304.40
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
367 bài thơ
2 bình luận
41 người thích
Tạo ngày 15/06/2005 21:03 bởi Vanachi, đã sửa 4 lần, lần cuối ngày 17/09/2009 01:38 bởi karizebato
Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 1-1-1940 xuất thân trong một gia đình đông y. Quê cha: xã Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Quê mẹ: xã Trung Mẫu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh quán: Lạc Viên, Hải Phòng. Trú quán: Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương (1943-1951), Sài Gòn - Tp.Hồ Chí Minh (1954 đến nay).

Từ 1964-1973: Tu sĩ Phật giáo, làm thơ. Năm 1973, đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh. Năm 1973-2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn Dưỡng sinh Điển công Phathata (viết tắt chữ Pháp-Thân-Tâm).

Tác phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (thi hoá Kinh Kim Cương); Động Hoa Vàng (thơ, 1971); Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh (1972); Kinh Thơ

 

Hội hoa đàm (1971)

  1. Kệ khai kinh
    1
  2. Cơ duyên
    1
  3. Hội Phật dưới hoa
  4. Giữa đài mây toả
  5. Ngàn ngọn hương dâng
  6. Trăm con hạc trắng
  7. Hoa đơm hố lửa
  8. Huỷ thân cầu đạo
  9. Chim tiên cầu đạo
  10. Rũ áo hồng trần
  11. Giếng mắt rồng
  12. Trồng đào cúng Phật
  13. Lão đánh cá và thần biển
  14. Tìm duyên giải thoát
  15. Người con hiếu hạnh
  16. Thay đổi dung hoa
  17. Ngọc nở thành sen
  18. Bắc cầu dâng Phật
  19. Luyện kiếm độ đời
  20. Hạnh nhẫn nhục
  21. Chính đạo
  22. Phép mầu khai ngộ - phần 1
  23. Phép mầu khai ngộ - phần 2
  24. Phép mầu khai ngộ - phần 3
  25. Phép mầu khai ngộ - phần 4
  26. Phép mầu khai ngộ - phần 5
  27. Hạnh nguyện
  28. Đức vua và con voi
  29. Phép giới trai
  30. Nàng Vân Anh
  31. Tiền thân của vị vua trời
  32. Chàng Kim Thiên
  33. Dứt luỵ trần
  34. Chú Tâm Mai
  35. Sạch, nhơ cũng một lòng này
  36. Triệu Cát Tường
  37. Năm trăm người nghèo
  38. Bố thí đầu
  39. Bố thí mắt
  40. Năm trăm người mù
  41. Phụng Đô - phần 1
  42. Phụng Đô - phần 2
  43. Áo rách lòng vàng
  44. Đại Kiếp Tân Ninh
  45. Vi Diệu Tỳ-khiêu-ni - phần 1
  46. Vi Diệu Tỳ-khiêu-ni - phần 2
  47. Người mẹ từ hoà
  48. Hoá thân cứu đời
  49. Vẽ tranh hoá đạo
  50. Con rắn cúng ngọc
  51. Thắng lòng tham dục
  52. Nước vua Phạm Thiên
  53. Xuống biến tìm Kinh - phần 1
  54. Xuống biến tìm Kinh - phần 2
  55. Xuống biến tìm Kinh - phần 3
  56. Bà buôn tơ trợ đạo
  57. Con chim soi nước
  58. Nhân quả chẳng dời
  59. Một lòng trợ đạo - phần 1
  60. Một lòng trợ đạo - phần 2
  61. Một lòng trợ đạo - phần 3
  62. Một lòng trợ đạo - phần 4
  63. Vì đức quên thân
  64. Cá ba đầu
  65. Chúa tiên cúng Phật
  66. Thiên tán ca - phần 1
  67. Thiên tán ca - phần 2

Đạo ca (1972)

Đoạn trường vô thanh (1972)

Suối nguồn vi diệu - Kinh thơ (1973)

Ngày xưa người tình (1974)

Trại hoa đỉnh đồi (1975)

Những lời thược dược (2007)

Hát ru Việt sử thi (2009)

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Cõi thơ Phạm Thiên Thư

Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long (1 tháng 1 năm 1940-) là một nhà thơ hiện đại Việt Nam. Ông sinh tại Lạc Viên, Hải Phòng, trong một gia đình đông y. Sống ở Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương(1943-1951), Sài Gòn – TP.HCM (1954 đến nay). Từ 1964-1973: Tu sĩ Phật giáo, làm thơ. Năm 1973, đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu truyện Kiều - Đoạn trường Vô Thanh. Năm 1973 -2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (viết tắt chữ Pháp -Thân – Tâm)

Tác phẩm đã in:

Thơ Phạm Thiên Thư (1968), Kinh Ngọc (Thi hoá Kinh Kim Cương), Động Hoa Vàng (Thơ, 1971), Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh (1972), Kinh thơ (Thi hoá Kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ), Kinh Hiếu (Thi hoá), Kinh Hiền (Thi hoá Kinh Hiền Ngu, gồm 12.000 câu lục bát), Ngày xưa người tình (thơ), Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ) 1975, Thơ Phạm Thiên Thư (NXB Đồng Nai tái bản), Tự điển cười (24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp. Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ), Vua núi vua nước (Tức Sơn Tinh Thuỷ tinh, NXB Văn hoá Thông tin, 2003)...

Các nhạc bản phổ từ thơ Phạm Thiên Thư: Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá hoa sầu, Em lễ chùa này, Huyền thoại trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ (Nhạc Phạm Duy), Như cánh chim nay (Nhạc Cung Tiến), Guốc tía, Đôi mắt thuyền độc mộc (Nhạc Võ Tá Hân); Độc Huyền (Nhạc Nguyễn Tuấn), Động Hoa vàng (Nhạc Trần Quang Long)...

Nói về cõi thơ Phạm Thiên Thư, Hà Thi trong “Phạm Thiên Thư, người thi hoá kinh Phật” đã viết: “Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn (1968), nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ đạo!”

Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (miền Nam VN) vào năm 1973 (tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh). Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: “Em lễ chùa này”, “Ngày Xưa Hoàng Thị”, “Động Hoa Vàng”, “Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu”...

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...
Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo như thế, thật là khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ... Quả là cõi thơ Phạm Thiên Thư đã giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên...

Hoàng Nguyên Vũ trong bài “Cõi lạ Phạm Thiên Thư”, còn cho biết thêm: “Nhà thơ Phạm Thiên Thư sinh trong một gia đình bố mẹ làm nghề bốc thuốc nhưng thích thơ văn. Tuổi thơ của ông khá êm đềm. Những điều đó chỉ cho ông được những tiền đề thuận lợi, nhưng để một tài thơ bật hẳn lên thì phải là từ năm 1958, sau một biến động của cuộc đời...”

Chuyện là ông có nhóm bạn “thơ hoạ Hồ Quý Ly”, tụ tập đàn đúm thơ phú đêm ngày. Thấy đám văn nghệ sĩ này cứ “ương ương dở dở”, cảnh sát chế độ Sài Gòn cũ đã vây bắt. Ông phải ẩn tu vào một ngôi chùa. Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng...

Ông viết Động hoa vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động hoa vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư, nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo:
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi...
Nhiều người đã hiểu sai, cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”.

Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hoá kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam.

Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Thiên Thư, người đi tìm “bụi đỏ”

Cũng như nhiều người, tôi mê tình khúc Ngày xưa Hoàng thị do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ của Phạm Thiên Thư từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường trung học ở miền Nam trước 1975. Và cùng với những bản tình ca Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu, Em lễ chùa này, Ngày xưa Hoàng thị... thơ Phạm Thiên Thư, do Phạm Duy phổ nhạc đã trở thành một sự cộng hưởng nghệ thuật lạ lùng ở miền Nam trong thập niên bảy mươi. Sự cộng hưởng nhiệm mầu ấy không chỉ là sự hoà hợp diệu kỳ của cuộc hôn phối giữa thi ca và âm nhạc mà còn ở sự chiếm lĩnh thế giới tâm linh của bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Lời thơ ấy, âm nhạc ấy đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi với biết bao người trong cuộc đời mà nhiều khi chỉ một dấu chân bé nhỏ của ai đó thuở nào cũng hằn sâu trong tâm thức để rồi suốt đời tìm kiếm mỗi khi nhớ về những buổi “tan trường”

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng...
(Ngày xưa Hoàng thị)
Thật vậy, tình yêu bao giờ cũng chứa trong nó sự huyền diệu của khát vọng kiếm tìm. Cái đẹp của tình yêu vì thế cũng là cái đẹp của sự đam mê khám phá và tìm kiếm. Phạm Thiên Thư cũng thế!? Ông cũng đã yêu, đã sống, đã hạnh phúc và khổ đau giữa cõi đời và cõi yêu. Vì thế tình yêu trong thơ ông bao giờ cũng gắn với những hoài niệm nhiều khi rất cụ thể. Đó là một chùm hoa “ép từ hạ cũ”, là một “đường mưa nho nhỏ” ngày em tan trường, là “Chúng mình ngày nọ / ngó mây lang thang”, là “con đường sầu đông / em đi guốc tía”, là “em nhớ gì không / cái chiều hạ nọ”... Chính những kỷ niệm tưởng như bình thường mà rất thiêng liêng này là nguyên nhân tạo nên nỗi khát vọng kiếm tìm trong tâm hồn thi sĩ.

Tình yêu bao giờ cũng dệt bằng kỷ niệm. Kỷ niệm là phép màu tạo nên sự bất tử của tình yêu. Thế nên, khi yêu nhau người ta yêu bằng kỷ niệm và lúc xa nhau người ta cũng nhớ nhau qua kỷ niệm. Vì vậy, sự tìm kiếm trong tình yêu cũng là sự kiếm tìm thế giới của kỷ niệm, của nhớ mong. Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là tình yêu của sự kiếm tìm kỷ niệm với những nỗi nhớ mong nhiều khi đến nao lòng
Rồi em về đâu
Nhớ chi con cầu
Riêng ta ngồi mãi
Dưới tàng hoa ngâu
(Qua cầu)
“Rồi em về đâu”, một câu hỏi như một lời tự vấn. Đó cũng là nỗi xót xa khi nhận ra sự hiện hữu của tình yêu ngày nào chỉ còn là những giấc mơ trong hoài niệm của bến bờ hư tưởng
Bây giờ hoa cũ
Rụng hoài trong mơ
(Giàn mơ)
Tình yêu luôn đồng hành với nỗi nhớ. Và nỗi nhớ bao giờ cũng chứa trong đó những chiêm bao nên sự kiếm tìm trong tình yêu cũng chính là sự kiếm tìm những giấc chiêm bao diệu kỳ mà Tế Hanh có lần đã thảng thốt, bàng hoàng:
Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên tường một tia nắng
Biết là đêm đã qua
(Chiêm bao - Tế Hanh)
Phải chăng khi sự hiện hữu của tình yêu chỉ còn là những hoài niệm thì con người cũng chỉ biết tìm tình yêu trong mộng mị vô thường. Cứ thế, thực và mộng, nhớ và quên, hạnh phúc và khổ đau, mãi vận chuyển như kiếp luân hồi.
Đợi em dài một luân hồi
Thêm vài giờ nữa mình ngồi có sao
Đợi em như đợi chiêm bao
Biết đâu chiêm mộng có vào đêm nay
(Đợi chờ)
Chính vì vậy, bước vào cõi yêu trong thơ Phạm Thiên Thư, ta luôn bắt gặp nỗi ám ảnh của một con người đi tìm “bụi đỏ” mà ai đó đã vô tình mang đi. “Bụi đỏ” chính là dấu tích của tình yêu đã xa mờ trong quá vãng. Nhưng cũng là hạt bụi của phận người trong cõi phù sinh mà một thi sĩ đồng thời là một tu sĩ Phật giáo như Phạm Thiên Thư đã cảm nhận từ trong vô thức của mình.
Mốt mai em nhớ bao giờ
Bãi dâu vẫn mộ cho dù sắc không
(Động hoa vàng)
Vì Vậy, nỗi ám ảnh “bụi đỏ” đó không chỉ hiện hữu ở bài thơ Ngày xưa Hoàng thị mà còn bàng bạc trong nhiều bài thơ khác của Phạm Thiên Thư như một vết hằn trong tâm thức. Để rồi vết hằn ấy trở thành nỗi đau trong tâm cảm thi nhân.

Vì:
Thôi còn gì đâu
dặm trường bụi đỏ
(Tái ngộ)
Mặc dù vậy thi nhân vẫn yêu đến vô cùng hạt bụi ngày ấy, tuy giờ đã quá xa xăm với một tình yêu miên viễn, một tình yêu lặng lẽ, vô ưu và độ lượng. Một tình yêu mà ở đó không có những vụ lợi tầm thường, chỉ có tiếng gọi thổn thức từ trái tim lặng lẽ
Anh lặng nghe bằng tim
Thấm từ lời mật đó
Anh thành con còng nhỏ
yêu hạt bụi vô cùng
(Giọt mật)
Thơ tình của Phạm Thiên Thư là thơ được dệt thành từ những mộng mị vô thường. Nói như Joseph Huỳnh Văn: “Có phải những ngày sầu đưa, những sắc vàng nhạt, những động hoa vàng là cõi thơ của Phạm Thiên Thư? Xa thì từ muôn thuở, muôn nơi, mà gần thì ở chính ngay lòng thi sĩ; cho nên tuy thân thiết, lời thơ vẫn mang cái vẻ ngậm ngùi xa vắng’’. Bởi, cái khát vọng trong tình yêu của thi nhân thật giản dị, chân thành và trong sáng đến hồn nhiên như một giấc mơ.
Bây giờ ta đã gặp nhau
Thì xin đừng để nghìn sau ngậm ngùi
(Chiêm bao)
Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã để cho Kim - Kiều thốt lên một điều dự cảm mà mỗi khi đọc lên ta luôn thấy se lòng:
Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Có lẽ, chính vì sự dự cảm duyên phận bẽ bàng ấy mà dẫu trải qua mười lăm năm lưu lạc truân chuyên, Kiều vẫn không quên Kim Trọng. Và chàng Kim dù sống an phận với Thuý Vân vẫn không nguôi thương nhớ Kiều, vẫn mãi đi tìm cho được người tình ngày ấy của mình.

Phải chăng khát vọng kiếm tìm là một yếu tính của tình yêu. Và khi nào còn khát vọng tìm kiếm thì tình yêu vẫn còn nguyên giá trị; vẫn mãi mãi là một tiếng gọi thao thiết trong cõi tâm linh của mỗi con người. Đó cũng là điều ta bắt gặp trong thơ Phạm Thiên Thư, một con người suốt đời đi tìm “bụi đỏ” khiến chúng ta không khỏi thấy se lòng. Để rồi cũng như thi nhân ta cứ mãi:
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời.
Tình ơi!... Tình ơi!...
(Ngày xưa Hoàng thị)


Trần Hoài Anh
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook