu thổi bay tà áo xanh
Hỏi khách đi lối quanh nẻo trước
Sáng lờ mờ yếu ớt ban mai
Nhà tranh vách đất sơ sài
Vui mừng đứng dưới hiên trai còn ngờ
Ra đón chủ mấy người đầy tớ
Bên giậu thưa lũ nhỏ chờ quà
Lối đi cỏ mọc xanh rì
Bóng tùng khóm cúc vẫn y ngày nào
Dắt tay trẻ lao xao qua cửa
Vào nhà trong lấy hũ rượu ngon
Hân hoan lòng hết bồn chồn
Nghiêng vò rượu uống thả hồn ngất ngây
Ngắm hoa cỏ mặt mày rạng rỡ
Lòng tịnh thanh tựa cửa nam ngồi
An nhàn ở chốn sơ sài
Ngày ngày vui vẻ sớm mai thăm vườn
Cửa tuy có nhưng thường là đóng
Chống gậy tre ngày rộng dong chơi
Ngẩng đầu nhìn chốn xa xôi
Mây vô tình vẫn bay nơi núi ngoài
Chim mỏi cánh miệt mài về tổ
Trời sẫm dần bóng ngả về tây
Riêng ta bên gốc tùng này
Cô đơn chen lẫn tháng ngày thảnh thơi
Về đi thôi! Cõi đời chẳng hợp
Thôi từ nay ngừng bước giao du
Đường quan không hợp ý ta
Thì về gốc mít gốc na vườn ngoài
Trò chuyện với vài người thân thích
Vui những khi đèn sách thanh bần
Ngày xuân có bác nông dân
Rủ ta làm việc cánh đồng phía tây
Lúc đánh xe ngày ngày chở cỏ
Hoặc khi chèo thuyền nhỏ lẻ loi
Gập ghềnh mấy đoạn gò đồi
Lại khi lặn lội bên ngoài suối khe
Một vùng cây xum xuê tươi tốt
Suối bên ghềnh róc rách chảy xuôi
Mừng cho muôn vật tốt tươi
Buồn cho ta sắp hết đời còn đâu
Thân này được bao lâu nữa nhỉ
Đi hay dừng vất vả làm chi
Lợi danh đã chẳng thiết gì
Chốn thần tiên chẳng có kỳ dong chơi
Thôi thì hãy ở nơi đồng ruộng
Chăm lúa rau cày cuốc làm vui
Lên cao hú một tiếng dài
Xuống ngang giòng suối ngâm vài câu thơ
Đời đã hiểu đừng ngờ chi nữa
Sống hoà mình vào giữa thiên nhiên
Thuận theo biến hoá âm dương
Mệnh trời khi đến coi thường tử sinh.

Nhất Nguyên
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Duy Vôn

Về đi thôi quyết về đi,
Ruộng nương bỏ rậm can chi không về.
Đã đem thân để làm thuê,
Sao còn áy ngáy sầu bi một mình?
Biết rằng trước đã khôn ngăn,
Mà sao chắc hẳn khuyên răn, kịp mà.
Đường về ôi! cũng chưa xa,
Nay sao phải thế xua đà sao hư.
Thuyền lan bỏ mái đừ đừ,
Gió hiu hiu thổi, áo từ từ bay.
Hỏi đường năm cũ đâu đây,
Thần quang kia những đắng cay đã loè.
Đoái trông vách dựng tường che,
Lòng vui vui thật, chân đi ti dồn.
Rộn ràng tớ tớ con con,
Cảnh hoang mà cúc tùng còn thướt tha.
Dắt con mới dẫn vào nhà,
Chai đâu đã sẵn rượu pha đã đầy.
Chén quỳnh vừa rót vừa say,
Càng trông thềm cỏ mặt mày càng tươi.
Song nam tựa tựa cười cười,
Vách Nguyên lều Khổng yên thời càng yên.
Thú vui vui với điền viên,
Cửa tuy sẵn mở, mở liền đóng mau.
Thẩn thơ chống gậy đỡ sầu,
Khi chơi đôi lúc nghểnh đầu mảng xem.
Vô tình mây chạy nhá nhem,
Chim bay mỏi cảnh biết đem thân về.
Vào trông phong cảnh đề huề,
Vin cành thông những vui về với thông.
Về thôi thôi chẳng ai cùng,
Đời đời đã thế còn hòng mà chi.
Họ hàng say tấm tình si,
Mua vui khúc hát câu thi đỡ buồn.
Được tin xuân đã về luôn,
Ruộng tây mấy đỗi thông thuôn phải bừa.
Khi xe đón, lúc thuyền đưa,
Sớm qua dạo suối, trưa qua dạo đèo.
Một mầu cỏ mọc xanh reo,
Lơ thơ nước chảy trong veo một dòng.
Khen cho muôn vật thoả lòng,
Gớm cho người lại rỗi không với đời.
Thôi thôi sống được mấy thời,
Sao không quyết chí một hơi thẳng về?
Đi đâu sao lại còn mê,
Kia giàu sang thế, nọ quê vua thì,
Ước sao khi gậy khi kỳ,
Khi ca giữa núi, khi thi giữa dòng.
Chút cùng khí hoá đều không,
Tin đem phúc đối cùng ông trời già.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời