Trang trong tổng số 5 trang (49 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ngh.mai và các bạn: mình đọc bốn câu thơ này và rất thích nhưng không nhớ tên tác giả (một tác giả nghiệp dư của HN). Các bạn cùng đọc với mình nhé!

Thơ tôi viết đâu chỉ mặn mồ hôi
Máu đồng đội một thời chống Mỹ
Những câu chữ đến tột cùng giản dị
Tôi chỉ là người chấp bút mà thôi...

Những câu thơ thật giản dị mà sâu sắc và xúc động đúng không các bạn?
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Bài thơ "Lửa đèn" và nhà thơ, người lính Phạm Tiến Duật (trích)

Năm 1964, ông lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên các tuyến đường Trường Sơn.

Trong thời gian này, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ nổi tiếng như: Gửi em cô thanh niên xung phong, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Nhớ, Bếp lửa nhà mình…Chính những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và Phạm Tiến Duật cũng là người mang Trường Sơn vào thơ nhiều nhất. Ông đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1970 và sau đó được kết nạp vào Hội Nhà văn VN. Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Hội Nhà văn VN và từ đó đến nay sống tại Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn VN. Những năm cuối đời, không chỉ làm thơ, viết báo, ông còn làm MC của một chương trình dành cho người cao tuổi được phát trên sóng của Đài Truyền hình VN. Năm 2001, nhà thơ Phạm Tiến Duật được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Năm 1969 nhiều trăn trở của đất nước sau tổng tấn công Mậu Thân 1968. Có một sự kiện văn học mà cả nước đều quan tâm - giải thưởng thơ báo "Văn nghệ" mà người đăng quang ngôi "trạng nguyên" là Phạm Tiến Duật - một nhà thơ lính, trẻ, với chùm thơ làm ở đường Trường Sơn huyền thoại.

Bằng một bút pháp rất lạ, rất lính, thơ Phạm Tiến Duật đã loang nhanh vào độc giả yêu thơ vô cùng nhiều của thời bấy giờ. Lúc đó, người ta mới tìm hiểu nhân thân của "trạng nguyên" và được biết anh đã từng là học sinh trường Hùng Vương (Phú Thọ) rồi là SV văn khoa ĐH Sư phạm Hà Nội cùng Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Hưng, Nghiêm Đa Văn... những nhà thơ đã có tiếng trước anh.

Thực ra, thời điểm đó, Phạm Tiến Duật đã làm thơ được 5 năm. Nhưng cái giọng điệu lạ lẫm của thơ anh chưa thể chinh phục được người đọc ngay từ đầu, bởi âm hưởng hào sảng của dòng thơ chính luận đang còn cuồn cuộn trên thi đàn thơ chống Mỹ từ ngót chục năm qua.

Ngoài những giọng thơ lĩnh xướng đàn anh như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... là những giọng thơ sung sức của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly (tức Bùi Minh Quốc)... Một trường phái thơ bi tráng của Hải Phòng với những Thanh Tùng, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Đào Cảng... hoà điệu với những giọng thơ kiểu học sinh, trí thức Hà Nội như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Đỗ Quang Hưng... và giữa dàn hợp xướng thơ thời kỳ đầu chống Mỹ, vọt lên một giọng đơn ca đặc sắc của "thần đồng" Trần Đăng Khoa. Nhưng vẫn chưa tìm ra được ngoài những dòng thơ ca ngợi người lính, một thứ thơ thực của chính người lính đang dấn thân, dâng hiến, đang hy sinh trên hành trình  "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

LỬA ĐÈN

           PHẠM TIẾN DUẬT

I. ĐÈN

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chin đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương

Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Nhìn thấy lửa que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp lóe
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nào
Lòe ánh lửa
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.

Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước
Lấy từ thuở hoang sơ
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trong chấu nhà ta.
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy.

Nơi tắt lửa là nơi tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy tỏa ngợp bao la
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao

Bóng đêm che rồi không thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.


II. THẮP ĐÈN

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm
Chiếc đèn chui vào lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vồi vội
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc những lá thư thăm…
Ta thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến giội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá kê cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ô tô trong chớp lòe ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi…

Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
"Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm"
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.

1967

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trẻ con to xác

Vào đọc các 'huyền thoại' về những thi phẩm. Em thật sự vỡ ra được rất nhiều. Em sẽ cố gắng sưu tầm, lượm lặt mong sẽ chia sẻ lên topic này được ít nhiều.
@ Biển Nhớ: Bài thơ Em Nữ Cứu Thương Người Pháp, làm mình xúc động rất mạnh. Cảm ơn Biển nhớ nhiều. Mình xin phép Biển nhớ được giới thiệu bài viết này và nguyên bản bài thơ tới một số thi đàn khác nhé!đ
lúc túng tiền lên bán cả trời
trời cười :"thằng bé, nó hay chơi"!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương sỏi

hoa cỏ đã viết:
@ngh.mai và các bạn: mình đọc bốn câu thơ này và rất thích nhưng không nhớ tên tác giả (một tác giả nghiệp dư của HN). Các bạn cùng đọc với mình nhé!

Thơ tôi viết đâu chỉ mặn mồ hôi
Máu đồng đội một thời chống Mỹ
Những câu chữ đến tột cùng giản dị
Tôi chỉ là người chấp bút mà thôi...

Những câu thơ thật giản dị mà sâu sắc và xúc động đúng không các bạn?
NHà thơ nhà văn hay bất cứ các tác giả trong các lĩnh vực nghệ thuật nào khác chỉ như kiếp tằm tơ  xe lụa óng cho đời, kiếp con ong gom mật ngọt cho đời. Âu đó cũng là sứ mệnh mà trời trao cho họ. Hay nói cách khác họ chính là thư ký của lịch sử mà thôi./.

Bởi thế:

Nói đến Chí Phèo là nhớ đến Nam Cao
Đọc thơ Tú Xương khoái vì trào lộng
Tất cả cuộc đời - bầu trời cao rộng
Đều lắng đọng vào tác phẩm thơ văn./.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như

Lại xin nói về Lửa đèn của Phạm Tiến Duật, khi vào trang này.
Ngày 23-1-1973, Kít-sinh-gơ và ông Lê Đức Thọ ký tắt Hiệp định Paris. Đêm đó, chúng tôi đang chiến đấu ở Quảng Bình (và đợi lệnh 4 hôm sau vào Nam)và chẳng ai ngủ cả, vì nghĩ hoà bình đang đến gần, gần lắm rồi.
Buổi phát thanh tiếng thơ, lúc 22h00, có  đọc 3 bài, Ta đi tới của Tố Hữu, Ngã ba Đồng Lộc của Huy Cận và Lửa đèn.
Trước đó tôi đã rất thích bài này rồi, còn hơn cả Tiểu đội xe không kính và Gửi em, cô thanh niên xung phong.
Nhiều người cũng nghĩ vậy.
Và cũng chính vì vây, một nguồn tin đang trên đường vào Nam như tôi, cho biết:
Khi Tiểu đội xe không kính được giải thơ, người ta lục tìm các thứ mà Phạm Tiến Duật đã gửi. Một tạp chí có uy tín, đã phát hiện ra Lửa đèn nằm ở trong tập bản thảo gần như bị lãng quên, vì Phạm Tiến Duật chưa có "thương hiệu", mà bài thơ dài quá (so với lúc ấy), nếu đăng tải chiếm chỗ nhiều trang.
Bài thơ đọc vào Ngày 23-1-1973, hoàn toàn xứng đáng với tầm vóc của nó.
Chuyện xưa vẫn cứ như in trong đầu.
Hà Như.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như

Lại xin nói về Lửa đèn của Phạm Tiến Duật, khi vào trang này.
Đúng là Lửa đèn có số kiếp lênh đênh.
Đến như Thi viện ta có khối lượng thơ lớn như vậy, nhưng vẫn chỉ để Lửa đèn nằm ở trang Chủ đề này.
Tìm trong Tác giả Phạm Tiến Duật, không có.
Kể ra thì cũng khó, các tập thơ in Lửa đèn đã quá xa với chúng ta rồi,
quá thiệt cho bạn yêu thơ.

Hà Như
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


LỬA ĐÈN
I
ĐÈN
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín  đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp lóe
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Lóe ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trấu nhà ta.
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy

II
TẮT LỬA
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay…
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,
chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.

Nơi tắt lửa là nơi dài tiêng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao,

Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.

III
THẮP ĐÈN
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
chiếc đèn chui vao lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm

Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi…
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình

Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóngtối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.
                                                   
    1967

Hồi cuối năm 1966 tại Tây Bắc, tôi (PTD) đã có mấy tháng là pháo thủ pháo cao xạ ( tiểu đoàn 24 trực thuộc Quân khu). Ấy thế mà còn viết nhầm. Do khi viết cứ mê đi, mụ đi mà nhầm. Ấy là dòng này “Tiếng anh đo xa điểm đều như đếm nhịp chày giã gạo”. Những dòng trên đã cho thấy pháo đây là pháo tầm thấp. Ban đêm làm sao dùng được máy đo xa bằng mắt thường. Nhưng thôi, không sửa. Đã là cuộc đời thì hẳn có tì vết.

(Trích tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật-Nhà xuất bản hội nhà văn - in xong và nộp lưu chiều tháng 12 năm 2007)

Bài do Phạm Thanh Bình cung cấp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

CHUỖI NGỌC TRONG VƯỜN THƠ
                                                   Huyền Viêm

   Năm 1964, thi sĩ Đông Hồ được Trường đại học Văn khoa Sài Gòn mời dạy môn “Văn học miền Nam” trong chứng chỉ Văn chương Quốc âm. Khi được hỏi : Ông thích bài thơ nào nhất trong các thi phẩm của mình thì ông đáp ngay không cần suy nghĩ : bài “Chuỗi ngọc”. Hẳn phải có nguyên do. Bài thơ ấy như sau :
         
                     CHUỖI NGỌC
         “Biết đâu hợp phố mà mong châu về”

         Nhặt ngôi sao lạc đêm thanh khiết,
         Vớt điểm hào quang đáy biển sâu,
         Hứng giọt bình minh từng lá cỏ.
         Chàng đưa em giữ chuỗi minh châu.

         Hớn hở tay chàng rung ánh sáng,
         Mười đầu ngón nở ý yêu thương.
         Và lòng chàng nở niềm âu yếm,
         Đem đắp vào em chuỗi mến thương.

         Em dấu vào lòng sâu kín nhất,
         Đeo vào vòng ngực trắng trinh hơn.
         Một lần, chỉ một lần hôm ấy,    
         Nghĩ suốt đời em ngọc hãy còn.

         Em có ngờ đâu cơn lửa binh
         Cho tràng châu ngọc vỡ tan tành.
         Ngọc rơi, ôi! Cũng như hoa rụng:
         “Đáo địa nhất vô thanh”.

        Chuỗi ngọc chàng cho em mất rồi!
        Còn đây một chuỗi tiếc thương dài.
        Và đây vạn giọt lòng ngưng đọng,
        Ý ngọc Tình châu chớp mắt rơi…

        Sao lạc không về, trời thổn thức,
        Nước chìm điểm sáng, biển bâng khuâng.
        Sương tan cỏ héo, lòng thương nhớ,
        Ngọc mất. Chàng xa. Lệ ngập ngừng.
                                         ( Trinh trắng )

    Dạo ấy vào khoảng cuối năm 1946 đầu năm 1947, Pháp trở lại Việt Nam lần thứ hai, chiến tranh gieo tang tóc đau thương lên khắp nước. Gia đình Đông Hồ cũng ly tán, mỗi kẻ một nơi. Một hôm ông nhận được thư của nữ sĩ Mộng Tuyết báo tin sản nghiệp tiêu tan, sách vở mất hết, vàng ngọc không còn và nàng “bâng khuâng tiếc về một chuỗi ngọc trai mà bình sinh nàng rất quý” ( lời tác giả). Chuyện mất ngọc đã khiến Đông Hồ xúc động mạnh nên làm bài thơ trên đây. Bài thơ được tác giả yêu quý nhất trong số các thi phẩm của mình vì, theo lời tác giả ;
    “ Tôi thích bài thơ này vì mỗi khi đọc đến thì như thấy lại bao nhiêu hình ảnh loạn lạc năm xưa mà mình đã trải qua. Những nỗi buồn thương chưa hết ray rứt tâm hồn mà lòng cứ còn thấy bàng hoàng như vừa qua cơn ác mộng. Bài thơ đã nói lên được một đổ vỡ âm thầm của cá nhân trong muôn nghìn đổ vỡ chung của xã hội…Trong mọi đổ vỡ tan tành có một điều làm cho con người thơ vừa an ủi vừa tự hào là còn giữ lại được cái gì thanh cao nhất, tinh khiết nhất trong tâm hồn. cái còn ngưng đọng lại đó là “Ý ngọc tình châu” của hồn thơ nhân loại. là một chuỗi ngọc dài không bao giờ tan mất”.
     Vào bài, tác giả tả chuỗi ngọc mang tặng người yêu : đây không phải là chuỗi ngọc bình thường mà là chuỗi ngọc kết bằng những ngôi sao lạc trong đêm thanh khiết, những điểm hào quang vớt từ dưới đáy biển sâu và những giọt sương mai hứng trên lá cỏ. Chàng đã tặng chuỗi ngọc cho nàng với tất cả lòng yêu đương và niềm âu yếm. Trước tấm chân tình ấy, giai nhân sao khỏi xúc động bồi hồi nên đã trân trọng đeo vào vòng ngực trắng trinh và quyết tâm giữ gìn để không bao giờ mất. Nhưng rồi chiến chinh bùng nổ, chuỗi ngọc vỡ tan tành để lại trong lòng nàng một chuỗi tiếc thương dài. Trước sự mất mát ấy, nàng đã không thể ngăn đôi dòng lệ : Ý ngọc Tình châu chớp mắt rơi.
     thế là hết! Sao đi lạc không về, hào quang dưới đáy biển sâu biến mất, sương tan rồi cỏ héo, tất cả chỉ còn là ảo ảnh. Khổ thơ cuối cùng này hồi ý lại khổ thơ đầu để kết thúc bằng những lời nức nở :
          Ngọc mất. Chàng xa. Lệ ngập ngừng.
      Câu thơ cuối cùng này được ngắt ra làm ba,mỗi đoạn chỉ có hai ba từ, nghe như tiếng thổn thức của người mất ngọc.
       “ Chuỗi ngọc “ là một kiệt tác nêu lên chuyện mất mát trong cảnh loạn lạc bằng những lời thơ cực đẹp, lại lưu loát vô cùng. Thật đúng là “Chuỗi ngọc trong vườn thơ”.
      Thi sĩ Đông Hồ từ trần ngày 25/3/1969, thọ 63 tuổi. Cái chết của ông thật đẹp : hôm ấy, trong giờ dạy ở giảng đường trường Văn khoa, ông ngâm bài thơ “Vịnh Hai Bà “ của nữ sĩ Ngân Giang cho sinh viên nghe, trong đó có bốn câu ;
            Ai bắc,quân thù kinh vó ngựa,
            Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi.
            Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
            Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi.

       Lúc vừa ngâm đến câu thứ ba “Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá” thì có lẽ vì xúc động mạnh, ông bị đứt gân máu, hôn mê, té xỉu trong tay các sinh viên. Ông được đưa ngay đến bệnh viện Grall rồi qua Saint-Paul nhưng đã muộn. sau đó ông được đưa về nhà và đến 7 giờ tối thì trút hơi thở cuối cùng. “Tôi nghĩ trời đã lựa cho ông một cái chết rất hợp với cuộc đời của ông mà có lẽ cũng hợp với ý của ông nữa”. (Nguyễn Hiến Lê).
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

“  LILI   MARLENE “, “Bài ca không quên của thế giới”


    Trong dịp những cựu chiến binh Thế chiến thứ 2 họp nhau lại để cử hành các buổi lễ kỷ niệm  chiến thắng phát xít, ở Pháp, Anh, Nga, hay Mỹ…thỉnh thoảng người ta lại nghe các vị lính già hát với nhau một bài ca có tên là “ Lili Marlene”. Cùng một điệu nhạc, nhưng có hơn 40 lời khác nhau của hơn 40 nước…
    Khi hát bài này mọi người đều có vẻ xúc động. Nhiều người trẻ tuổi khác khi nghe cũng cảm thấy nao nao. Đây là một dạng “Bài ca không quên “ khá nổi tiếng và có một lịch sử rất cảm động.
    NỖI LÒNG NGƯỜI LÍNH TRẺ
    Ca từ của bài hát “Lili Marlene” nguyên là một bài thơ ngắn của một chàng lính trẻ người Đức tên là Hans Leip.
    Tháng 4-1915, thời kỳ thế chiến thứ nhất, Hans Leip là một sinh viên sỹ quan ở Berlin, Đức. Một hôm anh lên phiên trực, đứng gác ngoài cổng trại. Trước đó một tiếng đồng hồ, anh đã được gặp người yêu của anh, Lili - một cô gái dịu hiền, xinh đẹp. Bây giờ đây, dù đứng gác nhưng anh cứ mơ màng nhớ lại những giây phút hạnh phúc…Bỗng nhiên anh thấy từ xa đi lại một dáng người giống như Lili…Anh hết sức hồi hộp. Nhưng khi đến gần thì không phải Lili mà là cô Marlene, một cô y tá rất đẹp mà Hans Leip quen biết. Marleen vẫy tay chào Hans, cười rất duyên dáng, đôi mắt tình tứ. Cô nói với Hans là cô lên bệnh viện để chăm sóc cho thương binh. Hans cứ   mãi nhìn theo Marleen…
    Đêm đó Hans nằm không ngủ được, nhớ Lili và cả…Marleen! thế là anh trở dậy, sáng tác một bài thơ ngắn có tựa đề là : Bài ca của một người lính trẻ.
    Đại khái bài thơ kể chuyện một anh lính trẻ sắp lên phiên gác, phải chia tay với người yêu tên là Lili Marleen (Hans ghép tên hai cô gái thành một). Tiếng khèn trại thúc giục anh phải chào tạm biệt người tình. Anh tự hỏi có thể nào một ngày kia anh ngã xuống, có người lính khác thay anh gặp gỡ Lili Marleen chăng? Hay lát nữa đây, Lili Marleen sẽ trở lại với anh ? hãy trở lại nhé, Lili Marleen ! Wie einst, Lili Marleen…
    Rồi Hans Leip ra mặt trận. và anh không bao giờ còn gặp lại Lili và Marleen nữa…
Hai mươi năm sau, khi xuất bản tuyển tập thơ của anh, Liep đưa bài thơ :Bài ca của một người lính trẻ vào đầu tuyển tập. Nhạc sỹ Norbert Schultze ở Berlin thấy hay, đem phổ nhạc bài đó, đặt tên là Lili Marleen. Ông nhờ ca sỹ nổi tiếng Jan bayem trình bày trên sân khấu, nhưng ông này chê là “dở’ không chịu hát !
    Sau đó Bayem nhờ nữ ca sỹ Lale Andersen trình bày. Cô này hình như “cảm “ bài thơ nên hát rất hay, rất truyền cảm, được hãng Electrola thu vào đĩa. Lúc đó là giữa năm 1939. Thế chiến thứ 2 bùng nổ. Và người ta quên mất bài ca do Lale Andersen hát…

                  RỒI TRỞ THÀNH ” BÀI CA KHÔNG QUÊN “
    Trong vòng hai năm sau khi ra đời, đĩa nhạc Lili Marleen vẫn nằm trong bóng tối. Thế rồi Đức chiếm Nam Tư, lập đài phát thanh Belgrade. Đài này phát tin tức và âm nhạc cho quân Đức vùng Balkans và Bắc Phi theo dõi.
    Thiếu đĩa nhạc, đài này lục tìm các đĩa cũ, tình cờ bắt gặp Lili Marleen do Lale Andersen hát bằng tiếng Đức. Chiều ngày 18-8-1941, lần đầu tiên bài ca Lili Marleen được phát trên đài Belgrade. Giọng ca của Lale Andersen làm cho lính Đức say mê.
    Tướng Rommel thấy rằng bài này quả là có ma lực thu hút binh lính Đức, bèn ra lệnh cho đài Belgrade phát thanh bài ca này hằng ngày. Cứ 21 giờ 55 mỗi tối là bài Lili Marleen lại vang lên, chấm dứt buổi phát thanh. Lính Đức đều thuộc lòng. Nhưng Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền của Đức lúc ấy là Goebbels cho rằng giai điệu uỷ mị, lời ca sướt mướt của bài Lili là không hợp với tinh thần chiến đấu, bèn ra lệnh ngừng phát. Sau đó, Goebbels nhận được hung tin 300 nghìn quân Đức thất trận ở Stalingrad, chết thảm. cho rằng bài Lili là bài ca của tử thần, Goebbels ra lệnh cấm tuyệt đối.
    Nhưng lúc này thì bài Lili Marleen không những được quân Đức yêu thích và thuộc lòng mà cả quân Đồng Minh cũng thế. Một đài phát thanh ở Thuỵ Sỹ cho phát bài hát hàng ngày. Goebbels không cấm được, vì Thuỵ Sỹ là nước trung lập. Ông ta bèn quay sang khủng bố nữ ca sỹ Lale Andersen, phao tin rằng cô là người Do Thái, ra lệnh quản chế và định bắt cô đưa vào trại tập trung.
    Tình báo Anh quốc hay tin Lale sắp bị bắt, liền đưa tin phản hồi trên đài BBC. Goebbels sợ phản tác dụng bèn thôi
không bắt Lale Andersen nữa. Cô ta thừa dịp, trốn ra khỏi nước Đức sang định cư ở Iceland…
                 BÀI CA KHÔNG QUÊN VÀ KHÔNG BIÊN GIỚI
    Nhà văn John Steinbeck nổi tiếng của Mỹ nói rằng : “Các bài ca hay thì có sức mạnh vượt mọi biên giới”. Điều này rất đúng với Lili Marleen. Quân Anh đánh nhau với quân của tướng Rommel. Nhưng lại rất thích bài Lili Marleen. Một chiều nọ, một số quân sỹ của Trung đoàn 8 bộ binh Anh quốc ghé vào quán rượu của nhạc sỹ I.J.Phillips, cùng nhau rống lên bài Lili Marleen bằng tiếng Đức. Nhạc sỹ Phillips nhắc rằng hát như thế quân cảnh có thể sẽ bắt họ. Toán quân sỹ Anh trả lời :
    - Nếu sợ, anh hãy đặt lời bằng tiếng  Anh cho chúng tôi hát đi !
     Phillips bèn đổi lại một vài ý tứ, và đổi Lili Marleen thành Lili Marlene theo tiếng Anh. Nhạc điệu thì vẫn giữ nguyên. Bài hát tiếng Anh in ra bán ngay được nửa triệu bản !
    Sau đó là bản tiếng Pháp, tiếng Nga…và khoảng 40 thứ tiếng khác dựa theo bản tiếng Anh. Nữ ca sỹ lừng danh của Pháp Edith Piaf hát cho lính Pháp nghe. Ca sỹ và diễn viên lừng danh Marlene Dietrich thì hát cho lính Mỹ nghe…lính Ý, lính Áo, lính Hungary. Nam Tư, Hy Lạp…đều được nghe và thích bài Lili Marlene…Nó như một tâm sự riêng, nhưng lại mang tính đồng đội, với kỷ niệm buồn vui lúc ở chiến trường…
    Tại sao bài ca này thành công đến vậy ? bà Lale Andersen đáp : “ Ai giải thích được tại sao gió nổi lên thành bão ?“.

                           “ Dưới ngọn đèn đường, gần rào trại lính.
                              Em yêu, anh nhớ em như em đợi anh ;
                              Em thầm thì những lời êm dịu
                              Rằng em yêu anh, rằng em yêu anh mãi mãi.
                              Lili dưới ngọn đèn đường của anh,
                              Lili Marlene của anh
                              Hãy trở lại nhé ! Lili Marlene…”
Cho đến nay , nhiều thế hệ quân nhân của nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục hát vang bài ca Lili Marlene.
                                                            BÍCH PHƯỢNG (Theo Charles Smit,Selection)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Bản tiếng Đức

Bản tiếng Nga

Bản tiếng Anh

Bản tiếng Ý

...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 5 trang (49 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối