113.18
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
241 bài thơ, 93 bài dịch
6 bình luận
5 người thích
Tạo ngày 30/10/2008 10:58 bởi Hoa Xuyên Tuyết, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 08/08/2009 09:13 bởi Hoa Xuyên Tuyết
Vũ Thị Minh Nguyệt sinh ngày 1-8-1963, nguyên quán tại Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Là cựu học sinh chuyên toán Thái Bình khoá học 1977-1980, tốt nghiệp trường Kinh tế Thương Nghiệp Lvov (Liên Xô cũ). Đã từng công tác tại Sony Việt Nam (1993-1995), Công ty thang máy OTIS (1995-1997), Shell Việt Nam (1997-2003). Hiện là giám đốc hành chính công ty BBRAUN Việt Nam.

Tác phẩm:
- Vũ điệu của trăng (NXB Hội Nhà văn, 2007)
- Dấu yêu ơi (NXB Văn học, 2008)
- Có thơ và bình thơ trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Hà Nội mới, Người Hà Nội, Người làm báo Vũng Tàu, Tạp chí Thị trường tiêu dùng Quốc tế

 

Vũ điệu của trăng (2007)

Dấu yêu ơi (2008)

Người tình trong mơ (2011)

Thơ chưa in

  1. Vũ điệu đêm
    1

Thơ 2005 trở về trước

Thơ 2006

Thơ 2007

Thơ 2008

Thơ 2009

Thơ 2010

Thơ 2011

Thơ 2012

Thơ 2013

Thơ 2016

Thơ dịch tác giả khác

Afanasy Fet (Nga)

Aleksandr Pushkin (Nga)

Aleksandr Tkachov (Nga)

Aleksey Tolstoy (Nga)

Boris Pasternak (Nga)

Eduard Asadov (Nga)

Fyodor Sologub (Nga)

Ivan Bunin (Nga)

Konstantin Balmont (Nga)

Konstantin Simonov (Nga)

Marina Svetaeva (Nga)

Mikhail Lermontov (Nga)

Nikolai Nekrasov (Nga)

Nikolai Rubtsov (Nga)

Olga Berggoltz (Nga)

Sergei Yesenin (Nga)

Vladimir Nabokov (Nga)

Yuliya Drunina (Nga)

 

 

Ảnh đại diện

Miên man năm tháng vô thường

Tác giả: Vũ Thị Minh Nguyệt


đọc Rồi một ngày - thơ Tuyết Nga - tập thơ Ảo giác ( NXB HNV 2002)

Rồi một ngày
như đá phong rêu
trơ trọi lối mòn
anh sẽ nhớ một trời thu cũ
em rụng về như lá trước anh


Tôi đọc bài thơ của Tuyết Nga trong một buổi chiều buồn và lặng người đi. Nhịp thơ chầm chậm rồi xoáy vào tim ta một nỗi buồn tan tác. Cuộc đời là vậy đến một ngày nào đó cát bụi lại trở về cát bụi và ta được mất những gì. Người ta sinh ra để gặp gỡ rồi chia ly, yêu thương rồi hờn giận. Đến một ngày nào đó khi anh nhớ về em thì thu đã về chiều. Hình ảnh “em rụng về như lá trước anh” cứ ám ảnh về dòng xoáy của thời gian không trở lại. Khi anh nhớ về em dù có nhiều như lá rụng mùa thu thì cũng đã đến lúc nó trở về với đất lành.
Rồi một ngày
như khói
rỗng không
buồn lả mái nhà
em sẽ khóc một ngày nắng hạ
anh đổ về như sóng quanh em


Trong hai khổ thơ đầu đối lập với hình ảnh “đá phong rêu trơ trọi lối mòn” hữu hình rắn chắc là hình ảnh “khói rỗng không,  buồn lả mái nhà” là vô hình, nhẹ bỗng, hư vô nhưng đều tả nỗi nhớ của hai người yêu nhau. Anh nhớ em “ em rụng về như lá trước anh”, em nhớ anh “ anh đổ về như sóng quanh em” thì họ đã gần nhau lắm đấy. Khoảng cách địa lý có thể là vạn dặm nhưng tâm hồn lúc nào cũng đau đáu bên nhau.
Đọc thơ tình của Tuyết Nga vậy mà tôi cứ mường tượng ra một mùa thu vàng lá úa, những tảng đá phong rêu, những con đường trơ trọi, đẹp mà buồn bã. Rồi đến hình ảnh khói rỗng không buồn lả mái nhà...chị giống như một hoạ sỹ vẽ tranh bằng thơ, vẽ nên nỗi buồn và sự cô đơn trong mỗi cuộc đời. Trong nỗi buồn ấy vẫn có sự rắn rỏi, cam chịu nhưng không hề bi luỵ, hình như đó là nỗi buồn đặc trưng trong thơ của chị

Ngàn nỗi âm thầm rơi trước heo may
ngàn mảnh vỡ giữa khung trời hụt hẫng
gầy trên tay và xanh xao trên đất
những mảnh vỡ rưng rưng ngàn nỗi mong chờ  

Quá khứ thẳm sâu day dứt không ngờ
những khát khao bạc trắng
những nếm trải đắng cay đẫm mềm hạ vắng
nỗi cô đơn dằn dữ vô hồi


Cái ngày đó chưa đến nhưng nỗi buồn và quá khứ trong em đã tiên nghiệm được rằng khi chúng ta trở về với nhau là lúc hoàng hôn đã tắt, trời đã về chiều. Những người yêu nhau trên trái đất này đã để lại cho nhau bao nhiêu ngọt ngào thì cũng là bấy nhiêu cô đơn hờn tủi khi xa nhau. Nỗi “cô đơn dằn dữ vô hồi” cứ cứa nát vào tim mà “day dứt” mà “khát khao” khi nhớ một trời yêu thương đã cũ. Bài thơ với những ngôn từ chắt lọc làm cho tôi sắp khóc. Nỗi nhớ nhung, tình yêu và nước mắt đã cô đọng lại thành từng từ trong bài thơ. Không ai hiểu đàn bà bằng đàn bà khi tuổi đã xế chiều, những sợi tóc đã bắt đầu điểm bạc, khi nỗi khát khao chạy đua với thời gian. Tuyết Nga viết bài thơ cho chị hay cho tôi hay cho bạn mà sao cứ nhắc mãi đến một ngày bạc nắng, đến năm tháng vô thường. Khi người ta ngoái lại tìm nhau cũng là lúc những giây phút trên đời còn lại hiếm hoi như những giọt nắng cuối ngày.

Em nói những lời chợt đến trên môi
và anh quay đi...
lưng chừng ký ức


Lý do chỉ đơn giản vậy thôi mà đã tạo lên những ngày xa nhau dài dằng dẵng, nỗi nhớ nhung âm thầm. Lô gic của bài thơ rất chặt chẽ cộng thêm một phong cách viết rất riêng của Tuyết Nga đã làm nên một bài thơ tuyệt vời. Từng câu, từng câu cứ dằn nén xuống mà như sắp vỡ tung. Tình yêu của người phụ nữ lớn quá và có lẽ người đàn ông đã bỏ đi vì cảm thấy quá nhỏ bé trước tình yêu đó. Tôi đã đọc như khát những vần thơ của chị vì bài thơ đã nói hộ tôi và những người phụ nữ khác những đắm say, những đau đáu của con tim và sự chờ mong cho đến cuối con đường.

Rồi một ngày
bạc nắng ngoái tìm nhau
cả trời thu mục nát
cả biển sóng đã khô thành cát
miên man năm tháng vô thường...


Câu kết của bài thơ buồn quá, cái buồn thánh thiện cao sang và thầm lặng như một quy luật của cuộc đời. Bài thơ đã khép lại, câu thơ “miên man năm tháng vô thường...” làm cho người ta muốn nhìn lại mình thêm một lần nữa. Giá em đừng nói những lời chợt đến trên môi, giá anh cũng đừng quay đi vội vã. Cuộc đời ngắn ngủi mà tình yêu và nỗi nhớ cứ dâng tràn, đọc bài thơ tôi ngồi lặng lẽ nhớ một người. Chợt cảm thấy muốn nâng niu mỗi ngày trên trái đất, muốn yêu thương nhiều hơn, muốn tha thứ nhiều hơn!


Bài đăng trên báo Văn Nghệ số 42+43/2008
Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Minh Nguyệt cướp cha Ran từ tay Chúa

Tác giả: Vương Cường


(Đọc tập thơ “Vũ điệu của trăng” NXB Hội Nhà văn - 2007 của Vũ Thị Minh Nguyệt)

Một lần, khi lướt blog, tôi chạm phải một câu thơ:
Có khoảng cách
Dài từ rơm
Đến lửa
(Khoảng cách)
Không biết câu thơ này có hay hay không, tôi đã phải rụt tay vì sợ chạm vào ngọn lửa ấy. Bỗng bắt gặp một khuôn mặt hiền hậu, có cặp mắt đa tình và nụ cười níu kéo. Giữa khuôn mặt, nụ cười, ánh mắt này có mối liên hệ với câu thơ có lửa ở trên. Phải gặp người phụ nữ này, trong đầu tôi bỗng vang lên ý nghĩ đó
Và rồi, tôi đã gặp chị trong đời thực và cả trong thơ. Vâng! vẫn khuôn mặt hiền hậu ấy, vẫn cặp mắt đa tình ấy, vẫn nét cười níu kéo ấy... trong đầu tôi lại vang lên câu hỏi, chị là ai?
Vóc dáng mảnh mai vũ nữ kia mà dám cả gan có ý nghĩ cướp cha Ran trên tay Chúa ư?
Dám lắm, chị có những tố chất mà qua thơ tôi đã nhìn thấy. Chị dịu dàng, nói như On-ga Béc-gon “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi”. Dịu dàng ấy, ẩn sâu trong trái tim, có sự hợp lý từ trong ra ngoài ở chị
Trái tim em, dịu dàng ơi
Dường như đã đứng suốt đời - đợi anh
(Trái tim dịu dàng)
Không chỉ dịu dàng chị còn là người yếu mềm, đắm đuối. Nhờ thế dây đàn luôn luôn rung lên, ngân vang trong tâm hồn chị. Tôi có cảm giác Minh Nguyệt không phải đi trên mặt đất:
Người đàn bà
Yếu mềm
Và đắm đuối
Chỉ biết yêu
Bằng cả
Trái tim mình
(Viết tặng người tình của Boris Pastenak)
Không chỉ yếu mềm đắm đuối, chị còn mạnh mẽ. Hai phẩm chất ngược nhau, vô lý tồn tại trong chị. Chị nhìn đời với cặp mắt, trái tim nồng nàn chỉ dẫn. Chị khao khát “được như trái đất mặt trời chạm nhau”. Minh Nguyệt hay nhắc đến lửa:
Nồng nàn như miếng trầu
Đượm vôi và cau vỏ
Nồng nàn như ngọn lửa...
(Nồng nàn)
Vì trái tim luôn đập mạnh, chị không thể đủ kiên nhẫn chờ đợi giọng nói của người mình yêu qua đêm thứ Bảy. Chị đứng ngồi không yên, vào, ra trông ngóng. Thời gian cứ dịch chuyển vô tâm như trêu chị, chị phải thốt lên:
Tối thứ Bảy sao dài đến thế
Tiếng chuông reo, khiến tim nghẹt thở
Tôi có thể sẻ chia với chị người sở hữu trái tim đa tình mà không đa đoan ấy. Những bậc nam nhi vẫn tan vỡ khi chờ đợi:
Sáng ra đã gặp em rồi
Còn đêm nay nữa sao dài bằng năm
(Chế Lan Viên)
Xa em một phút nhớ rồi
Ngày mai phải sống một đời vắng em
(Thạch Quỳ)
Nếu cảm nhận thời gian là một dấu hiệu cho thấy tâm hồn thi sĩ thì Minh Nguyệt có dấu hiệu đó. Cả hai giới đều rối loạn con tim giống nhau trước sự chờ đợi, Minh Nguyệt phụ nữ, rối loạn hơn.
Vâng, chị rối loạn, rối loạn đến mức có khi chị “không biết mình là ai nữa”. Chị đã từng đi trong phố đêm như người mộng du, đi không biết đi đâu, đi về phía vô định, đi về phía không anh. Sự khao khát, sự dồn nén như thế, tất nhiên chị sẵn sàng đánh đổi tất cả, cả “cuộc đời nhung lụa” để “ngắm một lần lặng lẽ nụ cười anh”.
Những tố chất chị đã bộc lộ về phía mình. Nhưng cuộc đời đâu có chiều ai, nhất là thi nhân. Logic tất nhiên sẽ đến. Lỗi tại trái tim. Mong manh quá, mong manh thế làm sao chịu được sự phũ phàng của cuộc đời. Điều kỳ lạ nhất, tình yêu, đỉnh cao nhất của tình cảm, như dấu vân tay nói lên sự sống, vậy mà trong nó lại chứa bão tố. Tình yêu có tính hai mặt. Triết học đã khái quát, lịch sử đã chứng minh. Nhưng không chứng minh được trái tim người đang yêu sẽ đập những nhịp như thế nào. Nhưng nếu biết được, còn gì chán hơn thế nữa, hỡi con người? Có thể dự báo tai họa thiên nhiên để chống đỡ. Dự báo sóng gió trong tình yêu để không dám bước tiếp, còn gì buồn hơn nữa không? Tình yêu hay, đẹp nhờ có trái tim mù lòa, sóng gió của tình yêu như một dấu ấn chứng nhận tình yêu.
Chao ôi, có khi ta cần nước mắt biết chừng nào, đâu chỉ nụ cười. Quê hương của thơ nằm cheo leo trên giọt nước mắt và nụ cười. Nhưng hình như nụ cười hơn hớn thì giết chết thơ. Chỉ có nước mắt đớn đau, thơ mới cần có mặt, vỗ về, xoa dịu các vết thương, làm lành các vết sẹo. Thơ cùng tần số với nỗi đau, do đó ai cùng tần số lập tức cộng hưởng. Sự cộng hưởng ấy đã sinh ra thơ. Nếu điều tôi nghĩ là đúng, thơ Minh Nguyệt đã giúp tôi chứng minh điều đó. Nước mắt chị cũng đã nhiều lần tuôn chảy trước nỗi đau, mất người tình. Nước mắt có thể so sánh với mưa:
Tháng năm chợt nắng chợt mưa
Hình như nước mắt vẫn chưa đủ buồn
(Tháng năm)
Những mảnh vỡ của cuộc tình găm vào trái tim thi nhân, trái tim phụ nữ nhạy cảm hơn nên cũng đau đớn hơn. Nỗi đau ở người đàn ông cũng đồng hành với cuộc đời họ nhưng sức chịu đựng của họ tốt hơn.
Lục Du, vì sao sáng nhất trên bầu trời thơ Tống cũng đã từng thốt lên trước mối tình ngang trái với nàng Đường Uyển, khi ông đã 75 tuổi đi qua vườn Thẩm:
Thấm thoắt đã 40 năm qua... thân này, mai sau trở thành nắm xương tàn vùi dưới núi Cối Kê, lòng vẫn thương nhớ người xưa.
Người dám cướp cha Ran trên tay Chúa kia, giờ đang phải gánh chịu nỗi buồn một mình:
Bao nhiêu giọt bấy nhiêu buồn
Bão xa đã tạnh bão gần... cho em
Hay: Những ngày tháng trôi qua
 Gió rét lòng tê tái
  (Mưa lòng, viết cho anh)
Người thơ vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ tưởng đủ năng lượng bất chấp tất cả, bây giờ đã thốt lên:
Tình yêu là kẻ dở hơi
Làm cho ai phải chơi vơi cả ngày
(Tình yêu)
Tôi thích “Kẻ dở hơi”, rất Minh Nguyệt, rất AQ!
Dường như sóng gió đã yên. Cơn bão đã tan. Những hàng cây đã thắm lại, những đổ nát đã được dọn dẹp. Minh Nguyệt cũng đang tươi lại. Chị biết chấp nhận thực tế. Chị làm thơ cho con, thơ tặng chồng. Ở đâu, lúc nào chị cũng rất tha thiết tràn ngập lòng yêu. Minh Nguyệt nói với con gần gũi, giản dị như một người mẹ nông thôn xưa:
Mai này con sẽ lấy chồng
Cũng như mẹ, phải lo trong tính ngoài
(Tình yêu của bố)
Viết cho chồng, kỷ niệm sống động, cuồn cuộn chảy. Chị “thèm đến rạo rực người hơi ấm của riêng anh”
Và cơn gió đến nao lòng đi có biết
Một vùng trời rất ấm ở trong tim
Thơ Minh Nguyệt như cái gạch nối giữa hình thức cũ - mới. Có khi chị viết hiện đại, có khi dân dã như lời nói hàng ngày. Chị không cầu kỳ thể loại. Thơ tự nó sinh ra thể loại chứ không phải thể loại sinh ra thơ. Nếu thể loại sinh ra thơ, thơ đã bị nhốt trong lồng. Thơ không bao giờ bị nhốt. Thơ là cây thông của Nguyễn Công Trứ, là đôi chim nhạn của Tản Đà. Thơ luôn nằm ở vương quốc tự do. Thơ đã bắt Minh Nguyệt thể hiện theo chỉ dẫn cộng hưởng giữa cuộc đời và trái tim. Người làm thơ luôn cầm chìa khóa và trao cho bạn đọc. Mốt số thơ trẻ đã trao chìa khóa, nhưng người đọc không thể mở được. Mai sau tôi không biết, nhưng từ nay trở về trước thơ Việt Nam luôn luôn là tiếng hát giản dị của con người. Ngang tàng Cao Bá Quát hay Nguyễn Công Trứ, mềm yếu Nguyễn Du, cao sang Nguyễn Trãi, bình dân Nguyễn Đình Chiểu... đâu cũng giản dị. Các bạn cầu kỳ ơi! có phải vậy không?
Thơ Minh Nguyệt có gì chán không? Nhiều lắm! Xuân Diệu nói thơ là “chân chân chân, thật thật thật”.
Thơ là rượu cất lên từ cái đẹp của đời sống. Thơ là tiếng hót không kìm được của chim họa mi khi trăng lên. Thơ là tiếng đàn violon cao vút mà gần gũi con người. Thơ là dải lụa nhiều màu làm mát mắt con người. Do vậy ở nơi nào chị viết quá thật thì ở đó thơ bị bóp chết:
Anh và em
Hai đứa cùng
Lãng mạn
Ngay cả bài “khoảng cách” bỏ đi 3 khổ sau thì sang trọng lắm. Có khi chị vụng về như một cô gái không biết lựa chọn, trong khi quá nhiều quần áo, son phấn. Chọn lọc là một yêu cầu hiện nay với Minh Nguyệt. Đổi mới thơ là đổi mới trong cảm nhận để nhận được cuộc sống vận động ngày càng nhanh hơn, chứ không phải chỉ hình thức. Nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa đang tiến về kinh tế tri thức. Xu hướng kinh tế không biên giới, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ngày càng thể hiện trong thực tế. Một xã hội mà bất kỳ ai đều bị lạc hậu. Một thế hệ độc giả mới và một thế hệ nhà thơ mới sẽ xuất hiện. Nhưng ít có mặt những người hôm nay còn nhầm tưởng “cách mạng hình thức”. Tôi đã nói, hình thức thơ tự thơ mách bảo.
Tôi biết Minh Nguyệt đang rất phân vân muốn đổi mới mình, đã chán cái mặt mình lắm rồi! Đó là một dấu hiệu tốt. Nó chỉ thật sự tốt khi giữ được cảm xúc mạnh mẽ, một tình yêu lớn, sống hết mình, hy sinh hết mình... để rồi ta thấy được nghịch lý: trong đời người, có khi tổng các số âm lại là số dương, tổng các số dương lại là số âm!
Đục trần để thoát, Minh Nguyệt ơi! Trên đầu, địa hạt thơ vẫn còn xa xanh vời vợi.


Báo Người Hà Nội số 7/2008

Tác giả: TS. Vương Cường - Học viện Chính trị Quốc gia
Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Ném tình yêu cho một kẻ khát khao

Tác giả: Hoàng Đình Quang


Tôi không nhớ lần đầu mình đọc bài thơ của Vũ Thị Minh Nguyệt là khi nào, nhưng tôi nhớ đó là một bài thơ được đăng tải trên mạng. Vũ Thị Minh Nguyệt là một người thành thạo về internet và say sưa với Blog, với trang web đến quên ăn, quên ngủ và quên luôn cả ...chồng. May mà chồng chị đã cảm thông với niềm đam mê của vợ. Điều khiến bạn bè của Nguyệt yêu mến và thân ái đối với chị chính là những bài thơ tự sự mà ai cũng có thể đồng cảm và chia sẻ với chị. Chẳng hạn những câu như thế này:

"Nhẹ nhàng như ngọn lửa
Từ từ đến bên rơm
Khát yêu thương giận hờn
Biến thành tro tất cả"

Cầm trong tay tập bản thảo “Vũ điệu của Trăng” của chị, tôi hình dung ra một phụ nữ hiếu động, nhạy bén với thời cuộc.
Xuất thân từ làng quê trù phú, giàu có từ hạt phù sa nồng nàn đến điệu chèo mướt mát, nhưng cô bé Nguyệt lại là học sinh chuyên Toán. Thế rồi ra nước ngoài học hành, rồi làm kinh tế, doanh nghiệp…coi như thành đạt.

Bỗng…một hôm em nhận ra mình cũng biết làm thơ?!

Nguyệt nghĩ thế và làm thử. Cũng may cho chị là có mạng, có net, có topic, có blog…để chị có bạn bè, có người đọc. Người đọc tri âm. Tôi cũng bắt đầu từ mạng mà biết Vũ Thị Minh Nguyệt, để rồi, chị tin cẩn giao cho tôi tập bản thảo này.

Thử xem, cô gái Thái Bình Tây học này thế nào, tôi nhủ thế. Và tôi đọc:

Ném tình yêu cho một kẻ khát khao
Nhớ anh đến tận cùng hơi thở
Tiếng cốc rơi như trái tim tan vỡ
Mảnh vụn nào găm trả lại cho anh ?

Đọc mấy câu này, ta như thấy được nỗi ấm ức hờn giận không chỉ âm ỉ mà còn nghe được cả lời nói nghẹn ngào từ tận trong tim.
Còn đây là một chút Onga Bergon và một phần Akhmatova:

Ngày nối ngày và mỗi bình minh
Ban mai về tiếng chim ríu rít
Đọng trong mơ nụ hôn cuống quýt
Người đàn ông khát thèm của em ...


Em thả mình ngả ngớn trong đêm
Ánh trăng dịu dàng qua cửa sổ
Cả thiên hà đang nhìn rất rõ
Thân thể nuột nà, trễ nải hiến dâng

Đọc một ít bài thấy giọng thơ có phần chì chiết ấy làm tôi đã nghĩ âm hưởng chủ đạo của tập thơ này của Minh Nguyệt. Nhưng tôi đã lầm. Những “vũ điệu” của Minh Nguyệt hoàn toàn nhẹ nhàng, quen thuộc đôi khi đậm đà chất dân quê lúa Thái Bình của chị:

Em yêu dòng sông
yêu tia nắng trong lành
Yêu mùi đất nồng
mùi rơm thơm mới gặt

Nhìn chung, đây là tập thơ chắc tay. Có thể càng “chắc tay” hơn bởi của một phụ nữ lần đầu làm quen với thi ca. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Sợi dây tình yêu của một cánh diều thơ

Tác giả: Nguyễn Đình Xuân


Dường như khi trở về với chính mình, lặng lẽ hồi tưởng và đắm chìm vào hồn thơ, Vũ Thị Minh Nguyệt khi ấy mới thao thức, để cất lời tự sự:

Người đàn bà làm thơ như một cánh diều
Đắm say với trời xanh, phút xao lòng chao đảo
Anh giữ em bình yên qua cơn bão
Sợi dây tình yêu…

   Đó là những câu thơ chị viết nhân hai mươi năm năm ngày cưới, sống cuộc đời làm vợ, làm dâu, làm mẹ. Và “sợi dây tình yêu” ấy cũng là chủ đề xuyên suốt tập thơ thứ hai của chị, tập thơ “Dấu yêu ơi” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành tháng 11-2008. Cũng liền mạch với tập thơ trước-tập “Vũ điệu của trăng”, một cánh diều thơ nữ mà tác giả là một doanh nhân, đã từng là một học sinh chuyên toán, một nhà kinh tế học tốt nghiệp bằng đỏ tại Trường Kinh tế thương nghiệp Lơ-vốp thuộc U-crai-na (Liên Xô trước đây). Nhờ có thời gian du học ở Liên Xô, nên chị thông thạo tiếng Nga, bởi thế trong tập thơ này, ngoài 61 bài thơ sáng tác, kể cả bài thơ phổ nhạc “Huế và anh”, còn có 6 bài thơ dịch và phỏng tác của các nhà thơ thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

   “Dấu yêu ơi” trước hết là sự khắc khoải, luyến nhớ về một thời đã qua, thời con gái. Một chiều thu khi dạo bên bờ hồ Gươm, bắt gặp giữa phố đông những nàng thiếu nữ còn trinh trắng tuổi học trò, Minh Nguyệt nao nao:

    “Em gặp lại em thuở má hồng
   Cái thời chưa biết nhớ cùng mong,
   Cũng màu má thắm môi son ấy
   E ấp cười xinh trong mắt anh”
           (Em gặp lại em)

   Quả là thời trắng trong ấy “Mắt ngời trong sắc đỏ reo/Chùm hoa giấu vội lời yêu ngập ngừng” (Tháng Năm), làm sao quên được. Sự khắc khoải của một thời “trắng diệu kỳ/thanh khiết/kiêu sa…"  để khi bước vào yêu và đến khi có tuổi rồi nhìn lại: “Bỗng giật mình/đã hết một mùa hoa” (Giật mình tháng Tư). Có lúc, Minh Nguyệt hơn một lần tự hỏi: “Xuân thì thiếu nữ chiều hôm ấy/Bây giờ trở lại…có còn không?”

Từ khắc khoải đến niềm khao khát yêu và được yêu luôn biện chứng trong con người thơ Minh Nguyệt. Chị viết về tình yêu chân thật như chính niềm yêu của mình:

Anh như là tia nắng
Rơi nghiêng vạt cỏ xanh
Em giọt sương ngọt lành
Lung linh trong anh đó
(Anh và em)

Và chị luôn yêu trong đắm say:

"Bầu trời không còn nắng
Trái đất không còn đêm
Không còn giận hờn ghen
Nếu phải đừng yêu nữa”
(Đừng yêu)

Như tâm sự của Minh Nguyệt với độc giả, “Dấu yêu ơi” là tập thơ dành những yêu thương cho chồng, con, gia đình và bạn bè, là sự cảm nhận cuộc sống bằng từng nhịp đập nhỏ của trái tim nơi sâu kín nhất. Cánh diều thơ Minh Nguyệt khi lộng gió tình yêu bay cao, dâng trào cảm xúc mà bạn đọc gặp trong những bài thơ “Mùa xuân trong mắt anh”, “Trái đất này có anh”, “Cuộc đời yêu thương”, “Hai lăm năm”, “Ban mai dịu ngọt”… Những lúc cánh diều tình yêu chao đảo, Minh Nguyệt tìm đến thơ để tâm sự, giãi bày trong những “Đêm”, “Mưa chiều”, “Thì thầm với biển đêm”. Cũng như những người đàn bà làm thơ, Minh Nguyệt chú trọng đến khai thác những khía cạnh tâm lý, những trạng thái vui, buồn, giận dỗi, hờn ghen trong tình yêu và cả những sự lo lắng khi tình yêu tan vỡ. Đọc thơ Minh Nguyệt thấy rõ ở chị là người phụ nữ yêu chồng, con da diết, quan tâm chăm sóc gia đình và sống có trách nhiệm. Mỗi chuyến đi công tác xa nhà, tha phương ở quê người, nỗi nhớ trong chị trỗi dậy, điều đó dễ thấy trong “Viết trước lúc xa nhà”, “Khuya lắm rồi”. Từ tình yêu, nỗi nhớ ấy để nhà thơ thêm yêu quê hương, đất nước mình mà bắt đầu từ quê Thái Bình, nơi sinh của chị:

“Bên dòng sông những mái nhà liêu xiêu
 Thảm lúa xanh đến tận cùng như mẹ
 Líu ríu chân trần, thung thăng thời thơ bé
 Hương lúa thơm, rơm ấm cả chiều”
     (Nhớ quê)

Bằng tình yêu chị đau xót khi thấy những vùng quê bị thiên tai tàn phá như ở Lào Cai, Yên Bái trong “Hoa gạo”, hay ô nhiễm môi trường do chính con người gây ra “Xin đừng giết chết dòng sông”…

Dễ thấy thơ Minh Nguyệt dung dị, nhẹ nhàng như cánh đồng đêm trăng, như mùi rơm thơm của lúa vừa mới gặt, nhưng thực ra chị không ngồi yên mà luôn tự tìm tòi, bứt phá. Chị từng viết:

"Duy chỉ có một điều ngoài mong muốn trái tim
Đối diện với đạo đức, gia đình, bè bạn
Với dư luận, em không dám chọn
Người phụ nữ đoan trang, không thừa nhận chính mình".

Trong “Dấu yêu ơi” Minh Nguyệt không ít lần bày tỏ sự khao khát, với cảm xúc mãnh liệt, muốn vượt ra khỏi khuôn phép:

“Thả người đàn bà vào hoang dại của đêm
Ngu ngơ tìm hương bông hoa lạ
Con mèo cái động tình, tiếng dế râm ran, trăng rơi rơi kẽ lá
Ve vuốt ngọt ngào, lãnh đãng ngọn gió xa”(Ban mai).

Hay: “ Ta rướn mình thân rừng rực lửa
   Ôm trọn vầng trăng ngả nghiêng” (Trăng).

Và,   “Thao thức chờ mầm xanh tươi mát
   Cây hồi sinh sau mỗi cuộc mưa tình” (Đêm mưa)…

Có sự quẫy đạp trong cảm xúc thơ Minh Nguyệt, tuy chưa thật nhiều nhưng cũng đủ để bạn đọc chờ đợi.    

Trong “Dấu yêu ơi” có nhiều câu thơ giàu hình ảnh, như  “Ban mai/thức dậy/ùa vào nỗi nhớ./Giọt sương hôn ngọn cỏ/run rẩy cả bình minh”, “Lập lòe hoa gạo đỏ, rụng vào môi em nỗi nhớ/giao mùa” (Nụ hôn gió); “Mùa thu reo chấm nắng vàng sớt lửa/Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu" (Gửi một trời yêu); hay “Trái tim thầm thì gõ chữ gửi vào đêm” (Có thể). Nhưng “Dấu yêu ơi” cũng có nhiều bài thơ, câu thơ còn ít sự lao động thơ, bạn đọc có cảm giác thơ nặng về diễn giải, nhiều lời, thậm chí là văn nói. Còn nhiều câu thơ, đoạn thơ trùng lặp chữ, lặp ý, có những chữ không phù hợp, chẳng hạn như câu “Dữ dội và dịu êm/Như sóng thần biển cả” trong bài “Đừng yêu”. “Sóng thần" là sự kinh hãi, dữ dội, chẳng bao giờ là dịu êm cả, một sự so sánh khập khiễng. Câu “Dỗi hờn dẫu như cơm bữa” là văn nói, hoặc câu “Thu ơi… mưa gió thét gào/Đón Đông nắng vẫn hanh hao dát vàng” có lẽ hơi sáo và không ổn. Tập thơ nói nhiều về tình yêu, những niềm riêng mang tính cá nhân, nên dễ rơi vào vụn vặt, làm khuất lấp những hình ảnh khái quát-yếu tố làm cho thơ hay hơn để chúng hướng đến cái chung của mọi người, sự đồng cảm với bạn đọc. Những bài thơ dịch trong tập, số lượng ít ỏi, khó có thể đánh giá đầy đủ sự lao động, sáng tạo của dịch giả, nhất là dịch những bài thơ tiêu biểu của những tác giả đã được nhiều người biết đến.

“Dấu yêu ơi” đánh dấu một cung chặng mới trên đường thơ của Vũ Thị Minh Nguyệt, bạn đọc vẫn còn chờ “cánh diều thơ” của chị tiếp tục bay trong bầu trời thơ Việt. Hy vọng cánh diều thơ ấy thực sự sáng tạo, mang phong cách riêng để bạn đọc dễ nhận ra một giọng thơ nữ chân thật, đằm thắm.    

8-12-2008


Bài đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số 50 ra ngày 14-12-2008
Báo Quân đội Nhân dân Online
Báo Người Bạn đường
Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Lục bát - giữ hồn Việt

Tác giả: Vũ Thị Minh Nguyệt


Lần đầu tiên tôi biết được trang http://www.lucbat.com nhờ bài bình "Hoá đá" cho tình yêu vĩnh cửu của bạn đọc Việt An bình thơ tôi. Thực ra trước đây tôi viết thơ lục bát như tự thân của nó, nói như tiến sỹ Vương Cường “Minh Nguyệt không cầu kỳ thể loại. Thơ tự nó sinh ra thể loại chứ không phải thể loại sinh ra thơ”. Tôi không mấy khi chú ý đến những bài thơ của mình được viết theo thể loại nào. Vậy mà trong hơn hai trăm bài thơ, tôi đã có 36 bài thơ lục bát.

Lục bát viết dễ nhưng khó hay và không cẩn thận dễ bị trùng lặp ý tưởng vì những câu ca dao dân ca từ tiếng ầu ơ của bà của mẹ ngấm vào ta tử thủa ấu thơ. Nói đến Lào người ta nói đến điệu “ lăm vông”, nói đến thơ ca Việt nam người ta nói đến thơ lục bát. Đó là dòng thơ độc quyền của Việt nam trên văn đàn thế giới. Tuy nhiên lục bát rất đại chúng ở Việt nam, từ đại thi hào Nguyễn Du, các nhà thơ lớn cho đến người nông dân một nắng hai sương đều có thể ứng khẩu thành thơ được. Một trong những hình thức lục bát cải biên là thơ Bút Tre. Về hay dở ta chưa cần bàn đến nhưng nó dễ nhớ dễ thuộc dễ ngấm sâu vào tâm hồn người Việt nam. Mỗi bờ tre mỗi gốc lúa đều như quyện những câu thơ lục bát từ ngàn đời:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi


Tôi đã từng theo mẹ đi tát nước dưới đêm trăng, từng nhìn thấy trăng vàng lung linh trong chiếc gầu sòng nên câu thơ đó lắng đọng trong tâm hồn như một lâu đài bằng vàng lấp la lấp lánh. Câu thơ là sự kết hợp giữa hình ảnh và ngôn ngữ tạo nên một cánh đồng đêm trăng quá đẹp và đôi trai gái ghẹo nhau…tình tứ làm sao, ý nhị làm sao? Chính vì những câu thơ thần như thế tôi đâm sợ, vì mình làm sao viết hay hơn được? Liệu mình có thể viết lạ đi được không?

Trong những người làm thơ lục bát ở Việt nam thì tôi mê Nguyễn Duy nhất. Bài thơ của anh tôi thuộc từ thời sinh viên, nhưng câu thơ tinh nghịch mà trong như ngọc

Trắng trong từng hạt rơi rơi
Để cho Em nép vào tôi thế này
Trắng trong từng hạt bay bay
Để cho tay chạm vào tay - giật mình!
( Nguyễn Duy)

Câu thơ cứ long lanh như giọt mưa vậy, tôi học toán lại đa đoan một chút với văn thơ nên càng mê kiểu thơ đầy lô gíc và chính xác đến từng câu chữ. Đúng là những câu thơ mang tính trí tuệ mà không hề làm mất cái hay cái đẹp của ngôn ngữ Việt. Câu thơ dí dỏm tinh nghịch của ...dân toán!

Trên tay tôi là tập thơ " Lục bát sang sông" của anh Nguyễn Đăng Sâm, người đã ẵm khá nhiều giải thơ của báo Văn Nghệ cho thơ lục bát. Hôm anh được giải ba cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 2007, Đăng Sâm đang ở Hà nội. Anh gọi cho tôi khoe và rủ đi khao cafe nhưng tôi đang họp vậy là anh trêu luôn:
Đêm nay không trăng không sao
Thế mà Minh Nguyệt lạc vào...lòng anh!
Tôi suýt cười phá lên! Trời ạ cái bác nhà thơ 66 tuổi này mà tếu quá ta, chả trách anh em làng văn đồn rằng Đăng Sâm đa tình lắm. Không đa tình mới là lạ:

Ngẫu hứng

Ở đây có kẻ đa tình
Nửa đêm vác bút ra rình trăng lên
Bỗng đâu thiếu nữ bên thềm
Làm cho ngơ ngẩn đến quên nguyệt tà!
( Nguyễn Đăng Sâm)

Hình như cứ có thơ lục bát là có trăng, có sao, có cỏ cây, hoa lá. Nó gần gũi như khí trời, như mặt đất, dòng sông, tiếng thì thầm của trai gái trong đêm. Nhà thơ say trăng, say rượu, say thiếu nữ đến quên rằng đêm đã qua, trăng đã lặn thì đa tình hơn kẻ đa tình mất rồi.

Lướt qua những nhà thơ đương đại tôi bắt gặp Con quay của nhà thơ - nhà giáo Đinh Đình Chiến:

Con quay
Tháng ngày vẫn tít mù quay
Đông đúc phố chợ, mình nay một mình.
Con quay xoay cái đa tình
Nhớ em ta lại một mình- nhớ em.
(Đinh Đình Chiến)

Hay ở cái điểm bài thơ quá ngắn mà ý tứ quá sâu rằng giữa cả biển người ta chỉ nhớ em ta. Hay ở cách gieo vần " con quay xoay cái đa tình". Thì ra cái nỗi nhớ nó cứ xoáy lòng người ta như con quay vậy, nó làm cho ngày tháng cũng "tít mù quay".

Lục bát đến với tôi thường là lúc tâm trạng “phá phách” nhất :

Ước gì em ước gì tôi
Cứ như Trái đất, Mặt trời chạm nhau
Nổ tung hai quả tinh cầu
Để tan vĩnh viễn trong nhau một lần
( Ước gì)

Tình yêu tựa áng mây trôi
Chợt gieo sấm sét, chợt rồi… lại xanh
( Viết cho tình yêu)

Tháng Năm chợt nắng chợt mưa
Dường như nước mắt vẫn chưa đủ buồn
(Tháng Năm)

Giữa chiều ngồi lặng thẩn thơ
Tim buồn hoá đá, hững hờ tháng năm
( Hoá đá)

Trăng rằm vằng vặc, Hồ Tây
Lả lơi ghẹo gió, gió lay lay cành
Dịu dàng em nắm tay anh
Mặt hồ nổi sóng, đập trăng vỡ oà
( Hồ Tây đêm rằm)

Ví mà đừng nhóm lửa lên
Rơm đâu dễ tự cháy mềm thành tro
(Ví mà)

Bần thần em lại nhớ anh
Ngoài kia nắng gió trời xanh tự tình
Bướm vờn hoa hé nụ xinh
Liếc nhau ánh mắt đa tình như dao
(Bần thần)

Thế là anh ...thế là em
Giận nhau cũng tại hờn ghen thôi mà
Em ngồi đếm những cánh hoa
Để cho nước mắt vỡ oà, mặn môi!
(Thế là)


Chợt giật mình nhớ ra bài thơ đầu tiên tôi viết năm mười hai tuổi là thơ lục bát:
Nhớ sao những buổi ông về
Bà ngồi đun bếp cháu chê ông gầy
( Nhớ nhà)

Thế mới bíêt lục bát ngấm vào trong máu mình từ thủa ấu thơ. Lục bát cứ quyện lấy khói lam chiều mà ôm ấp lấy làng lấy xóm.
Bầu ơi thương lấy Bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Lục bát gần gũi với mọi tầng lớp lao động, mang lại niềm vui, xua đi những nhọc nhằn để quê hương vang mãi những lời ru:


Cái Cò, cái Vạc, cái Nông
Sao mày dẫm lúa của ông hỡi Cò?
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà Vạc nó ngờ cho tôi

Nhịp sống hiện đại, hối hả và không khuôn phép đã dẫn người ta đến trường phái thơ tự do. Không cần niêm luật, phù hợp với sự thay đổi, dễ hoà nhập với nền văn hoá đang đổi thay từng ngày của nhân loại. Làm sao để giữ gìn dòng thơ cổ truyền - bản sắc của dân tộc đây?

Tôi có duyên may được nói chuyện với Thuỷ Hướng Dương một trong những admin của trang lucbat.com được biết hiện nay nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng một số anh chị em tâm huyết đang cũng nhau xây dựng trang web này để lưu trữ các bài thơ lục bát hay của nhiều thế hệ tác giả miễn phí và tự nguyện. Tôi thấy thật mừng vậy là thơ lục bát không bị thất truyền, nền văn hoá của dân tộc không bị mai một. Cùng với sự thăng hoa của ngôn ngữ Việt, lục bát mãi là hồn thơ của Việt nam, gần gũi với người dân Việt nam như cây đa, giếng nước sân đình, như ruộng khoai nương sắn, như bát nước vối giữa trưa hè mát rượi tình quê.


Chỉ nghĩ thế là tôi hạnh phúc!


Thơ Minh Nguyệt trên lucbat.com
http://www.lucbat.com/hom...id=lbtuchon&code=1155
Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Vũ Thị Minh Nguyệt – người cõng thơ lên Trăng…

Tác giả: Hoàng Yến Anh


Tôi gặp chị lần đầu tiên vào những ngày đầu tháng 6 năm 2008 khi trở về Việt Nam thăm gia đình. Chị hẹn gặp tôi cùng ăn trưa ở 123 phố Huế để đãi tôi món ăn mà tôi cực kì yêu thích: rau muống. Hôm đó tôi tưởng mình đến trễ vì cả buổi sáng bận đi cùng người bạn trai cũ ra tận Nghĩa trang Từ Liêm để thắp hương cho Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc trước khi tôi trở lại Đức, nhưng chị còn …đến trễ hơn. Tôi và chị  đứng trước cửa quán ăn và gọi điện cho nhau để biết xem người kia đang ở đâu mà không biết là mình đang đứng cạnh nhau, nghĩ lại mà buồn cười.

Chị mang theo tập thơ „Vũ điệu của Trăng„ dành tặng cho tôi, và tôi đã mang sang xứ Người, thỉnh thoảng vẫn lấy ra đọc lại. Thật không nghĩ cô cựu học sinh chuyên Toán Thái Bình ngày nào lại có thể viết những bài thơ mang đầy chất văn chương đến thế. Chị bây giờ đã là một người mẹ của 2 cô con gái xinh đẹp và đồng thời cũng là một Giám đốc,  tuy bận rộn với công việc kinh doanh nhưng chị vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động về lĩnh vưc văn thơ và dành thời gian cho riêng mình. Tôi không nhớ mình quen Vũ Thị Minh Nguyệt trong hoàn cảnh nào, bởi thế giới Blog dài và rộng quá, nhưng tôi lại nhớ đến vô cùng bài thơ đầu tiên chị viết khi ghé thăm Blog tôi:

„Đến nhà chỉ muốn ngắt trộm hoa
Hoa cũng xinh như bé,
Yến Anh à
Hồng thắm màu hoa hiền dịu ấy
Như là cô bé Yến Anh thôi„

Tôi bắt đầu dành thời gian đọc, nghiên cứu những bài thơ của chị, có những đêm tôi thức đến tận 2h sáng để đắm chìm trong những vần thơ của chị. Và tôi say, say trong những dòng thơ tình chị viết:

“Nỗi nhớ màu gì
Anh biết không anh ?
Quay quắt dịu êm trong từng đêm vắng
Dẫu bão tố, trời xanh hay biển lặng
Cứ cồn cào như sóng dưới tàu anh !”

Hay chỉ là những lời thơ thật đơn giản mà đủ cháy những nồng nàn khi chị viết về người đàn ông chị yêu :

“Anh là người chế ngự được con tim
Của em luôn nồng nàn như lửa
Em không biết mình là ai nữa
Khi yêu rồi muốn mình đẹp hơn lên“

Minh Nguyệt làm thơ để ghi lại cảm xúc mà một thời chị đã đi qua, nhưng không hiểu vì sao tôi bắt gặp hình bong mình rất nhiều trong những vần thơ của chị, lúc ngất lên vì hạnh phúc, lúc chìm mình bởi những xót xa…

“Rồi mai đây bên cạnh cuộc đời
Bên cạnh anh là người con gái khác
Có thể đớn đau, có thể là hạnh phúc
Người ra đi, giữ lại phỏng ích gì“

Và rồi tôi lại bắt gặp những dòng cảm xúc mang đầy những tự sự con gái về một tình yêu đã đi qua:

“Em đi rồi đừng nhớ nghe anh
Hãy kiêu hãnh là người chiến thắng
Chỉ nghĩ thế là em thêm sức mạnh
Buồn hơn nhiều, người thua cuộc - là anh”

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những người yêu thơ Minh Nguyệt đều phải thú nhận một điều rằng thơ Minh Nguyệt mang hơi thở của tình yêu, đầy lòng vị tha và những khát khao thầm lặng. Chị làm thơ cho mình nhưng lại gián tiếp truyền cho người đọc sự đồng cảm.

“Đêm
Anh hãy trở về khi giấc mơ tan
Lau nước mắt cho em anh nhé
Em nâng niu những buồn vui vô cớ
Khóc cho mình mà chẳng thể trách anh“

Có những bài thơ chị viết, đọc xong tôi lặng lẽ gấp tập thơ lại và lặng mình rất lâu.

“Chạy trốn mình xa anh
Biết cháy lòng vì nhớ
Biết rồi đây rất sợ
Những ngày không có nhau“

Và rồi sau cùng, tôi lại bắt gặp một Minh Nguyệt với những ngôn từ thật sâu sắc, nhẹ nhàng khiến tôi thấy lòng mình khẽ run lên …Chao ôi, muôn đời vẫn là một khoảng cách, đôi khi nó gần và đôi khi lại quá xa xôi. Rồi bất chợt tôi lại nhớ đến câu nói mà ai đó đã nói “có những khoảng cách rất gần trong trái tim nhưng rất xa, rất xa trong thực tại“. Còn với Minh Nguyệt thì:

“Có khoảng cách
từ ánh mắt
đầu tiên

Đến lời hứa
giờ không ai
nhớ nữa

Có khoảng cách
dài từ rơm
đến lửa

Chỉ chạm vào
hai đứa cháy
thành tro…”

Tôi cứ âm thầm dõi theo những bước chân của Minh Nguyệt trên chiến trường văn thơ như thế và luôn mong rằng những vần thơ của chị sẽ còn bay xa và bay cao hơn thế nữa….


Germany 2009
Nếu một mai kiệt sức quỵ bên đường
Em sẽ mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa Thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
Chưa có đánh giá nào