Trang trong tổng số 900 trang (8997 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đẹp nhứt (Bảo Định Giang): Bảo Định Giang và câu ca dao bất hủ

Các câu ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương; Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”; “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây”; “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”...  và rất nhiều câu thơ khác, từ 60 năm nay đã trở nên rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam.

Quen thuộc đến mức trở thành câu cửa miệng, trở thành lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhưng rất ít người biết ai đã sáng tác ra những câu ca ấy, ai là tác giả của những câu thơ “đượm màu dân gian” ấy. Tôi cũng vậy, trước khi rời ghế nhà trường, trước lúc được vinh hạnh gặp gỡ và quan hệ công tác với những Thanh Tịnh, Ngô Văn Phú, Bảo Định Giang… cứ ngỡ đó là những câu ca dao khuyết danh, những câu do “quần chúng” nhân dân lao động làm ra.

Trở lại với câu ca: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”, tôi nhớ quãng năm 1976, 1977 trên báo Cứu quốc (nay là Đại đoàn kết, tôi có viết một bài nói về lòng dân các dân tộc Việt Nam với Bác Hồ qua thơ ca dân gian, nhà thơ Bảo Định Giang đọc được có nhắn lại qua một người bạn vong niên của tôi đang công tác tại Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (cơ quan mà nhà thơ có thời là Phó Chủ tịch) rằng tôi đã trích sai chữ “bông sen” thành “hoa sen”, chữ “Cụ Hồ” thành chữ “Bác Hồ” trong câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”… của ông.

Thì ra ông, nhà thơ Bảo Định Giang, tác giả của những câu thơ mà đám học sinh, sinh viên lứa cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX thường chép vào sổ tay lưu bút của nhau mỗi khi tiễn nhau ra trận, đồng thời là một ông “quan văn nghệ đỏ”, một “Tố Hữu của Nam Bộ” (bởi ông từng giữ các trọng trách: Vụ phó Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Tổng biên tập NXB Văn nghệ giải phóng, Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam…) chính là tác giả của câu ca dao bất hủ viết về Tháp Mười, về Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Về sau, khi đã chuyển công tác và vào định cư trong thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Bảo Định Giang vẫn thường xuyên thư từ, gửi sách báo ra Hà Nội cho tôi. Khi gửi tặng tôi tập Trong mỗi trái tim (gồm 28 bài thơ, 4 đoạn văn viết về Đảng, về Bác Hồ và những đồng chí trung kiên của Thành đồng Tổ quốc), ông có nhắc tôi đọc kỹ “cái xuất xứ” của câu ca dao trên. Ông cho biết nguyên bài thơ có tên là bài Đẹp nhứt:

Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
Và kể: Dạo ấy là mùa hè năm 1946, sau lần gặp đồng chí Lê Duẩn lúc ấy là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, được đồng chí căn dặn nhiều điều, trong đó có việc phải nói rõ  cho đồng bào biết về Cụ Hồ mà trước đó, chính ông cũng mới hiểu được về Người rất ít, ông đã viết nhiều thơ, kịch và đi tuyên truyền nhiều nơi về Bác Hồ. Ông sinh năm 1919, lúc đó mới ngoài 20 tuổi, đang là cán bộ ban Tuyên truyền lưu động Chiến khu 8 thuộc Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Ông kể tiếp: “Một hôm tại nhà một bà cụ nông dân, sáng dậy sớm, tôi ra ngồi trên chiếc võng, vấn thuốc lá hút, để mắt phóng ra cánh đồng sau nhà. Đã bình minh, mặt trời vừa hé mọc. Trước mắt tôi hiện ra một cánh đồng sen bát ngát. Hàng nghìn, hàng vạn đoá sen hồng đong đưa trong gió sớm sao mà đẹp khác thường. Lòng tôi bỗng rạo rực xúc động khó tả trước cảnh vật bất chợt, tình cờ, tôi ngẫu hứng se sẽ ngâm:
Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
Bông sen dành để lễ chùa
Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm
Bài ca này sau đó được truyền miệng, được in trên sách báo phổ biến khắp vùng Đồng Tháp Mười. Và năm sau, 1948, tôi có nhờ phái đoàn anh Trần Văn Trà đem ra Việt Bắc tặng Trung ương Đảng một tập thơ chép tay, trong đó có bài thơ này. Có điều rất thú vị là nhiều nơi hồi đó, kể cả Việt Bắc, khi đăng lên báo người ta đã bỏ hai câu thơ cuối của bài thơ. Cho đến nay, nhiều sách báo cũng chỉ in hai câu thơ đầu, coi như thế là gọn và đầy đủ ý nghĩa. Ca dao xưa nay bao giờ cũng vậy. Nó sống được, tốt thêm là nhờ đông tay chăm sóc và mỗi người đều có quyền sửa chữa, thêm bớt cho đến lúc viên mãn mới thôi.”

Đúng như lời tâm sự của nhà thơ, bài ca dao ông sáng tác trên đất Tháp Mười, ngay bên cạnh tháp Đốc binh Kiều năm ấy, trải hơn nửa thế kỷ vẫn sống “tốt thêm” và thật đã “viên mãn”. Nó không chỉ là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp Mười, của người dân Nam Bộ mà còn là niềm tự hào của văn chương một thời. Nó đã là câu thơ vượt thời gian, đi cùng năm tháng, trở thành thơ dân gian, thuộc về nhân dân.

Nhà thơ Thanh Tịnh – một nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc như nhà thơ Bảo Định Giang thuở nào từng ao ước: “Ước gì để lại mùa sau/ Một câu một chữ đượm màu dân gian”. Câu ước ao đó hôm nay với ông đã trở thành hiện thực. Dẫu ông đã đi xa, đã về mãi cùng đất mẹ, nhưng tác phẩm của ông đã hoà vào cùng dân gian, cùng dân tộc để sống và để trường tồn. Và như vậy nơi chín suối chắc nhà thơ cũng được ngậm cười.


Ngô Vĩnh Bình

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tự (Phan Huy Ích): Bản dịch của Đào Phương Bình, Đỗ Ngọc Toại, Hoàng Tạo, Nguyễn Ngọc Nhuận

Thơ là để nói chí hướng. Bậc sĩ quân tử lúc nhàn rỗi miêu tả tâm tình, ghi lại hành trạng, thường thường biểu hiện ra thiên chương, truyền lại cho người sau, dùng làm niên phả, để lại dài lâu. Đó thực là kho báu trong nhà, đâu chỉ để phô bày ý tứ văn vẻ, phẩm bình phong vật mà thôi.

Tôi thuở nhỏ theo đòi cử nghiệp, vốn vụng về với việc làm thơ. Kịp đến tuổi đội mũ mới bắt đầu xem rộng ra các tác phẩm xưa, rồi võ vẽ thôi xao, nhưng viết ra thì khô khan, thường hổ thẹn vì việc học làm thơ khó khăn. Lại vì sớm tham dự việc triều chính, lạm dự công việc cơ yếu, không được rỗi rãi để gọt câu luyện vần. Đến khi trị nhậm trấn Thanh Hoa lần thứ hai, khi trèo núi ngắm sông, ý tưởng siêu thoát, dần dần xúc cảm cao hứng ngâm nga. Kế đó trải bao biến đổi cuộc đời, vận nhà gieo neo, tình ưu uất cảm khái, nên mượn chuyện ngậm vịnh để tiêu khiển, thế rồi chương cú cứ dần dần nhiều lên.

Đến năm Nhâm Tuất (1802), nhà riêng bị cháy sạch, đến một chữ cũng không sót lại, sách vở tản mác khắp nơi, tôi cũng chưa có khi nào rỗi rãi để sao chép lại.

Hơn mười năm lại đây, vì phiêu dạt về miền tây nam, mở trường dạy học để sinh sống hàng ngày, hồi tưởng chuyện thơ văn trước đây mơ mòng tựa mộng. Tôi cho rằng việc sưu tầm ghi chép lại, là việc của con cháu sau này.

May mắn thay tuổi già chưa đến nỗi lẩm cẩm, năm Giáp Tuất (1814), ở Thiên Lộc tôi nghỉ dạy học đã lâu, trong cảnh nhàn thú, bèn uỷ thác cho các con đi khắp nơi tìm thơ văn ngâm vịnh khi xưa, hoặc còn trong trí nhớ, hoặc tìm được trong những bản sao của bà con bạn bè, rồi đưa dần lên tôi xem. Tôi bèn để ý san thuật, tuỳ theo năm tháng sắp xếp thành từng loại, những bài thơ tản mác nhớ lại mà chép ra đặt tên là “Dật thi lược toản”; còn những phần tìm được nguyên bản thì sao chép lại và giữ nguyên tên cũ, mà gọi chung là “Dụ Am ngâm lục”, chia ra thành 6 sách, xấp xỉ 600 bài thơ, đại khái số thơ này còn được non nửa. Tôi đưa đứa cháu ngoại tên là Bảo chép lại. Mùa xuân năm nay (1815), cuốn sách chép xong, các con tôi đều tới xem, rồi mang đến xin tôi viết lời tựa.

Nghĩ rằng: Thơ văn tôi viết ra nhiều, trong đó những bài đáng lưu truyền thì còn ở trên cửa miệng mọi người, những bài không đáng lưu truyền cũng may mà mất mát, nay sưu tập được để giúp cho việc kê cứu, thì cũng là điều may mắn cho con cháu rồi. Thảng hoặc năm tháng còn được kéo dài, khi cao hứng ngâm nga, nếu thêm được tập thơ nhỏ nào khác nữa thì cũng là điều đáng mừng ngoài ý muốn của mình.

Các con hãy thu thập chép lại toàn bộ, cất giữ trong tráp trong tủ, đợi khi tìm được đầy đủ các mục của văn tập sẽ giữ làm của báu trong gia đình. Còn như khoe khoang vần luật, truyền khắp mọi người thì chẳng phải là mục đích làm thơ của ta. Vậy làm bài tựa này.

Ngày mồng một tháng ba năm Ất Hợi (1815), thời hoàng triều Gia Long thứ 14. Dụ Am Khiêm Thụ Phủ đề tại mái tây chùa Hồ Thiên.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cam đường 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Rườm rà cái cây cam đường
Ấy quan Thiệu Bá xưa thường nghỉ ngơi
Chớ vin! chớ bẻ! ai ơi
Chớ ai cắt lá! chớ ai đẵn cành!


Bài dịch này Tản Đà dịch gộp cả ba chương thiên Cam đường.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thái tần 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Đi hái rau tần
Ở gần bến khe
Đị hái rau tảo
Ở ngòi bên kia
Đựng vào những cái giỏ tre
Cái âu cái chã, ấy về nộm dưa
Dâng lên dưới cửa nhà thờ
Có cô bé nhỏ bây giờ đứng coi
Là người thành kính hơn ai.


Bài dịch này Tản Đà dịch gộp cả ba chương thiên Thái tần.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thảo trùng 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Con thảo trùng nó kêu
Con phụ trung nó nhẩy
Mong chàng chẳng thấy
Áy náy nguồn cơn
Chèo lên trái núi Nam sơn
Ta hái rau quuết
Lòng lo khôn xiêt
Ta hái rau vi
Lòng ta thương bi
Mong chàng, chàng hãy còn đi
Mong chàng chưa thấy, ta thì nhớ thương
Bao giờ cho thấy mặt chàng
Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng.


Bài dịch này Tản Đà dịch gộp cả ba chương thiên Thảo trùng.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thái phiền 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Rau phồn ở bến nước trong
Hái về làm việc trong cung công hầu
Như ai chăm chắm mái đầu
Nửa đêm gà gáy chực hầu nơi công
Đầu ai mái tóc thung dung
Khoan thai rằng ở nơi công ra về.


Bài dịch này Tản Đà dịch gộp cả ba chương thiên Thái phiền.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thước sào 3 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Con thước có tổ
Con cưu ở đông
Cô về nhà chồng
Xe cưới hàng trăm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thước sào 2 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Con thước có tổ
Con cưu ở không
Cô về nhà chồng
Xe tiễn hàng trăm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thước sào 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Con thước có tổ
Con cưu ở trong
Cô về nhà chồng
Xe đón hàng trăm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lân chi chỉ 1 (Khổng Tử): Bản dịch của Tản Đà

Chân con lân
Trán con lân
Sừng con lân
Công tử có nhân
Công tôn, công tộc có nhân
Con lân chừ con lân!


Bài dịch này Tản Đà dịch gộp cả ba chương của thiên Lân chi chỉ.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 900 trang (8997 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: