Từ những thảm họa lũ lụtHãy bắt đầu từ sinh mạng con người!
Sau hai trận lũ dữ qua miền Trung, thống kê hiện lên những “x” người chết, “y” người mất tích, “z” người bị thương, và những trăm, những ngàn số nhà ngập, số gia súc bị chết, số mét đê vỡ, số ký lương thực bị ướt... Phía sau những con số kia là bao nhiêu phận người, và vì ngập trong một biển thông tin thiên tai, chúng ta như trượt qua những số phận phía sau nó...
Buổi sáng 5-10, sau một ngày đêm quần quật với chiếc thuyền của gia đình lao đi cứu dân, cứu được cả hai du khách nước ngoài, anh Hoàng Văn Ninh, 33 tuổi, trưởng thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (nơi có hang động Phong Nha, Quảng Bình), đứng nhìn cơ ngơi của mình bị lũ cuốn phăng, chỉ trơ lại nền nhà ngập bùn và mấy viên ngói vỡ, nói với phóng viên Tuổi Trẻ: “Mất sạch tài sản cả đời tích cóp nhưng vẫn vui vì bà con mình không ai bị trôi cả. Còn người thì còn của, lo chi!”.
Câu nói giản dị của người anh hùng đã cứu hàng trăm người dân trong lũ dữ ấy là một chân lý nhân văn và minh triết của người Việt: Còn người thì còn của!
Soi cái chân lý giản dị ấy để nhìn vào các trận lũ lụt trong tháng 10 vừa qua trên dải đất phía bắc miền Trung mới thấy con số hơn 100 người chết và mất tích quả là kinh khủng. Cứ mỗi ngày, số người chết và mất tích lại nhiều thêm, tăng thêm trong những bản tin thời sự.
Thôn nhỏ có tên là Bắc Sơn, thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), phía giáp ranh với Hà Tĩnh đã mất bốn người thợ rừng trong trận lũ trước. Bốn người trong số 59 người chết và mất tích của tỉnh này. Tất cả họ đều rất trẻ, tuổi tầm 26-37, ai cũng có gia đình, vợ con.
Đến đó, ngồi trong những căn nhà tuềnh toàng nghèo khó của họ còn in vết dấu trận lũ ngập lên tận nóc, nhìn di ảnh họ trên bàn thờ và chứng kiến nỗi bi thương đang phủ lên vợ con của họ mới thấy cái chân lý “Còn người còn của”, mới biết đằng sau một sinh mạng là số phận của bao nhiêu người khác.
Họ, những người đàn ông trụ cột chết đi, để lại tương lai mịt mù của gia đình họ, để lại những người vợ trẻ góa bụa và số phận mười mấy đứa trẻ, con cái của họ chắc chắn vô cùng đáng thương. Đừng nói chuyện thiệt hại vật chất, hãy nhìn những bé thơ mồ côi kia sẽ lớn lên trong cô độc, bấp bênh, thiếu sự bảo bọc của người cha, nỗi đau mồ côi từ thơ bé ấy không một sự cứu trợ nào bù đắp được.
Vậy, nếu cứ phải thống kê, đã có ai tính được có bao nhiêu đứa con trở thành mồ côi sau những trận lũ này? Đã có bao nhiêu phụ nữ trở thành góa bụa? Bao nhiêu đàn ông thành “gà trống nuôi con”? Đúng là “Còn người còn của”, nhưng phải nhìn lại công cuộc phòng chống thiên tai của chúng ta để thấy rõ một điều: những gì cần kíp, thiết thực nhất để cứu mạng con người dường như đã không được chú tâm đúng mức.
Một vùng đất không năm nào không có thiên tai bão lũ nhưng vẫn chưa có một lực lượng cứu hộ chuyên biệt và chuyên nghiệp. Bạn đọc xem truyền hình gọi điện vào hỏi: Vì sao cả một biển nước mênh mông như thế mà mỗi huyện chỉ có vài chiếc canô nhỏ bé? Trong tình hình hệ thống giao thông mặt đất bị chia cắt thì đường hàng không là phương tiện nhanh nhất ứng cứu nhưng chúng ta đã có bao nhiêu trực thăng để huy động khẩn cấp?
Chúng ta có những dự án tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng, những công trình đồ sộ xây dựng xong rồi “đắp chiếu”, vậy sao lại không thể hỗ trợ cho những gia đình vùng ngập lụt những chiếc xuồng có thể cứu sống cả gia đình họ?
Trong tình huống khẩn cấp như khi lũ đổ về Sơn Trạch, với chiếc thuyền nhỏ, hai người dân Lê Văn Điệp và Hoàng Văn Ninh ở đấy đã cứu được hàng trăm người. Hay vụ chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh, khi sự cố xảy ra, kịp thời cứu được những người dân giữa dòng nước lũ vẫn là những ngư dân bên sông La.
Không năm nào, không địa phương nào không có những cuộc diễn tập cứu hộ cứu nạn trong bão lụt. Có người đóng vai bị nạn, có canô xé sóng, có xe cứu thương còi hụ... Những cuộc diễn tập ấy là vô cùng cần thiết, nhưng khi lâm trận, những gì trong thực tế lại dường như khác cuộc diễn tập hoành tráng, trơn tru kia.
Khi nhớ về những cuộc diễn tập hoành tráng ấy, chúng tôi lại tự hỏi có bao nhiêu em bé trong các trường học của vùng đất quanh năm bão lũ này đã được học bơi? Chúng ta đã dạy các em rất nhiều điều nhưng chưa thấy trong chương trình dạy cho các em kỹ năng sống đơn giản này để tự cứu mình khi hữu sự. Cũng như trong những chuyến hàng cứu trợ với rất nhiều mì gói cho nhân dân vùng lũ, có năm nào chúng ta nghĩ đến chuyện tặng áo phao hay loại cặp học sinh tự nổi?
Với những gì đã xảy ra trong những ngày qua trên suốt vùng lũ Bắc Trung bộ, cái “tra” hay cái “chạn” (tức giàn gỗ được kê gần sát nóc nhà) - nơi trú ngụ cuối cùng của các hộ dân - không còn là nơi trú ẩn an toàn bởi mức lũ năm nay đã vượt quá giới hạn ấy.
Những tấm ảnh về mùa lũ năm nay hầu như không còn là cảnh nước ngập trên sân, trong vườn mà có chung một góc nhìn: chụp cảnh người dân đang đội mưa ngồi trên nóc nhà hay dỡ ngói kêu cứu, thậm chí chới với giữa nước sâu... Đó cũng là sự cảnh báo cho những trận lũ trước mắt và dự báo cho những mùa lũ tiếp theo: nước dâng cao hơn, làng ngập sâu hơn và mưa lũ hung hãn hơn!
Đường trôi, nhà sập, ruộng đồng bị vùi lấp... - những điều ấy rồi sẽ được khắc phục. Nhưng sinh mạng con người sẽ không thể nào “cứu trợ” cho sống lại. Và phía sau sinh mạng một người không chỉ là nỗi đau mất mát mà còn có số phận của nhiều con người khác, nhất là số phận của những em thơ côi cút sau mỗi đận thiên tai.
Bất luận những khó khăn trong ứng cứu giữa nước lũ, bất luận mỗi chuyến trực thăng chỉ cứu được một vài người, chỉ cần đừng quên “Còn người còn của” và quyền được sống của mọi người dân.
LÊ ĐỨC DỤC (Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)