Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [37] [38] [39] [40] [41] [42] [43] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tôi không đồng ý với phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh




…Sự tôn trọng của nhân dân dành cho từng các nhân các vị lãnh đạo, cho dù ở bất kỳ cấp nào, là tùy thuộc vào việc làm của từng quý vị, thể hiện trách nhiệm trước vận mệnh của Dân tộc; mà đối với mỗi người Việt Nam là rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Quyết không khoan nhượng trước kẻ thù, cho dù chúng là mạnh nhất, hung bạo nhất… và lịch sử đã chứng minh như vậy…

*

Ngày 12/10/2010 các báo nước ta đồng loạt đưa tin: “Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam”(1); trong đó, theo nội dung đăng trên báo SÀI GÒN TIẾP THỊ, thì: “Diễn biến vụ việc cụ thể như sau: ngày 11.9.2010, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau khi nhận được thông tin nêu trên, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác minh và được biết tàu cá và 9 ngư dân nêu trên là của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá nêu trên chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá…

Từ đó đến nay, đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Ngày 21.9.2010, cục Lãnh sự bộ Ngoại giao đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng thả vô điều kiện tàu cá và toàn bộ ngư dân nói trên”.

Nhưng cũng theo báo SÀI GÒN TIẾP THỊ: “Trả lời câu hỏi về định hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, ông Thanh cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung biên giới trên bộ và trên biển. Quan hệ làm ăn của ngư dân hai bên không tránh khỏi những trường hợp xâm phạm vào vùng biển của nhau. “Do đó, chúng tôi đã có cơ chế tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc”.
Theo tôi, phát biểu trên đây của Đại tướng Phùng Quang Thanh là “không phù hợp” với tình hình thực tế của sự kiện nói riêng và với tình hình thực tế tại Biển Đông nói chung; rất dễ bị Trung Quốc lợi dụng, tạo tiền lệ nguy hiểm có lợi cho Trung Quốc về lâu dài, và đương nhiên bất lợi cho Việt Nam; cụ thể là:

1. Riêng đối với sự kiện này:
Rõ ràng, việc “Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam”, là một việc làm mà ngay cả TQ cũng đã phải “đuối lý” và phải chấp nhận “thả vô điều kiện”; qua đó, khẳng định chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa; nhưng trong trả lời câu hỏi, ông Thanh nói: “Quan hệ làm ăn của ngư dân hai bên không tránh khỏi những trường hợp xâm phạm vào vùng biển của nhau”; theo tôi, ông Thanh phát biểu như vậy là không được; gián tiếp công nhận vùng biển QĐ Hoàng Sa là của TQ.

2. Đối với tình hình chung tại Biển Đông:
Việc phát biểu của ông Thanh như đã trích dẫn trên; vô hình dung công nhận vùng biển Hoàng Sa và đặc biệt là vùng biển Trường Sa cũng là của TQ; trong đó, ta biết rằng việc TQ có mặt tại Trường Sa là sau sự kiện xâm lược đảo Gạc Ma năm 1988, mà ta quen gọi là Hải chiến Trường Sa 1988 (2).

Thiết nghĩ, người Việt Nam hôm nay nên học người Nhật Bản trong ứng xử với TQ như đối với vụ tranh chấp tại đảo Sekaku vừa rồi; đó là một thái độ rõ ràng, dứt khoát… trong khẳng định chủ quyền dựa trên chứng cứ sự thật lịch sử.

Suy cho cùng, sự tôn trọng của nhân dân dành cho từng các nhân các vị lãnh đạo, cho dù ở bất kỳ cấp nào, là tùy thuộc vào việc làm của từng quý vị, thể hiện trách nhiệm trước vận mệnh của Dân tộc; mà đối với mỗi người Việt Nam là rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Quyết không khoan nhượng trước kẻ thù, cho dù chúng là mạnh nhất, hung bạo nhất… và lịch sử đã chứng minh như vậy.

Ghi chú:
(1) Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam, bài trên báo SGTT ngày 12/10/2010.
http://www.baomoi.com/Hom...-dan-Viet-Nam/4994437.epi

(2) Theo sự kiện và theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc xung đột trên biển Đông năm 1988 giữa Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa với Hải quân Nhân dân Việt Nam để chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 mà kết quả thắng lợi thuộc về Trung Quốc, phía Việt Nam mất 3 hải vận hạm của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã hy sinh.

http://vi.wikipedia.org/w...%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa_1988

Trong các tài liệu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).
12.10.2010

Tác giả: http://nguyenhuuquy.blogs...voi-phat-bieu-cua-ai.html
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cỏ hoang

Phong cách hay ý thức lãnh tụ?
Trương Duy Nhất

Đăng bởi bvnpost on 17/10/2010


Nguồn: http://boxitvn.wordpress....E1%BB%A9c-lnh-t%E1%BB%A5/

http://boxitvn.files.wordpress.com/2010/10/clip_image00255.jpg

Tôi dự nhiều cuộc thả ngư dân Trung Quốc sau khi bị Việt Nam bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải. Tôi cũng dự không ít cuộc trao ngư dân Trung Quốc (và cả ngư dân thuộc nhiều quốc gia khác) bị nạn trên vùng biển Việt Nam. Tất cả những cuộc thả – trao đều được báo chí, truyền hình quay phim chụp ảnh, tuyên truyền ỏm tỏi, đều có quan chức sứ quán các nước tới dự. Ngư dân được chăm sóc sức khỏe, được thăm nom, ăn uống, thậm chí nhậu nhẹt, hát hò, được quan tâm, ưu đãi hơn cả ngư dân nhà mình. Lúc về, lại được xếp hàng ôm hôn, tặng hoa, thuốc bổ, lại bê khiêng cả thùng sữa to đùng xuống tàu, cười híp cả mắt.

Tôi chưa thấy một cuộc trao – thả nào mà chính quyền lẳng lặng đẩy ngư dân người ta ra biển. Sự ác độc, dã man từ phía thả. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đâu, họ ở đâu, làm gì trong lúc đó? Thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh và phó mặc trước số phận của những công dân mình đến như vậy sao?

Chỉ duy nhất một người thợ quốc tịch Bolivia, nhưng Tổng thống Bolivia Evo Morales đã tức tốc bay sang Chilê để chờ đón. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch giải cứu 33 thợ mỏ, Tổng thống Chile Sebastian Pinera không hề nói “nhờ đảng ơn chính phủ”, ngược lại, ông cảm ơn những người thợ mỏ anh hùng đã dạy cho những người trên mặt đất, cho chính phủ và cho chính bản thân ngài Tổng thống về tinh thần đoàn kết và nghị lực phi thường của con người.

Nhìn hai vị Tổng thống Bolivia và Chilê nhào đến ôm chầm từng công dân của mình ngay từ giây phút đầu tiên họ vừa được kéo chui lên khỏi mặt đất mà giật mình… xấu hổ! 9 ngư dân Việt vẫn biệt tăm sau một tuần được phía Trung Quốc loan tin là “đã thả xong”. Bây giờ họ sống hay chết, trôi dạt nơi đâu giữa biển trời mênh mông, tít mù và dông bão?

Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ tức tốc bay sang Bắc Kinh như năm rồi ông bay sang Bắc Hàn giải cứu 2 công nhân Mỹ bị bắt giữ. Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Nga, ông Pu-tin sẽ tức tốc lái ca-nô lao ra biển.

VietNamnet sáng nay có bài gọi sự khác biệt đó là phong cách lãnh đạo. Tôi thấy câu chuyện không chỉ giản đơn là ở cái phong cách, mà cao hơn đó là: ý thức lãnh tụ.

Rất nhiều lần rồi, tôi đã chạy câu này: Ta luôn kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ? Trong những thời khắc đó anh ở đâu, làm gì, hành xử ra sao, thậm chí phải “diễn” thế nào?

Bài học vỡ lòng về cách ứng xử và ý thức lãnh tụ còn quá nhiều vị chưa thuộc.

T. D. N.

Nguồn: Truongduynhat Blog
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Xin đọc bài báo sau:

http://tuanvietnam.vietna...n-con-gi-truoc-su-vo-cam-

http://tuanvietnam.vietna...hi-ve-phong-cach-lanh-dao

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngập lụt ở thành phố văn minh hiện đại nhất Việt Nam.


http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=455445

Khu vực ngã tư Gò Dưa (Thủ Đức, TPHCM) ngập ngang cổ sau cơn mưa  - (Ảnh: Một cư dân ở ngã tư Gò Dưa)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

ngh.mai đã viết:
Xin đọc bài báo sau:

http://tuanvietnam.vietna...n-con-gi-truoc-su-vo-cam-

http://tuanvietnam.vietna...hi-ve-phong-cach-lanh-dao
Làm sao mà đọc được hở ngmai ? Có mở được đâu.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Bác copy dòng link "http...." rồi dán vào dòng địa chỉ của trình duyệt, sau đó bấm Enter xem sao
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

http://tuanvietnam.vietna...hi-ve-phong-cach-lanh-dao

Từ vụ giải cứu thợ mỏ Chile nghĩ về phong cách lãnh đạo
Tác giả: Nông Dân
Bài đã được xuất bản.: 16/10/2010 08:07 GMT+7

  


   * Từ vụ giải cứu thợ mỏ Chile nghĩ về phong cách lãnh đạo
   * Nhật ký mướt mồ hôi của ông lão đi chơi đại lễ
   * Bệnh trì trệ khi bầu cử vào mùa
   * Mạng chó và mạng người

   *
   *
   * 1

Hãy quan sát kỹ những vị lãnh đạo của chúng ta sẽ thấy họ hết sức cảnh giác mỗi khi ra ngoài. Nếu họ xuất hiện cũng sẽ hết sức trịnh trọng, căng thẳng
khiến cho một người dân bình thường trở nên ngại tiếp xúc.

Từ Việt Nam đến thế giới: "Say" trong phép màu Chi Lê

Từ phong cách các lãnh đạo thế giới

Tuần qua, cả thế giới hướng về Chile và nín thở theo dõi cuộc giải cứu kỷ lục những thợ mỏ mắc kẹt 69 ngày dưới lòng đất. Sự kiện này trở nên đặc biệt bởi nó nói lên ý chí, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiện và tình người của dân tộc Chile. Và nó còn đặc biệt hơn, khi vị lãnh đạo cao nhất của đất nước này - Tổng thống Sebastian Pinera - là người đầu tiên ôm chặt người thợ mỏ thứ nhất bước lên mặt đất.

Một số nhà phân tích xã hội cho rằng, sự kiện này thu hút sự quan tâm của toàn thế giới không kém gì vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ. Tình người đã được thức tỉnh hơn bao giờ hết và thật ngạc nhiên nó có sức hút một cách kỳ lạ. Các phương tiện truyền thông bắt đầu tìm cách khai thác tất cả những khía cạnh liên quan đến sự kiện này, thậm chí họ còn đưa tin về những người vợ của các thợ mỏ đang trang điểm thế nào để đợi đức ông chồng mình trở về từ lòng đất...

Đất nước Chile đã trở thành một ngày hội khi người thợ mỏ cuối cùng bước ra từ khoang cứu hộ. Họ ôm hôn nhau và hát vang bài quốc ca của dân tộc mình. Tổng thống Chile đã nói trong nước mắt về tinh thần dân tộc, về sự quả cảm, thông minh của những người thợ mỏ...

Từ một thảm họa, bỗng chốc nó biến thành niềm vui của không chỉ riêng của người Chile mà của toàn thế giới - thế giới của những người luôn mang trong mình lòng nhân ái!
Tổng thống Chile khoe mẩu tin nhắn của các thợ mỏ.
Các nhà phân tích cũng bắt đầu bình luận rằng, đây là một "cơ hội", hoặc một dịp may để Tổng thống xuất hiện trước công chúng, nó hơn tất cả những phương thức vận động trong các cuộc tranh cử. Nói vậy nghe có vẻ mang phong vị của sự cơ hội và oan cho vị Tổng thống đầy trách nhiệm kia. Nhưng hãy nhìn cách vị chính khách này tiếp cận với thần dân của mình thì sẽ thấy họ là những người lãnh đạo chuyên nghiệp và đầy tinh thần trách nhiệm. Tổng thống đã có mặt trong suốt quá trình giải cứu, khuôn mặt ông ánh lên sự lo lắng thật sự, rơi nước mắt thật sự, và nghẹn ngào hát vang bài quốc ca của dân tộc mình.

Chỉ cần thế là đủ! Chỉ cần như vậy thì hình ảnh một người lãnh đạo trở nên lung linh hơn bất cứ cuộc diễn thuyết nào, hơn bất cứ cuộc trò chuyện hay ho nào.

Phong cách lãnh đạo này có lẽ chẳng lạ lẫm gì với người nước ngoài. Người dân họ từ những nơi xa xôi đến thành thị đều biết rõ lãnh đạo đất nước, họ có nhiều cơ hội trò chuyện, thậm chí mời lãnh tụ ăn tối ở gia đình mình.

Cựu Tổng thống Nga Putin khi đến thăm một trang trại ở ngoại ô Matxcơva đã ăn tối, cưỡi ngựa cùng gia chủ, rồi tặng chiếc đồng hồ hiệu Senko cho cậu bé trong gia đình ấy và nhắn nhủ: "Nhớ là đừng đánh mất nó đấy nhé...". Nhìn cách họ tiếp cận với người dân mới thấy họ thật sự chuyên nghiệp.

Còn cựu Tổng thống Mỹ Bush khi đến thăm một chiến hạm của Mỹ đã vui vẻ nhận lời đấu vật với một chàng lính trẻ chỉ vì anh ta muốn biết Tổng thống mình khỏe như thế nào? Bush đã đấu thật chứ không hề đùa, tất nhiên ông ta thua cuộc bởi cậu lính là một chàng trai khỏe mạnh. Thế nhưng chỉ riêng việc một vị lãnh tụ đất nước dám cởi áo khoác và xông vào sới vật đã là một hình ảnh cực đẹp, cực fair-play và như thế chỉ có lợi cho chính ông ấy mà thôi.

Trở lại sự kiện giải cứu các thợ mỏ ở Chile, người ta thấy rõ vị Tổng thống nước này xuất hiện đúng lúc, biết cách hành xử hết sức nồng nàn trước người dân của mình. Không thể đổ vấy cho ông ấy rằng, đó là cách đánh bóng, củng cố tên tuổi của mình, nhưng chúng ta cũng có quyền quan sát và nhận xét thẳng thắn rằng, đó là cách lãnh đạo thật sự chuyên nghiệp.

Bây giờ hãy quay trở lại với phong cách lãnh đạo của nhà mình. Nếu thử đến một vùng quê nào đó chỉ cách trung tâm thành phố vài chục km để hỏi một người dân ở đó rằng, chủ tịch thành phố là ai? Tôi tin đến già nửa sẽ không biết tên chủ tịch của mình là ai. Ở cấp xã, người dân có thể biết chủ tịch là ai, nhưng để tiếp cận, trò chuyện hoặc có một cử chỉ thân thiện bình thường cũng đã không nhiều. Đến cấp huyện thì người dân có thể biết tên chủ tịch huyện, nhưng một năm có lẽ chỉ nhìn thấy ông ấy vài lần, hoặc vài phút trên truyền hình địa phương. Còn ở cấp thành phố, thì xin thưa tất cả chỉ thấy ông ấy xuất hiện ở các phương tiện truyền thông.

Đến sự ngại chốn đông người của "nhà mình"

Lãnh đạo nhà mình có một phong cách hết sức đặc biệt: ngại xuất hiện ở những nơi đông người. Trước đó chưa làm lãnh đạo, có thể lúc tan sở cùng đồng nghiệp tạt vào quán bia nào đó nhâm nhi vài cốc, hoặc sáng ra cũng ngồi cà phê đọc báo cười nói hết sức thoải mái... Nhưng từ khi nhận chức vụ thì ngay lập tức biết mất! Đó là điều kỳ lạ!

Tại sao một ông chủ tịch thành phố lại mất quyền ngồi uống bia nhỉ? Và tại sao một ông giám đốc X nào đó lại cảm thấy không tiện khi ngồi quán cà phê đọc báo?
Đệ nhất phu nhân Chile chào đón thợ mỏ được giải cứu. Ảnh UPI
Hãy quan sát kỹ những vị lãnh đạo của chúng ta sẽ thấy họ hết sức cảnh giác mỗi khi ra ngoài. Nếu họ xuất hiện cũng sẽ hết sức trịnh trọng, căng thẳng khiến cho một người dân bình thường trở nên ngại tiếp xúc.

Người viết bài này cũng từng có một người bạn khá thân trước khi anh ấy trở thành lãnh đạo. Từ khi nhậm chức, cả tôi và anh ấy đều cảm thấy có một cái gì đó hết sức khó cắt nghĩa mỗi khi gặp nhau. Anh ấy bắt đầu ngại những cuộc quây quần như ngày xưa, lãnh đạo ai lại ngồi la cà như thế?

Và ngay cả tôi cũng bắt đầu nghĩ, bạn mình đã là lãnh đạo thì rủ đi làm gì, tiếp cận nhiều lại sợ người ta nghĩ mình muốn nhờ vả gì đó. Nhiều khi ngẫm nghĩ về chuyện này thấy nó hết sức phi lý và buồn cười. Tự nhiên lại vậy, chẳng có lý do gì chính đáng. Nhưng rõ ràng là vậy - không còn chơi với nhau được như ngày xưa nữa. Tất cả chỉ có thế.

Cách đây khoảng chục năm, tôi còn làm việc ở một tờ báo địa phương. Vào dịp cuối năm làm báo Tết, ai nấy đều bận rộn, tôi và nhiều đồng nghiệp phải làm việc tận khuya. Một đêm khi tôi đang ngồi làm việc thì thấy một vị khách lạ, khá lớn tuổi bước bước vào. Đang lúc bận rộn tôi chỉ chào qua quýt rồi chỉ cái bàn nước để ông ấy ngồi còn mình thì làm việc tiếp. Lát sau Tổng biên tập đi xuống, nhìn thấy vị khách kia thì kêu lên mừng rỡ. Hóa ra đó là ông Phó Chủ tịch tỉnh đến thăm tòa soạn. Thực lòng tôi không biết ông ấy, tôi làm báo địa phương nhưng không biết lãnh đạo của mình thật, bởi có thấy ông ấy xuất hiện bao giờ đâu.

Khi ông Phó Chủ tịch ra về, tổng biên tập cáu bẳn nhìn tôi rồi trách: cậu không biết ông ta là ai à? Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách tài chính đấy, ai lại để ông ấy ngồi bàn nước một mình như thế! Nhìn khuôn mặt căng thẳng của thủ trưởng tôi biết ông ta đang bực - rất bực tức vì cách tiếp lãnh đạo của cậu nhân viên trẻ này. Tôi không tài nào giải thích đành im lặng.

Cũng một lần khi tôi đến chơi nhà ông chú họ thì một vị lãnh đạo của tỉnh đi vào. Vị lãnh đạo này là bạn của chú tôi nhưng vừa bước vào nhà ông ấy liền ra hiệu cho tôi đóng cửa lại. Tôi hết sức ngạc nhiên, nhưng chưa kịp hỏi thì vị lãnh đạo kia đã nói: đóng cửa vào cho kín đáo, người ta nhìn thấy không tiện. Tôi rất muốn hỏi: tại sao lại không tiện, một người bạn đến chơi với một người bạn tại sao lại sợ người ta nhìn thấy? Cái gì là không tiện?

Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể cắt nghĩa một cách đầy đủ về vấn đề này. Thật sự không hiểu.

Còn nhớ sự kiện bé Nhân Ái, một cháu bé gái bệnh tật bẩm sinh hết sức tội nghiệp bị cha mẹ bỏ rơi và được cộng đồng xã hội giúp đỡ. Như một sự lan tỏa, các phương tiện truyền thông vào cuộc, các trung tâm xã hội, những cá nhân, tổ chức... vào cuộc và theo dõi từng ngày khi bé Nhân Ái chiến đấu với thần chết trên giường bệnh. Sự kiện này đã trở thành một diễn đàn thu hút lòng người - những con người có trách nhiệm. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bất cứ vị lãnh đạo nào, từ cấp phường cho đến thành phố xuất hiện hoặc nói gì đó trước công chúng nhân sự kiện này.

Có thể những người lãnh đạo họ biết sự việc, thậm chí có chỉ đạo, nhưng họ không xuất hiện. Một cháu bé bị bỏ rơi chẳng lẽ không là vấn đề lớn hay sao? Một cháu bé vừa chào đời đã phải chịu đựng những cơn đau, sự bỏ rơi và chết trên giường bệnh và chính cháu đã làm cho cả triệu trái tim rung động chẳng lẽ không đáng để lãnh đạo nói một điều gì đó!? Thật kỳ quặc!

Nhưng thôi, có lẽ đó là "phong cách" lãnh đạo của mình. Họ chỉ nên xuất hiện trước hội trường, hoặc nơi nào đó thật kín đáo và làm những công việc kín đáo... Không tin cứ đi ra ngoại thành, cách trung tâm thành phố vài chục cây số và hỏi chủ tịch thành phố tên là gì, tôi tin đến nửa già số dân ở đó lắc đầu: không biết! Không tin cứ thử.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

http://tuanvietnam.vietna...n-con-gi-truoc-su-vo-cam-


Lòng tin còn gì trước sự vô cảm?

Tác giả: Lan Anh
Bài đã được xuất bản.: 18/10/2010 06:00 GMT+7

  

   

   * Lòng tin còn gì trước sự vô cảm?
   * Có lòng tin thì mới có động lực cống hiến
   * Vận mệnh thủ đô lên xuống theo vận nước
   * Hào khí Thăng Long nghìn năm hội tụ cho VN bay lên

   *
   *
   * 1

Có lòng tin mới có động lực để cống hiến, dâng hiến. Nhưng lòng tin còn gì nơi chúng ta khi bắt gặp sự vô cảm đến lạnh lùng, đáng sợ, nhất là từ những bậc cầm cân nẩy mực?

>>Có lòng tin thì mới có động lực cống hiến

Trận lũ lụt vừa qua đã mang đến nhiều thiệt hại và nhiều giọt nước mắt cho người dân miền Trung. Ngoài việc động viên tinh thần thì từng đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong cả nước đang ra sức quyên góp vật chất như tiền, lương thực, quần áo...cho người dân miền Trung trong đó thành phố Hồ Chí Minh đã trao 12,5 triệu đồng cho 25 hộ dân ở xóm 3, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Cán bộ xã đã gom lại và chia nhỏ cho từng hộ dân, mỗi hộ được 120.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Đề đã 83 tuổi cầm trên tay với số tiền bảy mươi nghìn đồng run rẩy tâm sự xã đã bớt lại năm mươi nghìn để xây cổng làng vì việc xây cổng làng xã đã phát động trước lũ không lâu nên chỉ mới một số ít hộ dân đóng.

Không chỉ gia đình bà bị trừ mà những hộ khác trong xã cũng bị như vậy. Người dân nơi đây đã xin cán bộ xã đừng trừ vào số tiền này vì họ để dành đong gạo sau cơn lũ. Xã đã trả lời một cách lạnh lùng rằng không trừ lúc này thì trừ vào lúc nào?! Niềm tin, niềm hi vọng của người dân vùng lũ dùng số tiền nhỏ nhoi được cứu trợ để trang trải qua ngày nhưng hôm nay đã bị chà đạp không thương tiếc.
Khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn phiền muộn của bà Nguyễn Thị Đề. Ảnh: Văn Định

Dòng sông ở thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là nơi chứng kiến những em học sinh lội qua để đến được trường học hàng ngày. Quần áo ướt sũng, sách vở lấm nước nhưng vẫn không ngăn cản được ý chí đến trường của các em. Người dân ở thôn này mong ước được một chiếc cầu bắc qua. Được biết đã có rất nhiều nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tự nguyện xây cầu cho các em học sinh nơi đây nhưng dường như đến giờ chính quyền xã cũng chẳng mảy may bận tâm.

Sông sâu không đo được lòng người. Quả thực, dòng sông ở thôn Phú Mưa tỉnh Quảng Nam dù có sâu biết mấy nhưng vẫn không đo được sự vô cảm, vô trách nhiệm của chính quyền xã nơi đây. Cần lắm một chiếc cầu nhân ái bắc qua dòng sông này nhưng hình như "quá sức" đối với cấp chính quyền nơi đây!!! Một minh chứng cho sự dâng hiến hôm nay bị quay lưng bởi sự thờ ơ, thiếu tình người của không ít các quan chức.
Các em ngày ngày vẫn phải qua sông để đến trường như thế này đây. Ảnh: Dân Trí

Mới cách đây mấy ngày thôi, cả thế giới vỡ òa khi chứng kiến hình ảnh vị Tổng thống Chile trong tâm trạng lo lắng, nghẹn ngào và đau xót trong giây phút chờ đợi từng người công nhân được cứu sống ra khỏi hầm mỏ. Ông đã mừng rỡ và ôm choàng người đầu tiên được cứu ra khỏi hầm.

Cái ôm choàng đó dường như thế giới cảm nhận được rằng đó là một cái ôm thật lòng, một cái ôm như người cha ôm người con thân yêu của mình. Phải có tình cảm thực sự sâu thẳm mới có được cái ôm như thế. Cái ôm "ngoại giao" ngày nay không thiếu, nhưng để có được vòng tay chân thành dường như là cả một cuộc đời rèn dũa chữ Tâm không ngừng nghỉ. Thế giới không thiếu hình ảnh các vị lãnh đạo gần gũi sâu sát với đời sống người dân hàng ngày.

Và thời xưa, nước ta không phải không có những người lãnh đạo như vậy. Còn nhớ một chi tiết trong tập truyện "Con ngựa nhà Phật" trong cuốn tiểu thuyết "Tám triều Vua Lý" của nhà văn Hoàng Quốc Hải kể lại câu chuyện lịch sử thời xưa có miêu tả hình ảnh vị vua về thăm người dân. Khi về đến làng nhà vua bắt gặp người dân đang cày ruộng. Vua bèn vội xuống kiệu và giành lấy chiếc cày của anh nông dân đang cày. Tất cả các hoạt động của dân làng lúc đó dường như tĩnh lại để dõi mắt theo đức vua cày ruộng. Nhà vua cày một đường thẳng tắp và gọn gàng, cày xong dân tình ai nấy vỗ tay reo hò.

Hình ảnh đức vua cày ruộng là hình ảnh thực, nhưng thông điệp sâu xa của hình ảnh đó là nhà vua đang cày sâu vào lòng dân bằng một niềm tin mãnh liệt nhất.

Niềm tin và sự cống hiến không phải là lí thuyết cao siêu, nó ngự trị trong lòng dân khi niềm tin của dân chúng được cụ thể hóa, là nhu cầu trong đời sống của người dân, là lợi ích của dân chúng, là quyền và lợi của mỗi người được hưởng một cách công bằng tương xứng với sự cống hiến của họ cho dân tộc, cho Tổ quốc.

Quan trọng nhất là người dân sẽ không muốn cống hiến nữa khi những người lãnh đạo không làm gương sống dâng hiến để họ có niềm tin noi theo.

Sẽ là kiếm củi ba năm thiêu một giờ đối với vật chất nhưng sẽ là nhiều ngàn năm tự hào dân tộc thiêu trong một thế hệ nếu để mất lòng tin. Lòng tin là một thứ cần được xây dựng lâu dài, bền bỉ và khó khăn. Xin đừng nhẫn tâm phá nó đi trong lòng dân chúng hôm nay, vì một khi lòng tin đã mất thì khó lòng lấy lại được nữa!

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

http://boxitvn.wordpress....h-d%E1%BA%A1o/#more-14959

Phép thử… vai trò lãnh đạo

Đăng bởi bvnpost on 19/10/2010

Sáu Nghệ

Dân gian có câu: “Cứu người phúc đẳng hà sa”, trong cuộc sống không có gì khẩn cấp và bức thiết bằng cứu người. Nên xe cứu thương, cứu hộ, chữa cháy luôn được ưu tiên trên mọi ngả đường giao thông. Người khỏe mạnh gặp người bị nạn mà không cứu giúp còn bị phạt tội hình sự. Theo đó mà suy, vị trí lãnh đạo của cá nhân, tổ chức luôn luôn được thiết lập trước hết bởi sự dũng cảm gánh vác trách nhiệm cứu người, lớn nhất là “cứu nguy dân tộc”.


Do đó phần nào, dư luận ủng hộ việc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 17 rút ngắn thời gian làm việc hơn dự kiến để bế mạc vào sáng 17/10, nhằm tập trung cho công tác cứu dân bị bão lụt. Nói phần nào, bởi có một số ý kiến chưa ủng hộ Đại hội vẫn “khai mạc trọng thể” vào sáng 16/10 khi lũ lụt đã nhấn chìm nhiều làng mạc, và cứ tiếp tục làm việc khi lụt tràn vào cả thành phố Vinh.

Tin cho biết: “Với lượng mưa trên 750 mm từ chiều 16 đến 17/10, nhiều nơi tại Nghệ An bị nhấn chìm trong nước. Tại thành phố Vinh, phố biến thành sông. Các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu ngập nặng. Giao thông tê liệt. Tính đến 19 giờ ngày 17/10, toàn tỉnh có tám người chết do lũ lụt”.

Tin trên cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An: Tham dự Đại hội còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Đại hội đã tiến hành các nội dung: nghe Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm, Báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, Tổng hợp các ý kiến thảo luận góp ý vào văn kiện trình đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Đại hội Đảng tòan quốc lần thứ 11.

Cũng tin trên truyền thông: “Mưa to, gió lớn không chỉ tấn công thành phố Vinh (Nghệ An) mà còn uy hiếp một vùng rộng lớn từ Diễn Châu đến Hưng Nguyên. Đến 22 giờ ngày 17/10, tại Nghệ An và Hà Tĩnh,18 người chết, mất tích trong mưa lũ. Hàng vạn ngôi nhà chìm trong nước, dân bám trên nóc nhà kêu cứu”.

Hiển nhiên, Đại hội Đảng tỉnh Nghệ An làm việc nhưng công tác cứu dân vẫn được triển khai khẩn trương: “Chính quyền sở tại huy động lực lượng công an, bộ đội sơ tán 2.275 hộ dân ra khỏi vùng lũ lụt (trong đó Cửa Lò di dời 1.500 hộ dân; Nam Đàn: 700 hộ; thành phố Vinh: 45). Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương cấp 500 áo phao, huy động 2 xuồng máy ứng cứu bà con vùng ngập lụt tại Hưng Nguyên. Thiệt hại ước tính lên tới trên 200 tỷ đồng”. Không còn niềm vui trọn vẹn dù: “Chiều 16/10, Đại hội đã bầu 65 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trong phiên họp thứ nhất, Ban chấp hành đã bầu 17 đồng chí vào Ban thường vụ, 12 đồng chí vào Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Đồng chí Phan Đình Trạc được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy”.

Sẽ có ý kiến không phải không có lý khi cho rằng, Đại hội Đảng là sự kiện lớn của địa phương, chuẩn bị công phu, nếu đình hoãn dễ nảy sinh nhiều phức tạp. Tuy nhiên, cũng chắc chắn rằng, các đại biểu đều là lãnh đạo chủ chốt của các ban ngành, địa phương trong tỉnh, giữa cảnh nước sôi lửa bỏng, thiên tai, không thể còn an tâm ngồi thảo luận ở hội trường. Sẽ có ý kiến không phải thiếu chân thành khi đặt câu hỏi: nếu không tiếp tục tổ chức Đại hội theo kế hoạch thì nên như thế nào? Nhưng trả lời câu hỏi này lại chính là một thể hiện bản lĩnh của tổ chức lãnh đạo. Bởi nếu như Đảng bộ địa phương cứ làm việc theo kế hoạch định sẵn, không kể đến thiên tai bất ngờ đang đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản người dân thì làm sao thể hiện vai trò lãnh đạo nhân dân?

Không móc xích mọi việc xấu tốt vào để suy luận, song các sự kiện rời rạc trong xã hội lại thường có mối liên hệ xa gần nào đó. Cho nên, không thể không suy nghĩ khi chiều 17/10, tại khu nghỉ mát 5 sao Sunspa resort ở Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), giữa vùng lũ lụt, diễn ra giải tennis doanh nhân toàn quốc. Băng rôn, cờ phướn treo đầy đường trong cảnh trời mưa như trút nước, ngập hết phố phường, xe cứu trợ cứu hộ chạy hối hả. Đêm 16/10, trong khi nước lụt đã nhấn chìm 6 huyện của tỉnh Quảng Bình, thì cái giải tennis này cũng tổ chức một gala rượu chè nhảy múa tưng bừng với nhiều cô gái trẻ. Một câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao người ta thản nhiên làm những việc như vậy trong hoàn cảnh như vậy?

Trước nay, chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo không chỉ bằng việc đề ra được đường lối đúng mà còn ở chỗ (và quan trọng hơn) là tổ chức thực hiện đường lối đó. Việc tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối thì luôn luôn được quyết định bằng tấm gương  đi đầu vì nước vì dân. Theo tư duy này, thiên tai dồn dập đổ vào Bắc miền Trung những ngày qua đang là thử thách không nhỏ!

S. N.

Nguồn: Tamnhin

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

http://boxitvn.wordpress....-m%E1%BA%A1nh/#more-14934

Thư ngỏ thứ hai của một công dân gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [37] [38] [39] [40] [41] [42] [43] ... ›Trang sau »Trang cuối