Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Giới thiệu nhà thơ yêu nước:

Học Lạc (1842-1915)

I.Tiểu sử sơ lược:

Học Lạc tên thật là Nguyễn Văn Lạc, có biệt hiệu là Sầm Giang.
Ông có trí thông minh từ thuở nhỏ, nhà nghèo nên được tuyển thẳng vào ngạch học sinh, ngạch do triều đình nhà Nguyễn đặt ra, được cấp lương và được học tại trường của quan Đốc học địa phương.
Do đó, người ta mới gọi là Học sinh Lạc, dần dần lại bỏ mất chữ "sinh", còn lại hai chữ  "Học Lạc" chắc là để tiện xưng hô.

Ông người làng Mỹ Chánh, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Ông học rất giỏi, nhưng không đỗ đạt.
Theo báo Mai số 58 ngày 24/4/37, Học Lạc mất vào năm 1915, niên hiệu Duy Tân thứ IX, nhằm năm Ất Dậu âm lịch.
Nhiều người truyền tụng bài ca trù sau đây mà người ta bảo là do Học Lạc sáng tác:

Năm Kỷ Sửu tuổi vừa bốn tám,
Lấy gương soi ngẩm lại luống cười thầm.
Tóc tơ đã nhuốm điểm hoa râm,
Nhỏ rồi lớn, lớn rồi già, già trối kệ.
Thân hạt lúa nổi chìm trên mặt bể,
Cánh chim hồng cao thấp dưới chân trời.
Thôi từ đây đến năm mươi, sáu, bảy, tám, chín, mười mươi.
Già một kiếp, cũng ngày tàn chó mãn kiếp.
Nhập thế cuộc bất khả vô công nghiệp,
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân.
Nhưng mà lúc thiếu niên đã lỡ bước thanh vân,
Giờ lão cảnh phải an bề bạch bố.
Say dựa gối ngâm thơ ngâm thơ cho vợ ngủ,
Buồn chong đèn đánh kiệu với con chơi.
Gia đình này đã sẳn có thú vui,
Lọ là phải Nam, Bắc thương hoàng cho nhọc xác.
Nhìn thế sự nay đà đổi khác,
Ngẫm bất tái nên há dễ bôn chôn.
Co tay một giấc hành môn.

Nếu căn cứ vào bài ca trù trên đây đúng là của Học Lạc, lấy ngày ông mất ở báo Mai là năm Ất Dậu (1915), so với lúc làm bài ca trù trên vào năm Kỷ Sửu, Học Lạc được 48 tuổi, tính ngược lại thì ông sinh vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ hai (1842). Như vậy ông sinh vào năm Nhâm Dần (1842), mất vào năm Ất Dậu (1915), hưởng thọ 73 tuổi.

Và vì thi mãi không đậu, buồn vì vận nước chông chênh, khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Phần, triều đình Huế phải ký hòa ước năm 1862 nhường đứt 3 tỉnh này cho Pháp, và phải trả 4 triệu về tiền quân phí, Học Lạc không còn trông mong gì đến việc thi cử nữa. Ông liền rời bỏ làng Mỹ Chánh, dời nhà về chợ Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) lấy nghề dạy học và bốc thuốc độ thân.

II.Giới thiệu một số bài thơ cùng một số tư liệu viết về ông:

Vốn có tính ngông ngạo của một nhà nho lỡ vận, bên cạnh một số bài ông viết về quê hương để qua đó gửi gấm tình ý, Học Lạc còn  dùng văn thơ để châm biến thói đời, những trò đạo đức giả; mỉa mai, bỡn cợt bọn hương lý, bọn người làm tay sai cho giặc… bằng những vần thơ tả cảnh gợi tình rất sinh động.
Trong khuynh hướng thi văn, người ta xếp Học Lạc vào các nhà thơ có khuynh hướng trào phúng như Nguyễn Quý Tân, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến...
Xét về nhân cách, phẩm chất; nhà văn Sơn Nam đã xếp Học Lạc bên cạnh Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị...trong đề mục: Những kẻ sĩ hòa mình và đứng về phía bình dân. trong sách Nói về miền Nam…
Sau đây là vài bài thơ:

Mỹ Tho tức cảnh

Trên Saigon dưới Mỹ Tho,
Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho.
Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngã,
Cũ mới phân nhau cũng một đò.
Phố cất vẽ vời xanh tựa lục,
Buồm dong lên xuống trắng như cò.
Đắc tình trạo tử nên mưa nắng,
Dắn dỏi đua nhau tiếng hát đò.


Con trâu

Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu.
Trong bụng lam nham ba lá sách.
Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu,
Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
Năm giây đàn gẫy biết chi đâu

Con tôm

Chẳng phải vương công chẳng phải hầu
Học đòi đái kiếm lại mang râu.
Khoe khoang mắt đỏ trong dòng bích,
Chẳng biết mình va cứt lộn đầu.
Dễ muốn ăn chơi thế vậy a?

Ăn cao lâu

Dễ muốn ăn chơi thế vậy a?
Người đời thắm thoát bóng câu qua.
Tháng ngày thoi trở năm cùng thúc,
Tơ tóc sương bay tóc đã già.
Khiễn hứng no nê mùi Quảng tống,
Tiêu sầu quay mặt rượu lang sa.
Trải xem ai nấy đều mê mệt,
Há dễ mình ta tỉnh đặng mà.

Tức cảnh ban chiều

Ngó ra ngoài ngõ gió hiu hiu,
Xem thấy cảnh trời, trời đã chiều
Hăm hở trẻ con múa lại hát,
Đứa thì làm tướng, đứa làm yêu.

Chó chết trôi

Sống thời bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác thả dòng sông xác nổi phều
Vằn vện sắc còn phơi lẩn dẩn,
Thốt tha danh hỡi, nổi lêu bêu
Tới lui bịn rịn, bầy tôm tép,
Đưa đón lau xao, lũ quạ diều
Một trận sóng dồi cùng gió dập,
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Trong tập"Nam thi hợp tuyển" xuất bản tại Saigon năm 1943, viết về tiểu sử của Học Lạc, ông Phan Văn Thiết có nói:
"Ông (Học Lạc) có tài làm thơ Nôm, xuất khẩu thành thi. Ông là bạn học với Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa, Thủ Khoa Thâm, Tấn sĩ Đạo, Tấn sĩ Thông...mấy ông này mặc dù đỗ cao, vẫn kinh nhường ông về tài học.

Về tình bè bạn, Học Lạc cũng tỏ ra rất nồng nàn thắm thiết.
Như trong bài"Tống Nguyễn Liên Phong", Học Lạc tiễn đưa bạn bằng một bài thất ngôn Đường luật, khi ông này đến từ giã ông để qua Rạch Gầm dạy học chữ Nho, với lời lẽ chân thành gợi cảm:

Le the một cụm Thuộc Nhiêu giòng,
Chân bước đi rồi, mắt lại trông.
Chỉ nhện lăng nhăng cò vướng cánh,
Bãi lau luẩn quẩn cá quên sông.
Tấm lòng qua lại cầu Ba Bếp,
Khúc ruột quanh co rạch Lão Tòng.
Hai chữ tương tư đầy nặng gánh,
Nước non thăm thẳm biết hay không?

Ngay trong bài thơ cùng một vận, ca ngợi thú dưỡng nhàn ở giồng Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) được xem là một trong Ba Giồng, Học Lạc cũng gởi gấm ít nhiều tình cảm tha thiết.
Thuộc Nhiêu tức cảnh

Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng,
Cánh Thuộc Nhiêu nhều khách ngợp trông,
Đường cũ, ngựa biêu chơn ngán bước,
Rạch cùng, cá lội mến quên sông
Trướng văn lắm kẻ thêu rồng cọp,
Miếu võ nhiều tay trí bá tòng.
Cứng cáp thú quê vui tục cũ,
Thềm dâu ruộng mía dễ cho không?

Trong tập thi nhan đề là "Điếu cổ hạ kim thi tập" xuất bản tại Saigon vào năm 1919, Nguyễn Liên Phong ( ông còn là người viết tác phẩm Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca vào năm 1909) cũng có nói đến hình dáng, tài học, đức độ của Học Lạc tương tự như trên:

"Ngài (tức là Học Lạc) uyên súc lắm, chuyên trị nghề y dược, cứu bệnh người ta lành mạnh đặng nhiều. Ngài hình trạng nhỏ thó, nước da trắng, thấp người, không râu, tiếng nói rang rảng như chuông. Nghề bói diệc cũng là sở trường...Thú cầm kỳ thi họa, ngài đều biết đủ; luận theo sức văn học tài bộ thì xấp xỉ với ông Đồ Chiểu và ông Cử Trị.

Ngài, sau tị nạn binh lửa dời lên ở chợ Thuộc nhiêu, cất ba căn nhà lá dạy học chữ Nho, chuyên y đạo, tế nhân độ thế rất nhiều, tánh lại khí khái, trọng nghĩa sơ tài. Tôi gặp Ngài tại chợ Thuộc Nhiêu, giao du với nhau lấy làm tương đắc...Ngài thương tôi như em, bất kỳ là bài thuốc chí hay, Ngài đều chỉ bảo cho tôi cả. Ngài, hơi thi quốc âm tao nhã lắm."



Trong tập"Chương dân thi thoại", ông Phan Khôi có viết như sau về việc Học Lạc bị làng bắt"đóng trăng":

"Ngày xưa trong dân gian ta, nhiều làng có tục cúng xôi. Hễ đến ngày làng"kỳ yên" thì viên quan, chức sắc trong làng mỗi người phải đem một cỗ xôi ra đình để cúng thần. Tục ấy có nhiều làng Trung, Nam kỳ đến nay vẫn còn giữ.
Ông Học Lạc là chân học sinh ngày xưa, chức sắc trong làng nên cũng theo lệ ấy. Mà ông Lạc người hay ngạo đời, có một lần, trên mâm xôi ông đem ra đình, ông đề hai chữ"Thằng Lạc" thay vì chức tước và tên họ( sẽ trích dẫn bài ngay sau đây)  
Trong đám làng cũng có những người vai trên, lấy cớ ấy mà quở trách sao ông xấc xược, ông Học Lạc bèn làm bài thơ này (tức là bài thơ"Ngồi trăng" phía dưới đây).
Đại để như việc đề chữ trên mâm xôi đây, đủ làm cho người làng hờn ghen, thành ra có sự vu cho đánh bông vụ (tức là đánh"thò lò") mà bắt ông đóng trăng...Có người lại nói Học Lạc bị bắt đóng trăng lần đó là tại cớ ông làm thuốc mà không có giấy phép..."

Trái lại, ông Phan Văn Hùm cho nguyên nhân vì sao mà Học Lạc làm bài thơ"ngồi trăng" bằng những lời dưới đây, mà ông cho là do theo lời của ông Nguyễn Tất Đại ở Cần Thơ, nguyên chủ bút nhật báo"An Hà" là một người bạn thân của Học Lạc từ trước cho biết:

"Trong làng ông Học Lạc có ông Nhiêu Dự. Ông này cũng nhà Nho nhưng học kém mói ra làm hương chức. Ông Lạc với ông Dự vốn không ưa nhau. Thường khi say rượu, ông Lạc vẫn đem ông Dự ra chửi.Ỷ quyền làm lộng, ông Dự bắt ông Lạc đóng trăng, một khi ông lạc say rượu chửi ông như thường lệ. Khi ấy có người khách trú bị tội đánh bông vụ cũng ngồi chung. Ông Lạc mới làm thơ thuật lại sự đó"

Đây là bài:
Tạ Hương đảng
Vành mâm xôi để thằng Lạc,
Nghĩ mình ti tiện không đài các
Văn chương chẳng phải bợm mèo quào,
Danh lợi không ra cái cóc rác.
Bởi thế bơ thờ thẹn núi sông,
Dám đâu lúc láo ngạo cô bác,
Việc này dẫu có thấu lòng chăng,
Trong có ông thần, ngoài cặp hạc.

và Ngồi trăng

Hoá An Nam, lứ khách trú,
Trăng trói lăng xăng nhau một lũ.
Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc, Nam,
Trong tai, cắc cớ xui đoàn tụ.
Bọn làng chẳng vị sĩ năm kinh,
Ông Bổn không thương người bảy phủ.
Phạt ta xong rồi trở lại nhà,
Hoa thời hốt thuốc, lứ bông vụ.

III.Trích 2 bài thơ điếu ông, để thay cho lời kết:
Đến khi ông mất, bà vợ là bà Bảy Khánh vốn cũng là một nữ sĩ, có làm một bài thơ để khóc chồng:
Chiếc bánh lỡ vời

Đùng đùng sóng gió khéo nương hơi,
Chiếc bánh lênh đênh mới lỡ vời,
Lố xố hoa theo khoan lại thúc,
Lạo xạo gấm về nhặt rồi lơi.
Mảnh buồn lững thững trôi trên nước,
Bánh nguyệt chơi vơi đứng giữa trời.
Chèo hạ so le ngơi mái nhịp
Thuyền tình thong thả, bể buông khơi.

Người bạn đồng thời với ông là Nguyễn Liên Phong đã đến phúng điếu ông bằng một bài thơ cổ phong ngụ ngôn, có những lời lẽ vô cùng cảm động như sau:

Thầy Học tính vui vẻ,
Hình dung xem nhỏ nhẹ.
Tiếng nói rảng như chuông,
Giọng ngâm nga quá ghẹ.
Đầu thang, thuốc nổi danh,
Bói dịch, nghề hay quẻ.
Thi phú giọng hơi cao,
Kim tranh phi ngón lẹ.
Văn minh hay đổi dời,
Tập tục ngày khác lẽ.
Sống dai mệt xác phàm,
Thác trước con ma khoẻ.
Cố nhân mất đã lâu.Linh săng hay chẳng lẽ.
Còn ta với Nhiêu Phang,
Bạn tác xưa mấy kẻ...?

Tài liêu sử dụng:

Tư liệu chủ yếu tôi lấy từ sách THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH DANH NHÂN TỪ ĐIỂN của GS TRỊNH VÂN THANH, nhà xb Hồn Thiêng, Sài Gòn năm 1965.(tài liệu do anh Nguyễn Hữu Hiệp, ở Nha Trang cung cấp qua Internet)
Và mấy bài thơ, ngoài  nguồn trên, tôi còn rút thêm trong tập Danh nhân nước nhà của Đào Văn Hội.
(sách quá cũ, mất trang bìa, không rõ nxb và năm xb).

Vài lời nói riêng với bạn đọc:
Nhất là các bạn ở Mỹ Tho nếu có hình ảnh, thơ văn hay bất kỳ tư liệu nào khác với những gì đã nêu trên, xin vui lòng chia sẻ để bài soạn được tốt hơn.

Bùi Thụy Đào Nguyên cảm tạ trước.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]