@Bác Bùi Xuân Lâm à: Em gửi truyện ngắn này vào trang thơ của bác chắc không đúng về thể loại nhưng lại phù hợp về nội dung anh em mình đang thảo luận là tình yêu đối với sách nói chung và văn chương nói riêng. Không biết như thế có bị coi là phạm lỗi spam không nhỉ? Nếu bác không tán thành, em xin thay bằng một bài thơ khác nhé!
ĐÊM DÀI
Truyện ngắn
Nghe tiếng thở đều đều của chồng, Xuân len lén trở dậy kéo chăn đắp lại cho anh rồi bật điện ngốn tiếp cuốn tiểu thuyết đang đọc dở hồi chiều. Chồng Xuân mở choàng mắt, càu nhàu:
- Cô có để cho tôi được yên không? Suốt cả ngày họp hành bận bịu, tối đến chỉ muốn được ngủ một giấc mà cũng không xong.
Xuân vội tắt phụt điện, khe khẽ chui vào chăn với chồng nhưng không sao chợp mắt nổi. Nỗi ám ảnh về cuốn tiểu thuyết hấp dẫn cứ dày vò cô. Cố đợi chồng ngủ say, một lần nữa, cô len lén trở dậy lấy chiếc đèn nạp Trung Quốc cho vào chăn, bật công tắc rồi trùm kín lên tận đỉnh đầu, đọc tiếp. Cô bật khóc khi đọc đến đoạn mô tả thân phận người thiếu phụ xinh đẹp lấy được người chồng giàu có, danh tiếng song anh ta chỉ coi nàng như một đồ vật để trang trí trong nhà…
- Trời ơi! Vợ với chả con! Chẳng biết thương chồng là gì cả. Cô gí cái gì vào lưng tôi lạnh toát thế này?
Xuân giật bắn mình khi nghe chồng thét lên với thái độ đùng đùng tức giận. Nhẹ nhàng tắt chiếc đèn nạp, đặt lên chiếc bàn nhỏ kê ở góc buồng ngủ, cô rón rén nằm xuống cạnh chồng nhưng lại không dám đắp chăn lên mình. Nom cô chả khác gì một chú mèo con trót ăn vụng bị chủ rầy la.
Vẫn không sao ngủ được. Lai kiên nhẫn chờ chồng ngủ say, cô mới khe khẽ trở dậy, ra phòng khách thắp nến và nằm xoài trên đi văng để đọc tiếp.
Mùa đông trên cao nguyên Sìn Hồ thật khủng khiếp. Ban ngày, sương mù bao phủ dày đặc, đến nỗi hai người đứng cách nhau ba mét nhìn còn không rõ mặt nhau. Ban đêm sương sa xuống, cái lạnh thấm vào tận xương tủy. Cô không dám mở tủ lấy chiếc chăn vẫn để dành đón khách quý ra đắp. Cô sợ gây tiếng động làm anh giật mình tỉnh giấc. Cô uể oải vơ lấy cuốn truyện. Lạnh và hụt hẫng. Cô không còn cảm thấy hứng thú đọc nữa. Nước mắt cô chảy tràn thấm đẫm bờ mi. Tủi thân, cô cứ nằm trên đi văng khóc thầm lặng lẽ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết...
* * *
Trong mơ, cô bỗng thấy hiện lên buổi dạ hội văn thơ trường Đại học Sư phạm hai mươi lăm năm về trước.
Một cô bé loắt choắt, có đôi mắt đen tròn lên trình bày tiểuluận: “Hình ảnh bóng trăng xuất hiện trong truyện Kiều”. Cô đã thức trắng cả đêm để hoàn thành đề tài thầy giao với một niềm đồng cảm sâu sắc cùng nàng Kiều mỗi lần xuất hiện dưới ánh trăng. Ban đầu, cô cảm thấy ngượng ngùng, thiếu tự tin khi đứng trước đám đông vì cái vẻ bề ngoài của mình: nước da đen nhẻm, dáng người thấp bé và cái trán thì dô hẳn ra trước như muốn che bớt nắng cho cái mặt đỡ đen… nhưng càng nói, cô càng say sưa nhập tâm với nhân vật của mình. Nói xong, cô trở xuống trong tràng pháo tay nồng nhiệt với những bó hoa rực rỡ sắc màu mà các thầy, các bạn sinh viên khoa văn trao tặng. Cô cảm thấy niềm hạnh phúc dâng lên ngập tràn… Khi đi qua sân vận động để trở về khu nhà nghỉ của nữ sinh khoa văn, cô nghe thấy bước chân ai đuổi theo rầm rập, rồi nghe tiếng thở hổn hển phía sau gáy:
- Tặng em .. à…tặng cháu bông hoa này…Cháu nói hay thật đấy!
Cô mở tròn mắt ngạc nhiên: Một bông hoa chuối rừng rực lửa. Và đôi mắt cũng rừng rực lửa của người con trai miền sơn cước. “Thật là lãng mạn khi được một người con trai trao tặng bông chuối rừng mộc mạc dưới ánh trăng” – Cô thầm nghĩ. Cô ấp bông chuối rừng vào ngực, nghe văng vẳng câu nói cô từng đọc trong cuốn tiểu thuyết phương tây năm cô mười hai tuổi :“Người đã dậy lên trong trái tim ta bình minh của tình yêu”.
Thật ra thì “chú ấy” chỉ hơn Xuân có bảy tuổi. Nhưng vì chú ấy là cán bộ đi học nên Xuân cứ gọi thế! Đó cũng là cách “phòng vệ từ xa” của đám con gái tỉnh lẻ mới lớn như Xuân. Thật ra thì Xuân đã để ý đến chú ấy từ năm học thứ nhất – khi cô vừa tròn mười bảy tuổi. Trong buổi sinh hoạt lớp đầu tiên, chú ấy xung phong hát Bài ca trong hang đá. Xuân như lịm đi trong giọng ca nồng ấm, truyền cảm của chú. Cô khép hờ đôi mắt, hình dung ra hình ảnh A Phủ và Mỵ đang dắt tay nhau chạy trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra … họ sống bên trong hang đá, ngập tràn hạnh phúc.
… “Đời chỉ có hạnh phúc chan chứa khắp nơi nơi
Núi chỉ có hai người
Hai người yêu nhau…”
* * *
…Đam mê văn thơ và đam mê âm nhạc đã xích họ lại gần nhau, không kể tuổi tác, không kể dân tộc, không kể hình thức. Chú thì vạm vỡ, mắt sáng như sao, lông mày hình lưỡi mác, chiếc mũi cao thanh tú, đôi môi mọng tươi cùng chiếc răng khểnh duyên dáng, còn cô thì … dù sinh ra và lớn lên ở thị xã, dù là con gái cưng một gia đình có chức, có quyền, cô cũng chỉ như cô bé Lọ Lem bên cạnh chàng hoàng tử hào hoa phong nhã.
Thế rồi họ nên vợ nên chồng. Rời bỏ thị xã đông vui, nhộn nhịp, cô khăn gói quả mướp theo chồng lên cao nguyên Sìn Hồ xa tít tắp. Hai người cùng dạy văn ở trường thiếu niên dân tộc huyện. Anh sáng tác những vần thơ vụng dại tặng cô:
Anh vẫn thầm gọi em là thi sĩ
Của lòng anh và chỉ riêng anh
Em gần gũi với anh như thể
Máu với tim, hơi thở với khí trời…
Họ đều phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi văn cấp tỉnh. Rồi những đứa con lần lượt ra đời… Anh trở thành hiệu trưởng trường Thiếu niên Dân tộc rồi Trưởng phòng Giáo dục huyện. Rồi anh tiếp tục theo học lớp cao cấp chính trị tai học viện Quốc gia Hồ Chí Minh. Anh là người có chí tiến thủ và cũng là người đàn ông giàu tình cảm. Mô côi mẹ từ năm lên ba, mồ côi cha từ năm lên bảy, anh được Nhà nước nuôi cho ăn học thành người nên anh rất biết ơn Đảng và quý trọng tình cảm. Dù bận đến mấy , đêm nào hai vợ chồng cũng chờ các con ngủ say rồi gối đầu lên tay nhau, thay nhau đọc truyện, báo. Anh bảo:
- Là giáo viên dạy văn mà không chịu đọc thêm sách báo thì dễ tụt hậu lắm em ạ! Đó vừa là nhiệm vụ vừa là nguồn vui của hai người mình…
Cô ngả đầu vào vai chồng, nghẹn ngào sung sướng. Có lúc họ say sưa tranh luận về một bài thơ, một câu chuyện vừa đọc. Cô có tính lanh chanh, hiếu thắng, còn anh, kết thúc cuộc tranh luận, bao giờ anh cũng mỉm cười độ lượng:
- Hai đứa mình hợp nhau thật đấy! cái bụng anh cũng nghĩ như em, nhưng vì anh chưa biết hết tiếng Kinh nên anh không diễn đạt được thành lời như em thôi.
Cô phổng mũi thật to. Dù biết chồng khiêm tốn, dù biết chồng nhường nhịn, cô vẫn thích được khen lắm! Cô thầm nghĩ: “Mình không đẹp mà được chồng yêu thương, vì nể bởi thông minh, nhạy cảm thì cũng đáng tự hào lắm chứ !”. ..
Rồi anh được cất nhắc làm phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện. Dù công việc bận rộn, hai người vẫn không bỏ thói quen từng đêm gối tay nhau đọc sách. Lũ bạn gái vừa thán phục vừa ghen tỵ nói với cô:
- Số mày son thật đấy! Lấy được chồng vừa đẹp vừa tài, có chức có quyền mà chung tình yêu thương vợ con rất mực.
Cô mỉm cười kiêu hãnh:
- Bởi mình xứng đáng được như thế mà …
Bốn mươi lăm tuổi, anh được nhân dân tín nhiệm và cấp trên cất nhắc làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện. Công việc bận rộn ngập đầu. Các con đã ra công tác, lấy vợ và ở riêng, cô thì vẫn gắn bó với nghề dạy học, vẫn say mê văn chương và đầy đam mê, mơ mộng. Anh không còn thời gian cùng đọc sách với cô nữa. Vừa đi họp ở tỉnh về, anh lao ngay xuống xã nắm tình hình dịch bệnh sán lá phổi ở Nậm Hăn, rồi vụ vợ chồng giận nhau ăn lá ngón tự tự ở Pu Sam Cáp. Đêm nào, anh cũng cố gắng thức xem hết phần thời sự trên ti vi rồi tranh thủ ngủ sớm để sáng mai lại dậy sớm, bù đầu vào công việc. Anh nói:
- Dù anh có cố găng bao nhiêu cũng không đáp lại được công ơn của Đảng và nhân dân đối với anh đâu em ạ.
Cô thương chồng xa xót… cùng với sự tiến bộ của chồng, mối quan hệ xã hội của anh ngày càng được mở rộng, Tình cảm vợ chồng ngày càng sâu sắc. Nhưng thời gian cô dành cho anh nhiều bao nhiêu thì thời gian anh dành cho cô ngày càng rút ngắn lại bấy nhiêu.
Đến bây giờ, anh hoàn toàn quên hẳn thói quen đọc sách. Ngày xưa, thời còn bao cấp, anh đi học bồi dưỡng hè, cô chong đèn đọc sách rồi ngủ quên cháy cả đống chăn màn. Lúc trở về, biết chuyện, anh chỉ nhẹ nhàng nói:
- Em và các con không bị bỏng là may lắm rồi! Lần sau, phải cẩn thận hơn em ạ!
Đến bây giờ, gia đình hai đứa con trai cô lúc nào cũng xập xình các băng đĩa nhạc phương tây, rồi Karaoke, rồi phim chưởng Đài Loan, Hồng Công, Phim Kinh dị… Hai đứa cháu nội nhỏ xíu lúc nào cũng dán mắt vào cái ti vi, rồi bấm nút chơi trò chơi điện tử… Chỉ có đứa gái út đi học sư phạm là cùng chung thú vui đọc sách với mẹ. Mỗi lần con bé về thăm nhà, cô như sống lại thời son trẻ, hai mẹ con ngồi bên ly cà phê, trao đổi chuyện văn chương như hai người bạn tâm đầu ý hợp.
- Đàn bà con gái gì mà lôi thôi, luộm thuộm thế! Sách ! Sách! ở đâu cũng thấy sách! Sao không nằm trên giường xem ti vi có sướng hơn không?
* * *
Nghe tiếng quát tháo của anh, cô giật mình tỉnh giấc, nước mắt giàn dụa, cô bật khóc như chưa bao giờ được khóc: “Hạnh phúc của mình ai cũng biết ghen tị, còn nỗi khổ vì bị kìm hãm của mình nào có ai biết được”
Từ trong buồng bước ra, anh ôm theo chiếc chăn len đắp lên người cô:
- Trời ơi! Sao lạnh thế mà em lại ra nằm ở đi văng một mình? Ngộ cảm lạnh thì sao…
- Vì sao? Vì sao anh thừa biết…
Cô hức lên như một đứa trẻ bị đánh oan. Anh bật điện, nhìn tận đáy mắt cô, rồi nhẹ nhàng vén mớ tóc mai bệt lại hai bên má cô, bối rối:
- Anh xin lỗi! Công việc nhiều quá, anh nóng giận em thật là vô lý. Em tha lỗi cho anh! Vừa đi bản Nậm Cuổi thăm gia đình ba mươi chín người bị lũ quét cuốn trôi, anh lại nhận được tin báo đêm qua cả bản Na Ưa ở Nậm Ban nghe theo kẻ xấu, trốn sang bên kia biên giới, một cụ già tám mươi ba tuổi đã bị cảm chết trên đường đi… Ngủ đi em. Chỉ còn một tiếng nữa thôi, anh lại đi xuống xã rồi.
Anh năm nỉ nom thật tội nghiệp:
- Em bỏ quá cho anh được không? Anh thật là không phải với em … Anh cũng thèm được có thời gian đọc sách cùng em lắm chứ!
Cô đưa tay bịt lấy miệng chồng, hai hàng nước mắt tuôn trào trên má:
- Thôi, em biết rồi, anh đừng nói gì nữa. Anh ngủ tiếp đi, mai còn đi sớm…
Ngoài kia, tiếng gà đã le te gáy sáng.
BTS
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...