Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tế Hanh » Gửi miền Bắc (1962) » Dặm liễu
Đăng bởi Méri vào 21/03/2005 07:12, đã sửa 5 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 10/02/2021 13:48
Anh xa nước nên yêu thêm nước,
Anh xa em càng nhớ thêm em.
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm,
Trời Hàng Châu bốn bề êm ái.
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại,
Một ít vàng trong nắng trong cây,
Một ít buồn trong gió trong mây,
Một ít vui trên môi người thiếu nữ...
Anh đã đến những nơi lịch sử:
Đường Tô Đông Pha làm phú,
Đường Bạch Cư Dị đề thơ.
Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ,
Còn thao thức trên cành đào ngọn liễu.
Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu,
Bức tranh kia anh muốn điểm thêm màu:
Có hai ta cùng tựa bên cầu
Cho mặt nước Tây Hồ trong sáng nữa.
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa,
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa.
Làn nước qua ánh mắt ai đưa,
Cơn gió đến bàn tay em vẫy.
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy,
Có núi sông và có trăng sao,
Có giận hờn và có chiêm bao.
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến,
Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm...
Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui,
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi.
Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ,
Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ.
Rời Tây Hồ trăng xuống Bắc Cao Phong,
Chỉ mình anh với im lặng trong phòng;
Anh ngước nhìn bức thêu trên vách:
Hai bóng người đi
một hàng tùng bách,
Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?
Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình.
Vơ vẩn tình chăn
chập chờn mộng gối.
Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội,
Nước Tây Hồ bỗng hoá nước Hồ Tây;
Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây...
Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi bahungnt ngày 17/07/2009 07:19
Có 1 người thích
Nhà thơ Tế Hanh sinh năm 1921 tại làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã trút hơi thở cuối cùng hồi 12 giờ hôm qua (16-7) tại Hà Nội, do tuổi cao, bệnh nặng.
Là một trong những tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (năm 1996), nhà thơ Tế Hanh được công chúng yêu mến và biết đến trong các lĩnh vực: thơ; nghiên cứu lý luận phê bình; dịch văn học. Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào giành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Ông cũng từng là Ủy viên thường vụ khóa I, II Hội Nhà văn Việt Nam (1957), Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).
Trước Cách mạng ông đã có tập thơ Hoa niên (năm 1944). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ sớm và sáng tác đều đặn suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước. Các tập thơ này viết bằng tình yêu đất nước dạt dào, bằng tâm hồn lạc quan hy vọng của người chiến sĩ khao khát cuộc sống hòa bình: Gửi miền Bắc (1958) Tiếng sóng (1960) Hai nửa yêu thương (1963) Khúc ca mới (1966)...
Sau khi nước nhà thống nhất, ông vẫn tiếp tục sáng tác không ngừng với các tập thơ mang hơi thở của cuộc sống mới. Đặc biệt nhiều thế hệ học sinh đều biết và thuộc bài thơ Nhớ con sông quê hương của ông.
Gửi bởi khi gia ngày 17/08/2009 04:39
Câu 33: Anh ngước nhì bức thêu trên vách,
phải là: Anh ngước nhìn (không phải là nhì) bức thêu trên vách
Câu 34 : Hỡi bóng người đi một hàng tùng bách
phải là: Hai (không phải là hỡi) bóng người đi một hàng tùng bách