Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân sát Việt Nam



Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) đưa tin, Chính phủ nước này vừa thông qua kế hoạch xây dựng 1 nhà máy điện hạt nhân tại TP cảng Phòng Thành của tỉnh Quảng Tây, cách Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam khoảng 60km.  

Các lò này được thiết kế và sản xuất theo công nghệ nước ngoài với 80% vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc.

Thông tin đăng trên website của Ủy ban Quản lý và theo dõi tài sản nhà nước của Trung Quốc vào ngày 19/7 cho biết, tập đoàn Năng lượng hạt nhân Quảng Đông được giao xây dựng 2 lò phản ứng tại Phòng Thành.

Dự án khởi công vào cuối tháng 7/2010. Giai đoạn một của dự án có kinh phí khoảng 3,5 tỷ USD xây dựng 2 lò phản ứng CPR-1000, mỗi lò có công suất 1,08GW. Lò phản ứng đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2014 hoặc 2015, và lò thứ 2 sẽ hoạt động vào năm 2016.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Chắc chắn rằng nếu nhà máy điện nguyên tử này đi vào hoạt động, các vùng sông biển lẫn núi non của ta tiếp giáp với Trung quốc sẽ hứng chịu rác thải "nguyên tử" của họ đổ bừa bãi nếu ta không có một phương án kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả việc xử lý và tiêu huỷ rác thải nhà máy điện nguyên tử của họ. Thật đáng lo cho thế hệ con cháu chúng ta...
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thành lập trung tâm xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam

Chiều 22-7, ĐHQG TP.HCM đã công bố thành lập Trung tâm xuất sắc John von Neumann (JVN). Đây là mô hình trung tâm xuất sắc (Center of Excellence) về khoa học hệ thống, tri thức và thông tin đầu tiên tại VN.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, JVN ra đời là một giải pháp đột phá góp phần vực dậy và phát triển nền nghiên cứu khoa học.

“Trung tâm này là nơi nghiên cứu sâu những vấn đề tầm cỡ lớn của đất nước, mang tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, trung tâm còn đào tạo, liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài để phát triển thế hệ các nhà khoa học kế thừa và đào tạo nhân tài cho đất nước” - ông Nghĩa nói.

TR.HUỲNH
(Báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Các đập nước đe dọa cá sông Mekong



TTO - Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo: bốn trong số 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, trong đó có loài cá da trơn lớn, đang bị đe dọa tuyệt chủng do các dự án đập thủy điện trên sông Mekong.

WWF đặc biệt nhấn mạnh tới nguy cơ biến mất loài cá da trơn lớn, với một số con có thể dài hơn 3m, do chúng đang nằm trong danh sách những loài nguy cấp.

Theo WWF, loài này thường di cư từ hồ Tonle Sap ở Campuchia, vượt sông Mekong để đẻ trứng ở miền bắc Thái Lan và Lào.

“Loài này không thể bơi qua một vật cản lớn như đập nước để tới nơi đẻ trứng của chúng ở ngược dòng sông”, bà Dekila Chungyalpa, giám đốc chương trình sông Mekong thuộc WWF, giải thích.

Ba loài cá nước ngọt khác cũng bị các dự án đập thủy điện đe dọa là cá đuối gai độc sông Mekong, có thể dài bằng nửa chiếc xe buýt và nặng hơn 500 kg; cá da trơn ăn thịt chó (loài này được đặt tên như thế do các ngư dân dùng chó làm mồi câu chúng) và cá hô sông Mekong.  

Theo bà Chungyalpa, việc đảm bảo kế sinh nhai cho hàng triệu người sống dọc sông Mekong và bảo tồn các loài cá nêu trên là rất cần thiết, và "chúng ta đang có cơ hội hiếm hoi để làm điều này": hiện tại vùng hạ lưu sông Mekong vẫn là một dòng chảy tự do, và các nước vẫn có thể xem xét lại các dự án thủy điện, song cần phải khẩn trương bởi thời gian không còn nhiều.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/199/437199.jpg
Một con cá hô sông Mekong nặng hơn 100 kg bị bắt tại Campuchia năm 2002 - Ảnh: WWF

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=437200
Con cá tra lớn sông Mekong này bị bắt ở Thái Lan năm 2005, nặng gần 300 kg - Ảnh: WWF

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/201/437201.jpg
Con cá đuối gai độc sông Mekong khổng lồ này được tìm thấy gần biên giới Việt Nam - Campuchia hồi năm 2002. Nó dài 4m (tính từ đầu tới đuôi), bề ngang 2m - Ảnh: WWF

MINH ANH (Theo MSNBC)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đã có xăng sạch



TT - Từ đầu tháng 8-2010, người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn mới khi thị trường xuất hiện loại xăng pha cồn E5 do Tổng công ty Dầu (PV Oil) tung ra. Giá mỗi lít xăng loại này thấp hơn xăng A92 đến 500 đồng. Sự chênh lệch là cơ sở để hình thành một thị trường xăng dầu cạnh tranh có ích cho người tiêu dùng.

Chuẩn bị cho chiến lược tung ra thị trường sản phẩm xăng E5, PV Oil đã triển khai xây dựng ba nhà máy sản xuất ethanol (cồn) với công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm. Cả ba nhà máy này đều dự kiến đi vào sản xuất năm sau.

Sẽ bán đại trà

Tại buổi họp báo giới thiệu xăng E5 ngày 29-7, ông Lý Hồng Đức, phó tổng giám đốc PV Oil, khẳng định giá bán xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng A92 là 500 đồng/lít. Như vậy với giá xăng A92 hiện là 15.990 đồng/lít, xăng E5 bán lẻ ở mức 15.490 đồng/lít.

“Mức chênh lệch này kéo dài từ sáu tháng đến một năm, sau đó sẽ thay đổi theo giá thị trường. Đây là giai đoạn đầu nên chúng tôi quyết định giá đó để giới thiệu sản phẩm mới cho người tiêu dùng”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng cho biết dù sau này giá có thay đổi thì xăng E5 vẫn sẽ rẻ hơn xăng A92.

Sản phẩm xăng E5 sẽ được bán trong toàn hệ thống PV Oil. Tuy nhiên, bước đầu người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn khi tìm mua bởi hiện nay hệ thống cây xăng của PV Oil còn rất ít. Trong tháng 8 trên cả nước chỉ có 24 cửa hàng của PV Oil và Petec (công ty vừa được chuyển về Tập đoàn Dầu khí VN) bán xăng E5.

Sản phẩm này chỉ mới xuất hiện tại một số tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ông Đức cho biết sở dĩ có chuyện này là hiện nay công ty phải chọn lựa một số cửa hàng của mình để phục vụ trước, đến khi ba nhà máy sản xuất cồn đi vào hoạt động thì mới có thể bán đại trà xăng E5.

Dự kiến đến năm 2012 có 4.000 điểm bán xăng E5 trên cả nước.

Bên cạnh PV Oil, giữa tháng 8-2010, sản phẩm xăng E5 của Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cũng được tung ra thị trường. Ông Đặng Vinh Sang, tổng giám đốc Saigon Petro, cho biết thiết bị đã được lắp đặt, công ty đang làm thủ tục để được công nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn VN.

Về giá bán, ông Sang cho biết xăng E5 của Saigon Petro sẽ chỉ rẻ hơn xăng A92 khoảng 50 đồng/lít.

Cạnh tranh?

Ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (đơn vị sản xuất cồn cung cấp cho PV Oil, hiện quản lý nhà máy sản xuất cồn có công suất 100 triệu lít/năm tại Bình Phước), khẳng định chất lượng xăng E5 không hề thua kém các sản phẩm xăng khác dù pha 5% cồn.

“Chỉ khi nào pha trên ngưỡng 10% cồn vào xăng thì mới có nguy cơ ảnh hưởng đến máy móc của xe”, ông Tuấn giải thích. Cũng theo ông Tuấn, trên thế giới đã có nhiều quốc gia pha với tỉ lệ cao hơn. Ở VN việc pha cồn vào xăng với tỉ lệ nào còn tùy thuộc lộ trình cho phép của cơ quan quản lý.

Ông Lý Hồng Đức khẳng định xăng E5 của PV Oil đã được đăng ký hợp chuẩn với tiêu chuẩn VN, an toàn cho mọi động cơ, kể cả loại xe sử dụng dầu nhờn pha xăng.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết Petrolimex sẽ không sản xuất xăng E5.

Như vậy, với sự xuất hiện xăng E5 có giá rẻ hơn nhưng chất lượng ngang bằng xăng A92 trên thị trường của ba đầu mối cung cấp xăng dầu lớn là PV Oil, Petec (Công ty Thương mại, kỹ thuật và đầu tư) và Saigon Petro, có thể coi thị trường xăng dầu bắt đầu manh nha sự cạnh tranh. Người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn mới.

Mặc dù ba đầu mối này đang chiếm khoảng 40% thị phần thị trường xăng dầu VN, nhưng trước mắt tỉ trọng bán xăng E5 vẫn chưa cao trong tổng lượng xăng dầu bán ra thị trường nên khó gây sức ép lên Petrolimex. Tuy nhiên, theo đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ từ nay đến năm 2025, việc sử dụng nhiên liệu sinh học được khuyến khích phát triển, trong đó có xăng E5.

Giám đốc một đầu mối xăng dầu cho rằng nếu Petrolimex không sản xuất xăng E5, sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu mới có cơ may phát triển. Nhưng các công ty sản xuất xăng E5 cũng còn cân nhắc trong việc sản xuất và phát triển sản phẩm này bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa rõ ràng.

LÊ NGUYÊN MINH

Xăng E5 giúp giảm khí thải độc hại

Sau một thời gian bán thử nghiệm xăng pha 5% nhiên liệu sinh học ethanol (xăng E5) tại Hà Nội, Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), thuộc Tập đoàn Dầu khí VN, đã chính thức được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Qua kiểm định của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, xăng ethanol giúp giảm đáng kể lượng khí thải độc hại.

Cụ thể với loại khí độc CO, mức phát thải đã giảm gần một nửa, từ hơn 700ppm với xăng A92 xuống 400ppm với xăng pha ethanol 10%. Theo công bố của PVB, nếu pha 5% ethanol vào xăng A92, chỉ số octan sẽ tăng lên thành 93,5, xăng A95 thành 96,5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Thanh Hà, tổng giám đốc PVB, khẳng định hiện tại việc bán xăng E5 của PVB vừa tạm dừng, tuy nhiên sẽ được nối lại trong tháng 8-2010 và bán tại một số cửa hàng của PV Oil.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong Trường đại học Bách khoa Hà Nội, xe sử dụng xăng E5 tăng tốc nhanh hơn so với xe sử dụng xăng A92. Xăng E5 cháy triệt để hơn, không ảnh hưởng xấu đến độ bền động cơ. Đặc biệt, khí thải hidro carbon của xăng E5 thấp hơn xăng A92 nên giúp bảo vệ môi trường.

Đến nay, trên cả nước đã có một số nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học để pha vào xăng đã hoạt động.

Ngày 2-9-2009, Công ty cổ phần Đồng Xanh đã chính thức giới thiệu sản phẩm xăng ethanol được sản xuất tại VN. Nhà máy ethanol của công ty này có công suất 100.000 tấn/năm (tương đương 120 triệu lít) đã được xây dựng tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Ngày 10-6-2009, PVB cũng chính thức khởi động xây dựng Nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) khu vực phía Bắc với công suất 100.000 m3/năm.

Hiện nhiều nước đã sử dụng xăng E5 thậm chí E10 và E20 (pha 10-20% ethanol) để giảm giá thành xăng và bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch... Ethanol chiết xuất từ thực vật, chủ yếu từ khoai mì (sắn) và mía nên việc các nhà máy ethanol đi vào hoạt động còn giúp tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân.

TS Lê Kim Diên - phòng thí nghiệm trọng điểm Viện Hóa học công nghiệp VN - cho biết hiện rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng xăng ethanol với hàm lượng pha 5-85%. Tuy vậy, nếu muốn sử dụng xăng pha ethanol với hàm lượng trên 10% phải có thay đổi về động cơ.

Hiện Brazil đã sử dụng đại trà loại xe có động cơ hỗn hợp có thể sử dụng cả hai loại nhiên liệu pha ethanol tới 85-95%. Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã quy định không được bán loại xăng có hàm lượng ethanol dưới 10%. Tại Bangkok (Thái Lan) hàm lượng pha ethanol bắt buộc là 7%.

CẦM VĂN KÌNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

gái có chồng

Vodanhthi đã viết:
Thành lập trung tâm xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam

Chiều 22-7, ĐHQG TP.HCM đã công bố thành lập Trung tâm xuất sắc John von Neumann (JVN). Đây là mô hình trung tâm xuất sắc (Center of Excellence) về khoa học hệ thống, tri thức và thông tin đầu tiên tại VN.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, JVN ra đời là một giải pháp đột phá góp phần vực dậy và phát triển nền nghiên cứu khoa học.

“Trung tâm này là nơi nghiên cứu sâu những vấn đề tầm cỡ lớn của đất nước, mang tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, trung tâm còn đào tạo, liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài để phát triển thế hệ các nhà khoa học kế thừa và đào tạo nhân tài cho đất nước” - ông Nghĩa nói.

TR.HUỲNH
(Báo Tuổi Trẻ)
Tôi cũng đã được nghe qua việc ra đời của Trung tâm này và thấy dù thật sự không muốn quan tâm lắm đến việc ra đời của rất nhiều trung tâm mà tiếng gọi vang như chuông ở suốt chiều dài đất nước. Với Trung tâm này, điều tôi cảm nhận được cũng không ngoài điều ấy, một dự cảm mơ hồ cho những điều khó mà tồn tại...
Tên gọi là Trung tâm xuất sắc John von Neumann (JVN), được định nghĩa là mô hình trung tâm xuất sắc (Center of Excellence) về khoa học hệ thống, tri thức và thông tin đầu tiên tại VN.Chỉ là cái tên thôi cũng gợi cho người ta nhiều suy nghĩ: Có chăng những điều kiệt xuất như tên gọi của trung tâm này, do một trường Đại học có tiếng tăm của Việt Nam công bố thành lập lại mang một cái tên đầy ngoại ngữ thế này...Hay chỉ có bằng chữ ngoại ngữ thì mới thể hiện sự xuất sắc...
Hiện nay, việc sử dụng ngôn ngữ khác Tiếng Việt trong giao tiếp là khá phổ biến thể hiện sự hoà nhận tiến tới một ngôi nhà chung trên thế giới, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nền văn hoá của nhau để học hỏi, chia sẻ và cảm nhận được những tinh tuý của mỗi một dân tộc, một đất nước. Trong cuộc sống cũng không quá khó khăn xét nét khi sử dụng ngôn từ, ngôn ngữ giao tiếp, có thể do thói quen khi giao tiếp trong công việc, trong thư giản ...nhưng trong việc đặt tên cho một con đường, một trường học, một trung tâm, một tỉnh, thành...v.v... cần lắm sự nghĩ suy và cân nhắc. Ví như Trung tâm này...không chỉ ở trong đất nước này...mà tham vọng xa hơn là quốc tế...Vận những danh nhân, vĩ nhân của Việt Nam không được nhớ đến để đặt tên cho "trung tâm xuất sắc" hay sao? ...hay là có lý do nào khác?

Còn vấn đề "là một giải pháp đột phá góp phần vực dậy và phát triển nền nghiên cứu khoa học..."..."là nơi nghiên cứu sâu những vấn đề tầm cỡ lớn của đất nước, mang tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, trung tâm còn đào tạo, liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài để phát triển thế hệ các nhà khoa học kế thừa và đào tạo nhân tài cho đất nước" Nghe kêu quá...Bây giờ chúng ta cần thực tế nhiều hơn, thực tế nghĩ suy đến những gì mà cuộc sống chúng ta đang cần để mà định liệu tính toán...Những câu chữ như Đột phá...nghiên cứu sâu..v.v có xứng với tên gọi của một trung tâm xuất sắc chưa? ...

Vấn đề không phải là sự ra đời của một trung tâm xuất sắc thì chúng ta sẽ có những con người xuất sắc...vấn đề là ở cơ chế đào tạo, đãi ngộ, khuyến khích và thu hút những lượng lớn chất xám từ những nhà khoa học đang chờ chúng ta mở rộng vòng tay đón nhận, rồi từ nguồn nhân lực thực sự đã được lựa chọn, đào tạo và chăm chút từ khi còn sơ khai để từ đó chúng ta có những thế hệ những nhà nghiên cứu, nhà hoa học trẻ ý thức và trách nhiệm đối với tương lai, vận mệnh của đất nước...chứ không phải vì được nhận và đưa vào trung tâm vì anh chị này là con của anh Y và chị Z...

Viễn cảnh...không ít sương!
Không có thất bại, chỉ là chưa thành công...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người phụ nữ châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình:

"Chúng ta thiếu tôn trọng cuộc sống"



TTO - Người phụ nữ châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa Bình vào năm 2004 trong những năm gần đây đã ra sức quảng bá lối sống Mottainai mà bà biết đến trong một lần đến thăm Nhật Bản.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=438426
Reduce (tiết giảm),  Reuse (Tái sử dụng),  Recycle (Tái chế) và bây giờ là Respect (Tôn trọng) - công thức 4R mà Wangari quảng bá.

Wangari Maathai, người Kenya, bắt đầu hoạt động xã hội từ năm 1970 khi bà sáng lập tổ chức Green Belt Movement, hô hào trồng rừng, bảo vệ môi trường và các quyền phụ nữ. Năm 2004 bà đoạt giải Nobel Hòa Bình nhờ “đóng góp vào phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình”. Bà là tấm gương cho thấy một cá nhân có thể thay đổi cả xã hội như thế nào, và là nguồn cảm hứng cho một trào lưu mới trong lối sống xanh.

Nếu như người Nhật chỉ gói gọn Mottainai trong ba ý nghĩa Reduce (tiết giảm chất thải),  Reuse (tái sử dụng nguồn nguyên liệu hữu hạn và Recycle (Tái chế bất cứ thứ gì có thể) thì tiến sĩ Wangari Maathai, lại nhìn vấn đề thêm từ góc độ của sự tôn trọng và lòng tri ân(Respect).

Bà nói, “Điều mà tôi thấy thế giới ngày càng thiếu là sự tôn trọng đối với hành tinh, đối với các loài khác, đối với đồng loại con người. Khi thiếu sự tôn trọng, chúng ta rơi vào sự khinh thường, sự bóc lột, sự tận diệt. Một cái thiếu nữa là lòng biết ơn. Nền văn minh của chúng ta bị chi phối bởi chủ nghĩa vật chất, bởi thương mại hóa và toàn cầu hóa có khuynh hướng nghĩ tới các loài khác như là những mục tiêu khai thác và tận dụng. Và nếu không tận dụng hay lợi dụng được họ thì ta xem họ như là thứ vô dụng. Nhưng lối sống Mottainai với 3 chữ R, reduce, reuse và recycle thì làm nổi bật lên sự tôn trọng và lòng biết ơn. Khi đó bạn sẽ cảm thấy muốn cứu hành tinh, khi đó bạn biết mình không thể sống một mình trên trái đất này, bạn phải cộng sinh với các dạng thức khác của sự sống. Chúng ta có thể có nhiều dị biệt trong cách sống và suy nghĩ nhưng cùng chung sống trên một địa cầu và sẽ tốt hơn nếu học cách cùng tồn tại với nhau”.

Bà cho rằng đừng chờ đợi mà mỗi người hãy tự bảo vệ môi trường sống của mình. Gần đây nhất, đã có một cuốn sách thiếu nhi viết về bà mang tựa đề Seeds of Change (Hạt giống đổi thay).

Phong trào Mottainai mà bà khởi xướng ở quê nhà Kenya và trên toàn châu Phi đã gặp những khó khăn nhất định. Mục tiêu cụ thể là tái sử dụng bao nilông. Vì lợi nhuận nên các nhà sản xuất làm ra những bao nilông quá mỏng khó có thể sử dụng nhiều lần. Bao nilông vứt tràn lan trên mặt đất, cây cỏ, sông hồ; bao nilông chui vô bao tử của cả những con vật hiếu kỳ. Lúc đầu tổ chức của bà thành công: chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bao ni lông dày hơn. Nhưng rồi chính phủ lại bị gây sức ép, khi các doanh nghiệp đe dọa sa thải nhân công, đóng cửa nhà máy, mà chính phủ thì không thực sự mặn mà với việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên bà cũng đã có những thành công rất khích lệ, như ở Rwanda tổng thống nước này đã ra lệnh đốt hết tất cả những thứ nilông. Bao nilông thực sự bị cấm trên toàn lãnh thổ và nếu bạn mang một bao nilông vào quốc gia này ngay lập tức nó sẽ bị tịch thu.

Bao nilông mất nhiều ngàn năm để phân hủy nhưng mối nguy hại lớn hơn mà Wangari Maathai nhìn thấy là nó bóp chết ngành nghề đan giỏ truyền thống của người phụ nữ châu Phi, những chiếc giỏ đầy màu sắc và nghệ thuật làm từ thiên nhiên và không gây hại môi trường.

Người dân thấy dùng bao nilông tiện lợi và có vẻ sạch sẽ mà không ý thức về mối hiểm họa lâu dài. Bà cũng không nghĩ là có thể từ bỏ bao nilông để quay lại với chiếc giỏ truyền thống.Thực tế trong phong trào trồng cây của tổ chức bà vẫn dùng bao nilông để ươm cây con trước khi đem trồng, nhưng bà khuyến khích mọi người cố gắng sử dụng lại các bao nếu có thể.

Trong cuốn sách Seeds of Change, tác giả Jen Cullerton Johnson kể lại hành trình một cô bé Kenya đã trở thành phụ nữ và người mẹ lớn lao như thế nào. Tất cả bất đầu từ một điều đơn giản: ngay từ nhỏ Wangari Maathai đã được dạy dỗ về sự kính trọng dành cho thiên nhiên.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=438458



Cô bé lớn lên yêu quý đất đai, cây cỏ, những con vật xung quanh mình: từ những cây mugumo khổng lồ mà bộ lạc của cô, người Kiluyu thờ cúng cho đến những con nòng nọc bé xíu dưới sông. Rồi cô may mắn được đến trường, trong khi hầu hết con gái ở Kenya đều thất học. Cô rất giỏi các môn khoa học và được sang Mỹ du học.

Khi về lại quê hương, Wangari đi khắp đất nước Kenya, sử dụng kiến thức và tấm lòng của mình để bảo vệ nữ quyền và cứu lấy đất đai, bằng cách trồng từng cây một. Thông điệp của Wangari rất rõ ràng, “Chính người dân phải đứng ra bảo vệ môi trường. Chính người dân phải khiến cho các nhà lãnh đạo thay đổi. Chúng ta không được yếu hèn. Chúng ta phải đứng lên và sống cho điều mình tin”.

TIẾP TRƯƠNG
(Theo NHK, Youtube)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Án lệ Vedan

* TƯ GIANG



SGTT.VN - Có lẽ, ban lãnh đạo Vedan đã câu giờ thành công đến hết thời hạn nộp đơn kiện, nếu không có các luật sư tình nguyện, các nông dân dũng cảm và chính quyền TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm “mang” Vedan ra toà.

Ngày 19.9.2008, người lãnh đạo Vedan đứng cúi đầu trước báo chí: “Tôi thành thật xin lỗi công luận và xã hội Việt Nam vì hành vi vi phạm của chúng tôi suốt 14 năm qua”. Nhưng Vedan nói vậy mà không làm vậy. Họ đã cò kè mặc cả mức đền bù bèo bọt cho hàng ngàn nông dân trong một động thái “câu giờ”. Về phần mình, bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên đã phải thốt lên ngày 28.7 vừa qua, tức gần hai năm sau khi xảy ra vụ Vedan: “Chúng ta đã hết tình, hết nghĩa với Vedan. Công ty này không chấp nhận thì đành phải dùng đến lý.” Có lẽ, ban lãnh đạo Vedan đã câu giờ thành công đến hết thời hạn nộp đơn kiện, nếu không có các luật sư tình nguyện, các cá nhân nông dân dũng cảm và chính quyền TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm “mang” Vedan ra toà.

Vì sao một Vedan từng đầu độc sông Thị Vải, phá huỷ hiện tại của những người dân sinh sống hai bên và làm thui chột tương lai của con cháu họ lại có thể bình chân cò kè mặc cả trong suốt hai năm qua? Vì sao chúng ta phải dùng đến “tình” chứ không phải “lý” trong cách cư xử với công ty này? Rõ ràng, đã có những khe hở trong luật pháp cũng như những bao biện, kiểu như của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nên doanh nghiệp này mới có thể làm thế.

Vedan tiến hành xây dựng nhà máy ở Đồng Nai từ năm 1991, tức chỉ vài năm sau khi Việt Nam ban hành luật Đầu tư nước ngoài và tiến hành đổi mới. Thời điểm đó, bộ luật này được xây dựng với tinh thần thông thoáng để mời gọi các dự án FDI đang rất cần cho phát triển. Vì lẽ đó, đã có nhiều điều kiện ưu đãi, đặc biệt là về đất đai và tiêu chuẩn môi trường cho các dự án nói trên. Vedan đã được hưởng trọn vẹn tinh thần đó, và họ cũng đã lạm dụng ưu đãi ấy, như một sự tất yếu.

Bên cạnh đó, luật Bảo vệ môi trường được thông qua năm 2005 đã đóng vai trò rất mờ nhạt trong vụ Vedan. Không có một điều khoản nào được áp dụng, hay trích dẫn, để xử lý công ty này trong suốt thời gian qua. Những ưu đãi, chiều chuộng trong bối cảnh luật pháp không tường minh và nghiêm túc hẳn là lý do cho hành vi và thái độ của Vedan. Dù thế nào đi nữa, kết cục chỉ có một: những người dân sống xung quanh dòng sông Thị Vải là nạn nhân của Vedan, thay vì người hưởng lợi, trong sự phát triển của công ty này.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên từng nói những lời rút ruột: “Tôi thấy đơn độc vì ít người chia sẻ”. Nhưng phản ứng của công luận gần đây cho thấy, ông đang được ủng hộ. Họ ủng hộ ông không chỉ trong vụ Vedan, mà còn vì môi trường sống của chính mình. Nhiều dòng sông ở đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ đã và đang chết đi bởi ô nhiễm công nghiệp. Đó là hậu quả của một não trạng từng thống trị một thời là thu hút FDI bằng mọi giá, công nghiệp bằng mọi giá. Việc bộ trưởng có thể làm nhân cơ hội này, có lẽ là thống nhất những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm khắc hơn với bộ Kế hoạch và đầu tư trong các dự án đầu tư. Ít nhất, những động thái đó có thể giúp ngăn chặn những “Vedan tiềm năng” sẽ đến cùng với làn sóng FDI vào Việt Nam hiện nay và thời gian tới.

Vụ Vedan, vì lẽ đó, nên được xem là án lệ. Dù là thoả hiệp để chấp nhận đền bù hay mang ra toà, cũng không thể “cân nhẹ” họ. Điều đó sẽ cảnh báo để các nhà sản xuất tôn trọng môi trường hơn. Môi trường đã trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng, và hơn lúc nào hết, quan điểm đầu tư vào hiện tại bằng tương lai, hy sinh môi trường cho tăng trưởng phải chấm dứt.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà nước và thông điệp Vedan



SGTT.VN - Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị góc nhìn của ông về vụ Vedan trong bối cảnh đơn kiện công ty này đang chuẩn bị được nông dân nộp lên toà án.

Vai trò của chính quyền trong vụ Vedan dường như đang mâu thuẫn. TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu thể hiện quyết tâm hỗ trợ người dân, trong khi Đồng Nai, nơi Vedan đóng trụ sở lại khác. Ông lý giải điều này như thế nào?

Cấu trúc quản lý của Nhà nước theo trục dọc và trục ngang. Trục dọc là quản lý nghiệp vụ, còn trục ngang là quản lý lãnh thổ, cả hai trục này không thể hiện sự nhất quán, rành mạch. Bằng chứng rõ nhất là chúng ta xây dựng một bộ luật Bảo vệ môi trường mà không phản ánh thực tế hiện tại của Việt Nam và không đủ sắc sảo để giúp bảo vệ các quyền lợi xã hội. Đây là điểm quan trọng nhất.

Bên cạnh cách điều hành bằng pháp luật – vốn không rành mạch vì bản thân các luật đơn giản và không phản ánh được tính phức tạp của đời sống, chúng ta còn cách điều hành bằng mệnh lệnh hành chính hay các chỉ thị, khi Chính phủ trực tiếp xử lý với từng vấn đề. Thái độ không rõ ràng của Chính phủ cũng như không sắc sảo và hoàn thiện của luật tạo ra trạng thái là trục dọc mất năng lực điều kiển. Khi trục dọc mất năng lực điều khiển thì không tạo ra sự thống nhất của trục ngang quản lý lãnh thổ. Do đó, nó dẫn đến các vùng lãnh thổ khác nhau có những phản ứng khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức của chính quyền địa phương. Vụ Vedan là hệ quả của cái tổng thể đó.

Trong trường hợp Vedan xử thua kiện, thì điều đó có thể là thông điệp cho các nhà đầu tư nước ngoài là Việt Nam sẽ mạnh tay với các dự án gây ô nhiễm, nghĩa là một phần nào đó sẽ hạn chế vốn FDI mà Việt Nam muốn thu hút để phát triển đất nước. Một thông điệp như thế có phải là quá khó khăn không?

Dứt khoát phải bảo vệ môi trường, theo tiêu chuẩn nào thì chúng ta phải bàn trên cơ sở khoa học. Nếu lờ vấn đề môi trường đi, qua vụ Vedan là một thông điệp tiêu cực đến các nhà đầu tư nước ngoài, một thông điệp kêu gọi các nhà đầu tư tiêu cực. Không nên xem khắt khe trong vấn đề môi trường là thông điệp tiêu cực với các nhà đầu tư, mà là thông điệp tích cực để lựa chọn các nhà đầu tư. Đó là cái mà chúng ta cần dứt khoát. Nếu còn cò kè như một mụ hàng xén về vấn đề môi trường, thì tức là chúng ta gửi cho thế giới một thông điệp lớn hơn là Việt Nam không bảo vệ tương lai của mình.

Trong trường hợp cụ thể, Vedan đã xuống nước bằng cách cò kè hỗ trợ từ 3 tỉ lên 7 tỉ rồi lên 15 tỉ và nay là 30 tỉ đồng. Nếu có sự thoả hiệp, và được chính quyền đồng ủng hộ, thì có thông điệp xấu không?

Không. Thoả hiệp là hành động mang tính toàn cầu vì thế không xem việc đó là hiện tượng tiêu cực. Nhưng thoả hiệp đó phải là một thoả thuận xã hội công khai và tìm kiếm được sự đồng thuận và thống nhất trong cộng đồng dân cư.

Tôi biết là đoàn Luật sư TP.HCM quan điểm một kiểu, huyện Cần Giờ đưa ra đòi hỏi khác, Bà Rịa – Vũng Tàu một đòi hỏi khác, và Đồng Nai lại khác nữa. Rất nhiều người nói với tôi như thế là không nhất quán. Tôi trả lời như thế mới là nhất quán. Bởi vì tàn phá môi trường thì có mức độ khác nhau trong từng địa phương cụ thể. Vì thế, sự khác nhau về mức độ đòi bồi thường giữa các địa phương phản ánh sự gây hại của Vedan với các địa phương đó. Vì thế không nên xem sự khác nhau về đòi hỏi của các địa phương là mâu thuẫn. Nhưng tất cả việc đó phải công khai.

Nếu buộc Vedan bồi thường ở mức cao, thì cũng có thể công ty này sẽ rút khỏi Việt Nam. Đây là giả thiết thôi. Điều này có đáng lo không?

Khi chúng ta làm chủ một đất nước, chúng ta không tính toán nó chi li theo kiểu như thế. Chúng ta phải bảo vệ đất nước, bảo vệ môi trường sống của con người bất chấp mọi sự mặc cả, bất chấp sự ra đi có thể của Vedan. Nếu một Vedan trong lĩnh vực bột ngọt ra đi mà anh đã sợ, thì nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác căn cứ vào đó làm theo, và Chính phủ đứng trước một sự thương lượng chắc chắn thua. Trong trường hợp Vedan, ý chí của Chính phủ dường như là quyết định.

Nhưng với chính quyền Đồng Nai dường như lưỡng lự về hai yếu tố. Vedan tiêu thụ nhiều nguyên vật liệu là củ mì ở tỉnh cũng như ở Đông Nam bộ, lợi ích đó là nhiều hơn so với của những người trực tiếp chịu ô nhiễm của dòng sông. Sự bao biện như thế có thể chấp nhận được không?

Không. Giả sử Vedan dọn đi thì cả khu đất đó để kinh doanh việc khác. Tôi không nghĩ người Việt Nam bất lực và ngu đến mức giả sử Vedan rút đi không biết làm gì trên địa điểm ấy. Vì thế cho nên, phải điều phối lợi ích lãnh thổ phù hợp với luật pháp, chứ không phải lợi ích mà anh tính toán gián tiếp như vậy trên sức chịu đựng của những người dân bị ảnh hưởng.

Trong vai trò là một công dân, đọc các bài báo về vụ Vedan, nhìn thấy cuộc sống của người nông dân bị ảnh hưởng trong vụ này, thì cảm xúc cá nhân của ông là gì?

Nếu cứ tiếp tục lập luận theo kiểu hàng xén như vậy về lợi ích quốc gia, mà không có hành động cụ thể thì không có người Việt Nam nào muốn về quê nữa. Mọi làng quê sẽ bị tàn phá bởi công nghiệp hoá. Cái đấy tác động tiêu cực vào chính sách công nghiệp hoá của Đảng và Nhà nước. Chúng ta phát triển để làm gì? Chúng ta phát triển để sống, và cùng nhau sống, chứ không phải như thế này.

Tôi cho là Chính phủ và Thủ tướng phải có thái độ rành mạch hơn nữa trong vấn đề Vedan.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

WWF ủng hộ hoãn phê chuẩn các dự án xây đập ở sông Mekong



TTO - Báo cáo mới nhất của WWF (Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế) kết luận: những con đập trên sông Mekong là nguồn đe dọa sự sinh tồn của loài các cá nước ngọt cỡ lớn quý hiếm. WWF khẳng định  ủng hộ việc hoãn phê chuẩn các dự án xây đập ở dòng chính sông Mekong.

Cá nước ngọt lớn hơn hẳn những dòng sông khác

“Nhiều loài cá lớn sống ở sông Mekong hơn bất cứ dòng sông nào trên thế giới” - bà Đặng Thùy Trang, điều phối viên sinh thái vùng sông Mekong cho WWF, chương trình "Sông Mekong mở rộng", nói.

“Hiện tại, vùng hạ nguồn sông Mekong chưa có con đập này được xây dựng và dòng nước còn được chảy tự do, chừa lại một cơ hội hiếm hoi cho việc bảo tồn các loài cá quý này. Nhưng thời gian không còn nhiều để chúng ta trông đợi”.

Một vài loài cá lớn khác của sông Mekong được nêu tên trong báo cáo như cá “ăn thịt chó", (tên khoa học là Pangasius sanitwongsei), do để câu được cá này, người ta dùng thịt chó làm mồi và cá Barb lớn (tên khoa học là Catlocarpio siamensis), loài cá biểu tượng của Vương quốc Campuchia đồng thời là loài cá chép lớn nhất thế giới và được xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Cá này nặng khoảng 300kg mỗi con,

Những con đập cũng sẽ khuếch đại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nghề cá và nông nghiệp.

Tác động của các con đập (nếu được xây) ở hạ nguồn, dòng chính của sông Mekong sẽ không chỉ xảy ra cho những loài cá lớn, mà sẽ kết hợp với biến đối khí hậu và có ảnh hưởng nặng nề đối với vùng ĐBSCL của Việt Nam, một trong những vùng đồng bằng lớn trên thế giới cưu mang nghề cá và nông nghiệp.

Xây dựng đập Sayaboury (Lào) sẽ giảm lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL, sẽ tăng tính dễ bị tổn thương của vùng này trước diễn biến của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao.

Basa rồi sẽ thành cổ tích?

Cá basa khổng lồ, biểu tượng của sông Mekong sẽ đến hồi tuyệt chủng nếu các dự án xây đập thủy điện trên sông Mekong được tiến hành, một báo cáo mới của WWF cho biết.

Theo báo cáo có tên: Dòng sông của những loài cá khồng lồ, nghiên cứu các loài cá nước ngọt cỡ lớn ở sông Mekong, có đến bốn loài cá sống ở sông Mekong nằm trong danh sách 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Cá đuối khổng lồ (tên khoa học là Dasyatis laosensis) có chiều dài bằng phân nửa chiếc xe buýt và nặng đến 600kg là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Cá basa khổng lồ của sông Mekong, loài cá đang bị đe dọa nghiêm trọng và là nhân vật của rất nhiều câu chuyện cổ tích, thần thoại xếp hạng ba với chiều dài khoảng 3m và nặng 350 kg.

Những con đập chắn ngang dòng sông Mekong sẽ những chướng ngại không thể vượt qua đối với những loài cá này để đến nơi đẻ trứng.

Lần cuối người dân bắt được cá basa khổng lồ và vào tháng 5-2009, gần vùng sông ở tỉnh Chiang Khong, Thái Lan. Loài cá này đã suy giảm đến 95% số lượng trong thế kỷ qua.

Những nghiên cứu khoa học có được đã chỉ ra hành trình khoảng 1.000km di cư ngược dòng của cá basa khổng lồ từ Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia ngược lên Bắc Thái Lan (tỉnh Chiang Rai) và Lào (tỉnh Bokeo) để đẻ trứng, bắt đầu từ tháng 5 hằng năm. Bất cứ con đập nào xây dựng ở hạ nguồn, ngăn dòng chính sông Mekong cũng sẽ khóa hoàn toàn con đường di cư - sinh sản của loài cá này.

Dự án đập thủy điện trên sông Mekong ở tỉnh Sayaboury, Bắc Lào đe dọa đến sự tồn tại trong tự nhiên của cá basa khổng lồ ở sông Mekong. Đập Sayaboury là đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu dòng chính của sông Mekong đã bước vào giai đoạn đánh giá tác động trước khi được các nước thành viên của Ủy ban sông Mekong xem xét và ra quyết định có ủng hộ việc xây dựng đập này hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, Lào hoàn toàn có thể đơn phương rút khỏi Ủy ban sông Mekong và tiếp tục việc xây đập thủy điện.  

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=439301

Các sự lựa chọn khác

WWF ủng hộ việc hoãn phê chuẩn các dự án xây đập ở dòng chính sông Mekong, trong đó có đập Sayaboury, để đảm bảo có sự hiểu biết đầy đủ về tất cả những lợi ích và tác hại của việc xây dựng và hoạt động của con đập này.

Để đáp ứng nhu cầu điện, WWF khuyến khích các dự án thủy điện có tính bền vững cao đối với môi trường, xã hội, và sức khỏe con người ở các sông nhánh của sông Mekong, ưu tiên bắt đầu với những nhánh sông đã có đập thủy điện.

Người dân Thái Lan đang tham gia vào các hoạt động phản đối việc xây 11 con đập bậc thang trên sông Mekong để bảo vệ quyền làm chủ văn hóa, quyền được canh tác ven sông, và sinh sống đúng theo truyền thống được vun bồi qua nhiều thế hệ bên dòng sông Mekong của họ.

Người Thái đặc biệt phản đối việc xây dựng đập Sayaboury, dự kiến sản xuất 1.260 megawatt điện, để bán cho Thái Lan.

Đập Sayaboury là dự án đã đi xa nhất trong các giai đoạn đánh giá khả thi, đánh giá tác động so với 11 dự án đập thủy điện khác, theo sau là dự án Don Sahong, sản xuất 360 Mw điện, cũng sẽ được xây ở Lào và 9 con đập khác ở vùng hạ lưu sông Mekong. Hai trong trong số các dự án đập được xây trên dòng chính của Sông Mekong nằm ở Campuchia.

Những người chủ trương xây thủy điện nói họ sẽ xây dựng một lối thoát hiểm cho cá để chúng có thể vượt qua bức tường chắn to lớp của đập thủy điện và tiếp tục hành trình di cư lên thượng nguồn. Nhưng người dân Thái Lan không có chút tin tưởng nào vào lời hứa hẹn lãng mạn này do họ đã chứng kiến sự phá sản hoàn toàn của một lối thoát hiểm cho cá đã được xây ở đập thủy điện Pak Mun ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan.

Trong khi tương lai của việc xây dựng đập Sayaboury còn chưa chắc chắn, thì sự tham gia tích cực của nhóm đầu tư tài chính tư nhân vào các dự án xây đập thủy điện lại trở nên rất rõ ràng, thay thế cho vai trò một thời của Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ở lĩnh vực này.

“Khi phát triển thủy điện được dẫn dắt bởi những đơn vị tư nhân, lợi nhuận sẽ là động lực chính của họ và nó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn về thủy điện,” Carl Middleton, Điều phối viên chương trình Mekong Của tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) nói. “Nó sẽ không còn là sự tiếp cận mang tính hội nhập, nhằm cân bằng nhu cầu của Lào và đảm bảo các quan ngại về môi trường và xã hội,” Carl nhấn mạnh.


HỒNG VÂN tổng hợp
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối