22/05/2024 09:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hiệp khách hành
俠客行

Tác giả: Lý Bạch - 李白

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi Vanachi vào 15/09/2005 22:26

 

Nguyên tác

趙客縵胡纓,
吳鉤霜雪明。
銀鞍照白馬,
颯沓如流星。
十步殺一人,
千里不留行。
事了拂衣去,
深藏身與名。
閑過信陵飲,
脫劍膝前橫。
將炙啖朱亥,
持觴勸侯嬴。
三杯吐然諾,
五岳倒為輕。
眼花耳熱後,
意氣素霓生。
救趙揮金鎚,
邯鄲先震驚。
千秋二壯士,
烜赫大樑城。
縱死俠骨香,
不慚世上英。
誰能書閣下,
白首太玄經。

Phiên âm

Triệu khách mạn hồ anh[1],
Ngô câu[2] sương tuyết minh.
Ngân an chiếu bạch mã,
Táp đạp như lưu tinh.
Thập bộ sát nhất nhân,
Thiên lý bất lưu hành.[3]
Sự liễu phất y khứ,
Thâm tàng thân dữ danh.
Nhàn quá Tín Lăng ẩm,
Thoát kiếm tất tiền hoành.
Tương chích đạm Chu Hợi,
Trì thương khuyến Hầu Doanh.
Tam bôi thổ nhiên nặc,
Ngũ nhạc đảo vi khinh.
Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
Ý khí tố nghê sinh.
Cứu Triệu huy kim chuỳ,
Hàm Đan tiên chấn kinh.
Thiên thu nhị tráng sĩ,
Huyên hách Đại Lương thành.
Túng tử hiệp cốt hương,
Bất tàm thế thượng anh.
Thuỳ năng thư các hạ,
Bạch thủ Thái huyền kinh[4].

Dịch nghĩa

Khách nước Triệu đeo giải mũ thô sơ
Thanh Ngô câu sáng như sương tuyết
Yên bạc soi chiếu con ngựa trắng
Lấp loáng như sao bay
(Thanh gươm) mười bước giết một người
Cho nên không đi xa ngàn dặm
Làm xong việc rũ áo ra đi
Ẩn kín thân thế cùng danh tiếng
Lúc nhàn rỗi qua nhà Tín Lăng quân
Cởi kiếm ra để ngang trên gối
Đem chả nướng mời Chu Hợi
Cầm chén rượu mời Hầu Doanh
Uống ba ly chân thành gật đầu
Năm trái núi lớn thật xem là nhẹ
Sau khi mắt hoa, tai nóng bừng
Ý khí như cầu vồng trắng bốc sinh
Vung cây chuỳ cứu nước Triệu
Thành Hàm Đan trước tiên đã chấn kinh
Hai tráng sĩ ngàn năm sau
Thanh danh lẫy lừng thành Đại Lương
Dù cho chết xương cốt hiệp sĩ còn thơm
Không hổ thẹn với anh hùng trên thế gian
Ai là người có thể ngồi viết sách dưới gác
Bạc đầu với cuốn kinh Thái huyền

Bản dịch của (Không rõ)

Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Kiếm Ngô Câu rực rỡ tuyết sương
Ngân yên bạch mã huy hoàng
Vó câu vun vút như ngàn sao bay
Cách mười bước giết người chẳng trật
Ngàn dặm xa vùng vẫy mà chi?
Việc xong rũ áo ra đi
Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm
Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến
Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi
Này nem này rượu khuyên mời
Bên thời Chu Hợi bên thời Hầu Doanh
Ba chén cạn, thân mình xá kể?
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng!
Mắt hoa mặt đã nóng bừng
Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh
Chùy cứu Triệu vung tay khảng khái
Thành Hàm Đan run rẩy kinh hoàng
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương
Người dù thác xương còn thơm ngát
Chẳng hổ ngươi đáng mặt anh hào!
Kìa ai ẩn náu lên lầu
Chép kinh đến thủa bạc đầu chưa xong?
Đây là một bài nhạc phủ cổ đề, thuộc Tạp khúc ca từ.

Nguỵ Vô Kỵ được anh là Nguỵ An Ly vương phong làm Tín Lăng quân. Ở thành Đại Lương, kinh đô của nước Nguỵ, có một ẩn sĩ 70 tuổi tên là Hầu Doanh. Tín Lăng quân rất trọng Hầu Doanh, tôn làm thượng khách. Hầu Doanh tiến cử người đồ tể tên là Chu Hợi, cũng là một ẩn sĩ hiền tài. Năm thứ 20 đời Nguỵ An Ly vương, quân Tần vây thành Hàm Đan của nước Triệu. Vua Nguỵ sai tướng Tấn Bỉ mang quân sang cứu Triệu, nhưng sau sợ uy thế của Tần, do đó không tiến quân. Tín Lăng quân vì bạn là Bình Nguyên quân đang bị vây ở Triệu, hết lời xin vua Nguỵ cho tiến quân, nhưng vua Nguỵ không nghe. Theo kế của Hầu Doanh, Tín Lăng quân nhờ vương phi Như Cơ, lấy trộm được binh phù của vua Nguỵ, đem đi ra lệnh cho Tấn Bỉ tiến quân. Tấn Bỉ nghi ngờ không tuân lệnh. Chu Hợi liền rút cây chuỳ sắt nặng 40 cân, giết chết Tấn Bỉ. Nhờ đó Tín Lăng quân dem quân đánh đuổi được quân Tần, cứu nguy cho thành Hàm Đan và Bình Nguyên quân.

[1] Giải mũ thô sơ, không có văn vẻ.
[2] Một loại đao đầu hơi cong, tương truyền do vua Hạp Lư nước Ngô chế ra, sau dùng để phiếm chỉ đao sắc.
[3] Sách Trang Tử có câu: “Thanh kiếm của tôi cứ mười bước lại giết chết một người, vì thế không để cho đi xa ngàn dặm”.
[4] Dương Hùng là người có văn tài, làm chức lang trung ở đời Hán Thành Đế. Đến thời Vương Mãng, làm chức hiệu thư tại Thiên Lộc các, có mô phỏng Kinh Dịch làm ra sách Thái huyền kinh. Nhân việc, sợ bị bắt, gieo mình từ trên gác xuống, gần chết.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Bạch » Hiệp khách hành