Nhân đọc 1 bài báo trên báo điện tử Petro Times mình muốn đưa ra để các anh chị em thảo luận
Kinh hoàng văn chương ở khu Du lịch Đại Nam
(Petrotimes) - Đọc những tác phẩm văn thơ ở đây người ta mới “tá hỏa” vì nhiều câu không chỉ sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng.
Đến Đại Nam Văn Hiến là một “biển thơ”, đâu đâu cũng thơ, văn, câu đối. Nếu không có thời gian để đọc, để hiểu kỹ thì có thể mua về “nghiên cứu” vì đã được in thành sách, chép ra đĩa. Nhưng đọc những tác phẩm văn thơ ở đây người ta mới “tá hỏa” vì nhiều câu không chỉ sai cơ bản về gieo vần, thanh điệu, rỗng tuếch về nội dung mà còn hỏng về mặt kiến thức một cách nghiêm trọng. Vậy mà tác giả của nó lại tỏ ra rất uyên bác, làm thơ nói về tất cả các vấn đề tự cổ chí kim… rồi đem trưng bày, quảng bá khắp nơi.
Những bài thơ kinh hoàng!
Bước vào cổng của Đại Nam thì đã thấy thơ, câu đối khắc đầy trên các cổng chào. Nhiều nhất là ở khu thờ tự. Hễ mảng tường nào còn trống là có thơ, câu đối. Hầu hết đều ghi tên 2 tác giả là Huỳnh Ngu Công và Huỳnh Uy Dũng. Được biết, Huỳnh Uy Dũng là tên được đổi lại sau của ông chủ khu du lịch này (trước đây là Huỳnh Phi Dũng), còn Huỳnh Ngu Công là ai nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi. Có phải là một người họ Huỳnh lấy “bút danh” theo tích “Ngu Công di sơn” ở Trung Quốc? Nhưng điều quan trọng là chữ nghĩa, thơ văn của ông ta như thế nào mà lại được chạm trổ, sơn son thếp vàng, khắc lên các bức tường của một “công trình văn hóa” cho thiên hạ chiêm ngưỡng.
Kim điện được “bao vây” bởi thơ Huỳnh Uy Dũng. Nhưng đọc những bài thơ này thì mọi người mới hỡi ơi thất vọng vì “chỉ tổ hại não”.
Chưa nói về nội dung mà chỉ xét về cấu trúc, từ ngữ thì cũng đã “mệt” với cách làm thơ, làm câu đối của Huỳnh Ngu Công và Huỳnh Uy Dũng. Viết hoa lung tung, rồi Hán, Việt lẫn lộn. Mà Hán, Việt lẫn lộn là điều kỵ nhất trong thơ, văn. Đến những chuyên gia về Hán Nôm cũng đau đầu nhức óc vì không biết tác giả viết bài thơ có nội dung gì? Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Đại học KHXH&NV TP HCM, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoài nhận xét về một số bài thơ, câu đối ở Đại Nam như sau:
Bài thơ ký tên Huỳnh Ngu Công:
“Đại địa phương liên khai trí tuệ
Nam thiên hồng nhật chiếu quang minh
Văn kinh rạng rỡ phô hằng nguyệt
Hiến điểm huy hoàng tỏ đế minh”
Đang là bài thơ chữ Hán – Việt lại xen vô những từ thuần Việt là “tỏ, rạng rỡ”
Bài thơ “Kính dâng anh linh mười tám đời Vua Hùng” (Huỳnh Uy Dũng) lại là một sự so sánh khập khiễng, 18 đời Vua Hùng lại được so sánh giống như chiếc quạt của Tiên Dung?
“Mười tám đời vua một chữ Hùng
Y như chiếc quạt phất Tiên Dung”
Hoặc những câu như:
“Về thăm văn hiến Hàn Thuyên
Câu thơ lục bát điệu huyền Nam Ai
Về thăm văn hiến Như Lai
Khi về chở cả trúc mai Việt Thường”.
(Huỳnh Ngu Công)
Cả bài thơ đang nói về văn hóa Việt Nam đột nhiên lại xen “Như Lai” vào, không ăn nhập gì với những câu khác…
Những câu đối được in trên cột ở cổng chào cũng rất lung tung. Cụ thể như câu: “Đại hải thiên tâm phô nguyệt điện/ Nam thiên nhất trụ trổ liên đài”. Cả câu đối là từ Hán – Việt lại xen vào từ “trổ” là từ thuần Việt làm hỏng nguyên cả câu đối. Hay một câu khác tương tự là: “Văn tư bút thái kinh long phụng/ Hiến ý chương tình đẹp trúc mai”. Cũng đang là từ Hán – Việt lại xen vào chữ “đẹp” là thuần Việt. Tiếp tục câu đối: “Tâm đài nhật nguyệt ân quang chiếu/ Linh địa giang sơn hỷ khí lâm”. Vì không có nguyên tác chữ Hán nên không biết từ “lâm” có nghĩa là gì. Nếu “hỷ khí lâm” có nghĩa là “rừng không khí vui vẻ” thì chữ “lâm” là rừng không đối được với chữ “chiếu”, vì “lâm” là danh từ còn “chiếu” là động từ. Còn câu: “Đại Việt tứ phương tôn chính khí/ Nam Bang vạn đại niệm công thần”. Ở câu này phải đối là “thần công” thì đúng hơn vì “công thần” theo câu đối trên là kết cấu từ vựng tiếng Việt không phải là kết cấu từ Hán – Việt.
Ở những bài thơ này có nhiều lỗi nghiêm trọng về kiến thức. Hậu thế mà cứ dựa vào đây để học thì không biết sẽ tai hại đến mức nào. Đơn cử trong bài “Tam” của Huỳnh Uy Dũng có đoạn viết:
“Tam hữu tuế hàn”: Tùng, Cúc, Mai
Ba cây chịu lạnh giữa đêm dài
Kết duyên bầu bạn tam quân tử
Phản nại sương lăng tuyết ngạo hoài”
Tùng, trúc, mai là 3 loài hoa mộc được mệnh danh là “Tuế hàn tam hữu” (Ba bạn hữu trong gió rét). Là một cách biểu thị tình cảm của người Trung Quốc. Vì ở Trung Quốc trong gió bắc lạnh thấu xương thì chỉ có ba loại này vẫn tươi tốt, nó tượng trưng cho đức tính của người quân tử vượt lên trên nghịch cảnh. Trong thơ của Huỳnh Uy Dũng “Tuế hàn tam hữu” được đổi lại là “Tam hữu tuế hàn” cho nhất quán với cách viết của bài thơ “Tam” mà mở đầu mỗi đoạn thơ đều bắt đầu bằng chữ tam. Nhưng không hiểu vì sao qua thơ của ông Huỳnh Uy Dũng “Tuế hàn tam hữu” lại bị đổi thành 3 loại cây là: tùng, cúc, mai? Ngoài ra, đây cũng là những câu thơ rất lung tung đang từ Hán chuyển sang Việt rồi từ Việt lại đột ngột chuyển sang chữ Hán.
Và có lẽ thấy “tài năng” của mình cũng không kém Đại thi hào Nguyễn Du nên ông Huỳnh Uy Dũng làm hai tập thơ lục bát cả ngàn câu có tựa đề “Những bước về Tâm” và “Những bước về Linh”. Không phải chỉ vì ông ta làm thơ lục bát mà chúng tôi nghĩ như vậy mà còn vì đọc 2 tập thơ này thấy rất nhiều câu trong “Truyện Kiều” được lấy lại như: “Trăm năm trong cõi người ta – Chữ Trung chữ hiếu ấy là đạo nhân” hay “Một khi lẽ đạo tỏ tường – Tâm linh Việt vượt Đoạn Trường Tân Thanh”, “Trăm năm trong cõi người ta – Mua vui cũng được một vài trống canh”, Lấy ngay câu mở đầu Kim Kiều, là: – Trăm năm trong cõi người ta – Đủ suy ra lý “Người – ta, ta – người”…
Nhưng đọc 2 tập thơ của ông Huỳnh Uy Dũng thì phải nói là khủng khiếp!
Chúng tôi dám chắc rằng ai đọc 2 tập thơ này cũng không thể chấp nhận được kiểu làm thơ như: “Cây kia ăn quả ai trồng/ Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu”, “Đâm đầu vào lỗ Châu Mai!”, “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Chín trâu không đổi mười bò không trao”, “Sơn Tinh đáng mặt đàn anh/ Nước bao cao, núi dướn mình cao hơn”. “Truyện trầu cau một tấm lòng/ Hai anh em nọ yêu chung một nàng/ Người anh cưới được hồng nhan/ Người em buồn bã đi lang thang đời”, “Vó ngựa Mông Cổ tới đâu/ Nơi ấy chỉ còn đầu lâu hoang tàn”…
Ngoài ra, trong 2 tập thơ trên còn trích ca dao và thơ của nhiều tác giả một cách rất tùy tiện chẳng hiểu nhằm mục đích gì và để thể hiện được nội dung gì như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Quê ta lấy chữ quê hương làm đầu”, “Chở bao nhiêu Đạo con đò/ Một kho gió biếc, một kho trăng vàng/ Ơi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”…
Những câu thơ chẳng thấy có liên kết gì về nội dung, hết sức vô nghĩa. Chưa kể hàng loạt câu rất lủng củng, chẳng biết phải xếp vào thơ, văn hay thứ gì khác, giống như chỉ đếm cho đủ câu 6, câu 8 như:
“Mà văn hóa dựng kỳ công
Với những nét đặc thù không tiệp màu
…Vì trong Văn Hóa diệu kỳ
Luôn có những bước chân đi tới hoài”
Kể ra chắc hết giấy cũng chưa nói hết được cái hỗn độn, bát nháo của thơ, văn ở Đại Nam Văn Hiến. Vì thơ, văn thì tràn ngập mà hầu như bài nào cũng “có vấn đề”.
Các nhà nghiên cứu nhức nhối
Tiến sĩ Nguyễn Nhã phải thốt lên “ông này chẳng hiểu gì về văn hóa Việt Nam” khi đọc những câu thơ của ông Huỳnh Uy Dũng nói về Việt Nam như sau: “Dù không thừa điệu cầm ca/ Dù không dư những tháp ngà văn chương/ Dù chưa lập thuyết, lập ngôn/ Dù nghèo lăng tẩm miếu đường uy nghi…”. Mặc dù, những câu sau là khen nhưng những câu “mào đầu” như vậy không đúng với văn hóa Việt Nam. Việt Nam ta rất phong phú các làn điệu âm nhạc chứ, riêng Nam Bộ đã có 300 điệu lý, quan họ cũng có 200 làn điệu, ca trù cũng có 46 thể loại… Lăng tẩm, miếu đường thì mình thiếu gì, mỗi làng là một đình uy nghi lắm chứ; còn lập ngôn, tháp văn chương cũng biết bao nhiêu người như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo…
Giáo sư Ngô Văn Lệ cũng bức xúc: Không biết sao thơ như thế mà được xuất bản. Thơ hay hay không là tùy vào khả năng của mỗi người cũng không ai trách nhưng đưa vào trong thơ những điều không chính xác là rất nguy hiểm vì thơ thường nằm lòng, tốc độ truyền bá rất nhanh, do đó phải rất thận trọng. Khi truyền tải một nội dung liên quan đến văn hóa, lịch sử đã quá rõ ràng thì không được làm sai.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoài nhận xét: Đọc những bài thơ, câu đối ở Đại Nam thấy “lung ta lung tung” đủ thứ tư tưởng, ca ngợi đất nước, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều có… Giống như cứ nghĩ gì thì bỏ vào mà không cần biết có quan hệ logic nội tại gì. Đây là những thứ thơ phổ thông thứ cấp không có giá trị về nghệ thuật. Mà thơ không đạt nghệ thuật thì chỉ như những câu vè thông tục. Dạng thơ kiểu này thì làm một lúc được cả đống. Thơ như vậy thì nên để trong nhà xem cho vui chứ đem ra cho thiên hạ xem chỉ tổ người ta cười cho.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường đại học KHXH&NV TP HCM cũng bức xúc khi đọc những bài thơ, câu đối ở Đại Nam: “Tôi thấy Khu Du lịch Đại Nam chán lắm. Nó tầm thường và không có gì nổi bật, chỉ được mỗi cái to, nhưng rỗng tuếch. Mớ câu đối, câu thơ được sơn son thếp vàng lộng lẫy in khắc trên các cột và bức tường thì gọi là thơ mà không phải là thơ, gieo vần, thanh điệu còn sai chứ đừng nói là nội dung. Không có ý nghĩa, không có giá trị. Còn tệ hơn những bài thơ con cóc”.
Ở đây, hình như có mốt của những người có tiền thích khoe chữ. Và có lẽ, ông chủ khu du lịch này cũng đang muốn khẳng định mình “có tài” về văn chương, am hiểu văn hóa Đông Tây Kim Cổ; để được mọi người nhìn nhận không chỉ là một “đại gia” mà còn là một người “uyên bác”. Nhưng có tiền là một chuyện còn văn hóa, học vấn lại là chuyện hoàn toàn khác mà chưa hẳn có nhiều tiền thì lấp được cái lỗ hổng ấy.
Nhưng dường như cái “dụng ý” của ông Huỳnh Uy Dũng cũng phần nào đạt được hiệu quả khi gần đây có nhiều bài báo ca ngợi ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là “tác giả của hàng nghìn câu thơ mang đậm chất giáo lý Phật học, chạm đến chất sử thi oai hùng của dân tộc 4.000 năm dựng nước và giữ nước”? làm cho nhiều bạn đọc “phục sát đất”…
Thiên Thanh – Mai Phương
Source:http://www.petrotimes.vn/van-hoa-giai-tri/2011/05/phan-van-hoa-o-mot-cong-trinh-van-hoa-ky-ii
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Vừa tìm được 1 bài nữa "chọi" lại bài này mời các pác xem
NHÂN ĐỌC BÀI: PHẢN VĂN HÓA
Thời gian gần đây trên mạng đã có một số người đề cập đến một số những việc làm của tôi. Chủ yếu là những việc mà tôi đã thực hiện ở địa điểm có tên là Khu Du lịch Đại Nam Văn Hiến. Đại khái là những lời chê bai về các công trình mà tôi đã thực hiện ở đó: về kiến trúc, và…thơ.
Điều đặc biệt và phải nói rằng có phần nào vẻ vang cho tôi – một người chỉ có một số vốn liếng rất nhỏ nhoi về học vấn, và nhất là chưa hề có bằng cấp học vị gì ráo trọi – là những lời chê bai nói trên lại xuất phát từ cửa miệng của một số những ông, bà có học vị cao, không tiến sĩ thì cũng thạc sĩ, ngoài ra, lại đang đảm đương những chức vụ như giáo sư, chủ nhiệm v.v… được những người có tước vị như thế quan tâm đâu phải dễ? và, lời người xưa nói: ai chê ta là thầy ta. Trong tinh thần cầu học, tôi đã và đang trân trọng lắng nghe những lời chê bai ấy, tìm hiểu để trau sửa mình. Và tôi đã đọc:
“Bởi thơ Huỳnh Uy Dũng (HUD) chưa nói về nội dung mà chỉ nói về cấu trúc từ ngữ thì cũng đã mệt với cách làm thơ, làm câu đối của Huỳnh Ngu Công (HNC) và HUD. Viết hoa lung tung rồi Hán, Việt lẫn lộn. Mà Hán Việt lẫn lộn là điều kỵ nhất trong thơ…”
Tôi, tức HNC, tức HUD đọc tới đây xin dừng lại một giây, để tìm hiểu, để “sửa lỗi” mình.
Gạt một bên những lời chửi đổng, những lời chê khống, chúng ta rút ra được kết luận này: “…Viết hoa lung tung rồi Hán, Việt lẫn lộn, mà Hán, Việt lẫn lộn là điều kỵ nhất trong thơ, văn”. À thì ra ông phê bình này cho rằng sở dĩ HUD làm thơ dở là vì phạm các lỗi sau đây:
1. Viết hoa lung tung
2. Hán, Việt lẫn lộn.
Nhà phê bình này cho rằng Hán, Việt lẫn lộn là điều kỵ nhất trong thơ văn (nguyên văn trên mạng) như thế có nghĩa là, theo ông này, muốn viết văn thơ “đừng dở” thì đừng viết hoa lung tung. Như HUD tôi, chẳng hạn.
Nghe nhà phê bình này quở tôi cũng “tá hỏa” theo ông ta, vội nghiên cẩn lật ra đọc lại một bài thơ của mình mà chính ông này đã chọn chưng lên mạng với nhã ý bêu xấu bài ấy thế này:
Về thăm Văn Hiến Rồng Tiên
Mỗi trang sử một thề nguyền đinh ninh
Về thăm văn hiến diễm tình
Khi về chở cả cây Quỳnh cành Dao
Ngoài việc nhà phê bình này cự nự vì sao lại dám đem thơ mình đóng khung sơn son thếp vàng (mà ai lại chẳng muốn đóng khung sơn son thếp vàng thơ của mình cơ chứ? Chẳng lẽ lại đi đóng khung sơn son thếp vàng thơ của người khác sao? Để họ “oánh” cho về cái tội “vô duyên” thì sao?), HUD tôi ngu muội không hiểu bài thơ này phạm vào cái lỗi viết hoa lung tung ở chỗ nào? Này nhé, chữ “về” đầu câu thì phải viết hoa, có đúng không nào? Chữ “thăm” thì viết thường chứ không viết hoa: đúng không? Chữ “Văn Hiến, Rồng Tiên” viết hoa để diễn bày niềm trân trọng: chẳng phải ư? Ba vạn câu thơ của HUD tôi đều viết hoa và không viết hoa với tinh thần như thế. Sai ở chỗ nào?
Đến câu này: Hán, Việt lẫn lộn, ông phê bình gia này lớn giọng tuyên bố rằng: “mà Hán Việt lẫn lộn là điều kỵ nhất trong thơ văn” (thế, điều kỵ nhì trong thơ văn là gì nhỉ?)
Thú thật, đọc tới câu này HUD tôi cũng tá hỏa chẳng khác gì ông này đã từng tá hỏa khi đọc thơ HUD vậy (hai bên cũng đều tá hỏa nhau…huề nhé!)
Nhưng cái giới cấm của nhà phê bình này nói khó tuân làm sao!
Không biết ông này có phải là người Việt bình thường không? Vì là người Việt thường ắt phải hiểu rằng ngôn ngữ Việt không thể tách khỏi ngôn ngữ Hán vì chừng khoảng 70 đến 80 phần trăm gì đó tiếng Việt trùng với tiếng Hán. Anh nói một câu gì đó mà có chạm vào lĩnh vực tư tưởng là bắt buộc anh phải dùng chữ Hán rồi. Thơ văn nước ta kể cả những kiệt tác phẩm cũng đều pha lẫn Hán, Việt – có nghĩa là phạm vào điều mà ông phê bình này hô hoán là điều tối kỵ.
Thử dẫn ra vài câu thơ danh tác làm ví dụ cho vui nhé:
“Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã
Địch lầu thu dường gã Tiêu Lang
Dẫu nghề tay múa miệng xang
Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng”
Hoặc:
“Hình mộc thạch vàng kim ố cổ
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong
Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư”
Hoặc:
“Tranh tỷ dực nhìn ưa chim nọ
Đồ liên chi lần trỏ hoa kia
Chữ đồng lấy đấy làm ghi
Mượn điều thất tịch mà thề bách niên”
Ba đoạn thơ này HUD tôi đã tiện tầm tay mà trích dẫn vì nằm trong một tập thơ ngay trước mặt mình: Tập Cung oán ngâm khúc, một tuyệt tác của Ôn Như Hầu. Và cũng như các bạn, HUD tôi có thể trích dẫn mười vạn câu “tối kỵ” như thế trong kho tàng thơ phú Việt Nam.
Chuyện hãy còn dài. Xin hẳng tạm thời dừng bút.
Huỳnh Uy Dũng
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook