Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Vodanhthi đã viết:

Án lệ Vedan

* TƯ GIANG



SGTT.VN - Có lẽ, ban lãnh đạo Vedan đã câu giờ thành công đến hết thời hạn nộp đơn kiện, nếu không có các luật sư tình nguyện, các nông dân dũng cảm và chính quyền TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm “mang” Vedan ra toà.

Ngày 19.9.2008, người lãnh đạo Vedan đứng cúi đầu trước báo chí: “Tôi thành thật xin lỗi công luận và xã hội Việt Nam vì hành vi vi phạm của chúng tôi suốt 14 năm qua”. Nhưng Vedan nói vậy mà không làm vậy. Họ đã cò kè mặc cả mức đền bù bèo bọt cho hàng ngàn nông dân trong một động thái “câu giờ”. Về phần mình, bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên đã phải thốt lên ngày 28.7 vừa qua, tức gần hai năm sau khi xảy ra vụ Vedan: “Chúng ta đã hết tình, hết nghĩa với Vedan. Công ty này không chấp nhận thì đành phải dùng đến lý.” Có lẽ, ban lãnh đạo Vedan đã câu giờ thành công đến hết thời hạn nộp đơn kiện, nếu không có các luật sư tình nguyện, các cá nhân nông dân dũng cảm và chính quyền TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm “mang” Vedan ra toà.....
.
Vẫn còn nhớ như in...Sau đó Vedan còn được tặng bằng khen...cái gì đó....Bảo vệ môi trường nữa cơ đấy! :((
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vedan chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân



Bốn ngày sau khi siêu thị tẩy chay sản phẩm của Vedan cùng với việc nông dân lần lượt nộp đơn lên toà án, công ty này đã chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Vedan cũng sẽ có động thái tương tự khi tỉnh Đồng Nai chốt con số thiệt hại cuối cùng.

Công ty bột ngọt Vedan Việt Nam - thủ phạm chính "giết" sông Thị Vải khi xả thẳng chất độc hại ra dòng sông này vào tháng 9/2008. Vụ đầu độc môi trường gây ra bức xúc lớn trong dư luận trong 2 năm gần đây, trong khi đó công ty này vẫn cò kè bớt 1 thêm 2 trong việc hỗ trợ người dân.

Khi gần hết thời hiệu khởi kiện (2 năm sau sự việc xảy ra), nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt nộp đơn lên tòa án kiện công ty này, tương tự, siêu thị cũng tỏ thái độ phản đối bằng cách tẩy chay sản phẩm của Vedan. Trước những động thái cứng rắn của người dân bị thiệt hại và dư luận, Vedan đã xin họp khẩn với Bộ Tài nguyên Môi trường và đại diện 3 tỉnh tại UBND TP HCM chiều nay.

Ngay sau cuộc họp kín, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức họp báo. "Sau khi thảo luận, Vedan đồng ý bồi thường (chứ không phải hỗ trợ) 100% theo tính toán của Viện Môi trường cho nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai thông báo.

Cụ thể, nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được bồi thường thiệt hại con số 53,6 tỷ đồng (trước đó Vedan chỉ đồng ý mức 40 tỷ), TP HCM là 45,7 tỷ đồng (lần gần nhất Vedan đồng ý 30 tỷ đồng). Riêng với tỉnh Đồng Nai, do tỉnh này chưa đưa ra con số thiệt hại cuối cùng, vào khoảng 119 tỷ đồng (trước đây Vedan chỉ đồng ý 70 tỷ) nên 13/8 tới, Vedan sẽ ngồi lại với Đồng Nai để thống nhất.

"Với 2 tỉnh thành, Vedan đã đồng ý bồi thường toàn bộ thì Đồng Nai cũng sẽ tương tự với mức do Viện đưa ra. Thái độ trên cho thấy đơn vị này đã nhận rõ trách nhiệm của mình trong vụ việc", ông Lai khẳng định.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Vedan bồi thường cho nông dân bị thiệt hại thành 2 lần, cụ thể như thế nào sẽ được giải quyết trong thời gian tới. "Tất nhiên việc ngã giá tiền hỗ trợ cho nông dân trước đây là chưa tỏ rõ thiện chí nhưng quan điểm của nhà nước là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại"", ông Lai nói.

Ngay lập tức, thông tin về việc Vedan đồng ý bồi thường nhanh chóng đến với các địa phương. "Ngay sáng mai chúng tôi sẽ cùng Vedan làm biên bản xác nhận và các thủ tục tiếp theo. Tất nhiên việc khởi kiện cũng sẽ dừng lại", luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện cho nông dân Cần Giờ TP HCM trao đổi với VnExpress.net.

Tương tự, ông Trần Văn Cường, Trưởng ban thống kê thiệt hại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vui mừng cho biết công việc đầu tiên là thông báo đến bà con nông dân. Sau đó, các bước tiếp theo như làm việc với luật sư, Vedan, có rút đơn kiện đã nộp hay không sẽ được tiếp tục thực hiện.

KIÊN CƯỜNG (VnExpress)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vĩnh Long: phải tái xuất hết hàng chục tấn rùa tai đỏ



TTO - Đây là loại rùa độc đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế liệt vào danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.

Chiều ngày 10-8, ông Phan Nhựt Ái, giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, đã trực tiếp xuống kiểm tra hàng chục ngàn con rùa tai đỏ hiện đang được nuôi nhốt tại ấp Mái Dầm, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=111920



Ông Ái cho biết đại diện Tổng Cục Thủy sản Bộ NN-PTNT chỉ cho phép Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) chậm nhất đến hết tháng 8 (thay vì hết tháng 9) phải tái xuất toàn bộ số rùa tai đỏ nói trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nếu việc tái xuất không khả thi sẽ phải tiêu hủy toàn bộ số rùa nói trên.

Ông Ái cũng cho biết trên thực tế toàn bộ 40 tấn rùa (khoảng 24.000 con) được Cục Nuôi trồng thủy sản cấp phép cho Caseamex nhập về từ Mỹ là để dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, trước thông tin cảnh báo loại rùa tai đỏ có thể mang vi khuẩn gây bệnh tả nên hầu hết người dân hiện nay đều rất dè dặt và nếu chế biến chúng làm thực phẩm thì cũng chẳng ai ăn.

Ông Ái cũng cho biết toàn bộ số rùa tai đỏ đang được nuôi nhốt tại ấp Mái Dầm, huyện Trà Ôn đang được ngành chức năng địa phương quản lý nghiêm ngặt, không để chúng thoát ra ngoài môi trường.

Mặc dù vậy người dân Vĩnh Long cũng đang lo lắng số rùa nguy hại này sẽ sinh sản và rùa tai đỏ con thoát ra ngoài ao hồ, sông sạch sẽ phá hủy hoa màu và đe dọa cần bằng hệ sinh thái.

Ông Trương Văn Sáu, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có công văn chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn quản lý chặt chẽ rùa tai đỏ, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu và phân tán ra ngoài địa bàn gây hại môi trường sinh thái của vùng.

Chi cục thủy sản TP Cần Thơ cũng vừa lên tiếng đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn không được nuôi rùa tai đỏ, do loại rùa này có khả năng thích nghi cao trong môi trường khí hậu ấm áp, nhiều đầm lầy, sông rạch.

THANH XUÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Rừng quốc gia Cát Tiên đang chảy máu

Hơn 18 năm thành lập tính từ ngày 13.1.1992 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến giờ, rừng quốc gia Cát Tiên vẫn chưa thôi “chảy máu”. Người ta phá rừng lén lút và công khai, bằng các phương tiện ngày một hiện đại hơn. Những cây đại thụ trên trăm tuổi bị đốn gục và xẻ thịt ngay trong rừng. Bên cạnh đó, các loại thú rừng đang bị săn ráo riết hết ngày này qua ngày khác bởi một lực lượng thợ săn ngày càng trẻ hơn, tinh quái hơn.


Kỳ 1: Hùa nhau tàn sát rừng

* bài và ảnh MAI QUỐC ẤN



SGTT - Theo xe đặc dụng của các cán bộ kiểm lâm băng qua những cánh rừng tre gai, lồ ô, chúng tôi vào vùng lõi của vườn quốc gia Cát Tiên. Những cây đại thụ có đường kính cỡ vài vòng tay ôm của người lớn ở nơi này luôn là đích nhắm của bọn lâm tặc. Nói như ông Đỗ Mạnh Hàn, hạt phó hạt kiểm lâm rừng quốc gia Cát Tiên, thì rừng bị phá ngay từ trong ruột.

http://sgtt.vn/Uploads/Images/a/a44/aa44f69c93874e60a489f2f851876355.jpg
Súng săn các loại do kiểm lâm thu được trong sáu tháng đầu năm 2010.



Lâm tặc như... mafia

Cách dùng xe thồ và xẻ những lối đi bí mật từ bìa rừng vào tận tim rừng để lấy cắp gỗ nay đã lỗi thời vì dễ lộ. Lâm tặc “đời nay” ở Cát Tiên mỗi lần ra tay là một lần băng rừng theo những hướng bí mật khác nhau và luôn “đánh nhanh, rút gọn” trong một đêm.

Ông Hà Văn Hùng, đội phó đội 1 kiểm lâm rừng quốc gia Cát Tiên cho biết: “Lâm tặc thường cắt rừng đi theo tốp từ 16 – 20 người với hai máy cưa chuyên dụng và luôn có một người đi theo chuyên xác định mực dày mỏng để xẻ gỗ theo khối vuông. Cứ một máy cưa có một nhóm từ 3 – 5 người vừa kê vừa chặn thân cây để cưa cho nhanh. Sau khi hoàn tất việc cưa xẻ, cả nhóm cùng khiêng gỗ ra sông theo đường mòn hay đi men theo suối (để xoá dấu vết). Khi bị phát hiện, lâm tặc sẵn sàng vứt ngay gỗ xuống sông, suối để phi tang vật chứng”.

Theo ông Hùng, lâm tặc chỉ cần khoảng nửa giờ để cưa đổ một cây cổ thụ có đường kính cỡ 1m và thêm vài giờ để xẻ cây thành những tấm gỗ vuông vức dày 10 – 15cm, cạnh 50 – 70cm. Ở các góc của tấm gỗ, lâm tặc đóng đinh ngập sâu và móc dây vào để đeo gỗ trên lưng như đeo balô.

Người dẫn đường của tôi, ông Đỗ Mạnh Hàn, ví von: “Lâm tặc bây giờ hoạt động như... mafia. Họ có các ký hiệu giao tiếp riêng. Nhóm chặt gỗ có khi không biết mặt nhóm vận chuyển. Nhóm vận chuyển có thể không biết mặt nhóm tiêu thụ. Thậm chí lâm tặc bịt mặt khi giao dịch với nhau và đổi số điện thoại liên tục”. Nếu việc ăn cắp gỗ ngày càng rút sâu vào bí mật thì trái lại, khi bị phát hiện, lâm tặc khá công khai tấn công kiểm lâm và tấn công có tổ chức hẳn hoi.

Trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị gần đây, ông Trần Văn Thành, giám đốc rừng quốc gia Cát Tiên cho biết mình và các cán bộ kiểm lâm đã từng bị lâm tặc phanh ngực áo thách thức: “Mày có ngon thì bắn đi!” Trên thực tế, không chỉ thách thức hay chống trả quyết liệt, lâm tặc ngày nay còn chủ động tấn công cả người thi hành công vụ. Trạm trưởng trạm kiểm lâm Tà Lài Nguyễn Trọng Hiếu và cả lực lượng công an xã Tà Lài cũng đã từng bị lâm tặc vây chặt và tấn công để một số đối tượng khác tẩu tán hiện vật. Nhớ lại vụ này, một cán bộ kiểm lâm (giấu tên) bị lâm tặc tấn công (mức độ thương tật 11%) với hàng chục vết sẹo còn đỏ hỏn trên thân mình, tổng kết: “Lâm tặc càng ngày càng có xu hướng chống trả quyết liệt lực lượng kiểm lâm. Cây càng giá trị, khối lượng gỗ ăn cắp càng lớn thì đối tượng càng hung hãn”.

Quán thịt rừng bủa vây rừng

“Ở xứ này kiếm một quán không có thịt rừng mới khó”, anh N.V.T, một thổ địa tại vùng đệm của rừng quốc gia Cát Tiên nói như vậy khi tôi hỏi anh ở đâu có quán thịt rừng.

Các địa chỉ “đen” về thịt rừng của Đồng Nai tập trung hầu hết tại các xã Tà Lài, Nam Cát Tiên, Đắc Lua (huyện Tân Phú), xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ở Bình Phước thì tại các xã Đăng Hà, Thống Nhất của huyện Bù Đăng. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì tại Đạ Kho, Đạ Lây của huyện Đạ Tẻh; Phước Cát I, Phước Cát II, Gia Viễn, thị trấn Đồng Nai của huyện Nam Cát Tiên… Những H. “thú”, T. “cá”, P. “cheo”, Bảy M... là những cái tên rất nổi tiếng, vì “lượng” và “loại” thịt rừng mà họ bán ra.

Ở thị trấn Đạ Tẻh, người đàn ông tên P., chủ quán C.D từng khẳng định với chúng tôi: “Em muốn mua gì cũng có, chỉ cần đặt hàng trước. Giá tiền trọn gói để chuyển về TP.HCM cao hơn giá tại chỗ khoảng 20% vì còn tiền xe, tiền “làm luật””.

Muôn cách tận diệt thú rừng

Danh sách “đen” – gồm những đối tượng nhiều lần tái phạm về bẫy thú và tiêu thụ động vật hoang dã có nguồn gốc từ rừng quốc gia Cát Tiên – mà ban quản lý rừng quốc gia Cát Tiên đưa ra có đến 94 người chuyên săn thú, 11 điểm bán động vật hoang dã, tám đối tượng chuyên buôn bán động vật hoang dã, mười đối tượng tiêu thụ... Chưa kể số lượng khá đông đảo những người “không chuyên” khác.

Ông Trần Thúc Quyết, nhân viên hạt kiểm lâm Cát Tiên cho biết: “Lực lượng thợ săn ngày càng trẻ hơn, tinh quái hơn vì luôn được bổ sung theo kiểu cha truyền con nối và họ săn bất cứ loại thú gì có thể bán được. Có những trường hợp chúng tôi lập biên bản cả nhà đi bẫy, săn thú và có những đứa trẻ chỉ mới 12 – 13 tuổi cũng tham gia”.

Theo ông Hàn, không chỉ sử dụng súng săn bình thường, người săn thú lén lút ngày nay còn sử dụng cả các loại súng quân dụng có độ sát thương lớn như AK 47, carbin, thể thao quốc phòng, calip, AR15”. Ngoài súng, các loại bẫy cũng là mối đe doạ kinh hoàng cho thú rừng.

“Trên cây thì có bẫy khỉ, bẫy lưới chim, dưới sông thì có lưới cá, vợt rà điện, dưới đất thì bẫy giật, bẫy rập, bẫy răng cưa… Thú ở rừng quốc gia Cát Tiên bị thợ săn tận diệt cả trên trời, dưới đất lẫn dưới nước”, ông Thành, ngán ngẩm nói.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Rừng quốc gia Cát Tiên vẫn đang chảy máu

Kỳ 2: Tan hoang rừng đệm



SGTT - Vùng đệm vườn (rừng) quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Nơi đây, song song với nạn tận diệt thú rừng lấy thịt và phá rừng lấy cắp gỗ của lâm tặc, hàng ngày, rừng còn oằn mình chịu cảnh phá rừng làm rẫy của người dân.

http://sgtt.vn/Uploads/Images/2/ea2/2ea2eb1f797227e870ad465cc3cf8743.jpg
Nhiều khu rừng đệm – vành đai bảo vệ rừng nguyên sinh, trên thực tế đã bị đốt trụi để dùng vào mục đích khác.



Rừng như… vườn nhà

Mất mấy ngày đi qua những vùng thuộc địa bàn các huyện Đạ Lây, Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng; Bù Đăng của tỉnh Bình Phước; Định Quán của tỉnh Đồng Nai, hình ảnh mà phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận được tại nơi từng là những cánh rừng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên nay xanh màu lá… khoai mì và điều. Ngoài ra còn có thêm vài vạt xanh của lúa, bắp, mít và cây tiêu.

Tại xã Đăng Hà (thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), chúng tôi dùng xe “cào cào” – loại xe được “độ” lại từ những chiếc xe môtô địa hình của các nước Đông Âu cũ – leo qua mấy ngọn đồi của xã nằm trong phạm vi rừng đệm vườn quốc gia Cát Tiên. Suốt chặng đường, xe băng qua những vùng đất mà cây lớn, cây nhỏ đều bị chặt ngã rạp hoặc đứng chết khô do bị đốt cháy. Khói đốt rừng bay khắp những ngọn đồi thiếu vắng màu xanh. Trên đường đi, chúng tôi còn kịp nhìn thấy một người dân vội vàng quẳng chiếc xe máy bám bụi dày trên thân vào bụi tre lồ ô và bỏ chạy, có lẽ vì tưởng nhầm chúng tôi là kiểm lâm. Cạnh nơi chiếc xe máy ngã chỏng chơ là bãi đất trống còn vương đầy than củi đen nhẻm đã bắt đầu xuất hiện những mầm điều màu đỏ tía.

Ông Lý Việt Giang, tổ trưởng tổ 6 thuộc thôn 1 xã Đăng Hà kể với tôi quê ông ở Bắc Kạn, cũng như ông, gần hết các hộ dân ở thôn 1 này là người dân tộc Dao từ miền Bắc vào sinh sống. Theo lời ông, nếu không tính đến việc chưa có điện – đường – trường – trạm thì sống ở đây “khoẻ” hơn trước nhiều. Ông còn “hồn nhiên” bảo người dân sẽ ra khỏi rừng nếu chính quyền cấp lại cho dân đất sản xuất ở nơi khác tương đương với số đất sản xuất mà họ “khai khẩn” được ở nơi đây. Tôi đã suýt sặc! Thông tin do các nhân viên kiểm lâm ở trạm Đa Boong Kua đóng ở xã Đăng Hà cung cấp: ông Giang là một trong những người cầm đầu phá 15ha rừng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên nằm gần thôn mình để… trồng điều! Chính quyền xã đã cưỡng chế cưa bỏ tất cả các gốc điều nói trên nhưng chẳng thể thay đổi được gì.

Dao hai lưỡi

Ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị không cấp sổ đỏ cho các hộ dân chiếm rừng đệm làm nơi sinh sống, sản xuất, bởi nếu cấp, khác nào khuyến khích người dân tiếp tục chiếm rừng, phá rừng”. Tuy nhiên, nếu kiến nghị này thành quy định pháp lý, sẽ mâu thuẫn với chính sách giao đất giao rừng, khuyến khích người dân lập làng, lập ấp ở những vùng thưa vắng người của Nhà nước.

Cùng với chính sách giao đất giao rừng để vừa sử dụng sức dân bảo vệ rừng vừa tạo điều kiện sinh cơ lập nghiệp cho những hộ nghèo, khá nhiều hộ dân đã được khuyến khích đến làm ăn sinh sống tại những vùng như vùng rừng đệm ở vườn quốc gia Cát Tiên. Vấn đề là cùng với làn sóng này là những người từ nơi khác, vì lợi ích cá nhân, đã thâm nhập vào đây để chiếm rừng bất hợp pháp, chưa kể do công tác quản lý lỏng lẻo, thái độ tắc trách của chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng, chính những hộ dân được giao đất giao rừng, thay vì bảo vệ rừng, khai thác rừng hợp lý, đã trở thành người phá rừng đắc lực nhất!

Nhưng dù là với lý do nào thì trên vùng rừng đệm bao quanh vườn quốc gia Cát Tiên hiện nay đã hình thành “vành đai” đông đảo các hộ dân thuộc nhiều dân tộc khác nhau, bao gồm cả người dân tộc bản địa và người dân tộc từ các tỉnh phía Bắc, đang sinh sống và coi rừng là nguồn lợi cá nhân. Hơn lúc nào hết, rừng ở vườn quốc gia Cát Tiên đang đối mặt với hiểm nguy bởi hầu hết các cư dân nói trên, cùng với sự xuất hiện của mình, đã mang theo cả tập quán du canh, du cư – một thói quen có thể tàn sát rừng hết sức nhanh chóng – vào nơi có những cánh rừng cần được bảo tồn nghiêm ngặt.

Trong những ngày lang thang quanh vùng rừng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên, chúng tôi còn nhận được thông tin từ ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) – địa phương có 52.000ha rừng, trong đó 37.000ha là rừng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên rằng theo chủ trương của UBND tỉnh, sắp tới sẽ có khoảng chục nhà đầu tư từ TP.HCM lên đầu tư trồng lại khoảng 3.300ha rừng được coi là rừng nghèo kiệt của vùng đệm. Thêm 5.000ha rừng khác trong vùng đệm cũng sẽ được giao cho dân để trồng rừng chuyển đổi mục đích!

* Bài và ảnh MAI QUỐC ẤN

Cần 30 – 50 năm để phục hồi rừng đệm bị tàn phá

Theo quyết định 09/2001 của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì diện tích vùng rừng đệm vườn quốc gia Cát Tiên là 184.479ha, trong đó có 64.875ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; vùng rừng đệm thuộc khu dân cư đang sinh sống do UBND các xã nằm trong địa bàn rừng đệm vườn quốc gia Cát Tiên quản lý là 118.604ha. Năm 2006, số rừng đệm bị tàn phá do đốt rừng làm rẫy là 4.628ha. Năm 2007, con số này giảm còn 56,9ha do các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra. Năm 2008 – 2010 chưa thống kê được diện tích rừng bị tàn phá. Các chuyên gia môi trường cho rằng cần ít nhất 30 đến 50 năm để phục hồi những rừng đệm đã bị tàn phá.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thắng – thua Vedan

* MỸ LỆ



SGTT.VN - Cuối cùng thì Vedan cũng chấp nhận bồi thường (chứ không phải hỗ trợ) 100% mức thiệt hại gây ra cho nông dân TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và sắp tới là Đồng Nai (?).

Từ khi hành vi xả thải chất độc hại của Vedan ra môi trường sông Thị Vải bị phát hiện hồi tháng 9.2008, đến nay đã gần hai năm. Vedan bồi thường cho nông dân, chẳng qua là trả lại những gì đã chiếm đoạt của họ mà không tốn đồng lãi suất nào. Ngoài những khoản phí, phạt đã nộp cho Nhà nước, nếu tính đúng, tính đủ thì đáng ra Vedan phải trả cả những chi phí xã hội cho việc đấu tranh này như một loại “án phí”. Đồng thời, quan trọng, là phải làm sống lại sông Thị Vải.

Gác lại những hỉ nộ ái ố, mới giật mình rằng chúng ta đã phải mất quá nhiều sức để đối phó với một Vedan chưa phải là cây đa cây đề gì cho lắm trên bàn cân lợi ích. Không biết hàng trăm “Vedan” khác trong tất cả các ngành từ phân bón, thuốc trừ sâu, ximăng, thép… đâm đầu chạy theo tăng trưởng nếu “bị lộ” thì cả xã hội sẽ phải nháo nhào ra sao? Chúng ta thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho mình một quan điểm phát triển làm kim chỉ nam, một cơ chế về quản lý, luật pháp và cả kỹ năng hữu hiệu để xử lý sự cố. Cơ chế đó phải có, vận hành trơn tru, phải xử lý được sự cố (mang tính bất thường) theo một thể thức thông thường, ít tốn kém thời gian, tiền bạc mà hiệu quả.

Một xã hội được tổ chức thế nào mà tới sau hai năm mới có hành động đe doạ thực sự đối với Vedan (xem xét điều kiện được tiếp tục đầu tư, kiện ra toà, tẩy chay…), mà khởi đầu cũng chỉ là do tự phát chứ vẫn không được tổ chức một cách chặt chẽ? Thương lượng, hoà giải là cần thiết nhưng đằng sau bàn thương lượng phải chuẩn bị sẵn “vũ khí” chiến đấu đủ mạnh và thông điệp vũ khí đó sẽ được sử dụng.

Sự cù cưa, cò kè của Vedan thời gian quan rõ ràng thể hiện thái độ thăm dò phản ứng, khả năng tổ chức hành động của xã hội ta.

Nếu không phản ứng quyết liệt trong thời gian 1 – 2 tháng gần đây mà cứ để bèo trôi sông như trước kia thì xã hội đó thật bất thường.

Sự bất thường có căn nguyên của nó.

Phát triển bền vững đang là khẩu hiệu thời thượng. Nhưng làm thế nào bền vững được một khi tăng trưởng là thước đo gần như tuyệt đối của phát triển, khi các địa phương vẫn ăn gian, “xé rào” vì đua thành tích, khi trong mỗi con người chằng chịt những sợi dây lợi ích. Đánh giá về “tinh thần trách nhiệm” của địa phương Đồng Nai trong câu chuyện Vedan, từ việc cấp phép đầu tư, quản lý về môi trường đến xử lý sau vi phạm cần đặt trong bối cảnh này. Giải đúng bài toán về quan điểm phát triển, chúng ta sẽ có được một tấm lưới bảo vệ từ xa, ngăn không cho những vụ việc tương tự xảy ra.

Giả sử Vedan không đồng ý bồi thường, mấy ngàn vụ kiện vẫn diễn ra, quá trình giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn chứ không riêng gì chuyện án phí. “Vụ án” Vedan chỉ dừng ở đây thôi cũng đủ khoét sâu lỗ hổng pháp lý khiến người dân khó gõ cửa công đường, công lý khó được thực thi. Nếu nhiều “Vedan” xảy ra cùng lúc thì không biết phải ứng trước bao nhiêu tiền từ quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho đủ? Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại cũng như mối quan hệ giữa hành vi xả thải của Vedan với thiệt hại có thể sẽ là rào cản khi nó được đặt lên vai nguyên đơn – những người nông dân chân lấm tay bùn, lép vế hơn về tiền bạc, thông tin, kiến thức.

Đã có những đề xuất theo hướng ngược lại, nên buộc doanh nghiệp chứng minh chất do mình xả thải không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Cũng có tác dụng như tấm lưới phòng ngừa nhưng xử lý hình sự hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với người đứng đầu doanh nghiệp không phải dễ, đối với pháp nhân thì vẫn còn xa lạ. Một điểm quan trọng nữa là cho đến nay, theo luật, không thể tiến hành một vụ kiện tập thể vì lợi ích chung của những người bị thiệt hại, để qua đó cán cân thương lượng nặng ký hơn hay chi phí tiết giảm hơn. Những lỗ hổng hay tình huống mới đặt ra từ thực tiễn cuộc sống này cần phải được xem xét để trám lại một cách kịp thời nhằm nâng cấp hiệu quả của “vũ khí” pháp luật.

Bên cạnh đó, cần ý thức về bảo vệ quyền lợi của mỗi người chúng ta với tư cách là những người tiêu dùng – thành viên quan trọng của thị trường. Suy cho cùng, bồi thường thiệt hại chỉ là việc Vedan trả lại những gì đã lấy. Điều một doanh nghiệp sợ là lá phiếu bất tín nhiệm (tẩy chay) của người tiêu dùng. Nguồn lợi quy ra thành tiền của việc giết hại môi trường có thể được doanh nghiệp sử dụng một phần vào hoạt động sản xuất để giảm giá thành, tạo lợi thế cạnh tranh. Tiền mà chúng ta tiết kiệm (hay nhà phân phối lời được) nhờ mua rẻ sản phẩm có thể tương quan với tiền mà nông dân bị thiệt. Tẩy chay sản phẩm thể hiện thái độ phản đối Vedan, có điều, chỉ tự phát, lẻ mẻ một ít người thì thái độ đó không đủ sức mạnh đối trọng. Không thể tự phát mãi được, xã hội cần được tổ chức lại để tạo nên sức mạnh đám đông – sức mạnh thị trường, bổ sung cho sức mạnh của hệ thống quản lý nhà nước – pháp luật.

Cuối cùng, quan trọng nhất là ý thức công dân của chính những người nông dân bị Vedan làm cho mất kế sinh nhai. Nông dân ở Đồng Nai mặc dù bị nơi này nơi kia “thuyết phục” chấp nhận mức “hỗ trợ” rẻ như bèo, hù doạ không thể có cửa kiện mà thắng nhưng họ đã ý thức được quyền lợi của mình, tự mình chọn cách đấu tranh hữu hiệu nhất. Với sự giúp sức của cơ quan trung ương, hội đoàn, luật sư và giới truyền thông, chính ý thức này của họ đã tạo nên sức mạnh với Vedan, khiến những ai có trách nhiệm cố tình ở ngoài cuộc cũng phải có hành động theo hoặc chí ít cũng không dám, không thể cản trở.

Những sức mạnh có tính chất “thị trường” hay “dân sự” này phát triển đến một mức nào đó, không chỉ góp phần giúp “xử lý” Vedan mà quan trọng hơn nó làm công việc giám sát (thường xuyên hơn so với cơ quan chức năng) để những vụ việc như Vedan không xảy ra, nếu xảy ra thì cũng sớm bị phát hiện. Qua những việc này, xã hội dường như trưởng thành hơn.

Mừng cho những người nông dân, họ đã có “thắng lợi” bước đầu trong mục đích đòi bồi thường thiệt hại. Bước tiếp theo là làm sao để tiền bồi thường đến được tay họ và ổn định cuộc sống. Để “giúp” Vedan khởi động hành trình bồi thường, cần thể hiện cam kết bồi thường thiệt hại trên bàn họp của Vedan dưới hình thức có giá trị pháp lý bắt buộc, càng cụ thể càng tốt. Sắp tới, một khối lượng công việc rất lớn sẽ dồn lên vai các địa phương. Phải đảm bảo đúng người dân bị thiệt hại được hưởng đúng mức đền bù tương xứng và “bình ổn” nông thôn của họ khi đột nhiên một lượng tiền lớn “càn quét” qua. Chúng ta có những bài học về chuyện đền bù giải toả đất đai ở nông thôn (sau những chi tiêu cho nhà mới, xe mới là thất nghiệp, bất ổn cộng đồng) và kinh nghiệm giúp nông dân quản lý đồng tiền của họ.

Xét trên bình diện chung của xã hội, khó có thể nói chúng ta đã thắng trong việc xử lý sự cố môi trường mang tên Vedan. Những gì đã làm trong thời gian qua là bước tập dợt. Còn rất nhiều việc phải tính để đối phó với những “Vedan” khác.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Vodanhthi đã viết:
Mừng cho những người nông dân, họ đã có “thắng lợi” bước đầu trong mục đích đòi bồi thường thiệt hại. Bước tiếp theo là làm sao để tiền bồi thường đến được tay họ và ổn định cuộc sống. Để “giúp” Vedan khởi động hành trình bồi thường, cần thể hiện cam kết bồi thường thiệt hại trên bàn họp của Vedan dưới hình thức có giá trị pháp lý bắt buộc, càng cụ thể càng tốt. Sắp tới, một khối lượng công việc rất lớn sẽ dồn lên vai các địa phương. Phải đảm bảo đúng người dân bị thiệt hại được hưởng đúng mức đền bù tương xứng và “bình ổn” nông thôn của họ khi đột nhiên một lượng tiền lớn “càn quét” qua. Chúng ta có những bài học về chuyện đền bù giải toả đất đai ở nông thôn (sau những chi tiêu cho nhà mới, xe mới là thất nghiệp, bất ổn cộng đồng) và kinh nghiệm giúp nông dân quản lý đồng tiền của họ.
Chưa chắc người bị trực tiếp thiệt hại do Vedan gây ra, được đền bù đủ 100% cái mà Vedan phải trả đâu nha. Đón xem hồi sau sẽ rõ...
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tôm hùm Mỹ nhập trái phép vào Sóc Trăng

Bái và ảnh:* MỸ AN



SGTT.VN - Tin công ty TNHH Phú Thành nhập 504 con tôm hùm nước ngọt (tên khoa học là Red Swamp Crawfish) từ Mỹ về ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, Sóc Trăng để nuôi thử nghiệm làm cho những người nuôi tôm ở Sóc Trăng sửng sốt, bởi đây là một loài sinh vật ngoại lai.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=112390

Ông Trần Hoàng Dũng, phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Đề cho biết, người dân rất bức xúc khi phát hiện công ty TNHH Phú Thành nhập tôm hùm nước ngọt về nuôi, nên điện thoại báo cho phòng NN&PTNT. Khi cán bộ phòng nông nghiệp xuống kiểm tra, công ty Phú Thành chỉ cung cấp được giấy nhập cảnh nhận hàng tại cảng Tân Sơn Nhất, không có cơ quan quản lý nhà nước cấp phép nhập khẩu và cho phép nuôi khảo nghiệm.

Theo báo cáo của công ty TNHH Phú Thành, 10,9kg tôm hùm nhập về đến Sóc Trăng vào ngày 18.7.2010 và nuôi dưỡng trong bể ximăng 4m3 tại ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Từ ngày 18.7 đến ngày 7.8, số tôm hùm nhập về đã chết 472 con và hiện còn sống 32 con gồm: 22 con đực, 11 con cái. Hiện tại, trung tâm Thú y vùng 7 đang niêm phong lô tôm còn sống và đang chờ ý kiến của các cơ quan hữu trách xem có được phép thả tôm hùm nuôi ở môi trường tự nhiên.

Theo phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, người dân địa phương và ngành nông nghiệp đang rất lo ngại loài thuỷ sản ngoại lai này sẽ tấn công và tiêu diệt loài tôm bản địa. “Theo các tài liệu và quan sát thực tế cho thấy, loài tôm hùm này có hai càng rất to như càng cua biển, rất hung dữ khi săn bắt mồi và háu ăn. Tôm hùm nước ngọt ăn được mùn bã hữu cơ từ tự nhiên, sinh sản như cá rô, sống được trong môi trường nước 3‰...Nếu chúng thoát, sống ngoài môi trường tự nhiên, khả năng sinh sản nhanh và sẵn sàng tấn công những loài thuỷ sản bản địa cùng loại”, ông Dũng nói. Điều đáng lưu ý là, thịt tôm chiếm chỉ khoảng 15% trọng lượng, còn lại là vỏ. Do đây là loài ngoại lai quá mới, nên bộ NN&PTNT cần sớm cho ý kiến về việc loài tôm này có được phép thả nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hay không?

Ông Nguyễn Văn Khởi, phó giám đốc sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết, khi phát hiện lô tôm hùm Mỹ nhập về địa phương, sở đã yêu cầu công ty TNHH Phú Thành cung cấp giấy phép nhập khẩu, nhưng công ty này hẹn lần hẹn lựa. Mãi đến 27.7.2010, ông Hà Văn Tâm, giám đốc công ty TNHH Phú Thành mới gởi văn bản đề nghị sở cho phép nuôi khảo nghiệm tôm hùm Mỹ trên diện tích 10ha, số lượng dự kiến nuôi khảo nghiệm là 1.000kg. Ngoài ra, công ty chỉ có một bản giải trình với cục Thú y về việc kiểm dịch lô hàng thuỷ sản nhập khẩu, hoàn toàn không có giấy kiểm dịch thú y đối với lô tôm hùm đã nhập về. Có thể nói, đây là lô tôm hùm nhập khẩu trái phép và công ty TNHH Phú Thành cũng không đủ tiêu chuẩn được nhập loài thuỷ sản ngoại lai về nuôi thử nghiệm.

Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, giám đốc trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản khu vực phía Nam thuộc viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 cho biết, tôm hùm nước ngọt không chỉ sống tốt trong nước ngọt, mà còn phát triển nhanh trong các đầm lầy. Chúng có hai càng to dùng để đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn, đấu tranh sinh tồn... Nếu ở đồng bằng sông Cửu Long nuôi loài thuỷ sản ngoại lai này đại trà, sẽ là mối hoạ tiềm ẩn cho các công trình thuỷ lợi, công trình công cộng, và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn.

Mặt khác, đây là loài ngoại lai, khả năng mang nhiều mầm bệnh có hại cho tôm bản địa hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là giống tôm có tỷ lệ thịt rất ít, nên giá trị dinh dưỡng không cao. Lý do nuôi tôm hùm nước ngọt để lấy vỏ làm dược phẩm, mỹ phẩm càng không cần thiết, bởi vì, vỏ tôm trong nước đã dư thừa để làm nguyên vật liệu sản xuất thuốc.

Theo kế hoạch, công ty TNHH Phú Thành sẽ tiếp tục nhập về 1.000kg tôm hùm Mỹ và cho đến nay, các cơ quan có trách nhiệm của bộ NN&PTNT vẫn không có ý kiến gì về vấn đề này. Những nhà hoạt động môi trường và người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang lo ngại: nếu các cơ quan hữu trách không kiểm soát con tôm hùm Mỹ, chẳng bao lâu, giống tôm này sẽ trở thành đại hoạ như: ốc bươu vàng, cá lau kiếng, cây mai dương… đang hoành hành khắp các tỉnh miền Tây.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đà Lạt biến dạng trước cơn lốc đô thị

* Bài và ảnh: QUANG SÁNG



SGTT - Đà Lạt như một cô gái đẹp đang kén chồng, cần phải chọn một chàng rể xứng đáng, nghiêm túc xây dựng hạnh phúc lâu dài, không nên chọn những kẻ ăn sổi, lừa đảo làm khổ đời con gái!

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, giám đốc sở Thông tin và truyền thông Lâm Đồng đã nói như vậy và cho rằng tình trạng thu hút dự án đầu tư tràn lan, mơ hồ theo kiểu “kỳ trận” như vừa qua đã góp phần băm nát môi trường cảnh quan của Đà Lạt.

Lốc đô thị

Thành phố Đà Lạt có khoảng 1.900 biệt thự lớn nhỏ được xây dựng từ trước giải phóng, trong đó, có 187 công trình biệt thự mang kiến trúc tiêu biểu. Hiện một nửa trong số này đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho thuê, hoặc bán cho các doanh nghiệp. Nhưng vì mục đích mua đi bán lại nên phần lớn những ngôi biệt thự này đều rơi vào tình cảnh bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.

Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, trước kia là trường Grand Lycée Yersin, công trình do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế và chỉ đạo thi công vào năm 1928, đưa vào sử dụng từ năm 1933. Công trình kiến trúc này được hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20 và được bộ Văn hoá thông tin công nhận là di tích kiến trúc quốc gia. Đường cong của dãy nhà vòng cung như những cuốn sách đang mở ra, hình ảnh tháp chuông tượng trưng cho cây viết, một khu chức năng liền kề vuông vức, ốp đá màu đen tượng trưng cho lọ mực… tất cả là một khối kiến trúc thống nhất thể hiện một khát vọng vươn lên của trí tuệ. Thế nhưng, khu nhà chức năng tượng trưng cho lọ mực này đã bị đơn vị chủ quản đập bỏ, thay thế là một công trình kiến trúc hiện đại, chẳng giống ai.

Nạn xây nhà trái phép, nhiều khoảng trống của thành phố Đà Lạt bị lấn chiếm, rừng nội ô bị tàn phá nặng nề khiến bộ mặt Đà Lạt ngày càng càng nham nhở, nhem nhuốc.

Ông Nguyễn Đức Phúc, chủ tịch hiệp hội Du lịch Lâm Đồng cho rằng, các nhà làm du lịch lâu nay ở Đà Lạt chỉ biết ăn bám vào thiên nhiên, khai thác nó một cách tận lực mà không chịu đầu tư, tái tạo và gìn giữ. Còn đâu niềm tự hào một đô thị “nhà trong rừng và rừng trong thành phố?!” Còn theo ông Hoàng, nếu hàng trăm dự án đã được cấp phép đầu tư ở Đà Lạt mà đồng loạt khởi công, đồng nghĩa với 45.000 biệt thự, hàng ngàn khách sạn, khu văn phòng, công trình vui chơi giải trí… hình thành, Đà Lạt lập tức biến thành một đại công trường, bụi cát mù trời. Dĩ nhiên lúc này hình ảnh về Đà Lạt với những biệt thự ẩn hiện dưới tán thông mang những kiến trúc độc đáo… chỉ còn lại trong hồi ức.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=109172
Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – một quần thể kiến trúc độc đáo.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=109173
Và một phần của quần thể kiến trúc đã được “làm mới”, với mái lợp tôn!



Cứu vãn

Mặc dù từ tháng 5.2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 nhưng đến nay công tác quy hoạch đô thị này vẫn giẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi so với tốc độ phát triển chung.

Mới đây chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã quyết định sẽ mời một nhóm kiến trúc sư thuộc viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris và một công ty thiết kế quy hoạch khác của Pháp thực hiện quy hoạch lại Đà Lạt. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập, chủ tịch hội Kiến trúc sư Lâm Đồng, đây là một hành động thiết thực. Ông cho rằng Đà Lạt là thành phố mang dáng dấp của kiến trúc Pháp và có ý nghĩa hết sức đặc biệt: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố. Ngày nay có trách nhiệm phải bảo tồn, giữ gìn những kiến trúc đó, cái của ngày xưa gắn với ngày nay trong sự phát triển của đô thị Việt Nam. “Nếu mời được các kiến trúc sư của Pháp tham gia quy hoạch lại Đà Lạt là điều vô cùng tuyệt vời, dẫu có muộn còn hơn không. Một khi đã có suy nghĩ đúng, định hướng đúng thì tôi chắc rằng mọi việc sẽ tốt lành thôi”, ông Lập nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kiến trúc cho rằng để đạt được điều đó, ngoài việc định hướng công tác quy hoạch đô thị một cách riêng và phù hợp, Chính phủ cần phải ban hành những quy chế riêng, rất nghiêm cho việc cải tạo và phát triển Đà Lạt.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người ta đốn hạ hàng ngàn cây thông tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm để xây biết thự!

Vào rừng đụng dự án biệt thự

* Bài và ảnh: TÙNG QUANG



Một buổi sáng giữa tháng 7, chúng tôi đến khu rừng thông bao quanh khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Ven sườn đồi, những vạt rừng đang được san ủi để làm các con đường dẫn vào những biệt thự sang trọng. Anh T., người dân địa phương thở dài: “Cứ đà này, chỉ vài năm nữa, rừng hồ Tuyền Lâm sẽ bị thay thế hết bởi các dự án biệt thự, khu sinh thái nghỉ dưỡng”.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=110770

Những dự án giữa rừng

Theo chỉ dẫn của anh T., chúng tôi đến khu vực rừng được cấp phép làm dự án của công ty Gia Tuệ. Tại đây, hàng chục cây thông đã được chặt xong trơ gốc nằm dài hai bên đường vào rừng. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, phần lớn cây thông bị chặt đều được… cấp giấy phép! Cụ thể, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng là đơn vị cấp giấy khai thác cho ban quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm từ ngày 25.5 đến 30.6.2010 tổ chức khai thác tận thu, tận dụng lâm sản với tổng số cây là 629 cây, gồm: 275 cây có đường kính trên 25cm và 354 cây có đường kính dưới 25cm…

Trong khoảng thời gian trên, một dự án khác cũng được cấp phép khai thác, tận dụng gỗ hơn một hecta, đa phần là rừng tự nhiên. Tương tự, tại dự án Kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình Haco cũng đã lên phương án chặt hơn 4.500 cây thông! Nghiêm trọng hơn, khi thực hiện dự án Nam Sơn resort, công ty Maicon đã bị phạt 30 triệu đồng do định làm chết 400 cây thông!

Ngoài những dự án trên, còn hàng loạt các dự án khác cũng đang ở thế sẵn sàng chặt thông để làm đường hoặc chặt thông để xây biệt thự đã được cấp phép như: dự án của công ty cổ phần Thiên Nhân, công ty cổ phần du lịch sinh thái Lạc Nam, công ty TNHH bệnh viện đa khoa Hồng Đức,...

Phá rừng rồi để đó

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, trong các dự án được cấp phép tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm, hiện có rất nhiều dự án thi công theo kiểu rùa bò, thậm chí có dự án còn bị Thanh tra Chính phủ tuýt còi vì khởi công chưa có phép. Dự án làng du lịch sinh thái rừng – phim trường ngoại cảnh D.N.A của công ty TNHH D.N.A là một ví dụ. Theo giấy phép, dự án được chấp thuận đầu tư năm 2006, sau đó, do chậm triển khai, nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi. Thanh tra Chính phủ cũng đã từng lập biên bản và đánh giá D.N.A lập dự án đầu tư chậm năm tháng, nhưng không có tờ trình xin gia hạn; khởi công dự án khi chưa có giấp phép xây dựng, chưa có quyết định phê duyệt thiết kế...

Tuy nhiên, vào tháng 6.2010, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có văn bản giao ban quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm làm việc lại với D.N.A và báo cáo với UBND tỉnh để xem xét cho công ty này tiếp tục đầu tư vì công ty này đã cam kết ký quỹ 10 tỉ đồng.

Được biết, trong sáu năm qua, Lâm Đồng có 240 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch chủ yếu trên địa bàn TP Đà Lạt, trong đó 33 dự án đang triển khai tại khu vực hồ Tuyền Lâm, với 1.652ha, chủ yếu là đất rừng. Trong 33 dự án này, mới có hai dự án cơ bản hoàn thành. Nguyên nhân các dự án triển khai chậm được đánh giá là do chủ đầu tư thiếu vốn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối