Ông Bụt của đời con
TT - Tự bao giờ trong trái tim con, bố đã chiếm một góc thật lớn, không gì có thể sánh bằng. Bởi lẽ tuổi thơ con đầy ắp những kỷ niệm chan chứa thương yêu của bố, mà con nghĩ suốt đời này mình không thể quên!
Đó là những tháng ngày rất đỗi gian nan mà bố đã phải vất vả bươn chải vì con, để mỗi lần nghĩ đến con lại nghẹn ngào và thấy mình có thêm sức mạnh bước tiếp giữa cuộc đời.
Có bố làm chânNhà có bốn chị em nhưng con lại là gánh nặng lớn nhất của bố mẹ vì đôi chân tật nguyền - di chứng của cơn sốt viêm não Nhật Bản khi con mới lên 2. Nhà mình lúc ấy thuộc vào dạng nghèo nhất làng. Mẹ phải oằn lưng gánh thúng lúa, mớ khoai ra chợ bán kiếm từng đồng lẻ lo bữa ăn cho gia đình. Bố thì ai cần việc gì là nhận làm lấy: phụ hồ, sửa xe đạp, sửa điện, bán nước chè...
Cả bố và mẹ làm quần quật, vất vả suốt ngày đêm nhưng gia đình mình vẫn không thể khấm khá lên được, bởi tất cả những gì nhà mình có và vay mượn được đều phải dồn lại để đưa con ra Hà Nội điều trị. Giờ nghĩ lại con vẫn không thể tưởng tượng nổi khi đó bố mẹ đã làm cách nào để xoay xở được khoản tiền “to bằng trời” đưa con đi chữa bệnh ngoài thủ đô đến bảy lần như thế!
Con đến tuổi đi học. Nhìn đôi chân con mẹ ngậm ngùi: “Thôi đành để nó ở nhà vậy, anh ạ!”. Nhưng bố dứt khoát: “Không được! Con mình đã tàn tật như thế này, không thể để nó cũng bị liệt luôn về trí tuệ.
Phải giúp nó “tàn nhưng không phế” chứ!”. Thật tình lúc đó con lo lắm bố ạ. Con sợ bị bạn bè chê cười nữa. Nhưng nhìn nét mặt quả quyết và cái siết chặt tay của bố, mọi lo lắng, sợ hãi trong con dường như tan biến.
Thế là ngày hai buổi bố lại nhấc bổng con lên chiếc xe đạp có khung ngang chắn trước chở con tới trường. Nói là chở nhưng thật ra là dắt bộ, bởi vừa đi bố vừa phải giữ cho chân con không bị đụng vào căm xe. Ngày nắng, con đường nghi ngút bụi. Bụi bay tứ tung và bám cả vào áo quần, vào khuôn mặt của bố.
Mùa mưa bố phải cõng con trên lưng, ghì chặt bàn chân, bước chậm trên con đường trơn mỡ. Đôi lúc nhìn lưng bố còng xuống, lòng con quặn thắt vì cõng con mà bố mới thế! Vậy mà lúc đó con có để ý đâu bởi con đang cười toe toét tự hào với những bạn khác đi trên đường...
Khi con lên lớp 7, một chương trình nhân đạo do Mỹ hợp tác được tổ chức nhằm phẫu thuật cho trẻ em tật nguyền ở Việt Nam. Tỉnh dậy sau ca mổ kéo dài và cơn mê mộng mị, con thấy bố ngồi đó - bên cạnh giường bệnh nhân - nắm chặt tay con, đầu cúi xuống. Con khẽ gọi thì thào: “Bố!”. Bố ngước lên, mừng rỡ ôm lấy con. Hình như là bố khóc? Giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen xám của bố, của một người đàn ông luôn cứng rắn và đầy nghị lực. Hình ảnh ấy đã hằn sâu vào tâm trí con cho tới bây giờ. Bố đã nghẹn ngào: “Bố sợ ca mổ sẽ đưa con đi vĩnh viễn! Cảm ơn ông trời!”.
Bước đi đầu đờiCon bắt đầu những bài tập vật lý trị liệu. Đau đớn khiến con bật khóc. Mỗi động tác như ngàn mũi kim đâm lên chân con vậy. Mỗi khi như thế con lại nhìn sang bố, lúc ấy đang đứng cạnh bác sĩ. Thể nào bố cũng mỉm cười đầy tin tưởng và động viên: “Cố lên con!”. Chỉ cần có thế là con lại có thêm sức mạnh vượt qua cơn đau đang giằng xé trên đôi chân mình.
Rồi mỗi buổi chiều bố lắp chân giả vào cho con, giúp con chống đôi nạng gỗ và tập đi trong khuôn viên bệnh viện. Lê từng bước chân khó nhọc, mồ hôi con vã ra như tắm vì đau và nhức. Chỉ nhấc được có vài mét ngắn ngủi mà con tưởng mình như vừa đi hơn một vòng Trái đất. Bố đi bên không ngừng cổ vũ, khích lệ con. Sau hơn bốn tháng con quyết tâm bỏ cây nạng gỗ, tự đi trên chính đôi chân của mình. Và con đã làm được. Con còn nhớ lúc ấy bố đã vô cùng ngạc nhiên, ngỡ ngàng và hét lên đầy sung sướng: “Trời ơi! Con gái tôi đi được rồi!”.
Thấy con dù đã đi được nhưng vẫn còn yếu, bố hì hục sửa chiếc xe đạp cũ xin được, quyết định tập cho con đạp xe để chân con cứng cáp hơn. Khỏi phải nói con đã sửng sốt đến nhường nào. Bước đi trên mặt đất con còn chưa vững huống chi... Nhưng với giọng rắn rỏi, bố trấn tĩnh con: “Đừng sợ con gái. Con không thể để chân mình yếu thế này mãi được. Phải cố gắng kẻo mọi nỗ lực từ trước tới giờ đổ xuống sông hết. Bố sẽ bên con mà!”.
Đó là mùa hè đáng nhớ bố nhỉ! Cứ tầm 3g sáng bố lại thức giấc rồi gọi con dậy. Phải tập vào giờ đó vì ban ngày bố bận đi làm. Mọi việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi bố giữ xe để con tự đạp thì quả là một cực hình. Đôi chân con vừa mới tập tễnh những bước đi đầu tiên, giờ lại phải ghì xuống nhấn bàn đạp.
Trời đất như tối sầm lại mỗi lần con cố gắng rướn chân. Đôi bàn chân xoãi dài, mềm nhũn, không hề có chút sức lực. Nỗi đau và sự bất lực cùng lúc ập về nặng trĩu trong lòng con. “Không gì là không thể con ạ. Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp mà. Con đã làm hết sức mình chưa mà lại bỏ cuộc?”. Lời của bố vang lên xóa tan mọi suy nghĩ tiêu cực trong con. Gạt bỏ nỗi đau, con lại rướn, lại ghì, lại nhấn bàn đạp. Một vòng, hai vòng, ba vòng...
Cứ thế, ngày này qua ngày khác bố con mình đi hết con đường làng dài và hẹp. Hơn ba tháng sau thì con đã có thể tự mình đi được xe đạp, cùng bạn bè tới trường vào ngay năm học sau đó. Bố không biết con biết ơn bố tới nhường nào!
Con sẽ thong dong trên đường đờiMỗi khi có bạn tới nhà, bố lại chỉ tay “giới thiệu” những tờ giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, những tấm bảng nhận học bổng của con treo kín trên tường cùng nụ cười tự hào và mãn nguyện. Nhưng bố ơi, bằng ấy thành tích học tập của con có là gì so với công lao trời biển của bố. Con học khá vì con nghĩ đó là món quà duy nhất và ý nghĩa nhất mà con có thể dành cho bố thôi.
Chiều nay đạp xe một mình đi học về, con bỗng thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, không lo lắng. Con đã biết đi xe đạp, và con cũng sẽ biết tự đi chiếc xe đạp ấy khi không có bố ở bên, trên con đường dài và rộng hơn - đường đời! Con tin thế và bố cũng hãy tin ở con gái bố, bố nhé! Nhưng cho dù thế nào đi nữa thì bố vẫn mãi là người bố tuyệt vời nhất của đời con!
Gửi ngàn nụ hôn kính thương nhất tới bố Nguyễn Công Sáu - ông Bụt của đời con!
NGUYỄN THỊ THANH HOAMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)