Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

R.Laevigata

Ái chà! Cháu quen chú lâu vậy mừ hôm nì mới biết chú cũng là một cây bút truyện ngắn đó
Vẫn ví mình là gió thì cứ để mặc gió bay đi...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

Banzắc cho rằng, khi công nhận điểm yếu của mình, con người ta trở nên mạnh.
Thấy ấu trĩ của một thời, con người ta sẽ khôn lớn hơn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

kim anh trắng đã viết:
Ái chà! Cháu quen chú lâu vậy mừ hôm nì mới biết chú cũng là một cây bút truyện ngắn đó
Tại cháu chỉ mải đọc bài của mấy anh đẹp trai đấy thôi :)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

DNH đã viết:
Banzắc cho rằng, khi công nhận điểm yếu của mình, con người ta trở nên mạnh.
Thấy ấu trĩ của một thời, con người ta sẽ khôn lớn hơn.
Hoan nghênh bác Đinh Nho Đang vào đọc mấy truyện dông dài của TT. =D>
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG

Truyện ngắn


    Vợ hắn bảo:
    -    Anh ạ, mai thứ bảy rồi đấy. Mẹ về, mình mua cái gì cho mẹ ăn chứ nhỉ.
    Hắn tỏ ra khó chịu:
    -    Ôi giời, vẽ chuyện. Chợ đầy thứ ra, muốn mua gì chẳng được, sao cứ phải ngậu lên.
    -    Thế thì nói làm gì. Em tính mai đi sớm lên chợ Thành Công, mua mấy cân rươi, chắc mẹ thích lắm.
    "Ừ nhỉ, con mẹ này nhiều khi cũng thông minh đáo để" - hắn nghĩ vui vui thế. Từ ngày hắn đi học đại học, ra trường rồi công tác cho đến bây giờ, hắn chẳng biết đến mùi vị những món ăn chế biến từ rươi. Chợ gần nhà hắn thì không có, muốn mua phải đi mất hơn chục cây số. Mùa rươi lại ngắn ngủi, chỉ trong vòng vài ngày. Mặt khác, hắn đã quen với lối suy nghĩ hiện đại, chẳng ăn thứ này thì thứ khác, thiếu gì món ngon.
    Mẹ hắn lên chơi với em hắn trên Bắc Giang từ đầu tháng, đến nay đã được ba tuần. Hôm kia, em hắn gọi điện bảo thứ bảy tuần này sẽ đưa mẹ xuống vì bà đã muốn về. Em hắn công tác xa nhà, tuần mới về một lần. Trong bụng hắn mừng vì không "mang tiếng" là lên đón mẹ nhưng hắn không tỏ thái độ gì.
    Hắn có một tính rất khỉ là hay làm vẻ lạnh lùng đối với mọi người trong nhà. Hắn thích quan tâm đến mọi người theo kiểu của hắn, không muốn tỏ ra ủy mị, vồ vập, sốt sắng. Mẹ ốm, hắn bắt vợ đi chợ mua tim cật về nấu cháo cho bà, hoặc tìm những thứ gì mà hắn biết là mẹ thích. Sau mẹ hắn khoe với mọi người là hắn cũng biết quan tâm đến bà. Hắn mắng vợ: "Anh bảo em nấu cho mẹ ăn thì em cứ nấu, lôi anh vào làm gì". Có lần mẹ hắn ra chợ chơi, thấy lâu không về, hắn sốt ruột đi tìm. Người già, một mình ra phố, biết đâu được. Gặp mẹ đang trên đường về, hắn định tránh đi nhưng bà đã trông thấy hắn. Bà hồ hởi: "Thế con ra tìm mẹ à" Hắn thản nhiên: "Đâu có, con đi mua mấy thứ. Mẹ đi được thì về được, việc gì con phải tìm" làm niềm vui của mẹ hắn tắt ngóm.
Đã thế, hắn lại hay trêu ngươi. Mẹ trách hắn đi đâu, về nhà chẳng hỏi han mẹ lấy một câu, hắn cáu: "Thì ngày xưa, con đi học về không chào ai thì mẹ chẳng nói gì. Giờ con lớn thế này, lại có cả bốn đứa để sai bảo mà mẹ ne nẹt như với đứa trẻ là sao. Lại còn bắt hỏi thăm sức khỏe nữa. Con trông thấy mẹ là biết khỏe hay yếu chứ. Rõ là nhiêu khê.
Bốn đứa mà hắn nói tới là vợ và con hắn, nhưng hắn thích gộp ráo cả vào một đám gọi là chúng nó. Vợ hắn mắng con, nó cãi lại, hắn quát: "Hai đứa im ngay, không cãi nhau nữa".
    Hắn đi làm về, cái Hoa nhanh nhẹn: "Con chào bố". Hai đứa em thấy thế cũng đồng thanh: "Con chào bố". Hắn liếc vợ rồi quay sang lũ trẻ con: "Thế còn đứa nào chưa chào bố?" Vợ hắn nguýt: "Này, quên cái suất ấy đi nhá".
    Có lần mẹ hắn tức bảo: "Tao chỉ cần trước đây tao nuôi chúng mày như thế nào thì bây giờ chúng mày nuôi tao thế vậy".  Thế là hắn liền xổ ra một tràng:
    -    Được nhá, mẹ muốn thế không? Vậy ngày xưa trời nóng, con phải quạt bằng mo cau. Bây giờ hôm nào nóng, mẹ đừng dùng quạt điện nữa nhá, Con tắt luôn cả điều hòa đi rồi mua hẳn quạt nan cho mẹ quạt. Còn ăn thì con ăn thế nào mẹ ăn thế vậy, con không ăn giấu mẹ cái gì là được. Con đi ăn nhậu ở đâu, mang phần về cho mẹ, như ngày xưa di ăn cỗ, mẹ vẫn mang phần về cho con ấy. Mẹ nuôi con mười tám năm. Vậy con nuôi mẹ đủ mười tám năm mà mẹ vẫn còn sống thì con kệ mẹ nhé. Ngày xưa, con hư thì mẹ đánh, bây giờ mẹ trái ý con thì làm sao đây ...
    Mẹ hắn đã chọc đúng vào cái mớ lý sự rất chầy cối của hắn. Hình như vẫn đang thích thú với cái trò lập luận quái đản này, hắn tiếp:
    -    Còn hôm nào vợ chồng chúng con đi chơi thì mẹ cũng rủ cụ Tảo đi cho công bằng, con  không cấm.
    Cụ Tảo là bố anh Huân hàng xóm. Cụ bà mất, cụ ông lên ở với con trai, na ná như hoàn cảnh mẹ hắn. Hắn thấy thế hay bông lơn gán mẹ hắn cho cụ Tảo. Có lần anh Huân sang nhà hắn gọi nhờ điện thoại. Khi anh về rồi, hắn bảo mẹ:
    -    Bác ấy giả vờ để sang xem mắt mẹ đấy. Mẹ không thấy bác ấy vừa gọi điện vừa nhìn mẹ à. Hôm qua con mới nói chuyện với bác ấy, thế mà nay đã sang ngay. Chứ nhà bác ấy còn lắp điện thoại trước cả nhà con cơ, việc gì phải nhờ.
    Mẹ hắn bảo: "Tao không nói chuyện với thằng luyên thuyên như mày" rồi bà bỏ đi nằm.
    Mẹ hắn hay kể với con dâu chuyện ngày xưa bà nuôi anh em hắn ăn học vất vả như thế nào. Hắn nghe thấy, ngứa mồm nói luôn:
    -    Thì bây giờ mẹ muốn đi học, con có cấm mẹ đâu.
    Rồi hắn quay sang vợ:
    -    Mai mẹ mày mua vở cho bà đi học. Còn thằng Hải dẫn bà đến trường nghe chưa.
    Đại khái cứ như thế, mẹ hắn tức không thèm nói chuyện với hắn nữa. Nói làm gì với thằng ngang như cua. Có điều gì ấm ức, bà lại thì thọt kể lể với con dâu. Trong bằng ấy đứa con, bà có vẻ hợp vợ hắn hơn cả. Được cái vợ hắn cũng chịu khó hầu chuyện mẹ chồng. Thỉnh thoảng, hắn lại hỏi vợ: "Mẹ có trách gì anh không?".
    *
    Vợ hắn nhắc đến chuyện mua rươi cho mẹ ăn là do nhớ lại buổi tối cũng bằng giờ năm ngoái. Hôm ấy cả nhà ăn cơm xong, mẹ hắn ngồi kể chuyện ngày xưa. Chuyện của bà hôm ấy lại gợi đúng vào kỷ niệm ấu thơ của hắn mà hắn thích. Hắn hào hứng cùng mẹ ôn lại những mùa rươi ở quê nhà.
    "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm" là câu tục ngữ nói về mùa rươi. Nói thế nhưng không cứ gì đôi mươi hay múng năm mà là vào thời điểm ấy, rươi lên rộ nhất.
    Mỗi năm vào độ cuối thu, khi có gió đông về, rồi sau vài cơn mưa lác đác, cơ man nào rươi dưới ruộng chui lên. Những con rươi xanh, đỏ, vàng  bơi loang loáng loằng ngoằng dưới nước. Ở những chỗ có dòng chảy lớn người ta đóng sắm để hứng rươi. Chị em hắn thì chỉ vớt rươi bằng vợt, được chăng hay chớ nhưng cũng không đến nỗi nào. Hắn thích nhất là ngồi vớt rươi ở cái rãnh cắt qua ngõ nhà hắn mà người ta xẻ ra để lấy nước vào ruộng. Rãnh chỉ rộng bằng nửa bước chân trẻ con, nên nước chảy rất mạnh. Thường ngày, hắn hay tha thẩn ở đây, ngắt là mây chơi thả thuyền. Ở nhà không phải đi đâu mà vẫn kiếm được cái ăn, thú gì bằng. Hắn vớt rươi như một trò chơi, góp chung vào với cả nhà. Mỗi hôm như thế, thường là đủ bữa. Mà không đủ bữa thì đã có chợ. Chợ bán nhiều và cũng rẻ vì hồi ấy không có chuyện mang hàng từ vũng này qua vùng khác, rươi lại không để được lâu. Mẹ hắn mua hàng cân. Hắn hay được ăn các món chả rươi, rươi xào cải, rươi nướng. Mẹ hắn chế biến thức ăn đủ cho một bữa, còn bao nhiêu thì làm mắm ăn dần.
    Rươi là đặc sản của tạo hóa ban cho con người, ai chỉ ăn một lần là nhớ mãi. Sau này, người ta dùng thuốc trừ sâu nhiều, rươi cũng ít dần, mùa rươi không náo nức nhộn nhịp như trước.
    Tuy mẹ không yêu cầu nhưng hắn biết nếu hắn làm một bữa rươi cho mẹ bớt phần nào nỗi nhớ quê hương, hẳn bà vui lòng và cảm động lắm. Tuổi già, ăn được là bao. Cái quí là con cái nó quan tâm đến mình. Nhưng tính hắn lại ngang. Hắn không muốn làm điều gì để người khác cho rằng hắn vì mình. Hắn muốn làm những điều mà hắn phải tự nghĩ ra, không phụ thuộc vào ý muốn của ai đó. Rồi công việc hàng ngày bận rộn, hắn cũng quên luôn. Giá bỏ một buổi đi xin học cho con, tất nhiên là hắn nhớ, cũng giống như mẹ hắn chẳng bao giờ quên đi họp phụ huynh cho hắn.
    Mẹ hắn nuôi hắn qua bao nhiêu mùa rươi. Thế nhưng ở với với hắn bằng ấy năm, hôm nay hắn mới nghĩ đến chuyện làm cho mẹ món ăn nhà quê mà người dân vùng biển đi đâu cũng nhớ ấy. Vậy mà vợ chồng hắn cũng phải bàn bạc, lên kế hoạch cứ như là chuẩn bị cho một sự kiện gì hệ trọng lắm.
    *
    Mẹ hắn đi mấy tuần, hắn cũng thấy nhớ. Mỗi lần về nhà, hắn có cảm giác cửa nhà khang khác, thiêu thiếu cái gì. Mấy lần hắn định gọi điện nhắn mẹ về nhưng lại thôi. Hắn không muốn cho mẹ biết mình nghĩ gì về bà.
    Lần này nghe vợ bàn thế, hắn cảm thấy vui lòng. Mặc dù với mẹ, hắn cố tỏ ra không mấy quan tâm nhưng hắn vẫn để ý cách cư xử của vợ đối với mẹ. Vợ hắn vẫn biết, trái ý chồng là chết ngay với hắn. Nhưng hắn có mắng vợ, không bao giờ để cho mẹ hắn thấy. Hấn không thích cho mẹ biết là hắn bênh bà.
    Hắn cứ thế và tự biết trong con người mình có rất nhiều mâu thuẫn. Nhưng cuối cùng thì hắn vẫn mặc, cứ để ai hiểu hắn như thế nào thì hiểu.
    Vợ hắn bảo:
    -    Em mua thì cứ mua nhưng em không biết làm đâu đấy.
    Hắn giễu:
    -    Cái dân đồng mầu nhà em có được ăn bao giờ đâu mà biết làm.
    Sợ vợ tự ái, hắn lại ân cần:
    -     Em cứ mua về, món gì anh làm được thì anh làm, món gì không biết  thì hỏi mẹ. Mua lấy vài cân vào. Thừa thì nhờ mẹ muối, ăn dần.
    Lòng hắn vui vui khi nghĩ đến ngày mai em hắn đưa mẹ hắn về. Hắn sẽ để mặc cho mẹ hắn chuyện trò với con dâu và các cháu. Hắn sẽ mua một can bia hơi Hà Nội là đồ uống mà anh em nhà hắn thích, gọi thêm mấy đứa em nữa đến cùng vui.
    *
    Nhưng thật đáng đời cho hắn. Cái dự định xuất phát từ lòng tử tế hiếm hoi ấy của hắn đối với mẹ, hắn chẳng bao giờ thực hiện được.
Khoảng ba giờ chiều, chuông điên thoại nhà hắn đổ. Đầu dây bên kia tiếng em dâu hắn hốt hoảng:
    -    Anh lên ngay. Mẹ bị ...
    Hắn sốt ruột:
     -    Bị sao? Thím nói nhanh lên xem nào.
    Em dâu hắn lắp bắp:
    -    Mẹ bị ... ốm ... nặng ..
    Bỗng có tiếng đàn ông xen vào:
    -    Cô đưa đây. Lúc này mà còn giấu để làm gì.
    Rôi người đó giật lấy máy:
    -    Bà mất, vừa xong.
    Hắn gào lên:
    -  Mất rồi mới báo. Sao không báo từ lúc bà ốm.
    -    Bà bị đột quỵ, ai mà biết trước ...
    Hắn rụng rời buông máy ngồi phịch xuống nền nhà. Sao tử thần lại bắt mẹ hắn đi đúng vào sát ngày mà mẹ hắn sẽ trở về với hắn. Vậy là mẹ hắn chết vì chính cái bệnh mà bà đã báo trước cho hắn. Hôm đó cách đây chừng hai tháng, tự nhiên mẹ hắn vét hết tiền trong túi đưa cho hắn:
    -    Mẹ bị bệnh huyết áp cao, người ta bảo bệnh này, người già có thể chết bất cứ lúc nào. Mẹ còn dành dụm được chút tiền, các con giữ lấy, nếu mẹ có mệnh hệ gì thì thêm vào đỡ phần nào cho các con việc tang ...
    Hắn cáu:
    -    Mẹ chỉ vớ vẩn. Tự nhiên nói đến chuyện chết với chóc. Còn    lâu mẹ mới  chết.
    Rồi hấn bịa ra để trấn an mẹ:
    -    Con đi xem rồi, thầy bảo mẹ thọ đến ngoài chín mươi cơ.
    Khi ấy, hắn có hiểu gì về bênh huyết áp đâu. Hắn nghĩ mẹ hắn huyết áp cao cũng như hắn huyết áp thấp. Chắc bà có nhiều điều không bằng lòng với hắn nên làm ra thế để dọa hắn mà thôi. Mẹ hắn tuy hơn tám mươi nhưng còn khỏe. Bà vẫn khâu vá được, tự xỏ được kim, nói năng minh mẫn, đi lại còn nhanh nhẹn. Ngoài việc nuôi mẹ ngày mấy bữa ăn, chẳng một đứa con nào phải hầu hạ mẹ. Hắn thấy thế nên chưa bao giờ chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn của bà.
    *
    Vợ chồng hắn tức tốc thuê xe lên Bắc Giang đưa mẹ về. Em hắn cũng chỉ về trước hắn mấy chục phút. Y hoàn toàn không biết tin mẹ mất vì không ai liên lạc được. Y về là để ngày mai đưa mẹ xuống nhà hắn. Chỉ đến khi về nhà, em hắn mới biết mẹ không còn nữa.
    Ba ngày lo đám tang cho mẹ, hắn không nhỏ giọt nước mắt nào. Hắn không có thời gian để khóc. Hắn biết vai trò và phận sự của hắn trong việc tang lễ cho mẹ.
    Đến ngày thứ tư, khách đã về hết, hắn vào phòng chốt cửa nằm vật ra.
    Vậy là hắn mồ côi mẹ thật rồi. Hắn nghĩ thế mặc dù vẫn biết chữ mồ côi người ta chỉ dùng cho những đứa trẻ mất cha hay mẹ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Hắn chưa quen không có mẹ. Lúc bé, hắn dựa dẫm vào mẹ đã đành, lớn lên có vợ con rồi, hắn vẫn cần mẹ để thỏa mãn cái tính nghịch ngợm, ngang ngược của hắn. Hắn biết, hắn chỉ có thể làm được những điều ấy với mẹ chứ không thể là ai khác. Người mẹ, có thể có chuyện này chuyện khác với con dâu hay với cả con gái, nhưng hiếm người mẹ nào lại ghét bỏ con trai, dù chúng hư hỗn đến mấy.
    Bằng ấy năm có mẹ, nhưng bây giờ hắn mới biết hắn cần mẹ đến chừng nào. Hắn chỉ biết đến điều đó khi không còn mẹ. Giá mà mà mẹ hắn sống thêm được ít nữa, hắn sẽ ..., hắn sẽ ... Nhưng hắn chỉ "sẽ" thôi chứ không bao giờ hắn làm được. Có một cái "sẽ" chắc chắn hơn cả là hắn sẽ vẫn như thế. Vì làm sao hắn biết được mẹ hắn chết vào lúc nào. Và chỉ khi mẹ chết, hắn mới nghĩ đến chữ "giá mà"
    Bao nhiêu những lạnh lùng, những kìm nén, giấu giếm tình cảm của hắn đối với mẹ lúc này hóa hết thành nước mắt. Hắn để mặc nó chảy thành dòng xuống gối. Hắn nấc lên và rên ư ử như trẻ con bị đòn đau, giờ mới ngấm. Hắn nhớ lại có lần mẹ hắn nói với hắn: "Chỉ đến lúc nào tao chết, chúng mày mới biết thương tao".
    Hắn cắn môi, cay đắng. Hắn chợt nghĩ hình như mẹ hắn ra đi và chọn đúng vào ngày ấy là để trừng phạt hắn, để mở mắt ra cho hắn mặc dù có muộn, để hắn tử tế hơn với những người còn sống.    
Đến trưa, hắn mới dậy rửa mặt cẩn thận rồi ra khỏi phòng. Xuống dưới nhà, hắn trông thấy mấy đứa trẻ con liền quát:
    -    Chúng mày không ăn cơm đi còn chờ bố làm gì. Bố mệt nghỉ một tí rồi ăn sau thì đã sao.
    Chợt nhớ ra là mình đang đứng trước mặt vợ con, hắn liếc nhanh vào cái gương tủ. May mà mắt hắn không còn hoe đỏ, trông không giống như người vừa khóc.


27/6/2010
Tường Thụy

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Con người ta vẫn thế! Đến khi ...mất đi, con người mới biết là mình...có!:(
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Câu chuyện hay mà buồn quá vì cái kết cục bất ngờ.
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

Có thể T T không để ý: DNH giới thiệu thơ của ông Đinh Nho Đang, chứ DNH không phải là Đinh Nho Đang. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta vẫn giao lưu với nhau.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Vâng, em nhầm tên thôi chứ không nhầm người mà. Nhưng bài "Thơ và đời" thì em không nhầm, bác nhỉ. :)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


ĐI ĐÂU BÂY GIỜ

Truyện ngắn


    Lần đâu tiên làm cái việc đi đút lót mà trên sách báo, văn bản người ta hay gọi là hối lộ, đối với hắn quả là khó khăn. Việc này trước đây hắn thường đùn đẩy cho vợ.   
    Nhưng hôm qua, vợ hắn bảo:
    -    Tới đây cái Ly đẻ, em sẽ đi Sài Gòn một thời gian trông con cho vợ chồng nó. Anh phải thay em làm tất cả nên tập lo dần là vừa. Ngày kia, anh đi nộp đơn, em đã chuẩn bị tiền nong đầy đủ.
    Hắn ngạc nhiên:
    -    Đi nộp đơn, lít xăng, mấy cốc nước cùng lắm là vài vại bia, có gì mà phải chuẩn bị.
    -    Giời ạ. Anh như người trên mây ấy. Bây giờ đi làm cái gì cũng phải có tiền, không thì đừng nghĩ đến chuyện được việc gì.
    Hắn vẫn chưa thông:
    -    Nhà thằng Manh chiếm đất nhà mình, phạm pháp rõ ràng mà kiện nó vẫn phải mất tiền là sao. Tưởng nó muốn giảm tội thì mới phải đút lót chứ?
    -    Anh chẳng hiểu gì cả. Thằng bị kiện phải đút, thằng đi kiện cũng phải đút, đứa nào đút nhiều hơn thì mới mong thắng. Đúng sai là ở họ chứ đâu phải ở pháp luật. Người ta coi luật pháp là cái gì đâu.
    Hắn tìm cách thoái thác:
    -    Anh không đi đâu, ngượng lắm. Người ta làm việc đã được trả lương, Mình làm thế, chẳng hóa ra coi thường người ta, xúc phạm đến nhân phẩm của họ, coi uy tín, danh dự cán bộ nhà nước chỉ bằng mấy triệu đồng sao?
    Vợ hắn cáu:
    -    Chúng nó làm quái gì có nhân phẩm mà xúc phạm. Anh mà biết ngượng thì đừng sống ở cái xã hội này nữa.
    Độ này vợ hắn ăn nói bừa bãi quá, mở miệng ra là nói đến tiêu cực xã hội. Hắn đi học, người ta dạy hắn rằng đó là tàn dư của chú nghĩa tư bản. Thế mới phải trải qua thời kỳ quá độ. Vợ hắn suốt ngày lo chạy chợ rồi chúi đầu vào việc hầu hạ chồng con, làm sao hiểu được những điều sâu xa ấy.
    Từ trước đến nay, bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra làm thiệt hại cho nhà hắn mà toàn do người khác gây nên cả. Vợ chồng hắn gửi đơn từ đi khắp nơi nhưng cuối cùng không cơ quan nào giải quyết. Hỏi riết thì họ trả lời rằng nội dung đơn kiện của nhà hắn "không có cơ sở" hoặc là chuyển đơn về chính cái cơ quan bị nhà hắn kiện để trả lời hắn. Những ai biết chuyện thì bảo nhà hắn thua bên kia vì tiền.
    Lần này, nhà hắn bị hàng xóm phá tường chiếm mất chục mét vuông đất. Vợ chồng hắn lại phải làm đơn kiện. Chẳng lẽ cứ để cho đứa nào muốn làm gì nhà hắn thì làm.
    *
    Hôm đi nộp đơn, vợ hắn dặn dò thật kỹ, còn lường trước tất cả những tình huống có thể xảy ra. Cô ta làm sẵn cho hắn mấy cái phong bao để xử lý ở các cửa.
    Hắn tới cổng cơ quan, thấy mở liền dắt xe vào. Một tiếng gọi giật giọng:
    -    Anh kia, đi đâu?
    Hắn giật mình đánh thót:
    -     Dạ em vào nộp đơn
    -     Đơn gì?
    Nhớ đến lời vợ dăn, hắn vội móc ra chiếc phong bì nhét vào túi anh gác cổng. Anh ta chẳng cần đọc xem đơn gì, trả hắn rồi chỉ cho cho hắn lối vào nơi cần nộp đơn tên người cần gặp một cách cặn kẽ.
    Hắn nhận chiếc vé gửi xe làm bằng vỏ bao thuốc lá vinataba, rụt tè hỏi:
    - Thế để xe ở đâu anh.
    Tay gác cổng nhìn cái dáng vẻ ngờ nghệch của hắn, thương hại:
    - Anh mới đến lần đầu à. Cứ đi thẳng vào, đỡ phải đi bộ.
    Thế thì tiện, chứ cơ quan rộng mênh mông thế này, đi bộ có mà chết. Xung quanh lại có tường bao, thật an toàn. Cổng thì đã có bảo vệ kiêm giữ xe, chỉ cần đứng một chỗ thu tiền. Hắn thấy nhiều người ra vào nhưng không lấy vé, chắc là người trong cơ quan. Hắn nghĩ: vậy là cái vé của hắn là vé vào cổng chứ đâu phải là vé gửi xe. Hắn có tự trông được thì người ta vẫn bắt gửi cơ mà. Chẳng lẽ cả cơ quan này là một bãi giữ xe. Nhưng thôi, đấy là việc của họ, không ảnh hưởng gì đến bát cơm nhà hắn. Hắn đang lo một việc mà đối với hắn quan trọng gấp ngàn lần.
    Hắn dựng xe trước cửa phòng tiếp dân rồi ngồi chờ. Lúc này có sáu người ngồi ở hàng ghế kê ngoài hành lang. Cửa phòng tiếp dân mấy phút lại hé cho một người ra để người tiếp theo vào. Kể cũng nhanh. Chừng 30 phút sau thì đến lượt hắn.
    Lúc này thì hắn đã có chút kinh nghiệm. Tránh bị quát phủ đầu, hắn kẹp luôn cái phong bì vào tờ đơn. Cán bộ tiếp dân nhìn đơn đọc tên, địa chỉ của hắn rồi ghi vào giấy biên nhận. Không thấy anh ta hỏi giấy tờ tùy thân. "Chắc cái phong bì đã thay cho chứng minh thư" - tự nhiên hắn có ý nghĩ đen tối thế.
    Hắn thăm dò:
    -    Đơn của em giải quyết có nhanh không ạ
    -    Cái đó còn tùy, có thể nhanh, có thể chậm.
    Hắn hiểu ý, đặt lên một chiếc phong bì nữa.
    Anh ta ra chiều suy nghĩ một lúc:
    -    Thôi được, đơn của anh tôi sẽ trình ngay. Chắc chỉ trong vòng dăm ngày anh sẽ nhận được giấy mời.
    *
    Bốn ngày hôm sau thì hắn nhận được giấy mời đến gặp ông Lưu, ghi cụ thể ở phòng số 21 tầng 2 nhà D3 giải quyết. Trước khi đi, vợ hắn nhét 300 đô la vào phong bì đưa cho hắn.
    Tới cổng cơ quan, hắn lại bị hỏi y như lần trước. Hắn ranh mãnh:
    -    Sếp gọi em đến để giải quyết cái đơn hôm trước mà. Chắc anh quên em rồi.
    Tay gác cổng nhớ ra, chỉ gúi vào tay hắn chiếc vé gửi xe rồi cho hắn vào.
    Đến chân cầu thang, hắn gặp thằng Manh, cái thằng đã cướp đất của hắn sáu hôm trước đi xuống. Không biết nó đi đâu. Chẳng lẽ nó cũng đi kiện hắn, vừa ăn cướp, vừa la làng chăng. Nó nhìn hắn, vẻ mặt vênh váo đầy thách thức. Tất nhiên chẳng đứa nào hỏi đứa nào.
    Hắn tới cửa phòng làm việc có gắn số 21, gõ nhẹ hai tiếng rồi đứng chờ.
    Một tiếng nói lạnh lùng và đanh gọn:
    -    Mời vào.
    Hắn run run đẩy cửa vào:
    -    Dạ, chào anh ... báo cáo anh, em ...
    Rồi khúm núm đưa giấy mời  ra, lập bập trình bày nội dung sự việc.
    Ông cán bộ tên Lưu hỏi
    -    Đất nhà anh có sổ đỏ chưa?
    -    Dạ chưa nhưng là đất ở lâu năm. Chúng em vẫn đóng thuế nhà đất hàng năm đầy đủ ...
    Ông ta phẩy tay ra hiệu cho hắn ngừng nói:
    -    Vấn đề là ở chỗ ấy. Anh chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nghĩa là nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất cho anh. Thằng kia nó chiếm đất của anh, ai cũng biết. Nhưng về mặt pháp luật, bảo là đất của nhà anh thì không có cơ sở.
    "Lại không có cơ sở" - hắn chán nản nghĩ. Vậy là mình dại rồi. Đúng ra hôm ấy, hắn phải đánh nhau với nhà thằng Manh không cho nó chiếm.đất. Nó có kiện nhà hắn đánh nhà nó thì dựa trên cơ sở nào. Ai quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng.
    Ấy là lúc điên điên lên thì hắn nghĩ thế thôi chứ làm sao mà hắn dám đi đánh nhau với người khác vì hắn là con người được giáo dục tử tế. Và chính cái sự tử tế ấy đã hại hắn, làm hắn khốn khổ bao nhiêu rồi.
    Sực nhớ ra, hắn rút cái phong bì khẽ khàng đặt lên bàn.
    Ông Lưu mở luôn phong bì ra. Đếm xong, ông ta đặt xuống bàn rồi lấy trong ngăn bàn một cái phong bì khác, rút ra xòe cho hắn xem sáu tờ bạc mệnh giá 100 đô là Mỹ:
    -    Của thằng kia đấy. Nó sai nhưng cái lý của nó (ông vỗ ba đầu ngón tay vào cái phong bì của thằng kia) gấp đôi anh (vỗ vào cái phong bì của hắn). Cái chỗ đất ấy anh bảo của anh nhưng nó cũng bảo của nó. Vậy thì tốt nhất là nên hòa giải, hai bên chia đôi. Nếu anh đồng ý thì tôi cho gọi cả hai bên đến. Vậy là mỗi bên được một nửa mà tiền nó lại mất nhiều hơn anh, thế là coi như anh thắng nó. Được cái thuận cho các anh là hai bên đều biết "giá thị trường". Nếu phải quay về lấy thêm thì mất một lần đi lại nữa. Còn nếu anh không nghe, đi kiện đâu thì đơn cũng về đây thôi. Tôi thấy anh có vẻ thật thà nên tôi cũng nói thật.
    Trước khi hắn về, ông ta còn cẩn thận sờ hai túi quần của hắn xem có máy ghi âm, máy ảnh gì không rồi đẩy hắn ra khỏi cửa.
    *
    Hắn khoe với vợ:
    -    Thắng rồi em ạ. Mà nó lại phải mất nhiều tiền hơn mình. Tưởng thế nào chứ đút lót cũng dễ. Hết bao nhiêu, người ta nói thẳng, may mà hôm nay vừa đủ. Nếu thừa chắc họ trả lại. Đỡ phải băn khoăn. Thế mà em cứ dạy anh mãi.
    Vợ hắn toe toét:
    -    Em đã bảo mà. Cái gì cũng có giá của nó. Giá cả rõ ràng như vậy lại hóa hay. Những lần trước mình thua chỉ tại vì không biết giá. Hóa ra cơ chế bây giờ cũng thoáng thật. Nói toạc, không úp mở.
Rồi cô bắt hắn kể tỉ mỉ diễn biến đưa đến cái chiến thắng hôm nay như thế nào.    Nghe hắn kể xong, cô ta rít lên:
    -     Giời ơi, thế mà bảo thắng là sao.
    Hắn nhớ lại lời phân tích của ông Lưu, liền giải thích lại cho vợ:
    -    Thì mình được năm mét vuông, nó cũng được năm mét vuông. Mà tiền nó lại mất gấp đôi mình, chả thắng là gì.
    -    Nó bịp anh rồi. Sao đầu óc anh tối tăm thế. Cả mười mét vuông ấy là đất của mình. Nó chỉ mất sáu trăm đô mà được năm mét. Còn mình mất không năm mét cho nó lại còn tiền phong bao mấy hôm nay nữa. Vậy thắng ở đâu?
    Ừ nhỉ. Tại lúc ấy hắn sợ quá nên không nghĩ ra. Hắn tức lắm. Chợt nhớ tới lời ông Lưu nói, hắn thách lại vợ:
    -    Nếu em không nghe thì cứ việc kiện đâu thì kiện. Cuối cùng đơn cũng về tay ông ta thôi.
    Sự thật cay đắng đó không phải là vợ hắn không biết vì chính nhà hắn đã từng nhiều lần gặp phải cũng như biết bao dân oan khác. Nhưng việc hắn nhắc lại lời ông Lưu đã làm cho cô ta nhụt chí.
    Vợ chồng hắn ngao ngán nhìn mảnh đất nhà hắn ngày càng bé đi. Liệu rồi hắn có giữ nổi phần đất còn lại không? Ai là người bênh vực hắn?
    Hắn chợt nghĩ: hay là bán nhà đi chỗ khác ở. Nhưng hắn vội gạt ngay: Đi đâu bây giờ? Tài cán của hắn chỉ cho phép hắn loanh quanh trong biên giới này thôi. Thôi thì đành cố chịu, chờ cho qua cái thời kỳ gọi là quá độ. Nhưng chờ đến bao giờ?


21/6/2010
Tường Thụy

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối