02/11/2024 06:57Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cái gọi là “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX”

100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX (2007)

Đăng bởi Vanachi vào 06/06/2020 23:32

 

Cuộc thi bình chọn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX do Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục phối hợp tổ chức đã kết thúc. Một ấn phẩm mang tên 100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX đã được ra đời. Nhiều người tìm đọc, trong đó có các nhà thơ và không ít người đã tỏ ra thất vọng, nghi ngờ.

1. Tham vọng quá lớn nhưng...

Có lẽ, những người tổ chức cuộc bình chọn chưa lường hết được sự phức tạp, khó khăn của công việc. Trong hàng chục vạn bài thơ Việt thế kỷ XX, chọn ra được 100 bài thơ xuất sắc nhất tiêu biểu cho nền thi ca nước nhà là việc khó vô cùng. Đã có không ít tuyển tập thơ hay Việt thế kỷ XX do một số nhà thơ chọn nhưng chưa có công trình nào thoả mãn được yêu cầu của người cầm bút và bạn đọc. Tuy nhiên, sự chọn lựa ấy luôn mang dấu ấn cá nhân của người làm tuyển và họ trực tiếp chịu trách nhiệm trước công chúng. Trung tâm Văn hoá doanh nhân có cách làm khác “tinh khôn” hơn rất nhiều là họ tổ chức cuộc bình chọn cho công chúng. Công chúng sẽ suy tôn ban tổ chức lên cao khi cuộc bình chọn thành công và cũng là bức bình phong che chắn cho họ khi cuộc chơi có vấn đề. Theo tôi, thì cuộc bình chọn 100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX đã thất bại về cách tổ chức và kết quả cụ thể.

Nói tham vọng quá lớn là nói đến tiêu chí của cuộc bình chọn được đề ra quá cao so với đối tượng dự thi. Nếu như Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục chỉ đề ra tiêu chí bình chọn 100 bài thơ Việt Nam thế kỷ XX được yêu thích nhất thì có lẽ vừa tầm hơn. Đằng nay, như kẻ “duy ý chí” các vị tổ chức cuộc bình chọn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX thì quả là quá sức, quá tải. Thẩm định thơ không phải là chuyện dễ và không phải ai cũng đủ tài để có cái nhìn bao quát nền thi ca dân tộc kéo dài suốt một thế kỷ.

Tham vọng quá lớn trong khi đó cách tổ chức thì thiếu khoa học, phiến diện. Cuộc bình chọn sẽ có độ chính xác cao khi đối tượng tham dự vừa đông đảo vừa mang tính đại diện cho nhiều tầng lớp công chúng yêu thơ Việt. Cuộc bình chọn do Trung tâm Văn hoá doanh nhân tổ chức không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu đó. Điều này đã được chính ngay nhà văn Lê Lựu - giám đốc Trung tâm - thừa nhận: sự bình chọn chủ yếu là sinh viên và học sinh trung học tham gia... (Evan - 07/3/2007). Nhiều đối tượng công chúng yêu thơ khác không tham gia đông đảo vào cuộc bình chọn này như các nhà thơ, nhà phê bình, nhà giáo, bộ đội, công nhân, nông dân... Tôi ngờ rằng, chỉ một số rất ít công chúng yêu thơ Việt biết Trung tâm Văn hoá doanh nhân tổ chức cuộc bình chọn này. Khi đối tượng công chúng tham gia bình chọn, vừa ít, vừa không đầy đủ thành phần xã hội thì kết quả lựa chọn làm sao chuẩn xác cao được.

Mặt khác, thì đây là cuộc bình chọn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX chứ không phải là chọn 100 tác giả có thơ hay nhất trong 100 năm ấy. Vậy thì, không lý gì phải cứng nhắc chọn 1 tác giả 1 bài thơ. Thực tế, trong thế kỷ XX không phải không có những tác giả có hơn 1 bài thơ hay nhất Việt. Có vẻ như cuộc bình chọn đã được lái theo chủ ý cứng nhắc của ban tổ chức và hội đồng thẩm định. Bởi không ít người nghi ngờ về một số tác giả, một số bài thơ được chọn trong tập 100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX này.

2. Đây chưa phải là 100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX

Do việc bình chọn chỉ được tiến hành trong một đối tượng hẹp lại có vẻ như được sự can thiệp của ban tổ chức nên kết quả bị sai lệch khá lớn. Cái sảy nảy cái ung, từ cách tổ chức thiếu khoa học, cẩn trọng nên những gì đã được trình bày trong tập 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX không những không tôn vinh thoả đáng cho nền thi ca dân tộc thế kỷ qua mà còn gây bức xúc trong nhiều người viết, người đọc. Một nhà thơ (thành viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN) có thơ chọn trong tập đã bực bội nói với tôi rằng: bài ấy đâu phải là bài hay nhất của mình, chọn thế chỉ tội làm cho thơ mình thấp đi thôi. Có vài nhà thơ đang định cư ở nước ngoài rất xa lạ với các nhà thơ trong nước, chứ đừng nói tới sinh viên học sinh cũng được chọn thơ hay nhất thế kỷ XX. Liệu, có điều gì quanh co ở đây không? Tôi đã nghe không ít người đặt câu hỏi như thế. Tôi đã đọc thơ in trong tập của các vị đó, không thể gán cho nó là hay nhất Việt thế kỷ XX được. Và, đáng buồn nhất là không ít bài thơ hay của Việt đã không được công chúng bình chọn để mắt tới. Tại sao không chọn Việt Bắc hoặc Bác ơi! - những bài thơ chính trị trữ tình xuất sắc tiêu biểu của Tố Hữu lại chọn bài “Khi con tu hú” bình thường của ông? Tại sao không có Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Lửa đèn của Phạm Tiến Duật, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu? Tại sao Trần Đăng Khoa có Gửi bác Trần Nhuận Minh, một bài thơ không hay lắm lại mất hút Mẹ ốm hay Hạt gạo làng ta? Buồn cười nhất là bài ca dao mới Bông và mây của Ngô Văn Phú cũng được cho là bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX...

Chưa nói đến sự sai sót trong in ấn, chỉ ngần ấy ví dụ ta cũng đã có thể khẳng định rằng đây chưa phải là 100 bài thơ hay nhất Việt thế kỷ XX. Muốn chọn được 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX cần phải có một công trình khác do một hội đồng chuyên môn cấp quốc gia đủ “tâm” và “tầm” tuyển lựa nghiêm túc chứ không thể thông qua một “cuộc chơi” lào phào được. Và, theo tôi thì không nên lấy ấn phẩm này giúp Nhà xuất bản Giáo Dục làm sách đưa vào giảng dạy trong nhà trường như ý kiến của nhà văn Lê Lựu, giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân.
Nguyễn Hữu Quý

In từ trang: https://www.thivien.net/ » » 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX (2007) » Cái gọi là “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX”