Đổi mới môn ngữ văn ở trường phổ thông:Để có nhiều công dân thành thạo tiếng mẹ đẻ
TTCT - LTS: Góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, nhiều nhà giáo dục và trí thức tâm huyết đã đề nghị triển khai một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng. TTCT đăng tải hai ý kiến về môn ngữ văn, một trong những môn học chính của bậc phổ thông đang có chiều hướng sút kém về chất lượng dạy và học.
Một tiết học môn văn của học sinh lớp 11A2 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Việc dạy và học môn ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay cần được đổi mới đúng hướng nội dung và phương pháp giảng dạy. Nói đến nội dung và phương pháp giảng dạy, trước hết phải nói đến chương trình và sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là thứ yếuỞ Mỹ, sách giáo khoa có vai trò thứ yếu, nhiều giáo viên không dùng sách giáo khoa mà chỉ căn cứ vào chương trình rồi tự biên soạn tài liệu giảng dạy, vì họ cho rằng làm như vậy sẽ chọn được những tác phẩm văn học thích hợp hơn với học sinh.
Môn ngữ văn ở Mỹ và Hàn Quốc đều được gọi là môn ngôn ngữ (Language arts đối với Mỹ, Guk go - Quốc ngữ - đối với Hàn Quốc) và trọng tâm đều rèn luyện bốn kỹ năng giao tiếp cơ bản: đọc, viết, nghe, nói. Học văn học để tiếp cận với những tác phẩm văn học cụ thể, thể hiện tinh hoa của nghệ thuật ngôn từ. Qua đó, học sinh yêu vẻ đẹp của ngôn ngữ, ham thích đọc sách.
Những năm gần đây, chương trình và sách giáo khoa ngữ văn của chúng ta đã có một số đổi mới. Tuy vậy, những đổi mới đó vẫn chưa đủ. Việc dạy văn học vẫn nặng về giảng giải nội dung tác phẩm, lịch sử văn học và tác giả; dạy học tiếng Việt vẫn tập trung vào cấu trúc ngôn ngữ.
Kết quả là học sinh của chúng ta có thể học thuộc những ghi nhớ về nội dung và nghệ thuật tác phẩm văn học, tiểu sử của các nhà văn trong sách giáo khoa nhưng không mấy khi được đọc kỹ lưỡng toàn bộ một tác phẩm văn học, nhất là văn xuôi, và có cảm xúc thật sự khi đọc. Do vậy, văn học không hoàn thành được sứ mạng căn bản của nó trong nhà trường là nuôi dưỡng tình yêu đối với vẻ đẹp ngôn từ và lòng ham thích đọc sách, đưa các em đến với chân, thiện, mỹ.
Học sinh của chúng ta có thể viết lại đúng các định nghĩa, nhận diện và phân loại chính xác các đơn vị, hiện tượng ngôn ngữ nhưng không có thời gian thực hành các hoạt động giao tiếp. Các em không mấy khi được thảo luận (nói và nghe) về một tác phẩm mà mình yêu thích (đọc).
Rèn luyện kỹ năng giao tiếpDạy và học ngữ văn phải lấy việc rèn luyện các kỹ năng giao tiếp làm mục đích chính. Chương trình phải tạo cơ hội cho học sinh đọc sách, chia sẻ các cảm xúc và ý tưởng nảy sinh từ việc đọc dưới hình thức nói và viết. Hãy để cho học sinh của chúng ta được “mở miệng” trong lớp học!
Việc hình thành chi tiết các nội dung cụ thể để rèn luyện bốn kỹ năng đó trong 12 năm học là một thách thức lớn cho các nhà chuyên môn Việt Nam, vì xây dựng chương trình theo kiểu liệt kê các tác giả và tác phẩm văn học cần học trong từng lớp và dàn đều các nội dung liên quan đến cấu trúc ngôn ngữ là cách làm đơn giản hơn nhiều.
Nhiều việc khác phải làm tiếp như cần tập huấn và đào tạo lại giáo viên phổ thông, cải cách chương trình và phương pháp dạy học môn ngữ văn ở các trường sư phạm.
Sẽ có nhiều khó khăn cho ngành giáo dục Việt Nam, nhưng có lẽ đó là con đường duy nhất để con em chúng ta không quay lưng với một môn học rất quan trọng là ngữ văn. Đó là con đường duy nhất để chúng ta có nhiều hơn những công dân thành thạo tiếng mẹ đẻ và những chính khách hùng biện trong tương lai.
BÙI MẠNH HÙNG(Trường đại học Sư phạm TP.HCM)
Bớt văn là bớt chất người...
Hiện nay, văn học trong nhà trường và văn học ngoài đời là một khoảng cách khá lớn, giáo viên và học sinh ngày một xa lạ. Chương trình và sách giáo khoa quá cũ, mà chương trình lại càng cũ hơn.
Tâm lý học sinh ngày càng thay đổi mạnh mẽ. Họ dám biểu thị quan điểm, chính kiến, thái độ trực tiếp. Họ đang cảm nhận thực tế xã hội ngày nay từ kinh nghiệm sống hằng ngày. Lời giáo huấn trong sách không khéo lại trở thành những điều sáo rỗng, giáo điều, công thức.
Văn học trong nhà trường đi quá chậm so với thành tựu khoa học của một số ngành như lý luận văn học, nghiên cứu văn học... Nhiều luận điểm mới về phê bình và nghiên cứu văn học cho phép nhìn lại một số tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn học.
Trước đây khi đánh giá và lựa chọn tác phẩm, chúng ta đều quá thiên về phương diện giai cấp, xã hội mà làm nhẹ đi phương diện nhân văn. Vì thế cần thay đổi kịp thời để chương trình và sách giáo khoa ngữ văn có tác dụng tích cực.
Nếu tác phẩm chọn cho học sinh là những văn bản khô khan, thiếu phẩm chất thẩm mỹ thì giáo viên tài giỏi đến đâu, phương pháp linh hoạt thế nào cũng không đạt hiệu quả mong muốn.
Ngược lại, phương pháp cũ kỹ, lạc hậu mà nội dung tốt cũng sẽ bị vô hiệu hóa. Tác phẩm kiệt xuất mà giảng dạy theo lối áp đặt, theo kiểu “rung cảm hộ” thì làm sao tạo được hiệu quả văn chương thật sự, làm sao có được sự đồng cảm, giao cảm? Kết quả là học sinh chỉ nói, cảm, nghĩ, làm theo giáo viên một cách thụ động, máy móc.
Thêm nữa, thái độ lạnh lùng, thờ ơ của học sinh trước nỗi đau buồn của con người trong cuộc đời cũng như trong văn chương là điều chúng ta cần suy nghĩ, trăn trở. Dạy văn mà không giáo dục lòng nhân ái là... không dạy cái gì hết. Viện sĩ Mikhalcov khi góp ý về việc dạy văn đã nói không thể bớt khoa học nhân văn, bớt văn trong chương trình, vì bớt văn tức là bớt chất người...
LÊ THỊ HỒNG NHẠN
(cao học văn K16, ĐH Đà Lạt)Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)