Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.


Khảo dị:
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chửa có, mẹ già chửa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi, anh sẽ trả công,
Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho:
Giúp em năm thúng xôi vò,
Ba con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Áo anh rách lỗ bàn sàng,
Cậy nàng mua vải vá quàng
cho anh.
rồi anh trả tiền công,
Đến lúc lấy chồng anh giúp của cho:
Giúp cho một quả xôi vò,
Một con heo béo, một vò rượu tǎm.
Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm,
Đôi áo nàng bận đôi vòng nàng đeo.
Giúp cho quan mốt tiền cheo,
Quan nǎm tiền cưới, lại đèo bông tai.
Giúp cho một rổ lá gai,
Một cân nghệ bột với hai tô mè.
Giúp cho năm bảy lạng chè,
Cái ấm sắc thuốc cái bồ đựng than.
Giúp cho đứa nữa nuôi nàng,
Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…
Áo anh đã rách hai tay,
Cậy nàng so
chỉ và may cho cùng.
rồi anh trả tiền công,
Mai mốt lấy chồng anh giúp của cho.
Giúp cho quan mốt tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đeo mâm chè.
Giúp cho nửa giạ hột mè,
Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô.
Giúp cho cái ấm, cái ô,
Cái niêu sắc thuốc, cái bồ đựng than.
Anh giúp cho một đứa nuôi nàng,
Lâu ngày chẵn tháng rồi chàng tới thăm…
Tình cờ bắt gặp nàng đây,
Mượn cắt cái
áo mượn may cái quần.
May xong
anh trả tiền công,
Bao giờ lấy chồng, anh đỡ vốn cho.
Anh
giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Anh giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Anh giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Đêm qua trăng sáng làu làu,
Anh đi múc
nước để hầu tưới cây.
Tình cờ bắt gặp em đây,
Mượn cắt cái áo
, mượn may cái quần.
May
rồi anh trả tiền công,
Đến khi lấy chồng anh giúp của cho.
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Cái chăn em đắp, cặp trằm em đeo.
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Cái ngọn sông Đào vừa trong vừa chảy,
Anh đi kén vợ mười bảy năm nay.
Tình cờ bắt gặp cô mình ở đây,
Mượn cắt cái áo
mượn may cái quần.
Khâu xong anh tính tiền công,
Em đi lấy chồng anh giúp của cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Chúc cho anh chị lấy nhau,
Một số là giàu, hai số lắm con
.


[Thông tin 6 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Phân tích bài ca dao “Tát nước đầu đình” để làm rõ ca dao là viên ngọc không tì vết

Trong văn học dân gian Việt Nam, ca dao có thể xem là thể loại chiếm số lượng lớn nhất. Các bài ca dao này cũng rất phong phú về đề tài, nội dung thể hiện như: về sản xuất, sinh hoạt, phong tục văn hoá…nhưng chiếm đại đa số, khoảng sáu mươi phần trăm nội dung của các bài ca dao, đó chính là về đề tài tình yêu lứa đôi của thanh niên nam nữ, đặc biệt là tình cảm ấy rất hồn hậu, trong sáng, hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chân thành của trai gái yêu nhau và cái mong muốn được tỏ tình, được lên duyên vợ chồng. Vì vậy mà ca dao còn được đánh giá là những: “viên ngọc quý không tì vết”, không hề có sự gia công hay tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Để chứng minh cho điều này, ta sẽ phân tích thông qua bài ca dao “Tát nước đầu đình”.

Bài ca dao “Tát nước đầu đình” là một bài ca dao viết về đề tài giao duyên của đôi trai gái yêu nhau. Trong bài ca dao, chàng trai đã rất chân thành bày tỏ mong muốn làm quen, kết duyên vợ chồng với cô gái, trong các bài ca dao thuộc đề tài này thì bối cảnh của câu chuyện thường là do các nhân vật hư cấu như là cái cớ để bày tỏ, dãi bày tâm sự, đôi khi là tỏ tình, cầu duyên. Chàng trai trong bài ca dao này thì viện vào một lí do rất hài hước, đó chính là để quên áo, nhưng là để quên áo trên cành hoa sen:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Nhặt được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Nhân vật trữ tình trong bài ca dao này là một chàng trai, anh ta muốn tỏ tình với cô gái trong làng mà anh ta để ý, vì vậy anh ta đã tìm ra bối cảnh để dãi bày cái tâm sự ấy. Ở đây, anh ta tìm cớ là đi tát nước ở đầu đình, và khi về thì bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sẽ. Ta sẽ phát hiện ngay ra điểm vô lí ở đây, đó là hoa sen đâu có cành, người ta muốn vắt áo thì sẽ tìm một nơi khác chắc chắn hơn chứ không tìm một nơi yếu ớt như hoa sen, vả lại chiếc áo cũng có thể rơi xuống nước bất cứ lúc nào. Thế mới nói, ca dao là sự phản ánh rất tự nhiên, hồn hậu, như một viên ngọc không tì vết. Bởi ở trong bài ca dao này, mục đích anh ta hướng đến là hai câu thơ sau, chứ đâu có kể nể, dãi bày về việc mất áo.

Mất áo là cái cớ để tỏ tình: “Nhặt được thì cho anh xin/ Hay là em giữ làm tin trong nhà”. Chàng trai đã khẳng định là cô gái đã nhặt được cái áo, anh ta cũng bày tỏ ý định muốn xin lại, nhưng đấy cũng không phải lời nói thật lòng, chỉ là cái cớ để anh ta hỏi dò về tâm ý của cô gái đối với tấm chân tình của mình “Hay là em giữ làm tin trong nhà”, đây là một câu nghi vấn, chàng trai muốn ở cô gái một câu trả lời, một lời giải đáp cho tâm ý của anh ta. Và chỉ đến ngay câu thơ sau thôi, chàng trai đã bộc bạch hết tâm ý, cũng như tình cmar của mình đối với cô gái, nhưng cách nói rất ý nhị, kín đáo chứ không thẳng tuột, rõ ràng:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Tuy là lời tỏ tình nhưng vô cùng kín đáo, vẫn mượn chiếc áo, chàng trai nói những lời ý chỉ về tình cảm của mình và mong muốn có thể kết duyên cùng cô gái, chàng trai đã viện cớ rằng áo bị sứt chỉ, mẹ già chưa thể khâu mà anh ta cũng chưa có vợ nên chiếc áo đã bị rách trong tình trạng như vậy rất lâu rồi. “Sứt chỉ đường tà” ở đây có thể hiểu là chàng trai đã mến mộ, yêu thầm cô gái từ rất lâu, nhưng có lẽ đến bây giờ mới có đủ can đảm để tỏ tình, nhưng anh chàng vẫn còn rất bất an bởi không biết cô gái có đồng ý hay không. Vì vậy đây tiếp tục là một câu hỏi dò về tình cảm của cô gái dành cho mình. Và anh ta cũng đã mạnh dạn dãi bày “Khâu rồi anh sẽ trả công”, với cách nói hình ảnh này thì ta nên hiểu theo nghĩa bóng của nó hơn là nghãi bề mặt, rằng nếu cô gái đồng ý thì chàng trai sẽ hết lòng yêu thương, chung thuỷ với cô gái.
Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Và nếu cô gái chịu khâu áo giúp mình thì chàng trai sẽ dốc lòng báo báo công lao ấy, lúc cô gái lấy chồng anh ta sẽ giúp cho một thúng xôi vò, một con lợn béo, vò rượu tăm, chiếu để cho cô gái nằm. Ta có thể nhận thấy đây là những lễ vật rất có giá trị cho ngày cưới của cô gái. Ở đây ta có thể hiểu theo hai cách, cách thứu nhất đó là những vật này cũng là lễ vật mà chàng trai sẽ mang đến hỏi cưới cô gái, nếu như cô gái thuận lòng kết duyên cùng anh ta, hiểu theo cách khác lại thấy được tấm lòng của chàng trai đối với cô gái, thấy được sự chung thuỷ của chàng trai, dù cô gái không lấy mình thì cũng hết lòng chúc phúc “Giúp cho quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Tuy nhiên, hai câu thơ cuối cùng lại làm cho ta nghiêng về cách hiểu thứ nhất hơn, bởi nó chính xác là những lễ vật dùng cho đám hỏi.

Như vậy, ca dao thường dùng những hình ảnh, những sự việc ngỡ như rất vô tình và không hề liên quan ấy để nói lên cái hữu tình của nhân vật trữ tình. Khi xưa các chàng trai thường dùng những câu ca dao đầy ý nhị để ướm hỏi, thử lòng các cô gái mà mình yêu. Vì vậy mà ca dao được xem như một viên ngọc sáng, đầy tự nhiên, chân thành yêu thì nói, thích thì sẽ tỏ tình, đúng với sự trong sáng của tình yêu.

tửu tận tình do tại
204.25
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng bài ca dao “Tát nước đầu đình”

Trong nền văn học Việt Nam khó có thể không nhắc đến bộ phận văn học dân gian với những câu ca dao ngọt ngào như lòng mẹ. trở về với ca dao ta như vượt xuyên thời gian trở về với những gì tinh khôi hoang sơ của thuở ban đầu. Đâu đó chúng ta thấy được hình ảnh cung như tình cảm rất đỗi mến thương của ông cha ta từ thuở ấy. Không chỉ vậy mỗi chúng ta những con người Việt Nam, ngay từ nhỏ ai mà chẳng được nghe những câu ca dao qua lời ru ngọt ngào của mẹ. và bào ca dao tát nước đầu đình là một trong những bài ca dao thể hiện rõ những tình cảm mộc mạc mà thiêng liêng của ông cha ta.

Bài ca dao bắt đầu bàng những câu thơ giản dị mà hay ho, đó là hoàn cảnh hay cũng chính là cái cớ để cho chàng trai bày tỏ tình cảm của mình đối với cô gái. Tình cảm lứa đôi chốn thôn quê hiện lên thật giản dị mộc mạc với những hình ảnh đơn sơ nhưng cũng không kém phần thi vị:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Có được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ con chưa có, mẹ già chưa khâu,
Áo anh sứt chỉ đã lâu.
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Hình ảnh giếng nước mái đình đã quá quen thuộc với chúng ta nó mang hơi thở củ thời ban đầu khi con người xuất hiện. đó là một nét đẹp truyền thống và một lần nữa nét đẹp ấy lại được xuất hiện trong bài ca dao này. Hình ảnh ấy chính là cái làm nền cho tình yêu đôi lứa của chàng trai cô gái thôn quê kia. Chàng trai lấy cớ tát nước đầu đình bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, rằng cô gái kia nếu nhặt được thì cho anh xin lại. Chiếc áo lại là một vật để cô gái kia làm tin, nó cũng xuất hiện trong ca dao như câu “Yêu nhau cởi áo cho nhau, Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”. Có thể nói trong cuộc sống nghèo khổ tình yêu của đôi lứa cũng hiện lên thật đơn giản mà đằm thắm với kỉ vật thật bình thường đó là chiếc áo mặc giở cũ rách sờn vai. Tình cảm ấy không thể lấy vàng bạc chau báu giàu có hay nghèo hèn để đo được. tình yêu của họ lan ra cả không gian mái đình, đẹp nhẹ nhàng và không nhuốm màu danh lợi như bông hoa sen kia vậy, thật sự thuần khiết và chân thật. Nếu như hiện đại để làm tin thì phải có nhẫn bạc nhẫn vàng, hay một số đồ có giá trị thì ngày xưa chỉ cần một chiếc áo nâu bạc của người nông dân đã sờn vai để làm tin hay chính là kỉ vật. Bằng hoàn cảnh ấy, chàng trai bắt đầu bày tỏ tình cảm của mình một cách hóm hỉnh mà không để làm mất lòng cô gái cũng như việc biến nó thành một trò đùa. Mượn hình ảnh áo sứt chỉ đường tà để nói về hoàn cảnh của mình. Rằng là anh chưa có vợ, mẹ thì đã già và chưa có ai khâu áo cho, anh như đang muốn ngỏ lời để có người nâng khăn sửa túi cho mình.

Như vậy có thể thấy tình yêu nam nữ ngày xưa thật sự rất đẹp, nó đẹp theo đúng cách của người làng quê. Tình yêu ấy xuất hiện với không gian mái đình giếng nước như vẽ lên trước mắt chúng ta một bức tranh cổ tích chuyện ngày xưa. Kỉ vật làm tin của họ cũng thật sự đơn giản đó không phải vòng vàng xuyến ngọc, đó không phải một chiếc nhẫn kim cương hay vàng bạc châu báu mà đó chỉ là một chiếc áo đi thường ngày anh chàng đã mặc và còn bị sờn vai. Chẳng biết rằng cô gái thế nào nhưng những câu thơ này giống như lời một lời tán tỉnh của chàng trai đối với cô gái.

Trước những lí do hoàn cảnh ấy chàng trai tiếp tục ngỏ ý với cô gái bằng những lời gạ gẫm tán tỉnh nhưng là tình cảm thật sự chứ không phải trêu đùa:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho,
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo,
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau…
Từ những câu tán tỉnh ấy anh chàng mở ra trước mắt những hưa hẹn về một đám cưới thôn quê đầy đủ theo truyền thống, một cuộc sống không mấy giàu sang nhưng cũng không nghèo khó đến mức không có cơm ăn áo mặc. có thể nói cách tán tỉnh bày tỏ tình cảm của chàng trai vô cùng lạ, anh không lãng mạn nói anh yêu em hay ngỏ lời cầu hôn trong một không gian lung linh với những ngọn nến và chiếc nhẫn trên tay mà chỉ là những lời nói viện cớ qua cái áo bỏ quên và hứa hẹn một đám cưới quê tuyệt vời. Ngày xưa ông cha ta yêu đương không bao giờ có thể nói ba từ anh yêu em một cách dễ dàng, họ ngại ngùng và bẽn lẽn, đó là một nét đẹp của những chàng trai cô gái thôn quê, rõ là thích người ta nhưng lại không thể nói nên lời, một tình yêu ấp ủ. Chàng trai ấy tỏ tình một cách tế nhị mà rất hóm hỉnh. Mượn hình ảnh chiếc áo sờn vai để ngỏ ý mượn cô gái khâu cho rồi anh sẽ trả công bằng một đám cưới. Anh giúp cho cô một đám cưới với một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm rồi đến cả đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, dôi chằm em đeo… tục lệ của ông cha ta được hiện ra ngay trong những dòng tâm sự tán tỉnh của chàng trai với cô gái. Những hình ảnh vô cùng mộc mạc chân quê nó thể hiện cái hồn làng Việt trong đó. Không chỉ là ngày vui của đôi trai gái mà đó còn ngày vui của cả một làng.

Như vậy có thể thấy rằng bài ca dao thể hiện rõ tình yêu của chàng trai với cô gái. Đồng thời qua đó ta thấy được những nét đẹp trong tình cảm và đám cưới của ông cha ta ngày xưa. Nét đẹp ấy vượt qua mọi khó khăn về vật chất,phù hợp những gì vốn có của làng Việt. kỉ vật đơn sơ là chiếc áo sờn đã giúp cho họ đến với nhau một cách khá tình cờ bất ngờ nhưng cũng không kém phần lãng mạn và thi vị. Tình yêu được diễn ta và bắt đầu trên chính cái của mái đình và gắn với công việc lao động hằng ngày.


(Ngọ Thị Quỳnh - Trường THPT Tuyên Quang)
tửu tận tình do tại
45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài ca dao “Tát nước đầu đình”

Nghệ thuật tỏ tình, thổ lộ của người nông dân biểu hiện trong ca dao, dân ca là sự tinh tế, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương. Đó là một cung bậc độc đáo khởi xướng, mở ra cả một thế giới tâm hồn người dân Việt Nam tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Hoà lòng ta vào thế giới đó, hãy chọn bài ca dao Tát nước đầu đình. Có thể nói đó là một cung đàn riêng chứng minh được tất cả sắc màu của nghệ thuật tỏ tình dân gian, vừa mộc mạc chân chất, vừa dí dỏm thông minh nhưng không kém phần đắm say, lãng mạn; cái đắm say, lãng mạn của kẻ đang yêu, muốn trao gởi lòng mình.

Hôm qua tát nước đầu đình… mở ra một không gian, một thời gian, một sinh hoạt gần gũi mà nhẹ nhàng. Trên cái nền thân thuộc ấy của hoàn cảnh, xuất hiện một hành động thật đáng suy nghĩ của chủ thể trữ tình:

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Đáng suy nghĩ lắm chứ. Vật bỏ quên là chiếc áo mặc trong người. Đối với suy nghĩ chung, chiếc áo thật có nhiều ý nghĩa. Ca dao từng nói:
Người về bỏ áo lại đây
Đêm khuya em đắp (kẻo ngọn) gió tây lạnh lùng
Lại nói:
Yêu nhau cởi áo cho nhau.
Thế mà ở đây, người con trai lại bỏ quên. Bỏ quên ở đâu? ở trên cành hoa sen. Bỏ quên mà nhớ cả chỗ bỏ quên. Nhớ thật chính xác, cụ thể. Chỗ bỏ quên chiếc áo cũng thật thơ mộng, trữ tình: cành hoa sen.

Đến câu thứ ba thì một phần thắc mắc của ta được giải đáp.
Em được thì cho anh xin.
Chưa biết chắc ai nhặt được chiếc áo bỏ quên kia những cứ tin chắc: Em được. Em được thì cho anh xin. Hoá ra, chuyện quên áo chỉ là cái cớ. Một cái cớ rất trữ tình, rất thông minh, nhằm tạo tình huống gặp gỡ và thổ lộ tâm tình.

Nghệ thuật tỏ tình, thổ lộ của người nông dân biểu hiện trong ca dao, dân ca là sự tinh tế, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương

Như vậy, chúng ta không còn ngạc nhiên nữa. Những câu vừa phân tích chẳng qua chỉ là một nguyên cớ, còn mục đích chính là:
Áo anh sứt chị đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Chàng trai đã bộc lộ gia cảnh thật tế nhị và chính đáng. Cái chính là vợ anh chưa có và mẹ đã già. Thật táo bạo, người vờ quên chiếc áo nói rõ ý đồ:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Nói bài ca dao là cả một nghệ thuật tỏ tình đầy màu sắc của người bình dân chính là nói chỗ này. Nghệ thuật đó khi bóng gió, xa xôi, khi táo bạo, mãnh liệt, thiết tha.

Khi thì:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi…
Lúc thì:
Người về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ.
Đọc câu tiếp của bài ca dao, ý tình càng tỏ tường:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò.
Toàn bộ đoạn sau của bài là những vật phẩm cưới hỏi, lễ lạt. Lúc này, nhân vật trữ tình nói hẳn lòng dạ, ý muốn của mình một cách sâu sắc, gián tiếp. Nếu cô nàng ưng thuận cho anh một nghĩa cử thật nhỏ: khâu giúp chiếc áo sứt chỉ đường tà thì công của cô sẽ là: một thúng xôi vò, quan năm tiền cưới, buồng cau, đôi chiếu em nằm…

Một người vô tư nhất cũng nghỉ rằng, nghĩa cử thật nhỏ ấy quả là không nhỏ. Bởi đó là một lời chấp nhận, một trao đáp của tình yêu. Cũng không ai còn nghĩ rằng, vật phẩm trên dùng để trả công như cách nghĩ bình thường. Đó là những hứa hẹn, ước mơ về một cuộc hộ nhân sẽ có, sẽ xảy ra, nếu lời tỏ tình kia được chấp thuận.

Rõ ràng thoạt nhìn, mạch văn và ý tưởng của bài ca dao như mâu thuẫn. Thế nhưng khi ta hiểu được dụng ý của nhân vật trữ tình thì những lời đối thoại trong bài ca dao chính là sự tinh tế, lớp lang trình tự để đạt đến mục đích cuối cùng. Không có lời đối thoại của khách thể là cô gái, thế những ta tin chắc rằng, trước một tấm lòng như thế, một ngôn ngữ thông minh giàu biểu cảm như thế, cô gái sẽ không thể không chấp thuận.

Ngoài cái công lao sẽ được đền bù, đã ẩn hiện một mối tình say đắm yêu thương không kém phần lãng mạn. Nói bài ca dao quen thân và chứa chan sắc thái trữ tình, chính là việc phát hiện ra cái nghệ thuật tỏ tình vừa dí dỏm vừa thông minh kia trong bài ca dao, từ lâu đã trở nên một món ăn tinh thần không thể thiếu của người bình dân Việt Nam.


(Lê Thị Thanh Xuân - Trường Chuyên Quốc học, Huế)
tửu tận tình do tại
64.33
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Tìm hiểu bài ca dao “Tát nước đầu đình”

Tình yêu lứa đôi là một đề tài muôn thuở trong thi ca và kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc. Thông qua vần điệu nhịp nhàng, thân thuộc của những bài ca dao, người nghe như cảm nhận được những tình cảm tha thiết, mặn nồng nhưng rất trong sáng mà những chàng trai, cô gái muốn dành cho nhau. Bài ca dao “Tát nước đầu đình” đã thể hiện hết được những xúc cảm đó.

Người xưa thường nói “vạn sự khởi đẩu nan”, tức là mọi việc khó nhất là ở khâu mở đầu. Mở đầu cho một câu chuyện tỏ tình vốn là câu chuyện hết sức tế nhị, kín đáo thì lại càng khó khăn gấp bội. (Có lẽ, vì thế nên từ xa xưa, ông bà ta thường phải nhờ cậy vào người làm mối để tạo cầu nối giữa đôi trai gái, để giúp họ (nhất là bên người con trai) vượt qua được bước đầu khó khăn này). Tuy vậy, tình yêu vốn huyền diệu, nên ở mỗi thời, ở mỗi hoàn cảnh, người con trai thường có cách thức riêng để đạt mục đích ấy, đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét “Khi trong lòng đã có chút tình ý, người ta bỗng nhiên có những sáng kiến, những ve vãn, những thông minh, những hát ca…” Để làm quen, để bắt chuyện với cô gái mà mình đã thầm yêu vụng nhớ, có người ngỏ lời xin gáo nước:

Hỡi cô gánh nước quang mây
Cho anh gáo nước tưới cây ngô đồng.
Người thì lại tình nguyện xin được cùng cắt cỏ:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Còn chàng trai – nhân vật trữ tình trong bài ca dao này đã khéo léo tìm được cái cớ là xin cái áo bỏ quên. Anh ta mở đầu:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Như vậy, việc bỏ quên cái áo được giới thiệu thật cụ thể: có thời gian (hôm qua), có không gian (đầu đình) và gắn với một công việc lao động quen thuộc của người nông dân là “tát nước”. Vị trí cái áo bỏ quên cũng được xác định cụ thể “trên cành hoa sen”. Câu chuyện tưởng như có lí, thậm chí được trình bày khá chính xác, nhưng kì thực lại rất vô lí, khiến người đọc bài ca phải băn khoăn: Sen làm gì có cành? Có ai dại dột để áo lên hoa sen yếu ớt? Thì ra, đây chi cái cớ được chàng trai sáng tạo, để có cơ hội giãi bày lời tỏ tình mà mình đã ấp ủ từ lâu. Và điều quan trọng là những câu mở đầu này gợi ra được cả một khung cảnh quen thuộc, có những hình ảnh dường như đã trở thành ước lệ khi nói về nông thôn Việt Nam. Đình làng vốn là nơi thờ cúng, song đồng thòi nó cũng là nơi diễn ra những hội hè đám, là nơi gặp gỡ hẹn hò của bao thế hệ trai gái quê ta. Chả thế, từ xa xưa đâ có câu hát xao xuyến lòng người:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Bên cạnh hình ảnh “đầu đình” còn có hình ảnh của “hoa sen” bình dị “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Những hình ảnh nói trên ít nhiều đã tạo nên ở cô gái và người đọc một trường lý tưởng thẩm mĩ và chứng tỏ nhân vật chàng trai đây là một nông dân vừa gắn bó với nghề nông vừa không kém phần tinh tế trong việc tạo nên cái cớ để tiếp cận cô gái. Hơn nữa, nếu đặt hai câu mở đầu trong hoàn cảnh diễn xướng, ngoài ngôn ngữ của bài ca, còn có “ngôn ngữ” cùa đôi mắt tình tứ, của nụ cười đằm thắm…, thì không ai nghĩ ràng, cô gái sẽ chỉ ra cái vô lí của chàng trai, trái lại chắc rằng cô sẽ tiếp nhận câu chuyện một cách tự nhiên, hồn nhiên và xem đấy như là cách nói hoa mĩ làm đẹp lòng người nghe của một chàng trai tinh tế, có văn hoá giao tiếp. Vả lại cô gái có lạ gì cách nói hoa mĩ ấy. Nó vẫn thường thấy trong ca dao, giúp trai gái bộc bạch những tình cảm của mình một cách kín đáo đáng yêu:
Bây giờ mận mới hỏi đào:
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.
Như thế cũng có nghĩa là lời mở đầu đã được chấp nhận, bởi sự khéo léo, tinh tế của chàng trai. Tiếp theo, anh ta đưa ra lời ướm thử:
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Câu đầu buông ra tự nhiên. Người để quên hỏi vu vơ, may ra nhận được vật cũ cũng là lẽ thường tình. Nhưng đến câu thứ hai rõ ràng có sự chuyển biến đột ngột, bất ngờ, tạo nên một sự ràng buộc thật khó chối từ. Và nghiễm nhiên, cô gái bỗng trở thành đương sự, được đưa vào trong cuộc một cách tự nhiên, ở cái tuổi trăng tròn, khoé mắt và nụ cười đều biết nói, cô hiểu được mục đích cuộc trò chuyện này, và biết rằng mình đang đối diện với một chàng trai thông minh, tế nhị nhưng cũng đầy chất nam tính vừa hào hoa vừa chân thật, vừa láu lỉnh vừa rất đỗi táo bạo và tự tin…

Có lẽ cô gái khó tránh khỏi sự lúng túng trước sự dắt dẫn câu chuyện qua đột ngột của chàng trai chăng. Dường như đoán được tâm trạng ấy, chàng trai liên kể tiếp câu chuyện với những lời thật chân thành và ngọt ngào:
Áo anh sứt chỉ đường tà…
Áo anh sứt chỉ đã lâu.
Như trên đã nối chiếc áo bỏ quên chỉ là cái cớ để chàng trai giãi bày lời tỏ tình. Đến đây, hình ảnh chiếc áo lại được nhấc đến một lần nữa. Có phải từ xa xưa, tấm áo, chiếc khăn là những vật dụng hàm chứa nhiều khả năng làm cho con tim người thiếu nữ dễ dàng rung động? Bởi có lẽ chúng đánh thức thiên chức vá may của họ trong cuộc sống gia đỉnh. Trong ca dao không hiếm những câu, người phụ nữ nói về tấm áo thật cảm động, như:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
hay:
Áo xông hương của chồng vắt mắc
Đêm em nằm, em dấp lấy hơi.
Do đó, có thể nói, chàng trai hoàn toàn có dụng ý khi nhắc đến chiếc áo. Và điều đáng lưu ý nữa là sự nhắc lại này được diễn ra hết sức tự nhiên. Vì bất cứ ai muốn nhận lại của đã mất thì việc đầu tiên là phải mô tả lại vật đó. Đặc điểm lớn nhất của tấm áo mà anh con trai nói đến là “sứt chỉ” ở “đường tà” anh không nói màu gì, dài rộng ra sao; áo anh chỉ “sứt chỉ” và “sứt chỉ đã lâu”, chứ không bị rách. Như vậy, anh chỉ thiếu người khâu vá, mong có người khâu vá “từ lâu” chứ không phải là kẻ túng bấn. Anh gợi tình yêu chứ chẳng cẩn lòng thương hại. Bởi lẽ từ thương hại đến coi thường chỉ là gang tấc, mà bị coi thường thì làm sao có tình yêu. Đến đây, một lần nữa, cô gái và người đọc không thể không cảm nhận được tình cảm thiết tha và tư thế đàng hoàng của nhân vật trữ tình trong khi bày tỏ tình yêu.

Nhưng, tất cả những chi tiết nêu trên chẳng qua chủ yếu cũng chỉ là phần “dẫn dắt” để chàng trai đưa ra được thật đúng lúc thông tin quan trọng nhất sau đây:
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.
Nhờ chiếc áo sứt chỉ anh giới thiệu được trọn vẹn nét chính yếu trong bản “Sơ yếu lý lịch” của mình, giải đáp được nỗi băn khoăn thường thấy của những cô gái trước khi nhận lời đính hôn. Điều quan trọng hàng đầu là anh chưa có vợ, anh vẫn hoàn toàn đơn chiếc và có mẹ già, tức là có một chỗ nương tựa tuyệt vời: “Mẹ già bằng ba lần cửa”. Gia đình anh ổn định; quá khứ và hiện tại của anh không có điểu gì bất bình thường khiến cồ gái phải đắn đo, trái lại nó có thể hứa hẹn một cuộc sống êm ấm hạnh phúc.

Đến đây, trái tim cô gái chắc đã cố ít nhiều rung động, song cũng khó tránh khỏi sự e thẹn. Chàng trai liền chuyển cách xưng hô cụ thể, xác định “anh” – “em”, bằng cách sử dụng đại từ ngôi thứ ba “cô ấy”, như một đại từ phiếm chỉ, nhưng vẫn khá xác định trong văn cảnh cũng như trong mạch trữ tình của bài ca:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Mặc dù “cô ấy” có thể hiểu là cô Hồng, cồ Huệ nào đó, nhưng đây không thể có cồ nào khác ngoài người đang nói chuyện với anh.

Như thế, chính từ “cô ấy” làm cho câu chuyện về việc trăm năm thành kín đáo, tế nhị, “giữ” người con gái, cho dù là người cả thẹn, vẫn có thể nán lại nghe anh nói tiếp! Ở thời điểm này chi cẩn thô vụng một chút, suồng sã một chút, cô gái cũng có thể bỏ đi (vì e thẹn hoặc vì tự ái) và việc tỏ tình sẽ thất bại. Ở đây, chàng trai đã “giữ” được cô gái lại không những bằng sự chân thành thiết tha mà còn bằng sự khôn khéo trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp. Vào những trường hợp như thế, lối nói vòng vo, lấp lửng nhiều khi lại tỏ ra rất hiệu quả.

Đến đây, có thể hiểu chàng trai không những mang ơn cô gái (vì đã trả lại áo) mà anh còn phải trả công (theo lẽ thường tình) vì cô đã khâu hộ áo. Chàng trai đã trả công cô thật chu đáo, thật hào phóng:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Bằng biện pháp điệp từ, điệp ngữ và điệp cấu trúc câu, đoạn ca này đột ngột chuyển sang một “gam” khác. Nhạc điệu dường như mạnh và nhanh hơn, thể hiện một niềm hào hứng, hân hoan. Tất cả đổ sính lễ trình ra không thiếu thứ gì, số lượng dồi dào, chất lượng tuyệt diệu. Chắc chắn cô gái cũng như mọi người không ai ngây thơ đến nỗi tưởng lễ cưới này cố thật, tưởng chàng trai kia là giàu có. Nhưng cô gái vẫn có quyền hãnh diện vì qua lời hứa hẹn chứng tỏ chàng kia trân trọng và yêu cô đến chừng nào. Như vậy, ngôn ngữ giàu màu sác khoa trương chắc hẳn được cô gái hiểu ý và lĩnh hội một cách trọn vẹn; và một lần nữa chàng trai lại thành công – thành công bằng sự khôn khéo, chân thành với mong ước tình yêu sẽ được kết thúc bằng hôn nhân, với khát vọng và niềm tin được sống trong phong lưu, sung túc.

Với một tình huống hết sức độc đáo: bỏ quên chiếc áo, chàng trai đã khéo léo dựa vào đó để thổ lộ tấm lòng mình một cách tinh tế với cô gái. Tình cảm tha thiết, chứa chan trong từng vần thơ cho ta cảm nhận được một khát khao về hạnh phúc, về cuộc sống lứa đôi của người dân lao động cần lao.

tửu tận tình do tại
103.80
Chia sẻ trên FacebookTrả lời