Trang trong tổng số 49 trang (489 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Dinh Hung

Anh phương viết

Ban ghé thăm ta một chiều mưa
Gió thu xào xạc võng tre đưa
Câu thơ bỏ ngỏ lời vương vấn
Thương quá thơ ơi ...nhớ sao vừa
Hôm nay tôi rảnh đến ghé thăm
Ban thì đi vắng cửa bỏ không
Chẳng ai chè nước tôi buồn tủi
Lệ rơi mát mặn má môi hồng.



Từ từ anh sẽ trả lời
Em làm dồn dập rối bời anh sao?
Anh gặp địch thủ quá cao
Sức anh lại yếu,làm sao má hồng
Nhà anh phòng lạnh trống không
Không trà,chỉ có nước trong đãi người
Hồn thơ thì vẩn còn tươi
Nếu em ghé tới đừng cười là xong
Ray rứt anh viết đôi dòng
Người thơ xin đãi tấm lòng mà thôi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Anh Phương

phuong nam 1941 đã viết:
Chào AP, em thấy thơ Đường chơi có hay  không. AI cũng giúp em thành đạt.Bốn câu tứ tuyệt của em thật tuyệt. Nhưng một bài thơ phải có đề bài phải không em.Cứ giúp nhau , cứ tiếp thu "Tre già măng mọc cây đời xanh tươi"
18.2 PN
Hẹn gặp lại
EM VUI LẮM CẢM ƠN CẢ NHÀ .GIỜ EM THỬ MẤY CÂU NÀY NHÉ

BẾN XƯA
Mưa phùn xuân rắc trắng bến xưa
Mải miết thuyền ai lách lau thưa
Bên bồi ,bên lở bao mù lũ
Dòng đục dòng trong mấy nắng  mưa
      *nhắc em nghe
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương sỏi

một bài thơ Đường Luật tám câu bảy chữ có thể tách thành hai bài tứ tuyệt hoàn chỉnh nếu ghép từng cặp  câu 1,2+3,4 và 5,6+7,8 hoặc các cặp câu 1,2-7,8 và 3,4 + 5,6 . Bởi thế làm  thơ tứ tuyệt cũng tuân theo phép Niêm 2-4-6 vậy .(Nhị -Tứ -Lục phân minh./.

Rắc trắng(T)mưa phùn (B) dưới bến(T) xưa
Thuyền ai(B) khua mái(T) lách lau(B) thưa
Bên bồi(B) bên lở(T) bao mùa(B) lũ
Dòng đục(T) dòng trong(B) mấy nắng(T) mưa ./.

Đấy là những kỹ thuật thông thường chứ thơ của các vị Thi Hào tiền bối nếu có chỗ nào không đúng như thông lệ thì phải tìm hiểu chứ chê sai là không được . Nhà Thơ Xuân Diệu dám sửa thơ của Cụ NGuyễn Công Trứ sau các học giả phân tích mới vỡ lẽ Xuân Diệu mắc tội bất kính với tiền bối đấy (do không hiểu dụng ý của Cụ).

Ví dụ như câu : "một đèo một đèo lại một đèo" thì Bà Hồ Xuân Hương có dụng ý khi để chữ thứ 2 thanh bằng lẽ ra theo lệ phải là thanhh trắc ./.

Mở đường

Vất vả làm sao mới mở đường
Ngổn ngang bao thứ khắp muôn phương
Anh thương khuân hộ vài hòn đá
Chị quý đẵn cho mấy ống bương
Bấy giọt mồ hôi không quản ngại
Bao người công sức giúp vì thương
Rồi sau đường phẳng xe bon chạy
Em đón người sang để ...ghép giường ./.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Bá Chiểu

duyquocquyen đã viết:
Em cứ viết đại đi,vừa viết vừa học,sai thì sửa từ từ, có sao đâu mà sợ.Bởi lẽ làm thơ cốt để vui để thanh thản lòng mình, chứ có mua bán thi thố gì đâu mà lo và Cái sai này chẳng làm tổn hại đến ai cả
Chúc em vui và sớm thành công!



Chào bạn thơ Anh Phương, bạn quả tuyệt vời khi say đắm một miển thơ huyền diệu trang nhã và trí tuệ như thơ đường.  Thấy nhà thơ Trương Sỏi đã có hướng dẫn rất tuyệt vời về làm thơ đường luật thât ngôn bat cú rồi. Đúng như nhà thơ DQQ đã viết lời động viên có cánh, AP cứ làm đại đi rồi mọi người chỉnh thêm. Ai cũng mong nhiều bạn thơ hơn trong cộng đồng thơ đường luật để trao đổi và học tập lẫn nhau
Tuy nhiên, Chiểu lại đưa thêm một số kinh nghiệm nhỏ nữa của đường luật gọi là tạm bổ sung những điều rất chuẩn của nhà thơ Trương Sỏi cùng một số kinh nghiệm riêng mong nhà thơ sớm làm thơ đường luật và thực sự đã làm 1  số bài và các bạn thơ Trương Sỏi, Phương Nam đã giúp sức động viên. AP làm tiếp nhé, không ngại làm sai mà chỉ sợ không làm...

ĐƯỜNG LUẬT NHẬP MÔN

Khi những thi hữu yêu thơ đường luật mới chập chững viết sẽ bỡ ngỡ vô cùng nào là ĐỀ, THỰC, LUÂN, KẾT, NIÊM, LUẬT, ĐỐI, VẦN … cứ loạn hết cả lên. Bởi vậy, giá mà BĐH lập 1 chủ đề trao đổi thơ đường luật trên thi viện thì các bậc đàn anh trong đường luật có dịp giúp cho các thi hữu mới tập tành sẽ rất hay đấy ạ.
Trong khi chờ đợi các đàn anh thi viện có những phương pháp dễ hiểu hơn, hiệu quả hơn thì Chiểu xin mạo muội thử làm một nhà sư phạm vỡ lòng đưa ra 1 bài gọi là vè nhỏ, chỉ mong giúp cho các bạn thơ vỡ vạc vài nét về đường luật và có thể làm được 1 bài thơ đơn giản dưới sự trợ giúp của đàn anh. Xin được kiên trì nhắc lại đây chỉ là TIỂU HỌC đường luật thôi ạ, chỉ là viên gạch nhỏ trong nền tảng để các thi hữu học cao hơn nhờ đọc các tài liệu nghiên cứu tầm vóc lớn hơn.

ĐƯỜNG LUẬT NHẬP MÔN
Phạm Bá Chiểu

Có 8 câu 7 chữ
Năm mươi sáu tiếng ngân
1,2,4,6,8
Cuối mỗi câu- bằng/ VẦN

2, 4, 6 thành sóng
Nổi- chìm- nổi chữ V
Chìm- nổi- chìm sóng đỉnh
1, 3, 5 bất kỳ

NIÊM sóng 1 cùng 8
Sóng câu 2 như 3
4, 5 và 6,7
Từng cặp ngược nhau ra

Có ĐỀ, THỰC, LUẬN, KẾT
Chia 4 đôi phân minh
Đề, thực chủ tả cảnh
Luận, kết chủ tả tình

Hai cặp THỰC và LUẬN
ĐỐI Ý, TỪ lại qua
ĐỐI THANH 2, 4, 6
1, 3, 5 tùy ta

Dẫn giải
Xin lấy bài thơ QUA ĐÈO NGANG của Bà Huyện Thanh Quan vì bài này hầu như ai cũng thuộc

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.


1/ ở khổ 1 bài “vè” của Chiểu- ta ngẫm thật kỹ về VẦN -1,2,4,6,8
Cuối mỗi câu- bằng/ VẦN
Ta sẽ thấy các từ cuối các câu trên là VẦN: tà, hoa, nhà, gia, ta là vần và thanh bằng (có vần trắc xin học sau), các từ câu 3,5,7= chú, cuốc, nước là thanh trắc
2/ ở khổ 2 Chiểu đưa 1 khái niệm SÓNG cho dễ nhớ đó là các từ 2, 4 và 6 trong câu không đều đều mà luôn thành sóng Trắc- Bằng- Trắc thì giống hình chữ V (sóng chìm) còn Bằng-Trắc-Bằng thì có hình chữ (A sóng nổi)
Ví dụ- Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
ta thấy các từ 2-4-6 TỚI-NGANG-XẾ câu đầu là sóng chìm, các từ 2-4-6 CÂY-ĐÁ-CHEN câu sau là sóng nổi
3 Khổ 3 Chiểu muốn nói đến niêm-
Với bài thơ trên ta thấy câu 1 và 8 cùng sóng chìm V
Thì hai câu 2+3 sẽ là sóng nổi A, (cây, đá, chen/khom, núi, vài)
4+5 đối lại là sóng chìm V (đác, sông, mấy/nước, lòng, cuốc)
6+7 ngược lại là sóng nổi A (nhà, miệng, gia/ chân, lại, non)
4-  Khổ 4 Chiểu muốn đưa ra 4 cặp ĐỀ THỰC, LUẬN, KẾT cứ tạm hiểu như một bài văn vì tất cả chúng ta đã từng học “tập làm văn” nên cứ hiểu thế cho dễ: 1-mở đầu (ĐỀ); 2-thân bài (THỰC, LUẬN); 3- kết luận (KẾT)
Về mở đầu và kết luận thì hơi giống ĐỀ và LUẬN rồi, duy thân bài thì cặp câu THỰC- là chủ yếu tả cảnh thực trạng như kiểu tả cảnh, và LUẬN là từ cảnh ấy luận rộng ra, lồng tình cảm của mình vào đấy kiểu tả tình
Nhiều nhà nghiên cứu lại phân ra thay vì 2/2/2/2 là 4/4 tức là 4 câu tả cảnh, 4 câu sau tả tình rất hay và dễ học, dễ nhớ- các bạn đọc bài Qua Đèo Ngang sẽ thấy rõ điều ấy
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Chỉ tả cảnh đèo với bóng xế, cỏ cây, hoa lá, tiều phu, chợ, núi, sông.
Và 4 câu sau

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Tác giả đã lồng tình của mình khi nghe tiếng con chim Cuốc và chim Gia Gia như tiếng kêu gợi nỗi nhớ nước, nhà… và hai câu cuối lồng tình yêu của mình với đất nước và vương chút cô đơn…
5-  Khổ 5 Chiểu muốn nói đến đối là khâu khó nhất của đường luật, biểu hiện trí tuệ của người viết vì đối ý và đối thanh sao cho như 2 câu đối tết mà cái thì tả cảnh, cái lại vương tình, không gượng ép là cả một nghệ thuật mà khó ai có thể dám chắc mình tinh tường.
1- ĐỐI Ý
A, Tương đồng gần như câu đối tết- xuân//tết; đến//về; chào//đón…
B, Tương phản chủ yếu trong các thể thơ châm biếm:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng ( Trần Tế Xương)
Ta thấy Tú Xương đã đả kích ông cử bằng cách cho đối tương phản đít//đầu rất thú vị.
B- ĐỐI TỪ Các từ loại đối với nhau, danh từ//danh từ; động từ// động từ v.v…  Ta sẽ thấy rõ
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
C- ĐỐI THANH thanh trắc đối thanh bằng và ngược lại. Nếu đối tất cả 7 từ trong cặp thì càng tốt- như bài QĐN, nếu mới học thì nên đối tập trung vào thanh của 2, 4, 6 như trên đã bàn là sóng V đối sóng A và ngược lại.

Thế là các bạn thơ yêu quý đã có thể vỡ vạc ra rồi. Bây giờ Chiểu lại xin khuyên các bạn mở hàng loạt các bài thơ đường trong diễn đàn THƠ THÀNH VIÊN THƠ TẬP CỔ ra và đọc càng nhiều càng tốt và phải vừa đọc vừa đối chiếu với bài "vè" của Chiểu hoặc trả lời câu hỏi bài tập sau đây

1- bài thơ này vần gì? Các từ cuối có vần như thế nào?
2- Câu 1 là sóng gì? Sóng chìm TBT như QĐN hoặc sóng nổi BTB như Thu Điếu- Nguyễn Khuyến
3- Từng cặp 1,8- 2,3-4,5- 6,7 đúng niêm như thế nào?
4- Các cặp nào là ĐỀ, THỰC, LUẬN, KẾT
5- Hai cặp câu THỰC, LUẬN đối nhau như thế nào? Tương đồng hay tương phản? Đối ý ra sao? Đối các từ loại ra sao? Đối thanh như thế nào?
6- Mở đầu (ĐỀ) thân bài(THỰC, LUẬN) và kết luận (KẾT) đúng với lý thuyết đến mức nào?


Nào, bây giờ thì bạn làm thơ đường luật nhé
1- Nào, hãy chọn sóng trước BTB hay TBT
2- Nào, chọn vần - khi bạn chọn vần nào thì xin bạn hãy viết ra giấy hoặc gõ tất cả những từ có nghĩa mang vần ấy để đỡ công tìm tòi ví dụ vần ơ chẳng hạn, ta có một số từ có nghĩa đẹp như- mơ, thơ, ngơ, chờ, mờ, hờ, thờ nếu bí quá ta lại đưa các vần tương đối gần với ơ như ưa- mưa, chưa hoặc bí hơn nữa thì đành lùi 1 bước nữa đó là vần ua, vần o, vần ô.
3- Nào, hai câu ĐỀ nhé- về kỹ thuật chọn ngược sóng nhau nhé cho 2 câu, về nghệ thuật thì mở một chủ đề kiểu topic sentence trong luận tiếng Anh, hoặc mở đề trong tập làm văn tiếng Việt vậy chủ yếu tả cảnh hoặc nêu vấn đề.
4- Nào, câu THỰC nhé- cái này mới là mẹo nha- hãy viết câu 4 trước vì câu 4 có sóng như câu 2 và có vần, sau đó ta mới tìm ý để viết câu 3: ngược sóng và đối thanh, đối ý, đối từ. Về nghệ thuật thì ta chú ý vẫn là tả cảnh nhé
5- Nào, câu LUẬN nhé. Tương tự về kỹ thuật như câu THỰC, về nghệ thuật thì khó lắm đó nha. Người ta thường đọc hai câu LUẬN để đánh giá cả bài thơ và tác giả vì đây là câu lồng tình, tả tình mà câu
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Luôn là mục tiêu của các thi sĩ đường luật. Tuy nhiên nếu bí quá bạn vẫn có thể tiếp tục tả cảnh như cặp THỰC mà vẫn đẹp và hay và được mọi người chấp nhận như thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến gần như phần lớn bài đều THỰC và LUẬN tả cảnh là chính.
6-Nào, KẾT nhé, câu 7 cùng sóng với câu 6 và câu 8 ngược sóng với câu 7- nói cách khác nó cùng sóng với câu 1 nhé. Về nghệ thuật đây cũng là cặp tả tình. Hãy lồng tình cảm của mình vào đó như tình yêu cảnh đẹp mà mình đã tả, tình yêu đất nước, quê nhà, nỗi lòng mình… để kết nhé

7-Nếu chưa quen, một lời khuyên có tính thực tiễn nhất đó là bạn hãy lấy hai bài thơ Qua Đèo Ngang và Thu điếu ra làm mẫu rồi cứ theo các thanh này mà làm thì không bao giờ sợ sai niêm, đối cũng thế sẽ không sợ sai đối. Đến khi quen đi thì ta không cần 2 bài mẫu này nữa

Mạo muội hướng dẫn các bạn mới làm thơ đường vỡ vạc vài ý, chắc chắn không tránh thiếu sót và có nhiều kinh nghiệm hay mà Chiểu chưa biết. Rất mong các đại gia đường luật trong thi viện: Vanachi, Phương Nam, Vothuong, Tongtranlu, Chằn tinh Shrek, Tường Thuỵ, Tuấn Khỉ, Phạm Thôn Nhân, Thệ Minh, Quang Tri, Thái Thanh Tâm, Hà Như, Thu Phong,Duy Quốc Quyên, Trung30, Phố Núi Cao, Quế Hằng, Xuân Miền, Sĩ Nguyên và nhiều nhà thơ đường luật khác mà Chiểu chưa nhớ hết giúp đỡ thêm và lập một chủ đề HỌC HỎI ĐƯỜNG LUẬT để giúp đỡ các bạn mới học thì thật không còn gì bằng.
Chúc các bạn thơ vui với một sân chơi trang nhã và trí tuệ - ĐƯỜNG LUẬT.
Em xinh thế như không là sự thật
Cho anh tin Hà Nội chính thiên đường
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

Em thích thích Đường luật lắm ứ! Em đã làm được vài bài, nhưng không được hay lắm. Quan niệm của em đầu tiên phải nắm rõ luật bằng trắc, giống như tập đi xe đạp:
Bước một: Tập đạp xe thuần thục đôi chân ( Tập viết theo luật bằng trắc
Bước hai: đi vòng số 8 (Tập gieo vần)
Bước 3 : đi đánh võng (Đối phần đầu câu 3, 4)
Bước 4 : phóng nhanh bốc đầu ( Đối tiếp phần đuôi câu 5,6


Bài viết em sưu tầm được :

Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú.
Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: vần bằng và vần trắc.
Tuy nhiên, các thi nhân thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.

1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
- Luật bằng vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và đều là vần bằng.

2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
- Luật trắc vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và phải là vần bằng.

BỐ CỤC BÀI THƠ BÁT CÚ:
- Câu số 1 dùng để mở bài (gọi là phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (gọi là thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
- Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu trạng (có nơi gọi thuật hay thực).
- Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận.
- Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.

Sau đây là bảng luật thơ:


1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:

B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 4)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu 6)
T - T - B - B - T - T- B (vần) (đối câu 5)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)


2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:

T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu 4)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 6)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 5)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)


Bài thơ thí dụ làm mẫu để minh họa:

1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:

TRUNG THU

Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
Cha làm trống ếch đánh quanh năm
Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
Chiếc lá chao mình trong gió sớm
Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm

Thứ Lang


2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:

TRĂNG THỀ VƯỜN THÚY

Xót phận hồng nhan một Thúy Kiều
Trâm thề quạt ước lỗi hương yêu
Thanh lâu lịm kín đời xuân sắc
Kỷ viện vùi sâu nét diễm kiều
Gió Sở không vơi niềm tịch mịch
Mưa Tần chẳng bớt nỗi cô liêu
Xa xôi cách trở Kim lang hỡi
Có thấu lòng em tủi hận nhiều

Thứ Lang


-----o0o-----


Ghi chú thêm:

LUẬT BẤT LUẬN TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Người làm Thơ Đường Luật phải tuân theo những luật lệ bắt buộc rất gắt gao nghiêm ngặt. Mà đã là luật rồi thì không thể sai phạm, có như thế bài thơ mới chính thống. Nếu không sẽ bị lai căng thành ra một loại thơ tạp giống như thơ "tự do" ngày nay (nhái theo thơ Cổ phong ngày xưa).
Trong những luật lệ bắt buộc nói trên, có luật bằng trắc là cách sắp xếp âm điệu của bài thơ để nghe cho suông sẻ, êm tai, du dương, trầm bổng. Nếu không tuân theo luật nầy thì bài thơ đọc lên nghe rất chỏi tai, trắc trở, không hay. Tuy nhiên, để cho bớt gò bó trong việc tìm từ, kẹt ý ... thí dụ như gặp phải những từ kép hay những danh từ riêng chỉ nhân danh, địa danh, điển tích ... chúng ta không thể nào sửa đổi dấu giọng (bằng trắc) được. Do đó người xưa đã đặt ra Luật Bất Luận để "cởi trói" bớt cho người làm thơ. Theo bảng luật bất luận nầy thì:
- Các tiếng ở vị trí thứ 2-4-5-6-7 của mỗi câu bắt buộc phải tuân theo luật bằng trắc (chính luật) mà bảng luật đã ấn định.
- Các tiếng ở vị trí thứ 1 & 3 của mỗi câu không nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc mà bảng luật đã định. Tuy nhiên nên chú ý rằng mặc dù đã có luật bất luận nhưng tiếng nào theo luật định là trắc mà chúng ta làm bằng thì được, trái lại tiếng nào theo luật định là bằng mà chúng ta làm trắc thì không nên, đôi khi phạm phải lỗi "Khổ Độc" nữa. Vạn bất dắc dĩ, không tìm được tiếng nào hay hơn để thay thế thì chúng ta cũng có thể giữ y mà vẫn có thể chấp nhận được. Khi làm thơ càng cố gắng giữ đúng luật (chính luật) thì bài thơ càng hay về âm điệu. Bài thơ được đánh giá hay hay dở phần lớn là căn cứ vào các luật thơ, vì Thơ Đường Luật là Thơ Luật nghĩa là thơ phải làm theo luật. Bài thơ Đường Luật nếu bị sai luật dù cho nội dung, ý tứ, từ ngữ có hay cách mấy đi nữa thì cũng bỏ đi, không được chấp nhận.

Sau đây là Bảng Luật Bất Luận:

BẢNG LUẬT BẤT LUẬN THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT

1. LUẬT TRẮC:

t - T - b - B - T - T - B
b - B - t - T - T - B - B
b - B - t - T - B - B - T
t - T - b - B - T - T - B
t - T - b - B - B - T - T
b - B - t - T - T - B - B
b - B - t - T - B - B - T
t - T - b - B - T - T - B


2. LUẬT BẰNG:

b - B - t - T - T - B - B
t - T - b - B - T - T - B
t - T - b - B - B - T - T
b - B - t - T - T - B - B
b - B - t - T - B - B - T
t - T - b - B - T - T- B
t - T - b - B - B - T - T
b - B - t - T - T - B - B


Ghi chú: chữ b-t là không cần giữ đúng luật, chữ B-T là bắt buộc phải giữ đúng luật.

Ngoài ra Thơ Đường Luật là loại thơ "Độc Vận", nghĩa là chỉ gieo một âm vần duy nhất xuyên suốt cả bài thơ, không nên chen lẫn vào dù chỉ một âm vần khác, hay dở là ở chỗ nầy. Tóm lại Thơ Đường Luật nên gieo vần theo Chính Vận mà không nên dùng Thông Vận, vì toàn bài thơ chỉ có 5 vần thôi, đâu đến đổi khó tìm. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng, người làm thơ vẫn có thể được phép dùng thông vận, nhưng càng ít càng tốt.

Nguồn: http://diendan.hocmai.vn/...ve/index.php/t-34016.html
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Anh Phương

EM CẢM ƠN MỌI NGƯỜI RẤT NHIỀU .GIỜ EM VÀO THỬ MỘT BÀI NHÉ ,TẬP SUỐT TỐI ĐÓ HI HI HI HI

EM MỪNG
Vui mừng đến với hội thơ đường
Để ngày sướng hoạ với người thương
Hội tụ cùng ai lòng phấn thích
Để em say đắm dạ vấn vương
Suốt đời theo đuổi thơ trong mộng
Nên đã giao lưu khúc nhạc trường
Muốn để cho đời câu sướng hoạ
Chung hoà sức sống thắm tình thương

KÍU EM NGHE !...ĐỪNG CƯỜI NGHE
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phạm Bá Chiểu

anhphuong2405 đã viết:
EM CẢM ƠN MỌI NGƯỜI RẤT NHIỀU .GIỜ EM VÀO THỬ MỘT BÀI NHÉ ,TẬP SUỐT TỐI ĐÓ HI HI HI HI

EM MỪNG
Vui mừng đến với hội thơ đường
Để ngày sướng hoạ với người thương
Hội tụ cùng ai lòng phấn thích
Để em say đắm dạ vấn vương
Suốt đời theo đuổi thơ trong mộng
Nên đã giao lưu khúc nhạc trường
Muốn để cho đời câu sướng hoạ
Chung hoà sức sống thắm tình thương

KÍU EM NGHE !...ĐỪNG CƯỜI NGHE


Tuyệt vời!
Một cố gắng cực kỳ đáng khen ngợi!
Hê hê, Chiểu đang cười nè, nhưng mà nụ cười sảng khoái thấy bạn mình không quản ngại học hỏi, tập suốt một tối. Xin thử chỉnh chút về niêm nhé, chưa nói đến đối nhé.

Vui mừng đến với hội thơ đường
Xướng hoạ NGÀY ngày  với MẾN thương
Hội tụ cùng ai lòng phấn thích
Để em say đắm dạ TƠ vương
Suốt đời theo đuổi thơ trong mộng
Nên đã giao lưu khúc nhạc trường
Muốn để cho đời câu Xướng hoạ
Chung hoà sức sống thắm tình thương


Khuya rồi, tạm như vậy.
Xin AP đọc thêm về đối, đọc thật nhiều và chú ý các câu đối trong thơ đường luật nhé. Không sao rồi sẽ quen
Có một điều xin chú ý nhỏ nữa là cố gắng không lặp lại câu chữ nào vì cả bài thơ chỉ có 56 từ, tránh lặp nhé. Vần lại càng không nên lặp lại.
AP thay một chữ thương hoặc vần ở cuối câu 2 hoặc cuối câu cuối. AP hãy thay chữ xướng hoạ nhé- vì tránh lặp.
Chúc ngủ ngon và ngày mai chắc chắn được đọc bài thơ đã chỉnh lại chuẩn hơn nhé.
PBC
Em xinh thế như không là sự thật
Cho anh tin Hà Nội chính thiên đường
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

anhphuong2405 đã viết:
EM CẢM ƠN MỌI NGƯỜI RẤT NHIỀU .GIỜ EM VÀO THỬ MỘT BÀI NHÉ ,TẬP SUỐT TỐI ĐÓ HI HI HI HI

EM MỪNG
Vui mừng đến với hội thơ đường
Để ngày sướng hoạ với người thương
Hội tụ cùng ai lòng phấn thích
Để em say đắm dạ vấn vương
Suốt đời theo đuổi thơ trong mộng
Nên đã giao lưu khúc nhạc trường
Muốn để cho đời câu sướng hoạ
Chung hoà sức sống thắm tình thương

KÍU EM NGHE !...ĐỪNG CƯỜI NGHE
Thế là chị Anh Phương đã viết được thơ đường luật rồi! Bây giờ chị làm thơ "sướng hoạ" trong đó có từ sung sướng xem sao?
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Trương sỏi

Khuyên

Em ơi chăm chỉ luyện thơ đường
Rồi sẽ ngọt ngào biết mấy thương
Nhóm lửa ban đầu nên khốn khó
Cời than sưởi ấm mới du dương
Có anh có chị chung tay giúp
Có chú có cô góp sức cường
Thì chớ lo gì không vượt nổi
Con đường thiên lý đến muôn phương
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa bim bim

Gửi Phương!

Đích đến dù xa mấy dặm đường
Kiên trì sẽ tới được bờ thương
Khổ công nấu sử bên vầng nguyệt
Gắng sức sôi kinh dưới ánh dương
Trắc trở bao lần không quản ngại
Gian nan mấy bận vẫn kiên cường
Đời người có mấy ai toàn vẹn
Biển học vô cùng, cố nhé Phương!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 49 trang (489 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối