Anh qua sông Hồng, sông Đuống
Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu
Không biết ở nơi em ở
Êm êm một khúc sông Cầu

Tiếng một con tôm búng nước
Vó bè ai cất sau lưng
Sao giời lọt qua mắt lưới
Rơi đầy xuống cả mặt sông

Con sông của người quan họ
Suốt đời nước chảy lơ thơ
Em ơi! Em là cô gái
Từ lâu anh đợi anh chờ

Em là cô Tấm thảo hiền
Đến giữa đời anh trẩy hội
Tình đã trao nhau êm đềm
Mà vẫn mắt nhìn bối rối

Sông Cầu khi đầy khi vơi
Chảy ngang qua câu quan họ
Ướt đầm vạt áo bao người
Vạt thương ướt cùng vạt nhớ

Em nói nhẹ như hơi thở
Anh nghe để nhớ suốt đời:
Giữ tình yêu như giữ lửa,
Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!

Tình yêu có từ phương em
Đi qua tháng năm chờ đợi
Tình yêu cũng từ phương anh
Lửa rừng bồn chồn góc núi

Tình yêu có từ hai ta
Chẳng đủ gần mà giận dỗi
Nhà xa, mặt trận càng xa
Gặp nhau lần nào cũng vội

Ngày mai chắc là nhiều nắng
Nên sao giăng khắp trên đầu
Ngày mai trấn miền ải Bắc
Tựa lưng vào đêm sông Cầu.


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ nhạc thành bài hát Tình yêu trên dòng sông quan họ.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Ca khúc "Tình yêu trên dòng sông Quan Họ" của Phan Lạc Hoa

Tình yêu trên dòng sông Quan Họ

Tình yêu có từ nơi đâu
Êm êm một khúc sông Cầu
Sao trời lọt qua mắt lưới
Rơi đầy xuống dòng sông sâu
Tình đã trao nhau êm đềm

Em là cô Tấm thảo hiền
Mà mắt vẫn nhìn bối rối
Gặp nhau lần nào cũng vội
Chẳng đủ để mà giận dỗi
Nhà xa mặt trận càng xa
Tình yêu có từ đôi ta

Tình yêu có từ nơi em
Băng qua năm tháng đợi chờ
Tình yêu có từ nơi anh
Lửa rừng bập bùng vách núi
Em ơi em là cô gái
Từ lâu anh đợi anh chờ

Con sông của người quan họ
Suốt đời vẫn chảy lơ thơ
Tiếng anh ấm như hơi thở
Em nghe để nhớ suốt đời
Đừng quên, đừng giận người ơi
Đừng quên, đừng giận người ơi.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
23.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận bài thơ “Đêm sông Cầu”

Cái duyên của bài thơ này là duyên thầm. Với 9 khổ thơ vừa kín đáo, vừa gợi mở, tác giả giống như người lái đò trong đêm, lặng lẽ đưa bạn đọc trôi như mơ trên con sông của người quan họ. Ngay vào đầu bài thơ, thi sĩ đã thú nhận sự vô tâm của mình: “Anh qua sông Hồng, sông Đuống; Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu- Không biết ở nơi em ở - Êm êm một khúc sông Cầu”. Tác giả thú nhận “không biết” cũng chính là để lưui vào vị trí bạn đọc mà cùng nhau “khám phá” đó thôi. Dám thú nhận sự “vô tâm” là chính bởi “nội tâm” của thi nhân mạnh lắm. Nội tâm không mạnh, làm sao mà nghe được: Tiếng một con tôm búng nước- Vó bè ai cất sau lưng. Và còn nhìn thấy được: Sao trời lọt qua mắt lưới - Rơi đầy xuống cả mặt sông. Có lẽ không phải sao trời, mà là cảm xúc của Đỗ Trung Lai rơi đầy xuống mặt sông thì đúng hơn. Rồi cuối cùng, điều muốn đã được nói:

Em ơi! Em là cô gái
Từ lâu anh đợi anh chờ
Sau khi thốt ra được hai câu thơ khó khăn ấy, “người lái đò” hình như “bỏ rơi” bạn đọc để quay sang tâm sự riêng với cô Tấm thảo hiền. Bạn đọc cũng đành nín thở ngồi nghe, chứ biết làm sao nữa:
Em nói nhẹ như hơi thở
Anh nghe để nhớ suốt đời
Giữ tình yêu như giữ lửa
Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!
Hoá ra tác giả không quên bạn đọc, không quên ngọn lửa rừng bồn chồn góc núi - bởi trái tim của anh là trái tim đập cạnh chiếc ba lô: Tình yêu có từ hai ta- Chẳng đủ gần mà giận dỗi - Nhà xa, mặt trận càng xa- Gặp nhau lần nào cũng vội. Lời thơ buông ra như không, mà sao đọc đến đây, lòng ta thấy nhói cả lên. Có thể người lính ấy không trở về lắm chứ? Nhưng dù muốn dù không, tôi vẫn tin tình yêu chảy ngang qua câu quan họ là tình yêu bất tử.

Những ngọn lửa trận mạc đã tắt và nếu điều tôi tin là có thật - thì ước ao một ngày nào đó, tôi và người lính ấy sẽ mở “đôi lối” về Hà Bắc - để cùng nhau: Tựa lưng vào đêm sông Cầu.


Hoàng Nhuận Cầm
54.20
Chia sẻ trên FacebookTrả lời