Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

LỖ TẤN

Lỗ Tấn ( 1881 – 1936 ), nhà cách mạng,nhà tư tưởng, nhà văn hoá lớn của Trung Quốc. Ông viết nhiều : truyện, tạp văn, dịch sách, biên soạn, nghiên cứu v.v…Ông là chủ tướng của nền văn hoá vô sản Trung Quốc, tác phẩm của ông đều rất nổi tiếng.


BÚT DANH VÀ CHUYỆN NGHỀ NGHIỆP

    Nhà văn lỗ Tấn cho biết : Tấn là do Chữ ” Tấn hành”, ý nói  là phải nhanh lên. Số là hồi nhỏ, do ham bắt dế, mấy lần đến lớp muộn, bị quở mắng và phạt quỳ, cậu vừa tức vừa thẹn, bèn lấy dao khắc vào bàn một chữ “Tấn “để nhắc nhở mình. Về sau, trên đường đời, ông cảm thấy chữ ấy vẫn thôi thúc ông. Còn Lỗ là để kỷ niệm bà mẹ, bà Lỗ Thuỵ, người có tình thương bao la và nâng niu trân trọng phẩm giá làm người. Theo Lỗ Tấn đó là đầu mối dẫn đến nghề văn chương của ông.
    Hồi tuổi trẻ, Lỗ Tấn hăm hở tìm đường cứu nước. Mười tám tuổi ông rời nhà lên Nam Kinh  thi vào trường  Hàng Hải, những mong đi đây đi đó, rồi lại chuyển sang trường khai mỏ, để mong làm giàu cho đất nước. Nhưng khốn thay, trường Hàng Hải lại ở trên cạn, chỉ có một cột buồm, ngày ngày tập leo lên leo xuống. Còn ở trường mỏ cũng chỉ có mấy cái hầm mỏ không. Ông nói hài hước :
    - Leo cột buồm mấy lần, không nói cũng biết, không xứng là một tên thuỷ thủ hạng bét ; ngồi nghe giảng mấy năm, xuống hầm mỏ mấy lần, làm sao có thể đào được vàng, bạc, đồng , sắt ? Leo lên trời hai mươi trượng và chui xuống đất hai mươi trượng. Kết quả chẳng được tích sự gì ‘.
    Thế là ông chuyển sang nghành y, quyết tâm dùng y học tiên tiến để chữa bệnh cho đồng bào, nhất là những người vì không có học mà chết oan như bố ông. Về sau, nhân một lần xem phim, thấy cảnh  những người trung Quốc rất khoẻ mạnh đang há hốc mồm đứng xem quân Nhật chém một người Trung Quốc, ông bèn nghĩ, thì ra chữa bệnh cho họ về thể xác còn chưa quan trọng bằng chữa bệnh cho họ về tinh thần. Thế là ông bỏ nghành y chuyển sang sáng tác văn nghệ.

@ Anh TT : Đó là sự liên quan đấy anh ạ ! Lẽ ra em post bài lên ngay cho anh đỡ lăn tăn,  nhưng Trêu anh tý…!!! :D
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


KHẢO MÍT


Tết Đoan Ngọ, người ta có tục khảo cây trái trong vườn cho nó sai quả.
Cây mít nhà Ngốc đã mấy năm không chịu ra quả, nếu có cũng chỉ vài trái sài đẹn.
Tết Đoan Ngọ năm ấy, bố Ngốc sai Ngốc trèo lên cành mít, dặn dò cẩn thận rồi ông lấy roi vụt vào mông Ngốc:
    -  Mít!
Ngốc thưa:
    -  Dạ
    -  Năm nay có quả không?
    -  Có
    -  Có mấy quả?
    -  Nhiều quả.
Năm sau, cây mít nhà Ngốc ra được hơn mười quả.
Lớn lên, Ngốc lấy vợ. Ngốc thích có con lắm. Nghe kể chuyện Thánh Gióng, thấy mẹ Gióng chỉ ướm chân vào dấu chân có sẵn ở vườn cà mà mang thai, đẻ ra được Gióng, Ngốc bắt chước, cho nhổ hết cây ngoài vườn, chỉ trồng mỗi cà rồi in sẵn dấu chân mình ở góc vườn, bắt vợ hàng đêm phải ra ướm vào trước khi đi ngủ. Khi vợ Ngốc lên giường thì Ngốc đã ngủ khì từ lúc nào.
Mấy năm không thấy có con, Ngốc buồn lắm. Nhớ lại chuyện khảo mít hồi bé, Ngốc nhờ anh hàng xóm sang trèo lên vợ mình. Ngốc cũng dặn dò cẩn thận rồi lấy roi quất vào mông anh hàng xóm, bắt đầu khảo:
    - Vợ!
Anh hàng xóm thưa:
    -  Dạ
    -  Năm nay có con không?
    - Có
    - Có mấy đứa?
    - Nhiều đứa.
Xong, Ngốc lại yên tâm làm ăn, chờ kết quả. Vợ Ngốc biết cái trò "khảo vợ" ấy của Ngốc chẳng bao giờ linh nghiệm. Thương chồng, không muốn chồng thất vọng, hôm sau chờ lúc Ngốc đi cày, vợ Ngốc gọi anh hàng xóm sang nhờ “khảo” kỹ hơn.
Năm sau, vợ Ngốc sinh cho Ngốc một lúc hai đứa con trai kháu khỉnh. Ngốc mừng rơn.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


MỜI RA GỐC CÂY

  
      Tìm đến ông thợ cắt tóc ở đầu ngõ không thấy, tôi tự động viên: Thôi, lần này vào hiệu, có đắt một tí nhưng sang trọng, lại đỡ bụi đường.
      Đến một hiệu “Cắt tóc nam nữ” (tôi cố tình chọn biển hiệu không có chữ “thư giãn”), vừa đẩy cửa bước vào thì gặp hai cô gái trẻ. Các cô đon đả, như thể đã quen nhau từ trước:
    -   Gớm, lâu lắm mới thấy. Anh vào đi. Gội đầu luôn chứ anh?
    -   Có cắt tóc nam không cô?
    -   Vâng, nam nữ gì chúng em cũng đều cắt được tất.
    Tôi ấp úng:
    -   Không, tôi muốn … ý tôi là … vâng, thợ nam cắt …
    Các cô liền đổi thái độ:
    -   Thích đàn ông hở!?. Vậy thì mới anh ra gốc cây.
    Tôi tìm cách tháo lui. Thực tình thì oan cho tôi quá. Tôi là người có giới tính bình thường, bằng chứng là tôi đã lấy vợ và sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Nào có phải tôi không thích phụ nữ mà tôi thấy, đàn ông, nhất là các ông đứng tuổi thường cắt đẹp và cẩn thận hơn. Nhiều ông nói chuyện có duyên, khách được dịp hàn huyên đủ chuyện thời sự, chuyện nhân tình thế thái.
    Tôi tìm hiểu lại thì đúng là khu vực nơi tôi không một hiệu cắt tóc nào có nhân viên nam cả, trừ hai “hiệu”: một ở gốc cây đầu ngõ và một ngồi ké vào góc quán nước. Tôi vỡ lẽ: đàn ông mà thuê cửa hàng hành nghề cắt tóc thì chỉ có mà sập tiệm, cần cù cả tháng chưa chắc đã đủ tiền nhà. Có làm thuê cho các cô cũng chẳng cô nào dám nhận dù khéo tay đến mấy. Vậy mà tôi đòi cắt tóc ở hiệu, lại muốn nhân viên nam phục vụ, lấy đâu ra bây giờ.
    Lẽ thường, tay nghề cao ắt phải đông khách. Nhưng có cầu mới có cung. Chẳng lẽ cánh đàn ông ta đi cắt tóc không đơn thuần chỉ cần một mái tóc đẹp, để vô tình đẩy những người thợ cùng giới ra gốc cây hay góc ngõ.

NTT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NanLan

Thế ở VN toàn đàn ông đi cắt tóc à bác Thuỵ. Đàn bà cũng đi cắt tóc chứ. Mà đàn bà đi cắt tóc thì tất nhiên là cần nhân viên nam rồi:d:d:d
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Em có ý kiến là mọi người ủng hộ topic anh Thuỵ, gửi thêm đoản văn của mình vào đi cho vui. Sau này em thầu in đoản văn Thi viện, ko in thơ nữa
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

NamLan đã viết:
Thế ở VN toàn đàn ông đi cắt tóc à bác Thuỵ. Đàn bà cũng đi cắt tóc chứ. Mà đàn bà đi cắt tóc thì tất nhiên là cần nhân viên nam rồi:d:d:d
Mình cũng nhờ đến nhân viên nữ chứ, nhưng nếu nói thế thì lại không có gì để viết. :)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Hoa Xuyên Tuyết đã viết:
Em có ý kiến là mọi người ủng hộ topic anh Thuỵ, gửi thêm đoản văn của mình vào đi cho vui. Sau này em thầu in đoản văn Thi viện, ko in thơ nữa
Chắc em đã có sẵn một tài khoản bù lỗ cho những tài năng vườn. :)
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


CHUYỆN CÁI CÒI


Tôi đọc trong “Bauxite Việt Nam” thấy có câu chuyện vui “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”. Chuyện kể về một đoàn tàu mới xuất xưởng do các ông Các Mác, Lê Nin, Xtalin thiết kế, chế tạo. Nhưng khi phát lênh khởi hành thì đoàn tàu chỉ rú lên mấy hồi rồi ỳ ra tại chỗ. Ông Mác, ông Lê Nin rồi ông Xtalin lần lượt kiểm tra và cho nổ máy thử lại thì tình trạng vẫn thế trong khi thiết kế chế tạo không hề sai. Đến khi một công nhân kiểm tra thì phát hiện ra lỗi là tại hệ thống cung cấp năng lượng. Đáng lẽ các đường dẫn năng lượng phải cung cấp cho các bánh xe thì người ta lại dồn hết cho cái còi nên chỉ có cái còi kêu to còn bánh xe lại không chuyển động được.
Liên hệ đến Việt Nam ta thấy cũng không thiếu những chuyện tương tự. Nhưng ở đây tôi chỉ suy ngẫm đến chuyện viết lách hoặc viết và lách.
Nói tới việc viết, người ta thường nghĩ ngay đến Hội nhà văn. Mà sao lại gọi là Hội nhà văn nhỉ, vì hội ấy đâu phải chỉ dành cho nhà văn mà còn những nhà thơ, dịch giả và các “nhà” khác nữa.
Theo Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại” thì Hội nhà văn hồi ấy có chừng 600 vị nhưng lại tới 80% số hội viên nhà văn không có tác phẩm. Nhà văn mà không có tác phẩm, kể cũng lạ. Có thể số đó không có thời gian viết hoặc không viết được nhưng chắc là rất quan trọng cho Hội. Bây giờ đã là trên 800 vị và có lẽ tỉ lệ không có tác phẩm đã được cải thiện.
Tôi được biết bây giờ, ai muốn vào Hội trước hết phải có hai đầu sách đã in có chất lượng. Tuy vậy, hiện nay có thuận lợi là việc cấp phép xuất bản và in ấn lại khá dễ dàng, chỉ cần anh có đủ tiền và đừng ăn nói “phản động” là được. Tiền in hai đầu sách thì không khó kiếm lắm, nếu là thơ nghe đâu chừng 25, 30 triệu, chỉ bằng chi phí cho việc "chạy" một cái "sổ đỏ". Còn chất lượng ư? Anh bảo không hay, tôi bảo hay, chả chết ai. Điều kiện tiên quyết coi như xong.
Rồi vận động hành lang, miễn là anh có chịu chơi hay không, có theo đuổi mục đích đên cùng hay không. Thế là trở thành hội viên, nghĩa là anh đã có cái còi.
Còi kêu rồi, anh tha hồ được ngưỡng mộ. Đi đâu được giới thiệu là hội viên Hội nhà văn, ai chẳng khiếp.
Tuy vậy, đối với anh em trong nghề hoặc quan tâm đến sự viết lại là chuyện khác. Khi chưa phải là hội viên thì ít người để ý nhưng đã là hội viên rồi, người ta lập tức tìm tác phẩm của anh để đọc. Và không thiếu những trường hợp họ thất vọng. Mỗi lần như vậy, ngôi đền Hội Nhà văn bớt thiêng đi một chút.
Văn học mạng đã góp một phần rất đáng kể trong đời sống văn nghệ hiện nay, làm cho dàn hòa tấu thêm những âm thanh mới, réo rắt, vui tai. Nhiều bài thơ công bố trên mạng mà thơ in trên hai tờ báo văn nghệ còn phải nể.
Nhưng dù là mạng ảo, vẫn có những người thích có cái còi.
Họ viết, họ say sưa với những comment khen ngợi bài viết của họ. Họ lâng lâng. Nhưng chưa đủ, có người còn tạo ra những nick khác nhau để … tự sướng, ca ngợi chính bài viết của mình. Rồi lại phải trả lời cho những cái nick ảo ấy. Chuỵện này ở làng chơi blog không hiếm. Có bài thơ của nhà thơ tên tuổi chỉ một hai người vào viết cảm nhận thậm chí không nhưng lại có bài thơ làng nhàng mà tới 60, 70 comment cứ như là một hiện tượng văn học. Chỉ phục vụ cho cái còi mà người ta phải nhọc công đến vậy.
Để còi to hơn, người ta tìm cách chê bai (chứ không phải góp ý) những bạn viết. Người chưa hiểu thì bảo chắc họ phải giỏi giang lắm thì mới dám chê người khác. Tất nhiên cũng ít kẻ nhầm, hiệu quả cũng không được là bao.
Ngay cả những cuộc thi do các website tổ chức, cũng có chuyện tìm mọi cách để đoạt giải. Mục đích không phải là giá trị của giải thưởng mà là để khẳng định đẳng cấp của mình so với bạn viết.
Nhưng bài viết có hay thật không, còn chỗ nào dở và làm thế nào để viết hay hơn, nghĩa là làm cho bánh xe nó chạy thì họ lại không quan tâm. Họ chỉ lo cho mỗi cái còi.
Xem ra cái danh cái vị ở đời vẫn làm cho con người khổ sở đến thế, cho dù chỉ là cái danh ảo.

6/5/2010
NTT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


CƯỜI RA NƯỚC MẮT


1

-   Bố ơi, điện thoại của con còn nhiều tiền quá, bố có cần gọi cho ai không
-   Sao mày không để mà gọi, máy tao còn khối tiền.
-   Nhưng mùng 2 tháng 7 hết hạn rồi bố ạ.
-   Thì mày gọi hỏi thăm bạn bè
-   Máy đứa nào cũng bận. Hình như chúng nó cũng đang gọi hay phải nghe điện thoại của ai đó.
-   Thì gọi cho cái con bé người yêu của mày ấy.
-   Ngày nào chúng con chẳng gặp nhau. Con vừa gọi cho nó mấy chục phút, nó bảo con bị điên.
-   Thôi để đấy, tao giải quyết cho.

2

-   Chị ạ, em Tường đây.
-   Cậu Tường à
-   Chị có khỏe không ạ?
-   Khỏe.
-   Hôm nay chị có đi chợ không?
-   Có.
-   Chị nhớ giữ gìn sức khỏe, trời nắng đi đâu phải đội nón, nhưng vẫn phải mang theo áo mưa đề phòng …
-   Cậu không phải dạy.
-   Trưa nay chị ăn cơm với gì vậy?
-   Thịt, cá, trứng.
-   Chị ơi, chi ngâm Kiều cho em nghe với.
-   Cậu bị làm sao thế. Chị tắt máy đây. Tốn tiền.

3

-   A lô, xin lỗi ai đấy ạ?
-   Có phải anh Tường không, em đây!
-   Ai nhỉ?
-   Anh không biết em đâu, nhưng mà em biết anh, hỏi mãi mới ra số máy của anh …
-   Có chuyện gì vậy? Thôi tắt máy đi anh gọi lại cho.
-   Kìa anh, đừng, đừng tắt, máy em còn nhiều tiền mà, đủ nói chuyện với anh hết sáng nay …

Những cuộc nói chuyện kỳ quặc như trên đều có nguồn gốc từ một tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ Viettel: “Viettel tran trong thong bao chuong trinh khuyen mai tu ngay 23/6-25/6 tang den 150% gia tri cho cac the nap >=50.000 (quy ra phut goi va tin nhan noi mang)”, nhưng “quên” không nói rõ tài khoản khuyến mại của mỗi loại thẻ thời hạn sử dụng chỉ được từng ấy, từng ấy. Hẳn là còn nhiều khách hàng đang ngao ngán với khoản tiền khuyến mại khá lớn mà không biết gọi cho ai, "đổ đi thì tiếc, uống vào thì say".

TT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


GÁC BÚT
Truyện

            
            Vợ tôi từ ngoài chợ hớt hải chạy về, la thất thanh:
            -  Bố mày đâu?
            Tiếng cái Nhỏ thưa:
            -  Bố con đang trên phòng máy tính ạ.
            Tôi vội chạy xuống, thấy đôi quang sọt lăn lóc giữa sân liền hỏi:
            -  Lại bị đuổi chợ à? Có mất nhiều không?
            -  Ai đuổi? Mất cái gì? Mà mất thì vẫn còn đỡ.
            Tính vợ tôi, tôi biết. Thị lắm lời, quang quác nhưng được cái tần tảo, thương yêu chồng con hết mực. Một mình thị chạy chợ nuôi bốn đứa chúng tôi, đứa học phổ thông, đứa đại học, đứa cao học, riêng tôi đã hết tuổi đi học rồi thì đú với thiên hạ làm thơ. Thị chẳng phàn nàn gì, coi việc phục vụ chồng con là đương nhiên, là lẽ sống của mình. Bữa cơm nào chỉ có bốn miếng thịt thì người nhịn ắt phải là thị. Thị chỉ cần chồng con để thị yên ổn thực hiên cái thiên chức của người vợ, người mẹ.
            Tôi khổ nhất là hàng ngày phải nghe vợ la hét quát tháo lũ trẻ con. Nhưng nghĩ đến công của thị, tôi không nỡ nói. Tôi tìm mọi lý do để biện hộ cho vợ, dù thị chẳng khiến, rằng tại trẻ con nhà mình nó hư, tuy vẫn biết chúng hư là do được mẹ chiều quá mức. Ai đời thằng Nhỡ vào đại học rồi mà còn phải hầu hạ tới cả việc đánh giày cho nó, cho tiền để nó rủ bạn gái đi ăn kem. Bố chúng còn tệ hơn, đi đàn đúm với bạn bè, mời bạn gái uống cà phê, mua xe máy, điện thoại đắt tiền …  đều từ gánh rau của thị mà ra cả.
            Tôi lấy cho thị cốc nước mát, cầm quạt nan phẩy phẩy về phía thị, làm như không biết đến cái quạt điện đang chạy vù vù:
            -  Thì em cứ nghỉ đi một lát rồi nói gì hãy nói.
            Thị cầm lấy cốc nước ực một cái, dùng ống tay áo quệt ngang miệng:
            -  Anh đang viết văn phải không. Sao bây giờ anh lại đổ đốn ra thế.
            À, thì ra là vậy. Thế mà cứ tưởng chuyện gì ghê gớm lắm. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chắc cái Nhớn đang học bên Úc mách đây mà. Nó theo dõi tôi trên mạng rất chặt. Tôi làm thơ tình, nhiều bài lâm ly bi đát mà không phải là viết cho mẹ nó, nó biết cả nhưng bỏ qua. Nó tỏ ra hiểu bố. Nó biết tôi chỉ bịa ra viết linh tinh cho vui chứ vẫn yêu mẹ nó hơn ai hết.
            Lần này, hẳn là nó phát hiện ra tôi đang tập viết văn. Với mẹ con nó thì đây là một chuyện hệ trọng. Con tôi tuy cãi mẹ nhem nhẻm nhưng đứa nào cũng bênh mẹ nên tôi chẳng dại gì gây chiến với mẹ chúng.
            Tôi lựa lời:
            -  Anh làm sao viết được văn cơ chứ. Anh chỉ viết tạp văn, đại khái là nghĩ ra cái gì thì ghi vào cho khỏi quên ấy mà.
            Thị gạt đi:
            -  Tạp văn gì thì cũng là văn hết. Anh mà thành nhà văn thì thà giết em đi còn hơn.
            Rồi thị ngồi phệt xuống nền nhà, giẫy đành đạch, tru tréo:
            -  Em lạy anh! Nhà mình có một nhà văn, một nhà thơ đã đủ lắm rồi. Anh đừng làm tội vợ con thêm nữa. Tưởng lấy chồng thì như thế nào chứ …
            Tôi cố nín để khỏi bật ra tiếng cười. Thị làm như việc thành nhà văn giống như chuyện thị đi chợ mua rau, thích là được.
            Nhà văn mà thị vừa nói tới là anh tôi, còn nhà thơ là em trai thị. May mà thị chưa xếp tôi vào đám nào trong số ấy. Tại sao thị lại sợ nhà văn đến thế? Chuyện này chỉ có tôi hiểu nhưng nói ra cũng khó.
            Tôi bảo:
            -  Em đừng lo, anh có muốn cũng không thành nhà văn được. Em tưởng thành nhà văn mà dễ đấy à.
            -  Thì cái thằng Chuột ngày xưa học cùng phổ thông với em đấy. Nó viết thư tán em, đọc như đồ dở hơi. Chẳng qua là anh viết hay hơn nó, em mới theo, chứ đâu biết anh là kẻ lừa đảo. Vậy mà giờ nó cũng thành nhà văn rồi đấy.
           Ý vợ tôi muốn nhắc lại hồi đang tán tỉnh thị, tôi giấu biến không dám nói là mình thích văn thơ. Mỗi khi đến nhà thị, tôi lại luôn tỏ ra chân chỉ hạt bột, ham lao động. Tôi còn bảo, anh chỉ muốn sau này thành vợ chồng rồi, mình xin cơ quan cấp cho một gian nhà tập thể. Hai đứa sẽ chăm chỉ công tác, nuôi con lợn, ổ gà, trồng vạt rau, bắc thêm cái giàn mướp trước cửa nữa cho mát. Anh đi công trường, cuối tuần về với mẹ con em. Chủ nhật nhà mình sẽ đầy ắp tiếng cười ...
           Thị mê đắm trong viễn cảnh hạnh phúc mà tôi bịa ra nhưng chẳng bao giờ chịu thế. Sau này, thị vẫn hay nhắc lại. Một lần, thị lục thư cũ, đọc lại cho tôi nghe câu: “Từ ngày gặp nhau, em đã nhen nhóm trong lòng anh ngọn lửa tình yêu cháy bỏng, đã làm khơi dậy trong anh niềm khát vọng tới một cuộc sống thanh bình”. Tôi tỉnh bơ: "Không hiểu sao hồi ấy anh lại ngu si và khả ố đến thế”. Thị phát cho tôi một cái: "Đồ khốn nạn!" rồi bắt tôi ngả đầu vào lòng thị để thị nhổ tóc bạc. Thị xót xa cho chồng ...
            Tôi giải thích:
            -  Anh cũng công nhận là Chuột học văn có kém. Nhưng nó có chí hơn anh, được đào tạo cơ bản, làm việc đúng ngành, lại có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ thì mới thành nhà văn được. Còn loại thất nghiệp như anh thì thành được cái gì mà em lo.
            Thấy thị ngừng nói, tôi tưởng đã xuôi nên thừa cơ tấn công:
            -  Em yên tâm đi. Anh không thành nhà văn được đâu. Cứ để anh tập viết rồi mới có kiến thức sau này kèm cái Thêm học chứ.
            Cái Thêm là đứa đang trong bụng thị, chỉ mấy tháng nữa là nó ra đời. Đi siêu âm, kết quả là gái. Tôi bàn với thị đặt tên trước cho nó.
            Nhưng thị vẫn không nghe:
            -  Cái Thêm đã có thằng Nhỡ, cái Nhỏ nó dạy, không mượn đến anh.
            Việc thị cứ khăng khăng cho tôi có âm mưu trở thành nhà văn, nói theo cách nói của ngành tòa án là “không có cơ sở”. Nhưng chẳng lẽ chúng tôi lại mang nhau ra tòa nhờ phân xử.
            Tôi im lặng nghĩ cách khác để thuyết phục. Nhưng đột nhiên thị ôm lấy tôi, điều mà chưa bao giờ thị làm trước mặt con cái, chứng tỏ sự việc đối với thị là nghiêm trọng lắm. Thị nói qua nước mắt (chẳng hiểu thị huy động ở đâu mà nhiều nước mất đến thế):
            -  Nhá! Anh đừng thành nhà văn nhá. Em sợ lắm!
            Tôi chưa kịp bất ngờ về ngón đòn này thì thị đã rúc đầu vào ngực tôi thổn thức:
            -  Anh đừng viết gì nữa nhá. Viết mãi nó quen nết đi, nhỡ ra thành nhà văn lúc nào mà không biết thì khổ. Anh ừ đi! Nào!
            Đến nước này thì hết cách. Giá như thị xỉa xói, la lối lên thì tôi đã chẳng sợ. Người ta bảo nước mắt là vũ khí hữu hiệu nhất của phụ nữ, quả không sai. Họ mà khóc, đàn ông dù sắt đá đến mấy cũng phải mềm lòng, kể cả trước đối tượng vừa già vừa xấu như thị.
            Tôi nhìn vợ thương cảm. Rồi nghĩ đến công của thị đối với bố con tôi, tôi cay đắng gật đầu. Lần đầu tiên tôi biết chiều theo ý vợ.
           Vậy là cái mục “Tạp văn” của tôi mới khai trương được mấy ngày đã phải đóng cửa. Vâng, tôi sẽ đề nghị Ban quản trị xóa topic ấy rồi gọi điện sang Úc cho cái Nhớn vào kiểm tra, báo cáo kết quả với mẹ nó.


18/5/2010
TT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối