Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

nhathoquandoi

UỐNG RƯỢU VỚI CHỒNG
Nguyễn Lam Điền

Quanh năm khó nhọc bộn bề
Sớm đi sấp ngửa, tối về đăm chiêu
Ngược xuôi chạy trốn cái nghèo
Bao nhiêu hy vọng thả theo gió trời

Oái oăm là cái sự đời
Có trôi chảy cũng nửa vời đắng cay
Ngồi buồn rót rượu ra say
Chén này nhắm với nỗi này phải không?

Ừ thì đắng nuốt vào lòng
Cay phà vào gió mênh mông quanh mình
Mặc cho thiên hạ rập rình
Ta ngồi đây rót cho mình, cho nhau

Này là bể khổ nguồn đau
Này là đò chật sông sâu chập chờn
Nhấp môi chạm phải cơn nguồn
Gió  ào ạt gió, mây lờn vờn mây

Thì mình cứ rót em say
Tựa vào hơi ấm mà bay một lần
Đất xa, trời tạt xuống gần
Chung chiêng cả mấy mươi lần thế gian...

Lời bình của Đặng Văn Sinh:

    Đọc bài thơ, hẳn là giới mày râu phải ngạc nhiên, bởi từ cổ chí kim, hiếm có người đàn bà ngồi buồn rủ chồng uống rượu. Nhân vật trung tâm của bài thơ hiển nhiên là người vợ, anh chồng chỉ đóng vai trò thứ yếu, xuất hiện như một cái cớ, thông qua hình tượng chén rượu để người vợ bộc lộ tâm trạng. Ngay từ những câu đầu tiên, người đọc đã thoáng nhận ra, có một cái gì đó bất ổn, mất cân bằng, bị dồn nén quá lâu, luôn có nhu cầu giải phóng. Đây là tâm trạng dằn vặt, u uất của cặp vợ chồng gặp rủi ro sau những tháng năm dài bươn chải kiếm sống. Có điều họ là những người đủ bản lĩnh, hiểu được thế thái nhân tình, âm thầm nhìn đời mà chiêm nghiệm. Thực ra, rượu chỉ là cái cớ, người phụ nữ ấy chắc chả uống được đến nửa chén nhưng bản lĩnh thật đáo để, cương cường, quyết đoán đến mức dám thách thức cả thế gian. Cứ theo văn bản mà xét, hầu hết những câu thơ đều toát lên nỗi ngậm ngùi, ẩn chứa những giọt nước mắt, lúc thì lẳng lặng "nuốt vào lòng" mặc cho dòng đời đưa đẩy, lúc thì như muốn vỡ òa, hiển hiện thành lời cay đắng thậm chí chao chát. Cách vận dụng lớp từ láy, từ ghép ở đây đạt đến hiệu quả bất ngờ làm người đọc không khỏi sửng sốt trước khả năng diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ dân gian thông qua những cấu trúc gần với thành ngữ của tác giả: "Oái oăm là cái sự đời", " Ừ thì đắng nuốt vào lòng", "Này là bể khổ nguồn đau / Này là đò chật sông sâu chập chờn"... Đến đây thì chẳng ai còn nghi ngờ tính chất tượng trưng của rượu. Rượu chỉ là một cách nói còn nỗi cay đắng, nghèo hèn mới là có thật.
    Tâm trạng người vợ lần lượt được biểu hiện qua những dòng thơ hình dung cuộc nhân sinh đầy bất trắc. Họ phải chống chọi với đủ thứ nguy nan hữu hình và vô hình, không chỉ của Trời, Đất mà mà của cả đồng loại trong cuộc canh tranh khốc liệt. Đó là "bể khổ", "nguồn đau", "đò chật", "sông sâu", "gió ào ạt", "mây lờn vờn"... Những lớp từ ấy giàu biểu cảm, đa nghĩa, đa thanh, đọc  nghe như xoáy vào lòng tạo thành nỗi ám ảnh sợ hãi như một thứ định mệnh truyền kiếp. Trong trạng thái "chung chiêng", nghĩa là nửa tỉnh nửa say, người phụ nữ nhìn thế gian bằng con mắt có chút hơi men nên cảm thấy thứ gì cũng chao đảo, bồng bềnh nhưng cũng là lúc người ta dễ nói thật lòng mình nhất. Tư thế của cặp vợ chồng này là an nhiên tự tại, phong cách thật ngạo nghễ, nhìn thiên hạ nhốn nháo trong guồng quay tạo hóa bằng tâm trạng của một người thua thiệt nhưng có vẻ như không mấy bi quan :"Mặc cho thiên hạ rập rình / Ta ngồi đây rót cho mình, cho nhau" Rót cái gì? Rót rượu hay rót những nổi chìm của kiếp người? Đến đây ta dễ liên tưởng đến một câu Kiều :" Nỗi lòng nghĩ đến sau này mà kinh" khi mà trước mắt bày ra toàn những "bể khổ", "nguồn đau", "đò chật", "sông sâu" nghe thấp thoáng đâu đây nỗi "đoạn trường" của một nàng Kiều hiện đại.
    Về bố cục, bài thơ được chia là hai phần nhưng có sự gián cách. Phần một gồm bốn câu đầu và bốn câu cuối, phần còn lại là mười hai câu giữa, từ "Oái oăm là cái sự đời" đến "Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây". Phần thứ nhất, bao hàm cả bốn câu cuối như một vĩ thanh, là lục bát hiện đại phát triển từ ca dao, tục ngữ, được hoàn thiện với khả năng phu diễn khá chính xác hoàn cảnh bế tắc gần như không lối thoát của cặp vợ chồng nghèo trên cái nền không gian buồn tẻ, tù túng. Thế nhưng bốn câu cuối lại mở ra cả một chân trời mới đầy chất lãng mạn, bay bổng, hình thành một cảm quan có biên độ giãn nở rộng, không bó chặt như nỗi đoạn trường của nàng Kiều mà ý tứ phóng túng, ngôn ngữ khoáng đạt. Cuộc song ẩm giờ đây đã biến nỗi đau khổ thành vấn đề triết lý nhân sinh. Bằng sự thăng hoa trong tâm tưởng, họ đem số phận, tư cách và cả tình yêu của mình đánh đổi lấy "cả mấy mươi phần thế gian". Chén rượu tình ở đây hẳn là cay đắng nhưng là "chén đồng" có sức mạnh làm nghiêng vũ trụ. Hơi ấm ở đây chính là nội lực tình yêu, tình nghĩa vợ chồng. Trong men say lãng đãng, mọi thứ dường như đều "chung chiêng". Chồng say, vợ say, tâm hồn chống chếnh, họ như bay lên tầng trời hạnh phúc. Đó là thứ thiên đường "cả mấy mươi phần thế gian" ở ngay trong cõi nhân gian.
    Mười hai câu giữa khác hẳn về mặt thi pháp. Đây là đoạn lục bát mang phong cách tập Kiều mà hồn cốt của nó không gì khác hơn là "nỗi đoạn trường". Ở đây ta bắt gặp đủ kiểu lập ý, lập tứ, cấu trúc câu, trong đó có cả những câu đanh quánh, riết róng hoặc thâm trầm nghiệt ngã. Một dàn những tổ hợp từ biến hóa như có phép màu rút ra từ thi pháp Truyện Kiều tạo thành các cặp tiểu đối, so sánh, tỷ dụ đẩy cảnh nghèo đến mức lý tưởng làm người đọc sững sờ trước tài "phù phép" của tác giả. Những câu :"Chén này nhắm với nỗi này phải không?" hoặc :"Này là bể khổ nguồn đau/ Này là đò chật sông sâu chập chờn / Nhấp môi chạm phải cơn nguồn/ Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây" là sự đóng góp rất đáng kể trong hành trình lục bát. Sự sắc sảo của Nguyễn Lam Điền còn ở chỗ, chị dùng thể loại lục bát tryền thống để tập Kiều mà không bị sa vào thứ văn vần dung tục.
    Có thể nói, Uống rượu với chồng là một thành công bất ngờ. Nó tạo được sự hấp dẫn đặc biệt bởi trong đó hàm chứa một triết lý nhân sinh, một quan niệm sống, một thái độ ứng xử bằng những lớp từ giàu sắc thái với nội hàm phong phú. Cặp vợ chồng uống rượu trên một cái nền "chung chiêng", từ điểm xuất phát ấy, cái tôi nghệ sỹ bình thản hòa vào kiếp người bằng nguồn cảm hứng  tình yêu, dù nhìn thiên hạ bằng con mắt la đà của chén rượu đắng nhưng tâm thức họ lại rất tỉnh. Cũng bởi trạng thái tỉnh trong lúc say ấy mới có được những hình ảnh "đoạn trường thơ" như "sấp ngửa", "đăm chiêu", "thiên hạ rập rình", "đò chật sông sâu", "đất xa trời tạt xuống gần / Chung chiêng cả mấy mươi phần thế gian". Đó là những câu chữ có sức nặng được đặt vào đúng ngữ cảnh, thoát khỏi những ràng buộc về cú pháp tạo nên sự đồng điệu tâm hồn.
Đặng Văn Sinh
Nhathoquandoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

ĐƯỜNG QUÊ
Vũ Tuấn Anh

Đã lâu tôi lại bước đi
Trên đường lát gạch nhẵn lỳ dấu chân
Hình như đường nói thì thầm
Bảo tôi cứ để chân trần như xưa.
Để xem còn nhớ buổi trưa
Đói bụng, vai vác chiếc bừa sau trâu
Để xem hơi đất mỡ màu
Còn làm mát dịu mười đầu ngón chân
Để xem còn thương người thân
Sớm trưa cầy cấy, chuyên cần, gieo neo
Để xem còn nhớ cảnh nghèo
Bát cơm, manh áo theo vào giấc mơ
Để xem còn nhớ câu thơ
Gửi cho bạn gái trong giờ ra chơi
Có còn nhớ tiếng à ơi
Lời ru của mẹ đưa nôi thuở nào
Có còn nhớ ánh trăng sao
Bụi tre, hay rặng phi lao từng ngồi...

Đường quê ơi, vẫn thế thôi !
Vẹn nguyên, thêm chút bồi hồi hôm nay.
----------------------------------


NỖI NHỚ "ĐƯỜNG QUÊ"

     Trong rừng thơ lục bát nước Việt Nam ta có rất nhiều bài thơ hay, nhưng tìm được bài thơ mà mình thích cũng không dễ. Cũng là rất tình cờ, tôi đã gặp được bài thơ mà đọc lên, tôi thấy thích. Đó là bài thơ “Đường quê” của tác giả trẻ Vũ Tuấn Anh, đăng trên báo Biên Phòng, số ra tháng Ba năm 2009. Tôi thích bài thơ vì như thấy có mình trong đó, cho tôi nỗi nhớ về một làng quê nghèo khó mà tôi, cũng như nhiều người đã từng sống, đến bây giờ nó đã đổi thay. Nhưng còn lại trên hết là những kỷ niệm một thời, vì sau những năm xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những sự nghèo khó của làng quê xưa đã trở thành hoài niệm.
         Tôi theo “Đường quê” với tác giả để trở lại với cảm giác của người xa quê:
“Đã lâu tôi lại bước đi
Trên đường lát gạch nhẵn lỳ dấu chân”.
         Mở đầu bài thơ, tác giả cho bạn đọc nhận thấy về một làng quê cổ kính, nơi có con đường lát gạch “nhẵn lỳ dấu chân”. Thuở xưa, chỉ có những làng quê giàu có hay ngõ vào nhà quan mới có đường lát gạch để đi. Cũng nhiều nơi giữ được phong tục đẹp là trong làng có ai dựng vợ, gả chồng hay có người đỗ đạt thì tự nguyện lát gạch vài mét đường để đi như là sự tri ân bậc sinh thành và bà con làng xóm. Phải từ truyền thống lâu đời của làng quê mình, từ tình yêu trong sâu thẳm con người mới lưu giữ lâu bền nỗi nhớ, để bật lên thành những câu thơ dung dị mà tác giả nhân cách hóa, thông qua hình ảnh “đường nói thì thầm” để giãi bày tâm sự.
         Một làng quê nghèo khó cứ dần hiện lên qua những câu thơ rất rõ ràng và cuốn hút người đọc qua những hình ảnh “chân trần”, “buổi trưa đói bụng”, “vai vác chiếc bừa sau trâu”, “bát cơm, manh áo theo vào giấc mơ”… Không ai khi có được sự no ấm lại không nhớ về thuở hàn vi. Mà lạ, cứ nhớ đến thời gian khổ, hình ảnh tuổi thơ, làng quê “chân lấm, tay bùn” lại hiện lên. Cái thời ấy khi người ta sống, phần do cơ cực, cố gắng kiếm miếng cơm, tấm áo, ngỡ chẳng ai nhớ tới. Rồi cả thời học sinh thơ ấu, từ câu thơ viết gửi cho bạn gái giờ ra chơi. Cả tiếng à ơi mẹ ru thời nằm nôi nuôi ta lớn lên. Tất cả đều rất bình thường. Thế mà một chiều trở lại đường quê, sau bao năm phiêu bạt, rong ruổi xứ người, kỷ niệm lại ùa về:
Có còn nhớ ánh trăng sao
Bụi tre hay rặng phi lao từng ngồi...
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết rất hay và chân thực: “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở-Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Ở Vũ Tuấn Anh cũng vậy, khi đi trên con đường quê, anh mới cụ thể nỗi nhớ, những hoài niệm sau bao năm đi xa của mình. Tất cả những kỷ niệm thời ấu thơ, sự vất vả lam lũ của người quê, những cảnh vật làng quê tác giả đã sống ùa về như còn nguyên vẹn:
Đường quê ơi, vẫn thế thôi!
Vẹn nguyên, thêm chút bồi hồi hôm nay.
Bài thơ nhẹ nhàng nhưng đọc lên thấy lòng xao xuyến và càng đọc, lòng tôi càng nặng những nỗi niềm. Tác giả thể hiện bài thơ bằng mười cặp lục bát, mang âm hưởng dân gian, tạo cho người đọc sự gần gũi và dễ đồng cảm. Sự đồng cảm còn thể hiện trong từng hình ảnh, cảnh vật nơi thôn dã, bằng lời thơ giản dị, dễ hiểu. Tác giả không sử dụng nhiều những kỹ thuật để tạo dựng nên bài thơ mà cứ để cảm xúc tự lột tả ý tứ, suy nghĩ của mình. Người đọc nhận ra sự chân thật, chân thành của tác giả mà dễ tha thứ cho sự tản mạn và nhiều lời của bài thơ. Những điệp từ “để xem”, “có còn” trong bài thơ là ví dụ, vì “xem” là đã bày ra trước mắt, đã thấy, sử dụng ngôn từ như thế là chưa chặt chẽ. Thường người ta cảm nhận nỗi nhớ, niềm thương bằng những cung bậc riêng, sâu kín chứ không nói “để xem còn thương người thân”, hay “để xem cảnh nghèo”. Ngay cả việc dùng câu “Để xem hơi đất mỡ màu” cũng là chưa ổn khi dụng từ “xem”. Tuy nhiên, bài thơ tạo cho người đọc sự rung động hồn nhiên, thấm được hồn quê nên những câu chữ còn dùng sai như trên dễ được tha bổng./.
23-3-2009
Nguyễn Đình Xuân
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

BAN MAI

   Ban mai dịu dàng, em chợt thức
   Anh quờ tay ôm, rạo rực môi mềm
   Ngỡ ngàng vụt khỏi giấc mơ đêm
   Vít cổ anh, môi riết môi ngọt lịm

   Thả người đàn bà vào hoang dại của đêm
   ngu ngơ tìm hương bông hoa lạ
   Con mèo cái động tình, tiếng dế râm ran, trăng rơi rơi kẽ lá
   Ve vuốt ngọt ngào, lãng đãng ngọn gió xa

   Người đàn bà đang yêu trong mơ
   Nhân tình của em là màn đêm, dịu dàng siết chặt
   Thân thể buông mềm, mắt môi … say ngây ngất
   Đêm nhẹ nhàng đêm…

   Ban mai đến gần, anh hiện hữu giấc mơ em

Vũ Thị Minh Nguyệt
-------------------------------
"Ban mai" của niềm khao khát

   Tôi đọc được bài thơ này trong tập thơ "Dấu yêu ơi" do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành tháng 11-2008 của một cây bút nữ quê Thái Bình: Vũ Thị Minh Nguyệt. Bài thơ khiến tôi liên tưởng tới những sự "xé rào" về cảm xúc, về ngôn ngữ của những nhà thơ trẻ hiện nay như Vi Thùy Linh... Điều tôi cảm nhận được ở bài thơ chính là nỗi khát khao của người đàn bà sau một đêm truy hoan nhưng chưa thỏa niềm đam mê cháy bỏng.
   Sẽ là rất đỗi bình thường của cuộc sống chung chăn, chung gối giữa người đàn ông và dàn bà khi đọc khổ thơ đầu:  
    Ban mai dịu dàng, em chợt thức
   Anh quờ tay ôm, rạo rực môi mềm
   Ngỡ ngàng vụt khỏi giấc mơ đêm
   Vít cổ anh, môi riết môi ngọt lịm.
   Nhưng bắt đầu từ đây là cánh cửa hé mở cho nỗi khát khao của người đàn bà, bởi vì sau một đêm dâng hiến, đầy cảm xúc đã tan biến, để "Ngỡ ngàng vụt khỏi giấc mơ đêm". Sự trần tục vào sớm ban mai hiện ra sau một đêm đầy khao khát: " Thả người đàn bà vào hoang dại của đêm/ngu ngơ tìm hương bông hoa lạ". Dù có lý giải bằng những âm thanh của loài mèo khi động tình, của loài dế lúc truy hoan, hay cả những ánh trăng, ngọn gió vô tri cũng nói lên niềm khao khát được "ve vuốt ngọt ngào". Khi yêu và hòa tan trong nhau, tình yêu mới đi đến tận cùng trong niều khát khao chung là nhục dục. Xuân Diệu đã từng viết: "Hãy sát đôi đầu, hay kề hai ngực/Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài". Nhưng sự khao khát yêu vẫn còn bỏng cháy nên "người đàn bà" mới mạnh mẽ dấn thân như thế, dấn thân đi tìm cái mới lạ trong cảm xúc, dù tình nhân chỉ là màn đêm. Khi đã lên đến sự đỉnh điểm của niềm yêu, làm sao người ta có thể tỉnh táo? Vì thế với sự "ngu ngơ tìm bông hoa lạ" chẳng có gì lạ, đúng với tâm lý của người đàn bà khi đã thỏa khát khao.
      Niềm khát khao yêu, được thỏa mãn của người đàn bà đã bị tác giả để lộ trong khổ thơ thứ ba. Đó như là lời giải thích cho một ban mai có thật: "anh hiện hữu trong giấc mơ em". Nhưng hiện thực ấy đã đi của người đàn bà giấc mơ sau lần đêm đắm chìm trong khao khát:
"Nhân tình của em là màn đêm, dịu dàng siết chặt
Thân thể buông mềm, mắt môi … say ngây ngất"
      Những câu thơ nối tiếp mạch cảm xúc của tác giả-người đàn bà đắm mình vào đêm, vào thiên nhiên, nhân cách nó như người tình khao khát. Thơ là sự giãi bày của cảm xúc, nhưng cứ nói nhiều lời cho người đọc hiểu rõ ràng cũng dễ lấy đi sự hứng thú của sự thưởng thức. Nhưng dù sao, tác giả cũng đã cho người đọc những phút giây trong đêm huyền bí, nỗi khát khao như có lửa để bùng cháy dữ dội hơn trong cảm xúc và cảm nhận của bạn đọc.
      Nói bài thơ này là sự "phá phách" về cảm xúc của một cây bút nữ không có gì sai, nhưng cho rằng bài thơ là sự thể nghiệm thi pháp mới thì chưa thật đúng, vì có rất nhiều cây bút thơ đã đi theo con đường này. Tác giả bài thơ hiện là một doanh nhân, vì thế bài thơ cũng là một ghi nhận về sự sáng tạo của chị./.
21-11-2008
Nguyễn Đình Xuân
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Em sẽ đến
Nguyễn Lam Điền

Em sẽ không đến bên anh lúc anh buồn
Nỗi buồn nào rồi cũng qua đi
Lời an ủi sẽ trở thành vô nghĩa
Em không đến đâu nếu anh lạnh giá
bởi trái tim dẫu có bừng lên như lửa,
rồi cũng có ngày lửa tàn.
Em không thể theo bước chân lang thang.
Khi anh cô đơn một mình trên phố vắng
Bởi tình yêu không giản đơn là những nụ cười
Nên em không đến đâu nếu anh đang hạnh phúc.

Chỉ khi nào
Chỉ khi nào người đàn ông trong anh bật khóc.
Em sẽ đến để thấm ướt những gịot tâm hồn
trên đôi mắt của anh
-----------------------------------------------
Lời bình

    Lần đầu tiên tiếp xúc với bài thơ này qua lời hát mượt mà của ca sĩ Thuỳ Dung . Những ca từ nhấn nhá ngân lên theo nét nhạc khiến tôi nghe một lần và thuộc luôn bài thơ. Ông xã trêu: " Ơ, cái con mụ này nó dở hơi rồi...". Hihi...
    Khi thanh âm bật lên những ca từ cứ như run lên cùng tâm trạng của nhân vật em trữ tình trong bài hát.Chị nói với anh hay chị tự nhủ lòng mình tôi cũng phân vân chẳng biết và hôm nay trong buổi chiều chớm xuân ngập nắng, trong cảm giác từng nỗi ngập ngừng của buồn vui chưa tách bạch như mùa xuân còn chưa sang hẳn, của một chút cô đơn, bài thơ đó lại trở về.

Em sẽ không đến bên anh lúc anh buồn
Nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua đi
Lời an ủi sẽ trở thành vô nghĩa

    Đọc thoáng qua người ta có thể thấy cái gì đó như phi logic "lúc anh buồn" là lúc anh cần sự sẻ chia, an ủi, cần người bạn tâm giao vậy mà lúc đó "em sẽ không đến bên anh".Chị không quan tâm đến cảm xúc của anh hay chị so đo ngần ngại rất có thể khi tâm trạng buồn rầu người ta rất dễ hiểu lầm...Phải vậy không? Hai câu thơ tiếp theo đã trả lời cho điều đó. Chị không đến bên anh bởi chị sợ khi nỗi buồn qua đi, cái cảm giác cần người chia sẻ sẽ qua đi và lúc ấy anh sẽ thay đổi, chị sẽ nhạt nhoà trong mắt anh, chị buồn.
   Cùng một nghĩ suy như thế, chị nhủ lòng không đến bên anh khi anh "cô đơn" lúc anh "lạnh giá" bởi chị biết cái cảm xúc nồng nàn ấm áp dẫu có lúc sẽ "bừng lên như lửa" kia cũng chỉ là khoảnh khắc, chị sợ lắm sự tổn thương bởi "lửa" rồi có lúc cũng sẽ "tàn".Những dẫn dụ, những trăn trở của chị khiến người đọc mênh mang. Có phải vì chỉ nghĩ cho riêng mình nên chị rụt rè? Có phải sợ thất bại nên chị chỉ lẳng lặng dõi theo những bước anh đi mà chẳng dám bày tỏ tình cảm của mình, chẳng dám đến bên anh? Từng cung bậc cảm xúc đơn lẻ trên đây đã phải là tình yêu? Buồn, vui, cô đơn, lạnh giá hay hạnh phúc nó mong manh là thế, nó chập chờn, hư ảo là thế khiến chị phân vân, khiến chị bâng khuâng nghĩ về một tình yêu son sắt, thuỷ chung. Chị biết, những cảm xúc ấy, không có chị, anh cũng có thể vượt qua, chị chẳng muốn mình bị tổn thương về sự ảo tưởng của chính mình.
   "Em sẽ không đến", "em sẽ không đến đâu" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một sự dằn lòng, như một sự kiếm chế xúc cảm đang dâng lên trong lòng. Người đọc cảm nhận được sự cố gắng khó khăn của trái tim đa cảm bàng bạc ánh lửa yêu đương.Chị muốn đến lắm chứ, chị muốn cùng anh sẻ chia những vui buồn, chị muốn cùng anh tận hưởng những đắm say hạnh phúc nhưng chị biết"tình yêu không đơn giản là những nụ cười" nên chị đã cưỡng lại trái tim mình bằng lời khẳng định mà yếu ớt mệt nhọc như hơi thở nhẹ"em sẽ không đến đâu".Yêu anh,hơn ai hết chị mong anh vui vẻ và hạnh phúc, chị lặng lẽ dõi theo nhưng bước anh đi, chị âm thầm đứng ngoài cuộc sống của anh, vui buồn theo cảm xúc của anh.Khó khăn biết bao, chật vật biết bao nhưng chị vẫn không muốn cuộc sống của anh bị xáo trộn và lời khẳng định"em sẽ không đến đâu" khiến người đọc cảm thấy nặng trĩu trong lòng.
    Nếu cứ miên man như thế, có thể ai đó sẽ cười chị thật hèn nhát, có thể ai đó sẽ cho rằng chị thật yếu đuối khi chẳng dám yêu, chẳng dám bày tỏ tình cảm của mình.Nhưng khổ thơ cuối như một câu trả lời cho tất cả. Khi người đàn ông khóc là chả còn gì cả, khi người đàn ông bật khóc là khi sự yếu đuối, khổ đau chẳng thể nào mà đong đếm được.Lúc ấy, chị biết, anh cần lắm một bàn tay dịu dàng, cần lắm một tâm hồn đồng điệu để sẻ chia, để yêu thương.Và chị sẽ dịu dàng "em sẽ đến".Phải, "em sẽ đến" bên anh để cùng anh tìm sự bình an cho tâm hồn bằng việc học cách yêu thương và tha thứ mỗi ngày, kể cả tha thứ cho chính mình. Mạnh mẽ, quyết đoán đến không ngờ.
   Ca từ giản dị, giai điệu nhẹ nhàng nửa như nhủ lòng nửa như phân trần với người yêu dấu.Khép lại rồi mà người nghe, người đọc vẫn thấy bâng khuâng bởi cách yêu thương dịu dàng và đầy chất nhân văn. "Em sẽ đến để thấm ướt những giọt tâm hồn/ trên đôi mắt của anh" Cái mạnh mẽ quyết đoán của chị động viên khích lệ anh, bàn tay nhỏ bé dịu dàng kia sẽ làm dịu đi cái đắng cay, cái mất mát đã khiến anh rơi nước mắt.Và tình yêu được góp gom, dịu ngọt, tròn đầy.
    Viết đến đây, với tư cách là một phụ nữ, tôi thực sự khâm phục chị và chợt bâng khuâng: Có được một hồng nhan tri kỷ như chị, anh thật may mắn!
Nguyễn Thị Thuý (blog Hoàng Hôn Tím)
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Từ Cát Tú

Cảm nhận bài Thơ sầu rụng của thi sĩ Lưu Trọng Lư.

THƠ SẦU RỤNG.

Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn, thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa se đều
Những ngày lạnh rớt gío vèo trong cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Vương hương mái tóc em nồng
Thời gian nhẹ rót một dòng buồn tênh.
_________Lưu Trọng Lư.

Không biết tự bao giờ, dòng chảy của những vần điệu thể thơ lục bát đi vào, hoà nhập đời sống của con người Việt Nam, chuyên chở bao ý tứ từ thâm thuý sâu xa đến mộc mạc trữ tình. Vần Thơ Sầu Rụng của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư , trên cái nền thi vị ấy của dân tộc đã đến với mọi người: nhẹ nhàng, sâu lắng, bâng khuâng, luyến nhớ !,...

Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ

Tròn vành vạnh như trăng mười sáu là tuổi xuân thì của thôn nữ duyên dáng tuổi cập kê. Em mang trong mình hình ảnh của cái đẹp vừa chớm (từ độ lên ngôi) là sự tinh khôi , viên mãn của tạo hoá. Cái đẹp được ẩn dụ và khắc hoạ rất ư tự nhiên, nhưng là cái đẹp trên nền thời gian không phải là bất di bất dịch:

Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ

Cái nhịp đi trầm buồn, là một sự chậm rãi nhưng hơi nặng nề của sự mòn mỏi, một công việc tuy thơ mộng mà đơn điệu!

Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn , thơ cũng buồn theo

Mái tóc mềm như thơ, những dòng thơ xuôi chiều, thướt tha có phần nào ủ dột : buồn và buồn . Một mái tóc dài đen óng ả, buông xuôi tự nhiên cùng khung cảnh trầm lắng thanh bình.Nhưng đó cũng là tâm trạng của em gái Xuân thì. Chỉ trong có hai câu thơ mà tác giả đã có ba từ nhắc đến tâm trạng: sầu, buồn và buồn, sự lập lại càng làm tăng cấp trạng thái tâm lý .

Lại nữa, sự xuất hiện của hai câu thất ngôn xen kẽ vào bài thơ làm nhịp chuyển của thể lục bát rơi vào trạng thái sóng sánh, tạo hiệu ứng về nhịp, về tần số âm thanh và âm lượng phát triển theo một chiều kích khác . Đó là gì , nếu không phải là tiếng thổn thức của con tim, một tiếng nấc nhẹ và tiếp sau đó là cả một tiếng thở dài đến vô tận:

Mái tóc buồn, thơ cũng buồn theo

Rồi cứ thế , miên man một nỗi sầu và sầu :

Năm năm tiếng lụa se đều
Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây

Lại tiếp tục nhịp và tần số âm thanh của câu thơ trầm trầm :năm năm , một khoảng thời gian đã trôi qua, trôi qua thật lặng lẽ : Tiếng lụa se đều. Chỉ có bấy nhiêu thôi, Xuân qua Đông lại cũng chỉ mình em và khung cửi dồn nén đầy tâm sự , hỏi còn gì nữa ngoài hai tiếng sầu thương ! Khi ngoài kia thời gian làm lỗi nhịp bao dấu đời tạm bơ : Gío vèo trong cây.

Em vẫn sợ , nên em khẽ khàng, giờ phút này , yên lặng mà đáng trân trọng biết bao:

Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái Đông

Em vẫn còn lắng nghe trong xa vắng một sự hồi âm của tiếng lòng khắc khoải, bởi em đang là phơi phới nồng nàn của lứa tuổi giao duyên. Mùi hương hàng xóm , là một hình ảnh ẩn dụ chỉ về những âm ba của cuộc sống bên ngoài , không loại trừ những âm ba tình tứ đang tiềm tàng mời gọi cô thôn nữ đáng thương. Đọc đến đây chúng ta chợt nhớ đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du tả cảnh mà ngụ tình Thuý Kiều đối với Kim Trọng :

Hải đường lả ngọn Đông lân
Giọt sương gieo nặng cành Xuân la đà.

Đây không phải là sự vọng tưởng cao xa mà chính là nỗi niềm rất hiện thực, là khát khao tình yêu chính đáng.

Hương của gió, hương của hoa cỏ đồng nội, hương của tình yêu thầm kín nhẹ nhàng thoáng qua, nhưng hình ảnh buồn của mái tóc lại trở về khiến nhịp thơ bỗng chùng xuống :

Vương hương mái tóc em nồng
Thời gian nhẹ rót một dòng buồn tênh.

Thời gian cứ thế , len lén nhẹ nhàng đi qua đến nỗi lòng người khó cảm nhận. Trên cái nền ấy,tâm trạng vẫn chưa nở hoa, cho dù bao sự hứa hẹn đang vây quanh mang dáng dấp của mùi hương đang dậy hơi men sự sống, Để rồi cuối cùng, nỗi buồn man mác vẫn ngự trị tâm tư.

Cái đẹp nổi bật của Vần Thơ Sầu Rụng là ý tứ câu chữ, nhịp điệu hài hoà đếm mức hoàn hảo.Một hình ảnh, một tâm trạng, một không gian, thời gian như nhẹ nhàng bổ sung nhau, tạo sức cộng hưởng, cảnh và tình vì thế mà hài hoà , tăng cấp cho nhau.Về một bình diện nào đó của sự liên tưởng, bài thơ như một bức tranh khắc hoạ nét đẹp của một thôn nữ , hiền hoà , cam phận trong sự quyến rũ nên thơ của xã hội nông thôn Việt nam tiền bán thế kỷ hai mươi.

_____________________Từ Cát Tú 07.5.2010.
Ta vô danh hát những lời vô thanh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nhathoquandoi

HỒ THAN THỞ
Thang Ngọc Pho


Trời xanh không một gợn mây
Hẳn là trời có những ngày không xanh.

Mặt hồ yên ả long lanh
Hình như đã có thác ghềnh ngày xưa

Chiều nay nắng toả đồi thưa
Thể nào cũng có chiều mưa trắng đồi.
Đà Lạt 1995
-------------------------------------


THĂNG TRẦM QUA "HỒ THAN THỞ"

         Ai đã từng đến Đà Lạt, ghé chơi hồ Than Thở, hẳn nhớ câu chuyện tình buồn của đôi lứa yêu nhau. Cảm động về mối tình thủy chung từ truyền thuyết và cảnh sơn thủy hữu tình ở đây, không chỉ những nhà thơ mà nhiều người đến vãn cảnh hồ trong lòng cũng tràn đầy cảm xúc để viết nên những câu thơ đằm thắm. Thang Ngọc Pho-một nhà giáo hưu trí, cũng như vậy, ông đã có bài thơ hay về hồ Than Thở. Bài thơ “Hồ Than Thở” của ông không sa đà kể lại chuyện tình, mà đưa vào đó những suy tưởng sâu sắc, về nhân tình thế thái, về sự giao hòa thiên nhiên trong sự đối lập của quy luật tự nhiên. Và hơn hết, “Hồ Than Thở” là tâm sự rất trẻ trung của người khao khát sống để yêu.
         Đứng trước sự tĩnh mịch của hồ Than Thở nằm trên đồi cao, giữa rừng thông nên thơ, mặt nước luôn phẳng lặng, trầm ngâm dưới trời nắng “không một gợn mây”, Thang Ngọc Pho đã cảm nhận về “những ngày không xanh”. Đấy là trời. Còn về nước, mặt hồ phẳng lặng, long lanh dưới nắng là thế, nhưng cũng đã trải qua “những thác ghềnh ngày xưa”. Thời tiết đang nắng đấy, nhưng có khi trong những ngày đã qua và cả những ngày sắp tới “Thể nào cũng có chiều mưa trắng đồi”.
         Bài thơ lục bát sáu câu, có thể để từng cặp độc lập. Nhưng cả ba cặp lục bát liên hoàn lại làm cho bài thơ không thể tách rời mà soi xét. Bài thơ không chỉ nêu một ý tưởng là để có cái đẹp mê hồn hiện tại của hồ Than Thở, ở đây đã trải qua những nắng lửa, giông tố, mưa sa, những thác ghềnh, bão lũ đi qua... mà còn phía sau đó là những quy luật đất trời, là sự thăng trầm của những phận người. Không kể về truyền thuyết hồ Than Thở, nhưng đọc bài thơ ai cũng cảm nhận về sự không trọn vẹn của đôi lứa yêu nhau. Cái có hôm nay là kết quả, sự tiếp nối của đắng cay, mất mát đã qua. Thang Ngọc Pho muốn gửi đến cho bạn đọc thông điệp: Sự hợp tan là quy luật của tự nhiên, cái đang có là sự tiếp nối của cái đã qua, là sự vật được thống nhất bởi những mặt đối lập.  
         Cái sâu sắc ở bài thơ là sự bình dị trong từng câu chữ. Không dùng những từ ngữ lắt léo, thậm chí để riêng từng dòng lại rất thường, thế mà cặp đôi chúng với nhau thì hồn của chúng ùa về, tạo nên thần thái, gây ấn tượng mạnh, khiến ai đọc cũng phải ngẫm ngợi, không thể bỏ qua. Biết rằng, ở tuổi “tri thiên mệnh”, Thang Ngọc Pho đã viết là những điều uyên thâm. Nhưng sự uyên thâm của “Hồ Than Thở” lại rất trẻ trung, khao khát sống để yêu. Trước hết là từng câu thơ tự nhiên phối với nhau thành cặp, như tình yêu đôi lứa không thể thiếu nửa bên kia. Có nhà thơ đã viết: “Trải bao giá lạnh và giông tố-Mới sau cùng đi đến được cái hôn”. Thang Ngọc Pho cũng vậy, từ chuyện tình yêu dang dở, bi thương của đôi tình nhân nơi hồ Than Thở, ông muốn nói đến giá trị tình yêu. Có ngày nắng đẹp, trời trong, ai cũng biết là phải trải qua những “chiều mưa trắng đồi”. Có sự yên ả, long lanh trên mặt hồ, đã trải qua những ghềnh thác. Giá trị hạnh phúc trong tình yêu phải trải qua những khổ đau, đợi chờ ...
         Hồ Than Thở là một bài thơ hay, đọc xong khó có thể quên được.
29-4-2010
Nhathoquandoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nhathoquandoi

Với Mẹ và sông

   “Tiếng sóng sông quê” (NXB Quân đội nhân dân ấn hành) là tập thơ đầu tay của nhà báo quân đội – kỹ sư vũ khí Nguyễn Đình Xuân, tập hợp 65 bài thơ tiêu biểu nhất của anh viết trong khoảng hai chục năm nay, từ khi còn là một binh nhì đến bây giờ đã là một trung tá ngoài bốn mươi tuổi.
    Vốn là một kỹ sư vũ khí được đào tạo chính qui ở Học viện Kỹ thuật quân sự, thơ Nguyễn Đình Xuân tư duy logic, mạch lạc và rất… khoa học. Những thi tứ của anh được triển khai “có đầu có cuối” một cách hoàn hảo. Những thi ảnh của anh cũng được… tính toán hết sức hợp lý: Con đường như dấu chia đôi/ Em ngượng ngùng phố, còn tôi dấu làng… (Làng và phố); hoặc: Hai cuộc đời lẻ bóng/ Còn đây núi vẫn đôi/ Một người vào huyền thoại/ Một người thành xa xôi (Núi Đôi). Sở trường này là mặt mạnh nhưng đôi khi cũng là hạn chế và nếu có dịp xin trao đổi thêm với tác giả vào một dịp khác.
     Là một nhà báo, Nguyễn Đình Xuân được đi nhiều, gặp nhiều và dấu ấn của những chuyến đi ấy in khá rõ trong tập thơ: Quảng Trị, Trường Sơn, Tây Nguyên, Khánh Hoà, Thái Nguyên, Phú Thọ… Nghĩa là trong mỗi chuyến đi công tác ấy, công việc của một nhà báo vẫn không lấn át nổi chất thi sĩ trong con người Nguyễn Đình Xuân. Nhờ thế mà bạn đọc hôm nay được biết thêm nhiều điều về những địa danh mà anh từng đến, ngoài những bài báo nóng hổi tính thời sự mà có lẽ chính tác giả cũng đã quên…
    Nhưng nét nổi trội tạo nên ấn tượng của tập thơ không phải là những mặt mạnh, những ưu điểm trên đây, mà chính là hình ảnh của bà mẹ được tác giả nhiều lần nhắc đến trong gần một phần ba số bài thơ của tập thơ, chưa kể hình ảnh bà mẹ còn được liên tưởng, gợi nhớ đến trong nhiều cảnh huống ở nhiều bài khác không trực tiếp nói về mẹ. Mẹ và em, quê hương và đất nước là nguồn cảm hứng muôn thủa của thi ca, của muôn mọi nhà thơ. Nhưng bà mẹ trong tập thơ “Tiếng sóng sông quê” là của riêng Nguyễn Đình Xuân không lẫn với ai:

Mười một tuổi mẹ làm nàng dâu

Ngày cưới có đủ đầy hai họ

Về nhà chồng mẹ là cái Đỏ…

(Chuyện kể của mẹ)

   Người mẹ ấy những năm đất nước chìm trong đau thương: Làng ta ngày ấy địch lập tề/ Mẹ giữ kín tung tích người chồng “mất tích”/ Rồi mẹ bỏ làng tề/ Nhập đoàn dân công lên Tây Bắc (Tình yêu của mẹ). Đến chuyện lo toan vun vén cho con cháu ngỡ như có ở mọi bà mẹ Việt Nam, ở đây ta vẫn thấy có nét riêng của một gia đình cụ thể: Khổ từ lúc chửa ra đời/ Lo toan vào cả tiếng cười khi vui… Chưa xây xong nổi ngôi nhà/ Mẹ lo mình đã sắp là người xưa (Mẹ tôi). Từ bà mẹ ruột thịt của mình, Nguyễn Đình Xuân hướng cảm xúc đến những bà mẹ Việt Nam “đương đại”, những bà mẹ khắp mọi miền quê, thân thuộc nhất là những bà mẹ châu thổ sông Hồng. Cuộc đời của những bà mẹ gắn liền với những biến cố bi hùng của đất nước những năm nửa cuối thế kỷ hai mươi. Đó là những bà mẹ: … sống những năm mong tháng đợi ngày/ Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận/ Mang nặng đẻ đau sinh con mấy bận/ Một bóng một đèn như cánh cò ven sông (Tiếng sóng sông quê). Bà mẹ nào cũng có một thời thiếu nữ, cũng có những điều “sống để dạ, chết mang theo”, nhất là những mối tình thầm kín thời tuổi trẻ. Những đứa con khôn lớn, trưởng thành của mẹ không chỉ hiểu, cảm và tôn trọng điều thiêng liêng ấy mà còn thi vị hoá được điều đó: Ngày xưa có anh bộ đội qua làng/ Áo anh được mẹ vá vai/ Anh ấy hẹn mà rồi không về nữa/ Nào ai biết, chỉ riêng mẹ nhớ/ Năm ấy mẹ tròn tuổi hai mươi! (Kỷ niệm của mẹ). Chuyện đã xưa rồi, ấy thế mà: Mong manh dưới gốc đa làng/ Sân đình ai hẹn xốn xang đến giờ… (Mong manh).
     Nhớ mẹ, thương mẹ, khắc ghi công ơn trời biển của mẹ… là nỗi niềm hầu như quán xuyến trong tập thơ “Tiếng sóng sông quê” của Nguyễn Đình Xuân. Ngoài những bài thơ trực tiếp viết về mẹ, có cảm giác như ở những bài thơ thuộc những chủ đề khác, hễ có dịp là anh lại giãi bày tình cảm của mình về mẹ. Đến một miền quê nào đó, gặp dáng cau gốc trầu cũng nhớ mẹ. Nhà hàng xóm trong khu tập thể có bà cụ dưới quê lên thăm con cũng khiến anh rưng rưng. Chiều ba mươi tết ở thị thành, bỗng nôn nao nhớ nồi nước thơm của mẹ những chiều tất niên xưa… Và mỗi lần sinh nhật lại nhớ mẹ cồn cào, bởi: Mẹ sinh con dễ dàng đâu/ Qua sông nước mà mẹ thì vượt cạn/ Đêm tháng Mười muộn vầng trăng tán/ Mẹ mỏi mong đợi những tiếng gà... (Sinh nhật). Sinh nhật là một trong những ngày vui nhất trong năm của mỗi người. Kỷ niệm ngày sinh mà nhớ đến người đã sinh thành nuôi dưỡng mình là điều tưởng không có gì đặc biệt, nhưng trong cuộc sống xô bồ ồn ào thực dụng và hơi bị “Tây hoá” như hiện nay, nỗi nhớ này khiến không ít người đọc phải “giật mình”. Hơn nữa trong thơ Nguyễn Đình Xuân, nhớ không chỉ để mà nhớ, không chỉ để nói những lời tri ân, mà là để tự soi mình, tự hoàn thiện mình: Lặng lẽ một đời mẹ sống/ Để lệ tràn trong tứ thơ con (Chuyện kể của mẹ); và: Vầng trăng mẹ hao khuyết/ Cho đời con tròn đầy (Mẹ)
      Bất kỳ ai cũng có một bà mẹ sinh thành. Nhưng với rất nhiều người để trở thành nhà thơ cần phải có thêm một dòng sông nữa. Dòng sữa mẹ nuôi dưỡng con người khôn lớn và dòng sông quê bồi đắp tâm hồn thi sĩ, cảm xúc nhân văn. Thấm nhuần lẽ ấy nên Nguyễn Đình Xuân đã đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là “Tiếng sóng sông quê” và mở đầu là một bài thơ viết về mẹ; kết thúc tập thơ cũng là một bài thơ viết về mẹ. Nếu đó chỉ là một sự tình cờ thì ấy là sự tình cờ hợp lẽ tự nhiên. Nhưng nếu đó là ý đồ của tác giả thì anh cần phải cố gắng hơn nữa trong lao động nghệ thuật, bởi thơ hay không chỉ cốt ở nội dung…

Bùi Minh
Nhathoquandoi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

ba tâm trạng trong bài thơ "Suối tóc"  
  Quang Dũng là tác giả của những bài thơ nổi tiếng như "Tây Tiến", "Mắt người Sơn Tây"... mà nhiều bạn đọc đã biết đến. Với "Suối tóc", ta lại gặp một Quang Dũng tài hoa, huyền thoại hơn thế nữa:

Thuở ấy em ngồi trên cửa gác
Tóc buông hong với tóc đầu thu
Nhẹ nhàng anh đến hồn chan chứa
Ghi vội vàng em mấy nét thơ.

Em mải mê gì dưới nắng êm
Tóc như suối mực chảy êm đềm...

Hương nhẹ như là hương hoa cau
Tóc em buông suối chảy về đâu
Thiên thai em mở bừng trong gác
Đựng hết trời xanh chứa hết màu...

Giờ hết em đi mùa cũng hết
Những thời hong tóc hiếm làm sao
Rộn ràng nắng mới tìm hương cũ
Ngơ ngẩn chiều đi trước gác cao.

Em hãy về đây ngắm lại tranh
Sắc màu còn giữ bóng ngày xanh
Và đây suối tóc qua song cửa
Vẫn chảy êm đềm dưới nắng hanh...
Hà Khẩu 1954
   Quang Dũng-Người đại đội trưởng trong "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc"-đã có một thời đầy những kỹ niệm, nhớ nhung về một người con gái, về mái tóc óng mượt của nàng. Người con gái ấy ngồi hong tóc "trên cửa gác" dưới nắng mùa thu. Một hình ảnh thật nên thơ lại được một tâm hồn thơ rất nhạy cảm là Quang Dũng bắt gặp thì chưa dùng đến câu chữ đã thơ rồi! Tác giả như sống giữa cõi tiên lãng mạn, tưởng nếu như động mạnh sẽ tan ngay nên mới "nhẹ nhàng anh đến" để mà ghi vội vàng hình ảnh của em dù chỉ "mấy nét thơ" thôi. Cái hay và kỳ diệu của bài thơ là hình ảnh "Suối tóc" được nhà thơ dùng với các trạng thái khác nhau của người nhung nhớ. Đã có nhiều nhà thơ viết về mái tóc người con gái Việt Nam: "Sau xe làn tóc em phơi phới" (Xuân Diệu), "Mái tóc em là mây hay là suối" (Tố Hữu), nhưng ở Quang Dũng, ông viết về mái tóc không phải chỉ để một chiều ca ngợi. Ba lần trong bài thơ ông nhắc đến "suối tóc" là ba lần tâm trạng khác nhau.
Ở lần thứ nhất: "Em mải mê gì dưới nắng êm Tóc như suối mực chảy êm đềm..." Sự gần gũi và say mê. Mái tóc ở gần lắm, trong tầm vòng tay có thể âu yếm, vuốt ve, nhận thấy được cái mượt mà, êm đềm của tóc, thấy tóc như suối mực chảy. Dù có thể nhìn và chiêm ngưỡng thôi, mái tóc như đã thuộc về chàng trai rồi.
    Ở lần thứ hai: "Hương nhẹ như là hương hoa cau Tóc em buông suối chảy về đâu". Đến đây thì đã có sự lung lay, nghi ngờ mái tóc không còn là của mình nữa. Một cái gì đó mong manh lắm. Mái tóc dài buông suối, hương tóc thơm dịu như hương cau, nhưng nào giữ được. Một nỗi buồn man mác đến với chàng trai, rồi mai sau, mái tóc sẽ thuộc về ai? Ai được vuốt ve, âu yếm lên mái tóc thiên thần của em?
    Ở lần thứ ba: "Và đây suối tóc qua khung cửa Vẫn chảy êm đềm dưới nắng hanh". Không còn nghi ngờ gì nữa, em đã đi, đã vắng cả thời hong tóc. Mùa cũng hết. Em đã đi. Suối tóc đã xa song cửa để chỉ còn là hoài niệm, giữ trong ký ức chàng trai. Anh ngơ ngẩn tìm lại chốn cũ, nhớ người hong tóc xưa. Kỷ niệm còn đây mà em đã vắng xa rồi...
     Xuyên suốt bài thơ là nỗi buồn sâu lắng. Nỗi buồn của kỷ niệm một thời trai trẻ đã dễ mấy ai quên được. Bài thơ giàu hình ảnh, thanh thoát, như một bức tranh đẹp. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Quang Dũng rất yêu hội họa, đã vẽ tranh. Ông là nhà thơ-họa sĩ./.
Nguyễn Đình Xuân
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Đọc "bóng nắng" của Nguyễn Đình Xuân

Khi nâng niu cuốn sách nhỏ xinh này, cuốn sách được chính tác giả viết lời đề tặng tôi muốn viết về một điều gì đó, tôi muốn tìm ra những bí ẩn đằng sau con chữ, và tôi đọc.

Thơ của Đình Xuân mộc mạc chân chất với những câu thơ dễ đi vào lòng người nhất là những người lính trong quân đội. Một mảng lớn trong "Bóng nắng" anh dành những tình cảm của mình cho gia đình, cho bố mẹ, vợ con với những dòng thơ dạt dào cảm xúc và ấm áp yêu thương.
Cha cho con hình hài, khi còn bé, mẹ chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ và những đứa con được nâng niu trong vòng tay yêu thương đó sẽ vô cùng hạnh phúc. Khi lớn lên, thể hiện lòng biết ơn, sự yêu thương của mình, mỗi con mỗi cách nhưng với tác giả "Bóng nắng" của chúng ta, anh đã thể hiện sự yêu thương của mình thông qua những hành động thật cụ thể:
Mỗi lần về quê
Con thích được ngủ cùng với bố
Để nghe tiếng thở đều đều
Bố cố nuốt tiếng ho trong cổ
Không muốn con lo lắng nhiều hơn
Và khi ngủ cùng với bố, anh cảm nhận được sự yêu thương, lo lắng, chăm sóc của cha dành cho anh :
Mỗi lần về nhà bố thường chăm con
Lo mắc màn sợ nhà nhiều muỗi
Bàn tay run, chân chậm ghế cao...
Anh muốn trở về tuổi ngây thơ để ngủ vùi trong vòng tay ấm và hơn ai hết anh hiểu chốn bình yên nhất của mỗi con người chính là vòng tay cha mẹ.

Viết về vợ, thơ anh chẳng lung linh, chẳng cầu kỳ hoa mỹ nhưng người đọc thấy đẫm đượm tình yêu thương trong đó:

Thời gian trên ngực em

Ru anh vào giấc ngủ

Đôi môi còn cười nụ

Anh hôn cả trong mơ...

Sợi tóc của vợ vương nơi bàn phấn, cũng tạo cảm hứng cho anh. Sợi tóc, chứng nhân của tình yêu, khi yêu nhau, lấy nhau, suối tóc xanh bàn tay anh ve vuốt, giờ đây nhìn những sợi tóc"đã vừa vội bạc bởi "tháng năm tảo tần vất vả", anh hiểu sự hi sinh" cả đời lặng lẽ âm thầm" của chị, anh tự giận mình vô tâm và thơ anh trào dâng lên một niềm thương yêu vô hạn:

Vắng em anh nhìn sợi tóc

Chứng nhân gương mặt tình yêu

Cho anh một đời lặng lẽ

Mà sao nắng đã xế chiều...

Có những phút giây thăng hoa cảm xúc, anh viết thơ dành cho ai đó nhưng với bản chất dũng cảm của người lính anh chân thật giãi bày, chia sẻ với chị bằng những dòng thơ ngập ngừng,đậm chất người, chất đời.

Có thể em hờn ghen

Âm thầm nén sâu nơi ngực

Tha thứ cho anh trong ký ức

Anh không thể đốt kỷ niệm thành tro

Tình yêu thường để lại vào thơ

Những đắng cay, nỗi buồn thành ngọc

Em nhé xin em đừng khóc

Khi yêu anh không thể dối mình.

Thơ viết về những người yêu dấu của anh chẳng nuột nà, nó ngập ngừng như chính tình cảm của anh vậy, người đọc cảm thấy dường như muốn bộc bạch, giãi bày bởi những lo toan của cuộc sống khiến anh không thể chăm chút, quan tâm đến những người thân yêu của mình được nhiều hơn. Vâng" Quá chiều mình bóng ngược/ Đi cúi nhìn bước chân..." và tác giả đã nhìn thấy, đã tỏ bày và đã khiến người đọc rưng rưng.

Đọc "Bóng nắng", người đọc còn được thưởng thức những vần thơ tha thiết nồng nàn khi anh viết về những khoảnh khắc thăng hoa :

Vầng trăng nghiêng xuống làn môi

Đừng anh! Em sợ... có người, hình như

Lá rơi chợt động cuối thu

Nghe xôn xao gió, hình như ai nhìn

Không gian trở lại im lìm

Thế gian chỉ có chúng mình mà thôi

Trái tròn Thượng đế cắt đôi

Ngàn năm tìm lại con người vẫn say.

Hay những phút bâng khuâng, bên thềm xuân, ký ức chợt trở về:

Nắm tay nhầm phải người dưng

Thềm xuân bối rối ngỡ cùng bên em.

Về quê, nhìn chiếc cầu ao, nơi cũ còn đây,những đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo, mối tình đầu tinh khôi chợt trở về, người cũ, em ở phương nào khiến lòng chợt lặng, khiến thơ bồi hồi:

Gió buông lơi giọt sương mềm

Sao rơi chấm lửng thả nghiêng bên trời

Áo nguyên hương thuở tinh khôi

Mà người giặt áo xa xôi phương nào.

Chẳng biết em nảo em nào, chẳng biết mối tình thứ mấy nhưng trong thơ Nguyễn Đình Xuân em được hóa thân vào cỏ cây hoa lá ( Trong bài Hồn cúc) vào sương thu bảng lảng ( Hình như thu giấu trong sương/ Bóng em khuất cuối con đường chơi vơi) vào kỷ niệm lung linh ( Em cầm tay trao đồng tiền lá/ tôi nhặt nụ cười má lúm đồng xu) khiến cho những vần thơ anh mềm mại trong ngần.

Đọc " Bóng nắng" người đọc còn được theo bước chân người lính trên khắp các nẻo đường anh đi, được thưởng thức món thắng cố, được uống rượu, ăn mèn mén( Uống những giọt sương ban mai/chắt từ mây mù núi đá/ đằm trong nước suối đầu nguồn....), được chòng chành cùng mối tình của chàng Công và nàng Cốc, được rạo rực trong tiếng khèn tìm bạn tha thiết dìu dặt của miền Tây Bắc và được thả mình cùng với " mắt mùa xuân còn thắm/ Khèn lơi lả trên môi..." được say trong men rượu Bắc Hà và được thấy nước non mình đẹp tựa gấm hoa...

Người lính về làng cất ba lô vào ký ức

lặng nhớ vụng dại thời trai trẻ

Chỉ còn cỏ xanh ngời phía chân trời

mây trắng còn bay...

.....

Cây bàng một mình góc phố

Cố đẩy câu thơ lên trời...

Với mỗi một tác phẩm, mỗi người đọc sẽ có những cảm nhận khác nhau nhưng có lẽ trong "Bóng nắng" bằng những dòng thơ dung dị chân chất và thấm đẫm tình người tác giả đã cố gắng truyền tải những sắc màu của cuộc sống, những yêu thương, những xúc cảm làm rung động tâm hồn người đọc.Mong rằng các bạn hãy tìm đọc Bóng nắng và tìm được trong tập thơ này những cảm nhận cho riêng mình.
Vũ Phương Thúy
(Blog Hoàng Hôn Tím)
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

HẠ TRẮNG

PHẢI LÒNG THU " TẶNG EM "




Anh xin gom sợi nắng vàng
Gom heo may, tiếng khẽ khàng lá rơi
Gom hương cốm, sắc xanh trời
Gom mênh mông, kết thành lời tặng em

   

      Sáng nay, lại lang thang vào blog , đọc được bài thơ " Tặng Em " của Vũ Tuấn Anh , tuy không phải tặng cho em mà cứ ngẩn ngơ ...Ngoài kia, mưa đang rơi, thế mà đọc bài thơ này em kêu  khẽ :" Ơ, thu đang về".... Chợt mỉm cười nhẹ, thấy trong lành và yên ả lắm, như là khép hờ cánh cửa đời đang lắm nỗi nênh để cho thời gian ngừng lại yên tỉnh một góc lặng mà nghe ấm êm đang về ...
 
       Bài thơ hay không phải là những lời ngọt ngào , nồng nàn mà là chỉ bốn câu thôi mà gom được cả một trời thu để tặng người. Này là nắng, này heo may, này lá vàng, này hương cốm và cả mênh mông... đã tạo nên một hồn thu say đắm với sự cảm nhận tinh tế với mùa . Tặng sắc thu như thể là dâng tặng trọn cả tấm lòng , bày tỏ một trời yêu thương như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng từng tặng cho người tình cả một bầu trời mùa thu tuyệt vời về nhạc và lời ca . Bài "Mùa thu cho em" được ra đời ....


" Em có nghe mùa thu mây giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe , nghe hồn thu nói
Mình yêu nhau nhé..."



         Mùa thu, có biết bao thi nhân , nhạc sĩ đã đánh dấu những khoảnh khắc thu đẹp, quyến rủ, ngọt ngào lẫn buồn, dang dở, chia ly... nhưng thu không bao giờ cũ. Vốn dĩ, mùa thu đẹp, rất đẹp, có gió heo may vi vu, có mây ngàn bay, có nắng không gắt gao sau đợt nắng nóng của hạ , thu về khí hậu thật dể chịu làm hồn người cũng lâng lâng cảm xúc dào dạt, bâng khuâng...

         Miên man với khúc giao mùa, xuân rực rỡ, hạ cháy bỏng, thu như một thiếu nữ dịu dàng và đằm thắm với lá vàng nhè nhẹ rơi, hàng cây gió khẽ đưa du dương như bản tình ca ,  hương cốm và sắc xanh trời đã làm nên một sắc thu biêng biếc, loãng đoãng  hút hồn người ...  những ký ức đã xa thoáng về, những nổi lòng hiện tại đã biến thể thu có buồn hay vui là tùy vào tâm trạng, tùy vào những hoàn cảnh , cung bậc cảm xúc mỗi người mà cảm nhận mùa...

       Phải chăng là do đặc tính của mùa, nhiều cành khô, vô thường ngọn gió vô tình đưa rơi chiếc lá úa lìa cành, nên dễ cảm tưởng đến sự chia ly ,  nghe hồn thi sĩ thổn thức mãi ngẩn ngơ tiếc nuối chiếc lá sầu rơi, tiếc nuối tình yêu,những ý nghĩ riêng tư man mác trong tâm hồn trào dâng ... vì thế mà thu cô đơn, buồn vợi vợi ?!  
        Với  em thì thu rất đẹp, bởi " thu vàng nỗi nhớ..." . Nghe qua rất mâu thuẩn, nghịch lý. Chắc có người sẽ hỏi em là  sao  " thu vàng nỗi nhớ người không buồn, mà còn cho là thu đẹp?"  . Nếu hỏi thế, em sẽ không đắn đo mà trả lời ngay rằng " nhớ cũng là một hạnh phúc, cho em cảm giác mình vẫn còn tồn tại, nhớ là còn yêu, chẳng phải yêu tha thiết ai đó mà là yêu lắm cuộc đời này, vẫn còn điều gì đó cho ta nhớ và yêu thương nếu không cuộc sống sẽ nhạt và vô vị lắm..."

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Đức Huy đã sáng tác khúc thu ca để dìu người yêu vào giấc điệp bình yên :

" Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ
Mùa thu lá vàng bay
Anh ru em ngủ
Bài ca dao ta vẫn hát khúc ấu thơ
Nắng vàng ấm suối nước dệt mây thu
Ngập ngừng trôi giấc mơ
Anh ru em ngủ
Dài cơn mê thương yêu ấy..."


    Những lời nói , lời thơ ý nghĩa luôn có tác động thật kỳ diệu , những lời an ủi, chia sẻ động viên đúng lúc như là đang có một sức mạnh tiếp sức vượt qua mọi khó khăn, chông gai, bão tố của cuộc đời...

       Nhớ có lần một anh bạn từng nói : " Dù em có làm gì, thế nào, ra sao, miễn em làm đúng với trái tim, lương tâm và trách nhiệm, anh luôn ủng hộ và ở bên em..."   ... Em cười và nói " anh chỉ giỏi khoác lác, thật ngốc mới tin anh "... Nói là nói thế dù là tỷ lệ phần trăm lời chân thật có bằng không đi nữa nhưng vẫn thấy ấm lòng và tự tin hơn hẳn...

     Ừ thì anh luôn ở bên em ở trong tâm tưởng, mãi mãi sẽ là như thế, cũng như bài thơ này: Nắng, gió là hiện tượng thiên nhiên của đất trời, đâu phải là vật mà có thể gom lại được chứ, mùi vị , âm thanh, sắc màu cũng chỉ cảm nhận được bằng giác quan mà thôi ,dẫu không thiện hữu nhưng là hàm ý trọn vẹn hết cả một tấm lòng , hiểu cả bao điều muốn bày tỏ, cả một tấm chân tình được gom lại tặng, còn gì tuyệt hơn thế nữa , chắc là người được tặng bài thơ này vui lắm, cũng như em nhận được lời chia sẻ từ anh, người bạn yêu quý từ ở  nơi xa ,rất xa...
    
    Mùa thu  là mùa thăng hoa tình tự của tình yêu giữa nhớ và quên, tặng nhau những thi vị cuộc sống...là mùa tạo nên những ca khúc trữ tình, những câu thơ đẹp, nhẹ nhàng, bâng khuâng, xao xuyến ...Và cứ thế em lại đúc kết được là :

Thơ thi sĩ chẳng riêng ai
Lung linh như đoá ban mai tặng đời

Thế mới biết, những ai có tâm hồn đẹp, mới có thể rung động và nhạy cảm với mùa ...Cảm ơn tác giả, cảm ơn những vần thơ...
Hạ Trắng

Nhà quê tập làm thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối